Tài xế xe buýt nhỏ tên Khang Hội Quốc, chưa đến ba mươi tuổi. Nghe nói mười bảy mười tám tuổi đã theo người lớn ra ngoài làm công một thời gian, nhờ vậy mà cũng kiếm được chút tiền. Nhưng vì tính tình anh ấy trầm lặng lại nóng nảy, cảm thấy không chịu được sự bực bội của lãnh đạo trong xưởng nên dứt khoát đưa bạn gái quen ngoài kia về thôn Đào Nguyên.
Cô bạn gái ấy cũng là người thôn khác, nghe nói thôn của cô ấy còn nghèo hơn. Trước kia, cô ấy thậm chí còn chưa học hết tiểu học đã bị gia đình bắt đi làm thuê, phần lớn tiền lương dành dụm hàng tháng đều phải gửi về nhà để nuôi em trai ăn học. Sau này, cô ấy và Khang Hội Quốc phải lòng nhau, muốn kết hôn mà nhà gái lại "hét" giá sính lễ đến hai trăm triệu tệ, khiến cô gái trẻ tức giận. Cô ấy chẳng cần gì cả, bỏ việc sau đó xách hành lý theo Khang Hội Quốc về đây, mặc cho người nhà ruột thịt giận dữ mắng nhiếc, cô ấy cũng nhất quyết không quay đầu.
Hai thôn cách nhau quá xa, vả lại sang địa bàn người khác gây sự cũng chẳng được lợi lộc gì, bởi vậy nhà gái gọi điện mắng chửi vài lần rồi cũng thôi, nghe nói còn trực tiếp xóa tên cô gái khỏi hộ khẩu, đồng thời mắng cô ấy là đồ vô ơn, chết cũng không cho về thôn.
Thế là cô gái tên Hoàng Xảo Ảnh này nhập hộ khẩu vào thôn Đào Nguyên và kết hôn với Khang Hội Quốc.
Cuộc sống sau hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ diễn ra êm đềm, đến nay họ đã có đủ trai đủ gái. Nhờ tích cóp nên gia đình mua được một chiếc xe buýt nhỏ, chuyên chạy tuyến đưa đón khách ra vào thôn Đào Nguyên và mấy thôn khác trong khe núi này. Tuy thu nhập chẳng đáng là bao nhưng đổi lại công việc này giúp mọi người đi lại thuận tiện hơn nhiều. Quan trọng nhất là anh ấy được ở gần nhà, dù cho làm ruộng có vất vả hơn, ít ra cũng không phải chịu đựng những nỗi ấm ức không đáng có.
Sở Diệu gọi điện trước cho trưởng thôn Khang Vĩnh Toàn để xin số điện thoại của Khang Hội Quốc, sau đó cậu gọi cho Khang Hội Quốc, nhờ anh ấy nán lại thị trấn thêm một lát để đón người nhà mình. Nhân tiện, cậu còn nhờ anh ấy mua giúp một chiếc tủ lạnh và máy giặt mang về cùng.
Lúc ấy, Khang Hội Quốc đang phân vân không biết có nên nhận chở chuyến hàng hay không, bởi vì việc này khá tốn thời gian, hơn nữa nếu lúc về thôn không đón được khách, chạy xe không thì lại lỗ. Nghe điện thoại của Sở Diệu, anh ấy lập tức đồng ý ngay, đồng thời tiện tay nhận luôn cả việc giao hàng.
Sở Diệu lại mua thêm mấy con gà mái béo của người trong thôn, để đến xế chiều hầm một con, đợi ông bà và cha mẹ đến là vừa kịp bữa.
Có lẽ do hôm qua ngủ sớm, nên hôm nay cậu cũng dậy sớm. Sau khi làm việc cả buổi sáng, cậu nấu qua loa một nồi mì sợi, rồi cùng ba vật nhỏ trong nhà ăn uống, nghỉ ngơi một chút để tinh thần phấn chấn trở lại.
Không biết có phải nhờ non xanh nước biếc nơi đây hay không, mà sáng sớm thức dậy còn thấy lưng đau, vai mỏi, chân co rút nhưng sau khi vận động cả buổi sáng, đến chiều lại chẳng còn thấy nhức mỏi, thậm chí còn khoan khoái hơn nhiều. Thế là, Sở Diệu lại xách dao lên sườn núi phía sau chặt mấy cây tre rồi kéo xuống.
