Suốt năm qua tôi sống bình lặng với vợ con trên bán đảo Nelson. Ấy là một khoảng thời gian khá dài không bị công vụ nào lôi cuốn mạnh mẽ. Mỗi tuần đến toà soạn vài lần nộp những bài báo ngắn không phải ký tên. Đó là những trò vô thưởng vô phạt rất dễ nhàm chán. Thỉnh thoảng Bạch Kim kéo tôi đi một chuyến du lịch ngắn ngày. Cô lo tôi phát phì vì sự lặp lại đơn điệu của nghề "công chức văn bút".
Còn những hoạt động bí mật của tôi thì lại phải tuân theo một tư tưởng chiến lược phòng thủ nhất quán và nghiêm khắc. Không đột nhập, cướp phá nhà ai. Không ăn cắp tài liệu, hay quay phim chụp ảnh kho tàng lưu trữ nào. Cũng không khủng bố, giết người, xúi giục bạo loạn. Phòng ngự có nghĩa là nghe ngóng cảnh giác đỡ đòn chứ tuyệt đối không chủ động ra đòn. Nhiệm vụ của tôi là cảnh giới vòng ngoài, ngăn chặn từ xa những mũi nhọn tấn công hướng vào Tổ Quốc mình. Nhưng một khi chúng im ắng khoanh tay ngồi thở, thì tôi cũng có một khoảnh rảnh rỗi nghỉ ngơi thoải mái.
Một bữa tôi nói với Bạch Kim:
- Những dự báo tình hình của anh trước đây thường căn cứ vào cái nhiệt biểu chính trị của Trung ương Liên minh Việt kiều Hải ngoại. Nhưng cuộc đổ bộ vào mũi Kim Ngưu thảm bại đã chôn luôn uy tín của tổ chức này. Ngoài tờ báo Chim Việt sống dở chết dở với nhưng lời kêu gọi đóng góp tài chính chung chung, họ chẳng còn làm được việc gì ra hồn nữa. Chắc chắn sự đài thọ của CIA cũng chẳng còn bao nhiêu nên không thấy chủ bút tổ chức cho phóng viên trở về các nước vùng Á châu lấy tin viết bài. Biết đâu CIA lại chẳng coi rẻ đám chính khách xa-lông này mà chuyển từ chính trị bạo loạn sang tình báo đơn thuần để tránh tổn thất. Ta ngồi đây tưởng tình hình im ắng, nhưng bên kia đại dương lại đang lửa cháy dầu sôi. Anh định đi Đông Nam Á một chuyến.
- Anh đã ngứa ngáy chân tay lắm rồi phải không?
- Em nói thì cũng đúng. Nhưng đây là nghĩa vụ thôi thúc chứ không phải cảm hứng du lịch cuốn hút!
- Các con cũng muốn đi chơi, bố lại đòi đi nốt! Để em và Việt Dũng ở nhà thôi hay sao?
- Các con định đi đâu? - tôi hơi ngạc nhiên.
- Quang Trung và Jimi xin đi Hồng Kông giỗ đầu ông ngoại. Chúng nó muốn nhân dịp này coi như đoạn tang để công bố lễ đính hôn trước mặt họ hàng. Các con sợ ít nữa cưới bên này chưa chắc đã mời nổi bà con cô bác bên ngoại sang đây dự.
- Thế mà chưa thấy chúng nói gì với anh.
Bạch Kim cười:
- Jimi nhờ em thăm dò ý kiến ba trước rồi mới dám thưa.
- Các con nghĩ thế cũng hợp đạo lý. Anh nhường cho các con đi trước đấy.
Tối hôm đó tôi và Bạch Kim gọi các con đến.
- Các con định xin đi Hồng Kông bao nhiêu ngày, bao giờ thì phải mua vé?
Jimi vui mừng trước sự chủ động của tôi:
- Thưa ba, Mười tám tháng này là giỗ đầu ngoại con. Dù sao thì ông Hứa Vĩnh Thanh cũng nuôi nấng dạy bảo má con từ nhỏ. Chẳng may má con mất sớm nên con có nghĩa vụ thay mẹ báo hiếu ngoại đầy đủ như tập tục của cha ông, kẻo bà con họ hàng lại nói rằng sang sống ở Mỹ nó quên cả lễ nghi phong hóa.
- Ba ủng hộ ý nghĩ tốt đẹp của con. Quá khứ là tài sản tinh thần vô giá của mỗi con người. Mình có thể dự tính nhiễu chuyện cho tương lai chứ không sao tái tạo được quá khứ. Dù tốt xấu nó vẫn là kỷ niệm, những bài học nuôi dưỡng tâm hồn mình.
- Hồi ông con bảo con về thăm bà ở Sài Gòn nhưng lại lợi dụng chuyến đi để sai con mang tài liệu cho bọn gián điệp, con giận lắm. Nhưng khi trở về, thấy ông đang trong cơn lấp hối, con lại thấy thương vô cùng, mọi chuyện cũ đều bỏ qua.
- Nghĩa tử là nghĩa tận mà! Thế hai ông con có nói được với nhau câu gì không?
- Dạ, có... ông nói là bị mụ Lee Chou Yan lừa. Sau khi Chu Bội Ngọc nhận được tín vật thì Vương Phúc Đạt đẩy ông đến chỗ phá sản... ông uất ức phát ốm mà chết. Thương ông quá, con vội cầm lây bàn tay thì đã thấy lạnh ngắt. Con vội đeo cho ông chiếc nhẫn Nữ hoàng Morabac.
