Buổi sáng tới cơ quan, Giai lập tức xin trưởng ban nghỉ buổi chiều để giải quyết chuyện riêng. Giai đã hẹn với Hàng ba giờ chiều nay cùng tập trung tiền để đi đặt cọc nhà. Ban đầu, Hàng nói sẽ đi qua đón nhưng Giai từ chối. Giai sống ở phía Đông Nam, Hàng lại ở phía Tây Bắc, căn nhà mua lại ở phía Tây Bắc, vậy thì việc gì phải mua đường? Hàng đồng ý nhưng dặn Giai nhất định không được viện cớ gì mà đến muốn hoặc không đến được, vì đối với họ mà nói, nộp tiền đặt cọc là một việc làm mà ý nghĩa của nó lớn lao hơn việc mua một căn phòng rất nhiều. Hôm qua về nhà, Giai nhắn tin cho Hàng, cũng chẳng có việc gì quan trọng, chỉ nói chuyện thôi, nhưng Hàng chưa về. Giai gọi điện thì máy báo “thuê bao tạm thời không liên lạc được”, Giai đoán chắc điện thoại hết pin, nhưng cũng chẳng dám gọi tới nhà đành nhẫn nại chờ cả tối. Cả tối dài không liên lạc, quả thật rất khó chịu. Sáng nay phải họp để bàn về bìa sách, số lượng in, phương án PR và tựa đề cho cuốn sách của giáo sư Cố. Phòng phát hành cũng cử người tới dự. Vì đây là cuốn sách nhận tài trợ của Khải Đoạn nên phòng phát hành cũng rất nhiệt tình. Chứ thông thường họ chẳng bao giờ để ý tới những cuốn sách học thuật hay những tác giả vô danh. Cuộc họp kéo dài tới tận bữa trưa. Trong thời gian đó, Giai lén ra ngoài gọi điện cho Hàng, nhưng không thấy nghe máy, Giai nghĩ có lẽ Hàng đang bận hoặc có thể vì bên đó ồn quá nên không nghe máy đổ chuông. Hàng đã nói rồi, chiều nay phải tới công trường mà. Buổi trưa, sau khi ăn trưa xong, Giai ra ngoài rửa bát, Hàng lại gọi tới, gọi tới máy bàn nên Tây nhấc máy nghe. Rửa bát vào, Tây nói với Giai rằng Hàng gọi bảo chiều nay có việc, thế nên chuyện đã hẹn nhau kia chiều Hàng không thể tới được. Giai không tin gọi lại ngay cho Hàng. Lúc đó Hàng bắt máy, giọng nói rất khách sao, nếu không muốn nói là rất lạnh lùng. Giai chẳng hiểu chuyện gì xảy ra vội hỏi Hàng nhưng Hàng chỉ bảo chẳng có việc gì; hỏi vậy lúc nào có thể đi Hàng bảo để lúc khác bàn. Sau đó nói mình đang bận không để Giai nói thêm lời nào liền ngắt máy. Giai từ từ ngắt máy, trong lòng cảm thấy thật buồn. Giai nhìn Tây, Tây cũng đang nhìn Giai. Thế nên, Giai hỏi thẳng Tây: “Hàng sao vậy?”
Tây trả lời thành thật: “Chuyện bạn xin tài trợ từ Khải Đoạn, nó biết rồi.”
“Bạn nói với Hàng hả?”
“Là Khải Đoạn nói. Mình không phủ nhận.”
“Vì sao bạn không phủ nhận?”
“Lúc đầu, cũng không nghĩ ra. Mà sao bạn không nghĩ xem vì sao tình cảm của hai người mỏng manh tới vậy? Chỉ có chút việc bé xíu thế này cũng không vượt qua được, thế gọi là gì?... Từ đầu mình đã khuyên bạn rồi, đừng có mà cảm động trước chân tình, bạn nghĩ là mình chỉ lo cho em trai thôi sao, bây giờ bạn biết mình vì ai rồi đấy. Vì cả hai người! Sự thay đổi của thanh niên rất lớn, khi yêu bạn thì cái gì chẳng tốt; nhưng nếu không vừa ý, liền quay đầu luôn! Hai người sớm muộn cũng vậy thôi…”
Giai chẳng đợi Tây nói xong liền nhấc máy gọi lại cho Hàng. Hàng nhận điện thoại và nói “tôi nghe”. Từ trước tới giờ khi nhận điện của Giai có bao giờ Hàng nói hai chữ “tôi nghe” đâu. Nhưng lúc ấy, Giai không thể ngờ mọi việc lại thế này, nên nói thẳng luôn trong điện thoại. “Ba giờ chiều nay địa điểm cũ để giao tiền, em đợi anh!” Nói xong liền cúp máy. Đồng thời lúc đó Giai cũng đưa ra quyết định rằng, nếu ngay đến cơ hội để giải thích Hàng cũng không cho, thì những gì Tây đoán là đúng, họ thực sự không thể hoà hợp.
