Bên ngoài, ông Bá và mười hai người đàn ông đã xách xẻng cuốc ra ruộng. Những người này được ông Bá gọi sẵn tới để di quan cho cha, sau đó hợp táng cùng má. Vốn tưởng bà Gấm đã gần đi, nào ngờ ba năm hôm mới chịu chết, nghĩ tới số tiền mấy hôm nay làm tiệc thết đãi nhóm người này mà ông Bá đau cả ruột.
Ngoài ruộng tối đen, không trăng không sao, đến cả tiếng sâu chuột kêu cũng không có. Ông Bá run lập cập vái ba vái trước mộ lão Huỳnh - cha mình - rồi nhường chỗ cho mấy người đằng sau.
Mười hai người kia kiếm sống nhờ người chết, đương nhiên không sợ cảnh đồng không mông quạnh. Người dẫn đầu mặc áo đỏ, cầm lụa vàng đi quanh mộ lão Huỳnh ba vòng, đổ xuống ba chén rượu trắng. Một người khác mặc áo đen, vẽ mặt dữ tợn như ma quỷ thắp cả bó hương trầm xuống trước mộ, cắm cả cho những ngôi mộ xung quanh, lầm rầm tụng niệm gì đó rồi vẫy tay ra hiệu với ông Bá.
Ông Bá cầm xẻng, đào một xẻng đất gọi một tiếng cha, bảy lần như vậy thì lùi lại. Mười người đàn ông khác trong nhóm mặc áo đen, miệng ngậm hương tiến lên. Chẳng mấy chốc hố đất đã được đào sâu, để lộ chiếc quan tài to gấp đôi bình thường.
Cái áo quan này làm từ gỗ tốt, nước sơn đỏ chót dù đã nằm dưới đất ẩm cả chục năm. Quanh thân quan tài là những hình chạm trổ mang ý cát tường như chữ thọ, cây đa, con dơi,... được khảm xà cừ lấp lánh. Mắt mấy người đang đào đất sáng lên, có người còn bật ra tiếng xuýt xoa.
‘Vút!’
Người vừa xuýt xoa bị một sợi dây vút thẳng vào lưng, đau đến cong người lại. Biết mình vừa phạm húy, người đó vội vàng trèo lên hố mộ, nhổ một ngụm nước bọt rồi ngồi xuống đất, khoanh chân nhắm mắt. Quy củ lúc làm việc âm rất nhiều, đội ở làng ông Bá kiêng ra tiếng, ngoài người thân và thầy dẫn làm phép thì ai ra tiếng, người đó cầm chắc có chuyện.
Chiếc quan tài đỏ làm từ gỗ tốt nên nặng trịch, cần tới tám người mới khiêng lên nổi, lại trầy trật một lúc mới đưa được quan tài ra khỏi hố mộ. Quan tài đưa từ mộ về nhà phải đi thẳng một lèo, không được ngừng lại nên dù ai nấy đều đã mệt đến trắng mặt cũng không dám dừng bước.
Người mặc áo đỏ vẫn cầm lụa vàng đi đầu, thỉnh thoảng lại quất vào không khí như đang đánh đuổi thứ gì đó. Người mặc áo đen đi cuối, quay lưng về phía đoàn người mà bước giật lùi, vừa hô ‘cụ Lê Chí Huỳnh về nhà, qua lại nể mặt, nhường đường!’ vừa rắc vàng mã và hoa cúc vàng. Trời lặng gió, nhưng hoa và giấy vàng cứ lên lên xuống xuống như bị ai tranh cướp.
Tới trước cổng nhà ông Bá, đoàn người bước qua một đống lửa lớn rồi đặt chiếc quan tài dính đầy bùn đất lên giá đỡ giữa sân. Ngoài hai người mặc đồ đỏ đen còn ở lại lau chùi sạch sẽ áo quan thì những người còn lại trong đoàn đều rút cả, người ra tiếng lúc ngoài ruộng còn dập đầu lạy trước quan tài ba cái rồi mới đi.
Lài nhìn qua song gỗ. Bên ánh lửa bập bùng, cái áo quan đỏ chót lừng lững trong sân, lạnh lẽo gai người. Nghĩ đến ông nội nằm trong đó nó lại càng sợ, ông nội nó dữ như cọp, ngoài thằng cháu đích tôn ra thì ai trong nhà cũng từng bị ông ta đánh cả, đặc biệt là bà nội. Từ lúc Lài hiểu chuyện thì trước lúc ông nội mất, người bà nội lúc nào cũng đầy những vết bầm tím.
Tới gần sáng, lúc nửa tỉnh nửa mê, hơi lạnh thổi qua người Lài. Nó có cảm giác như đang bị ai đó nhìn chằm chằm, rõ ràng đã nhắm mắt nhưng vẫn biết có ai đó đứng trước mặt. Lài rợn người, không hiểu sao lại nghĩ đó là ông nội. Trong đầu như có tiếng ai ngăn nó mở mắt, mở ra là có chuyện, được một lúc, cảm giác gai gai đó biến mất, Lài cũng ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, lúc Lài được thả ra khỏi nhà kho thì bà nội đã được khâm liệm xong xuôi, sắp nhập quan đến nơi. Lệ ở đây là người chết vì tuổi già đều là người có phúc, phải quàn ít nhất ba ngày cho con cháu xin cái khước rồi mới đưa đi chôn. Nay nhà ông Bá vội vã như vậy thật khiến người ta khó hiểu.
Ông thầy phong thủy hôm trước - xưng tên là Hoàn - ngồi trong phòng khách, chỉ trỏ cái nọ cái kia. Thấy Lài, mắt ông ấy lóe lên một tia sáng khó hiểu rồi vẫy tay với nó: “Qua đây, lát nữa lúc nội con nhập quan, con tới thắp nén hương đầu.”