Sau Khi Thành Góa Phụ, Ta Bỗng Được Trọng Sinh

Chương 13

Trước Sau

break

Triều Nguyệt nhìn ngọn lửa trong lòng bếp lò, gọi Châu Nhi trông chừng, nàng ấy lau tay rồi bước ra khỏi nhà bếp.

Cơn mưa nhỏ vẫn đang rơi tí tách, nặng hạt hơn lúc sáng sớm một chút.

Nàng ấy nhặt chiếc ô đặt cạnh cửa, mở ra rồi bước từng bước nhỏ về phía gian nhà chính.

Triều Vân vừa lau sạch tất cả các phòng một lượt ngoại trừ phòng ngủ, bận rộn đến mức khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ bừng lên, má đổ mồ hôi, khi nhìn thấy tỷ muội xuất hiện ở cửa, nàng ấy ra hiệu im lặng, rồi bưng thau đồng đi đến, hai đại nha hoàn mỗi người một chiếc ghế đẩu nhỏ, ngồi dưới mái hiên thì thầm với nhau.

Triều Nguyệt lo lắng nhìn về phía phòng ngủ: “Công chúa vẫn chưa tỉnh sao? Cháo trong nồi đã hâm nóng lâu như vậy, sắp đặc lại rồi.”

Triều Vân mỉm cười, nhấc chiếc khăn trong thau đồng lên, lau mặt trước.

Nàng ấy có nước da trắng mịn, nhưng lúc này dưới mắt lại hơi thâm quầng.

 

Triều Nguyệt lại lo lắng hỏi nàng ấy: “Tối qua ngủ không ngon sao?”

Triều Vân gật đầu.

Bên cạnh công chúa vốn có bốn đại nha hoàn, khi ở kinh thành bốn người họ thay phiên nhau gác đêm, hiện tại chỉ còn lại nàng ấy và Triều Nguyệt cùng đến Lăng Châu, Triều Nguyệt đã phải lo liệu ba bữa ăn hàng ngày đã đủ mệt mỏi rồi, việc gác đêm hoàn toàn được giao cho Triều Vân. Triều Nguyệt đã lâu không phải canh gác, lại thêm việc công chúa và phò mã ở kinh thành cũng không cần mẫn ở phương diện đó,  đương nhiên rất khó mà đoán được.

 

Xem xét đến việc phò mã vẫn đang để tang, Triều Vân do dự một lúc rồi quyết định giữ kín chuyện này, ngay cả tỷ muội thân thiết nhất cũng hoàn toàn không tiết lộ.

Chỉ là nghĩ đến những tiếng động nghe được vào tối hôm qua, gương mặt của Triều Vân bỗng nóng bừng.

Đột nhiên, trong phòng vang lên tiếng chuông trong trẻo.

 

Công chúa tỉnh rồi.

Hai nha hoàn nhìn nhau một cái, Triều Nguyệt trở lại nhà bếp để chuẩn bị bữa sáng, gọi Châu Nhi đi lấy nước ở phòng nước, Triều Vân thì bưng một ấm trà xanh vào phòng ngủ.

 

Đặt ấm trà xuống, Triều Vân bước đến trước giường, thuần thục kéo lớp màn ngoài lên.

Hoa Dương yếu ớt nằm trên giường, toàn thân uể oải không có sức lực.

Nàng nhìn Triều Vân, rồi lại nhìn về phía cửa sổ chạm hoa đã đóng lại ở phía xa.

Ánh sáng ảm đạm ở ngoài cửa sổ, Hoa Dương cảm thấy tâm trí hơi mơ hồ: “Đã chiều tối rồi sao?”

Nàng mơ hồ nhớ rằng lúc sáng sớm khi Trần Kính Tông thức dậy còn muốn ôm nàng, sau khi đuổi người đi thì nàng lại ngủ thiếp đi, lẽ nào nàng đã ngủ suốt cả ngày sao?

Triều Vân cười nói: “Mới đầu giờ Tỵ* thôi ạ, chỉ là trời đang mưa, căn phòng liền tối lại luôn.”

(*Giờ Tỵ: là khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 11 giờ sáng)

 

Hoa Dương hiểu ý, lại hỏi: “Phò mã đâu?”

