Tấm màn nhung từ từ mở ra. Đó là một đêm trước ngày tiếp nhận tân binh vào năm 1977. Buổi lễ được cử hành tại hội trường lớn của trung tâm quân dự bị.
Tôi và Tiền Anh Hào đang ở trong phòng hóa trang phía sau sân khấu, trong tim đứa nào cũng có một con thỏ, nhảy loạn lên. Lúc ấy, trung tâm quân dự bị có một đội văn nghệ mang danh là nghiệp dư nhưng hoạt động như một đoàn chuyên nghiệp của anh em chiến sĩ, luôn luôn biểu diễn trong những dịp lễ tết, tiết mục biểu diễn có rất nhiều chủng loại: đơn ca, múa, đối đáp, kể chuyện sách theo lối Sơn Đông, trích đoạn các vở kịch... Đội văn nghệ có một nữ chiến sĩ dẫn chương trình, dáng người cao ráo, lỗ mũi to, cái miệng cũng to chẳng kém. Lần đầu tiên chúng tôi trông thấy cô ta là tại sân khấu hội trường trung tâm dự bị, lúc ấy chúng tôi mới nhập ngũ nửa tháng. Ở tiểu đoàn tân binh, chúng tôi ngủ trong những ổ rơm, lạnh đến nỗi nước mũi xanh chảy cả ra ngoài, cho nên vừa bước vào cái hội trường ấm áp, chúng tôi cảm thấy như được bước vào cổng thiên đường. Khi cô gái dẫn chường trình mũi to, miệng rộng, trang điểm sực nức mùi phấn son này vén chiếc màn nhung bước ra, chúng tôi cảm tưởng đó là một tiên nữ giáng phàm, trong lòng nghĩ nếu kiếm được một cô gái thế này làm vợ thì cũng bõ một dời, có chết cũng chẳng ân hận gì. Những bóng đèn cực mạnh từ khi sinh ra đến bây giờ chưa được nhìn thấy đang chiếu thẳng vào thân hình cô ta. Cô ta mặc một bộ quân phục sáng lấp lánh, mang đôi giày da đen cũng sáng lấp lánh, nếp quần quân phục sắc như dao, khuôn ngực đầy đặn, cao vút. Sau này khi chúng tôi ngồi bình phẩm về cô ấy, Tiền Anh Hào có vẻ hiểu biết nói: Các cậu chỉ nhìn bề ngoài thôi. Đó là đồ giả! Tớ đã có dịp trông thấy cái ấy. Hai cái chóp to đùng, thêm cả cân bông độn vào bên trong, sao lại không cao được nhỉ? Cô ta cao như một cuống sen, đôi môi đỏ đến độ phát sáng, sống mũi trắng và cao, đôi mắt đen và sâu hun hút, trán cũng rất trắng. Đặc biệt nhất là mái tóc đen được chải cao, bồng bềnh mà không rối, sáng đến lóa mắt, không biết được xịt không biết bao nhiêu là dầu hoa quế - Lại bị vẻ bề ngoài làm cho mê muội rồi - Tiền Anh Hào phê bình chúng tôi. Đó là dầu bôi tóc giả mùi hoa quế! Loại dầu này có hiệu là Miên Thạch, do Thượng Hải sản xuất được đóng trong hộp, một đồng hai hào một hộp. Còn dầu hoa quế à? Các cậu cho cô ta là vợ bé của địa chủ à, vợ bé của địa chủ mới có dầu hoa quế để dùng - Cái cậu này cái gì củng biết, làm như cậu ta là người chuyên nghiệp trang điểm cho cô dẫn chương trình không bằng. May mà chúng tôi chẳng biết gì cả nên cậu ta mới có dịp ba hoa đúng chỗ - Cô ta ôm một bó hoa tươi xanh đỏ trắng vàng trước ngực - nói tóm lại là rất rực rỡ thích mắt. Những bông hoa này tươi rói như vừa được ngắt trên cành xuống - Lại là Tiền Anh Hào cho biết: Đó là hoa giả, bằng nhựa! Khi cô ta ôm hoa xuất hiện trước tâm màn nhung to tướng, tân binh ở dưới hội trường