Vào giữa tháng bảy, tấu chương thỉnh tội của Trần Đình Giám và ba lá thư nhà của Hoa Dương cùng được đưa vào Ngự Thư Phòng.
Cảnh Thuận Đế cầm ba lá thư nhà của nữ nhi lên trước, nhìn thấy dòng chữ “Phụ hoàng thân khải” trên lá thư đầu tiên, Cảnh Thuận Đế vui vẻ mỉm cười.
(*) Thân khải 亲启 lời đề nghị chính tay người nhận thư mở ra (và không lộ liễu công bố nội dung ra ngoài)
Vào tháng năm, nữ nhi cũng đã viết thư về, một bức gửi cho Hoàng hậu, một bức cho Thái tử, chỉ riêng ông ấy là không có. Cho dù trong bức thư gửi cho Hoàng hậu cũng nhắc đến việc quan tâm ông ấy nhưng Cảnh Thuận Đế vẫn có chút không vui.
Ông ấy không có nhiều con cái, tổng cộng chỉ có hai trai hai gái, do Hoàng hậu và Quý phi sinh.
Trong bốn đứa con này, ngoài việc dành những kỳ vọng khác nhau cho các nhi tử ra, thì Cảnh Thuận Đế thực sự yêu thương nhất là nữ nhi út Hoa Dương.
Hoàng hậu là mỹ nhân hiếm có trong một nơi như Hoàng cung, nhan sắc của Hoa Dương thậm chí còn hơn Hoàng hậu vài phần. Từ nhỏ nàng đã trổ mã xinh đẹp, hồn nhiên đáng yêu đến mức dù nàng có nhăn nhó tát người ta, thì người bị đánh cũng phải lo lắng không biết tay nàng có đau hay không.
Trong mắt Cảnh Thuận Đế, nữ nhi giống như một quả tiên có thể khiến người ta quên đi mọi phiền muộn. Cho dù ông ấy muộn phiền vì điều gì, thì chỉ cần nhìn thấy nữ nhi, tinh thần của ông ấy liền sảng khoái trở lại.
Khi còn nhỏ, nữ nhi rất quấn ông ấy, luôn thích chạy đến bên cạnh ông ấy chơi, mỗi lần đều gọi một tiếng Phụ hoàng, tiếng gọi còn êm tai hơn cả chim hoàng yến quý hiếm trong lồng.
Tiếc thay, sau này trong lúc say rượu ông ấy đã hồ đồ cưỡng ép một cung nữ. Sau khi xong chuyện, ông ấy mới phát hiện cảnh đó có thể đã bị nữ nhi bắt gặp.
Từ đó nữ nhi rất ít khi lại gần ông ấy, ngoài mặt Cảnh Thuận Đế làm như không biết chuyện, nhưng thực ra cũng xấu hổ không dám chủ động tìm nữ nhi.
Dù vậy, Hoa Dương vẫn là đứa con ông ấy yêu thương nhất.
“Đưa hai bức thư này đến cho Hoàng hậu và Thái tử.”
Cảnh Thuận Đế lại so sánh độ dày của ba bức thư nhà một phen, phát hiện bức thư gửi ông ấy là dày nhất, ông ấy liền mỉm cười giao hai bức còn lại cho thái giám bên cạnh.
Thái giám cầm thư ra ngoài, Cảnh Thuận Đế cắt phong bì, lấy thư ra.
Đọc một lúc, Cảnh Thuận Đế nhíu mày, tạm đặt bức thư của nhi nữ xuống, mở tấu chương của Trần Đình Giám ra.
Lúc này, Cảnh Thuận Đế đã hiểu rõ. Thì ra là đệ muội của Trần Đình Giám ở quê nhà đã lén lút tham ô hơn hai vạn lượng bạc, cùng với một số ruộng đất và cửa tiệm.
Ngoài việc viết tấu chương thỉnh tội, Trần Đình Giám còn gửi đến một chiếc hòm, bên trong đựng toàn bộ vàng bạc châu báu mà Tề thị đã tham ô, cùng với khế ước đất đai, nhà cửa.