Chiều nay Giai định tới sớm hơn chút, không ngờ vì đường quá xa, lại không tính hết thời gian tắc đường, nên không những không tới sớm được, thậm chí còn tới muộn năm phút. Suốt dọc đường, Giai cắn răng, toát mồ hôi, nếu vì Giai tới muộn mà Hàng bỏ đi dẫn tới việc chia tay, Giai biết khóc than ai đây. Chuyến xe đi tới vành đai 3 phía Bắc thì đành dừng lại không đi được nữa. Nghe nói gần cầu Liên Tưởng xảy ra tai nạn giao thông. Người lái xe lấy tờ báo sáng ra xem, đọc hết trang này sang trang khác khiến Giai cảm thấy bực mình với người lái xe không biết đồng cảm với người cùng thuyền này, mà Giai không biết rằng đó là phẩm chất qua tôi luyện mới có được. Trong đoàn xe lẫn cả tiếng hú của xe cứu hộ, nhưng để làm gì chứ? Một đoàn xe dài nối đuôi nhau sát sin sít đến người còn chẳng chen được nữa là xe. Nghe nói ở thành phố Mexico, có người còn đi làm bằng trực thăng để tránh tắc đường, nơi đỗ máy bay là tầng trên cùng của toà nhà công ty anh ta, đúng là giàu có thật là tốt. Nhưng vấn đề đâu phải ai cũng giàu có, nếu không thì đặc quyền đặc lợi cũng đâu còn nữa. Bạn nghĩ mà xem nếu rất nhiều người có thể đi làm bằng máy bay cũng như hiện giờ nhiều người đi làm bằng ô tô, vậy thì cũng dễ xảy ra tắc đường trên không trung. Mà tắc đường trên không trung còn tệ hơn ở mặt đất, tốn nguyên liệu là một phần, nhỡ may đâm vào nhau thì hậu quả thật khó lường. Thế mới biết khoa học là vô tận, phát triển rất nhanh không phải là quá tốt với con người… Khi Giai đang nghĩ ngợi lung tung thì chiếc xe từ tư lăn bánh. Tai nạn giao thông đã được giải quyết! Giai nhìn đồng hồ và khẽ thở dài. Nếu trên đường không xảy ra chuyện gì, Giai đến kịp thì còn có chút hy vọng.
Giai đến muộn năm phút. Vừa xuống xe Giai vội chạy tới phòng mua, khi chạy gần tới nơi chợt nhìn thấy Hàng đang đứng trước cửa, thân hình lêu ngêu, mặt dài ngoẵng đang nói chuyện với ai đó. Giai nhìn Hàng thất thần, trong chốc lát không muốn chạy lại bên Hàng. Hàng tới, và vẫn đợi Giai, điều này chứng tỏ Hàng còn quan tâm tới Giai, muốn nghe Giai giải thích, nhưng nhỡ nghe Giai giải thích xong, Hàng vẫn vậy thì sao? Nếu như vậy thì thà cứ giữ một tia hy vọng còn hơn. Lúc ấy, Hàng tình cờ đi lại phía này, mà cũng có thể không phải là tình cờ, là Hàng cảm nhận được ánh mắt của Giai, bốn mắt nhìn nhau. Hàng nói nốt mấy câu gì đó rồi cúp máy, bước xuống cầu thang. Giai cũng bước tới, hai người ngày càng tiến lại gần nhau hơn, rồi dừng lại. Giai nghĩ có lẽ mình nên nói trước nhưng thật sự chẳng dễ mở miệng chút nào, thế nên Hàng là người nói trước.
“Vì sao em lừa anh?
“Em không lừa anh.”
“Em và anh ta bàn về chuyện tài trợ.”
“Em không hề nói là không bàn với anh ta.”
“Thế thì khác gì lừa anh.”
“Em không nghĩ vậy. Em không hề nói dối.”
“Nói dối có hai loại, một là lật trắng thay đen, hai là giấu đi cái đen tối đó.”
“Hàng, anh đừng vô lý thế chứ! Em không nhắc tới anh ta là vì không muốn anh bận tâm, không muốn anh buồn. Em nghĩ rằng chỉ cần em hiểu phải làm gì là được.”
“Được thôi, vậy anh có thể hỏi em câu này, em còn gì không muốn anh bận tâm, không muốn anh buồn nữa không, có thể nói cho anh được không?”
Giai tức giận, hai mắt mở to, quay đầu đi thẳng. Hàng “hừm” một tiếng rồi cũng quay lưng đi, hai người đi về hai phía.
Điện thoại ban 6 đổ chuông, Tây lại bắt máy, là điện thoại trợ lý Khải Đoạn gọi tới, yêu cầu nhà xuất bản tổ chức buổi thảo luận sách của Giáo sư Cố, mời tác giả tới dự nói về dự án bất động sản, yêu cầu cụ thể là nói về giá trị nhân văn của các dự án bất động sản, nhưng Tây từ chối luôn. Dù nói về giá trị nhân văn chính là sở trường của bố, nhưng làm sao có thể nhờ bố đây! Bố mà biết cuốn sách này được xuất bản nhờ tài trợ chắc sẽ không xuất bản nữa, mà để xin tài trợ còn bắt bố đích thân ra mặt nói mấy lời khen ngợi thì chắc chắn bố sẽ không làm, thà không ra sách còn hơn làm vậy. Tây hiểu bố mình quá mà, đó là đại diện của phần tử tri thức cũ, làm gì cũng phải giữ thể diện, “không được luồn cúi quyền thế”, chỉ trách lúc đầu bàn với Đoạn, Giai không nói rõ vấn đề này. Giai nói rằng lúc đó Đoạn đâu có đề cập tới chuyện này. Thế là Tây phảy tay: “Vậy kệ anh ta đi. Dù sao hợp đồng cũng đã ký rồi.”
“Hợp đồng thì đã ký song tiền chưa chuyển về.”
Tây bỗng ngớ người ra.
Giai nói tiếp: “Nếu không, để mình gọi điện cho anh ta vậy.”
“Làm phiền bạn nhé!” Tây lí nhí thốt ra mấy lời như vậy.