như ong vỡ tổ, ban đầu là huýt sáo và la ó, một cán bộ lãnh đạo đứng ở bậc lên xuống gào to: Không được la ó, không được huýt sáo, chỉ được vỗ tay. Thế là cả hội trường ngậm miệng và tiếng vỗ tay vang lên rào rào, như điên như dại, vỗ tay đến độ rát bỏng lòng bàn tay, đau buốt cả ngón tay - Tiền Anh Hào chê rằng, cách vỗ tay của chúng tôi là không đúng, vừa mất sức, vừa đau tay nhưng lại không vang. Cậu ta bảo rằng, hai lòng bàn lay phải khum lại, không được vỗ hai bàn tay song song vào hhau mà phải vỗ bắt chéo thành hình chữ thập, như thế giữa hai lòng bàn tay mới có một khoảng không gian, do vậy tiếng vỗ sẽ rất to mà cũng chẳng đau gì cả. Tôi đưa tay lên làm thử, quả nhiên lời cậu ta thật chính xác. Cậu ta đắc ý nói: Phục lăn chưa? Tôi nói: Phục thì có phục, có điều khi cô ta xuất hiện, toàn thân tớ đã phát cuồng lên, còn bày đặt chú ý về cách vỗ tay. Cậu ta bảo: Loại người như cậu chẳng làm được việc gì lớn lao. Tôi hỏi vì sao. Cậu ta nói người làm việc lớn thì bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải bình tĩnh, phải có cái đầu lạnh. Cho dù chẳng có mấy tân binh học tập cách vỗ tay của Tiền Anh Hào nhưng rồi tiếng vỗ tay dần dần đồng đều lại, trở thành từng loạt như những đợt sóng, thiếu điều làm tốc mái hội trường. Cô ta nhất định rất đắc ý, bởi tôi thấy cô ta hướng về phía chúng tôi, đôi hàm răng trắng lấp lóa và hai bên mép có hai cái rãnh rất sâu. Cô ta đang cười. Cô ta không vừa lòng sao được khi ở phía dưới có bao nhiêu chàng trai đang vỗ tay vì mình? Tiếng vỗ tay cuối cùng rồi cũng dừng lại, cô ta đi những bước nhẹ nhàng đến vị trí của chiếc micro đặt trước tấm màn nhung, lại nở nụ cười thật mê hoặc, rồi hàm răng ngọc ngà của cô ta lấp lóa dưới vành môi mọng, một âm thanh êm dịu như nước suối róc rách tuôn ra:
- Các đồng chí thủ trưởng kính mến, các đồng chí chiến sĩ thân yêu! Xin chào!
Lại một cơn sóng vỗ tay rào rào, sao mà giống với cách miêu tả trong báo:
"Tiếng vỗ tay như gió gào mưa trút". Lần này thì tôi đã thay dổi thói quen rất nông dân của mình, chỉ vỗ tay mà không gào thét nữa. Cô ta lại nói:
- Thay mặt cho đội văn nghệ trung tâm quân dự bị, tôi kính chúc các đồng chí sức khỏe!
Nói đến đoạn "chúc các đồng chí sức khỏe", giọng của cô ta đột nhiên cao vút lên như một tòa lầu thật cao, như một đợt sóng dâng lên trên mặt sông êm đềm, lại như lửa sắp tàn được đổ thêm dầu khiến cho ngọn lửa nhiệt tình của tất cả tân binh chúng tôi được kích động, hừng hực, nóng hổi. Thế thì còn phải do dự điều gì, còn gì phải suy nghĩ đắn đo. Vỗ tay lên, các đồng chí ơi! Cô ta nói tiếp:
- Các chiến sĩ mới! Các đồng chí vứt cày vứt cuốc để tham gia vào giải phóng quân, mặc quân phục xanh, đến với đội ngũ cách mạng, cầm lấy cây súng cách mạng, hai bên vai các đồng chí là quân hàm màu đỏ, mũ các đồng chí đội sao vàng rực rỡ. Tôi thay mặt anh em trong đội văn nghệ trân trọng kính chào các đồng chí!
