Khoảng gần nửa đêm thì ông bố quyền thế của ‘cậu ấm’ xuất hiện, dáng vẻ bệ vệ, bụng phưỡn vượt mặt, mặt mũi âm u, đôi mắt ti hí xếch ngược nhìn dân làng như nhìn lũ sâu bọ, xích vàng to bằng hai ngón tay quấn quanh cổ, nhẫn ngọc xanh biếc đeo đủ cả mười đầu ngón tay. Có thể nói là nếu ‘cậu ấm’ bình yên trở về thì ba mươi năm nữa, chắc nó cũng có dáng vẻ y như thế này.
Đằng sau ông ta là một đám người mặc đồ đen, hẳn là vệ sĩ gì đó, bên cạnh là trưởng làng mặt mũi trắng bệch, cứ liên tục lau mồ hôi rồi cúi đầu khom lưng nói gì đó. Người đàn ông ấy quét đám dân quê một vòng, sau đó hất cằm với tay vệ sĩ hộ pháp đứng đằng sau.
Người đó lập tức tiến lên nói: “Giờ chúng tôi muốn vào núi tìm cậu chủ, cần người dẫn đường. Ai biết đường trên núi rõ nhất?”
Lặng như tờ.
Tay vệ sĩ nhíu mày rồi nói tiếp: “Tiền không phải là vấn đề. Chỉ cần chỉ đường cho chúng tôi là mấy người sẽ có tiền công, việc còn lại sẽ có người khác làm. Tiền không ít, muốn tới thành phố lớn mua nhà cũng không khó!”
Vẫn không ai mở miệng.
Trông đám người dữ tợn này có vẻ như sắp nổi cáu, trưởng làng vội vàng giải thích: “Không phải dân quê chúng tôi không muốn giúp, mà là chẳng ai biết đường trên núi cả.”
Cha ‘cậu ấm’ cười gằn: “Lão lừa ai thế hả? Cái làng này ở dưới chân núi đã mấy trăm năm, khéo trên núi có bao nhiêu thỏ, bao nhiêu gà các người cũng biết, thế mà bây giờ lại dám nói là không rõ đường trên núi?”
Nói rồi ông ném điếu xì gà trên tay xuống đất, đế giày da bóng loáng nghiền nát đầu lọc: “Để tôi nói cho lão biết nhé, con tôi mà có làm sao, cái làng rách này không yên đâu.”
Trưởng làng cúi người như sắp quỳ xuống đất tới nơi: “Tôi nào dám lừa ngài. Nhưng dân nơi này thật sự không biết đường, bao đời nay chúng tôi có ai dám lên núi bao giờ đâu?”
“Hửm?”
“Thật đấy.” Trưởng làng vội vàng nói, giọng nghe như sắp khóc: “Núi Ông Hoàng là núi thiêng, trên núi có Sơn Thần. Thần không cho người phàm lên núi, dân chốn này xưa nay chỉ dám cắt cỏ sau dãy hòe, không ai dám vượt qua một bước cả. Những kẻ dám lên núi đều chết ở trên đó cả, ai xuống được thì cũng điên dại rồi chết sớm mà thôi.”
Cha ‘cậu ấm’ quắc mắt lên rồi nhìn sang đám tay chân: “Bao giờ bọn họ tới?”
Gã vệ sĩ chưa kịp đáp lời thì tiếng động cơ ô tô đã vang lên, đèn pha chiếu sáng rực khiến mọi người ở đây đều nhăn tít mặt lại. Có tới bảy, tám chiếc ô tô dừng lại trước đám đông, từ trên xe đi xuống hàng chục người mặc đồ bó, đeo dây thừng, mũ bảo hiểm, hẳn là đội cứu hộ chuyên nghiệp.
Một người đàn ông lực lưỡng đi tới, cả hai thì thầm gì đó. Chỉ nghe cha ‘cậu ấm’ cao giọng: “Trò mê tín đó mà các anh cũng sợ? Thế mà cũng dám nói mình là dân chuyên?”
“Là dân chuyên nên chúng tôi mới càng phải cẩn thận! Ông có biết chúng tôi đã đi bao nhiêu nơi? Gặp bao nhiêu chuyện không giải thích nổi chưa?” Người đàn ông kia cũng không vừa, đốp chát lại ngay.
“Tôi trả gấp ba! Chỉ cần mang được con tôi xuống!”
“Họ nói vậy hẳn là cũng có lí do.”
“Gấp năm!”
“Không phải chuyện tiền…”
“Gấp mười!”
“Nhưng…”
“Tôi đi!” Có người kêu.
“Thằng Sẹo!” Trưởng làng quát: “Mày nói nhảm cái gì đấy?”
Mọi người tách ra, để lộ một người nhỏ thó, tóc tai bù xù, đang nhếch miệng khoe hàm răng vàng khè cái còn cái mất. Người vừa lên tiếng là gã du thủ du thực nổi tiếng trong làng, tên thật là gì không rõ, chỉ biết trên mặt hắn có vết sẹo đen xì kéo dài từ thái dương xuống tận khóe miệng - ‘huy chương’ cũ từ một lần ẩu đả thời niên thiếu - nên mọi người đều gọi hắn là Sẹo. Hắn cả ngày không làm ăn gì, nhà này xin đểu bát cơm, nhà kia ăn trộm cái đùi gà, vậy mà cũng sống tới hơn ba mươi tuổi. Người duy nhất có thể làm Sẹo dè chừng là trưởng làng.
Bị quát, Sẹo hơi rúm người lại một chút: “Ông ba, không phải con muốn thế, nhưng ông nghe họ nói kìa, mười lần tiền công, có thể mua nhà ở thành phố! Cả đời con chưa thấy nhiều tiền thế bao giờ, có chỗ vốn này là cả đời không lo ăn uống nữa rồi.”
Ông cụ tức đến mặt đỏ phừng phừng, tay chỉ vào hắn run một hồi mà không nói ra lời. Bên kia cũng đã thỏa thuận xong, cả hai đều nhìn chằm chằm trưởng làng. Cuối cùng trưởng làng ‘hừ!’ một tiếng, xua tay ra hiệu đồng ý.
Một giờ sáng, đoàn người kéo nhau lên núi, đèn chiếu sáng rực cả một góc trời, trông núi Ông Hoàng cũng không còn âm u đáng sợ như lúc trước nữa. Có điều khi người đi cuối cùng trong đoàn lên tới giữa sườn núi thì sương trắng cũng bắt đầu dày lên.
Người trong làng không về nhà, không hiểu sao tất cả vẫn thấy bồn chồn lo sợ, đoàn cứu hộ lên núi càng lâu thì cảm giác đó lại càng đậm. Đến khoảng bốn, năm giờ sáng gì đó thì những người còn lại của đội cứu hộ cũng bắt đầu thấy bất an. Tuy núi Ông Hoàng rất đồ sộ, nhưng ‘cậu ấm’ không thể đi xa được, sao mấy tiếng rồi mà chưa thấy ai xuống núi?
Đúng lúc đội dự bị sắp lên núi thì ai đó hô một câu: “Kia rồi!”