Sắc mặt của Triều Vân trở nên có chút phức tạp: “Phò mã đã ra vườn hoa rồi ạ, ngài ấy không sợ mưa, nói là muốn tranh thủ hôm nay trời mát để làm nốt công việc còn lại.”

Ở đâu lại có phò mã như vậy chứ. Tốt xấu gì cũng là tứ gia của nhà Các lão*, nhưng hành động cử chỉ lại giống như một tiểu đồng làm việc nặng nhọc, chẳng chú trọng đến hình tượng chút nào.

(*Các lão : là cách gọi tôn kính dành cho gia đình của một vị quan cao cấp trong triều đình thời phong kiến, thường là người giữ chức vụ trong Nội các: như Thủ phụ hoặc các Đại học sĩ.)

 

Đêm qua công chúa kêu lên như vậy, chẳng lẽ phò mã cũng đang dùng những thủ đoạn nơi thôn dã kia để hành hạ công chúa?

Nghĩ đến đây, Triều Vân lo lắng quan sát chủ tử đang nằm trên giường.

Ngày hè nóng bức, Hoa Dương đã thay bộ đồ  mỏng nhất, lớp vải lụa mỏng như cánh ve, đặc biệt là phần vai và cánh tay, gần như không che phủ được làn da mềm mại và mịn màng chút nào.

Triều Vân chỉ liếc qua một cái, liền phát hiện ra vài vết bầm tím trên cơ thể.

Sắc mặt nàng ấy tái nhợt, thật khó để che giấu.

Hoa Dương nhìn theo tầm mắt của nàng ấy, nhìn về phía vai mình, không có gì bất ngờ, sau một lúc tĩnh lặng, nàng tỏ ra như không có chuyện gì nói: “Ta khát rồi, rót cho ta tách trà.”

Triều Vân đành phải đi rót trà trước.

Hoa Dương từ từ ngồi dậy.

Lúc nàng uống trà, Triều Vân nhìn thấy thêm nhiều dấu vết hơn, không còn kìm nén được nữa, hỏi với giọng nghẹn ngào: “Công chúa, phò mã ức hiếp người sao?”

Thô lỗ thì có thể chịu đựng được, nhưng nếu phò mã dám cả gan hành hạ công chúa, nàng ta có liều mạng cũng phải hồi kinh để tố cáo trước mặt Hoàng thượng và Hoàng hậu!

Hoa Dương nhìn thấy bộ dạng đau lòng nghiến răng nghiến lợi của nàng ấy, khẽ cười nói: “Hắn không dám đâu.”

Đêm qua khi nàng yêu cầu Trần Kính Tông quay lại ôm nàng, nàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc hắn sẽ “được voi đòi tiên”, dù sao chỉ cần nàng còn tỉnh táo, chắc chắn nàng sẽ không để Trần Kính Tông đạt được mục đích như lần trước, nếu dùng hai viên thuốc thuốc tránh thai trong một tháng có thể gây tổn hại đến sức khỏe.

Mà Trần Kính Tông cũng không làm nàng thất vọng, dù hắn có thèm muốn đến đâu, cũng không dám trái ý nàng mà thô bạo cưỡng ép.

Triều Vân lau mắt, thấy công chúa cười một cách cao quý và bình tĩnh, thì mới tin rằng công chúa thực sự không chịu khổ, nhưng khi nhớ lại những âm thanh nghe được đêm qua...

Triều Vân, người chưa bao giờ trải qua chuyện nam nữ hoan ái, bỗng nhiên hiểu được cảm giác đó là gì, có lẽ giống như bị muỗi đốt, cảm giác vừa đau vừa thoải mái.

Hoa Dương tắm nước ấm một cách thoải mái, sau khi “ăn sáng”, nàng ngồi bên cửa sổ chạm khắc đang mở, vừa phe phẩy chiếc quạt tròn, vừa thưởng thức cảnh mưa.

Trong ký ức, cơn mưa nhỏ này sẽ không kéo dài quá lâu, tiếp theo sẽ là một đợt nắng nóng gay gắt kéo dài hơn nửa tháng, mọi người đều mong chờ có một trận mưa cho mát mẻ, nhưng khi mưa thực sự đến, lại là một trận mưa lớn kéo dài suốt ba ngày ba đêm.

