Nắng chiều ngả dần về phía tây, Trần Kính Tông xách theo con mồi đứng ngoài bức tường cao hơn cả một người của nhà mình, huýt sáo một cái, ném con mồi qua tường, hắn lại nhảy một cái đã leo được lên tường.
Vừa nhảy lên, liền thấy tiểu nha hoàn Châu Nhi đứng trong sân nhỏ ở chái nhà* phía tây, ngẩng mặt vội vàng báo cáo với hắn: “Phò mã, công chúa đang tiếp đãi lão phu nhân, ngài hãy nhẹ nhàng một chút!”
(*chái nhà: phần mở rộng của phần nhà chính. Có thể hiểu đơn giản, chái nhà tựa như “nhà kho”)
Trần Kính Tông hiểu ra, đưa con mồi cho Châu Nhi, hắn nhẹ nhàng nhảy xuống, hầu như không phát ra tiếng động gì.
Ở trên núi cả một ngày, trên người hắn dính rất nhiều bùn đất, nếu lúc này ra ngoài, chắc chắn sẽ bị mẫu thân phát hiện.
Trần Kính Tông phủi bụi trên vạt áo, hỏi Châu Nhi: “Đã giờ này rồi, lão phu nhân đến đây làm gì?”
Châu Nhi lắc đầu: “Nô tỳ cũng không biết, chỉ là khi Triều Vân tỷ gọi nô tì đến dưới mái hiên để dặn dò, hình như nô tỳ nghe thấy lão phu nhân đang khuyên công chúa đừng tức giận.”
Động tác của Trần Kính Tông dừng lại, nàng là tổ tông, vậy mà lại có người dám chọc giận nàng sao?
Trong gian nhà chính cách đó không xa, Tôn thị đã chắc chắn rằng nhi tức của mình dù là công chúa không để tâm đến những lời đàm tiếu nhỏ nhặt ở vườn hoa nữa, đang lúc thở phào nhẹ nhõm thì bỗng nhớ đến lão Tứ nhà mình, cảm thấy kì lạ hỏi: “Cũng sắp đến giờ ăn tối rồi, sao không thấy lão Tứ đâu?”
Hoa Dương vừa ghét bỏ vừa cười nói: “Ai biết được, nửa ngày rồi con cũng không nhìn thấy chàng ấy rồi, nhưng nương đừng lo, đợi lát nữa cơm tối được dọn lên, chàng ấy chắc chắn sẽ xuất hiện.”
Nếu trước mặt là đứa bé Uyển Nghi kia, Hoa Dương có thể thoái thác nói rằng Trần Kính Tông đang ngủ nướng, nhưng người trước mặt lại là bà bà, người dám đi vào trong phòng đánh thức nhi tử dậy.
Tôn thị đoán được lão Tứ đã lén ra ngoài rồi, không tiện nói ra để tránh làm nhi tức công chúa chê cười, nhưng vẫn không nhịn được mà phàn nàn hai câu.
Nhưng sự ghét bỏ của bà khác với sự chế giễu của La Ngọc Yến, Hoa Dương có thể nhìn ra được bà bà yêu thương nhi tử đến nhường nào.
Hoa Dương đột nhiên hỏi: “Nương, đại ca và tam ca đều thích đọc sách, tại sao phò mã lại chọn luyện võ vậy?”
Về vấn đề này, thực ra ở kiếp trước nàng cũng tò mò, chẳng qua là lúc đó nàng không thân thiết với mọi người trong nhà họ Trần, nếu hỏi thẳng Trần Kính Tông thì chẳng khác nào vạch ra điểm yếu của người khác ngay trước mặt họ, mà hỏi bà bà thì lại có vẻ như đang chê bai nhi tử của bà ngay trước mặt bà.
Ở kiếp này, nàng thân thiết với Tôn thị hơn một chút, người trong nhà cũng có thể nói một số chuyện.
Tôn thị thấy trong mắt nhi tức chỉ có sự tò mò, không hề có ý nói bóng gió gì khác, lắc đầu, thở dài nói: “Chuyện này à, cũng không thể trách Kính Tông được.”
Sau khi bà gả cho Trần Đình Giám, bà đã sinh tổng cộng bốn nhi tử.
Lão Đại đỗ trạng nguyên, khi lão Nhị qua đời vì bệnh nhưng cũng đạt được danh hiệu cử nhân, lão Tam đỗ thám hoa, thiên phú học hành của ba huynh đệ này đương nhiên không cần nói cũng biết.
Còn lão Tứ, hồi nhỏ giống như các ca ca, môi đỏ răng trắng mắt phượng mày ngài, đọc thuộc thơ từ rất nhanh, thoạt nhìn lại là một hạt giống rất có tố chất học hành.
Điều đáng tiếc là, lão Tứ là đứa nhỏ tuổi nhất, cho dù hắn có thiên phú cỡ nào, cũng không bằng được ba ca ca của hắn, cho nên câu nói lão Tứ nghe được nhiều nhất khi còn bé là “Tứ lang phải cố gắng đọc sách nhé, lớn lên sẽ giỏi giang giống như các ca ca của con!”
Hoặc khi còn ở học đường, thỉnh thoảng lão Tứ ham chơi làm sai bài tập, các tiên sinh liền trách móc hắn: “Nghịch ngợm như vậy, kém xa so với các ca ca của trò hồi xưa!”
Có lúc không bằng Đại ca, có lúc không bằng Nhị ca, có lúc lại không bằng Tam ca, tóm lại dù lão Tứ có làm tốt đến đâu, có ba đại ca phía trước, thì rất khó để lão Tứ thể hiện sự thông minh của bản thân.
Nếu như nói tiên sinh dạy học là người ngoài, thì lời nói của người thân, bằng hữu cũng không cần để ở trong lòng, nhưng trong nhà người chê bai lão Tứ nhiều nhất, lại là trượng phu Trần Đình Giám.
Đồng liêu ở chốn quan trường đều khen trượng phu ôn tồn, lễ độ, điềm đạm, nghiêm túc, tuy nhiên khi ở nhà, ở trước mặt bọn trẻ, trượng phu hoàn toàn là một phụ thân vô cùng nghiêm khắc.
Nhất là, khi đó trượng phu còn trẻ, lại càng thiếu kiên nhẫn với bọn trẻ.
Lão Đại điềm tĩnh, lão Nhị ốm yếu, lão Tam khôn khéo, ba người này ít khi bị giáo huấn.
Tính tình lão Tứ có phần bốc đồng, nên trở thành người bị giáo huấn nhiều nhất, nhưng lão Tứ là một đứa cứng đầu, càng giáo huấn hắn thì hắn càng không muốn đọc sách, lại chạy sang nhà quan võ hàng xóm, theo học võ với những đứa bé nhà khác.
Dù là do tình hình trong triều đình coi trọng văn chương xem nhẹ võ thuật, hay là do tâm tư của trượng phu khi làm quan văn, ông đều hi vọng lão Tứ sẽ chăm chỉ đọc sách và thi đậu công danh. Để khiến lão Tứ từ bỏ việc học võ, trượng phu bất chấp sự phản đối của bà, sử dụng đủ mọi biện pháp như cấm túc, gia pháp và các thủ đoạn khác với lão Tứ, cuối cùng bà không thể chịu nổi nữa, đe dọa trượng phu sẽ chuyển về lão trạch, trượng phu mới không cam lòng mời sư phụ dạy võ đến dạy lão Tứ.
Hai phụ tử nhìn nhau không vừa mắt, lúc lão Tứ mười tuổi, cố chấp đưa theo sư phụ dạy võ về Lăng Châu.
Nhớ đến những năm tháng mẫu tử xa cách nhau với lão Tứ, Tôn thị lại thở dài.
Cuối cùng, Hoa Dương cũng biết vì sao trong nhà các lão lại có một vị công tử giỏi võ rồi.
“Ôi, đến lúc ta phải về rồi, nếu như lão Tứ trở về quá muộn, ngày mai ta sẽ giáo huấn nó một trận, công chúa đừng giận nó nhé.”
Trước khi rời đi, Tôn thị còn lo lắng một phen cho nhi tử vẫn chưa thấy tăm hơi đâu.
Hoa Dương mỉm cười tiễn bà bà ra đến cổng viện, khi quay lại, nhìn thấy Trần Kính Tông bước ra từ chái nhà phía Tây.
Trong ánh hoàng hôn, hắn mặc một bộ áo vải, dáng người cao ráo, hai ống tay áo đều được xắn lên đến khuỷu tay, để lộ hai cánh tay dài và rắn chắc.
