Bác sĩ hỏi tôi bị mất kinh nguyệt từ khi nào. Tôi thật ngớ ngẩn khi nói rằng, mình đã quên, tôi không nhớ chính xác là ngày bao nhiêu. Lại thêm một lần nữa, tôi vô trách nhiệm với chính bản thân. Và sau khi có kết quả siêu âm, tôi gần như chôn chân mình tại phòng khám với cái thai đã gần ba tháng tuổi. Tôi không còn nghe rõ bác sĩ đang nói gì, chỉ cần biết tôi chưa muốn đứa con tội nghiệp của mình phải ra đi. Hai bàn tay tôi ôm lấy khuôn mặt, tôi không khóc, tôi không thể khóc thành tiếng, như kẻ câm và điên dại, đầy phẫn nộ cho những điều tồi tệ nhất, dữ dội nhất đang xảy ra. Những yêu thương vội vã trong những giây phút đắm say đầy tội lỗi đã đi qua, chỉ còn lại đây, những đắng cay lẫn tủi nhục trong lòng. Trước mặt tôi, mọi thứ như sắp đảo lộn. Những chiếc áo trắng của cô y tá hay bác sĩ nhòe dần, tưởng chừng như những bóng ma dập dờn đảo quanh. Tiếng nói của những người xung quanh đang chờ thành hàng dài theo đúng số thứ tự, như muốn hút kiệt dưỡng khí trong con người tôi, nó xoáy vào lòng tôi đau thắt, đến nín thở. Tôi gục đầu.
Bác sĩ ở độ tuổi trung niên, vừa nhìn vào tập hồ sơ, vừa gằn giọng hỏi:
- Để sang hay phá?
- Phá. – Diệu Linh nhanh chóng trả lời.
- Không. – Tôi lúng túng và sợ sệt. – Diệu Linh, để… em suy nghĩ đã. Về thôi…
Tôi kéo tay Linh ra ngoài rồi cúi chào bác sĩ:” Con xin lỗi”.
- Của thằng Nam đúng không, thằng đểu, chả phải nó cũng đã dọn khỏi chỗ mày được hơn hai tháng đấy thôi. Thằng Sở khanh, thằng tồi. Nó định trốn cái bụng thai kia sao còn vấy tội tống tao vào nhà nghỉ nữa chứ. Không biết kiếp trước mình nợ nó cái gì nữa. - Linh hét ầm lên sau khi mở cửa phòng trọ. – Tao nói mày rồi mà, cứ ì cái xác ra. Que thử mới chả que diêm, đâu phải lúc nào cũng chính xác đâu mà cứ tin vào cái thông báo một vạch hay hai vạch hồng đấy. Còn hơn nửa tháng nữa là Tết rồi, bộ không tống nó ra ngoài thì định vác cái bụng phưỡn ra về quê thắp hương cho tổ tiên, và họ hàng luôn à. Mày có nghĩ cho họ hàng nhà mình, hay bố mẹ mày cũng cần phải sống không hả… Nghĩ cái gì mà nghĩ nữa, nghỉ đi. Kiểu gì thì kiểu, ngay ngày mai phải tống nó ra ngoài.
- Chị nấu cơm giúp em đi. Em mệt, để em suy nghĩ đã.
Bây giờ thì thực sự nước mắt tôi mới lăn ra được, mặn đắng. Tôi đưa bàn tay khô ráp khẽ vuốt ve lên bụng mình. Vì sao tôi không thể mỉm cười hạnh phúc như những bà mẹ khác khi làm hành động yêu thương đấy, và hi vọng, trông chờ từng ngày cho con mình lớn hơn. Vì sao tôi không thể sung sướng khoe với người đàn ông đấy rằng:”Chúng ta đã có con, anh có hạnh phúc không?”, hay ngồi cười đùa cùng nhau đoán xem đứa bé sẽ thông minh như bố, hay có khuôn mặt đẹp thánh thiện như mẹ và cùng nghĩ một cái tên thật ý nghĩa cho con.
Vì sao ư?
Vì ngay cả bản thân tôi còn không biết đứa bé mình đang mang trong bụng là con của ai, thì làm sao dám cười nói với người đàn ông đã từng chung chăn, chung gối rằng:” Con anh đấy, giống hệt anh cho coi. Có con rồi, phải yêu thương em hơn, không nhậu nhẹt, bù khú cùng bạn bè nữa nghe anh”.
Tôi cười, nụ cười mỉa mai, nhạo báng với chính bản thân.
Vì sao chứ? Vì sao tôi lại bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này?
Trời biết. Đất biết. Chỉ mình tôi, mình tôi giả vờ không hay!
Giấc mơ trưa, tôi chìm mình vào giấc ngủ đầy rẫy những mộng mị. Giấc mơ trưa, con tôi đang sợ hãi và hét ú ớ không thành tiếng khi có vật lạ, màu sắc cũng khác hẳn với những thứ xung quanh mà bấy lâu nay đã làm bạn với nó, đang mỗi lúc một tiến gần hơn. Đứa con tôi chạy trốn, lép sát vào thành bụng như bị nó ép đến tận bước đường cùng, mà vì sao:” Vật lạ nó cứ bám riết, săn đuổi lấy con, hả mẹ. Vì sao, mẹ không cứu con, mẹ ơi?”. Đứa con tôi như chiếc bánh kem, trắng hồng, non trẻ, thơm mùi ngầy ngậy; vật lạ kia như kẻ háu ăn, miệng rộng, đôi mắt trợn trừng và hung hãn. Kẻ đó bẻ từng miếng bánh bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, ngon lành, không hề đoái hoài đến chiếc bánh ngon thế kia thì nên phần cho kẻ khác nữa. Nào ngờ đâu, con tôi bị bẻ từng ngón tay, cánh tay, sau đó là búp chân nhỏ. Nó dần oặt ẹo và bất lực trước vật lạ kia. Nào đứa bé hay, chính mẹ nó yêu cầu kẻ lạ mặt kia vào giết nó, từng chút, từng chút một.
Nỗi đau quằn quại đấy, ai hiểu thấu lòng ai?
…
Bên cạnh tôi là một cô gái trẻ đang bồng một chú bé rất kháu khỉnh. Làn da trắng và mềm mại như sữa, đôi má ửng ửng hồng rất đáng yêu. Đứa bé làm tôi bật khóc khiến cô gái trẻ chẳng hiểu lý do. Cô gái hồn nhiên:” Bé làm cô đau, cô đang giận kìa, bé hư nè”, rồi kéo đứa trẻ lại về phía mình, giọng nhỏ nhẹ nhìn tôi:
- Cô ổn chứ? Đôi mắt cô rất buồn.
Tôi luống cuống, quệt vội những giọt nước mắt đang lăn ra vào thời điểm không hề đúng lúc chút nào.
- Dạ không. Em là sinh viên xa nhà, năm ngoái không về đón Tết cùng gia đình được, nên lần này …
- Hạnh phúc quá đúng không? Hẳn nhớ nhà dữ ha. Mà đừng gọi mình là chị, chắc cũng xấp xỉ tuổi nhau thôi à.
- Em mới hai mươi thôi chị.
- Biết ngay mà. – Cô gái ồ lên, nhưng ngay sau đó, đôi mắt cụp xuống, giọng nặng trĩu. – Mình mà nghe lời bố mẹ thì giờ cũng đâu thế này, vẫn hồn nhiên đi học và ngậm ô mai cùng đám bạn ý chứ. Phải cái tội yêu sớm, lại dại nữa, nên hậu quả thế đấy …- Cô gái cười hiền, nhìn về phía đứa trẻ đang ôm hộp sữa, đôi vai khẽ rung lên. Có lẽ mỗi lần nhắc tới vết thương lòng, cảm xúc trong cô, trong tôi hay bất kì người phụ nữ nào đều dồn lên mãnh liệt như thế. – Nhưng dù sao thì, mình cũng hạnh phúc vì có nó, kể ra thì làm mẹ là hơi sớm, nhưng mình chẳng nỡ bỏ đi, mang tội chết, giọt máu của mình cả mà. Mình dại thì mình phải chịu, chứ biết làm sao.
Nỗi đau sâu thẳm nhói lên khiến tôi lặng người. Khẽ an ủi cô gái và vuốt ve bầu má sữa của đứa bé, tôi ngả người và quay về phía cửa kính. Đôi mắt trỗng rỗng, ném những cái nhìn vô định ra bên ngoài. Tiếng xình xịch, xình xịch của chuyến tàu đang chuyển động, bắt đầu đi vào hầm núi, tối đen. Tiếng đứa trẻ hét toáng lên trong bóng tối, cô gái vội vã ra sức dỗ dành. Tay cô luống cuống lấy chiếc điện thoại từ túi áo ra, bật đèn sáng:” Ngoan nào, ngoan nào, thằng cún ngoan của mẹ”.
…
Bốn xung quanh tôi chỉ toàn là màu trắng, bên cạnh là tiếng lẻng xẻng của những dụng cụ kim loại: dao, kéo, bông băng, chậu rửa, …, và vũng nhầy nhụa màu máu đỏ au,…. Mùi đặc thuốc sát trùng của nhà hộ sinh nồng nặc lên làm tôi muốn nôn. Cái cảm giác như con hổ cái vừa giết sống đứa con của mình, nó nhục nhã, ê chề làm sao. Bao nhiêu hình ảnh hiện về của giấc mơ trưa ngày hôm trước khiến tim tôi thắt lại. Tôi nằm nguyên đó, không cử động được gì, trên trần nhà kia rõ ràng có bóng đen đang bay lởn vởn. Tôi không tưởng tượng, tôi không hề bị ảo giác và tôi hét toáng lên, rồi ngất lịm.
Trong cơn mê hoang hoải, lời thì thầm vẫn vọng mãi: “Cứu con, mẹ ơi”. Tiếng kêu của nó lọt qua bao vách tường, cửa kính, vang đến bên tai tôi nghe sao xót xa, buốt nhói. Hơi thở hổn hển, gấp gáp của nó như hòa với gió, lùa mạnh qua khe cửa, dội thẳng vào mặt tôi, những tế bào da co lại rúm ró. Tôi co người, giật mình tỉnh giấc, tự ôm lấy bờ vai rên rỉ:”Xin lỗi, mẹ đã giết con”.
- Mày làm tao muốn chạy. Mày làm như mình mày đi phá thai không bằng. Mở mắt to ra, xung quanh cái phòng này này, xem biết bao đứa giống mày. Làm cái gì mà cứ như con hổ cái ý. Đây là bệnh viện chứ không phải rừng già, biết không? – Linh bón từng thìa cháo cho tôi, giọng làu bàu. – Mà sao thằng Nam không tới nhỉ, tao cọi cho nó từ sáng sớm cơ mà.
- Chị bị hâm à. Nam liên quan gì đến chuyện này mà chị gọi chứ? – Tôi nổi giận đùng đùng, mặc cho cơn đau vẫn âm ỉ, rát buốt.
- Liên quan gì? – Linh dài giọng rồi cười lắc lẻ. – Không của nó thì của thằng xe ôm trước cửa phòng trọ của mày chắc. Mày tốt với nó quá thể đấy. Mày không nghĩ cho bản thân thì phải nghĩ cho tao với chứ. Tao hại gì mà nó phá đám tao. Nghĩ đến mà thêm bực mình.
Tôi thở dài, cầu Phật cho Nam đừng đến. Chỉ nhục nhã hơn, đau lòng hơn thôi. Theo như lời Nga nói thì Nam biết chiều hôm đó tôi đi với anh Hải. Phải chăng cậu ấy nghĩ chúng tôi đang hẹn hò nên Nam mới hành động như thế với Linh. Còn Hiếu nữa, sao cậu ấy lại nhắn tin cho tôi với những câu hỏi kì cục, chẳng đầu cuối. Tôi đau.
- Chị về nghỉ ngơi trước đi. Em không sao đâu. Mọi chuyện ổn cả rồi mà. Chị cũng xanh xao lắm đó. Vài bữa nữa về quê, bố mẹ lại mắng mỏ chẳng tiếc lời đâu.
- Xanh tý chứ xanh nữa tao cũng phải gặp được mặt thằng Nam. Tao dằn mặt nó ra. Thằng quái quỷ. – Linh gằn giọng. Tôi sửng sốt.
Trong phòng tôi nghỉ ngơi, có khoảng chục chiếc giường bệnh nữa, nhưng chẳng giường nào là không có người nằm cả. Có bạn thì vui vẻ, hồn nhiên như không có gì, vẫn ăn uống tươi vui cùng bà mẹ già đang trăn trở. Có bạn thì rầu rĩ, đầu tóc rối tung, ánh mắt xa xăm ra ngoài khung cửa sổ. Còn tôi, nửa khóc, nửa cười như kẻ mếu máo vẫn không ngớt lời chửi rủa bản thân.
Có đứa bé đang ở ngoài ô cửa sổ. Có tiếng gọi:” Mẹ ơi” phát ra từ nơi ấy…
Tôi đưa bàn chân mình xuống giường bệnh. Vội rụt chân lại vì nền sàn gạch lạnh buốt. Tôi lại chạm bàn chân xuống lần nữa. Đôi môi khô bặm lại, nhón từng bước chân đi về phía cửa sổ. Cái bóng đen in hình trải rộng trên từng thớ đất mà tôi lướt chân qua. Bóng đen dập dờn, lởn vởn. Tôi té ngửa giữa nền nhà.