Việc Giai và Hàng cãi nhau Tây cũng biết. Dù đây là kết quả mà Tây và gia đình luôn mong đợi, nhưng khi nó xảy ra, Tây cũng thấy tiếc cho hai người và cũng thấy có chút tội lỗi. Bất luận nói thế nào đi chăng nữa, Tây cũng không phải kẻ chia rẽ tình yêu của họ. Và Tây cũng tự an ủi rằng đó là nguyên nhân bên ngoài chỉ là ảnh hưởng của nguyên nhân bên trong, còn nguyên nhân bên trong mới là cái nguyên nhân sâu xa nhất. Mà nguyên nhân sâu xa đó là, hai người họ vốn dĩ không thuộc về nhau. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cảm giác tội lỗi trong Tây vẫn không hoàn toàn mất đi. Thậm chí khi thấy Giai đôn đáo cho cuốn sách của bố, Tây cũng thấy khó xử, thấy mình như kẻ tiểu nhân vậy. Vẫn còn nghi ngờ Giai giúp bố là vì lấy lòng bố, nghĩ thế chẳng phải tiểu nhân là gì. Sau một hồi gọi điện thoại, Giai thông báo là Đoạn không hề có ý đó, đó là chủ ý của cấp dưới, anh ta sẽ gọi điện bảo họ lập tức chuyến tiền đến. Tây vừa gật đầu cảm kích: cái gì mà “chủ ý của cấp dưới” chứ, nếu anh ta không ra lệnh, cấp dưới có làm cũng được gì đâu, đúng là vừa được ăn vừa được nói, vừa được gói mang về. Đây là vì Giai gọi cho anh ta, anh ta ngại gặp mặt Giai nên mới nói thế. Nói cách khác, đối với Giai, ngoài vấn đề kết hôn, thực tình cũng có tình cảm. Anh ta yêu Giai thật!
“Cảm ơn.” Tây khẽ nói, ngừng một lát, Tây tiếp tục thanh minh: “Giai à, mình phản đối bạn với Hàng thực sự không hoàn toàn là vì Hàng thôi đâu.”
“Chủ yếu là vì Hàng, cậu sợ em trai bị lừa.”
“Cũng sợ cậu bị tổn thương! Mình đã nói rồi, Hàng là đàn ông, dù bị lừa cũng thiệt thòi tới đâu chứ?” Ngừng giây lát, Tây lại nói: “Mình nói rõ nhé, mình thực sự không có ý định đẩy cậu vào tay Khải Đoạn. Mình thực lòng nói rằng, Khải Đoạn là một người đàn ông không tồi. Có tiền, rất yêu bạn, không ít cô gái muốn theo đổi không được…” Lúc đó nét mặt của Giai lộ vẻ khó chịu khiến Tây không nói thêm được gì nữa. Sự khó chịu đó có thể dành cho Đoạn mà cũng có thể đang dành cho Tây, cho những hành vi của Tây. Tây cúi mặt xuống vờ như đang đánh máy, chữ đánh ra Tây cũng chẳng hiểu ý nghĩa là gì nữa, cứ thế mà gõ thôi, lát sau mới dám ngẩng đầu lên, dũng cảm nói với Giai: “Giai à, có cần mình đi giải thích với Hàng hộ không?”
Tây không trả lời được. Tiếp tục đánh máy. Lại gõ một lúc lâu, rồi dừng lại: “Giai, mình hỏi bạn câu này nhé!”
“Ừ.”
“Nếu bây giờ Khải Đoạn đồng ý cưới bạn, bạn sẽ lấy anh ấy chứ?”
“Không có nếu vậy đâu.”
“Thì giả dụ.”
“Vậy thì anh ta đã chả là anh ta rồi!”
“Mình hiểu rồi.” Tây khẽ gật đầu. “Vấn đề cốt lõi của bạn là anh ta không chịu cưới bạn, cũng giống như Jane Eyre (1) (nhân vật nữ chính trong tác phẩm cùng tên của Charlotte Bronte), bạn cần danh phận trong ngôi nhà đó.
“Sao bạn không nói mình giống Jane Eyre luôn đi, không muốn làm người tình được sủng ái của kẻ nhà giàu?”
“Làm người tình được sủng ái và làm vợ không biết cái nào tốt hơn, điều này cần phải suy nghĩ đã. Ví dụ nhé, nếu bạn để anh ta lựa chọn, là người tình của kẻ lắm tiền và…” Tây nghĩ một lát “hay là vợ của những người như Quốc, bạn chọn thế nào?”
“Nói vậy cực đoan quá.”
“Cực đoan mới nói được ra vấn đề.”
“Ý bạn là gì?”
“Vật chất và tình cảm không thể phân rạch rõ rằng.” Sau đó Tây dốc bầu tâm sự: “Chẳng nói đâu xa, mình với anh Quốc, tình cảm sâu đậm là vậy. Ban đầu cũng phải vượt qua biết bao cản trở, đến giờ sao chứ? Ba ngày năm trận, cãi nhau rồi lại làm lành. Khi quyết định đến với nhau là thật lòng; nhưng khi cãi nhau cũng là thật. Điều này nói lên cái gì? Con người không thể hoàn toàn chủ động mọi chuyện, đồng thời còn bị môi trường và chính những thay đổi trong mình tác động. Giai à, nếu nói về điều kiện thì mình với bạn cũng tương đương nhau. Đừng bao giờ nghĩ rằng có tình yêu là có tất cả, hay tình yêu là cái gì đó không thể bị phá huỷ không thể thay đổi, không, không, không, bởi vì, tình yêu không chỉ là tinh thần mà còn là vật chất…”
Giai vẫn chẳng nói lời nào.
Gió Bắc khẽ khàng rít, những cành lá rung rinh theo làn gió, tuyết rơi suốt một ngày một đêm, trên mặt nước hồ lạnh cóng đóng thêm lớp băng mỏng, cái lạnh mùa xuân đã tới rõ ràng buốt giá hơn cả cái rét mùa đông, khiến lòng Quốc thêm buồn tê tái. Quốc buồn vì người anh trai đang phải ở trong gian nhà tạm, càng buồn hơn vì người cha già đang đau đáu nghĩ suy cho con trai mình. Phải bố trí để bố về quê sớm vài ngày, lúc ấy còn là mùa xuân ấm áp trăm hoa đua nở tươi đẹp. Nhưng bố nhất định không về, lý do vì mấy việc ông định làm chưa xong, không đành lòng đi về.