Hai phu thê gần như cùng lúc bước tới trước gian nhà chính.
“Sao mẫu thân đến đây vậy?” Trần Kính Tông nhìn nàng hỏi.
Hoa Dương mỉm cười: “Chỉ là chuyện nhỏ, không đáng nhắc đến.”
Nàng thực sự không bận tâm đến những suy nghĩ nhỏ nhặt của La Ngọc Yến, có những nữ nhân xem trượng phu mình là niềm tự hào, nhưng nàng là công chúa, nam nhân có thể làm phò mã của nàng mới nên lấy làm vinh dự.
“Đi tắm đi, lát nữa sẽ ăn cơm.”
Bỏ lại nam nhân cả người đầy mồ hôi, Hoa Dương đi vào phòng ngủ để nghỉ ngơi trước.
Trần Kính Tông: …
Hắn không nhận ra nàng đang tức giận, mà ngược lại cảm thấy nàng có chút kiêu ngạo và tự mãn!
Sau khi màn đêm buông xuống, Trần Kính Tông đã súc miệng hết lần nào đến lần khác, rồi mới đi về phía chiếc giường.
“Tắt đèn đi.” Hoa Dương nói một cách không cho phép phản bác.
Trần Kính Tông: “Có chuyện gì vậy?”
Hoa Dương chỉ nhìn chằm chằm vào hắn.
Trần Kính Tông không muốn làm hỏng tâm trạng của nàng, nên thành thật đi tắt hết đèn.
Khi hắn đến bên giường, hơi thở đã nóng như lửa đốt.
Hoa Dương lười biếng nằm đó, khi Trần Kính Tông đến ôm nàng, nàng không phản ứng gì như thể đã ngủ, mãi đến khi Trần Kính Tông ôm nàng ngồi vào trong lòng hắn, Hoa Dương mới kêu lên một tiếng, rồi định rút người lại.
“Như vậy đi.” Trần Kính Tông giữ chặt nàng lại.
Nhưng hắn như một miếng sắt được nung đỏ, sao Hoa Dương có thể ngồi yên được?
Đang định bảo nằm xuống, thì đột nhiên Trần Kính Tông nắm lấy chiếc áo ngủ mỏng manh của nàng, kéo xuống bả vai.
Hoa Dương lập tức ôm chặt đầu của hắn.
Ở kiếp trước, dù đã gả cho hắn bốn năm, nhưng chưa từng trải qua cảm giác như thế này, ở kiếp này, khi đã biết được sự kỳ diệu của nó, Hoa Dương lại càng luyến tiếc không muốn hắn chết.
Dù ban ngày hắn có bao nhiêu khuyết điểm, nhưng ban đêm thì thực sự rất tốt, dù ngoài kia có nhiều quan võ mạnh mẽ, nàng cũng lười để tâm đến việc tìm kiếm người thứ hai.
Trong những lúc khó chịu, Hoa Dương suýt đã làm rách tấm gấm Tứ Xuyên quý giá mà nàng yêu thích nhất.
Cứ lăn qua lăn lại như vậy, cho đến tận canh ba, mọi động tĩnh trong giường Bạt Bộ mới ngừng lại.
Hoa Dương mềm nhũn nằm trên lồng ngực rộng lớn của Trần Kính Tông, cơ thể mịn màng của nàng chuyển động theo từng nhịp thở mạnh mẽ của hắn.
Trần Kính Tông nắm chặt vai nàng, vẫn chưa thỏa mãn nói: “Như vậy mới gọi là phu thê, mới gọi là sống tốt qua ngày, đợi khi chúng ta không bị ràng buộc nữa, ta có thể cho nàng cuộc sống tốt hơn.”
Từ “qua” trong câu nói đó, mang một ý nghĩa đặc biệt nặng nề.
Dù sao thì hắn đã làm việc chăm chỉ cả một đêm, mà không nhận được gì tốt đẹp, trong lòng vẫn thấy bực bội.
Hoa Dương không đáp lại những lời thô tục của hắn, đầu ngón tay vô thức ấn lên xương quai xanh của hắn, yếu ớt nói: “Ta muốn đi thắp hương cho lão thái thái.”
Trần Kính Tông ngạc nhiên nhìn nàng: “Gần đây thời tiết nóng bức, nàng còn ít ra khỏi cửa, sao lại muốn đi thắp hương?”
Hoa Dương hừ một tiếng nói: “Càng nóng bức càng chứng tỏ lòng thành của ta.”
Trần Kính Tông nghe ra ý định và hỏi: “Nàng thật sự muốn đi à?”
Hoa Dương đã chuẩn bị sẵn lý do, vừa như để trút giận dùng móng tay in hình trăng lưỡi liềm lên da thịt rắn chắc của hắn, vừa nói với vẻ chột dạ: “Dù sao cũng đang trong thời gian chịu tang, mà chúng ta lại làm nhiều việc không hợp lễ nghi như vậy, chàng có thể không bận tâm, nhưng ta luôn cảm thấy áy náy, cho nên muốn đến trước mộ của lão thái thái để hối lỗi, cầu xin lão nhân gia tha thứ.”
Việc thắp hương thì không có gì to tát, Trần Kính Tông thực sự không muốn nàng phải chịu khổ trong cái nóng của mùa hè, an ủi nói: “Lão thái thái là người thôn quê, không để ý nhiều như vậy đâu…”
Hoa Dương nhéo hắn thật mạnh.
Trần Kính Tông hít một hơi: “Được rồi, đi thì đi, vậy sáng mai đi nhé? Nhân lúc thời tiết mát mẻ chúng ta đi sớm về sớm.”
Hoa Dương hài lòng, buông tay và nói: “Ngày kia đi, sáng mai sợ là không dậy nổi.”
Mặc dù Trần Kính Tông không cười thành tiếng, nhưng lồng ngực hắn rung lên, rõ ràng là rất tự hào.
Nghỉ ngơi một ngày, vào buổi tối, Hoa Dương và Trần Kính Tông đến chủ trạch để gặp Tôn thị, Trần Đình Giám nghe tin nhi tức công chúa đến, liền đặc biệt đặt sách xuống, cũng mở cửa nhà chính ra.
Sau khi hành lễ xong, Trần Kính Tông lên tiếng: “Nương, đêm qua công chúa đã nằm mơ, mơ thấy một lão phu nhân, con nghe nàng ấy mô tả, thấy rất giống tổ mẫu, công chúa có hơi sợ, suốt cả ngày hôm nay tâm trạng đều không yên, con định sáng mai sẽ dẫn nàng ấy đi thắp hương cho tổ mẫu.”
Hoa Dương rất phối hợp tỏ ra lo lắng.
Tôn thị rất ngạc nhiên, nhi tức công chúa chưa từng gặp lão thái thái, vậy mà lại có thể mơ thấy được sao?
Dù là thật hay giả, việc khiến công chúa sợ hãi thì đều là lỗi của nhà họ Trần.
Trần Đình Giám đã lên tiếng: “Có lẽ vì công chúa đã hạ mình túc trực bên linh cữu của lão thái thái, bà cụ quá vui mừng, mới vô tình làm phiền đến công chúa. Vậy thì ngày mai chúng thần sẽ đi cùng công chúa một chuyến, thần sẽ dặn dò lão thái thái, bảo bà cụ đừng quấy rầy công chúa nữa.”
Việc mơ thấy lão thái thái chỉ là cái cớ mà Hoa Dương và Trần Kính Tông đã bàn bạc để đi thắp hương, Trần Đình Giám lại nghiêm túc như vậy, Hoa Dương cảm thấy xấu hổ vì đã lừa dối công công, trong khi Trần Kính Tông thì âm thầm cảm thấy buồn cười, các lão trạng nguyên gì chứ, vậy mà lại tin vào chuyện ma quỷ.
Hắn tỏ vẻ khinh thường, ánh mắt sắc lạnh như dao của Hoa Dương liền bắn qua, sao công công có thể tin vào ma quỷ được, tất cả chỉ là để trấn an nàng mà thôi.
Phò mã thành thật hơn, Hoa Dương tiếp tục nói với Trần Đình Giám: “Việc này không cần làm phiền đến phụ thân, nương và các vị huynh tẩu*, chỉ cần phò mã đi cùng con là được rồi, đông người ra ngoài sẽ phiền phức, lại mất thời gian nếu dân chúng ở gần nhìn thấy, sẽ nghi ngờ rằng trong phủ chúng ta xảy ra chuyện gì lớn.”
