Xuyên Thành Nữ Phụ Yếu Ớt Ở Thập Niên 70

Chương 7: Ngu Hoài Giản

Trước Sau

break

Lão Ban không phải họ Ban, chỉ là dân làng Điềm Táo đều gọi ông như vậy. Trước kia, ông lập một gánh hát rong ở thị trấn, đi khắp nơi diễn tuồng. Ông là trưởng đoàn, nên người ta gọi ông là Lão Ban.

Về sau, gánh hát ngày càng lớn mạnh, danh tiếng cũng vang dội khắp vùng. Nhà này mừng thọ, nhà kia làm đám tang, đều thích mời gánh hát của Lão Ban đến biểu diễn, mười dặm tám thôn, chẳng ai không biết tên ông.

Từ khi phát đạt, mỗi lần ông về quê, trẻ con trên đường lại ùa theo xin kẹo. Chúng gọi ông là "Phật gia", nói ông có lòng tốt. Lão Ban cũng vui vẻ lấy kẹo ra chia, sống những năm tháng vinh quang như thế một thời gian dài.

Nhưng rồi, cách mạng đến.

Cách mạng nói rằng những tuồng ông hát về vua chúa, quan lại, tài tử giai nhân  đều là tàn dư phong kiến, phải bị đả đảo. Gánh hát tan rã, đạo cụ bị tịch thu, cũng không còn ai thích nghe tuồng cũ nữa. Bây giờ chỉ nghe Sa Gia Banh, Cô gái tóc bạc.

Những vở tuồng cũ, ông không thể hát, mà cũng chẳng ai dám nghe.

Từ một “Phật gia” được người người kính nể, ông biến thành một lão già không ai hỏi han.

Cây đổ, khỉ tan, gánh hát tàn, người cũng tan. Lão Ban tuổi cao sức yếu, đành quay về thôn Điềm Táo, đây là nơi tổ tiên của ông từng sống.

Chỉ là, lớp trẻ chẳng biết ông tên họ gì, chỉ gọi ông là Lão Ban. Người già thì tránh nhắc tới, sợ rước họa vào thân.

Mỗi khi ai đó lỡ lời nhắc đến ông, đều nhổ nước bọt, kèm theo câu: “Tàn dư phong kiến, tư bản hoa hòe hoa sói!”

Nhưng cách mạng là tích cực, là vinh quang, dù Lão Ban trước kia có thành phần xấu, chỉ cần cải tà quy chính, quay về với quần chúng, thì cũng là người giác ngộ, và được chấp nhận như một đồng chí bình thường, như người trong nhà.

Còn về phần Ngu Hoài Giản, đó là đứa trẻ mà Lão Ban Đầu nhặt về.

Sau khi gánh hát tan rã, những đứa trẻ được cha mẹ gửi đến học nghề đều về nhà cả. Chỉ có những đứa mồ côi được Lão Ban nhặt về là không nơi nương tựa.

Nhưng đám trẻ ấy cũng lanh lợi lắm.

Đứa khôn thì theo cách mạng, không những không phải chịu khổ mà còn được khen là giác ngộ, giẫm lên “ông chủ” cũ để được tiếng thơm. Có đứa thì tự mình xoay sở, chứ ở lại gánh hát thì chẳng còn gì ăn.

Chỉ có Ngu Hoài Giản ở lại.

Một phần vì không có nơi nào để đi, phần khác là không nỡ bỏ Lão Ban một mình.

Thời buổi này chẳng ai nuôi kẻ rỗi việc. Lão Ban đã già, dù thôn Điềm Táo còn bao dung ông, nhưng không ai ra đồng làm lụng nuôi ông thì ông cũng không có miếng ăn.

Hôm đó, Chu Mãn Mãn thắt cổ rồi ngất đi, chính là Ngu Hoài Giản cõng cô về.

Chu Bình biết chuyện, cũng biết Ngu Hoài Giản giúp họ dọn dẹp hậu quả, lời giải thích cũng được sắp xếp đâu ra đấy.