Tôi ngạc nhiên về chuyện này vì chưa bao giờ cháu kể lại.
- Ba tưởng con đã trao chiếc nhẫn đó cho Chu Bội Ngọc?
- Dạ, con trao chiếc nhẫn của ông ngoại cho Chu Bội Ngọc. Và ông ta cũng đưa cho con cái nhẫn y hệt và con cũng gọi nó là chiếc nhẫn Nữ hoàng.
- Một chiếc nhẫn quý như thế sao con không giữ lại làm kỉ niệm? Ông Hứa đã qua đời thì có đeo cũng chỉ mang chôn mà thôi.
- Dạ, lúc đó con cũng chẳng coi thứ đó là vật kỉ niệm. Con lại còn ghét cay ghét đắng của nợ đó là khác. Vì thứ đó mà con suýt bị nguy hiểm. Còn giá trị của nó thì chẳng đáng là bao. Bọn gián điệp dùng thứ vàng ngọc giả chỉ cốt để truyền tín hiệu thôi chứ chắc bán chẳng được bao nhiêu.
- Như Cái tẩu hình đâu lâu con mua có năm trăm đô-la. Nhưng thực ra có đáng giá hàng chục triệu!
- Trời ơi, sao kỳ lạ thế hả ba? Ba không nói chơi đấy chứ?
- Nhân danh là... bố chồng của con, ba nói nghiêm chỉnh đấy.
Mặt Jimi sáng lên vui mừng đến kinh ngạc:
- Xin ba giải thích cho con nghe, con không sao tưởng tượng nổi.
- Đúng vậy. Ba muốn nói là nhờ Cái tẩu, người ta có thể dễ dàng kiếm ra hàng chục triệu đô-la. Nhưng trong tay ba con mình thì có khi còn lỗ vốn so với cái giá năm trăm con mua!
- Ôi ba càng giải thích, con càng khó hiểu.
Bạch Kim cười.
- Chuyện của ba là truyện tình báo. Càng nghe càng thấy rắc rối. Nhưng giải thích sớm quá thì mất hay. Chính mẹ cũng ngạc nhiên nhưng ba còn khất để nghĩ nốt đoạn cuối, cho hợp lý.
Tôi hiểu là Bạch Kim chưa muốn cô con dâu biết vội nên đã can khéo. Jimi đành phải chuyển chủ đề:
- Ba nổi làm cho con thêm tiếc cái nhẫn. Chắc nó cũng phải gắn với nhiều chuyện ly kỳ. Biết thế con cứ giữ lấy nó làm kỷ niệm.
- Chuyện cái nhẫn thì chính con đã biết một nửa rồi. Nếu chưa bị chôn có thể nó sẽ viết thêm nhiều chương ly kỳ nữa. Quang Trung từ đầu chỉ ngồi im lặng nghe, giờ mới phát biểu.
- Nếu quả chiếc nhẫn Nữ hoàng Morabac có giá trị lớn như vậy thì ta thu lại để cho câu chuyện có phần cuối!
- Chôn hàng năm gỉ ngoèn rồi còn gì? - Bạch Kim nói.
- Thứ đó trăm năm cũng chưa hỏng, bằng vàng bằng ngọc, cả má ạ.
- Jimi ạ, anh nghĩ lần này về Hồng Kông, ta nên thu lại chiếc nhẫn đó.
- Nhưng bằng cách nào?
- Chúng ta đề nghị làm lễ cải táng cho ông ngoại.
- Nhưng phong tục bên đó liệu có chuyện cải táng không. Nếu các con nêu ra, họ hàng phản đối thì sao?
- Không ngại điều đó ba ạ - Jimi nói - Ngoại con cũng sống ở Việt Nam gần hết đời người. Con sẽ lấy đạo lý người Việt ra để thuyết phục. Con sẽ xây mộ cho ông luôn thể. Không ai phải làm cũng chẳng phải bỏ tiền, chắc họ không ngăn cản đâu.
- Tuỳ các con định liệu thôi. Nhưng nếu thu hồi được thì cứ nên làm.
Quang Trung và Jimi đã bay đi Hồng Kông để tổ chức lễ giỗ hết tang ông Hứa Vĩnh Thanh. Cuộc tụ tập gia đình không được đông đủ lắm, vì con cái ông Thanh phân tán nhiều nơi, nhiều nước. Có người quên cả ngày giỗ. Tuy nhiên những người ở Hồng Kông thì đều có mặt. Sau khi cúng bái tiệc tùng cỗ bàn như kiểu Việt Nam, Jimi mới đưa ra đề nghị tiến hành cải táng, xây bia mộ. Cô sẽ chủ trì và chi phí các khoản. Các bà trẻ cũng như các cậu, các dì không ai phản đối. Công việc kiến tạo lăng tẩm làm rạng rỡ tổ tông thì có gì phải can ngăn. Cô cháu gái đã tự nguyện bỏ ra hàng ngàn đô-la để làm việc hiếu thì nên khuyến khích cháu.