Mưa xối xả đến trưa ngày hôm sau, cuối cùng đoạn sông phía nam của Trấn Thạch Kiều đã dâng lên dưới sự quan sát của dân chúng, nước sông cuốn theo phù sa và cành cây từ thượng nguồn trôi xuống trấn, có một vài hộ gia đình ở khu vực thấp thì trong sân đều bị ngập nước, chủ nhà không thể không vội vàng đưa người trong nhà rời đi.

Đây chính là lũ lụt.

Khi lũ lụt đã tràn ngập hơn nửa trấn, cơn mưa vẫn không có dấu hiệu suy giảm, công công* đã quyết định, cần dẫn dắt toàn bộ dân chúng trong trấn di chuyển lên phía sau ngọn núi tránh lũ.

(*công công: cha chồng)

Theo lời của dân chúng địa phương, cứ cách vài năm ở đây lại xảy ra một trận lũ nhỏ, mưa tạnh là nước lũ rút đi, phía sau núi chưa bao giờ xảy ra sạt lở hay sụp xuống, vì vậy mỗi khi ở trấn xảy ra lũ lụt, dân chúng đều lên núi tạm tránh, chờ cho nước mưa rút mới lại  xuống.

Dân chúng thấy chuyện này cũng không lấy làm lạ, không có mấy ai thực sự cảm thấy sợ hãi, nhưng kiếp trước là lần đầu tiên Hoa Dương trải qua tình huống này, chỉ cảm thấy như trời sắp sập xuống! Khi được Trần Kính Tông cõng lên núi, nàng nhìn dòng nước đục ngầu màu vàng gần như đã ngập toàn bộ các con đường trong trấn, trong đầu chỉ toàn hình ảnh khủng khiếp về việc lũ lụt sớm muộn sẽ lao nhanh đến dưới chân nàng, nuốt chửng nàng.

Nàng vốn đã không ưa Trần Kính Tông,  lại bởi vì theo hắn đến Lăng châu mà phải đối mặt với nguy hiểm lớn như thế, khi  Trần Kính Tông cuối cùng cũng đưa được nàng đến nơi an toàn,  ánh mắt Hoa Dương nhìn hắn như nhìn kẻ thù.

Khi nước lũ đã rút đi, dù Trần phủ không bị thiệt hại lớn, nhưng trong sân vẫn đầy bùn đất, Hoa Dương nhìn những nha hoàn bận rộn dọn dẹp xung quanh, càng cảm thấy khó chịu hơn.

Trong hai năm ở Lăng Châu, Hoa Dương nghĩ rằng mình đã trải qua hết tất cả đau khổ của trần gian, ăn không ngon, ngủ không yên, côn trùng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, thậm chí còn phải đối mặt với thiên tai chết người.

Đương nhiên nàng biết rằng, trên đời vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ đang phải chịu đói rét, nhưng vì chưa tận mắt chứng kiến nên không thể hiểu được, chỉ coi những gì mình phải chịu đựng là cay đắng nhất trần gian.

Cho đến khi Trần Kính Tông chết trên chiến trường, trở thành người đầu tiên trong số những người thân và bằng hữu của nàng chết thảm, đến lúc tận mắt chứng kiến nỗi đau của mọi người trong Trần gia, Hoa Dương mới hiểu được rằng khi những tướng sĩ khác hy sinh,  người thân và bằng hữu của họ phải chịu đựng những gì.

Đó là lần đầu tiên Hoa Dương cảm nhận sâu sắc sự nặng nề ẩn chứa dưới hai chữ “thắng thua” đơn giản trên chiến trường.

Cho đến khi Trần Bá Tông chết oan  trong ngục, đến khi tận mắt chứng kiến những người khác trong Trần gia mặc những bộ y phục mỏng manh của tù nhân tuyệt vọng ra đi trong ngày đông tuyết rơi lạnh giá, Hoa Dương mới hiểu rằng, cái gọi là những đau khổ mà nàng đã trải qua, hoàn toàn không là gì cả.

