Bầu trời đầu thu xanh thẳm, gió mát từng cơn, lay động những tấm lụa trắng mỏng manh treo trong thủy tạ.
Bên trong lớp lụa mỏng là hai mỹ nhân ăn mặc cẩm y lộng lẫy, ung dung tùy ý ngồi sau chiếc trường kỷ bày đầy trái cây và trà nước. Đằng sau là các tỳ nữ vây quanh tận tâm hầu hạ.
Bên ngoài lớp lụa là hai thị vệ cường tráng để trần nửa thân trên đang liên tục lao vào đánh đấm đối phương.
Những giọt mồ hôi lăn xuống dọc theo gương mặt tuấn lãng đoan chính, nhỏ giọt xuống cơ thể săn chắc đầy cơ bắp.
Trong lúc giằng co, một người giãy tay ra, siết chặt lấy vòng eo thon của đối phương.
Cơ bụng co rút lại, nhạy cảm như lá cỏ đọng sương mai.
Ánh mắt bừng cháy, hơi thở của dã thú.
Không khí xung quanh cũng trở nên nóng rực.
Hoa Dương khẽ phe phẩy chiếc quạt tròn, bóng quạt che đi tầm mắt tưởng như chẳng mấy hứng thú nhưng thực chất lại đang say mê thưởng thức.
Thực ra nàng của trước đây rất ghét đấu võ, mùi mồ hôi của nam nhân chỉ khiến nàng chán ghét, buồn nôn.
Nhưng giây phút này, nàng lại cảm thấy cảnh tượng trước mắt tràn đầy sức sống, khiến trong đầu nàng hiện lên hình ảnh những tuấn mã phi nước đại, những con hổ báo giao chiến… và cả phu quân quá cố của nàng - Trần Kính Tông.
Trần Kính Tông có dáng người cao ráo cường tráng, nghe nói hắn đã bắt đầu luyện võ từ năm sáu bảy tuổi.
Phụ thân hắn là một vị Các lão phò tá hai đời vua, có học vấn uyên thâm. Các huynh trưởng cũng lần lượt đỗ Trạng nguyên, Thám hoa, vậy mà Trần Kính Tông lại kiên quyết dấn thân vào võ đạo.
Tính hắn lạnh lùng nhưng dung mạo lại rất xuất chúng. Hoa Dương của năm đó vừa mắt khuôn mặt của hắn nên mới đồng ý cuộc hôn nhân do phụ hoàng và mẫu hậu ban.
Ai mà ngờ được, chỉ dựa vào một gương mặt đẹp thôi thì thực sự không đủ để làm phu thê sớm tối bên nhau. Bởi vì gần như mọi hành vi, cử chỉ của Trần Kính Tông đều thử thách giới hạn chịu đựng của nàng.
Hắn thích nhấm nháp rượu khi ăn, cần súc miệng nhiều lần mới hết mùi, nhưng vì Trần Kính Tông là kẻ thô lỗ, thường qua loa cho xong nên mỗi lần phu thê chung giường chung gối, nàng đều ngửi thấy mùi rượu trên người Trần Kính Tông.
Trần Kính Tông tự hào về võ nghệ của mình, rèn luyện được cơ thể với cơ bắp cuồn cuộn, còn mạnh mẽ hơn cả những con Hãn huyết bảo mã mà nàng từng thấy. Ai gặp hắn lần đầu cũng phải khen một tiếng “anh dũng”.
Nhưng võ quan thường đổ mồ hôi, mỗi khi tan làm trở về, trên người hắn đều mang theo mùi mồ hôi khó chịu.
Nếu hắn là người kỹ tính thì thôi đi, không ảnh hưởng đến Hoa Dương là được. Nhưng Trần Kính Tông lại là một người nhếch nhác, khi thì quên gội đầu, khi thì lười tắm rửa, cứ leo lên chiếc giường thơm tho của nàng một cách thô lô. Hoa Dương còn chê bai da thịt thô ráp của hắn làm hỏng cả bộ chăn gấm thượng hạng của nàng.
Cha chồng và các huynh trưởng luôn nhẹ nhàng giảng đạo lý cho hắn, nhưng hắn lại đáp trả bằng ánh mắt lạnh lùng, lời lẽ lạnh nhạt khiến bầu không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng, làm bản thân nàng cũng khó xử theo.
Vì những chuyện vặt vãnh nhưng ngày nào cũng xảy ra này mà Hoa Dương càng lúc càng thấy chướng mắt Trần Kính Tông.
Trong lòng Trần Kính Tông cũng hiểu điều đó, hắn có niềm kiêu hãnh của mình, vì vậy số lần tìm nàng qua đêm cũng càng ngày càng ít.