Khi Jimi và Quang Trung đến Bạch Cốt Điếm đặt vấn đề với Ban quản trị nghĩa trang thì họ mở ngay sổ sách ra tra cứu xác định vị trí ngôi mộ sơ táng của ông Hứa Vĩnh Thanh. Họ nhận làm. Còn công xây mộ mới thì vẫn giữ nguyên như giá các thiết kế mà thân chủ lựa chọn. Jimi chấp nhận ngay. Trong khi thảo luận, người thường trực nghĩa trang còn kể cho đôi bạn trẻ nghe một chuyện bi thảm. Cũng vào thời kỳ này năm ngoái, sau khi chôn cất ông Hứa được một tuần thì người phu đào huyệt Quách Đại Nhĩ đã bị kẻ nào giết rồi buộc đá ngang lưng quăng xuống sông Thẩm Giang. Dân chài kéo lưới đụng phải lôi lên được. Vụ án đến nay vẫn bỏ ngỏ hồ sơ, thủ phạm biến trong vòng bí mật.
...
Quang Trung mua sẵn đôi găng tay phẫu thuật và cái mạng che miệng. Cậu đứng cạnh huyệt theo dõi hai người phu đào bới. Khi chạm nắp áo quan tài, Quang Trung yêu cầu họ dọn thật sạch sẽ rồi mới cho bật nắp vì sợ đất cát rơi vào trong gây ô uế xương cốt người quá cố. Những người phu đã làm đúng yêu cầu lông khi mở ván thiên thì những cái chốt hầu như không có. Nói cho đúng, nó đã bật ra từ bao giờ. Những người phu nhấc nắp lên nhẹ nhàng và chính họ cũng ngạc nhiên vì trường hợp đặc biệt chưa từng gặp này.
Thời gian ba năm cũng đủ cho xác chết tiêu hết thịt. Lớp vải vẫn giữ nếp và còn khá dai. Quang Trung trực tiếp đeo găng tay xuống bắt tay vào việc. Lại một hiện tượng đáng ngạc nhiên nửa: tấm vải liệm quấn ngoài cùng giữ đôi cánh tay ép vào tử thi bị cắt lung tung. Cậu bới thấy bàn tay trái xương còn đủ nhưng không có cái nhẫn. Cả tay phải cũng chẳng có gì. Quang Trung lần lượt thu cốt từ sọ đến chân, đếm đủ các bộ phận vào chiếc thùng nhựa để cho hai người phu đào huyệt đem ra vòi nước rửa. Cậu thu dọn đáy áo quan để tìm báu vật, nhưng chiếc nhẫn hoàn toàn biến mất. Chỉ có lớp nước dày chừng hai phân láng dưới đáy áo quan. Tuy có màu đen nhưng nước khá trong đủ nhìn thấy mọi thứ mùn cặn lắng bên dưới. Sau khi khẳng định không có sai sót nào trong chuyện tìm kiếm, Quang Trung mới leo lên bờ huyệt im lặng nhìn Jimi, lắc đầu, nhún vai rồi nói nhỏ bằng tiếng Việt:
- Có kẻ đã nhanh tay hơn ta.
- Ôi nếu biết thế, em chẳng đeo cho ông làm gì. Cứ giữ lại có phải đỡ vất vả cho anh không.
- Chính anh cũng không nghĩ ra chuyện đó. Nhưng thôi, quá khứ là bất biến mà! - Chàng trai triết lý - Đến bây giờ biết nó biến mất cũng đã là một chiến tích rồi.
Cuộc cải táng và xây cất lăng mộ hoàn tất. Đôi bạn trẻ bay về Cali với bao nhiêu giả thuyết nảy sinh trong đầu óc giàu tưởng tượng. Mọi phỏng đoán đều nghiêng về đám con cái nhà họ Hứa tham lam đã bí mật bật nắp quan tài moi mất cái nhẫn. Những giá trị thương mại của báu vật này không bằng nửa công thuê khai quật. Vậy thì người đánh cắp phải hiểu được "quyền uy" đích thực của cái nhẫn tín vật linh diệu này.
...
Nghe các con tường trình mọi chuyện trên, tôi giật mình và tiếc ngẩn. Mọi chuyện đều đã muộn, nhưng nếu biết được kẻ cắp lấy thì cũng có thể coi như vớt vát được phần nào tổn thất.
- Từ lúc con đeo nhẫn cho ông đến lúc liệm vào quan tài có những ai túc trực quanh linh cữu?
- Con đeo cho ngoại con khoảng lúc mười một giờ, mãi tới bốn giờ chiều mới liệm. Các cậu, các dì và hai bà trẻ thay nhau túc trực để đáp lễ khách viếng. Số này đông, con lại không quen biết nên chẳng thể nhớ nổi. Con tin là không thể bị mất trong khoảng thời gian đó vì mọi chứng cớ đều cho thấy có kẻ khai quật ngôi mộ để ăn cắp. Có thể họ lầm đây là chiến nhẫn kim cương cao giá.
- Ba cũng nghĩ rằng họ không dám tháo khi cử hành lễ viếng. Nhưng chắc chắn tên kẻ cắp phải có mặt trong khoảng thời gian từ lúc mười một giờ đến lúc nhập quan thì mới nhìn thấy cái nhẫn đeo ở tay ông chứ!
- Vâng đúng thế! - Jimi thừa nhận.
- Có tập ảnh tang lễ đấy ạ, may ra... - Quang Trung phát hiện.
- A đúng rồi, con mang cho ba xem nhé. Con cũng nhớ mặt một số người.
Nói rồi Jimi nhạy vội về phòng mình lấy tập album tang lễ sang. Hơn bảy chục tấm ảnh màu rất nét. Jimi chú mục vào những tấm ảnh viếng lúc chưa liệm. Cháu nhớ được khá nhiều tên bạn bè họ hàng quen thuộc của nhà họ Hứa. Tôi đặc biệt lưu ý đến diện mạo hai nhân vật Lee Chou Yan và Vương Phúc Đạt. Nhưng sao nói hai người này phản bội ông mà họ cũng đến viếng.
