Bà nội Chu khóc lóc nói: “Dạo này thu hoạch chẳng ra gì, Tiểu Mễ nó chỉ là con gái, có làm việc thì được bao nhiêu? Gạo trong nhà sớm đã hết sạch. Hai bà cháu tôi ngày nào cũng đói meo. Đứa nhỏ thật tội nghiệp, ăn không đủ no mà ngày nào cũng phải ra đồng làm việc. Tôi già rồi không ăn cũng chẳng sao, nhưng không thể để con bé bị đói được!”
Bà ta run run lôi từ trong người ra một cái túi vải nhỏ: “Dù sao cô cũng là vợ cưới hỏi đàng hoàng của Trụ Tử, Trụ Tử mất rồi thì cô phải hiếu kính tôi. Tôi đâu có đòi nhiều, chỉ một túi nhỏ thế này thôi. Cô không cho tôi một hạt gạo, tôi sống sao nổi nữa!”
Một túi nhỏ như vậy?
Muốn đầy túi cũng phải bốn, năm cân gạo. Chu Bình lo bếp núc, tính toán chặt chẽ thì cũng đủ ăn trong mười ngày.
Nhà cũng chẳng dư dả gì, dạo này vì công việc đồng áng nhiều nên người ra đồng mới có cơm trắng để ăn. Bình thường trong nhà cũng chỉ có cháo bí đỏ, chỉ có bí mà không có cháo.
Chỉ uống chút nước lót dạ, không thì uống nhiều nước cho bụng no, coi như lấp đầy bụng vậy.
Chu Tiểu Mễ nhìn có vẻ siêng năng, nhưng thật ra là con bé chỉ biết khóc thôi, làm chẳng được bao nhiêu. Công điểm của cô ta chẳng đủ nuôi nổi bản thân. Mỗi lần chia gạo, cũng là do đội trưởng thương tình, sợ hai bà cháu đói chết lại bị người ta dị nghị, nên mới len lén cắt xén từ khẩu phần của nhà họ Chu để tiếp tế cho.
Về chuyện này, Chu Bình biết rõ, cũng chỉ có thể mắt nhắm mắt mở.
Đó đã là việc lương tâm ít ỏi của Chu Bình có thể chấp nhận rồi, là giới hạn cuối cùng.
Giờ thu hoạch mùa thu còn chưa phát, mà đã đòi gạo. Chu Bình dám chắc, chỉ cần nhượng bộ lần này, bà già này chắc chắn sẽ còn quay lại nữa.
Nhưng nhà cũng đâu có khấm khá gì, nuôi sống bao nhiêu miệng ăn đã khổ sở lắm rồi, sao còn nuôi thêm Chu Tiểu Mễ và bà nội Chu được? Bà đâu phải người tốt bụng đến mức hy sinh cả nhà để lo cho họ!
Không cần suy nghĩ nhiều, Chu Bình liền nói: “Vậy thì bà đi chết đi! Ra ngoài chết, đừng cản đường tôi!”
Bà nội Chu trợn mắt mắng: “Cô đúng là độc ác! Cô đối xử với tôi thế này, Trụ Tử trên trời nhìn thấy đấy! Cô không sợ sau này chết rồi cũng không được bước vào bàn thờ nhà họ Chu sao? Cô còn chút lương tâm nào không?”
Nói rồi lại bắt đầu khóc thút thít, kể khổ số phận hẩm hiu.
Bà ta la hét to đến mức hàng xóm cũng kéo tới xem.
Lúc này rảnh rỗi, ai cũng ở nhà nấu cơm. Nghe có chuyện thì biết có trò vui để xem. Thúy Hoa nhà bên cạnh xách theo cái ghế nhỏ ra ngồi, nhìn cái dáng là biết chỉ thiếu đĩa hạt dưa trên tay nữa thôi là thành đi xem kịch thật rồi.
“Tôi nói thật nha, Chu Bình, chuyện này bà làm không đúng rồi. Người ta già cả rồi, còn phải hạ mình đi xin bà một miếng cơm ăn, bà nghĩ dễ lắm sao? Nếu là tôi, tôi không làm nổi chuyện thất đức vậy đâu.”
Thúy Hoa vốn có hiềm khích với Chu Bình.
Hai nhà gần nhau, bà già này thế nào Thúy Hoa biết rõ, nhưng giờ có cơ hội thì đương nhiên phải hả hê, bới móc Chu Bình.
Chuyện bắt đầu từ việc ruộng rau tự trồng của hai nhà sát cạnh nhau, hay cãi nhau về ranh giới.
Lần trước Chu Bình trồng ít gừng, Thúy Hoa thấy thích nhưng không chịu bỏ tiền mua giống, liền nảy sinh ý đồ xấu.
Gừng trồng sát ranh, lại mọc nghiêng về phía nhà Thúy Hoa do bên đó bón phân nhiều. Đến mùa, Thúy Hoa thu sạch. Chu Bình tức giận, chửi ba ngày trước cổng nhà, từ đó thù oán bắt đầu.
Giờ có dịp, đương nhiên phải chọc ngoáy thật đã.
Bà nội Chu thấy có người bênh liền được nước lấn tới: “Thúy Hoa, cháu là người hiểu lý lẽ. Con dâu tôi lòng dạ độc ác, muốn để tôi đói chết! Cháu xem, tôi sống làm sao nổi nữa? Cháu khuyên nó giúp tôi đi.”
“Đúng vậy đó Chu Bình.” Thúy Hoa liếc nhìn Chu Mãn Mãn, cười cười đầy ẩn ý: “Tôi biết bà là người dữ dằn, không sợ trời không sợ đất, nhưng làm vậy là hại Mãn Mãn đó. Mãn Mãn đã hủy hôn với Tôn Dụ, giờ là ‘hàng qua tay’, tìm hôn sự sau này khó lắm. Bà còn làm vậy với mẹ chồng mình, tiếng xấu lan ra thì ai dám cưới Mãn Mãn nữa? Việc xấu trong nhà đừng để người ngoài biết, đưa cho bà ấy đi.”
Vừa dứt lời, Chu Bình đã đỏ bừng cả mặt, định rút dao ra.
Bà nghiến răng nghiến lợi: “Bà nói lại lần nữa, ai là ‘hàng qua tay’ hả?”
Bà còn tức giận hơn vừa nãy.
Chu Mãn Mãn là bảo bối trong lòng bà, ai dám nói xấu một câu, bà sống chết với người đó!
Thúy Hoa bị ánh mắt lạnh băng của bà dọa cho giật mình, lắp bắp: “Ôi, tôi cũng chỉ nghĩ cho bà thôi mà, vậy mà bà lại nổi khùng với tôi! Đúng là chó cắn Lã Động Tân, không biết ai tốt với mình!”
Nói rồi, bà ta xách ghế nhỏ định vào nhà, không xem kịch nữa.
Ai cũng biết, Chu Bình là người điên.