Hạ đang thu dọn đồ đạc. Tây đứng bên khuyên Hạ: “Chị à, việc gì phải làm thế? Quốc không có ý bảo chị lấy tiền đâu, anh ý không nói thế mà.”
“Quốc không nói.” Hạ trả lời, nhấn mạnh vào chữ Quốc.
“Gia đình em cũng không có ý đó, có ai nói gì đâu?”
“Tây à, chuyện này chẳng cần ai nói ra. Chị không có học, nhưng chị không phải con ngốc… Gia đình em tìm người khác đi. Đầy người muốn làm mà.”
“Chị Hạ!” Tây gọi với giọng gấp gáp nhưng ấm áp: “Hàng thực sự mất tiền, nhưng người như nó mất đồ quen rồi, trước khi chị đến đã thế, sau khi chị đến chẳng phải thấy nó cũng rất hay mất đồ đấy thôi. Tìm không được thì thôi, 2 ngày sau lại thấy ý mà.”
“Nhưng chưa bao giờ Hàng mất tiền.”
“Có gì khác nhau đâu.”
“Đồ mất rồi mọi người có thể tìm lại, mất đồ có thể tìm, chứ mất tiền tìm làm sao? Nếu chị nói số tiền này không phải của Hàng mà của chị, có gì làm bằng chứng chứ?”
“Nhưng cũng không cần phải đi.”
Hạ tự đi thu dọn hành lý, chẳng nói gì nữa, có vẻ như trong lòng đã quyết định không muốn bàn thêm nữa. Tây vừa bực mình vừa gấp gáp, và giận Quốc vô cùng, sao Quốc lại nói với chị Hạ vậy chứ? Lần trước, sau khi Quốc nói chuyện với Hạ về việc Tây thấy chị ngồi ăn táo, Tây và Hạ chẳng còn được tự nhiên với nhau nữa, sau này bảo ăn gì Hạ cũng không ăn. Tây đoán là Quốc đã nói gì với Hạ, hỏi lại quả nhiên không sai. Lúc đó, Tây đã bực mình, trách Quốc chẳng biết phân tích cụ thể gì, nếu không thể chắc coi Hạ là “người nhà” còn gia đình Tây là “người ngoài” nên mới làm vậy. Quốc thanh minh rằng Hạ là do gia đình anh giới thiệu, nên Quốc cảm thấy có trách nhiệm phải bảo ban Hạ. Nói thì đúng nhưng cũng cần cân nhắc cách làm chứ. Quốc cũng là người từ nông thôn lên, ban đầu Quốc học đại học ăn uống, làm thêm, học võ cũng là để đối phó với thái độ kỳ thị và khinh miệt của người thành phố, chẳng nhẽ Quốc quên cái cảm giác khó chịu ban đầu đó rồi sao? Chuyện lần này và chuyện về quả táo là hai chuyện khác hẳn nhau, không có bằng chứng xác thực thì không nên hỏi gì. Mà thậm chí đã có bằng chứng thì hỏi cũng phải nghĩ cách hỏi như thế nào, chứ không phải như cách Quốc làm. Vừa tới hỏi luôn, chẳng khéo léo tế nhị, cũng chưa chuẩn bị tâm lý cho Hạ để Hạ có sự chuẩn bị trước. Rõ ràng, trong quan niệm của Quốc Hạ mới là người nhà, còn gia đình Tây là người ngoài. Quốc hỏi Hạ vậy là vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Kết quả là “tự mình tát mình”. Hạ chẳng hiểu tâm ý này của Quốc, làm cho cả hai gia đình cùng bị động. Nói rồi, Quốc rụt đầu ở nhà để mặc Tây về nhà mẹ thuyết phục Hạ. Nghe tin Hạ đòi về, bố mẹ Tây đều ngớ cả người. Họ đã quen sống mọi việc đều có Hạ giúp, giờ tự nhiên không có Hạ nữa, khác nào không có chỗ dựa, rồi lại mất đứt nửa ngày trời bận rộn.
Bố mẹ Tây cứ thở ngắn than dài mãi vì chuyện Hạ đòi về, không chỉ vì điều này sẽ gây xáo trộn trong đời sống hàng ngày của gia đình, mà còn thấy buồn cho Hạ. Mẹ Tây chau mày trách: “Cái thằng Quốc này, sao lại làm ra nông nỗi này chứ!”