Hàng rào nhất định phải làm cho xong sớm, không có hàng rào thì chẳng dám nuôi gà. Còn khoảng đất tương đối bằng phẳng trước nhà cũng phải khai khẩn, dẫn nước vào ngâm, như vậy mới không ảnh hưởng đến việc canh tác vụ xuân. Cậu tính toán, ở nơi tốt như thế này, trồng rau màu chẳng cần dùng đến thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học gì cả, cứ trồng thực phẩm xanh, hữu cơ. Việc bán ra ngoài thì còn xa xôi quá nhưng ít nhất cả nhà được ăn đồ an toàn, thế là yên tâm.
Ngày nay, thực phẩm hữu cơ ở siêu thị bán đắt như tôm tươi, nếu tự mình trồng đủ cho cả nhà ăn, tính ra cũng coi như tiết kiệm được một khoản kha khá.
Nồi canh gà trên bếp đã sôi sùng sục, bên trong còn có nấm hương khô và măng khô do trưởng thôn đặc biệt mang biếu. Con gà mái này được nuôi khéo, vừa to vừa béo, trên mặt nước canh nổi một lớp váng dầu vàng óng, nhìn thôi đã thấy thèm. Một nồi khác đang đun một nồi nước lớn, đợi người nhà đến để rửa mặt và rửa tay cho sạch sẽ, hơn nữa còn giúp giải mỏi. Rửa mặt, rửa tay xong xuôi, thì lấy nước canh gà nấu một nồi mì rau lớn, ăn nóng hổi, như thế mới là sung sướng nhất.
Khang Hội Quốc là một chàng trai rất thật thà, không những đưa đón người già chu đáo mà còn đặc biệt chèo thuyền chở đồ đạc lên tận đảo.
Sở Diệu muốn giữ anh ấy ở lại ăn cơm nhưng anh ấy lại xua tay từ chối, nói vợ ở nhà đã nấu cơm xong đợi sẵn rồi, sau đó cười hề hề chèo thuyền về.
Vừa đặt chân lên đảo, tinh thần của ông nội Sở đã phấn chấn hơn hẳn, nhìn ngang nhìn dọc thấy cái gì cũng ưng ý, đến nỗi nhìn mãi, ông cụ còn rơi nước mắt.
"Cuối cùng cũng có nơi để về." Ông cụ thở dài, đưa tay quệt ngang mặt.
Mặc dù ông cụ đã sống ở thị trấn mấy chục năm nhưng cứ hễ nghĩ đến họ hàng thân thích là lại cảm thấy bực bội, thậm chí chẳng buồn về quê. Thế nhưng, người già vốn đã quen với cuộc sống gian khổ, so với ở thị trấn, ông cụ lại thích có vài sào ruộng hơn.
"Có đất thì mới thấy an tâm, dù cho bôn ba bên ngoài thế nào, đất đai ở nhà cũng coi như một đường lui. Đời người chẳng phải chỉ mong có cái ăn, cái mặc hay sao? Càng già, lại càng thấy làm ruộng mới là chắc chắn."
Cả gia đình này đều không có ai quá tham vọng. Ông nội cả đời làm nghề dạy học, bà nội thì hiền lành, dịu dàng, ấy vậy mà cũng là một người thích ở nhà chính hiệu. Cha mẹ cậu có khá hơn một chút, dễ dàng tiếp nhận những điều mới mẻ. Tuy nhiên, dù vậy, họ cũng rất ngưỡng mộ những gia đình có đất đai. Những lúc rảnh rỗi trồng rau, trồng lúa, nuôi thêm vài con gà, một năm tiết kiệm được không ít tiền. Chứ không như họ, chỉ có thể trồng tạm vài cây cải, cây hành trên ban công, thật là gò bó.
Hơn nữa, ở thị trấn, gia đình họ cũng được chia hai căn hộ do thuộc diện cải tạo, bây giờ chẳng còn mong cầu gì hơn, mà chỉ mong cuộc sống được thoải mái.
Quan trọng nhất là, họ đã chấp nhận việc Sở Diệu không thể có con, cho nên sau này dù cậu sống một mình hay nhận con nuôi, đó cũng là chuyện của người trẻ. Những người có tuổi như họ, trước hết cứ lo liệu cho cuộc sống của mình cho ổn thỏa đã.