Vào một đêm hè oi bức.
Triệu Hoán Đệ lăn qua lăn lại trên giường mấy lần, Nguyên Đức Phát vốn không muốn để ý đến cô, nhưng trong lòng anh cũng rất rối bời. Anh nằm phía bên trong, bức tường đất được dán giấy báo đã ngả sang màu vàng, làm cho mắt của anh đau nhức.
Triệu Hoán Đệ biết anh vẫn chưa ngủ, nhẫn nhịn một lúc, rồi cuối cùng cũng khóc thút thít trên giường.
Nguyên Đức Phát theo thói quen liền ho khan hai tiếng, nhìn thấy cô vẫn không kiềm chế được, dứt khoát ngồi bật dậy.
“Em nói xem em, hôm nay đánh nó làm gì?”
Câu nói vừa thốt ra này giống như một tiếng kèn, ngay khi vừa thốt ra đã châm ngòi cho cảm xúc vốn đã suy sụp của Triệu Hoán Đệ.
Cô lau nước mắt đi rồi xoay người lại, trong giọng điệu tràn đầy sự không phục: “Em là mẹ nó! Em đánh nó thì sao? Chẳng lẽ em không được đánh nó sao?”
Bọn trẻ không có ở đây, Triệu Hoán Đệ hiếm khi mới khóc mà không mang vẻ diễn xuất: “Anh thử đi mà hỏi xem có con gái nhà ai mà không lớn lên như thế không? Em chỉ đánh nó có một chút thôi, anh nhìn ánh mắt của nó kìa! Nó là con em sinh ra, sao em lại không được đánh nó chứ? Em cứ đánh nó đấy!”
Nguyên Đức Phát nhăn mày lại thành một cái đồi nhỏ: “Vậy thì em đánh đi, giờ đánh luôn cũng được, đánh cho nó chạy đi luôn đi, để xem năm nay học phí của Đống Tử kiếm ở đâu ra.”
Cứ nhắc đến tiền học phí chưa biết lấy ở đâu ra, thì Triệu Hoán Đệ càng thêm tủi thân.
Trong lòng cô đau khổ, Nguyên Đường chỉ biết đi làm loạn, chẳng bao giờ hiểu thấu nỗi khổ của cô.
Nhà nghèo như thế, mấy năm trước mỗi khi xuân về là lương thực còn chẳng đủ ăn, nay lương thực đầy đủ rồi nhưng mảnh đất nhà cô lại chẳng cày ra được tiền.
Mỗi năm tiền học của mấy đứa con đã đủ khiến cho cô lo sốt vó lên rồi, hai vợ chồng làm việc còng lưng vẫn không thoát khỏi cảnh thiếu trước hụt sau, giờ bên ngoài vẫn còn nợ mười đồng tiền phân bón chưa trả.
Nguyên Đường muốn được đi học tiếp, nhưng cô lấy đâu ra tiền cho nó đi học bây giờ?
Cô thật sự không thể nào hiểu nổi, vốn dĩ cô đã sắp đặt xong xuôi đâu vào đấy rồi, giờ chỉ cần Nguyên Đường nghe theo ý cô thì trong nhà chẳng phải mọi việc đều thuận lợi hay sao? Tại sao nó lại cứ phải làm trái lại với lời của cô như thế!
Nghe thử mà xem nó nói cái gì, học lại một năm! Bảo Đống Tử đợi nó!
Sao nó lại dám làm như thế!
Nguyên Đức Phát xoa ngực, lo lắng cho sự không hiểu lý lẽ của vợ mình.
“Anh đã nói rồi, con cái cũng lớn cả rồi, không thể cứ động tay động chân mãi như thế được, mà em cũng không chịu nghe. Giờ thì hay rồi, nhìn mặt con bé cả ngày hôm nay mà xem, anh nhìn thôi mà cũng lạnh buốt trong lòng. Nếu em không thay đổi thì sau này sợ rằng con bé nó sẽ hận em mất…”
Nó dám à!
Nước mắt của Triệu Hoán Đệ rơi lã chã, nhưng giọng lại cao vút: “Em là mẹ nó! Đừng nói là em không cho nó đi học, cho dù bây giờ em muốn ăn thịt nó thì nó cũng phải cắt ra cho em! Chẳng lẽ mười tháng mang nặng đẻ đau lại sinh ra một kẻ thù sao?”
Cô dằn giọng: “Không cần biết nó có đồng ý hay không, ngày kia nhất định phải để nó theo Vương Mỹ Yêu đi làm!”
Cô không tin là con bé này còn dám chống lại mình!
