Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 34: Ra ngoài

Trước Sau

break
Hai ngày sau, thuyền khởi hành theo kế hoạch.

Phó Nguyệt áp dụng biện pháp Phó Quế dạy, đi tìm Phó tứ lão gia làm nũng.

Con gái lớn từ trước đến nay ít nói, chẳng mấy khi xin cha cái gì nên Phó tứ lão gia cũng không nỡ từ chối, quyết định không chỉ Phó Nguyệt và Phó Quế được theo ông tới phủ Võ Xương ngay cả Phó Vân Khải và Phó Vân Thái vốn đang bị phạt sau lần gây họa hôm trước cũng được phép đi.

Hai tên nhóc mừng phát điên, vừa nghe được tin này đã vội vàng thúc giục nha hoàn chuẩn bị đồ đạc.

Cứ như thể vừa uống thuốc tiên, Phó Vân Khải khỏi bệnh ngay lập tức.

Đại Ngô thị và Lư thị cũng đoán ra hắn giả bệnh nhưng cũng không vạch trần, chỉ nhắc nhở ma ma nhớ mang theo thuốc mỡ để bôi thêm cho hắn.

Ngày xuất phát, thời tiết đẹp, sau khi ăn sáng và chào từ biệt người nhà xong, Phó tứ lão gia dẫn các con các cháu lên thuyền.

Phó Vân Chương đã tới từ trước, khi đó đang ngồi sau bàn trong khoang thuyền đọc tập văn mẫu, nghe thấy tiếng cười nói vọng lại mới lên boong nói chuyện với Phó tứ lão gia.

Sau mấy câu chào hỏi và hỏi thăm sức khỏe, Phó Vân Chương ra lệnh xuất phát.

Phó gia lần này có một chiếc thuyền lớn, ba chiếc thuyền nhỡ, bốn chiếc thuyền nhỏ, tổng cộng tám chiếc thuyền cùng nhau thuận gió giương buồm, hướng về phía lòng sông rộng lớn, đi thẳng về phía bắc

Giờ đã là cuối hạ, hai bên bờ sông, lau sậy trải dài, có những khúc dài tới mười dặm không dứt. Xa xa là những dãy núi nhấp nhô, dáng hình núi đá hiện lên rõ ràng dưới ánh sáng mặt trời xán lạn, trông như một bức tranh thủy mặc cực lớn mà trong đó trời cao vạn dặm cũng chỉ là một mảnh giấy trắng.

Non xanh nước biếc, cảnh đẹp đến nao lòng.

Phó Nguyệt và Phó Quế nói cho cùng tuổi vẫn còn nhỏ, lần đầu tiên đi chơi xa mà không có Lư thị đi cùng nên cực kỳ kích động, nhìn cái gì cũng thấy thú vị, bám lấy Phó tứ lão gia hỏi han hết cái này đến cái khác.

Phó tứ lão gia gật đầu mỉm cười, kiên nhẫn kể cho hai người nghe về những chuyện ông từng tai nghe mắt thấy, bờ sông này, dãy núi kia, sơn cốc tĩnh mịch nọ, kể cho họ nghe về nguồn gốc tên gọi của châu chuyện, thôn trang, chùa chiền trên núi. Thi thoảng ông còn kể mấy câu chuyện cười vô thưởng vô phạt, Phó Nguyệt, Phó Quế và Phó Vân Khải, Phó Vân Thái đều bị lôi cuốn, tiếng cười vang lên không ngớt.

Phó Vân anh mới lành bệnh chưa lâu, Phó tứ lão gia lo nàng không chịu nổi đi lại vất vả, không cho nàng ở bên ngoài quá lâu, giục nàng vào khoang nghỉ ngơi.

Nàng vâng một tiếng rồi xoay người trở về khoang thuyền. Khi trước đi từ Cam Châu về Hồ Quảng mất cả mấy tháng, màn trời chiếu đất, đi lại mệt nhọc, dù là ngồi xe hay ngồi thuyền nàng cũng đã kinh qua cả.

Đối với Phương Tuế và Chu Viêm, đây lại là lần đầu tiên họ được đi một chiếc thuyền lớn như thế nên say sưa ngắm nhìn cảnh vật hai bên bờ sông. Tuy vậy, thấy nàng đứng dậy, hai nha hoàn vẫn không hề do dự, theo chân nàng xuống khoang thuyền.

đi ngang qua khoang của Phó Vân Chương, Phó Vân anh dừng bước, gõ cửa: "Nhị ca?"

Bên trong phát ra tiếng lạch cạch, Liên Xác mở cửa, tươi cười mời nàng và nha hoàn vào trong.