Mấy ngày nay, Tây toàn ở nhà bố mẹ đẻ không về. Nói hơi quá đáng chút, nhưng những ngày Tây không ở đó, ba bố con họ sống cùng nhau thật tiện lợi. Mà đâu chỉ có tiện lợi, mà là rất tiện lợi. Những ngày Tây không có nhà, Quốc thường tới đón anh về ăn cơm. Về ăn cơm, tắm rửa, quần áo của anh cũng mang về giặt, máy chỉ quay mấy cái rồi lấy ra phơi trong không khí điều hoà, một đêm là khô, sáng hôm sau tỉnh dậy có thể mặc được luôn. Thử hỏi nếu Tây ở nhà, Quốc dám làm thế không? Mà dù Tây có cho phép, Quốc cũng không thể chịu nổi những ấm ức và cằn nhằn Tây thể hiện ra mặt. Ấm ức là Quốc đoán thôi, nhưng 100% đó là sự thực. Không ít lần Quốc giữ anh ở lại nhưng Thành không chịu. Thành quả thực là một người rất biết điều. Nhìn thời tiết bên ngoài, bố Quốc ruột đau như cắt, nhưng con trai cứ nhất định đòi về vì phải làm thêm ca. Sáng qua tuyết rời nhiều nên không làm được gì rồi, hôm nay phải tăng ca. Tuyết đã ngừng rơi, nhưng trời vẫn chưa ấm lên, vẫn tăm tối và rét lạnh. Thời tiết như vậy mà vẫn phải làm thêm ca, liệu có còn là con người không chứ? Hôm nay lại là cuối tuần, Quốc nhờ bố làm món mỳ trộn, trộn nước sốt thịt nạc băm. Bố có một tiêu chuẩn cho món ăn ngon là có thơm hay không. Hôm đó món mỳ trộn Quốc cho hơi nhiều dầu, lúc sốt thịt còn cho thêm dầu nữa, cả nồi mỳ có tới nửa nồi dầu ăn. Còn thêm cả cần tây nữa, mỳ trộn thịt băm với cần tây là món ăn ưa thích của bố. Nhưng hôm nay bố cũng không ăn nhiều, nghĩ tới chuyện con trai đang phải chịu khổ cực và mấy việc định làm mà chưa xong, làm sao bố Quốc có thể nuốt trôi chứ? Mà bố ăn không ngon hỏi Quốc có thể ăn nổi, chỗ mỳ nấu lên thừa một nửa, nguội trong nồi. Bố Quốc không ăn cơm, cũng chẳng nói lời nào, chỉ thấy phiền lòng vô cùng, nên bố cứ hút thuốc mãi. Bố Quốc làm thế càng kiến Quốc thấy thêm áp lực nặng nề. Cảm giác của Quốc không sai. Bố Quốc rất không bằng lòng với Quốc, không hiểu vì sao đứa con này lại sợ vợ thế! Hai bố con tranh luận rất lâu, Quốc cố gắng hết sức để không nổi nóng, cuối cùng nói với bố sẽ tới nhà Tây, đón vợ về, rồi cùng Tây nói chuyện trực tiếp. Lúc đó nét mặt bố mới tươi hơn chút, và giãn ra hơn.
Tây không ở nhà, Tây đang đưa chị Hạ đi mua đồ. Hạ muốn mua chút đồ nhờ bố Quốc gửi về quê. Nhưng nghĩ rằng mình không thuộc đường phố Bắc Kinh nên mẹ Tây bảo Tây dẫn Hạ di, đồng thời ứng trước một tháng lương cho Hạ. Khi đi Tây còn đem theo cả máy ảnh, bảo rằng nhân tiện sẽ dẫn Hạ tới Thiên An Môn chụp ảnh. Biết mình được đến Thiên An Môn, Hạ vui lắm, còn nói rằng nếu chưa qua đó sao người ta bảo đã tới Bắc Kinh. Trước khi đi, con gái Hạ cũng đã kể cho Hạ nghe về Thiên An Môn, Hạ vui lắm, còn dặn mẹ nhất định phải tới đó chụp ảnh gửi về. Trong bài học của con gái, khi nói về Bắc Kinh có tới mấy bài kể về Thiên An Môn, cô giáo cũng hay cho học sinh viết bài về địa danh này. Trên đường đi, từ Thiên An Môn, Hạ liên tục kể cho Tây nghe về con gái mình. Nói rồi mang ảnh thẻ của con khoe Tây. Trong ảnh là đứa bé gái mấy tuổi với đôi mắt to sáng long lanh, và một lúm đồng tiền rất sâu trông thật đáng yêu. Có lẽ vì chưa chịu ảnh hưởng của những phong tục nơi thôn quê nên trông con bé chẳng khác gì những đứa trẻ trên thành phố. Tấm ảnh đó tất nhiên Hạ luôn mang theo bên mình nên có nếp gấp. Nhìn ảnh, Tây buột miệng hỏi: “Chị không ở nhà, cháu có nhớ không?” Không ngờ hai mắt Hạ bỗng hoen đỏ: “Chẳng lẽ lại không nhớ ạ? Bữa trước chị gọi về cho bà cháu, bà nói nửa đêm con bé ngủ mơ bỗng tỉnh dậy khóc oà lên, vừa khóc vừa gọi mẹ…” Tây thực sự không ngờ. Đây là lần đầu tiên Tây được thấy thế giới nội tâm ẩn sâu trong người phụ nữ đang giúp việc cho gia đình mình, Tây cảm thấy hơi là lạ. Tây vốn cho rằng tình cảm của những người mẹ nông thôn dành cho con mình rất khô khan, không chỉ là đối với trẻ con, mọi thứ tình cảm của họ đều rất khô khan. Từ trước đến giờ mọi người chỉ để ý xem Hạ làm việc nhà như thế nào mà chẳng quan tâm trò chuyện với chị. Sau khi hai người rời khỏi Thiên An Môn, cùng nhau đi siêu thị mua đồ, Hạ ngắm một bộ quần áo trẻ con khoảng hơn 100 tệ, ngắm nhìn mãi rồi lại đặt xuống không nỡ mua. Sau đó, Tây quyết định bỏ tiền ra mua tặng, Hạ chẳng nói gì, chị không giỏi ngoại giao mà nhưng nhìn thái độ là biết Hạ rất cảm động. Lúc ấy, mẹ Tây cũng liên tục gọi điện, mỗi lần gọi điện là một nội dung na ná nhau, đại để là hỏi cái này để đâu, cái kia để đâu. Thế nên, khi có điện thoại, Tây liền đưa Hạ nghe luôn và cưới nói: “Lại tìm chị đấy mà. Gia đình em bây giờ không thiếu chị được rồi.” Quả nhiên là ở nhà tìm Hạ hỏi xem dấm để ở đâu. Cúp máy rồi cả hai đều cười rộ lên. Từ siêu thị về, hai người đi ngang qua vườn bách thú, Tây chợt thấy hơi tiếc vì lẽ ra nên dẫn Hạ đi thăm vườn bách thú trước rồi mới đi mua đồ. Nhưng Hạ không ngại, chút đồ này có nặng gì đâu. Một mình Hạ vác hết. Nghe qua có vẻ rất muốn đi. Đương nhiên Hạ muốn đi chứ, dù có thể với chị thì không có gì, nhưng chị muốn đi vì con gái. Thế là hai người cùng đi thăm vườn bách thú.