Dưới triều Tiên Đế, tham quan lộng quyền, quốc khố luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Sau khi Cảnh Thuận Đế lên ngôi, ông ấy đã mạnh tay trừng trị tham quan, trọng dụng các hiền thần để cải thiện đời sống dân chúng, khiến sổ sách quốc khố trông khá hơn một chút, nhưng các khoản chi tiêu của triều đình vẫn rất eo hẹp. Đến nay tự nhiên thu về được hơn hai vạn lượng bạc, dù so với nhu cầu quốc gia chỉ là một con số nhỏ, nhưng Cảnh Thuận Đế cũng rất vui mừng. Đám quan viên, cường hào dưới kia có bạc mà không chịu chia sẻ khó khăn với triều đình, lén lút dâng hiến cho người khác, cuối cùng chẳng phải vẫn gửi đến tay ông ấy sao?
Còn về phụ nhân Tề thị, Cảnh Thuận Đế căn bản không thèm để mắt tới.
Cảnh Thuận Đế gọi một thái giám chuyên ghi chép đến, truyền lời ông ấy, viết công văn hồi đáp Trần Đình Giám.
Việc đầu tiên, về vấn đề hối lộ, phàm là quan viên, xét thấy số tiền hối lộ của mỗi quan viên không lớn, Cảnh Thuận Đế quyết định giáng chức mỗi quan viên hai cấp, đồng thời phạt thu mười lần số tiền đã hối lộ để răn đe. Còn với các địa chủ cường hào, mỗi gia chủ phạt đánh hai mươi trượng, đồng thời phạt nộp lại gấp mười lần số tiền đã hối lộ.
Như vậy xem ra, chỉ riêng việc phía Trần gia trừng phạt các quan viên và cường hào liên quan, Cảnh Thuận Đế đã có thể kiếm lại hơn hai mươi vạn lượng bạc cho quốc khố.
Việc thứ hai, Cảnh Thuận Đế khen ngợi Trần Đình Giám vì hành động đại nghĩa diệt thân, chủ động thỉnh tội và có công trong việc phòng chống lũ lụt, đồng thời an ủi Trần Đình Giám không cần quá tự trách.
Việc thứ ba, theo luật pháp, Tề thị phạm hai tội tham ô và bất hiếu với mẹ chồng, phạt treo cổ. Trần gia chỉ cần giao Tề thị cùng đồng phạm cho nha môn tri phủ Lăng Châu là được. Còn việc Trần Đình Thực quản gia không nghiêm, đó là chuyện nhà của Trần gia, Trần Đình Giám là huynh trưởng, có thể tự quản giáo trừng trị để tránh tái phạm sau này.
“Hoàng thượng nhân từ, Trần Các lão nhận được ý chỉ của ngài chắc chắn sẽ vô cùng cảm kích.”
Đại Thái giám Mã công công cười nịnh nọt nói.
Cảnh Thuận Đế vuốt râu, Trần Đình Giám là trụ cột của quốc gia, ông ấy tất nhiên sẽ không vì chuyện nhỏ này mà giáng tội ông.
Sau khi xử lý xong chính sự, Cảnh Thuận Đế tiếp tục đọc thư của nữ nhỉ, chỉ thấy trong thư toàn nhắc đến việc Tề thị tham ô và chuyện Trấn Thạch Kiều bị thiên tai, chỉ đến đoạn cuối mới dặn dò ông ấy bảo trọng sức khỏe.
Loại thư nhà như vậy chẳng có gì thú vị.
Cảnh Thuận Đế đi đến cung Phượng Nghi của Hoàng hậu.
Thích Hoàng hậu đang đọc thư của nữ nhi, đọc đến mức quá chăm chú, ngay cả khi Cảnh Thuận Đế bước vào cũng không phát hiện ra.
Cảnh Thuận Đế đã ngoài năm mươi, còn Thích Hoàng hậu mới ba mươi lăm tuổi, không chỉ giữ được nhan sắc thời trẻ, mà còn có thêm vẻ quyến rũ, đằm thắm của một phụ nhân trưởng thành, cũng chính vì nhan sắc này mà sau nhiều năm để trống ngôi vị Hoàng hậu, Cảnh Thuận Đế đã sắc phong một tân sủng như bà ấy khi bà ấy mới vừa vào cung.
“Viết gì mà nàng cười ngọt như ăn mật vậy.”
Cảnh Thuận Đế ngồi xuống bên cạnh thê tử. Nếu Thích Hoàng hậu quan sát kỹ, bà ấy sẽ thấy một chút ghen tị trên khuôn mặt ông ấy.