"Sao lại xuống đây thế này?"

Phó Vân Chương không ngẩng đầu lên, tay cầm bút, đang ghi chú bên lề tập văn mẫu, mỉm cười hỏi.

"Tứ thúc bảo muội vừa lành bệnh, không được bêu nắng."

Phó Vân anh đi tới bên cạnh bàn, bám vào cạnh bàn kiễng chân đọc chữ ghi trên tập văn mẫu, trên đó chắc chắn có tên và quê quán tác giả, hóa ra Phó Vân Chương đang đọc bài thi Đề đốc Học chính Diêu Văn Đạt từng viết năm ông ta đỗ Trạng nguyên.

Đề bài là "Quân tử hiền kì hiền nhi thân kì thân" trích trong đoạn: "Thi vân: "Ô hô, tiền vương bất vong." Quân tử hiền kì hiền nhi thân kì thân, tiểu nhân nhạc kì nhạc nhi lợi kì lợi. Thử dĩ nhất thế bất vong dã." trong sách "Đại Học". [1]

[1] Dịch nghĩa: Kinh thi nói "Hỡi ô! Những bậc vua đời trước, người ta không quên". Người quân tử ca ngợi các thánh vương đời trước tôn trọng những người hiền, yêu mến người thân của mình; kẻ tiểu nhân (cũng nhờ công đức của thánh vương đời trước) mà được vui hưởng niềm vui, được thụ hưởng điều lợi, vì thế người ta đời đời không quên. (Bản dịch nghĩa lấy từ sách Đại Học của dịch giả Phan Văn Các)

Đề bài loại văn giải đề này nhất thiết phải được trích từ Tứ thư Ngũ kinh.

Bởi vậy, khi học sinh làm loại văn này, khi giải thích cũng chỉ có thể căn cứ vào cách chú giải của Chu Hi hoặc các học giả theo trường phái lý học khác, không thể tự phát triển giải thích của bản thân. Hơn nữa, ngay cả đoạn đứng ở vị trí của bậc thánh nhân để giải thích cũng phải dùng ngôi thứ nhất.

Viết loại văn này cần tuân thủ nghiêm khắc cấu trúc của bài, đầu tiên là phần mở đầu, hay còn gọi là phá đề, thừa đề, khởi giảng.

Khởi đầu là phá đề, dùng hai ba câu giới thiệu và giải thích ý nghĩa của đề bài.

Tiếp theo đó là thừa đề, trong vòng ba câu phải thuyết minh, bổ sung, mở rộng ý nghĩa của đề bài.

Nguyên đề nêu rõ mục đích của đề bài.

Sau đó là một đoạn khởi giảng, bắt đầu đi vào trình bày và phân tích đề mục, đưa ra những góc nhìn và chú giải của tiền nhân về vấn đề này, từ đó dẫn vào phần chính.

Tiếp nữa mới là phần chính của bài văn, đi sâu vào việc trình bày và phân tích quan điểm của mình về đề bài. Phần chính này bao gồm bốn đoạn, mỗi đoạn hai vế song song đối nhau. Bốn đoạn này gồm có: đề cổ (hay còn gọi là khởi cổ), trung cổ, hậu cổ, thúc cổ. Mỗi phần lại có hai vế gọi là xuất cổ và đối cổ, đối ngẫu nghiêm ngặt, khai, thừa, chuyển, hợp, cấu trúc phải đăng đối cả về bằng trắc và về ngữ nghĩa, bài văn có tổng cộng tám vế nên mới gọi loại văn này "bát cổ văn".

Phần cuối cùng gọi là tiểu kết, dùng để tổng kết, khái quát lại ý nghĩa của toàn bài. Tiểu kết có thể nhắc lại hoặc mở rộng ý nghĩa của đề bài.

Bát cổ văn có cấu trúc rõ ràng, được chia thành các đoạn như sau:

Phá đề: Giải nghĩa đề, thuyết minh chủ đề, ba đến bốn câu.

Thừa đề: Mở rộng ý nghĩa của đề, dùng để chuyển tiếp, ba đến bốn câu.

Nguyên đề: Chỉ ra nguyên nhân, mục đích thánh nhân đề cập đến câu trích được nêu trong đề, năm đến sáu câu.

Đoạn khởi giảng: Đặt mình vào vị trí của bậc thánh hiền để giảng giải, thuyết minh ý nghĩa của đề, bảy đến tám câu.

Đề cổ, vế xuất cổ: Khoảng sáu câu.

Đề cổ, vế đối cổ: Có cấu trúc đối ngẫu với vế trước.