Bố Tây cũng nói: “Lỗi của nó là tự đề cao quá khả năng chỉ đạo với Hạ. Tấm lòng thì tốt, nó nghĩ Hạ là do nó giới thiệu vì thế nó phải có trách nhiệm…”
“Chỉ có lòng tốt thôi thì được gì?” “Chỉ làm loạn lên thêm, chả ra đâu vào đâu cả!”. Mấy ngày trước, khi trốn bố con Quốc, mẹ Tây và Tây cùng ra ngoài ăn cơm, Tây đã tâm sự với mẹ về nỗi lo của mình trong những ngày gần đây. Tây cảm giác giữa hai vợ chồng đang có gì đó xa cách, và nhờ mẹ nói với Hàng xem cố gắng giúp anh Thành đổi việc khác. Mẹ cũng định nói với Hàng rằng: đừng có hẹp hòi thế, chỉ vì Giai mà làm tình cảm chị em sứt mẻ. Giờ nghĩ lại chẳng nói nữa. Nếu Quốc thực sự muốn ly hôn với Tây vậy thì ly hôn đi. Trong cuộc hôn nhân giữa hai đứa tồn tại một mâu thuẫn không bao giờ có thể xóa nhòa được, nếu cứ để thế mà sống thì chẳng bằng dứt khoát cho xong. Đau một lần còn hơn đau mãi.
Bố Tây nhìn vợ hồi lâu chẳng nói lời nào, chỉ an ủi vợ: “Không sao, trước đây chúng ta cũng sống mà không có giúp việc mà.”
Mẹ Tây vẫn thở dài: “Nói thì nói vậy. Nhưng người ta thường hướng tới thanh nhàn chứ ai…”
Bố Tây gật đầu: “Cũng đúng, người ta hướng tới cuộc sống thanh nhàn hơn thì dễ chứ, quay lại những ngày vất vả đúng là rất khó… Hay là ta nói chuyện lại với Hạ xem sao?”.
Mẹ Tây lắc đầu ngao ngán: “Quốc đã nói vậy với nó, mình có nói thêm gì cũng chỉ là giả tạo mà thôi.”
Cửa phòng mở ra, Hạ và Tây bước vào. Hạ đi trước, Tây đứng phía sau lưng với dáng điệu và ánh mắt đầy nhẫn nhịn. Hạ tới để từ biệt. Kể từ tối nay sẽ về nhà Tây, ngày mai Hạ sẽ cùng về quê với bố Quốc. Sau khi Hạ nói lời từ biệt, cả hai bên thực sự chẳng biết phải nói gì với nhau, mà cứ thế này đi thì nhạt nhẽo quá, thế là mẹ Tây hỏi: “Hạ à, cháu có tiền đi đường chưa?”
“Có ạ, cháu có 500 tệ!” Hạ vội vàng thanh minh luôn sau một giây ngập ngừng: “Là số tiền cháu định gửi về quê. Tiền của Hàng cháu không lấy.”
Cả nhà Tây lại thở dài.
Tây tiễn Hạ và bố Quốc về. Lúc họ đi, Thành cũng đã về, công trường thông báo cho họ tối nay làm thêm ca, dỡ hàng về. Sáng ra xe hàng không được vào thành phố, nên chỉ đi được vào buổi tối, thế nên tối nay phải làm, làm cho bằng xong, các xe hàng sẽ lần lượt đi.
Khi Tây và Hạ trở về, trên bàn đã sắp đầy thức ăn, nhưng 2 bố con Quốc đều không động đũa, tất nhiên đang chờ họ về. Tây vừa bước vào, bố Quốc đã nhiệt tình hỏi han: “Tây à, vào đây con! Cơm nấu xong hết rồi! Anh Thành cũng đi làm rồi, cả nhà đợi con đây.”
Tây cười một cách miễn cưỡng tỏ ý cảm ơn, sau đó kéo Hạ vào: “Vào đây chị, mình ăn cơm!”
Hạ từ chối không ăn nữa. Ở nhà Tây ăn cơm, Hạ cũng đã ăn no rồi. Nhưng bố Quốc ở đây, chị phải tuân theo quy định ở nông thôn. Bố Quốc gọi chị vào ngồi cùng Hạ cũng không vào, đi thẳng vào trong bếp.
