Cô bị ba gọi về ngôi nhà cũ. Vừa bước vào, ánh mắt chạm phải những gương mặt nặng nề của cả gia đình, cô khựng lại, lòng thoáng ngẩn ngơ.
Ba cô cố nở ra một nụ cười, khóe miệng giật giật vài lần nhưng chẳng thể thành hình, trông như thể dây thần kinh đã ngừng hoạt động rồi vậy.
Bà Lê nhận thấy vẻ lúng túng cứng nhắc của ông, lên tiếng thay lời.
“Chúng ta có chuyện muốn nhờ con giúp.”
Cô không nhìn bà Lê, chỉ cụp mi mắt, ánh nhìn lặng lẽ dán xuống tấm thảm dưới chân: “Chuyện gì?”
...
Trước ngày cưới, cô được bà Lê dẫn vào một căn phòng riêng. Bên trong, một cặp vợ chồng trung niên, ba người đàn ông trẻ tuổi và một người phụ nữ đang ngồi chờ.
Bà Lê không giới thiệu từng người một.
Không phải cố ý xem nhẹ cô mà là không khí trong phòng căng như dây đàn, mọi người đều mang vẻ mặt u ám như thể chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng đủ khiến tất cả bùng nổ.
Bà Lê tự lo còn chẳng xong, làm sao để tâm đến cô.
Vừa vào phòng, ghế còn chưa kịp ngồi ấm thì bà Lê đã bị cặp vợ chồng trung niên kia với giọng điệu vừa khách sáo vừa không cho phép từ chối, mời ra ban công để nói chuyện.
Thế là cô bị bỏ lại, một mình đối diện với bốn người lạ.
Cảnh này thật sự khó xử đến nỗi cô còn chẳng biết ai là ai.
Trước thềm hôn lễ, vậy mà cô vẫn chưa rõ người đàn ông nào sẽ cùng cô bước vào lễ đường, đúng là chuyện nực cười mà.
Cô ngồi xuống ghế, cố gắng dán mắt vào những món ăn trên bàn, tránh giao tiếp bằng ánh nhìn với bất kỳ ai.
Nếu nhà cô có thêm người đi cùng, có lẽ không khí đã không đến mức lạnh lẽo như thế này.
Không, trong thế hệ này, nhà cô chỉ có hai cô con gái. Nếu có thể đẩy Từ Liên Nhã ra đây thì đã chẳng có chuyện ngày hôm nay.
Dù có là ba cô đi nữa, chắc chắn cũng bị mời ra ban công nói chuyện chứ chẳng khác gì bà Lê.
Cuối cùng, một người bên kia bàn lên tiếng phá vỡ sự im lặng.
Đó là một người đàn ông có vẻ hoạt bát, người đó khuấy động bầu không khí ngột ngạt, chủ động hỏi cô: “Rốt cuộc Từ Liên Nhã bị sao thế? Sao nghe nói nhà cô định để một đứa con riêng thế hôn rồi? Chuyện này là đùa à? Nếu truyền ra ngoài thì nhà chúng tôi còn mặt mũi nào nữa đây?”
Lời người nói ra thì thà im lặng còn hơn.
Cô cúi đầu không đáp, thầm đoán người vừa lên tiếng chính là “nạn nhân” của vụ này.
Quả đúng là nạn nhân. Một người thừa kế trưởng nam danh giá của dòng họ lại rơi vào cảnh phải cưới một đứa con riêng, cho dù có lý do bất đắc dĩ thì chuyện này cũng quá uất ức.
Cô có thể hiểu được tâm trạng ấy. Nếu đứa con riêng trong lời người đó không phải là cô thì có lẽ cô đã đồng cảm nhiều hơn.
Người đàn ông đó như tức đến cực điểm. Thấy cô không đáp, giọng mới cao lên, đầy giận dữ: “Hỏi cô đấy, không biết trả lời sao?”
Người phụ nữ lớn tuổi hơn ngồi cạnh vội kéo tay áo người đó, ra hiệu phải kiềm chế, đừng nói chuyện kiểu đó.
Người phụ nữ lên tiếng xoa dịu: “Tôi hiểu, chẳng ai muốn chuyện này xảy ra cả. Hôm nay chúng ta ngồi đây chẳng phải để giải quyết mọi việc một cách êm đẹp và thể diện sao? Có gì cứ bình tĩnh nói chuyện, nhất định sẽ tìm được cách khiến tất cả hài lòng.”
Cô thầm nghĩ rằng những lời dài dòng của người phụ nữ này, rốt cuộc cũng chỉ là lời sáo rỗng.