- Khi ngoại con mất rồi họ mới đến. Nói là họ phản bội nhưng ông chỉ nói với con thôi, chứ trong gia đình ai biết chuyện đó. Có thể họ cũng không tự nhận là phản bội hay chơi xấu với bè bạn. Họ đến chưa chắc vì thương ông mà muốn để nói với mọi người rằng họ trung thành với tình bạn, vì ngoài ông con ra, họ còn muốn giữ uy tín với nhiều người khác nữa chứ.
- Con suy luận chặt chẽ lắm - Tôi khen cháu - Nhưng con có biết tên người này không?
Tôi chỉ vào một khuôn mặt chụp chếch hơi mờ mà tôi nghi là Bảy Dĩ, Jimi xoay lại nhìn chăm chú rồi lắc đầu.
- Dạ con không quen người này.
Tôi mở lại tập album từ đầu xem kỹ từng bức ảnh và trong bức ảnh cả nhà xúm quanh ông Hứa Vĩnh Thanh lúc hấp hối có bộ mặt Lê Văn Dĩ. Như vậy tôi có thể ghi tên y vào danh sách những kẻ bị nghi ăn cắp nhẫn.
- Bữa nay ba đã có thể kể cho bọn con nghe phần hai câu chuyện ly kỳ về cái tẩu chưa ba? - Jimi vui vẻ gợi ý.
- Ba hứa với các con là ba sẽ kể nhưng chưa phải hôm nay, bởi lẽ còn vài đoạn ba chưa biết chính xác lắm. Jimi bằng lòng chứ!
- Dạ.
Một bữa ông Bùi Kiệm và tướng Thiết Vũ gặp tôi ở toà báo Chim Việt thông báo một tin thất thiệt: tướng Tùng lâm đã từ trần!
Tôi vô cùng xúc động. Một nỗi đau choán ngập trái tim. Tôi với anh đối lập về chính trị, kẻ thù về ý thức hệ, nhưng lại là đôi bạn thực sự. Tùng Lâm là một viên tướng ngụy rất đặc trưng. Xuất thân từ ngự lâm quân của cựu hoàng Bảo Đại, được đưa vào đội ngũ sĩ quan không qua trường đào tạo chính quy, anh phục vụ tiếp mấy đời Tổng thống Cộng hòa, từ Diệm đến Thiệu. Tùng Lâm sống vô tư, không dính líu đến cuộc đảo chính nào. Uýnh nhau bạt mạng và ăn chơi xả láng là phương châm sống của anh. Tùng Lâm tự coi mình là quân nhân chuyên nghiệp, lấy võ nghệ làm phương tiện kiếm sống. Vô chính trị nhưng có kỷ luật và biết chiến đấu. Tùng Lâm đống với bạn bè hết mình nhưng với gia đình thì quá vô tâm. Khi còn sống ở cương vị nào anh cũng giúp đỡ tôi nhiều, kể cả các hoạt động tình báo (tất nhiên là không hay biết). Anh là người cởi mở, chân thành và dù sao anh cũng ít nguy hiểm cho đất nước, cho riêng tôi hơn là bất cứ người nào thay vào cương vị ấy.
Nhân chuyện này, tôi đã đề nghị ông chủ bút cho tôi đến mật cứ Bê-ta để viếng mộ cố tri và viết một bài khóc người bạn xấu số và kiêu hùng này. Nhưng ông chủ bút có vẻ không ưng.
- Dù sao ông ta cũng mất rồi. Ta có thể ngồi đây mà viết một bài điếu thật bi ai chứ việc gì phải đi cho tốn phí.
- Thưa ông chủ bút, tờ báo của ta sở dĩ số lượng phát hành ngày càng giảm bởi lẽ nó không đáp ứng được yêu cầu thông tin của bạn đọc. Ngay những vấn đề riêng cộng đồng người Việt thôi, chúng ta cũng chậm hơn báo Mỹ... Chúng ta không chịu tung phóng viên đi tiếp cận đời sống. Anh em văn bút đều biến thành công chức cạo giấy, trích các bản tin thông tấn hoặc đưa lại những tin của báo khác. Chính vì thế mà chúng ta mất khách.
- Đây không phải là lỗi của ban trị sự. Ông nên nhớ rằng Chim Việt là cơ quan ngôn luận chính trị xã hội của Liên minh Việt kiều Hải ngoại. Vì trọng trách tuyên truyền nó phải được liên minh tài trợ thích đáng. Nhưng gần một năm nay Chim Việt gần như bị bỏ rơi. Ban lãnh đạo Liên minh phần bị tổn thất qua cuộc đổ bộ, phần bị phân tán, chia năm xẻ bảy mâu thuẫn sâu sắc về đường lối chung nên không ai nhòm ngó đến công cụ tuyên truyền công khai nữa. Những tay luận chiến đại tài, những nhà hùng biện siêu hạng đều đã nướng vào cuộc hành quân, tiềm nhập mất rồi. Vì vậy báo chí còn sống nhờ vào quảng cáo lăng nhăng, hết bò tái, gà tơ, lại vá màng trinh, nối dương vật, thuốc lậu. Đến nay quảng cáo cũng ít dần, ông bảo lấy tiền đâu cho phóng viên bay sang Đông Nam Á viết một bài ai điếu!
- Thưa ông, công chúng sẽ trả giá cho chúng ta. Dĩ nhiên là ta phải đi một bước trước để lấy lại lòng tin của độc giả.
Tướng Thiết Vũ xen vào như muốn dung hòa quan điểm:
- Đúng là thời gian này Liên minh đã gặp khủng hoảng về tài chính. Cụ Hoàng Cơ Bảo đã thuyết phục CIA tài trợ nhưng xem ra họ không còn coi Liên minh như "Con gà đẻ trứng vàng" nữa. Cụ cũng cử phái viên đi khắp năm châu để hâm lại nhiệt tình, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng. Nhưng tất cả mọi cố gắng đều chưa đem lại điều gì khích lệ. Báo Chim Việt muốn sống nổi thì phải thương mại hóa. Có thể phóng viên nhân chuyến du lịch mà viết những bài sinh động và chủ bút sẽ trả thù lao hậu hơn để đỡ cho anh em. ông Hoài Việt thử đi đầu trong phương hướng này xem sao?
- Đề xuất của tướng quân tôi thấy cũng có thể chấp nhận. Chủ bút cho tôi thời gian mười lăm ngày. Đổi lại, tôi sẽ có bài cho báo. Mọi phí tổn khác tôi chịu.
Luật sư Bùi Kiệm vui vẻ vỗ vai tôi:
- Ông thật là một người chịu chơi, dám xả thân vì sự nghiệp văn bút. Nhân chuyến đi ông có thể viết nhiều bài, chụp nhiều ảnh. Tòa soạn căn cứ vào thành quả mà linh hoạt tính nhuận bút cho ông khỏi thiệt nhiều.
- Cảm ơn ông.
Cuộc hành trình của tôi về Đông Nam Á được thực hiện. Qua Thaitourist, tôi mua vé và đặt phòng sẵn ở Khách sạn Pyramid. Đến nơi, tôi đi vãn cảnh nhiều nơi rồi bí mật bắt liên lạc với Tám. Đã mấy năm nay tôi "im lặng" nên cũng cần có báo cáo và xin chỉ thị của cấp trên.
Trong thời gian chờ điện, tôi đi Pandon rồi đến thẳng mật cứ Bê-ta. Mặc dù có thẻ phóng viên báo chí và giấy giới thiệu của chủ bút tờ Chim Việt, viên thường trực của trại, một công chức người địa phương, vẫn từ chối không cho tôi được gặp vị chủ mới của căn cứ.
- Xin lỗi ngài, từ sau khi tướng Tùng Lâm quá cố, trại Bê-ta đã đóng cửa hoàn toàn. Chưa có một quyết định chính thức nào về số phận căn cứ huấn luyện này. Nhiều nguồn tin có thẩm quyền nói rằng nó sẽ bị giải tán. Vì lý do ngoại giao tế nhị, chánh quyền sở tại không chấp nhận một vùng đất thánh cho bất cứ lân quốc nào.
- Thưa ông, là nhà báo tôi cất công đến đây chỉ cố viết một bài về thân thế tướng Tùng Lâm, người anh hùng, nhà ái quốc chiến đấu không biết mỏi cho tự do của Tổ Quốc mình, mong ông giúp đỡ tôi...
- Tôi hoàn toàn không thể giúp ông trong việc này - Viên thường trực muốn kết thúc cuộc nói chuyện nhanh chóng.
- Thật đáng tiếc... ông cho phép tôi đến thăm mộ người quá cố vậy.
- Tướng quân được an táng ở nghĩa địa Pandon cách đây ba ki-lô-mét. ông có thể đến đấy nhờ người coi nghĩa trang chỉ giúp.
- Nếu tôi được gặp một vài quân nhân người Việt ở trại này trước đây để họ hướng dẫn cho thì tốt quá.
- Thưa ông không thể. Những người đó được thuyên chuyển đi đâu tôi không biết.
Tôi thất vọng lạnh lùng chào viên thường trực rồi quay về Pandon tìm đến nghĩa địa viếng Tùng Lâm. Tôi đặt lên mộ anh bó hoa huệ và thắp một tuần hương để tâm hồn lang thang ngược dòng hoài niệm dừng lại những bến bờ thương nhớ...
Sáu mươi tuổi anh đã thành người thiên cô. Suốt một đời binh nghiệp, con người ấy vẫn không tìm ra sự nghiệp. Không một dấu ấn mạnh mẽ nào để lại cho hậu thế. Anh như một lữ khách tạt qua dương gian tìm nhưng khoái cảm trần tục rồi lặng lẽ ra đi. Ngay đến vợ con anh cũng chẳng đau đớn lắm. Hai bên đều quen sống tự do, không lệ thuộc vào nhau rồi. Bà vợ cứ đẻ, cứ nuôi con và đôi lần đến tận quân doanh cự nự, đánh ghen tùm lum trong chốc lát. Còn anh thỉnh thoảng qua nhà chằm bặp lũ trẻ ít phút như cơn gió thoảng rồi lại ra đi. Có lần anh để cho vợ ít tiền, nhưng đôi khi cũng phải vò đầu bứt tai xin vợ chút đỉnh. Chị rày la, kêu trời nhưng cũng chẳng tiếc chồng. Là người hay ghen và đoán biết những trận vung tiền qua cửa sổ, trăm ngàn đổ một trận cười với bọn đào non, nhưng chị cũng chẳng chịu để chồng trắng túi phải ghé nhờ đồng sự. Người đàn bà tần tảo ấy đã nuôi đủ một tá con, dựng vợ gả chồng mà hầu như không được sự giúp đỡ của chồng. Ngay khi phai sống bằng đồng tiền trợ cấp di tản nơi đất khách quê người, chị cũng không kêu đến sự giúp đỡ của anh. Tùng Lâm làm việc cho CIA huấn luyện quân biệt kích cũng có được đồng lương kha khá. Hai lần đi công cán về Mỹ ghé qua nhà, anh đưa cho vợ con được một ngàn đô-la. Khi hay tin anh mất, số tiền đó không đủ cho vợ cùng anh con trưởng và cô gái út mua vé máy bay đến làm lễ an táng. Chị gào thét trước xác chồng. Tưởng anh sung sướng lắm, ai ngờ cũng chỉ ăn ngủ trong một trại lính tồi tàn nơi xó rừng hẻo lánh. Tiền không, vàng bạc không, cổ phiếu hay tài khoản gửi ngân hàng cũng không. Di sản để lại chỉ là mấy bộ đồ lính sặc mùi xà bông rẻ tiền. Có lẽ cái lớn nhất là đống vỏ chai còn tích lại trong những bịch rượu quăng lỏng chỏng khát góc tủ, gầm giường, ngăn bàn, xó bếp... Anh đã mang đi tất cả những gì kiếm được nơi trần thế. May mà Warrens còn trả cho một khoản tiền tử tuất đủ để mai táng và mua vé máy bay cho vợ con đến thụ tang.
Nghĩa tử là nghĩa tận cũng chẳng còn gì để trách cứ con người bất hạnh đó. Thương anh, tôi ngả mũ trầm lặng trước ngôi mộ hiu quạnh nơi đất khách. Tôi cũng thấy ân hận vì ý nghĩ muốn bỏ mặc anh ở cương vị này để tiện cho công việc của mình. Là người thích tự do nhưng anh cũng dễ nghe lời bè bạn. Đặc biệt Tùng Lâm rất thân với tôi. Hồi trẻ, anh gọi tôi bằng thằng em. Khi đầu tóc cả hai đã bạc, anh gọi tôi là hiền đệ vừa thân tình vừa trang trọng. Nếu tôi sớm khuyên bảo, có lẽ anh đã chẳng phải chết mòn ở xó rừng hẻo lánh này.
...
Nằm ở cái khách sạn tồi tàn quen thuộc của người Hoa giữa thị trấn Pandon, tôi gọi điện thoại cho Tư hào.
- Alô! Hào đây, ai gọi tôi đấy?
- Chào anh Hào! Hoài Việt đây.
- Trời! Anh đang nằm ở đâu đấy Hoài Việt?
- Khách sạn Yanking ở Pandon. Tôi vừa đến viếng mộ anh Tùng Lâm. Chúng ta có thể gặp nhau được không?
- Sao lại không!
- Ở đâu?
- Tôi sẽ đón anh về đây. Chỗ tôi tiện hơn.
- Cảm ơn. Một giờ sau Hào đã phóng xe Jeep ra đón tôi về Hải cứ Gam-ma. Anh dành cho tôi một phòng khách rộng rãi có cửa sổ nhìn ra sông Si pa lộng gió.
Hào kể về cái chết của Tùng Lâm.
- Gần một năm nay, khí sắc của anh thay đổi hẳn. Nước da tái xám nhợt nhạt, mí mắt xệ xuống, thâm quầng, đờ đẫn.Tùng Lâm không còn giữ được phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát của một cựu bốc xơ nữa. Trò sắc dục giảm đi phần nào nhưng rượu lại dùng nhiều hơn. Đôi lần Warrens nhắc nhở có ý khiển trách, anh hứa sẽ không uống trong giờ hành chính để giữ gìn phong cách. Song số rượu không dùng ngày lại dồn vào ban đêm khiến cơ thể phải chịu một nồng độ cồn quá tải.
Tôi khuyên anh sớm từ bỏ công việc. Trở về với gia đình bên Texas, nhưng Tùng Lâm buồn rầu nói "Suốt đời tôi đã vô tình với vợ con, chẳng lẽ lúc tuổi già lại bắt họ phải cưu mang phụng dưỡng mình. Tôi tính còn làm được ngày nào cứ làm. Kiếm được đồng nào cứ xài cứ nhậu. Uống để chôn đi nỗi u buồn ân hận. Rượu là bạn khi còn sống cũng là bồ tiễn tôi về thế giới bên kia. Nói thực với chiến hữu, nhiều lúc tôi muốn tự sát bằng viên đạn, bằng trái nổ. Siêu thoát bằng rượu mới thực kỳ thú, mới đúng với nhưng mỹ từ "hạc giá thăng thiên", "vân du tiên cảnh" mà người đời thường dùng để tán tụng cái chết nhẹ nhàng thanh thản.
- Đâu có. Anh vẫn là người ham sống. Cũng không phải rượu giết anh. Hai tháng gần đây anh đau quặn ở ngực. Người ta đã phát hiện ra khối u ác giữa phổi không sao cứu chữa nổi. Anh im lặng chịu đựng nỗi đau, cá linh hồn lẫn thể xác. Đến phút chót mới tin cho vợ con hay.
- Thế là bốn kẻ lưu vong cùng hội cùng thuyền, nay chỉ còn ba. Lâu nay anh có gặp Bảy Dĩ không?
- Chúng tôi bặp nhau lần cuối cánh đây tám tháng rồi.
- Chúng ta đến thăm anh Dĩ đi! Nhân chuyến sang Đông Nam Á, tôi muốn có dịp thăm viếng chuyện trò với những người bạn cũ.
Ngần ngừ ít phút, Hào nói với tôi.
- Không gặp được anh Bảy đâu. Anh về Việt Nam rồi. Chuyện tuyệt mật xin anh giữ kín cho.
- Về Việt Nam? Ông định đón vợ chăng?
- Không đâu. Hoàn toàn là chuyện làm ăn thôi.
- Buôn bán chăng? Cũng có thể gọi là buôn bán - Hào cười - Giống như chuyến đi của anh trước đây, thu được đô-la mà!
- Tôi dấn thân vào chỗ hiểm nguy là vì nghĩa vụ với Tổ Quốc chứ đâu phải vì đô-la. Anh hiểu lầm tôi rồi đó anh Hào ạ.
- Xin lỗi! Nói chơi vậy thôi chứ ba ông chính khách chẳng bao giờ coi đồng tiền làm trọng. Lúc lào họ cũng hướng tới mục tiêu cao cả, lý tưởng vĩ đại là tự do, nhân quyền, quốc gia, dân tộc... Bọn tôi mới là những kẻ tham tiền, vì cuộc sống mà lao vào lửa.
Tôi hoàn toàn thông cảm những lời mỉa mai của Hào. Để san lấp bất đồng, tôi nắm chặt tay anh cười dàn hoà:
- Tôi không phải chính khách nhưng nghề làm báo đôi khi cũng kích thích tính phiêu lưu. Và tôi đã phải trả bằng cái giá suýt toi mạng. Còn anh cứ phải đi luôn như vậy cũng thật đáng lo. Cái chết có số cả. Như anh Tùng Lâm ngồi trong căn cứ thôi mà đâu thoát khỏi số mệnh.
- Bây giờ ai lên thay Tùng Lâm chỉ huy biệt cứ Bê-ta?
Tôi thăm dò.
- Một viên đô đốc hải quân về làm thủ lĩnh.
- Anh quen ông ta không?
- Lạ gì! Lưu Hoàng Minh trước đây là Tư lệnh hải đoàn Sáu lăm. Ông là bạn của anh Hai tôi. Họ đã cùng thụ huấn ở căn cứ Hải quân Charleston bên Hoa Kỳ.
- Anh có thể giới thiệu tôi với đô đốc được không? Báo Chim Việt giao cho tôi viết về những con người kiêu hùng của chúng ta. Tôi đã viết về Tùng Lâm. Tiện thể tôi cũng muốn viết về người kế vị của anh, đô đốc Lưu Hoàng Minh.
- Để tôi gọi điện cho ông ta trước. Nếu đô đốc vui lòng thì tôi đưa anh đến trại Bê-ta.
Hào phôn cho viên Tư lệnh biệt cứ. Sau ít phút do dự, cuối cùng nể tình chiến hữu, ông ta bằng lòng tiếp.
Sớm hôm sau, Trương Tấn Hào lấy xe đưa tôi đến gặp viên đô đốc. Người thường trực bữa trước nhận ra tôi với cái nhìn ác cảm. Tuy nhiên đã có lệnh thượng cấp nên ông ta phải nhanh chóng mở cửa cho xe chạy thẳng vào quân doanh. Lưu Hoàng Minh ra tận thềm đón chúng tôi.
Viên đô đốc tuổi ngoài năm mươi, tầm vóc cao lớn, nước da bánh mật, màu của biển khơi sóng gió. Cặp mắt sắc sảo, mũi gồ, râu rậm. Cặp môi dày, cái cằm chẻ giữa khiến cho vẻ mặt thêm kiên nghị, cực đoan.
- Xin trân trọng giới thiệu: Mc Gill tức Hoài Việt, phóng viên chính trị của tuần báo Chim Việt, cơ quan ngôn luận của Liên minh Việt kiều Hải ngoại. Còn đây là đô đốc Lưu Hoàng Minh, Tư lệnh biệt cứ Bê-ta.
- Rất hân hạnh.
Chúng tôi bắt tay nhau xong thì Lưu Hoàng Minh vỗ vai Trương Tấn Hào cải chính:
- Anh bạn tôi giới thiệu lầm rồi! Tôi không phải là Tư lệnh biệt cứ An-pha, Bê-ta nào hết. Chúng tôi, những người vong quốc, lưu đầy nơi hải ngoại đang tụ tập tại đây mưu cầu đại sự. Giữa tôi và tướng Tùng Lâm không có mối quan hệ đồng minh hay kế thừa nào.
- Xin lỗi đô đốc. Thực tình tôi chưa ý thức được tổ chức do ngài lãnh đạo nên đã có lầm lẫn đáng tiếc. Mong đô đốc miễn thứ cho.
- Không có gì quan trọng đâu. Đây là một lực lượng bí mật. Lúc này càng nhiều người hiểu sai về chúng tôi càng tốt. Tuy nhiên đối với nhà báo thì cần phải có ngôn từ chính xác.
- Cảm ơn đô đốc. Tôi muốn được biết mối liên hệ giữa lực lượng của ngài với Liên minh Việt kiều Hải ngoại?