Bố Quốc bực mình quát: “Con dâu Bảo An sao mà tính khí ngang thế, như lừa ý!”, vì Hạ nhất định bỏ gia đình Tây không làm nữa nên ông cũng có phần hơi nóng. Khi Hạ về sắp xếp đồ, ông cũng đã mắng Quốc một trận, rằng làm việc gì cũng chẳng nghĩ tới cách thức phương pháp gì hết, rằng xem ra chẳng biết cách đối nhân xử thế với nhà vợ gì cả. Quốc chỉ biết nghe bố mắng, không dám nói câu nào. Sự việc đã thế này có nói gì cũng bằng thừa mà thôi. Việc Hạ về có ảnh hưởng thế nào tới gia đình Tây thực sự Quốc cũng chẳng thèm bận tâm, cũng như Tây, bao năm nay phải tranh đấu, đối mặt, và vô số lần nhẫn nhục chịu đựng hoặc chống trả với những người ở thành phố này đã khiến Quốc lạnh lùng hơn. Chỉ còn lại một phần nhỏ chưa lạnh lẽo, vẫn còn chút hơi ấm và mềm yếu đó là dành cho gia đình, cho những người thân nơi làng quê hẻo lánh xa xôi, mà cụ thể trước mắt là dành cho người anh trai của mình. Trong suy nghĩ và trăn trở của Quốc lúc này chỉ có Thành mà thôi. Những việc xảy ra gần đây, theo suy nghĩ của Quốc, chỉ có chuyện của Thành là đáng được quan tâm: cả ngày đã phải làm việc nặng nhọc, tối đến còn phải làm thêm ca, dỡ hàng, dỡ cái gì chứ? Không phải lại là mấy bao cát cao đến hai mét đó chứ? Rõ ràng Hàng có thể đổi cho Thành một công việc khác, nhưng không đổi. Gia đình Tây có thể tạo điều kiện cho Thành làm việc khác, nhưng họ không làm. Nếu bảo vì chuyện của Giai mà Hàng đang mâu thuẫn với cả nhà, nếu thế thật khó thuyết phục. Khách quan mà nghĩ, những chuyện này cái nào quan trọng hơn chứ? Mà gia đình Tây thì luôn là vậy, chuyện của họ thì nhỏ cũng thành to, còn chuyện của người khác thì to cũng thành nhỏ, cũng là nhận thức của ông dân thôi.
Bố Quốc nhận thấy rõ con trai có tâm sự mà không thể nói ra, trong lòng tức giận nhưng không có cách nào khác, con trai lớn đâu còn nghe bố nữa! Lại sợ Tây có cách của mình, bố Quốc lại chủ động gánh lấy trách nhiệm chỉnh không khí căng thẳng này.
“Tây à, con uống chút đi.”
“Không ạ, bố uống đi ạ.”
Lúc đó, Quốc đã uống hết cốc trà của mình, và rót cho mình thêm cốc nữa. Tây không nhịn nổi nữa bèn lên tiếng: “Anh uống ít thôi!”
Quốc đành một hơi uống hết cốc trà vừa rót. Bố Quốc cau mày nói: “Bảo con uống ít thôi thì uống ít thôi, vợ con cũng là vì con đấy.”
“Vì con hả? Cô ấy á, chẳng qua mượn cớ có ý đồ riêng thôi.”
“Này, em mượn cớ gì, có ý đồ gì chứ?”
“Thôi, đừng cãi nhau nữa, đều là người lớn rồi!... cứ coi như việc chị Hạ đi là trách nhiệm của anh đi, là do anh nói sai, nhưng sao mọi người không nghĩ xem, Hạ đến như thế nào? Giờ đây chị ấy đi, gia đình em chẳng qua là về lại như ngày xưa, cũng không có tổn thất gì quá khác!”
“Quốc, anh có hiểu mình nói gì không đấy hả?”
“Sao anh không hiểu. Từng câu từng chữ anh nói ra anh đều hiểu hết.”
Tây giận quá chẳng nói được câu nào. Quốc thì đắc ý cười nhạt một tiếng, rồi lại đưa tay với bình rượu. Nói thì lâu nhưng thời gian trôi qua thật nhanh, Quốc còn chưa dứt lời thì đã nghe tiếng “bốp” bên tai, một cái tát rất đau. Quốc ngạc nhiên quay lại nhìn bố: “Bố, bố đánh con hả?”
"Đúng, tao đánh mày! Không đánh mày thì mày còn chưa dừng lại. Xin lỗi vợ ngay! Bây giờ! Ngay lập tức! Mau"
"Bố!!!"
Bố Quốc lại giơ tay lên dọa: "Có nói không thì bảo?"
Tây Cũng kinh ngạc, lát sau lấy lại tinh thần vội nói: "Thôi bố ạ, thôi đi ạ!"