Nhưng lúc này trong lòng Thích Hoàng hậu chỉ nghĩ về nữ nhi và nữ tế. Bà ấy cười, đưa bức thư về phía Hoàng đế trượng phu: “Từ sau khi Hoa Dương xuất giá, mỗi lần vào cung đều than phiền với thiếp rằng Phò mã thô lỗ, không hiểu phong tình. Giờ thì cuối cùng đôi phu thê trẻ cũng đã hòa thuận với nhau rồi.”
Cảnh Thuận Đế hơi nheo mắt lại, đọc thấy trong thư nữ nhi viết: “Hai vị phu huynh đều là văn nhân, đi bộ một mình trong mưa gió quả thực rất vất vả, khó có thể toàn lực chăm sóc thê tử, còn Phò mã lại cõng con bước đi vững chãi như thể trên đường bằng phẳng, lúc đó nữ nhi mới hiểu, võ phu cũng có cái hay của võ phu.”
Cách viết đơn giản, nhưng lại toát lên vài phần ngọt ngào của nữ nhi út.
Cảnh Thuận Đế cũng mỉm cười, ông ấy đương nhiên cũng mong phu thê nữ nhi và Phò mã ân ái, sống hạnh phúc.
Đế Hậu cùng nhau đọc hết bức thư, nói đôi chút về chuyện nhà của Trần gia, cuối cùng câu chuyện lại quay về nữ nhi. Cảnh Thuận Đế vuốt râu nói: “Dù sao Lăng Châu cũng là nơi xa xôi, Trấn trên đó lại càng nghèo nàn, Hoa Dương sống ở đó sẽ gặp nhiều bất tiện. Đợi sang năm Phò mã hết tang, trẫm lập tức điều hắn về kinh thành, Hoa Dương cũng sớm quay lại.”
Thích Hoàng hậu suy nghĩ một lát rồi nhẹ nhàng nói: “Hoàng thượng, cả nhà Trần Các lão đều là những người hiếu thảo. Đầu năm nhận được tin tang sự, biết bao nhiêu người đoán Trần Các lão sẽ tìm cách ở lại kinh thành, thế nhưng Trần Các lão lại không chút do dự vào cung từ quan, nóng lòng về quê. Lần này phu thê họ nhất định sẽ ở lại quê nhà đợi mãn tang, mặc dù ba huynh đệ Phò mã chỉ cần chịu tang một năm, nhưng có lẽ họ cũng không nỡ bỏ lại hai vị lão nhân mà quay lại kinh thành làm quan trước.”
Cảnh Thuận Đế: “Ý nàng là gì?”
Thích Hoàng hậu mỉm cười: “Quan viên có đại tang, trước khi hết tang kỳ đều sẽ dâng tấu chương lên triều đình, xin triều đình sắp xếp chức vụ vào thời điểm thích hợp. Hay là chúng ta đợi thêm một thời gian, xem trong tấu chương của ba huynh đệ Phò mã nói gì. Nếu họ muốn quay về kinh thành ngay, thì ngài đồng ý là được. Nếu họ muốn ở lại Lăng Châu để tiện tận hiếu với hai lão nhân, thì chi bằng ngài chuẩn bị ba vị trí trống ở Lăng Châu cho họ. Ba huynh đệ trẻ tuổi trải qua một hai năm rèn luyện ở địa phương cũng sẽ có lợi cho họ.”
Cảnh Thuận Đế: “Nếu thật sự như vậy, thì chẳng phải Hoa Dương sẽ phải ở lại bên ngoài thêm hai năm nữa sao?”
Thích Hoàng hậu: “Là thêm một năm ba tháng, đến mùa hè năm sau nữa là có thể về kinh. Bây giờ nó đã là tức phụ của Trần gia, đã chịu tang một năm rồi, ở thêm một năm rưỡi nữa có thể cùng hưởng tiếng thơm là tức phụ hiếu thảo cùng hai vị tẩu tử, cớ sao mà không làm?”
Cảnh Thuận Đế: “Được thôi, vậy chúng ta ban tặng thêm một số đồ qua đó, không thể để nó chịu khổ ở đó được.”
Thích Hoàng hậu không hề lo lắng, Trần gia không dám để nữ nhi của mình chịu ấm ức.
Đông Cung.
Thái tử đang theo tiên sinh học bài, mặc dù vị tiên sinh này không nghiêm khắc như Trần Các lão, nhưng theo quy tắc, trừ khi gặp chuyện lớn, thì không ai được phép quấy rầy khi đang giảng bài.