- Chúng tôi là một tổ chức cứu quốc độc lập. Hoàn toàn không phải là một lực lượng dưới quyền hay đội phối thuộc. Tôi kính trọng Liên minh, tuy nhiên không đồng quan điểm với họ về chủ trương chiến lược, và chán ghét trò đánh võ mồm của ba ông chính khách xa-lông. Phương châm chúng tôi là hành động và đi tới chiến đấu để đi đến mục tiêu cuối cùng.
- Dù sao thì cả hai đều chung kẻ thù và cùng mục tiêu. Trong tình hình hiện nay thì cần phải đoàn kết thống nhất tất cả các lực lượng hải ngoại hỗ trợ cho phong trào nội địa.
- Chung kẻ thù, chung mục tiêu nhưng không thể chung hành động. Các vị ấy kêu than hò hét, còn chúng tôi thì chiến đấu. Chính quyền phải được đẻ ra từ miệng súng!
- Thưa đô đốc, ngài tôn thờ luận thuyết bạo lực.
- Đấy là luận thuyết của nhà tư tưởng họ Mao. Muốn xây dựng được cơ đồ, ta phải biết học cái hay của kẻ thù.
- Liên minh đâu có chủ chương bất bạo động. Họ chi viện cho phiến quân quốc nội. Ho tổ chức những đội commando để tung vào cuộc chiến. Trại Bê-ta này chính là căn cứ của Liên minh. Còn tướng Tùng Lâm được bổ nhiệm chức Tổng tham mưu trưởng của nghĩa quân trong cả nước!
- Hố hố hố! - Lưu Hoàng Minh cười chế nhạo - Tổng tham mưu trưởng của ba thằng biệt kích! Nhưng đâu phải là lực lượng của Liên minh! Thực chất đây là toán lính đánh thuê của CIA! Họ là công cụ của ngoại bang. Nếu họ lập lại chiến lược cũ thì hai triệu quân cũng sẽ thất bại chứ hy vọng gì ở ba tên biệt kích.
- Thưa đô đốc, tôi không thể hiểu được chiến lược tập hợp lực lượng của ngài ra sao?
- Quốc dân chờ đón chúng tôi, quân đi đến đâu dân chúng kéo theo đến đó."Ngọn lửa nhỏ đốt cháy cánh đồng".
- Lại một học thuyết mới.
- Nhưng ngọn lửa thì bao giờ cũng vẫn là ngọn lửa, không có chuyện cũ mới ở đây!
- Nhưng nghĩa quân trước mắt cũng phải dựa vào nguồn cung ứng nào chứ?
- Vào lòng hào hiệp của kiều bào hải ngoại, vào sự trợ giúp của các quốc gia tự do.
- Và chủ yếu vẫn là Hoa Kỳ? - Tôi hỏi tiếp.
- Dĩ nhiên siêu cường này vẫn giữ một vai trò chiến lược quan trọng cả ở hai bờ Thái Bình Dương. Nhưng chúng tôi hoàn toàn tự do trong hành động. Chúng tôi không nhận tiền bố thí của CIA.
- Thế thì làm sao nghĩa quân có được vũ khí tối tân.
- Có tiền chúng tôi sẽ mua được mọi thứ cần thiết - Và vẫn phải trông đợi ở nguồn tài trợ chủ yếu?
- Dĩ nhiên! Chúng tôi nhận công khai khoản viện trợ to lớn được Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn chi. Đây không phải chia sẻ để bảo vệ nền an ninh lâu dài của chính họ.
- Cảm ơn Đô Đốc đã giúp tôi hiểu rõ những tôn chỉ cao quý mà chiến hữu theo đuổi. Ngài có thể nói sơ quan sức mạnh của "đạo quân thánh chiến" dưới quyền chỉ huy của ngài để chúng tôi công bố cho công chúng vui mừng gây thanh thế chánh trị trong quốc nội cũng như quốc ngoại.
- Số lượng, chất lượng là những điều tuyệt mật không được công bố. Tuy nhiên tôi có thể tiết lộ với riêng ông: Chúng tôi có những tổng đoàn, chiến đoàn, liên đoàn đủ sức mở những cuộc hành quân chiến lược. Việc công bố thanh thế lúc này còn quá sớm. Chúng tôi cần tạo ra những ưu thế bất ngờ trong chiến thuật khiến kẻ địch mất khả năng đối phó.
- Tổng đoàn, chiến đoàn, liên đoàn liệu có tương đương với sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn theo biên chế truyền thống không?
- Đó là vấn đề tế nhị mà tôi không thể giải thích rõ hơn. Ông có thể lượng đoán theo quan điểm của mình.
Lưu Hoàng Minh nhún vai nhếch mép cười biểu lộ một niềm kiêu hãnh thầm kín về đạo quân của ông ta .
Viên đô đốc mời chúng tôi dùng bữa trưa. Trước khi ra về, tôi muốn xin chụp vài tấm ảnh về nghĩa quân nhưng ông ta từ chối. Tôi ngỏ lời muốn thỉnh thoảng được đến thăm căn cứ, ông ta bằng lòng.
Tôi trở về khách sạn Pyramid trên bờ sông Ménam.
Qua Tám, tôi đã nhận được điện của Trung tâm. Ông Đức có hoi: "Hứa Vĩnh Thanh chết thì cái nhẫn Hoàng hậu Morabac do Jimi đem về lưu lạc đi đâu?"
Tôi điện trả lời đúng như những gì đã xảy ra. Những thông tin qua cuộc phỏng vấn đô đốc Lưu Hoàng Minh, chuyện Bảy Dĩ trở về Việt Nam từ hơn nửa năm nay cũng được báo cáo đầy đủ.