Nguyên Đức Phát cũng chưa nghĩ ra cách nào hay hơn nhưng nếu thực sự làm theo lời của Triệu Hoán Đệ thì e rằng mọi chuyện sẽ càng rối ren lên thôi.
“Cái gì vậy, em ép nó lên xe, nó lớn thế rồi chẳng lẽ không biết đường về nhà à? Hay là nó chạy luôn không quay về nữa, lúc đó em tìm thấy nó ở đâu?”
Nguyên Đức Phát mò mẫm tìm túi thuốc lào trong bóng tối, rồi lại loay hoay kiếm que diêm. Sau khi châm xong điếu thuốc, anh rít một hơi thật sâu.
“Anh thấy con bé lớn không hẳn là không muốn đi làm, chắc là do nó buồn vì không thi đỗ thôi. Em lại chọn đúng lúc này để trách móc nó, chả trách nó bực dọc. Nghe anh đi, từ mai em cứ nhẹ nhàng mà an ủi nó, phải chiều theo ý nó một chút. Chẳng phải nó thích ăn cà tím hầm khoai tây sao? Mai em nấu cho nó, đừng bắt nó ra đồng nữa, cứ để cho Đống Tử làm.”
“Mẹ con giận nhau thì không được để qua đêm, em khuyên bảo nó cho tử tế vào, con bé này dễ mủi lòng lắm. Hồi trước, mùa hè mà nó còn bắt được ít vỏ ve, còn biết mua cho em miếng cao dán nữa mà. Em thử dịu dàng khuyên nó xem, chắc là nó sẽ đổi ý thôi.”
Triệu Hoán Đệ vẫn hậm hực nói: “Chỉ vì chiều chuộng nó quá nên nó mới có cái tính bướng bỉnh như vậy đấy. Ở cái tuổi này có mấy đứa con gái dám cãi bướng như nó chứ? Đứa thứ hai, thứ ba còn chẳng có đứa nào dám như nó cả, chỉ cần em lườm một cái là ngoan ngoãn ngay... Lại còn bảo em nấu cơm cho nó ăn à? Em không nấu! Sao mà em phải hạ mình vì nó chứ?”
Nguyên Đức Phát gõ nhẹ túi thuốc: “Vì em là mẹ nó! Vì vào mùa thu này con trai chúng ta còn phải học cấp ba nữa!”
Nguyên Đức Phát nổi nóng, Triệu Hoán Đệ cũng chẳng dám cãi lại nữa.
Hai người nằm trên giường, qua một lúc lâu vẫn không ngủ được.
Nguyên Đức Phát xoay người, cảm thấy Triệu Hoán Đệ vẫn còn bực bội, anh thở dài, giọng nhẹ như một tiếng thở than.
“Mẹ nó à, em đừng cố chấp nữa. Nếu em vẫn không nguôi giận thì hãy thử nghĩ... Haiz, rốt cuộc vẫn là do chúng ta không có bản lĩnh, không nuôi nổi hai đứa. Nếu không thì con bé lớn cũng đã được đi học cấp ba vào mùa thu rồi. Đống Tử tất cả đều nhờ vào phước của chị nó, em phải chấp nhận điều đó. Đã nhờ phước rồi thì đối xử tốt với con bé một chút cũng là lẽ thường mà.”
Anh dừng lại một chút rồi lại nói tiếp: “Anh biết em trách anh để con bé học quá nhiều mới sinh ra cái tính bướng bỉnh như thế này, nhưng em thử nghĩ mà xem, hồi đó để nó học cấp hai, chẳng phải em cũng đồng ý sao?”
Triệu Hoán Đệ im lặng không nói gì. Lúc đó cô muốn bọn trẻ học hành là vì biết rằng con gái ở trong làng tốt nghiệp cấp hai thường lấy chồng sẽ tốt hơn những đứa chỉ học hết tiểu học, tiền thách cưới cũng cao hơn. Thêm nữa, học phí cấp hai ở thị trấn cũng không đắt lắm, đồ ăn thức uống đều có thể tự mang theo nên cô mới đồng ý cho nó đi học. Thật ra, mấy năm Nguyên Đường học cấp hai cũng chẳng tốn bao nhiêu tiền.
Học phí có tám đồng, mà toàn là Nguyên Đường tự kiếm được trong mấy ngày nghỉ học, con bé đi nhặt vỏ ve sầu, bọ cạp bán cho ông thầy thuốc. Mùa hè thì ra sông bắt tôm, mùa thu thì lên núi hái hồng, hái quả dại, hái hạt dẻ rừng, mùa đông thì lại ra phố giúp gói há cảo ở quán ăn. Tính ra, số tiền lặt vặt con bé kiếm được cộng dồn lại cũng đủ cho nó và Đống Tử đóng học phí.
Nhớ đến những vết thương do thời tiết lạnh của Nguyên Đường trên tay chưa lành hẳn sau bao năm, Triệu Hoán Đệ ít khi im lặng như thế.
Nguyên Đức Phát vẫn tiếp tục khuyên: “Hy vọng của nhà mình đều đặt lên vai Đống Tử. Dù không nghĩ đến con bé lớn nhưng em cũng phải nghĩ cho Đống Tử chứ. Vì chuyện này mà em nên sửa đổi tính tình của mình đi.”
Nói xong, Nguyên Đức Phát trở mình quay mặt vào trong, để mặc Triệu Hoán Đệ xoay vần với những suy nghĩ của mình. Anh đã nói đến thế rồi, nếu cô không thay đổi thì anh cũng chẳng biết làm gì hơn nữa cả.
****
Ở phía bên kia căn nhà chính, Nguyên Đống cũng không ngủ được.
Đầu óc cậu ngập tràn hình ảnh ánh mắt của chị gái mình, đôi mắt đó dán chặt vào cậu, hỏi cậu có đồng ý đợi chị một năm hay không.
Nguyên Đống kéo chăn trùm kín đầu, cảm giác tội lỗi khiến cho cậu cảm thấy nghẹt thở.
Lời chị nói, nghĩ lại chẳng phải là đang thử lòng cậu sao?
Mẹ thiên vị cậu, chị cũng đã chịu nhiều tổn thương, lại thêm những lời qua tiếng lại nữa, có khi chị không thật sự định bỏ lại gia đình để học lại đâu, chắc chỉ muốn thăm dò phản ứng của cậu xem thế nào thôi.
Nguyên Đống đấm một cú đấm vào chăn.
Sao cậu lại khờ khạo như thế!
Chỉ biết đứng chết trân ở đó thôi!
Nguyên Đống chui rúc trong chăn, cậu quyết định ngày mai phải tìm thời điểm thích hợp để nói rõ ràng với chị.
Dù chị có nói gì đi chăng nữa thì cậu cũng sẽ đứng về phía chị!
Mẹ thiên vị nhưng cậu cũng chẳng làm gì được.
Còn nữa...
Nguyên Đống nhớ đến tờ giấy báo nhập học đang được giấu kín đi.
Cậu thật sự không còn cách nào khác.
Đợi đến khi cậu thành đạt, cậu chắc chắn, không, cậu nhất định sẽ đưa chị về sống sung sướng bên cạnh mình!
******
Nguyên Đường vốn tưởng rằng đêm ấy mình sẽ không ngủ được, nhưng kỳ lạ thay, cô lại có một giấc ngủ ngon lành, không ngủ mơ đến tận sáng.
Nguyên Cần và Nguyên Liễu cũng cảm nhận được không khí trong nhà có gì đó không ổn, nên tối qua mới nằm ngủ cách xa cô cả tám cây sào. Đến khi Nguyên Đường tỉnh dậy vào sáng hôm sau thì trong nhà đã chẳng còn ai.
Trong bếp, Nguyên Đường nhìn thấy cháo và bánh bao đã được để sẵn, cô ăn hết sạch trong một lần, còn tự làm cho mình một bát trứng nữa.
Ăn uống no nê rồi, Nguyên Đường đi vào nhà lục tìm mấy quyển sách cũ của mình. Thời gian đã trôi qua khá lâu rồi, có nhiều thứ cô không còn nhớ rõ nữa.
Cô lật qua mấy quyển sách, cho đến khi tìm thấy thứ mình cần trong quyển sách lịch sử.
Nguyên Đường thay quần áo, lấy mấy quả trứng trong bếp ra nhét vào túi quần rồi bước ra khỏi nhà.
Vừa ra đến cửa thì cô đã thấy Trần Châu đang đứng đợi trước cửa nhà mình.
Đã bao nhiêu năm rồi kể từ lần cuối nhìn thấy Trần Châu, Nguyên Đường thoáng chốc ngẩn người ra.