Hai tay đang bận ôm hoa tươi, cô ta chẳng có cách gì để đưa tay chào theo kiểu quân đội. Chúng tôi rất thông cảm cho cô ta ở điểm này, lại vỗ tay.
Cô ta tiếp lời:
- Đêm văn nghệ chào mừng chiến sĩ mới bắt đầu. Tiết mục hợp xướng "Tôi là chiến sĩ" sẽ mở đầu cho đêm văn nghệ hôm nay.
Tất cả các tiết mục đã được chuẩn bị và biểu diễn vì những tân binh chúng tôi. Làm chiến sĩ thì quá tốt, đời chiến sĩ quá nhiều ỷ nghĩa. Cô ta ôm bó hoa trong lòng, rút lui vào trong cánh gà. Bó hoa này vôn là để tặng cho chúng tôi, nhưng hoa ít người nhiều, ai có ai không, phân phối không đều là có lỗi với tân binh, do vậy mà cô ta ôm hoa trở vào. Chúng tôi đều hiểu chuyện này, lại vỗ tay. Sau đó thì tấm màn nhung được mở rộng hết cỡ, tiếng quân lệnh hô vang, những bài ca chiến đấu hào hùng vang vọng. Có tiết mục hay tiết mục dở nhưng thực ra hay dở nào có quan hệ gì, bởi tim tôi đã bị cột chặt vào cô gái dẫn chương trình rồi. Chỉ sau đó một năm rưỡi, tôi và Tiền Anh Hào được mời một cách đặc biệt tham dự vào đội văn nghệ nghiệp dư, cùng bước lên sàn diễn với cô ta.
Lúc này chúng tôi đã biết tên cô ta là Ngưu Lệ Phương, nhập ngũ năm bảy ba, đầu tiên là làm hộ lý tại trạm xá trung tâm dự bị, nhưng vì hát hay và múa giỏi nên được tuyển vào đội văn nghệ nghiệp dư, ban đầu là tham gia đội múa nhưng sau đó thì bị vẹo chân nên biến thành người dẫn chương trình. Tôi và Tiền Anh Hào đã từng biểu diễn nhiều lần, tâm lý biểu diễn thật thoải mái, trên sân khấu chiến sĩ diễn, dưới sân khấu chiến sĩ xem.
Nhưng lần này thì không được, vì diễn viên đều là chuyên nghiệp (trừ tôi và Tiền Anh Hào), ở dưới sân khấu là chiến sĩ nhưng lại có cả cán bộ chủ chốt của địa phương, chúng tôi mà không lo lắng mới là chuyện lạ. Thằng tôi có một cái tật quái lạ là, chỉ cần thoáng lo lắng trong lòng là buồn ỉa, nhưng khi ra đến nhà vệ sinh thì lại chẳng còn; vừa quay lại sân khấu thì lại buồn ỉa, đi ra đi vào, khổ không chịu nổi. Lãnh đạo đội văn nghệ động viên: Đừng lo lắng quá, cứ làm giống như mình đang ở huyện Hoàng, thoải mái vào! Lời nói ra thì dễ, nhưng để tôi thoải mái thực sự thì lại là một chuyện khác. Tiền Anh Hào nổi cáu, đạp một cái thật mạnh vào đùi tôi. Ái da! Mẹ ơi! Đau quá! Đau đến độ tôi ngã quỵ xuống đất (sau này mới phát hiện đùi tôi có một vết bầm to tướng), nước mắt tôi trào ra. Nói ra có vẻ kỳ lạ, cái đạp của Tiền Anh Hào lại chữa được cái bệnh có vẻ bất trị của tôi. Hình như tôi đã cảm thấy đỡ lo lắng hơn, tim đập cũng đúng nhịp hơn, không cần phải đứng ngồi không yên mà phải lê đôi chân như bị trói đi đi lại lại nữa. Chỉ còn duy nhất một chút đau âm ỉ ở đùi phải sau cú đạp của Tiền Anh Hào. Tôi bình tĩnh ngồi xuống, chú tâm xem động tĩnh trên sân khấu.
