Ba người mụ Oản được đưa về khu nhà phụ nơi mợ Đan sinh con. Lúc chỉ còn lại ba người, nụ cười trên mặt mụ và lão Chí tuột xuống nhanh như gió. Lão Chí đá cái bàn gỗ giữa nhà một cái: “Bị chơi rồi!”.
Mụ Oản cau mày ngồi trên sô pha, miệng lẩm bẩm gì đó không rõ. Được một lúc, mụ vẫy tay bảo thằng Tro đưa tay nải cho mình rồi lôi ra hàng loạt dụng cụ hình thù kì quái, nhìn thoáng qua chẳng khác nào một đống đồng nát sắt vụn. Mụ đặt bảy cái cọc đồng rỉ sét trên sàn thành hình tròn rồi treo một cái lưới gắn đầy những mảnh kim loại mỏng lên đó, sau đó thắp nến trắng ở hai góc nhà - mỗi nơi bảy ngọn, nến đỏ ở hai góc còn lại - cũng mỗi nơi bảy ngọn.
Mụ Oản nhảy múa xung quanh vòng tròn, vừa hát gì đó vừa rải xuống một nắm gạo nếp trộn muối và lá chè khô. Ánh nến bốc cao rồi hạ xuống liên tục theo nhịp hát của mụ, dần dần, khói nến chuyển dần sang màu trắng đục rồi xám ngoét, rung rinh như hình người đang múa theo mụ.
Thằng Tro lùi sát tường, biết mụ Oản đang làm lễ thì phải ngậm chặt miệng, lúc mụ bịp người ta thì không nói làm gì, nhưng lúc làm thật thế này mà lớ ngớ thì không được. Lão Chí đứng bên kia, tay cầm bầu rượu, chỉ cần mụ Oản kêu một tiếng là dội tắt nến ngay.
Giọng mụ Oản càng lúc càng cao, càng lúc càng nhanh, the thé nghe không ra tiếng người nữa. Bước chân mụ lộn xộn, tóc tai rũ rượi, váy áo ướt sũng mồ hôi.
‘Keng!’
Cái lưới đứt phựt, những mảnh kim loại treo trên đó rơi ào ạt xuống nền nhà lát gạch men sứ, kêu leng keng điếc tai. Bảy cái cọc đồng đổ rạp, lăn khắp nơi, nến chảy nhanh như phơi kem dưới nắng. Mụ Oản rạp cả người xuống, trông như đã bất tỉnh.
Lão Chí lao ngay ra dội tắt mấy ngọn nến trắng, sau đó cùng thằng Tro xốc nách mụ Oản lùi ngay vào vòng sáng của những cây nến đỏ. Các bóng ma lượn lờ theo chân mụ Oản rít lên tức giận, đuổi theo ba người họ nhưng không dám xông vào khoảng sáng của lửa nến. Cuối cùng chúng biến mất trước khi ngọn nến đỏ cuối cùng tắt, bên tai ba người vẫn văng vẳng tiếng khóc kêu không cam lòng của chúng.
“Oán khí rất nặng.” Mụ Oản vừa lau máu ở khóe miệng vừa nói: “Nhưng lại không có vong hồn nào ám ở đây cả, hơn nữa lúc thông linh, thứ rõ nhất mà tôi thấy được là một căn nhà lớn bày đầy bài vị, sau đó là cảm giác nghẹt thở…”
“Nhà thờ tổ!” Lão Chí và thằng Tro đồng loại kêu lên.
“Chắc chắn là nhà thờ tổ rồi. Ở đấy chắc chắn có manh mối!” Lão Chí hưng phấn nói, nhưng sau đó lại ỉu xìu: “Cơ mà bọn họ nói nhà thờ tổ đã bị chuyển đi nơi khác rồi, tìm ở đâu bây giờ?”
Mụ Oản đưa cho lão Chí một thứ trông như viên bi thủy tinh rạn vỡ lung tung: “Các cụ để lại, có thể tìm được nhà thờ tổ kia. Đáng tiếc tôi là đứa gà mờ, không học được bản lĩnh của các cụ, chậc!”
Chờ đến khoảng ba giờ sáng, lúc người ta ngủ say nhất, lão Chí và thằng Tro lẻn ra ngoài. Ông bà Vĩnh Xương cũng không sai người canh gác nơi này, không biết là nghĩ họ sợ ma quỷ không dám đi hay thế nào?
Tro theo lão Chí rẽ trái rẽ phải một hồi đến hoa cả mắt, lúc lão hô ‘đây rồi!’ thì nó nhận ra mình đang đứng trước một căn nhà lớn dựng toàn từ gỗ, nhìn đã biết tốn cả một mớ tiền. Lão Chí không chần chừ mà đẩy cửa vào luôn. Bên trong có bàn gỗ, bài vị, hoa quả hương nến, chẳng khác gì nhà thờ bình thường.
Tro còn chưa kịp thắc mắc thì đã thấy lão Chí đi phăm phăm ra đằng sau. Lão ngó nghiêng một hồi rồi cười: “Trò vặt vãnh!”, sau đó sờ soạng trên tường như tìm cái gì đó rồi nhấn một cái. Tức khắc bức tường thụt vào trong êm như ru, lộ ra một cầu thang tối đen đi sâu xuống lòng đất, gió ở dưới thổi ngược lên lạnh ngăn ngắt, thoang thoảng mùi rỉ sắt như mùi máu.
Trong mật thất bên dưới là một phòng thờ bí ẩn, hàng dãy bài vị đặt trên bàn đá, không có bát hương, không có đồ cúng, lạnh lẽo thê lương, thỉnh thoảng vang lên vài tiếng kẽo kẹt kì lạ, chỉ có những ngọn nến đen như hắc ín bày giữa phòng, mùi máu đến từ chính làn khói tỏa ra loại nến này. Lão Chí sờ thử vào bài vị đặt dưới cùng, khịt mũi: “Bài vị đúc từ sắt? Cái này là để cầm tù linh hồn chứ thờ phụng quái gì?”
Thằng Tro đếm thử, có tới hơn ba mươi chiếc bài vị trong này. Nó thắc mắc: “Thầy ơi, nhiều bài vị thế này… đều là tổ tiên của ông bà Vĩnh Xương cả à? Sao bảo nhà họ mấy đời nông dân, mới làm giàu thôi mà?”