“Em dâu à, chuyện này mà ầm ĩ lên là chúng ta đều tiêu đời hết đó! Ban đầu hai bên gia đình chúng ta đã nói rõ ràng là đôi bên cùng có lợi. Tụi chị cũng đâu có phải là ép buộc ai đâu. Vậy mà giờ con bé Huệ Trân lại đâm đầu đi nhảy sông, làm cho cả làng đều đang chỉ trỏ bảo vợ chồng tụi chị là thứ không ra gì, làm bác mà lại dồn ép cháu cho đến chết. Chồng chị còn mặt mũi nào mà làm cán bộ ở nhà máy dệt trên thành phố nữa? Như vậy chẳng khác nào đẩy cả nhà chị vào con đường cùng hay sao!”
Giọng điệu giận dữ ấy làm Phùng Huệ Trân bất giác mở choàng mắt ra.
Nhảy sông?
Cô còn nhớ rất rõ, lúc ấy mình vừa rời khỏi nhà hàng, đang định ghé vào văn phòng luật sư để sửa lại di chúc. Một đời lăn lộn vất vả, tay trắng dựng nên năm trăm cửa hàng, tài sản lên đến hàng chục tỷ. Nhưng không chồng không con, đến cuối cùng lại bị đám cháu dòm ngó đến tài sản của mình.
Bên ngoài thì ngọt nhạt “dì ơi”, “cháu thương dì nhất trần đời”, nhưng sau lưng lại bàn tính làm cách nào để cướp hết tài sản của cô.
Tức đến sôi máu, cô quyết định, dù có đem hết tài sản để đi làm từ thiện cũng còn hơn để cho mấy kẻ vong ân phụ nghĩa đó có thể thừa hưởng.
Nào ngờ chỉ vừa ra khỏi khách sạn thì cô đã bị xe tông thẳng vào người.
Nhưng mà liên quan gì đến chuyện nhảy sông? Không lẽ xe đâm cô bay thẳng xuống sông? Không đúng! Cái khách sạn đó là khách sạn năm sao sang trọng, ngoài cửa chỉ có vài luống hoa và một đài phun nước nho nhỏ, làm gì có con sông nào?
Té vào đó mà cũng bảo là nhảy sông được sao?
“Chị dâu à, em xin lỗi, chuyện này đúng là do con bé Huệ Trân nhà em nó hồ đồ. Không biết nó nghĩ quẩn chuyện gì mà lại có thể làm ra chuyện dại dột như vậy. Em cũng bất lực…”
Vừa nghe thấy giọng nói ấy, Phùng Huệ Trân như bị sét đánh ngang tai.
Quen lắm…quen đến nao lòng. Đó là giọng của mẹ cô, người mẹ đã mất hơn bốn mươi năm về trước!
Cô bật người dậy, đưa mắt nhìn xung quanh.
Căn phòng làm bằng đất thấp lè tè, ánh đèn dầu lờ mờ, giường đất thì lạnh lẽo, tấm chăn mỏng tang, vách dán đầy mấy tờ giấy báo cũ, cửa sổ dán giấy bạc, cái tủ gỗ tróc hết sơn…
Chính là căn nhà cũ năm nào.
Mắt cô dừng lại ở tờ lịch cũ kỹ treo trên tường: ngày 8 tháng 5 năm 1969.
Cô nhắm mắt lại, hít một hơi sâu.
Trọng sinh rồi.
Dù là xuyên không hay quay lại quá khứ, chỉ cần được nghe giọng mẹ một lần nữa thôi đối với cô như vậy là quá đủ rồi.
Và cô chợt nhớ ra, hôm nay chính là ngày khởi đầu của tất cả những biến cố về sau.
“Em dâu à, em nghĩ mà xem, em là một người phụ nữ góa bụa lại còn đang nuôi năm đứa con, sống khổ thế nào thì chị cũng biết. Chị để Huệ Trân thay Kiến Quốc đi nông trường, vừa giúp nó có cơm ăn, vừa bớt được một miệng ăn ở trong nhà. Mỗi tháng tụi chị còn gửi thêm năm đồng tiền làm phụ cấp. Chị mà không quý em thì đã chẳng nói đến chuyện này. Vậy mà nó lại nghĩ tụi chị muốn làm hại nó.”
“Em biết, em biết chị lo cho tụi em mà. Chỉ là con bé còn nhỏ, bướng bỉnh, chẳng hiểu chuyện. Để em từ từ khuyên nó, chắc chắn nó sẽ chịu thay Kiến Quốc đi nông trường mà chị.”
Nghe giọng mẹ nghẹn ngào, lòng Phùng Huệ Trân chợt nhói lên.
Kiếp trước, cũng chính là ngày hôm nay, cô bị Phùng Cải Hoa rỉ tai nói suốt, khiến cô cứ tưởng hai vợ chồng bác cả muốn hãm hại mình. Cô hoảng loạn đến mức nhảy sông tự tử. Sau khi tỉnh lại, vẫn chưa nguôi giận, cô còn làm ầm lên, chửi mắng bác gái không tiếc lời.
Kết cục, chuyện bị hoãn lại. Người xung phong đi xuống nông trường thay lại là…Phùng Cải Hoa.
Cô ta được cả nhà bác cả thương quý, được tăng phụ cấp lên tận mười đồng. Về sau nhờ mối quan hệ ấy, mà cô ta là người đầu tiên trong đám thanh niên được trở lại thành phố, còn được sắp xếp vào nhà máy làm việc.
Cả nhà cô ta cũng nhờ vậy mà từng bước từng bước phất lên.
Trong khi đó, nhà cô thì càng lúc càng lụi bại, xa cách với họ hàng, không còn chỗ dựa.
Ngày đó, cô từng trách mẹ ruột mình nhẫn tâm, chỉ vì mấy đồng bạc mà đem cô ra trao đổi.
Ba tháng sau, mẹ bị phát hiện mắc bệnh thận. Nhà nghèo, không có tiền chữa chạy, mẹ đành cắn răng chịu đựng rồi mất trong đau đớn.
Mẹ đi rồi, các anh chị em trong nhà lại quay sang đổ lỗi cho cô, cho rằng cô là nguyên nhân khiến cho mẹ chết đi, rồi đoạn tuyệt quan hệ với cô.
Lúc đó, cô mới biết, mình không phải con ruột của mẹ, mà là con gái của một người chiến hữu, được cha nhận về nuôi.
Từ đó về sau, cô sống cô đơn, một mình bươn chải giữa dòng đời, chưa từng dám mở miệng cầu xin bất kỳ ai.
Cho đến nhiều năm sau, khi sự nghiệp đã thành công rực rỡ, cô tình cờ gặp lại bác gái, cô mới biết được sự thật là năm đó, mẹ cô đã tính kỹ mọi chuyện. Vì cô đúng tuổi, đủ điều kiện thay người khác đi nông trường, mẹ mới cắn răng đồng ý. Mẹ còn thương lượng với bác cả, chỉ cần Huệ Trân chịu đi vài năm, sau này bác cả sẽ lo cho cô được về lại thành phố, còn sắp xếp công việc ổn định trong nhà máy cho cô khi cô trở về thành.
Mẹ đã làm tất cả chỉ vì muốn tốt cho cô mà thôi.