Nhưng bố Quốc không bỏ qua, giơ cao tay hơn, mắt trợn to nhìn con trai. Quốc đành quay đầu lại nói "xin lỗi", hai mắt bỗng đỏ ngầu. Mắt bố Quốc cũng đỏ. Mắt Tây cũng đỏ. Tây cảm nhận được có điều gì đó khác lạ trong sự bất thường này
Tây đi chỗ khác. Bố Quốc liền ngồi lại bên cạnh con trai, xoa lên chỗ vừa đánh con. "Đau không?" Quốc gạt tay bố ra, hai mắt vẫn ửng đỏ. Bố tâm sự: "Khi con mười tuổi bố đã chẳng đánh nổi con nữa rồi... đừng hận bố, là bố đánh cho Tây nhìn, là bố vì hai con, và vì anh trai con..." Hóa ra suy nghĩ của bố và Quốc là như nhau. Trong lòng Quốc tự hận mình, hận mình không tài ba, hận mình không thể làm tốt hơn, ví dụ như được giống Khải Đoạn. Khi đó Quốc chẳng cần lụy ai, việc của anh trai chỉ cần phảy tay là giải quyết được. Quốc vẫn không nói gì, chỉ nói một tiếng đi lấy chăn cho Hạ đắp. Lúc đó, bố Quốc cũng lên tiếng: "Con dâu Bảo An, cháu quyết định đi à, có cần suy nghĩ lại không?"
Không để Hạ trả lời, Quốc lập tức cao giọng nói: "Không cần suy nghĩ lại đâu, đi thôi!... Chị Hạ à, chị không làm cho người ta nữa là đúng đấy! Xem ra sau này em cũng phải ít qua đó, tránh cho họ phải đề phòng mất trộm!"
Hôm đó Quốc tiễn bố và Hạ ra bến xe, khi lên xe rồi, họ cứ ngồi mãi cho đến khi nhà xe thông báo "mời thân nhân tiễn đưa xuống xe" Quốc mới xuống, Bố đưa Quốc ra cửa, đẩy mãi Quốc mới đi. Cứ nghĩ đến chuyện bố lên Bắc Kinh vì việc của anh trai rồi lại thất vọng ra về, Quốc cảm thấy vô cùng buồn lòng. Đúng lúc ấy Hạ vội vàng chạy tới, đưa cho Quốc một gói tiền nói là chuyển lại cho gia đình Tây, đấy là tháng lương họ trả trước. Quốc cầm số tiền chậm rãi nói: "Chị Hạ, chị làm tốt lắm"
Bố Quốc nghe con nói vậy lại thở dài khuyên con về nhớ làm lành với vợ nhé. Chưa nuôi con chưa biết lòng cha mẹ, vợ con chưa có con nên chưa hiểu chuyện, đợi nó sinh con ra nó sẽ hiểu cái khó của bậc làm cha mẹ. Nhanh sinh lấy đứa con! Lần này có thai mua đất mua nhà cũng không để các con bận tâm!"
Lúc ấy, Quốc đột nhiên buột miệng hỏi bố: "Bố, nếu cô ấy không thể sinh con, à không, ý con là nếu cô ấy không muốn sinh con..."
"Vậy thì cần nó làm gì nữa?" Nét mặt bố chợt "sắc" lại, lạnh như băng.
Quốc hiểu và gật đầu. Tàu hoả đi rồi, chậm rồi nhanh dần, đưa bố Quốc và Hạ rời xa Bắc kinh, trở về nơi sơn thôn vừa đáng yêu vừa đáng ghét ấy...
Cuối tuần, Quốc đi mua sách. Lên tầng 4 để tìm sách y học. Quốc nhìn khắp phòng, tìm khu sách nội khoa, ngoại khoa, khoa nhi, khoa thần kinh, phụ khoa... Quốc rút ra một cuốn “Phụ khoa” rất dày, lật giở vài trang tới đúng trang liên quan, Quốc đọc qua. Trong đó không hề nói bệnh “sảy thai tái phát” có thể chữa khỏi hay không, chỉ có nói cách chữa như thế nào. Quốc quyết định mua cuốn sách này, đêm về xem cho kỹ. Mua rồi mới nghĩ ra là không nên mang về nhà, mang về Tây trông thấy loại suy nghĩ, hiện giờ Quốc thực sự không muốn giải thích bất kỳ điều gì với Tây. Đem về công ty vậy. Ở công ty Quốc có một ngăn kéo có khoá. Cũng không nên để đồng nghiệp đọc được cuốn “Phụ khoa” này đươc, mọi người sẽ sinh nghi, Quốc lúc ấy cũng chẳng biết làm thế nào
Hôm nay trước giờ về, Quốc gọi điện cho Tây nói rằng phải làm thêm ca. Sau đó, Quốc xuống phố bỏ ra năm tệ mua hai cái bánh pizza nhỏ, bữa tối vậy là xong. Rồi trở về văn phòng, mở khoá ngăn kéo ra, lấy cuốn sách “phụ khoa” to uỵch ra, giở tới chương “Sảy thai tái phát”, và đọc. Chương đó không dài, chỉ có một chút nội dung, mà ở hiệu sách Quốc cũng đã đọc gần hết. Chẳng nói roc là có thể chữa được hay không. Chỉ nói là chữa như thế nào. Đột nhiên, Quốc chợt nảy ra ý định, giở tớichương “Ung thư da” xem qua để so sánh mới thấy sự khác biệt. Quả nhiên cũng chẳng nói chữa được hay không! Chỉ nói chữa như thế nào! Cứ thế Quốc xem thấy mấy thứ bệnh mà mọi người đều cho là không thể chữa được, vẫn chỉ có cách viết như vậy. Như vậy vó thể nói rằng, sách không dám khẳng định bệnh này có thể chữa được hay không, mà chỉ nói chữa như thế nào. Nghĩ một lúc, cũng không thể trách tác giả vô trách nhiệm, mà bởi những bệnh này thực tế y học còn đang rất phức tạp, quy luật thì có nhưng cách chữa còn quá đa dạng, nên chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng nào đó. Ví dụ như ung thư phổi được coi là vua của các loại ung thư, ghê không? Ở quê Quốc có một ông lão bị bệnh này, lên thị trấn kiểm tra bệnh, sau đó được biết là bệnh không thể chữa được thế là quyết định không chữa nữa. Chưa nói tới chuyện không có tiền, kể cả có tiền bệnh không chữa khỏi cũng chẳng làm gì, như thế khác gì đốt tiền! Sau đó, cùng con trai về nhà. Ông lão đó có ba đứa con, trong đó có đứa út làm ăn được nhất, là cán bộ cấp cao ở tỉnh An Huy. Người con trai đó đón bố lên An Huy ở, tranh thủ lúc bố còn sống đưa bố đi thăm thú các nơi, nhờ một người bạn công tác ở Hoàng Sơn chăm sóc. Không khí ở đó rất tốt, rất có lợi cho bệnh ung thư phổi. Ông lão ở đó một thời gian, bệnh tình không hề xấu đi, thậm chí còn tiến triển tốt hơn. Thế là ba anh em góp tiền mua cho bố một căn hộ ở Hoàng Sơn, đón cả mẹ lên đó ở, và cả một gia đình người con trai đi theo để chăm sóc. Mấy tháng đi khám lại, tế bào ung thư chỉ còn lại rất ít, đến bác sĩ còn thấy ngạc nhiên... Quốc gấp cuốn sách “phụ khoa” lại, và hơi thất vọng, rồi cũng tự thấy mình cũng hơi nực cười, nếu chỉ dựa vào sách thôi liệu có chữa được bệnh không, thế thì làm bác sĩ có gì khó chứ. Quốc nhét lại cuốn sách vào ngăn kéo, quyết định đi tới bệnh viện tìm bác sĩ. Nhưng lại không thể đến bệnh viện nơi mẹ Tây làm việc, để tránh mẹ vợ biết đâm sinh nghi.
Quốc tới bệnh viện phụ sản, đương nhiên là xin nghỉ phép một ngày, và tốn 100 tệ để được gặp chuyên gia. Quốc muốn hỏi chuyên gia tư vấn xem bệnh này có nhiều không? Nguyên nhân của bệnh là gì? Tỉ lệ chữa khỏi cao hơn hay không khỏi cao hơn?... Cuộc hẹn với chuyên gia đánh số thứ tự 114, gọi điện tới để hẹn gặp, trước đó Quốc cũng đã đọc lại một lần nữa cuốn "Phụ Khoa'" với những bài viết liên quan. Nhưng đến đó rồi thì phần lớn đều là nam giới dừng bước. Đương nhiên vì thế Quốc không vào đó được, chuồn thật bí mật vào đúng lúc cần thiết. Còn chuồn như thế nào thì không thể nói rõ được. Liệu có thể gọi Tây đến không nhỉ? Gọi trước hay gọi sau đều được nhưng không phải lúc này. Quan hệ giữa hai vợ chông đang lúc căng thẳng, dù chẳng có gì Tây cũng sẽ gây chuyện. Nếu Quốc mà gọi Tây tới khám thật thì khác gì cho Tây quyền làm như vây.