Khi trọng sinh trở về tuổi mười tám, Hoa Dương vẫn là Hoa Dương, là người ở trường hợp mà điều kiện cho phép thì sẽ không bao giờ để chính mình chịu ủy khuất, nhưng với nhiều kinh nghiệm của kiếp trước, nàng không còn cảm thấy Tứ Nghi Đường chật hẹp khó chịu nữa, không còn cảm thấy Trần Kính Tông hoàn toàn vô dụng nữa, cũng không còn sợ hãi trước trận lũ lụt bất ngờ kéo tới kia, trông thì có vẻ đáng sợ nhưng thực tế không gây ra bất kỳ thương vong nào cho dân chúng.

Ngược lại, nàng còn dự định lợi dụng trận lũ lụt bất ngờ lần này, vạch trần lòng tham của Tề thị.

Đông viện đã tham ô 120.000 lượng, trong đó phần lớn được thu gom sau khi cha chồng được thăng chức làm Thủ Phụ, tuy nhiên cũng có hơn 20.000 lượng đã được nhận trước khi cha chồng trở thành Thủ Phụ.

Nói cách khác, bây giờ cuốn sổ đó đã xuất hiện rồi, khi lũ lụt ập đến, mọi người trong Trần gia mang theo tài sản rời đi, Tề thị chắc chắn sẽ mang theo cuốn sổ đó!

Nhưng Hoa Dương chỉ biết cuốn sổ đang nằm trong tay Tề Thị, nàng vẫn còn cần một người giúp nàng “lấy được tang vật”!

Trần Kính Tông chính là lựa chọn hoàn hảo của nàng.

Sau một tháng lẻ năm ngày, Trần Kính Tông cuối cùng cũng đã hoàn thành việc xây dựng vườn hoa!

Mặt đất được lót bằng đá cuội, một số con đường lát đá xanh đan chéo nhau, trúc xanh và cây phong được đào từ trên núi xuống, mấy khóm mẫu đơn được mua từ một nhà trồng hoa lớn ở thị trấn, chỉ có bộ bàn đá và ghế đá là sai người mua ở trong thành Lăng Châu.

Cơn mưa nhỏ rơi tí tách rất đúng lúc, làm cho trúc và phong trong vườn hoa trở nên xanh tươi, phần lớn hoa mẫu đơn đã tàn nhưng vẫn còn vài nụ hoa còn đọng sương.

Chạng vạng ngày hôm đó, Hoa Dương đến vườn hoa thưởng hoa, đã gặp Tôn thị cùng hai tẩu tử*.

 

La Ngọc Yến đã mang thai tám tháng, bụng đã lộ rõ, nàng ta có khuôn mặt xinh đẹp, thân mật khoác tay Tôn thị để bàn luận về các cảnh vật xung quanh,  đại tẩu Du Tú không giỏi ăn nói, đi theo phía sau hai bước.

“Công chúa đến đấy à!”

Khi thấy Hoa Dương, Tôn thị cười càng từ ái hơn.

La Ngọc Yến mím môi, thức thời buông tay ra.

Dù nàng ta có ngọt ngào thế nào, dù nàng ta có ngoan ngoãn trước mặt bà bà* bao nhiêu, thì trong mắt bà bà, đừng nói đến nàng ta và Du Tú, mà có lẽ ngay cả mấy người con ruột cũng không sánh được với Hoa Dương.

(*bà bà: mẹ chồng)

“Nương cũng đến ngắm hoa sao.” Hoa Dương bước đến bên cạnh bà bà, mỉm cười nói.

Tôn thị cười tít mắt: “Đúng vậy, ngày thường trông lão tứ có vẻ thô lỗ, không nghĩ rằng y lại có thể làm ra vườn hoa đẹp như thế này, ta nghĩ rằng sau này không cần phải thay đổi gì nữa, cứ giữ như vậy là được.”

Hoa Dương nhìn xung quanh một lượt, với điều kiện hiện tại của Trần phủ, khu vườn này quả thực là rất đẹp.