Đến gần trưa, cuối cùng buổi học cũng kết thúc.
Thái tử mười tuổi ngả lưng vào ghế, vươn vai một cái thật dài.
Tiên sinh liếc nhìn cậu bé, không chỉ trích dáng vẻ bất nhã của Thái tử như Trần Các lão thường làm, mà chỉ thu dọn bàn học rồi hành lễ cáo lui.
Khi tiên sinh rời đi, thái giám Tào Lễ hầu cận của Thái tử cười rạng rỡ, cúi người bước vào.
Thái tử nhướng mày: “Có chuyện gì vui mà cười thành như vậy?”
Tào Lễ lập tức lấy ra một bức thư từ phía sau lưng, giống như đang dâng báu vật: “Điện hạ, Công chúa lại gửi thư tới rồi!”
Đôi mắt của Thái tử sáng lên, không thể chờ đợi hơn mà rời khỏi ghế, nhanh chóng giật lấy lá thư của tỷ tỷ.
Phụ hoàng Mẫu hậu nghiêm khắc dạy dỗ cậu bé, hiếm khi cho phép cậu bé xuất cung, nên những chuyện bên ngoài cung mà cậu bé muốn biết thì đều phải nghe ngóng từ các thái giám xung quanh. Tỷ tỷ là người đầu tiên ở bên ngoài viết thư cho cậu bé.
Thái tử rất nhớ tỷ tỷ, cũng muốn biết tỷ tỷ ở Lăng Châu có gặp được điều gì mới mẻ không.
Cậu bé ngồi bên cửa sổ, háo hức đọc lá thư.
Tào Lễ đứng chếch sang một bên, thấy tiểu chủ tử dần nhíu mày, trong lòng luôn lo lắng, sợ tiểu chủ tử bực mình, sẽ khó mà hầu hạ.
May mắn thay, đôi lông mày của Thái tử lại nhanh chóng giãn ra, cuối cùng nhìn ra ngoài cửa sổ, trầm ngâm suy nghĩ.
Tào Lễ tò mò hỏi: “Điện hạ, ngài đang nghĩ gì vậy?”
Thái tử bừng tỉnh, hỏi hắn ta: “Ngươi đã từng thấy lũ lụt chưa?”
Tào Lễ giật mình: “Sao đột nhiên Điện hạ lại nhắc đến lũ lụt vậy? Chẳng lẽ bên Lăng Châu xảy ra lũ sao? Công chúa có bị thương không?”
Thái tử lắc đầu, đưa bức thư cho hắn ta.
Tào Lễ đọc nhanh một lượt, vỗ ngực mấy cái liền: “May quá, may quá, Công chúa là người tốt được trời giúp, không gặp phải trận lũ.”
Năm nay Tào Lễ mười tám, khi xưa quê nhà cũng vì lũ lụt mà mất cha nương, lưu lạc đến kinh thành rồi bị người ta đưa vào cung làm thái giám.
Nếu Thái tử đã có hứng thú, thì Tào Lễ liền kể cho cậu bé nghe về sự tàn khốc của thảm họa lũ lụt.
Thái tử: “Chẳng phải mỗi năm triều đình đều sẽ cấp bạc riêng để xây đê điều hay sao?”
Tào Lễ: “Đó là dùng để sửa đê lớn, còn những đoạn sông nhỏ ở vùng quê thì bao nhiêu năm cũng sẽ không có lũ lụt, chỉ thỉnh thoảng có năm mưa lớn mới bị ngập, không đáng để gia cố đê điều.”
Thái tử: “Vậy nếu Phụ hoàng nhất quyết muốn sửa thì sao?”
Tào Lễ liếc nhìn ra ngoài, ghé sát tai Thái tử nói nhỏ: “Vậy phải xem quốc khố có nhiều bạc như vậy hay không.”
Thái tử mím chặt môi, quốc khố không dư dả, cậu bé thường thấy Phụ hoàng lo lắng về chuyện bạc.
Tào Lễ: “Ngài lo lắng cho Công chúa sao? Đừng lo, ngài xem Công chúa còn có tâm trí để khen Phò mã kìa, chứng tỏ nước lũ bên đó không nghiêm trọng.”