Trần Châu trông hoàn toàn trái ngược với cái tên của mình. Cô ấy vừa đen vừa gầy, điểm duy nhất đáng tự hào đó là chiều cao, khi mới 16 tuổi cô ấy đã cao 1m70 rồi. Thật ra, những cô gái cùng thế hệ với họ đều có những cái tên không hay, tên cô vốn tên thật là Nguyên Đường (元糖; 棠 với 糖 đồng âm với nhau, đều đọc là “táng”), do mẹ cô, Triệu Hoán Đệ buột miệng gọi. Còn Trần Châu, tên thật của cô ấy là Trần Trư (陈猪; 珠 với 猪đồng âm với nhau, đều đọc là “zhū”), bởi vì bố mẹ cô ấy lúc đó muốn có con trai, nhưng lại sinh liên tiếp ba cô con gái nên mẹ cô ấy tức giận liền đặt tên ba đứa là Trư, Cẩu, Dương. Sau này, khi đến lúc làm giấy khai sinh thì người ghi sổ hộ tịch là một người tốt bụng đã cố gắng đổi cho họ những cái tên tử tế hơn.
Nhà họ Trần và nhà họ Nguyên ở sát vách nhà nhau, hôm qua nhà họ Nguyên có cãi vã, Trần Châu nghe ngóng được một ít, trong lòng đã sớm muốn tìm Nguyên Đường rồi, nhưng ngồi chờ suốt cả buổi sáng mới gặp được.
"Tiểu Đường, nhà cậu hôm qua cãi nhau vì chuyện gì thế?"
Nguyên Đường vừa đi vừa trả lời: "Chẳng có gì, chỉ là tớ nói tớ không đi làm nữa thôi."
Trần Châu nghe thấy thế, cô ấy ngạc nhiên đến nỗi thốt lên: "Chẳng có gì mà... Hả? Cậu không đi nữa sao?"
Cô ấy vô thức kéo tay áo Nguyên Đường lại, hoảng hốt nói: "Cậu không đi nữa thì tớ biết làm sao bây giờ?"
Trần Châu là con cả trong gia đình, dưới cô còn có hai em gái và một em trai. Cậu em trai thì không nói làm gì, nhưng hai đứa em gái cách cô khá nhiều tuổi. Cô đã nghỉ học ba năm trước rồi, cô chỉ ở nhà lo toan việc nhà cửa. Bây giờ, cuối cùng cô cũng có cơ hội đi làm xa. Nếu Nguyên Đường không đi cùng thì làm sao cô dám đi một mình nữa?
Trần Châu cứ nắm chặt lấy tay áo của Nguyên Đường không chịu buông. Nguyên Đường đang vội nên nói: "Cậu không quyết định được thì về hỏi mẹ cậu đi, bảo là tớ không đi nữa, xem mẹ cậu sắp xếp thế nào cho cậu."
Nói xong, Nguyên Đường vội vã rút tay áo ra và rời đi, để lại Trần Châu đang bối rối ở đằng sau. Trần Châu rất háo hức muốn đi làm ở miền Nam nhưng nếu Nguyên Đường không đi cùng thì...
Cô liền chạy vội về nhà tìm mẹ, định hỏi xem mình phải làm thế nào.
Nguyên Đường cứ tiếp tục bước dọc theo con đường làng, từng người đi qua đều khiến cô nhớ đến những ký ức cũ.
Đó là một cảm giác kỳ lạ. Cô nhìn những người đi qua, có người hiện tại rất sang trọng và thành đạt, nhưng mười năm sau lại sa sút. Có người bây giờ vẫn còn nghèo khó, nhưng vài năm tới lại nắm bắt được cơ hội mà làm giàu...
Bước qua khu nhà ở của làng, Nguyên Đường bước đến bìa ruộng.
Cô đi theo hướng về phía Tây, mất hơn nửa tiếng đi bộ, băng qua một cây cầu và tìm thấy một cánh đồng khô ở phía bên kia.
Một người đàn ông đội nón lá đang thu hoạch đậu phộng ở đó.
"Thầy Tiết!"
Người đàn ông đội nón lá nhìn thấy cô liền tháo mũ ra ngay lập tức. Ông đã có tuổi rồi, tóc đã điểm vài sợi bạc, người cũng gầy gò.
"Nguyên Đường à, sao giờ này con lại đến đây?"
Nguyên Đường lấy từ túi ra mấy quả trứng: "Thưa thầy, con có chuyện muốn hỏi."
Khuôn mặt thầy Tiết vốn hiền từ, nhưng khi nhìn thấy những quả trứng thì khuôn mặt bỗng trở nên cứng đờ, ông quay đầu đi không nhận, tay vẫn cầm đậu phộng vừa đào được rồi rũ sạch đất.
"Nói đi."
Nguyên Đường cố chấp không rút tay về, kiên trì đưa trứng ra và nói: "Thưa thầy, con muốn nhờ thầy hỏi giúp con về trường trung học số 1 của huyện."
"Xem nếu bị mất giấy báo nhập học thì còn có thể đến trường làm thủ tục nhập học được không ạ?"