La Ngọc Yến biết rõ thân phận của mình không thể sánh bằng Hoa Dương, dù nàng ta hiếu thảo với bà bà như vậy nhưng vẫn cảm thấy địa vị của mình thấp hơn Hoa Dương, trong lòng nàng ta không thoải mái, xoa xoa bụng, trên mặt nàng ta vẫn giữ nụ cười, xen vào nói: “Trước đây nương luôn tiếc rằng tứ đệ không biết chữ, phải đi theo con đường quan võ, bây giờ nhìn lại, tập võ cũng có cái hay của nó, xem năng lực của tứ đệ kìa, một mình làm nhiều việc mà không thấy mệt, không giống như tam ca của đệ ấy, theo phụ thân đi cày được hai ngày đã thấy đau lưng mỏi vai.”

Triều đại này trọng dụng văn quan hơn, lời của La Ngọc Yến thoạt nghe có vẻ như đang khen ngợi Trần Kính Tông, nhưng thực chất là để khoe khoang trượng phu của nàng ta là Trần Hiếu Tông biết chữ.

Việc trồng trọt chỉ là cách để người nhà họ Trần giết thời gian, dù có làm tốt đến đâu cũng không đáng để khoe khoang, so với danh hiệu thám hoa lang của Trần Hiếu Tông thì lại càng không có gì nổi bật.

Những lời như thế, trước đây La Ngọc Yến đã nói qua  không ít lần.

Kiếp trước, Hoa Dương luôn coi sự thô tục của Trần Kính Tông là nỗi nhục, mỗi lần gặp tình huống này, dù Hoa Dương không thích nghe, nhưng cũng biết đó là sự thật, chẳng buồn phản bác gì cho Trần Kính Tông.

Nhưng bây giờ thì khác, nàng biết rằng Trần Kính Tông sẽ trở thành một anh hùng chinh chiến trên sa trường, càng không còn muốn dung túng cho những lời chê bai của La Ngọc Yến nữa.

“Tam tẩu nói vậy, chẳng lẽ ẩn ý là quan võ ngoài việc khỏe mạnh là không còn giá trị gì khác sao?”

Hoa Dương vẫn mỉm cười, nhưng ánh mắt nhìn La Ngọc Yến đã lạnh đi.

Nàng là công chúa, việc đối xử hòa nhã với người khác là do nàng tốt bụng, ai dám giẫm lên mặt mũi của nàng, Hoa Dương sẽ không lượng thứ bất kể đối phương có đang mang thai hay không.

Sắc mặt La Ngọc Yến lập tức thay đổi.

Nàng ta không ngờ rằng mình chỉ buột miệng nói vài câu, Hoa Dương lại phản ứng mạnh mẽ với nàng ta như vậy, rõ ràng trước đây khi nàng ta nói như thế, Hoa Dương cũng đã ngầm chấp nhận, sẽ chỉ chê bai Trần Kính Tông.

La Ngọc Yến hoảng hốt nhìn sang bà bà, theo bản năng phủ nhận nói: “Không phải, công chúa hiểu nhầm rồi, ta thật sự ngưỡng mộ tứ đệ, nhìn khu vườn này đẹp biết bao, đại tẩu, tẩu thấy có phải không?”

Trong tình thế cấp bách, La Ngọc Yến quay người kéo Du Tú lại, chỉ cần Du Tú khen ngợi khu vườn, nàng ta sẽ có đường lui rồi.

Trong bốn người bà bà và tức phụ, so với Hoa Dương và La Ngọc Yến thì Tôn thị có xuất thân thấp hơn, tuy nhiên phụ thân của bà trước khi qua đời vẫn là một cử nhân*, là giáo dụ* trong trường học, dù sao cũng có chút địa vị trong quan trường.

(*Cử nhân: một danh hiệu học vị được trao cho những người đỗ trong các kỳ thi Hương thời kỳ phong kiến ở Trung Quốc và Việt Nam.

*Giáo dụ: chức danh của người chịu trách nhiệm giảng dạy và quản lý trong các trường học của quan lại thời phong kiến)

Du Tú lại có xuất thân thấp hơn, phụ thân của nàng ấy chỉ là một tú tài.