(*huynh tẩu: đại ca và tẩu tử)
Trần Đình Giám rất do dự.
Trần Kính Tông cười khẩy: “Có con bảo vệ công chúa, ngài còn lo điều gì?”
Trần Đình Giám nhìn qua với vẻ không hài lòng, ông lo rằng nhi tử mình sẽ gây rắc rối dọc đường, không chăm sóc chu đáo cho công chúa.
Nếu không có công chúa ở đó, ông đã nói ra những lời này rồi.
Phụ tử hai người không thể chung sống hòa thuận dù chỉ một ngày, Tôn thị cảm thấy mệt mỏi, quyết định nói: “Công chúa suy nghĩ chu đáo, vậy thì cứ theo lời công chúa, ta sẽ sai người chuẩn bị hương khói, sáng mai các con mang theo bốn hộ vệ.”
Trần Kính Tông vừa định nói không cần hộ vệ, thì Hoa Dương nhẹ nhàng kéo hắn một cái, mục đích của nàng chỉ là đi thắp hương, cũng không có bí mật gì, có hộ vệ đi theo càng tốt, đủ để chứng minh rằng nàng không phải tìm cớ để dẫn Trần Kính Tông đi du sơn ngoạn thủy*.
(*du sơn ngoạn thủy: thăm thú cảnh đẹp núi non sông hồ.)
Chuyện đã được quyết định như vậy.
Sau khi đôi phu thê trẻ rời đi, Tôn thị quở trách trượng phu: “Để một mình lão Tứ đi cùng công chúa ra ngoài, đôi phu thê mới cưới mới có thể bồi dưỡng tình cảm, ông lại dẫn theo cả một nhà lớn nhỏ như vậy, vậy thì có ý nghĩa gì?”
Trần Đình Giám như thể vừa nghe một câu chuyện cười: “Với tính cách của lão Tứ như vậy, công chúa có thể có cảm tình với nó sao? Hai người hoàn toàn khác nhau một trời một vực!”
Nếu không phải vì hoàng thượng và hoàng hậu chủ động tác hợp cho mối hôn sự này, thì dù có cho Trần Đình Giám thêm một trăm cái mặt, ông cũng không dám đứng ra cầu hôn công chúa của hoàng thất cho lão Tứ được.
Nhờ vào duyên phận tác hợp, chứ một người thô lỗ như lão Tứ sao lại cưới được công chúa, lão Tứ chiếm hời, chỉ có công chúa chịu ủy khuất thôi!
Tôn thị khẽ nói: “Hoàng thượng còn khen lão Tứ anh tuấn uy vũ, nhìn ông lại ghét bỏ như vậy, giống như ông mới là phụ thân của công chúa thì đúng hơn.”
“Xằng bậy!” Sắc mặt của Trần Đình Giám biến đổi, hiếm khi quát mắng thê tử một câu, rồi lập tức hạ giọng giải thích: “Những lời đại nghịch bất đạo như thế, bà phải cẩn thận họa từ miệng mà ra đấy.”
Tôn thị bĩu môi: “Không nhắc đến mấy chuyện đó nữa, ta chỉ cảm thấy tình cảm phu thê không liên quan nhiều đến thân phận của nhau, nếu công chúa ghét bỏ lão Tứ, chúng ta chẳng thể can thiệp, nhưng nếu công chúa không ghét bỏ, mà ông lại ngày ngày không ưa lão Tứ, e rằng cuối cùng công chúa lại trách ông đối xử không tốt với phò mã của nàng. Hôm trước, thê tử của lão Tam giở thói nhỏ mọn, trong lời nói ngầm ám chỉ rằng lão Tứ chẳng biết đọc sách, chỉ có thân thể khỏe mạnh, công chúa liền nổi giận ngay tại chỗ…”
Trần Đình Giám nhíu mày: “Thê tử của lão Tam giở thói nhỏ mọn ư? Lại còn giở trò với công chúa?”
Tôn thị : “Ý của ta là, công chúa đã có dấu hiệu bảo vệ lão Tứ của nhà chúng ta, ông…”
Trần Đình Giám không tin, liền ngắt lời thê tử: “Nói đến chuyện thê tử của lão Tam trước đã, ta là công công không tiện ra mặt, bà làm bà bà thì hãy đi cảnh cáo nó, không được để nó bất kính với công chúa nữa.”