Trung cổ, vế xuất cổ: Phần nghị luận trung tâm của bài văn, khoảng bảy đến tám câu, trường hợp dài nhất có khi lên tới hơn hai mươi câu.

Trung cổ, vế đối cổ: Có cấu trúc đối ngẫu với vế trước.

Hậu cổ, vế xuất cổ: Nếu trung cổ dài thì hậu cổ ngắn, trung cổ ngắn thì hậu cổ phải dài. Tổng kết ý nghĩa toàn đề.

Hậu cổ, vế đối cổ: Có cấu trúc đối ngẫu với vế trước

Thúc cổ, vế xuất cổ: Nhấn mạnh lại phần trung cổ, bổ sung cho phần hậu cổ, khoảng năm câu, không vượt quá tam câu.

Thúc cổ, vế đối cổ: Có cấu trúc đối ngẫu với vế trước.

Tiểu kết.

Toàn bộ đoạn trích chứa câu "Quân tử hiền kì hiền" này nói về Chu Văn Vương làm cho người ta không thể nào quên, ông tôn kính trọng dụng người hiền tài, quan tâm đến những người xung quanh, dân chúng bởi vậy nên đều vui mừng, được hưởng lợi từ những quyết sách của ông, đây là chính là nguyên nhân nhân khiến người người cả đời không quên ơn Chu Văn Vương.

"Tứ thư tập chú" đã có chú giải cho những câu này như sau: "Bậc quân đời trước cốt tại tân dân, chỉ ư chí thiện, có thể khiến thiên hạ đời sau, như một lẽ dĩ nhiên, ghi nhớ đời đời, không bởi chuyện đã qua từ lâu mà quên được." [2]

[2] Ba cương lĩnh của Đại học bao gồm: Minh minh đức (làm sáng cái đức sáng của chính mình), Tân dân (làm mới cho dân, theo Chu Hi, "tân tức là bỏ cái cũ, ý nói đã tự mình làm sáng tỏ cái đức sáng của mình, lại phải nên suy ra đến người khác, khiến họ cũng có thể bỏ được vết nhơ nhiễm phải từ trước"), Chỉ ư chí thiện (an trụ ở nơi chí thiện, chí thiện là đạo đức hoàn mỹ, "là tột đỉnh của cái lý đương nhiên, cái lẽ việc phải như vậy"). Ba cương lĩnh này được cụ thể hóa bằng 8 điều mục: cách vật (tiếp nhận và nhận thức sự vật), tri trí (đạt tri thức về sự vật), thành ý (làm cho ý của mình thành thực), chính tâm, làm cho tâm của mình được trung chính), tu thân (tu sửa thân mình), tề gia (sắp xếp mọi việc cho gia đình hài hòa), trị quốc (khiến cho nước được an trị), bình thiên hạ (khiến cho thiên hạ được yên bình). Trong đó, minh minh đức ứng với cách vật, tri trí, thành ý, chính tâm và tu thân; tân dân ứng với tề gia và trị quốc; chỉ ư chí thiện ứng với bình thiên hạ. (Tổng hợp từ Đại học, bản dịch của Phan Văn Các và wikipedia). Ở đây nói về bậc quân vương nên cũng tập trung vào tân dân (trị quốc) và chỉ ư chí thiện (bình thiên hạ).

Bài văn của Diêu Văn đạt dùng ý chú giải này để phá đề "Dựa vào sự ghi nhớ của người đời sau mà hiểu được cái đức tân dân của bậc quân vương đời trước. Lời này đã nói lên vai trò của tân dân trong chỉ ư chí thiện", chỉ một câu đã giải thích được ý nghĩa của đề bài, lấy "chí thiện" làm trung tâm để lý giải.

Bài viết đơn giản rõ ràng, súc tính, cách phá đề vừa tinh tế lại vừa chuẩn xác.

Trong bài viết có nhiều trích dẫn trong "Tứ thư tập chú", sắp xếp hợp lý, luận chứng quan điểm rõ ràng, cuối cùng lấy câu "không bởi chuyện đã qua từ lâu mà quên được" từng được nhắc đến ở đoạn đầu, áp dụng phương thức đầu cuối tương ứng để chốt lại toàn bài.

nói tóm lại, văn giải đề của Diêu Văn Đạt tuy dùng nhiều trích dẫn nguyên văn nhưng lại hoàn toàn không tạo cảm giác bị rập khuôn, gò ép mà hoài cổ thanh nhã, câu chữ ngắn gọn, sử dụng linh hoạt trích dẫn về chú giải và chú thích kinh thư thể hiện ông ta thấu hiển những kinh thư của cổ nhân.

Đây là một tác phẩm xuất sắc hiếm có.

Năm ấy bài viết này được các quan chỉ khảo nhất trí cho điểm cao, sau tới thi đình, ông ta đối đáp trôi chảy nên đỗ Trạng nguyên.

Đáng tiếc ông ta lại không được may mắn cho lắm, bị Thám hoa Thôi Nam Hiên cướp mất sự chú ý của Tiên đế, về sau con đường làm quan cũng không thông thuận.

oOo​

"Muội cảm thấy bài văn giải đề này thế nào?"

Qua khóe mắt, Phó Vân Chương nhìn thấy Phó Vân anh đang đứng cạnh mình, mắt nhìn chằm chằm tập văn mẫu, mày nơi nhíu, có vẻ như đang nghiêm túc suy nghĩ cái gì nên hỏi.

"Văn của Trạng nguyên đương nhiên là phải hay rồi."

Phó Vân anh thuận miệng đáp.

"Muội nghe Khổng tứ ca nói, Diêu học đài là Trạng nguyên."

Nàng tự nhiên nhớ ra, mặt không đổi sắc, bổ sung một câu.

Phó Vân Chương nhướn mày nhưng cũng không hỏi tiếp nữa.

"Nhị ca, lần này đi phủ Võ Xương, có phải huynh định đi bái phỏng Diêu học đài không?"

"Ừ."

Phó Vân Chương gật đầu, một lát sau lại cười, "Trước đây ta cũng đã từng gặp Diêu học đài."

Phó Vân anh hơi nhướn mày, nhìn ngắm Phó Vân Chương một hồi, lòng chợt hiểu ra.

Thảo nào Diêu Văn Đạt năm lần bảy lượt châm chọc, làm Phó Vân Chương khó xử, hóa ra là vậy. Cả đời này người Diêu Văn Đạt hận nhất chắc chắn là Thôi Nam Hiên. Phó Văn Chương tuổi trẻ tuấn tú, còn trẻ như thế mà đã đỗ cử nhân. Diêu Văn Đạt tuổi già sức yếu, đi còn phải chống gậy, nhìn thấy y vẫn chưa đến tuổi trưởng thành mà đã có danh tiếng, khí độ tao nhã thong dong, lại còn nói giọng Hồ Quảng, làm sao có thể không giật mình nhớ tới Thôi Nam Hiên.

không phải Phó Vân Chương viết văn không tốt mà là bị tai bay vạ gió.

Nàng trầm ngâm một lúc rồi từ từ nói: "Nhị ca, Khổng tứ ca nói Diêu học đài và Lễ Bộ thị lang Thôi đại nhân như nước với lửa, khi nào huynh gặp Diêu học đài, huynh nhớ tỏ ra mình không liên quan gì đến Thôi đại nhân, nói không chừng Diêu học đài sẽ không soi mói huynh nữa."

Khi nói ra mấy chữ "Thôi đại nhân", nàng không ngập ngừng, mấy chữ ấy tựa như sương sớm lăn trên lá cỏ, vụt qua đầu lưỡi nàng, trôi chảy đến không ngờ.

Phó Vân Chương đưa tay xoa đầu nàng, "Khổng tứ còn dạy muội cơ à?"

Khổng tú tài là người biết người biết ta, với khả năng của hắn, thi hương thêm vài lần nữa có khi cũng sẽ có ngày may mắn có được cái danh cử nhân nhưng mà cũng chỉ đến thế thôi. Nhà hắn cũng không phải giàu có gì, không có khả năng chi tiền cho hắn thi tiếp, thế là hắn quyết định từ bỏ con đường làm quan, tập trung tìm hiểu chuyện xã giao chốn quan trường.

Phó Vân anh đoán mục tiêu của Khổng tú tài rất có thể là trở thành môn khách của Phó Vân Chương trong tương lai.

Đối với tiến sĩ, chuyện tuyển chọn quan có quy định nghiêm ngặt về hộ tịch, không thể về quê làm quan, bắt buộc phải đi vùng khác nhậm chức. Cường long bất áp địa đầu xà [3], vậy nên khi những vị quan này tới một địa phương mới, đa phần sẽ đưa theo môn khách phụ tá mình tín nhiệm, những người này thường là đồng hương với vị quan kia nên thân thiết hơn nhiều, cũng sẽ được vị quan kia nể trọng hơn nhiều so với phụ tá ở địa phương mới.

[3] Rồng dẫu có mạnh cũng chưa chắc đã thắng được đám rắn tại hang ổ của nó. Tiếng Việt có nhiều câu tương tự nhưng không có câu nào hoàn toàn đồng nghĩa.