Năm đó, khi Du phụ cùng Trần Đình Giám đi Lăng Châu để tham gia kỳ thi Hương*, trên đường một chiếc xe ngựa bất ngờ lao đến, trong tình thế nguy hiểm thì cha của Du Tú đã đẩy Trần Đình Giám ra. Trần Đình Giám không chút hề hấn nào, còn Du phụ thì bị xe ngựa đâm phải nên một chân bị tật, từ đó trở đi không thể tiếp tục con đường Khoa cử nữa. Trần Đình Giám cảm kích ân cứu mạng của huynh đệ tốt, nên đã đề nghị rằng nếu tương lai Du phụ sinh nhi nữ, thì sẽ gả nàng ấy cho trưởng tử của mình.

(*thi Hương: chế độ thi cử thời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc)

Với mối hôn ước từ bé này, Du Tú đã có cơ hội kết hôn với Trạng nguyên lang Trần Bá Tông.

Du Tú có tính tình dịu dàng, vì xuất thân thấp kém mà có phần nhút nhát, nhưng nàng ấy không ngốc, nhìn ra được rằng hai đệ muội tôn quý đang tức giận với nhau.

Du Tú không dám lên tiếng bênh vực ai, theo thói quen cúi đầu xuống.

La Ngọc Yến vội vàng lắc lắc tay nàng ấy.

Ngay lúc này, Hoa Dương bất ngờ phát ra một tiếng cười nhẹ, tiếng cười nhẹ nhàng ngắn ngủi, nhưng đầy sự chế nhạo đối với La Ngọc Yến.

“Nương, mọi người cứ tiếp tục thưởng hoa đi, con đi tìm phò mã, chuyển lời khen của tam tẩu cho chàng ấy nghe, chắc chắn chàng ấy sẽ rất vui.”

Hoa Dương không muốn tiếp tục nhìn La Ngọc Yến xấu mặt, cúi đầu chào bà bà,  dẫn Triều Vân rời đi.

Ngay khi nàng rời đi, nước mắt La Ngọc Yến lập tức rơi xuống, ấm ức nhìn về phía Tôn thị: “Nương, con thật sự không có ý đó, công chúa đã hiểu lầm con rồi…”

Trong lòng Tôn thị rất rõ ràng, nếu La Ngọc Yến không mang thai, bà nhất định sẽ quở trách vài câu, nhưng nhìn bụng bầu của La Ngọc Yến, một tiểu thư Hầu phủ ngàn dặm xa xôi tới Lăng Châu cũng không dễ dàng gì, Tôn thị giả vờ không hiểu, mỉm cười vỗ tay La Ngọc Yến: “Được rồi, được rồi, có chuyện gì lớn đâu, đừng khóc nữa, chút nữa nương thay con làm sáng tỏ hiểu lầm, công chúa sẽ không trách con đâu.”

Có lối thoát này, La Ngọc Yến nức nở khóc hai tiếng liền dừng.

Sau đó, Tôn thị liền đi tìm Hoa Dương, vì dù sao cũng phải giúp “làm sáng tỏ hiểu lầm”.

Ngay khi bà rời đi, La Ngọc Yến không còn chút ấm ức nào nữa, quay sang chất vấn Du Tú: “Đại tẩu, vừa nãy ta hỏi tẩu sao tẩu không trả lời, chẳng lẽ tẩu cảm thấy vườn hoa mà tứ đệ làm không tốt sao?”

Nàng ta tỏ vẻ tôn trọng Hoa Dương, nhưng đối với Du Tú, La Ngọc Yến lại đầy kiêu ngạo.

Du Tú vẫn cúi đầu, bất lực nắm chặt tay áo.

La Ngọc Yến hừ một tiếng, gọi nha hoàn bên cạnh đỡ tay mình, từ từ quay trở về Phù Thúy Đường.

Du Tú tiếp tục đứng cạnh một khóm mẫu đơn, đợi cho La Ngọc Yến đi xa rồi mới quay về.

“Phu nhân, người là trưởng tẩu, sao lại phải sợ tam phu nhân?”

Nha hoàn Bích Đào tiến lại gần, có chút hận rèn sắt không thành thép, nàng ấy là đại nha hoàn mà khi gả vào nhà họ Trần, Tôn thị đã thưởng cho Du Tú.

Du Tú lắc đầu cười khổ, khom người ngồi xổm xuống, nhổ đi một nhánh cỏ dại mỏng manh vừa mới mọc lên từ khóm mẫu đơn sau cơn mưa.

 

break
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc