Không khí trong điện náo nhiệt hẳn lên. Bằng trực giác, Uẩn Đường đã tỏ tường rằng những việc ùn ứ mấy ngày qua ở Thượng Nghi Cục ắt hẳn đều do Bùi Hàm gây nên, không cần phải tra xét thêm. Hắn vốn dày công bày vẽ lắm trò, nên kể từ ngày kế vị, những phiền phức mà hắn công khai hay ngấm ngầm gây cho nàng quả thực không ít.
Câu chuyện trong điện chẳng mấy chốc đã chuyển sang người khác. Sau khi thị nữ kê thêm ghế, Uẩn Đường yên vị phía sau ngoại tổ mẫu. Đôi bông tai vàng chạm lộng gắn minh ngọc, do chính tay Chương lão phu nhân chọn, càng tôn lên gò má trắng mịn cùng làn da tựa ngưng chi của nàng. Chương lão phu nhân nhìn Uẩn Đường, ánh mắt chan chứa yêu thương, thấy nàng không chỉ hao hao mẫu thân đến năm sáu phần mà còn có thêm vài phần tươi tắn, rạng rỡ.
“Tổ mẫu con đang cùng Ninh Viễn Hầu lão phu nhân uống trà ở thiên sảnh. Lát nữa con sang tìm bà nhé,” Chương lão phu nhân nói.
Uẩn Đường gật đầu, khiến viên minh châu trên chiếc trâm khẽ rung, tỏa ánh sáng dịu nhẹ.
Khang Quận Vương phi đang trò chuyện cùng Thái hậu, thi thoảng lại ý nhị nhắc tới Tiền Tư Dung, người đang ngồi cạnh Thái hậu. Trang Tuệ Thái hậu nắm tay Tiền Tư Dung, cười bảo: “Tuy là con út, nhưng nó lại vô cùng hiểu chuyện, còn chững chạc hơn hai người chị nhiều.”
Khang Quận Vương phi liền tiếp lời: “Phải đấy ạ, nhà nào có được người con gái như thế, ắt hẳn phải yêu chiều như châu báu ngọc ngà.”
Qua vài câu chuyện phiếm, Uẩn Đường đoán ra Khang Quận Vương phi đang ngỏ ý muốn kết thân với Tiền gia. Trưởng tử của Vương phi, người cuối năm trước vừa được phong Thế tử, nay đã đến tuổi cập kê và cũng tương xứng tuổi tác với Tiền Tư Dung.
Phủ Quận Vương dẫu những năm gần đây có phần sa sút, nhưng tước vị thế tập vẫn còn đó, gia sản mấy đời tích lũy không phải hàng thế gia tầm thường nào cũng sánh kịp. Xét về môn hộ, hôn sự này rõ ràng là Tiền Tư Dung được gả vào nơi quyền quý hơn.
Song, Tiền gia lại có Trang Tuệ Thái hậu, cùng nhiều người nhà được trọng dụng trong triều, nên chẳng ai dám khinh suất. Hôn sự của Tiền Tư Dung, ắt hẳn Trang Tuệ Thái hậu sẽ đích thân ban tặng của hồi môn và đứng ra chủ hôn để tỏ rõ thánh quyến dành cho Tiền gia. Nếu hai nhà kết thành thông gia, đôi bên đều được lợi.
Phía sau một mối hôn sự vốn chẳng bao giờ đơn giản. Uẩn Đường khẽ lắc đầu, thầm nghĩ chuyện của mình nào có khác chi.
Phùng Thanh Thu, người cùng Uẩn Đường vào Từ An cung, đang bị lạnh nhạt, chỉ lặng lẽ ngồi một bên, nét mặt không giấu nổi vẻ đìu hiu. Là thứ nữ của Nam An Bá, xuất thân của Phùng Thanh Thu chẳng kém gì Tiền Tư Dung, thậm chí có phần nhỉnh hơn. Hôm nay, nàng vận chiếc áo váy rời tay rộng thêu hoa tường vi, phối cùng bộ trang sức tóc bằng bích tỷ, khiến sắc hồng đào càng tôn lên dung mạo kiều diễm. Nàng rõ ràng đã dụng công trang điểm để vào cung, vậy mà trong điện, mọi người lại xúm xít quanh Tiền Tư Dung, Khang Quận Vương phi cũng vui vẻ trò chuyện với Tiền Tư Dung hơn hẳn.