Dù Chu Bình là người giỏi bắt sóng theo chiều gió, nhưng con gái là mạng sống của bà, Ngu Hoài Giản giúp đỡ một việc lớn như thế, Chu Bình biết ơn, tất nhiên phải cảm ơn.

Nhưng bà không muốn tạo quan hệ.

Gà đã chặt xong, nhưng mang sang thế nào lại là chuyện đau đầu.

Triệu Yến Thu đang mang thai, sắp sinh rồi, tính tình nhút nhát sợ sệt như con chim cút, Chu Bình sợ cô ấy đi đưa gà mà bị vạ lây.

Tự bà đi thì lại quá gây chú ý.

Dân làng Điềm Táo ai cũng biết mặt bà, dọc đường chỉ cần có người chào một câu là có thể moi ra hết mọi chuyện.

Chu Bình đau đầu không thôi.

Khi bà đang cầm nửa con gà lẩm bẩm trong sân, Chu Mãn Mãn đang ngồi trên ghế nhỏ tết tóc, nghe thấy liền giơ tay: “Mẹ, để con! Con đi đưa!”

Ngu Hoài Giản, dĩ nhiên Chu Mãn Mãn biết.

Là người đối lập với nhân vật chính trong truyện gốc.

Luôn giành giật tài nguyên với Tôn Dự, nhưng vì lý lịch xấu nên anh luôn bị gạt ra ngoài, chưa từng thành công.

Nhưng là vai phản diện lớn nhất, cuộc sống của anh vẫn tốt hơn nhiều so với một pháo hôi như cô. Theo đà trưởng thành của nhân vật chính, anh càng lúc càng trở thành đại lão.

Còn sau đó có gặp xui xẻo không thì Chu Mãn Mãn không biết, vì cô chưa đọc hết.

Chu Mãn Mãn muốn gặp anh, tiện thể ôm đùi luôn.

Chu Bình thấy cô tích cực như vậy, lườm một cái, lại không nỡ mắng, chỉ thở dài: “Trời ơi là trời, con tưởng chuyện này là việc tốt à? Mẹ không cho con đi gặp nó đâu. Đám bà tám ngày nào cũng rình mò chuyện này để buôn. Con đoán xem nếu bọn họ biết, còn có thể nói ra lời nào tốt đẹp à? Sau này mẹ cũng không cho con đi nữa. Muốn cảm ơn thì để mẹ đi, con đừng có lộ diện. Mau vào nghỉ đi, cơm chiều làm xong thì mẹ gọi.”

Chu Mãn Mãn chu môi, đang định nói “đâu có nghiêm trọng vậy đâu”, thì có người đẩy cửa bước vào.

Ba người phụ nữ đều sững lại, nhìn về phía cửa, thấy Chu Thương, con trai thứ ba của nhà họ Chu bước vào.

Một thiếu niên mười tám tuổi, mặc áo ngắn, quần đen. Quần dính đầy bùn đất, mặt mũi lấm lem, tay còn xách một giỏ tre nhỏ.

Thì ra đi bắt cá chạch.

Chu Bình nhìn bộ dạng của cậu, sắc mặt lập tức tối sầm lại.

Thấy mẹ nhìn mình như muốn ăn tươi nuốt sống, Chu Thương rùng mình, rụt cổ lại, lớn tiếng kêu lên: “Mẹ, mẹ đừng đáng sợ vậy chứ…”

“Thằng ranh con!” Chu Bình tiện tay chụp cây chổi, giận dữ mắng: “Nhìn mày xem lớn thế này rồi? Con nhà người ta bằng tuổi mày đã biết lấy vợ đẻ con. Còn mày thì sao? Suốt ngày chẳng làm nên trò trống gì, cứ như thằng lang thang, trèo cây bắt chim, xuống sông mò cá. Mày không biết xấu hổ à? Mày nói mày bao nhiêu tuổi rồi? Còn đi bắt cá chạch! Tao đánh chết mày, tao đánh chết con cá chạch này!”

Nói rồi bà giơ chổi lên định đánh.

Đám con trai này, nhìn vào là thấy tức, chẳng đứa nào ra hồn!

Chu Bình thật sự hận không thể nhét hết bọn nó lại vào bụng, sinh lại lần nữa.

break
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc