Anh Hải vẫn đến thăm tôi suốt hơn hai tháng sau đó, hôm mang hoa, hôm mang quà. Mỗi chiều về, chúng tôi ra công viên đi dạo và cùng nhau nấu bữa ăn tối. Tôi không cho anh Hải ở lại qua đêm vì tôi không muốn có bất kì sự đụng chạm nào xảy ra nữa. Tôi đã sai, sai quá nhiều. Tôi muốn đầu óc thư thả và lấy lại tinh thần để sắp về quê đón Tết. Tôi không muốn bố mẹ nhìn thấy bộ dạng mệt mỏi, gầy trơ xương mà đâm đau đầu và lo lắng. Tôi lớn, nhưng tôi dại, nhưng dù đã dại đến mức nào thì tôi vẫn phải đủ tỉnh táo để đứng lên và bước tiếp con đường còn đầy rẫy những chông gai phía trước. “Không mạnh mẽ” thì không phải là tôi, dẫu cho “mạnh mẽ chỉ là vờ vịt, gian dối”. Và trong cuốn từ điển sống của mình, tôi không biết đến “sự yếu đuối” hay “ngã gục, ngủ quên”. Tôi vẫn muốn tự mình đứng lên dẫu cho đã đi đến gần cuối đường hầm mà vẫn chưa tìm thấy ánh sáng. Chẳng phải, có ai đấy vẫn từng bảo:” Cứ đi là sẽ thấy đường” đó thôi.
Tôi không nhớ rõ, mình đã đọc ở một cuốn sách nào đó có đoạn viết thế này:”Thế giới này chẳng qua chỉ là một địa chỉ, con người là những bưu kiện được gửi xuống trần gian theo ý Thượng Đế. Dù bạn là người thế nào, có bí mật gì, tội lỗi, bệnh tật, tình yêu, vinh quang hay bóng tối , cho dù có hạnh phúc, bè bạn, tiền tài thậm chí những thứ khác nữa, thì bạn vẫn là người cô đơn một mình một bóng. Thế giới này vẫn ngăn cách bạn bằng tấm kính trong suốt, tấm kính phủ chụp lên bạn”.
Vậy tôi sợ cô đơn, tôi ghét một mình. Tôi tham lam, tôi muốn nắm giữ tất cả. “Vì vậy, tôi càng phải mạnh mẽ hơn”. – Tôi gào lên trong màn đêm khuya khoắt, tiếng gào xuyên thấu trái tim tôi.
Tờ mờ sáng, chiếc vali đã xếp đầy quần áo từ ngày hôm qua ở ngay trước mặt. Dường như, mọi thứ đã sẵn sàng. Mặt trời chậm rãi ló dạng từ đường chân trời, một vòng cung như đang bao lấy một góc thành phố. Tôi mở cửa định đi luôn, nhưng anh đã xuất hiện từ bao giờ mà tôi chẳng hề hay biết:
- Anh đến lâu chưa mà sao không nói cho em biết?
- Hôm nay, em ra ga tàu để về quê, em cũng có nói cho anh biết đâu.
Anh vòng tay ôm lấy người tôi, giọng vẻ trách móc nhưng xen lẫn cả sự yêu thương. Tôi đưa tay chạm lấy khuôn mặt anh, lạnh buốt. Cả bàn tay anh nữa, chúng đều rất lạnh. Cả bộ đồ anh đang mặc, dường như nó đã ẩm ướt vì sương đêm. Tôi thương anh vô cùng.
Chẳng muốn suy nghĩ gì nhiều, tôi mở vali và lấy chiếc khăn len màu xám tro quàng vào cổ anh. Anh không chịu, nhất quyết để phần tôi vì buổi sáng tháng Một ở Sài Gòn lạnh căm căm, đường từ quận Thủ Đức ra ga tàu cũng đi mất cả một giờ đồng hồ. Tôi và anh cứ đẩy qua đẩy lại chiếc khăn len, vừa giận vừa vui.
- Thôi nào. Anh đưa em đi rồi về nhỡ bị bệnh, ai mà bắt đền nổi.
- Không. Sức khỏe của em yếu hơn anh rất nhiều cơ mà.
Tôi nhìn vào chiếc vali, một cuộn len tròn vo vẫn nằm đó. Chiếc khăn dang dở kia chỉ còn thiếu vài đường. Tôi chun chun mũi:
- Chờ em nhé! Em sẽ làm nó xong ngay bây giờ đây.
Anh gật đầu ngay lập tức. Hình như, tôi đã đoán đúng suy nghĩ của anh rồi.
Những mũi đan của tôi nhanh thoăn thoắt. Một phần, vì nó đã quá quen thuộc. Một phần, vì tôi muốn lẩn trốn mọi cảm xúc xưa cũ đang trào về.
Anh nhìn tôi không rời mắt. Thật may là chiếc kính cận đã giúp tôi phần nào che giấu đi được cảm xúc tội lỗi khi đang ở cạnh người mình yêu mà nghĩ về người cũ. Cũng rất có thể, anh là người thông minh và nhạy cảm nên đoán được những ý nghĩ ở độ tuổi còn non nớt trong chuyện tình yêu của tôi. Nhưng điều quan trọng là, anh tôn trọng tôi, tôn trọng mọi cảm xúc trong tôi, chẳng bắt ép tôi phải quên gì hoặc không được nhớ tới ai. Mỗi ngày trôi qua, tình cảm của chúng tôi lại như được nối thêm một sợi dây gắn kết bền chặt, như chàng trai hằng đêm vẫn thức để tìm kiếm và gắng hái được sao trên trời, cất vào giỏ đan bằng tre mây, đến khi đầy thì mang tặng người anh yêu.