Tới cổng, Tây mua vé vào cửa. Hạ không ngờ phải mua vì ở Thiên An Môn đâu cần vé. Một vé 20 tệ, hai vé là 40 tệ. 40 tệ đủ cho con gái học trong một học kỳ. “Thôi không đi nữa, lấy lại tiền đi!” Nhưng Tây không nghe theo lời Hạ, chỉ cười và đi mua vé dẫn Hạ vào. Tây còn bảo rằng lúc này họ vào thăm không hợp lý lắm vì không đúng thời điểm cá heo ở Nhà Hải Dương biểu diễn, hôm khác sẽ dấn Hạ tới xem. Lúc đó, Hạ không dám nhận lời ngay, mà còn hỏi xem giá vé xem cá heo biểu diễn là bao nhiều? 100 tệ một người. Mắt Hạ lại ngấn lệ, có lẽ Hạ cảm động. Hạ ngân ngấn nước mắt nói: “Tây à, gia đình em thật tử tế… Gia đình ở tầng dưới nhà mình ý, giúp việc nhà họ là người An Huy, đã từng kể với chị là gia đình họ không cho cô ấy đi vệ sinh trong nhà, sợ mùi, mỗi lần muốn đi vệ sinh cô ấy toàn phải ra nơi công cộng. Lại còn sợ cô ấy ăn nhiều, tuy không nói ra là cấm ăn nhưng cả ngày khuyên cô ấy không nên ăn nhiều, béo phì dễ gây ra nhiều bệnh, khuyên cô ấy nên giảm cân… Tây nghe kể cười phá lên, trong giây lát, Tây chợt thấy mình thật gần gũi biết bao với ngườiphụ nữ nông thôn này.
Tây không có nhà, Quốc vừa tiếc lại vừa thấy may. Tiếc vì mất công đi, may cũng vì mất công đi, như vậy về nhà có thể nói với bố là Tây không có nhà. Quốc nói với bố mẹ vợ tới đón Tây về, nhưng Tây không có nhà nên không đợi nữa vì bố Quốc mấy ngày nữa về quê nên Quốc phải về thu dọn hành lý và chuẩn bị vài thứ. Ai ngờ bố mẹ Tây như nhìn thấu tâm can Quốc bảo rằng đã đến thì ngồi một lúc, vừa hay họ cũng đang có chuyện muốn bàn. Không còn cách nào khác, Quốc đành trơ mặt ngồi xuống. Quốc biết bố mẹ vợ định nói gì, vì thế Quốc mới vội về, cũng như chuyện Tây biết bố chồng muốn nói gì nên mới trốn về nhà mẹ đẻ.
Bố Tây nói toàn những chuyện vòng vo, cái gì mà bố con già rồi nên quan điểm với một số việc còn cứng nhắc khó thay đổi, có thể hiểu được, nhưng con thì không nên; cái gì mà bố con không có văn hóa, nhưng con đã từng học đại học, cái gì làm được cái gì không, cái gì nên làm cái gì không, phải có suy nghĩ và nhận định riêng; rồi bố mẹ đều biết con là đứa có hiếu, có nhiều ưu điểm hơn Tây, còn làm việc cũng rất giỏi, mặt nào cũng được, chứng tỏ con là người có suy nghĩ và năng lực, nhưng vì sao cứ vướng vào chuyện gia đình là trở nên nhu nhược, phiến diện; cái gì mà quan điểm cũ, tư tưởng cũ có thể hiểu được, là không thể thay đổi được nhưng cũng không thể chấp nhận được, càng không được vì thế làm khó cho các con, kết quả của việc làm đó sẽ tạo nên mâu thuẫn giữa các thế hệ… Quốc đần cả mặt, ong cả đầu ngồi nghe, những lúc không thể nghe nổi cũng vẫn phải nghe, đành để vào tai trái ra tai phải vậy, nếu không thì coi như nghe cũng như không, đầu nghĩ tới việc khác. Quốc nghĩ về công việc của anh trai, hôm qua đã gọi điện cho bạn để hỏi về công việc cho anh, người bạn đó cũng nhận lời sẽ giúp Quốc nghĩ cách. Đang miên man suy nghĩ, Quốc bỗng nghe thấy bố Tây gọi: “Quốc, có phải con có gì khó nói khi phải thỏa hiệp với bố con không?”
Quốc bỗng giật mình: “Không, không có ạ.”