Tiếng vỗ tay đã dứt, buổi biểu diễn bắt đầu. Âm thanh chát chúa từ trên sân khấu bị những bức tường của hội trường chặn lại nên khi dội vào phòng hóa trang đã biến thành những âm thanh dịu nhẹ, tôi cảm giác như mình đang chìm sâu dưới đáy sông mà nghe những âm thanh ở trên bờ. Đúng lúc ấy con người mà tôi ái mộ - chính là cô dẫn chương trình Ngưu Lệ Phương - tay ôm hoa tươi đi vào phòng hóa trang. Tôi và Tiền Anh Hào được điều động lên đội văn nghệ chưa đầy hai tuần nhưng đã mấy lần gặp Ngưu Lệ Phương không hề hóa trang. Lúc ấy mặt cô ta trắng bệch, vành môi nứt nẻ, đôi mắt vô hồn, lông mi thưa và cụt lủn, tóc tuy đen nhưng khô khốc và rối bù. Lúc mới gặp, tôi không hề nghĩ đó là cô ta. Đó là một ngày chủ nhật, cô ta đang mặc một chiếc áo bông quân dụng, những đường chỉ may lồi cả ra ngoài, mang đôi dép nhựa lẹt xẹt, tay cắp chiếc chậu rửa mặt, trong đó chất đầy xà phòng thơm, dầu gội đầu, mái tóc ướt sũng có kẹp một chiếc lược nhựa màu hồng phấn đi từ nhà tắm ra. Tiền Anh Hào giật tay tôi thì thầm:
- Cô dẫn chương trình kia kìa!
Tôi chăm chú nhìn cô ta, nói:
- Không giống! Sao lại có bộ dạng như thế này?
- Nếu không phải là cô ta, tớ tự nguyện móc con ngươi của mắt mình đưa cho cậu để làm đồ chơi - Tiền Anh Hào khẳng định.
Tôi lại liếc nhìn cô ta, nói:
- Cũng có chút giống mơ hồ nào đó!
- Đừng quan tâm chỗ khác, chỉ cần nhìn vào miệng cô ta. Tớ dám cá là toàn thể nữ chiến sĩ trong trại này, miệng cô ta rộng nhất.
Khi tôi chăm chú nhìn vào miệng cô ta theo lời Tiền Anh Hào, tôi lại gặp phải đôi mắt đầy độc ác của cô ta khiến tôi rụt cổ lại, thu hồi ánh mắt, nghè cô ta cất tiếng chửi từ phía sau lưng:
- Đồ lưu manh!
Câu chửi của cô ta khiến tôi xấu hổ vô cùng, bởi đột nhiên tôi thấy rằng, khi không phấn son lòe loẹt, cô ta càng khiến tôi mê muội, mà cái làm tôi mê muội nhất là cái miệng quá cỡ của cô ta.