Mũi đan len cuối cùng cũng xong, tôi cầm chiếc khăn trên tay, chỉ muốn quàng ngay nó lên cổ giúp anh. Anh cười nhẹ, vừa gật gù vừa nháy mắt rồi cúi thấp đầu xuống về phía tôi. Tôi giúp anh quàng khăn, rồi dùng tay miết nhẹ lên lớp len mềm, chỉnh đi chỉnh lại sao cho nó có thể ngay ngắn và đẹp mắt nhất.
Chúng tôi đứng trước gương, cặp khăn len cùng màu đều được quàng lên cổ của nhau rất ngay ngắn. Cặp khăn len sẽ ủ ấm cho nhau trong những ngày xa cách và là một trong những chi tiết quan trọng để dệt lên câu chuyện tình yêu của chúng tôi về sau này.
Sân ga Sài Gòn nhộn nhịp những ngày cuối năm. Đủ thứ âm thanh pha lẫn tạo lên một tạp âm nhức nhối, khiến tôi lạc lõng giữa đám người. Đôi môi tôi im bặt, không mấp máy, chẳng biết trò chuyện cùng ai. Trên chuyến tàu Thống Nhất đang từ từ lăn bánh, không ai là người quen của tôi cả. Cánh tay anh vẫn đưa lên cao vẫy chào tạm biệt, đôi chân anh vẫn chạy theo đoàn tàu đang bắt đầu chuyển động. Tôi không biết anh đang nói điều gì, chỉ biết mỗi giây đi qua, tôi thêm xa anh đến cả một mét đường dài. Những hạt mưa bắt đầu rơi xuống, nặng hạt, đập đôm đốp vào cửa kính tàu. Dáng anh mờ dần, đứng lặng. Vài phút sau, điện thoại tôi đổ chuông báo có tin nhắn:
“ Anh sẽ rất nhớ em.”
“ Em cũng vậy. Anh về đi, trời đổ mưa rồi”
“ Ừ. Anh sẽ về khi toa tàu cuối rời khỏi ga, để biết em đã thực sự an toàn”
“ Anh sẽ ốm.”
“ Anh chờ em”.
Nước mắt tôi lăn dài xuống gò má, như vệt nước mưa ngoài kia cũng đang lăn xuống theo mặt kính, một cách lạnh lùng.
Bên cạnh tôi là một cô gái trẻ, khoảng hơn tôi mấy tuổi, cùng một thằng nhóc rất kháu khỉnh. Xung quanh đó có rất nhiều sinh viên, hình như đa phần họ là một cặp, họ ngồi ôm nhau rất chặt trên chuyến tàu đang lao đi nhanh như gió. Vào tầm trước Tết chừng nửa tháng, thì hầu hết trên các chuyến tàu là sinh viên, công nhân hoặc những nhân viên nhà nước có mức thu nhập trung bình. Chốc chốc, cửa toa tàu lại mở, một dòng người không quen biết lại ào xuống hoặc đi lên như thác lũ, cùng những chiếc túi hay bao đựng đồ lỉnh cỉnh, nặng trịch. Những người phụ nữ ôm giữ khư khư lấy túi xách, để trên cặp đùi, lộ rõ vẻ buồn ngủ. Những người đàn ông trung niên nồng nặc mồ hôi, họ thở phì phò, đầu tóc bơ phờ, thỉnh thoảng lại giật mình vì tiếng còi kêu inh ỏi của đoàn tàu đang lăn bánh để tránh các đoàn toàn khác. Ông ta mở to mắt, ngơ ngác nhìn những người xung quanh. Nhưng không ai trả lời cho ông ta biết vì sao ông ta bị tỉnh giấc giữa chừng, ông ta chậc lưỡi, chép miệng mạnh một tiếng, rồi lại nhắm mắt và mơ màng.
Có thể, tôi sẽ phải bắt chuyện trước với người ngồi bên cạnh, phía trước, đằng sau, hoặc là ngủ một giấc thật dài.
Ở tuổi trẻ, nhiều người khao khát được sống, được yêu thương, được lao động, được học hành. Từng đấy thứ, tôi đang làm, đang chiến đấu để giành giật. Đôi lúc nhìn lại, tôi thường ví mình như con thiêu thần, cứ lao về nơi phát sáng. Thật may, nơi phát sáng ấy là chính con người anh. Anh đã giúp tôi nhìn thấy một điểm sáng hiếm hoi trong bóng tối của ngõ cụt, một mầm non gai góc và kiên cường vừa mới nhú nơi xa mạc cồn cát hay những tảng băng trôi dày đặc. Anh đã cho tôi biết thế nào là hương vị ngọt ngào của lứa đôi. Anh cũng không hề trách giận sau những lỗi lầm do chính tôi gây ra nữa.
Một thời gian sống gần Nam, đối với cuộc sống của tôi mà nói, đó một sự vấp ngã tệ hại và khiến tôi khủng hoảng trầm trọng ở tuổi hai mươi. Dù sau này tôi có lấy ai, sinh cho ai những đứa con hay sống trong một môi trường đầy đủ, giàu sang đi chăng nữa, thì với Nam, tôi cũng không bao giờ quên cậu ấy, cùng những thắc mắc và lí do chưa có lời giải.
Không khí trong toa tàu ngột ngạt, tôi thấy mình khó thở quá.
Tôi nhắm nghiền đôi mắt. Trong giấc ngủ, tôi cứ luôn tự nhủ:” Cứ thế này thôi đừng tỉnh dậy nữa nhé”. Trong giấc mơ, tôi vẫn rên rỉ thảm thiết:”Xin lỗi, xin lỗi”.
Tận cuối giấc mơ là tro tàn, là hư vô, là mọi thứ như ngừng chuyển động. Nơi ấy là cái chết, sự sống bị chôn cất và hất văng đi xa mất rồi.