Lúc đó Quốc hạ quyết tâm nếu Tây không sinh con được thì Quốc sẽ nghe theo lời của bố. Sở dĩ Quốc muốn hỏi nguyên nhân của căn bệnh "Sảy thai tái phat" này vì Quốc muốn biết mình có bao nhiêu trách nhiệm đối với vấn để này. Nếu toàn bộ trách nhiệm là do Quốc coi như đời này Quốc nợ Tây. Nhưng Tây cũng nợ Quốc thì cả hai cùng nợ nhau.
Từ bệnh viện phụ sản trở về, không hỏi được bệnh lại còn mất nguyên buổi chiều, Quốc đành làm thêm vào buổi tối. Sau khi làm thêm đã là 12h đêm, về đến nhà cũng sắp 1h, thang máy đã ngưng hoạt động, đành leo thang bộ vậy.
Một mình quốc leo 18 tầng nhà, dọc hành lang tối om, ánh trăng khẽ chiếu qua cầu thang, lan xuống mặt đất hệt như một dòng nước bạc. Quốc không thể không đứng lại mông lung như người trong giấc mộng...
Trong cơn mơ Quốc thấy mình và Tây yêu nhau. Tây đang mang thai, họ vừa mới từ bệnh viện kiểm tra đi về đến nhà, nhìn thấy bên ngoài thang máy thông báo; từ 3h chiều tới 3h sáng thang máy ngừng hoạt động, vô cùng xin lỗi. Cách đó không xa có chiếc xe của công ty dọn nhà thuê. Một người đang cãi nhau với nhân viên trực: "Sao các anh chẳng nói chẳng rằng đã cắt điện? Đồ đạc nhà tôi đều mang tới, 17 tầng lầu, không có thang máy, anh bảo chúng tôi phải làm thế nào đây?" "Là do sở điện lực chứ có phải do chúng tôi đâu"... Một vài người tan làm về cũng đang bực mình, ai ai cũng xách đồ ăn mới mua trên tay, rõ ràng đều là những người ở tầng cao.
Quốc không hề nóng vội, quay lưng lại trước mặt Tây và nói: "Nào!"
"Anh làm gì vậy?"
"Anh cõng em"
"18 tầng đấy"
"Lên đi!"
Thế là Tây leo lên lưng Quốc trong ánh mắt đầy ngưỡng mộ của mọi người xung quanh, được một người chồng trẻ đẹp cõng trên lưng mà.
Quốc cõng Tây lên tầng. Sau khi leo lên 7 tầng, trên cầu thang chỉ còn nghe tiếng bước chân của Quốc.
"Anh làm thế này là vì con hay vì em đấy?" Tây khẽ hỏi.
"Cứ nói như thể anh chưa từng cõng em ý."
"Thế anh đã cõng em à?"
"Em thử nhớ lại xem?"
"Em không nhớ" Tây vờ nhõng nhẽo.
"Thực sự không nhớ hả?... Nếu không nhớ thì thôi không cõng nữa nhé!" Nói rồi Quốc đặt Tây xuống thở gấp.
Tây phì cười: "Không cõng được thì phải nói, mệt thì phải bảo, đừng có mà viện cớ"
Quốc thừa nhân: "Cũng hơi mệt"
"Lần đi thành Mộ Điện Dục về chân em bị mỏi, anh cũng từng một mạch cõng em mười mấy tầng..."
"Già rồi! So sao được với lúc đó."
"Chính lúc đó em đã quyết định rằng sẽ lấy anh, người đàn ông này! Đàn ông phải ra dáng đàn ông, phải có nghị lực, có dũng khí!"
Quốc ngồi xuống và nói: "Ngồi nghỉ chút nhé!" Tây tới ngồi trên bậc thang, Quốc khẽ vỗ vào đùi mình "Ngồi đây! Đất lạnh lắm! không có ai đâu, đừng ngại!" Tây lại ngồi trên đùi Quốc, Quốc đưa một tay ra ôm Tây. Chỗ họ ngồi ngay bên góc rẽ cạnh thang máy, ánh trăng xuyên qua cửa sổ len lỏi, lặng lẽ chiếu vào họ. Một tay kia Quốc xoa nhẹ vào lưng Tây: "Vì sao chẳng có động tĩnh gì nhỉ?"
Tây cười: "Khi anh bằng từng này, bụng mẹ anh cũng chẳng có động tĩnh gì đâu."
