Thiên nghiêng tai lắng nghe: “Bác à?”
Bên kia im lặng không đáp. Thiên sốt ruột tiến sát đến gần cánh cửa hơn: “Bác, là cháu, Thiên đây. Bác mở cửa đi.”
Lại có tiếng bước chân khác vang lên cùng một giọng nói ồm ồm: “Thiên? Thật không?”
Cậu đã bắt đầu thấy hơi bực mình rồi, ở đây buôn hàng cấm hay sao mà phải cẩn thận kiểu này cơ chứ?
Một con mắt đen xì đột ngột hiện ra sau khe cửa, dọa Thiên suýt chút nữa thì chửi thề. Ánh đèn tranh tối tranh sáng lọt vài tia ra ngoài càng khiến khung cảnh quái dị hơn nữa.
“Thế cậu ta là ai?” Bác Thiên nhìn chằm chằm vào Vạn.
“Bạn cháu.” Cậu đáp cụt lủn: “Giờ bác mở cửa được chưa?”
Sự im lặng lại kéo dài, đến khi Thiên sắp trèo tường thì cánh cửa đen to lớn kia mới mở ra.
‘Kéttttt!!!!!’
Tiếng rít chói tai của then cửa khô dầu chọc vào màng nhĩ khiến Thiên và Vạn đồng loạt nhíu mày. Phía trước, sau khe cửa hẹp, bác Thiên lại tiếp tục giật giọng: “Mau lên, vào đi! Nhanh!”
Cả hai vô thức làm theo lời ông ta, cuống quýt chen người vào khe hở chỉ đủ cho một người trưởng thành nghiêng người hóp bụng bước lọt. Gót chân của Vạn vừa bước qua là bác cậu đã nhanh chóng khép cửa cài then, động tác vội vã như sợ có thứ gì bám theo chui vào nhà.
Ngôi nhà ba gian này làm toàn từ gỗ, mái lợp ngói đỏ, sân đất rộng rãi, trước nhà có giếng nước, hai bên là hai dãy nhà phụ. Nơi này có lẽ đã từng khá to đẹp bề thế, nhưng giờ lại âm u như thể đã lâu không có hơi người.
Bác Thiên bỏ lại một câu: “Bà bây ngủ rồi.” Rồi quày quả bỏ đi mất, mang đi cả cây đèn dầu le lói. Vợ ông ta thì đã biến mất từ khi nào.
Thiên cũng chẳng để ý đến thái độ này. Cậu dẫn Vạn đi qua hàng rào tre đã mủn đen, bước vào sân bên cạnh. Đây mới là nhà cũ của bố mẹ Thiên, chỉ là hai nhà chung cổng nên mới phải vào từ đằng kia. Ấy là do quy củ của làng: bố mẹ còn sống thì nhà anh em xây cạnh nhau đều chỉ được dùng chung một cổng, cổng phải được xây ở nhà mà các cụ sống và thờ cúng tổ tiên.
Cậu dẫn Vạn vào nhà chính, gian phòng rộng lớn nhưng tràn ngập bụi bặm. Dưới sàn nhà là lớp tro dày, họ đi qua để lại ba hàng dấu chân rõ mồn một.
Một làn gió không biết đến từ đâu thổi qua, xóa mờ dấu chân cuối cùng, chỉ còn vết giày của Thiên và Vạn còn nguyên.
Bên trong nhà trống rỗng, chỉ còn lại vài món đồ cơ bản như bàn ghế, ván giường, nhưng cũng thiếu góc rụng chân cả. Trời đã tối, trong nhà lại không có điện, hai người chỉ đành giơ đèn pin lau dọn qua loa, ăn vội mấy miếng lương khô rồi trải túi ngủ xuống nền đất.
“Nơi này đã để trống lâu rồi.” Vạn mở miệng.
Thiên ừm hửm: “Người trong làng đều đi thành phố lớn hết, ở lại phần lớn là người già. Còn chưa bỏ hoang hẳn là vì lúc trước có tin đồn sắp sửa giải tỏa đền bù, nhưng đã chục năm rồi mà chưa thấy cái đoàn giải tỏa đó đâu cả.”
Cả hai lại im lặng một lát. Lúc sau Thiên hỏi: “Chúng ta làm gì tiếp đây? Hỏi thẳng bà nội à?”
Vạn nói thẳng: “Không cần, lúc vào thị trấn tao thấy có dãy núi lớn đằng kia, ở đó ít hơi người, dễ tiếp xúc ma quỷ hơn. Mai chúng ta tới đó xem thế nào trước đã.”
Thiên gãi mũi: “Mày nói núi Ông Hoàng hả? Đúng là ít hơi người thật, chẳng ai dám ra đó hết mà.”
“Sao thế?” Vạn tò mò.
Núi Ông Hoàng là một dãy núi lớn chạy dài từ ngôi làng nhỏ này qua tới hai, ba tỉnh khác. Ở đây từng có thú hoang lan tràn, cáo chồn xuống núi bắt gà vịt là chuyện thường có, đến cả lợn rừng ủi ruộng lúa Thiên cũng từng thấy qua.
Có điều ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã được cha mẹ dạy dỗ cẩn thận là không được lên núi chơi, ngay cả những đứa trẻ khác cũng bị người lớn cấm cản như vậy. Nhưng trẻ con thì càng cấm lại càng thích làm trái lời được dặn, chỉ là đứa nào to gan tới sát chân núi là đã bị tóm về rồi. Thậm chí có đứa còn bị cha tuốt dây mây đánh đến rách da tróc thịt, máu thấm ướt cả quần áo, nằm trên giường tới cả tuần mới tạm ổn.
“Trên núi có thú dữ thì như vậy cũng là bình thường.” Vạn gật gù nhận xét.
Thiên cười khan: “Trên núi có thú dữ nên mọi người không dám lên thì đúng là bình thường thật. Thế nhưng rau dại, cỏ dại cũng không được cắt về cho lợn gà ăn thì có bình thường không?”
Người lớn quanh đây đều nói trên núi có Sơn Thần, mọi thứ trong phạm vi dãy núi đều là của ngài cả, ai dám trộm cắp thì nhất định sẽ không được yên thân.
Nhớ hồi cậu học tiểu học, lũ trẻ con trong làng đều là đến trường một ngày thì nghỉ hai ngày, quanh năm suốt tháng mò cua bắt ốc dưới sông, không thì cũng đuổi nhau ngoài ruộng.
Lúc ấy đám con trai trong làng vẫn hay thách nhau lên núi Ông Hoàng rồi vặt một cái gì đó mang về, coi như là thử thách lòng dũng cảm. Thường thì chúng chỉ thách ngoài miệng vậy thôi chứ chẳng đứa nào thực sự dám trèo lên đó. Chỉ có một người duy nhất từng thực hiện thử thách ấy.