Bó hoa mà cô ta ôm lên sân khấu vẫn là bó hoa mà cô ta đã ôm tặng chúng tôi cách đó một năm. Cô ta đang vất nó trên bàn, ngay trước mặt tôi. Tôi chăm chú nhìn lớp bụi đọng trên những cánh hoa và nhận ra rằng, đó là một bó hoa nhựa. Kinh nghiệm của Tiền Anh Hào quả là đáng nể. Không dằn lòng được, tôi quay lại nhìn Ngưu Lệ Phương, nhưng cô ta quay ngoắt đi, nửa mặt hướng về phía chúng tôi. Mặt cô ta đầy phấn sáp đỏ rực, da ở vành tai và dưới cổ lại nhợt nhạt, vàng vọt. Sự tương phản quá rõ ràng này khiến lòng tôi không vui. Cô ta cầm chiếc cốc nhựa màu xanh trên bàn đưa lên miệng và nhẹ nhàng uống một ngụm nước. Trong chiếc cốc có hai vật gì đó đang động đậy, Tiền Anh Hào nói là một loại thuốc đông y trị chứng khan giọng, uống nước xong, cô ta cầm một vật màu đỏ hồng lên, nhìn vào gương và tô lại đôi môi. Đầu lưỡi cô ta vàng vàng, dưới cằm có nhiều hạt lấm tấm nổi cộm lên sau lớp phấn dày cộp. Nàng tiên trong lòng tôi cách đây một năm rưỡi lúc này chỉ cách tôi trong gang tấc, tôi đã nhìn thấy tất cả những gì mà người xem ở dưới sân khấu vĩnh viễn không thể xem được. Tiền Anh Hào lại rất vô tình, hỏi cô ta:
- Chị Ngưu! Tiết mục của chúng tôi diễn vào lúc nào?
Cô ta lè lưỡi liếm môi, liếc xéo nhìn tôi, lạnh lùng:
- Không phải là trên tờ chương trình đã in rồi à?
Nói xong cô ta chun mũi cau này và nhìn chúng tôi bằng đôi mắt lạnh đến trắng toát rồi bước ra khỏi phòng hóa trang.
Trong tờ chương trình chúng tôi đọc thấy:
... Tiểu phẩm hài: Ăn đậu.
Người biểu diễn: Tiền Anh Hào, Triệu Kim (Chiến sĩ trung tâm dự bị huyện Hoàng).
Nói thực lòng chúng tôi chẳng phải anh hùng, cũng chẳng phải đẹp đẽ cao sang gì, có nằm mơ cũng không thể nghĩ là mình sẽ là diễn viên trên sân khấu rực rỡ này, cho dù chỉ là diễn viên tạm thời được điều động như một sự cho mượn. Chuyện này diễn ra một cách ngẫu nhiên: Mùa xuân năm bảy bảy, e rằng chiến sĩ nhớ nhà, tiểu đoàn tổ chức một buổi liên hoan văn nghệ. Chính trị viên nói: "Bè lũ bốn tên" đã bị đạp đổ, năm nay tư tưởng của chúng ta đã được cởi mở, chẳng phải diễn những tiết mục như "Đánh trống chuyển hoa" hay "Tụng thơ" nữa. Mọi người hãy chủ động sáng tạo, sáng tác những tiết mục mới, chỉ cần có nội dung tốt là được. Tiết mục hay nhất sẽ đưa lên hội diễn sư đoàn, sẽ diễn ở hội trường, đặc biệt là sẽ có dịp trổ tài trước tân binh. Có bản lĩnh mà không thể hiện lúc này e rằng sẽ không còn cơ hội nữa đâu.
Sau khi nghe chính trị viên huấn thị, Tiền Anh Hào đến tìm tôi, nói:
- Triệu Kim, chúng ta tham gia một tiết mục đi!
- Cậu chớ bị kích động quá thế. Như tớ đây, cậu hiểu quá rõ, chỉ cần nhìn thấy người lạ là mặt tớ đỏ tía, bây giờ bắt tớ biểu diễn, có khác nào cậu muốn giết tớ - Tôi chẳng mặn mà lắm, nói.
- Tiết mục này của tớ dễ diễn lắm, không cần cậu nói câu nào cả. Chỉ cần cậu lên sân khấu, há miệng ra chờ đợi là được - Tiền Anh Hào nói với một vẻ láu lỉnh quỷ quyệt.
- Thế mà gọi là biểu diễn à? - Tôi nghi ngờ.
Tiền Anh Hào cười nói:
- Cậu chưa hiểu được đâu. À, cậu còn nhớ lão Trương Lục không?
- Đương nhiên là nhớ, - Tôi nói - Tớ đã từng cắt cỏ cùng với lão.
- Ăn đậu do lão ta rang chưa? - Tiền Anh Hào rất nghiêm trang hỏi.