Đôi khi, chuyện nhân duyên của nữ tử, ngoài gia thế và dung mạo, vận may lại là điều quan trọng hơn cả. Tiền Tư Dung sinh nhằm lúc gia tộc đang hồi thịnh đạt, lại có Trang Tuệ Thái hậu – người cô mẫu quyền thế – hết lòng che chở, đứng ra lo liệu chuyện trăm năm. Một khi gả vào Vương phủ, nàng sẽ lập tức được phong Thế tử phi nhị phẩm, xem như có được mối nhân duyên tốt đẹp nhất trong số những người cùng trang lứa. Bảo sao các tiểu thư thế gia ở kinh đô không khỏi ước ao, ngưỡng mộ.
Ngồi thêm một lát, Uẩn Đường tìm cơ hội xin cáo lui. Nàng vốn định sang thiên sảnh tìm tổ mẫu, nhưng khi đến hồi lang, thấy bà đang trò chuyện cùng mấy vị phu nhân nên lại thôi, không vào nữa. Tính ra còn hơn một canh giờ nữa mới tới giờ khai yến, Uẩn Đường bèn định bụng ghé qua Thượng Nghi Cục cho khuây khỏa. Với nàng, người đã ở trong cung lâu ngày, Thượng Nghi Cục tựa như một góc trời riêng, luôn mang lại cảm giác bình yên.
“Liễu tiểu thư?”
Nơi khúc quanh một hành lang vắng vẻ, Uẩn Đường bắt gặp Liễu Kỳ mặt mày tái nhợt. Thị tỳ thân cận của nàng thì đứng nép một bên, dáng vẻ sốt sắng nhìn quanh. Thấy Uẩn Đường, Liễu Kỳ cố gắng gượng chút tỉnh táo. Uẩn Đường từng gặp nàng vài lần và vốn không phải người hay làm ngơ, nên bèn hỏi: “Tiểu thư không được khỏe ở đâu sao?”
Nhận ra vẻ quan tâm của Uẩn Đường, lại thêm đồng là phận nữ nhi, Liễu Kỳ tuy có phần ngượng ngùng nhưng vẫn khẽ đáp: “Ta... đột nhiên đến tháng, mà không có chuẩn bị gì cả.”
Nha hoàn thân cận của Liễu Kỳ tên là Bảo Châu. Ngày tháng của tiểu thư vốn do một tay Bảo Châu ghi nhớ, nhưng không hiểu sao tháng này lại đến sớm hơn mười ngày, oái oăm thay lại nhằm đúng lúc đang ở trong cung. Đi dự yến tiệc trong cung, mỗi tiểu thư chỉ được mang theo một nha hoàn thân cận, mà yến tiệc cung đình vốn đông người nhiều mắt, việc này không tiện làm lớn. Bảo Châu định đi tìm Liễu phu nhân, nhưng lại không yên tâm để tiểu thư một mình. Đang lúc phân vân chưa biết tính sao thì nào ngờ lại gặp được Khương đại tiểu thư.
Uẩn Đường liền nói: “Ta có nơi ở riêng trong cung, cách đây không xa. Nếu tiểu thư không chê, chi bằng đến phòng ta nghỉ tạm?”
Thấy Uẩn Đường chân tình giúp đỡ, Liễu Kỳ vô cùng cảm kích: “Đa tạ tiểu thư.”
Thải Lê bước tới, cùng Bảo Châu dìu Liễu Kỳ. Uẩn Đường chọn một lối nhỏ vắng người để đưa Liễu Kỳ về tiểu viện của mình. Đây là nơi Uẩn Đường thường ở lại trong cung nên nhiều vật dụng đều có sẵn. Thải Lê lấy đồ dùng cần thiết đưa cho Bảo Châu, rồi lặng lẽ đi đun nước nóng, tránh làm kinh động đến ai.