Thái tử lại nhìn vào bức thư, trong đầu hiện lên một thân hình cao lớn, đầy khí chất anh hùng, đó chính là Trần Kính Tông, nhi tử thứ tư của Trần Các lão, cũng là tỷ phu của cậu bé.
Thái tử và Phò mã gặp nhau không nhiều, ấn tượng mà Phò mã để lại cho cậu bé là một người cũng được, diện mạo miễn cưỡng có thể xứng đôi với tỷ tỷ.
“Điện hạ, nên đi dùng bữa rồi.” Tào Lễ cười tươi nhắc nhở.
Thái tử ừ một tiếng, dẫn đầu bước ra ngoài.
Bữa trưa ở Đông Cung rất phong phú, dù sao thì dù quốc khố có rỗng thì cũng sẽ không bạc đãi những quý nhân trong cung, riêng bữa ăn của Thái tử đã có tám món mặn và hai món canh.
Tỷ tỷ hy vọng cậu bé khỏe mạnh, Thái tử liền ăn thêm một bát cơm, sâu trong lòng, cậu bé cũng muốn trở thành một nam tử anh dũng có thể đi trên con đường núi trong cơn mưa lớn như đi trên mặt đất bằng phẳng.
Sau bữa ăn có nửa giờ nghỉ ngơi, Thái tử suy nghĩ một lúc rồi đi tìm Mẫu hậu.
“Mẫu hậu, có phải tỷ tỷ cũng viết thư cho người phải không?”
Thích Hoàng hậu: “Đúng vậy, con muốn xem không?”
Thái tử: “Vâng, thư gửi cho con chỉ có một trang.”
Thích Hoàng hậu cười, bảo cung nữ mang thư nhà của nữ nhi đến, có tận ba trang đầy.
Ba bức thư của Hoa Dương, bức gửi cho Phụ hoàng chỉ nói đến chính sự, bức gửi cho đệ đệ chỉ nói về chuyện nhà, còn bức gửi cho Mẫu hậu thì có cả hai điều đó.
Thích Hoàng hậu nhân cơ hội dạy nhi tử: “Trần Các lão là người thanh liêm và chính trực, cho dù trong nhà xảy ra loại chuyện như vậy, ông ấy cũng thà tự phơi bày khuyết điểm của nhà mình cũng không giúp huynh đệ che giấu.”
Thái tử nhìn bức thư, không nói gì.
Thích Hoàng hậu tiếp tục: “Mặc dù ông ấy đang trong thời gian chịu tang, nhưng khi dân chúng gặp khó khăn, ông ấy cũng không màng nguy hiểm mà lấy mình làm gương, cùng bách tính vượt qua, thật sự là một vị quan tốt yêu thương dân chúng.”
Cuối cùng Thái tử nói: “Mẫu hậu giỏi nhận biết nhân tài, đã chọn cho nhi tử một vị tiên sinh tốt.”
Thích Hoàng hậu mỉm cười, xoa đầu nhi tử: “Mẫu hậu biết, Trần Các lão hơi nghiêm khắc, nhưng từ xưa đến nay, thầy nghiêm khắc trò mới giỏi, con chỉ cần nhớ, Các lão được Phụ hoàng và Mẫu hậu giao phó trách nhiệm, dù có nghiêm khắc với con thì cũng đều là tốt cho con.”
Thái tử cúi đầu: “Nhi tử hiểu.”
Thích Hoàng hậu thu hồi lại bức thư, quan tâm nói: “Con ở đây nghỉ ngơi đi, lát nữa đi học luôn.”
Thái tử đi theo cung nữ đi rửa tay rửa mặt.
Nhưng khi nằm xuống giường, Thái tử lại không thấy buồn ngủ, một lúc nghĩ đến trận lũ ở Trấn Thạch Kiều rốt cuộc như thế nào, một lúc lại nghĩ đến vị Trần Các lão vô cùng nghiêm khắc đó.
Tỷ tỷ nói Trạng nguyên lang, Thám hoa lang của Trần gia đều nho nhã yếu đuối, đi trên đường núi còn suýt nữa ngã, còn Trần Các lão thì sao, vừa nho nhã yếu ớt lại còn lớn tuổi, liệu có phải cũng ngã không?
Trước mắt hiện lên hình ảnh Trần Các lão bị ngã vào bùn không đứng dậy nổi, Thái tử bật cười, hài lòng chìm vào giấc ngủ.