Liễu Sơ Tuyết nhìn người đàn ông chất phác đang nằm trên giường bệnh. Có lẽ do cảm xúc còn sót lại từ nguyên chủ, nước mắt cô đã dâng lên nơi khóe mắt. Cô khẽ nói:
“Ba, ba yên tâm đi, tụi con sẽ sớm xoay được tiền để có thể đưa ba lên thành phố chữa trị.”
Nghe vậy, ánh mắt ba Liễu thoáng trầm xuống, ông khẽ thở dài:
“Tiểu Tuyết à, chuyện này để người lớn trong nhà lo, con đừng có dính vào làm gì hết. Ráng mà lo học hành cho tốt.”
Vốn dĩ việc ông kiên quyết cho ba cô con gái đi học đã khiến ba mẹ của ông không vui rồi. Giờ ông lại còn bị thương, e rằng cả nhà sẽ không trụ nổi mấy tháng nữa. Ông sợ chính chuyện này, cà nhà sẽ lấy cớ để ép con bé phải nghỉ học.
Liễu Sơ Tuyết không phản bác, chỉ nhẹ nhàng nói:
“Ba, ông bà nội về rồi, chắc đang bàn bạc với mọi người. Con tính lát nữa sẽ lên nông trường Bắc Ngoại, đưa thư cho chị, thử hỏi xem có vay được ít tiền từ anh rể hay không.”
Ba Liễu nghe vậy thì vội vàng xua tay:
“Đừng, đừng nói đến chuyện mượn tiền với anh rể con. Đừng làm khó chị con.”
Nhà con gái lớn vẫn chưa ra riêng, nếu như mở miệng vay tiền, thì chắc chắn con gái lớn sẽ rơi vào thế khó xử với bên nhà chồng. Ông không muốn để con gái mình phải chịu cảnh khó xử đấy.
Liễu Sơ Tuyết hiểu rõ nỗi lo đó của ông.
“Ba cứ yên tâm, con sẽ không để cho chị hay anh rể phải khó xử đâu.”
Hai cha con trò chuyện được thêm một lúc, thì Liễu Sơ Tuyết sợ lỡ lời lộ ra sơ hở, bèn lấy cớ phải đi sớm để lên nông trường.
Còn chuyện hai bác cháu nhà họ Cát vừa làm ra, tạm thời cô không muốn nhắc đến. Vừa mới xuyên đến cái nhà này chưa được bao lâu, chuyện này cũng là dịp tốt để thử xem lòng dạ thật sự của những người nhà họ Liễu ra sao.
Dù sao thì giáo viên và bác sĩ đều có thể làm chứng cho cô. Nếu như Cát Tú Lan dám giở trò, thì tự bà ta sẽ chuốc lấy hậu quả, đúng theo kiểu gậy ông đập lưng ông.
Liễu Sơ Tuyết tìm được chỗ khuất ở gần bưu điện, ngồi nghỉ tạm. Lúc này cô mới có thời gian hệ thống lại ký ức của nguyên chủ, từng mảng, từng mảng ghép lại với nhau.
Tại làng Liễu Thụ, Cát Tú Lan đang cấy lúa ngoài đồng. Thi thoảng bà ta lại ngẩng đầu lên nhìn về phía ngọn núi, cố gắng che giấu đi sự phấn khích trong mắt, sợ bị người khác nhìn ra điều gì bất thường.
Khi bà ngẩng đầu lên lần thứ mấy thì cũng chẳng biết được, Liễu Kiến Đông thằng con trai thứ hai của bà ta tiến lại gần:
“Mẹ, mọi chuyện ổn chứ?”
Cát Tú Lan liếc nhìn xung quanh một vòng, thấy xung quanh không ai chú ý đến chỗ này, thì bà ta mới hạ giọng:
“Thuận lợi. Con cứ chuẩn bị lên thành phố làm việc đi là vừa.”
Liễu Kiến Đông vẫn thấp thỏm:
“Nhỡ con bé biết rồi làm ầm lên thì sao?”
Bà Cát trừng mắt nhìn con trai:
“Sợ cái gì? Chỉ cần qua đêm nay thôi, là nó đã mất hết danh tiếng rồi, thì cho dù có biết chuyện đi chăng nữa nó cũng chẳng dám mở miệng. Mà ai lại đi nói mấy chuyện đó ra?”
Sáng nay, chính bà là người gợi ý cho Giang Sơ Tuyết lên nông trường. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy bà ta nhiệt tình, chu đáo lo cho nhà lão nhị, ai mà nói bà được gì?
Đợi đến lúc có chuyện kiểu như “đi cả đêm không về” thì người ta chỉ than thở rằng con bé bị xui xẻo. Mà sau vụ này, nhà bà nhất định được lợi: con trai thì có việc làm, cháu trai thì cưới được vợ, bên nhà mẹ đẻ lại có thứ để bà ta nắm thóp, đúng là vẹn cả đôi đường. Mới nghĩ đến đó mà lòng bà đã ngập tràn vui sướng.
Còn chuyện danh tiếng của con bé kia bị huỷ hoại, có ảnh hưởng gì đến chuyện cưới xin của con gái út nhà bà ta hay không? Bà ta chẳng mảy may bận tâm, con gái út của bà ta còn nhỏ, ít nhất thì cũng phải vài năm nữa mới đến tuổi lấy chồng. Tới lúc đó, ai còn nhớ tới chuyện bây giờ nữa chứ?
Bà vẫn luôn để bụng chuyện hai đứa con gái bên nhà lão nhị học hành giỏi giang hơn con cái nhà mình, mà dân làng thì cứ hay bàn tán, so sánh.
Giờ bên nhà lão nhị gặp nạn, không thể cáng đáng được chuyện gì, bà chỉ cần thêm mắm dặm muối bên tai ông bà già, bà không tin hai đứa con gái bên đó còn có thể được đi học tiếp.
Vậy là không chỉ tiết kiệm được tiền học, mà hai đứa Sơ Tuyết, Xuân Hiểu cũng phải nghỉ học về nhà đi làm đồng. Đến lúc đó, xem dân làng còn dám đem con bà ra so với tụi nó nữa hay không!