Sau tấm bình phong, Bảo Châu giúp Liễu Kỳ cởi bỏ lễ phục. Sau khi kiểm tra một lượt, may sao chiếc áo váy rời bên ngoài chỉ vấy bẩn một chút, không mấy rõ ràng. Uẩn Đường lấy từ tủ áo của mình một bộ trung y sạch chưa dùng tới, cùng một chiếc áo váy rời thường ngày còn mới đến chín phần đưa cho Liễu Kỳ. Việc gấp phải tòng quyền, nên đành tạm như vậy. Liễu Kỳ lau người qua loa rồi thay y phục sạch sẽ. Do Uẩn Đường và Liễu Kỳ có vóc người tương đương, nên Liễu Kỳ mặc y phục của Uẩn Đường lại hợp đến không ngờ.
Bảo Châu mang lễ phục dính bẩn đi giặt qua. Tiểu thư tuy có đem theo y phục dự phòng, nhưng lại để cả trên xe ngựa lúc vào cung. Giờ xe ngựa không biết đang đỗ ở nơi nào, nếu muốn mất công đi tìm lấy thì e không kịp dự yến tiệc tối, lại dễ sinh điều tiếng.
Uẩn Đường cùng Liễu Kỳ ngồi ở gian ngoài phòng ngủ, rồi sai Thải Lê nấu trà gừng đường đỏ mang tới. Sau khi uống cạn nửa chén trà gừng, Liễu Kỳ thấy lòng ấm lại, người cũng dễ chịu hơn nhiều. Đây là nơi ở riêng của Uẩn Đường, nên không có người ngoài nào lui tới. Bảo Châu giặt sạch vết máu thấm trên lễ phục, còn Thải Lê thì giúp một tay đem y phục hong khô sau bình phong. Tiết trời hè oi bức, chẳng mấy chốc y phục sẽ khô.
“Hôm nay thật may mắn vì gặp được tiểu thư,” Liễu Kỳ chân thành nói.
Cả hai nhìn nhau mỉm cười, sự câu nệ và khách khí ban đầu cũng bất giác vơi đi nhiều. Tên tự của Uẩn Đường là ‘Toàn’. Chữ ‘Toàn’ (璇) và ‘Kỳ’ (琦) trong tên của hai người đều có nghĩa gần nhau, cùng chỉ một loại ngọc đẹp, tựa như một mối duyên giữa họ. Liễu Kỳ vốn là người con gái rất có tài học, nên trò chuyện cùng nàng quả thực thú vị. Liễu Kỳ hứng thú lắng nghe Uẩn Đường kể chuyện về các nữ quan trong cung, lòng đầy vẻ ngưỡng mộ.
Thời gian bất giác trôi nhanh, chẳng mấy chốc đã gần tới giờ Dậu, sắp đến lúc khai yến. Y phục cũng đã khô, không còn thấy dấu vết gì. Liễu Kỳ thay sang bộ áo váy rời đối khâm màu xanh phấn thêu hoa phù dung. Uẩn Đường lấy hộp phấn từ bàn trang điểm, giúp nàng thoa lại chút son phấn để sắc hồng nhuận khéo che đi vẻ mặt nhợt nhạt. Trong lúc Bảo Châu giúp Liễu Kỳ điểm trang, Thải Lê cũng sửa lại trâm cài tóc cho Uẩn Đường.
Ánh mắt Liễu Kỳ chợt dừng lại nơi chiếc bộ dao trên búi tóc Uẩn Đường: “Minh châu hướng nguyệt, cây trâm này quả thực rất có ý vị.”
Nghe nàng khen, Uẩn Đường thoáng cúi đầu, tay vô thức đưa lên vuốt nhẹ chiếc trâm, giọng có chút không tự nhiên: “Chỉ là tình cờ hợp với bộ y phục này thôi.” Minh châu vốn là vật quý giá, đâu phải thứ tầm thường.