Quốc nói đầy dứt khoát: "Khi nào con ra đời, cho dù là nam hay nữ, đều sẽ giống em, anh cho con đi học đàn! Nó mà dám nói không đi, xem anh đánh con một trận!"
Tây cảm động xiết chặt tay Quốc, mắt nhìn xuống đất và nói: "Sau đó thì sao... Sau đó, thần đồng âm nhạc của nhà chúng ta cùng với người mù âm nhạc như anh đi lưu diễn âm nhạc ở châu Âu...!"
"Anh là người mù âm nhạc hả? Khi yêu nhau em toàn khen anh hát hay mà!"
"Những câu nói khi đang yêu mà cũng tin hả? Những lời lúc đó đều là lời nói ngốc nghếch và điên cuồng, đều là nói dối cả!"
"Thật hả?"
"Vâng".
"Được". Quốc nói rồi đẩy Tây ra, tự mình đi lên tầng.
Tây một mình đứng trong bóng tối gọi với theo Quốc thật tội nghiệp: "Anh Quốc".
Lúc đó Quốc mới dừng lại: "Nói xem, những lời nói lúc trước có phải nói dối không?"
"Không. Là nói thật lòng đấy!"
"Vậy thì nói lại những câu ngày đó xem nào!"
Tây lập tức giả vờ bẽn lẽn: "Anh Quốc, anh hát hay quá!'
"Gì nữa?"
Tây hét lên: "Anh Quốc"
Quốc cũng chẳng bận tâm: "Nói mau! Không nói là anh đi đây! Để mặc em một mình ở đây đấy!"
"... Em yêu anh."
Quốc chỉnh lại câu Tây nói: "Không đúng! Em nói là em rất yêu anh, cả đời này chỉ yêu anh!"
Tây ngoan ngoãn nhắc lại: "Em yêu anh cả đời này chỉ yêu anh!"
Quốc: "Thế chứ!" rồi đi xuống, khom lưng:"Lên nào"
Tây vội tréo lên. Quốc Tiếp tục cõng Tây ,hai người cùng đi lên tầng...
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tình yêu như một giấc mông, tất cả, tất cả lúc ấy dẹp như anh trăng ngoài cửa sổ kia, xa vời, xa tới mức khát thèm mà chẳng được...
Vì làm việc rất hiệu quả nên Quốc được thăng chức giám đốc giám sát kỹ thuật, không cần phải qua chức phó giám đốc, trở thành vị giám đốc trẻ tuổi nhất. Lương tăng lên là một chuyện, công ty còn bố trí cho Quốc một chiếc ô tô riêng, với lái xe riêng. Bình thường Quốc có thể tự lái nhưng khi có việc gấp, bận hoặc quá mệt mỏi, có thể nhờ tài xế riêng lái. Rõ ràng lái xe mệt hơn ngồi trên xe mà.
Hôm đấy Quốc đại diện công ty đi dự một cuộc họp cuộc họp rất nghiêm túc yêu cầu khách hàng tới dự phải mặc trang phục chỉnh tề, mà cụ thể là mặc comple thắt ca vat. Đường tới cuộc họp Quốc không thuộc, sợ lạc nên nhờ lái xe đưa đi. Vừa định đi thì một người bộ dạng như công nhân bị gió thổi bay mất mũ, anh ta đuổi theo chiếc mũ ra tận giữa đường cái. Người lái xe không kịp phản ứng, chân vội đạp phanh, Quốc lao về phía trước, suýt chút nữa thì gãy cổ. Nhặt được cái mũ người công nhân ấy vợi chạy vào lề đường. Người lái xe không lái nữa, bước xuống xe chửi: "Muốn chết hả! Mày tưởng đây là đường làng quê mày chắc!"
Quốc chỉ để ý xem cái cổ của mình, cửa sổ, cửa ra vào đều đóng, nên Quốc không nghe thấy gì bên ngoài.
Người lái xe vẫn tiếp tục chỉ vào người công nhân mắng: "Cái mũ rách của mày thì đáng bao nhiêu tiền hả? Bố mày mà đâm vào mày thì sao hả?" Rất nhiều người tò mò xúm lại xem, phía sau cũng đã hình thành một đoàn tắc xe.
Xoa cổ một lúc lâu, Quốc mới nhận ra lái xe vẫn chưa lên xe. Ngó nhìn đồng hồ, thời gian không còn sớm nữa, Quốc bèn mở cửa sổ xe gọi: "Tôn à, đi thôi, sắp muộn họp rồi!"