Phản ứng của Quốc quá mạnh, bố Tây cảm nhận được điều này, hai người nhìn nhau, trong mắt ánh lên chút nghi hoặc. “Quốc à” lát sau ông hỏi Quốc một câu, “nếu con có gì khó nói…”
Đúng lúc ấy, phòng Hàng mở cửa, Hàng thò đầu ra ngoài, khẽ gật đầu thể hiện chào anh rể sau đó hỏi mẹ có phải đã lấy ít tiền trong ví mình không, vì thấy tiền trong ví ít đi. Mẹ Tây hừm một tiếng hỏi lại xem Hàng có thực sự biết trong ví mình có bao nhiêu tiền không? Hàng trả lời rằng mình nhớ rất rõ vừa rút 1000 tệ từ thẻ ra hôm qua sau khi đi làm về, rồi về nhà luôn, không hề bước ra khỏi cửa. Bây giờ trong ví còn 500 tệ, hóa đơn rút tiền ngân hàng vẫn còn đây. Mẹ bảo Hàng thử nhớ lại xem sao. Hàng cố nhỡ, vẫn chỉ nhớ là sáng nay chị Hạ giặt quần áo giúp Hàng có lấy ví trong túi ra, nghe tới đây, Quốc vội thanh minh: “Không thể là Hạ được!” Phản ứng của Quốc vừa nhanh vừa mạnh mẽ.
Mẹ Tây nhìn Quốc rồi nhẹ nhàng nói: “Mọi người không ám chỉ Hạ đâu.”
“Ý con là”, Quốc hơi ngại vội thanh minh tiếp. “Nếu Hạ lấy thì lấy cả luôn cho xong, lấy một nửa để làm gì?
Hàng lại vừa cười vừa nói: “Anh rể, anh không biết đấy thôi, cái này gọi là “nghệ thuật”. Ăn cắp cũng cần có nghệ thuật, tính kế trước sau mới có thể ăn cắp lâu dài được chứ.”
Mẹ Tây vội gạt đi: “Nói linh tinh! Đi, tự vào phòng tìm lại xem!”
Hàng đã trở lại phòng nhưng nét mặt Quốc giờ bỗng thật khó coi, rõ ràng là rất không hài lòng với Hàng. Trong khoảnh khắc ấy, không khí trong phòng thật nặng nề. Bố Tây lại vờ như không có chuyện gì, đến bên điện thoại và nói rằng: “Tôi đi gọi điện cho Tây, bảo nó về nhanh, không lại để Quốc nó phải chờ.”
Điện thoại vừa gọi đi, Tây và Hạ cười cười nói nói bước vào ôm theo túi lớn túi nhỏ, cũng lúc ấy điện thoại Tây cũng đổ chuông.
Quốc gọi Tây vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cùng nói chuyện với vợ thật nghiêm túc một lần. Đầu tiên Quốc thông báo rằng bố lên Bắc Kinh lần này để làm ba việc: một là vì công việc của anh Thành, hai là vì mối quan hệ của chúng ta, ba là vì chuyện sinh con. Sau đó Quốc để Tây được quyền quyết định. Tây nhìn chăm chú vào gương mặt nghiêm túc khác thường của chồng và hỏi: “Ý anh có phải định nói nếu ba việc này chưa hoàn thành, quan hệ của chúng ta coi như là hết không?”
“Chẳng lẽ đến một việc cũng không được hả?”
“Anh thấy sao?”
“Anh thấy rằng”, Quốc nhấn mạnh từng chữ: “Trong ba việc này, việc đầu tiên em có thể làm tốt.”
Tây đột nhiên rất phản cảm với thái độ khác thường này của Quốc: “Anh Quốc, anh đang uy hiếp em đấy hả?”
“Tây à, em nghe anh nói nốt câu này, nếu em vẫn không hiểu, thì có lẽ duyên phận chúng ta thực sự đã hết.” Quốc không trực tiếp trả lời câu hỏi của Tây, chỉ cố nói ý của mình: “Bố là người không có học thức, cũng chưa thực sự hiểu cuộc sống trên này. Trong suy nghĩ của bố, bố cho rằng chỉ cần gia đình em muốn là có thể hô mưa gọi gió. Em hãy nghĩ cho bố, người mà chưa từng đọc hết một cuốn sách, cả đời chỉ quanh quẩn quanh lũy tre làng, đến tận năm ngoái mới biết tới cái tivi. Bố luôn nghĩ rằng Bắc Kinh là một chân trời rộng lớn, là nơi ở của Đảng, có gì khó khăn, cứ tới nói là được!... Anh nói vậy, em có hiểu ý anh không?”
Nếu như ngày hôm qua, Quốc nói những lời này chắc Tây sẽ chỉ coi là lời nói vớ vẩn chẳng bận tâm, nhưng bây giờ Tây có thể hiểu, đó là nhờ Hạ. Cứ nghĩ tới sự vui sướng của Hạ khi tới Thiên An Môn, vườn bách thú, nghĩ tới tình cảm Hạ dành cho đứa con, nghĩ tới công việc giúp việc của gia đình mình chẳng hề dễ dàng, Tây chợt ngộ ra đôi điều Quốc nói. Trước đây, Tây không thể hiểu nổi điều này vì môi trường sống quá khác nhau, và thế nên Tây chẳng thể nào đứng vào địa vị người khác mà nghĩ được. Quốc cũng không hiểu lúc này Tây đang nghĩ gì nhưng Quốc cảm nhận được rằng Tây dường như đã hiểu những gì mình nói. Nói thực, Quốc cũng không hy vọng Tây có thể thực hiện được mọi điều bố yêu cầu, ít nhất là với việc sinh con có phải họ cứ ừ là được đâu. Quốc chỉ hy vọng lần này Tây có thể làm người con dâu tốt, tiễn bố về quê thật chu đáo, tóm lại là đại để mọi chuyện có thể thuận lợi. Lúc này, Tây trả lời: “Được, ngoại trừ việc sinh con, công việc và chỗ ăn ở của anh Thành em sẽ cố gắng lo cho được, anh yên tâm.”
Quốc rất cảm động, song những do dự trong lòng vẫn không nguôi. Lần này chắc là được. Nhưng còn lần sau, nếu lại có chuyện gì đó biết tính sao? Còn nữa, chuyện con cái của hai người, không, là cháu đích tôn của ông chứ, làm thế nào bây giờ?
Quốc dẫn Tây về, bố mẹ Tây dặn Hạ chuẩn bị những đồ chị phải mang đi, sau đó vào phòng Hàng, và chú ý khóa cửa, tất nhiên là vì chuyện Hàng mất tiền rồi. Tiền của Hàng không tìm thấy nên cả nhà đều rất bực mình. 500 tệ cũng chẳng phải là nhiều, nhưng nếu chuyện này thực sự là do Hạ, chỉ nghĩ qua thôi cũng đủ làm người ta phát hoảng. Hạ giờ là người mà gia đình không thể thiếu, nhưng nếu Hạ có cái tật ấy, sau này biết phải xử lý sao đây?
“Mạn tàng hối đạo!” Bố Tây lắc đầu nói. Ý của ông là Hạ vốn không có cái tật xấu này, nhưng nếu bây giờ thực sự có, cũng là lỗi của Hàng. Đồ đạc cứ vứt linh tinh những chỗ dễ bị người ta lấy mất, gọi là “mạn tàng”; kết quả của việc vứt lung tung ấy là dạy cho người ta ăn cắp, cái này gọi là “hối đạo”.
Hàng đột nhiên nhớ ra: “Gọi cho chị xem sao, hỏi chị ấy có lấy không?” Cả ba người cùng nảy ra một tia hy vọng.
Khi Hàng gọi điện, Tây và Quốc đang trên đường về, đang ở trong xe. Tây nói với Hàng là mình thậm chí còn chẳng nhìn thấy ví tiền của Hàng. Sau đó, Quốc nói với Tây: “Bảo cậu ấy hỏi xem có phải Hạ lấy không?”
“Ý anh là gì?”
“Thì ý là thế, hỏi xem có phải Hạ lấy không?”
“Nói gì mà vô duyên! Không tìm thấy thì gọi điện hỏi thôi, anh nhạy cảm quá đấy!”
“Là do anh nhạy cảm hay là gia đình em luôn có thành kiến với những người từ nông thôn lên?... Nhà nào mà chẳng có lúc mất đồ. Hơn nữa gia đình nhà em, mất đồ là chuyện bình thường. Lúc không có giúp việc, cũng có gì đâu, mất thì thôi, nhưng có người giúp việc thì khác, nó sẽ thành chuyện của người giúp việc. Cứ nghĩ mà thấy sợ. Cũng may lúc đầu ở nhà em, bố em không mất gì, chứ nếu không anh cũng thành như Hạ bây giờ, anh cũng là người nhà quê mà!”
Tây thực sự bực mình, chuyện sinh con Tây coi như không để ý, chuyện gì khác Tây cũng đã đồng ý vậy mà Quốc vẫn còn giằng kéo, rốt cuộc Quốc muốn gì? Có phải vì chuyện con cái, bố Quốc bảo Quốc bỏ Tây không nhỉ? Đột nhiên cơn giận bốc lên, tự nhiên lại đâm ra ghét. “Cứ cho là có thành kiến gì đó, nhưng cũng không thể nói không thành có thế, đúng là chỉ khiến người khác bực!”
Quốc cười nhạt rồi đáp: “Em ghét người nhà quê thế, ban đầu còn lấy người nhà quê, làm con dâu quê làm gì?”
Tây cũng cười nhạt đáp: “Lúc đó em còn trẻ thiếu kinh nghiệm.”
Quốc lại cười nhếch mép: “Úi giời! Sao em không nghĩ xem, nếu anh không phải người nhà quê thì đến lượt em lấy chắc?”
“Có phải anh mắc bệnh hay quên không hả anh bạn học, ban đầu là ai một ngày viết tám bức thư, gọi tám mươi cuộc điện thoại xin gặp hả? Này, nếu không có em, nếu không có mẹ, việc anh ở lại Bắc Kinh cũng là cả vấn đề đó.”
“Đúng đúng, là tôi núp dưới ánh hào quang nhà cô. Tây, cô nhớ giỏi lắm: Cô may mắn sinh ra ở Bắc Kinh, có một ông bố làm giáo sư và một bà mẹ làm chuyên gia, cô thử sinh ra ở nông thôn xem? Cô có làm người giúp việc cũng không cạnh tranh nổi với Hạ đâu!”
Tây giận tới mức định mở cửa xe nhảy ra ngoài, nhưng Quốc kịp kéo lại, sau đó đóng cửa chốt khóa. Tây trút cả cơn giận trong lòng lên người Quốc, Quốc đành khẽ đẩy Tây ra và dặn: “Cẩn thận nào! Đừng tự làm đau mình nhé!” Chiếc xe đi trên đường theo hình chữ S…
Mãi tới lúc vào thang máy rồi, hai người vẫn mặt lạnh như tiền chẳng ai thèm nhìn ai. Ra khỏi thang máy, hai người bước cùng đi về phía cửa, và chẳng ai bảo ai, cả hai cùng thay đổi nét mặt. Ngày mai bố về rồi, nếu họ vẫn chiến tranh thì cũng không nên cãi nhau trước mặt bố, chẳng ai muốn làm chuyện to hơn.