Hoa Dương cầu còn không được, ngoài chuyện chê bai hắn không sạch sẽ, nàng còn không chịu nổi sức mạnh như trâu của hắn, mỗi lần hắn đến ở qua đêm, Hoa Dương đều phải hét đến khàn cả giọng.
Bốn năm làm phu thê, nàng cũng ghét bỏ hắn suốt bốn năm.
Cho đến khi Trần Kính Tông bỏ mạng nơi sa trường.
Cho đến khi nam nhân cường tráng luôn trở về nhà với mồ hôi khắp người ấy vĩnh viễn nằm dưới lòng đất, không bao giờ xuất hiện trước mặt nàng nữa.
Người đã khuất là lớn nhất. Sau khi Trần Kính Tông qua đời, Hoa Dương không muốn tính toán những chuyện không sạch sẽ kia của hắn nữa. Dần dần trong đầu nàng chỉ còn sót lại những điều tốt đẹp về hắn.
Chẳng hạn như dáng vẻ vững chãi khi cõng nàng đi trong cơn mưa tầm tã.
Chẳng hạn như lồng ngực nóng rực của hắn giữa ngày đông lạnh giá.
“Thế nào? Bàn Bàn nhìn đến ngây người rồi à?”
Một giọng nói trêu chọc mang ý cười truyền vào tai, hồi ức ngắt quãng Hoa Dương quay trở lại thực tại. Lúc này nàng mới nhận ra hai thị vệ đã kết thúc trận đấu, đang quỳ chờ thưởng ở bên ngoài.
Sao Hoa Dương chịu để người cô mẫu không đứng đắn chế nhạo. Nàng hơi bĩu môi, làm vẻ dửng dưng: “Chỉ là cảm thấy võ nghệ của bọn họ thật tầm thường, chẳng có gì đáng xem nên bèn nghĩ đến chuyện khác mà thôi.”
An Nhạc Đại Trưởng công chúa liếc mắt ra hiệu cho tỳ nữ.
Một tỳ nữ đến ban thưởng cho hai thị vệ rồi cho họ lui xuống.
Sau khi nam nhân bên ngoài rời đi, An Nhạc Đại Trưởng công chúa mới cười trêu Hoa Dương: “Đây là thị vệ hàng đầu trong phủ ta, nhưng lại chỉ nhận được lời đánh giá thật tầm thường từ con, nhưng cũng phải thôi, Bàn Bàn từng có một vị phò mã dũng mãnh thiện chiến, ánh mắt cao cũng là lẽ thường.”
Hoa Dương vẫn giữ dáng vẻ lười biếng như cũ, dường như sớm đã chẳng hề bận tâm khi người khác nhắc đến phu quân quá cố của nàng.
An Nhạc Đại Trưởng công chúa chậc chậc: “Ôi chao, Bàn Bàn của chúng ta thật sự đã thông thấu rồi à?”
Hoa Dương: “Đã chết ba năm rồi, còn nhớ chàng ấy làm gì.”
An Nhạc Đại Trưởng công chúa: “Nam nhân mất thê tử, có người ba tháng đã cưới người mới, con là tỷ tỷ ruột của đương kim Thánh thượng, nếu đã không còn lưu luyến gì Trần Kính Tông, chẳng lẽ cũng muốn học mấy vị liệt nữ trinh tiết kia, muốn giành bảng hiệu về cho mình sao?”
Hoa Dương: “Con không cần bảng hiệu, nhưng tại sao con lại phải tìm một phò mã khác? Nhỡ phò mã mới cũng lôi thôi, hay ra mồ hôi thì chẳng phải con lại tự chuốc bực mình à?”
An Nhạc Đại Trưởng công chúa cười nói: “Cái này ta đồng ý. Chỉ là cô mẫu cũng không muốn thấy con còn tuổi trẻ rực rỡ thế này mà đêm nào cũng trằn trọc một mình. Hay là con học theo cô mẫu, nuôi mấy nam sủng trong phủ, quân tử như ngọc hay nam nhi anh dũng đều có, tối gọi đến, sáng lại đuổi đi, vui vẻ biết bao.”
Hoa Dương: …
Nàng biết ngay mà, vị cô mẫu không đứng đắn này, quanh co vòng vèo như vậy cũng chỉ là để dụ nàng bước lên con đường không đứng đắn kia mà thôi.
Hoa Dương là người sĩ diện, tuyệt đối không muốn để người ta đồn rằng mình lẳng lơ phóng túng nuôi nam sủng.
Nếu nàng thực sự có sở thích đó thì cũng chẳng sao, đường đường là công chúa, muốn làm gì thì làm, cần gì quan tâm người đời dị nghị thế nào. Nhưng vấn đề là Hoa Dương hoàn toàn không hứng thú với việc nuôi nam sủng.
Bởi lẽ, nàng đã từng chứng kiến ba kiểu nam nhân xuất chúng nhất trên đời này.
Một kiểu là tưởng quân như Trần Kính Tông, võ nghệ đứng đầu thiên hạ, anh hùng cái thế trong thoại bản cũng chỉ đến thế mà thôi.
Nhưng anh hùng cái thế cũng cần ăn uống, cũng phải sống, anh hùng cái thế cũng có chỗ khiến người ta chán ghét.
Kiểu thứ hai là những văn nhân như cha chồng và các phu huynh của nàng, những bậc quân tử đoan chính, phong thái tao nhã.
Nhưng bọn họ cũng không hoàn mỹ như vẻ ngoài, nàng từng thấy cha chồng bị rắn dọa sợ đến mức trốn sau lưng bà bà, cũng từng thấy các phu huynh lấm lem chật vật ngã nhào trong mưa gió.
Kiểu cuối cùng chính là Đế vương tôn quý nhất thiên hạ như phụ hoàng.
Nhưng tôn quý thì sao chứ? Phụ hoàng biết trọng dụng hiền tài, tưởng chừng là một vị minh quân, nhưng thực ra lại là kẻ háo sắc thành tính, cuối cùng lại chết trên giường của nữ nhân.
Điều mà nam nhân trong thiên hạ luôn khao khát, cao nhất cũng chỉ là đăng cơ xưng đế, phong hầu bái tướng, có kẻ chỉ dám mơ mộng, có kẻ lại dành cả đời cố gắng vì điều đó.
Nhưng ba loại nam nhân ưu tú nhất này, Hoa Dương đều đã từng thấy qua, có lúc kính phục, có lúc lại cảm thấy... chẳng qua cũng chỉ có vậy.
Vì thế, còn người nam nhân nào có thể lọt vào mắt nàng, có thể khiến nàng cam nguyện cùng chung chăn gối đây?
Cô mẫu không câu nệ, chỉ ham thú vui chăn gối.
Hoa Dương lại là một người có nguyên tắc. Nếu nam nhân kia còn không lọt nổi vào mắt nàng thì sao có tư cách vào gần bên nàng, lên giường của nàng.
Hai cô chất còn đang cười đùa về chuyện "nam sủng" thì quản sự tiền trạch vội vàng chạy tới, ánh mắt lo lắng nhìn Hoa Dương, cúi đầu bẩm báo: "Bẩm Đại Trưởng Công chúa, Trưởng Công chúa, vừa rồi Trần phủ phái người đến, nói... nói rằng thủ phụ đại nhân đã... tạ thế rồi."
"Choang" một tiếng, chiếc quạt tròn trong tay Hoa Dương rơi xuống đất, miếng ngọc đính trên cán vỡ làm hai.
Trần thủ phụ, phụ thân của Trần Kính Tông, cũng chính là cha chồng của nàng.
.Nếu nói trên đời này, người mà Hoa Dương kính phục nhất là ai, thì đó chính là cha chồng của nàng – Trần Đình Giám.
Cha chồng tư chất hơn người, mười sáu tuổi đỗ Cử nhân, mười chín tuổi đỗ Trạng nguyên, đến tuổi bốn mươi đã trở thành Các lão trong Nội các.
Lúc Hoa Dương gả vào Trần gia cũng đúng lúc lão thủ phụ đã già yếu bệnh tật, ai nấy đều nghĩ rằng cha chồng sẽ tiếp quản nội các.
Nhưng ngay vào thời điểm quan trọng này, mẫu thân của cha chồng qua đời, theo quy chế, cha chồng phải về quê chịu tang ba năm.
Hoa Dương đường đường là công chúa nhưng cũng phải theo phu gia về nơi quê xa ngàn dặm, sống những ngày tháng kham khổ. Ngay cả nàng cũng sắp không chịu nổi nữa nhưng cha chồng vẫn rời kinh một cách điềm nhiên, ung dung, hoàn toàn không có chút tiếc nuối không cam lòng vì phải nhường lại vị trí sắp sửa đến tay.
Ba năm chịu tang kết thúc, cha chồng dẫn cả gia đình trở về kinh thành.
Lần này, không ngoài dự đoán, ông được thăng chức thành thủ phụ, từ đó tận tâm tận lực vì triều đình.
Khi phụ hoàng băng hà, Dự vương tạo phản, chính cha chồng là người mưu tính chiến lược, nội ổn triều đình, ngoại trấn phản loạn.
Vì sự kính trọng này mà dù Trần Kính Tông đã qua đời, dù nàng đã chuyển về phủ công chúa của mình, Hoa Dương vẫn giữ danh phận con dâu của Trần gia, vẫn cung kính gọi một tiếng "phụ thân" khi gặp thủ phụ đại nhân.
Cha chồng là rường cột quốc gia, xứng đáng lưu danh sử sách!
Vì vậy, Hoa Dương chưa từng nghĩ rằng sau khi cha chồng qua đời, thế mà lại có một nhóm triều thần đứng ra liệt kê tội trạng của ông.
Nàng càng không thể ngờ rằng người đệ đệ trước nay luôn kính trọng cha chồng lại thực sự hạ chỉ tịch thu gia sản Trần gia.
Đại ca Trần Bá Tông bị hàm oan vào ngục, chịu hình tra tấn đến chết.
Bà bà không chịu được đả kích quá lớn, buông xuôi cõi trần.
Những người còn lại trong Trần gia đều bị lưu đày ra biên cương.
.
Tháng chạp rét buốt, tuyết rơi dày đặc.
Cuối cùng Hoa Dương cũng không kìm lòng được, thu xếp hành lý đơn giản rồi rời khỏi kinh thành, dừng lại bên con đường mà người Trần gia nhất định phải đi qua.
Nàng đứng bên đường, nha hoàn sợ nàng lạnh, vội khoác lên vai nàng một chiếc áo choàng lông cáo dày, lại đặt một lò sưởi nhỏ ấm nóng bằng đồng tím vào tay nàng.
Nhưng Hoa Dương nhanh chóng nhìn thấy những người thân từng cùng nàng chuyện trò vui vẻ đang mặc áo tù trắng mỏng, tay chân bị xích sắt khóa lại, lê bước đi về phía nàng.
Trạng nguyên lang đại ca đã không còn, Thám hoa tam ca từng cười nói rộn ràng, phong lưu tiêu sái, giờ đây sắc mặt tiều tụy, vô hồn, nhìn thấy nàng, lại phảng phất không thấy được.
Các tẩu tử giàn giụa nước mắt, không vì bản thân, mà chỉ mong nàng có thể mở lời nói giúp cho bọn nhỏ.
Hoa Dương và Trần Kính Tông thành thân bốn năm, hơn một nửa thời gian trong đó đều là ở nhà cũ chịu tang, sau đó thì gặp nhau thì ít xa cách thì nhiều, dưới gối vẫn không có con nối dõi.
Nhưng ở Trần gia, nàng có ba chất tử, hai chất nữ.
Lúc này, mấy đứa trẻ đi qua trước mặt nàng, đứa thì ánh mắt đờ đẫn, đứa thì khóc lóc như mưa.
Hoa Dương cứ thế mà đứng giữa trời tuyết, nhìn những huynh tẩu, chất nhi chất nữ quen thuộc ngày nào dần khuất xa, cho đến khi không còn thấy bóng dáng đâu nữa.
"Tuyết lớn quá rồi, người nên quay về thôi."
Nha hoàn mắt đỏ hoe, dìu nàng lên xe ngựa.
Hoa Dương nhìn ra quan đạo.
Có lẽ, dấu chân hỗn loạn trên nền tuyết trắng xóa kia chính là những dấu vết cuối cùng của người Trần gia lưu lại ở kinh thành.
Thế nhưng, những dấu chân kéo dài dọc con đường này cũng đã nhanh chóng bị những bông tuyết rơi không ngừng che lấp.
Dù vậy, nàng vẫn nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc ấy.
"Nàng tự bảo trọng, ta đi đây."
Là lời từ biệt của Trần Kính Tông vào ngày xuất chinh. Lúc ánh bình minh vẫn còn chưa tỏ, hắn đứng cạnh giường nói lời từ biệt với nàng.
"Lão Tứ là người thô lỗ, nếu có chỗ nào làm Công chúa ấm ức thì thần nhất định sẽ phạt nó."
Là giọng nói cương chính kiên nghị của cha chồng vào ngày nàng dâng trà.
"Sân này mới mở rộng, bàn ghế giường tủ đều là đồ mới. Nếu Công chúa không vừa ý chỗ nào, ta sẽ bảo người đổi lại."
Là lời của bà bà lúc bà đích thân dẫn nàng đi xem sân viện khi vừa mới đến nhà cũ, giọng đầy lo lắng chỉ sợ nàng ở không quen.
"Là ta nói khó nghe, công chúa chớ có trách Tứ đệ nóng tính."
"Công chúa cẩn thận, con ngỗng này biết cắn người đấy!"
"Đây là hoa đào ta mới hái, tứ thẩm có thích không?"
…
Hoa Dương nhắm mắt lại.
Không nên như vậy.
Kết cục của Trần gia, không nên như vậy!