Tôn thị: “Nó đang mang bầu, ta nên nói thế nào đây?”
Sắc mặt của Trần Đình Giám tối sầm lại: “Dù có mang bầu cũng không thể quên tôn ti, nếu bà không nói, thì gọi lão Tam đến đây để cho nó nói.”
Tôn thị đau đầu: “Bỏ đi bỏ đi, cứ để ta nói vậy.”
Thực sự làm lớn chuyện lên, bà sợ thê tử của lão Tam sẽ sinh non mất!
Sáng hôm sau, Trần Kính Tông đã cùng Hoa Dương xuất phát từ sớm.
Gần trấn Thạch Kiều có rất nhiều ngọn núi, trong đó có một khu vực dành riêng cho người dân địa phương để chôn cất người đã mất, phần mộ tổ tiên của nhà họ Trần cũng ở đó.
Phu xe điều khiển xe, công chúa và phò mã ngồi trong xe.
Xe ngựa vốn không lớn, lại thêm việc toàn thân Trần Kính Tông tỏa ra hơi nóng, làm cho Hoa Dương cảm thấy rất không thoải mái.
Trần Kính Tông làm ra vẻ kéo màn che lên.
Hoa Dương dùng chuôi quạt gõ vào tay hắn: “Thế còn ra thể thống gì?”
Nàng là công chúa, sao có thể mở màn che để người khác nhìn thấy một cách tùy tiện như vậy?
Nàng chê Trần Kính Tông thô lỗ, Trần Kính Tông cũng không chịu nổi sự thanh cao của nàng, dứt khoát quay người đi, mở màn che bên phía mình ra.
Hoa Dương lập tức dùng quạt che mặt.
Trần Kính Tông thò đầu ra ngoài cửa sổ xe.
“Ôi, lão Tứ ra ngoài đấy à?” Một người hàng xóm nhìn thấy hắn, vui vẻ chào hỏi.
Trần Kính Tông sống ở quê nhà lâu nhất, đối đãi khá hòa nhã với hàng xóm, hắn đáp lại: “Đúng vậy, ta nằm mơ trông thấy lão thái thái nhà mình, nên đi thắp hương cho bà cụ.”
Hàng xóm: “Vẫn là lão Tứ hiếu thảo.”
Dù miệng thì nói vậy, nhưng đôi mắt tò mò của hàng xóm lại dán chặt vào trong xe ngựa.
Nhưng tiếc là Trần Kính Tông đã giữ tấm màn che lại, chỉ lộ ra đầu và vai của mình, nên hàng xóm không nhìn thấy gì cả.
Khi xe ngựa rời khỏi trấn, nhìn quanh trên đường chỉ thấy cánh đồng không có người nào, Trần Kính Tông mới kéo màn che lên cao.
Làn gió mát mẻ buổi sáng thổi qua, Hoa Dương liếc nhìn Trần Kính Tông , từ từ hạ quạt xuống.
Trần Kính Tông tựa người vào góc xe, ánh mắt không chút kiêng dè quét qua gương mặt đỏ bừng vì oi bức của nàng, lại thêm đôi môi đầy đặn, thỉnh thoảng xe ngựa lắc lư, tà áo của nàng cũng đung đưa theo, càng khiến người ta không thể rời mắt.
Hoa Dương liền cảm thấy, ánh mắt của hắn như biến thành một đôi tay.
Hắn càng nhìn lâu, nàng càng cảm thấy ngượng ngùng, cuối cùng thẹn quá hóa giận, lại dùng chuôi quạt đánh hắn.
Trần Kính Tông dùng một tay kéo màn che xuống, sau đó nắm cổ tay của nàng bằng cả hai tay, đè mạnh xuống sàn của chiếc xe.
Giữa thanh thiên bạch nhật*, phía trước có phu xe phía sau có hộ vệ, cả người Hoa Dương như muốn bốc cháy, nghiến răng mắng hắn: “Hỗn xược!”
(*Thanh thiên bạch nhật: bạn ngày ban mặt.)
Trần Kính Tông: “Ban đêm cũng hỗn xược như vậy, không phải nàng cũng thích sao?”
Lời còn chưa dứt, hắn liền lao lên gặm nàng.