Không ngờ, khi hai vợ chồng vừa bước vào nhà, bố Quốc đón tiếp con dâu rất nhiệt tình và cảm thông ngoài sức tưởng tượng. Đầu tiên là chuyện của Thành, nếu giúp được thì giúp, nếu không để bảo Quốc nghĩ cách khác không phiền tới gia đình Tây. Lại còn bảo mấy bố con từ quê lên đã làm phiền nhà Tây rất nhiều. Sau này mới biết, sau khi Quốc đi, Thành đã nói chuyện với bố rất nhiều về vấn đề này, khuyên bố nên đứng từ địa vị của Tây và gia đình Tây để nghĩ. Thành là người có văn hóa, sau khi tới Bắc Kinh, tầm mắt cũng được mở rộng hơn vì thế cách nghĩ với một số vấn đề cũng khác so với hồi còn ở dưới quê. Hơn nữa, nếu là do Thành nói, bố sẽ dễ nghe hơn. Vì Thành ở tư thế khách quan hơn, không bị nghi là “lấy vợ quên cả mẹ cha”.
Bố Quốc nói vậy khiến Tây cảm động vô cùng. Tây thay quần áo xong vội vào bếp làm cơm, Quốc cũng vào giúp vợ nhưng Tây đẩy ra, bảo ra ngoài trò chuyện với bố, vì bố cũng sắp về rồi. Trongkhoảng thời gian ấy, cả nhà ngập tràn không khí gia đình ấm cúng tương thân tương ái khó mà có được.
Tây một mình nấu cơm trong bếp còn hai bố con Quốc ngồi trò chuyện trong phòng khách. Đúng lúc ấy Hạ tới, Tây ra mở cửa, chào hỏi Hạ rồi lại vào bếp tiếp tục nấu ăn. Hạ mang những thứ gửi về quê tới, nhét đầy một túi to, sau đó còn gửi cho bố Quốc một phong bì, nói là trong đó có 500 tệ gửi về cho hai bà cháu ở quê. Lúc đó, Quốc vốn yên lặng chưa nói gì liền hỏi Hạ: “Chị Hạ, khi chị tới có để mọi người kiểm tra cái này không?” Hạ lặng người lắc đầu. Quốc chau mày nói tiếp: “Chị nên để mọi người kiểm tra. Kiểm tra thật kỹ, sau mất gì không nghĩ cho chị được.”
“Hàng mất 500 tệ!” Quốc không giả vờ, cũng chẳng vòng vo. Mặt Hạ chợt ửng đỏ.
“Họ bảo là do con dâu Bảo An lấy hả?” Bố Quốc hỏi chen vào, đến ông còn hiểu ý Quốc là như thế.
Quốc không trả lời bố, chỉ nhìn vào gương mặt đang ửng đỏ của Hạ: “Cả nhà chỉ mình chị là người ngoài, chẳng nhẽ họ tự lấy tiền của nhau!” Lúc đó mặt Hạ càng đỏ hơn. Cùng với thái độ ấy của Hạ, lòng Quốc càng thêm trùng xuống, nhưng nét mặt chẳng chút biểu cảm, nghiêm nghị và lạnh lùng, Quốc bảo Hạ: “Chị ngồi xuống đây.” Hạ liền ngồi xuống như cái máy. Quốc lại hỏi: “Em thấy, số đồ chị mua đây, cùng với số tiền 500 tệ chị gửi về quê vượt quá số tiền chị kiếm được.”
“Gì ạ?” Hạ lúc đó nghe chẳng hiểu gì.
“Ý em là, cứ cho là họ trả trước lương tháng sau cho chị, chị cũng không thể có nhiều tiền vậy!”
“Ý em là nghi chị lấy tiền của họ à?”
“Chị có lấy hay không?” Vừa hỏi Quốc vừa ngó vào trong bếp nhìn, Tây đang bận túi bụi trong đó, không thể nghe tiếng họ thì thầm bên ngoài, nhưng Quốc vẫn cố nói thật nhỏ: “Chị Hạ, ở đây không có người ngoài, chị phải nói thật với em. Đương nhiên em sẽ không nói với họ, em sẽ nghĩ cách giải quyết chuyện này.”
“Họ nói như thế nào?”
“Họ không nói gì cả!” Quốc không kiên nhẫn được nữa “Nhưng chúng ta phải biết hổ thẹn với lương tâm mình!”
“Chị không lấy.”
“Chị Hạ!”
“Chị không lấy mà!”
Quốc không muốn ép Hạ thêm: “Không lấy thì thôi. Em chỉ hỏi vậy. Nếu có lỗi thì sửa, không có thì không miễn cưỡng, em chỉ nhắc chị lần sau phải chú ý. Chị về đi. Gia đình họ thường ngủ rất sớm.”
Hạ ngồi đó bất động, không nói năng gì. Hai hàng lệ tuôn rơi. Hạ đang cố nhẫn nhịn.
“Con dâu Bảo An à, không có chuyện gì đâu.” Bố Quốc an ủi “Quốc cũng chỉ hỏi thôi mà. Cứ về nhà làm việc đi nhé…”
Lúc đó, Hạ mới lên tiếng, Hạ nói trong tiếng nấc: “Hức, hức, cháu không làm mà!” Hai bố con Quốc đều không ngờ chuyện như vậy, chỉ biết ngồi im lặng. Hạ lại nói tiếp: “Bác à, 500 tệ kia bác đưa cháu đi, cháu mua vé tàu về.”
Quốc cuống lên khuyên Hạ: “Chị không muốn nuôi con gái học à?”
Thái độ của Hạ khá cương quyết: “Chị có thể tìm công việc khác.”
“Nhưng chị cũng không thể nói đi là đi luôn thế.”
“Không đi, ở nhà người ta làm gì nữa, để cả nhà phải đề phòng à?”
“Nhưng họ rất tín nhiệm chị trong mọi việc…” Câu này nói ra nhưng Quốc cũng tự biết chẳng có ích gì.
“Quốc à, đừng nói gì nữa. Chị sẽ về thu dọn hành lý, ngày mai chị sẽ đi cùng mọi người!” Nói rồi, Hạ quay lưng đi thẳng, quên mất cả chào Tây một tiếng.
Tây cảm thấy có gì đó bất thường vội chạy từ trong bếp ra hỏi: “Sao thế?.. Chị Hạ đâu?” Nhưng không ai trả lời.