Lái xe quay lại nói: "Thưa anh chúng là bọn công nhân, chẳng có văn hoá gì cả! Anh không cần phải khách sáo với bọn chúng..." Đột nhiên, anh ta im lặng. Anh ta phát hiện ra cái gì đó khác lạ trong thần sắc trên gương mặt của giám đốc này.
Người công nhân bị lái xe mắng chửi suốt ấy chính là Hà Kiến Thành. Lúc đó Thành cũng nhìn thấyem trai minh. Em trai đang ăn mặc rất lịch sụ, đang ở vị thế cao quý, có xe, có lái xe riêng. Thành biết mình không nên ngại nhận người thân, vì thế cố sức rút tay mình đang bị người lái xe lôi kéo, cũng không để em trai thể hiện thái độ gì liền quay người bỏ chạy. Quốc không nói gì, cũng có thể hiểu là sự việc diễn ra quá nhanh khiến Quốc không ngờ, nhưng từ khi nhận ra anh trai tới khi anh trai bỏ chạy cũng chẳng phải quá ít thời gian. Trong khoảng thời gian này vì sao Quốc chẳng nói lời nào?
Người lái xe vẫn chưa chịu thôi, vẫn chửi theo bóng của Thành: "Mẹ nó, chạy chư! Ông mày chẳng đá đít cho bây giờ! Lần sau tốt nhất đừng có đâm vào ông, không ông..." Đúng lúc ấy, anh ta nghe thấy tiếng gọi lớn từ phía sau:
"Tôn! Đi thôi!"
Là giám đốc Quốc. Gương mặt Quốc đanh lại. Lúc ấy, anh lái xe mới im lặng, lên xe đi tiếp.
Việc đầu tiên sau khi kết thúc cuộc họp về công ty mà Quốc làm là trực tiếp tới phòng hậu cần - Chứ không phải gọi điện - tìm người phụ trách, yêu cầu anh ta lập tức sa thải anh Tôn - người lái xe đưa Quốc đi hôm nay với lí do là, văn hoá kém.
Hôm đó về nhà Quốc nghiêm túc nói chuyện với Tây là liệu có thể nhờ Hàng đổi một công việc khác cho anh Thành được không, làm thợ nề chẳng hạn. Bạn Quốc hứa để Thành tới công ty bạn làm bảo vệ nhưng Quốc chưa đồng ý. Hơn 30 tuổi rồi làm bảo vệ lại không có võ thuật, chẳng có tương lai gì cả. Mà Thành cũng không muốn làm bảo vệ, chỉ muốn được học làm thợ nề. Lúc đó Tây cũng cảm thấy rất phiền lòng, vừa gác máy với bố xong. Trong điện thoại bố Tây kể người giúp việc mới bỏ đi mà không từ biệt, cũng chẳng nói lý do, mà chẳng biết nói lý do thì đúng hơn. Chị ta đi rồi đem theo cả 1000 tệ trong ngăn kéo. May mà ở nhà còn có bố. Nếu như chẳng có ai, có khi chị ta khuân cả nhà đi mất. Vì thế Quốc đề cập tới chuyện của Thành, Tây rất phiền, và bực mình, chẳng buồn nghĩ gì lập tức trả lời: "Không được"
"Vì sao?"
Quốc cứ hỏi. Tây đành trả lời: "Anh Thành không có tay nghề, nên phải làm việc khuân vác. Để sau này nói tiếp vậy"
"Lúc đầu chẳng phải được làm thợ nề rồi à?"
"Đó là vì quan hệ của Hàng."
"Thế sao không nhờ Hàng tiếp tục dùng mối quan hệ của mình"
"Vì sao cứ phải nhờ vào mối quan hệ của người khác? Sao không dựa vào thực lực của mình ý."
Câu này nói chỉ để nói, chẳng có nghĩa gì cả.Tây cũng đã từng nói rất nhiều câu khó nghe, khi có cơ hội là Quốc nhắc lại. Nhưng lần này không như vậy. Lần này nói là quyết, vì đây là lần cuối cùng Quốc nhờ cậy Tây, nếu Tây không thay đổi, Quốc sẽ thay đổi. Nhưng Quốc không thể nói ra lí do là không thể sinh con; không thể nói được. Cứ cho là Tây không thể sinh con vì Quốc, Quốc cũng không thể nói ra lý do ấy. Vốn chuyện Tây không thể sinh con đã là chuyện không hay, Quốc lại nói thẳng ra như vậy với Tây, chẳng khác nào xát muối vào vết thương sao? Quốc cố trấn tĩnh, quay người rồi đi ra khỏi nhà.