Khổng tú tài thường xuyên giúp Phó Vân Chương xử lý mấy việc xã giao, lo lắng trước sau, là người chịu khó hỏi thăm tin tức, liên lạc trên dưới, giao hảo với học quan, thầy dạy, thực tế đã là môn khách đầu tiên của Phó Vân Chương rồi.

hắn biết mình không thể làm quan nên cũng không phải sống gò ép, không nhìn Phó Vân anh bằng ánh mắt khác thường.

Có vài lần hắn đến Lâm Lang Sơn Phòng mượn sách, Liên Xác và mấy nha hoàn đều không biết chữ nên không biết sách hắn muốn mượn nằm chỗ nào, tìm mãi vẫn không thấy. Phó Vân anh từng sắp xếp lại thư phòng cho Phó Vân Chương nên không cần nghĩ cũng biết cuốn sách đó ở đâu.

Khổng tú tài thấy thế liền trêu chọc nàng, đố nàng đọc thuộc lòng Tứ thư rồi phát hiện ra nàng có thể đọc được thật nên vô cùng kinh ngạc. Từ đó, hắn không còn dùng giọng điệu dỗ dành trẻ con để nói chuyện với nàng nữa.

Khổng tú tài kể cho nàng nghe rất nhiều tin đồn ở chốn quan trường.

Nào là họ hàng nhà Thẩm các lão làm xằng làm bậy, quan viên địa phương muốn lấy lòng Thẩm các lão nên ra sức bao che, bị ngôn quan dâng tấu lên Hoàng thượng, cuối cùng người nhà Thẩm các lão vẫn chẳng làm sao, ngôn quan kia lại bị bãi miễn.

Nào là Diêu học đài lòng dạ hẹp hòi, thù dai như đỉa. Mấy chục năm trước ở quê có một vị hương lão đắc tội với ông ta. Ngày ông ta về quê tế tổ sau khi đỗ Trạng nguyên, tri huyện địa phương, tộc lão và con cháu Diêu gia tổng cộng mấy trăm người tụ tập trên đường lớn dẫn vào huyện, chờ suốt cả buổi dưới ngày trời nắng, chờ đến đầu váng mắt hoa nhưng cũng không thấy Trạng nguyên đâu. Sau khi tìm người nghe ngóng họ mới vỡ lẽ ra Trạng nguyên đã sai tiểu tốt đổi sang đi đường khác, nhất nhất phải đi qua mộ cái vị hương lão đã chết từ hai mươi mấy năm trước kia khua chiêng gõ trống diễu vài vòng để cho vị hương lão đó biết Diên Văn Đạt đỗ Trạng nguyên rồi đây này!

...

Những chuyện như thế, Phó Vân anh đã nghe nhiều rồi.

"Ai dạy mà chẳng được, dùng được là được rồi."

Thấy Phó Vân Chương đã dừng bút, Phó Vân anh đi tới bên cửa sổ rót một ly trà hồ đào bưng qua cho y, chậm rãi nói. thật ra chỉ cần Phó Vân Chương nói xấu Thôi Nam Hiên mấy câu trước mặt Diêu Văn Đạt là ổn nhưng tính cách Phó Vân Chương như thế, chắc không nói xấu sau lưng người ta được.

Nhất là y còn rất tôn trọng Thôi Nam Hiên. Lúc nàng dọn dẹp thư phòng cho y còn nhìn thấy một tập văn của Thôi Nam Hiên.

"Diêu học đài tuy không xấu nhưng lại quá cố chấp. Ông ta thấy ta thế nào là chuyện của ông ta, ép buộc quá có để làm gì đâu."

Phó Vân Chương nhấp một ngụm trà, cười nhàn nhạt, "Tùy ông ta đi."

Phó Vân anh cũng đoán được y sẽ trả lời như vậy, nhìn y có vẻ ôn hòa nhưng bản chất bên trong lại ngang ngạnh.

Nang suy nghị một hồi, lại hỏi: "Nhị ca, Diêu học đài là người Nam Trực Lệ, ông ta có phải đời sau của Diêu Quảng Hiếu không?"

Diêu Quảng Hiếu, từ thưở thiếu niên đã xuất gia, pháp danh Đạo Diễn, Thành Tổ ban cho tên là Quảng Hiếu, phụ tá Thành Tổ dành được chiến thắng trong chiến dịch Tĩnh Nạn, nhờ đó đoạt được ngôi vị hoàng đế nên rất được Thành Tổ tín nhiệm, có "Đào hư tử tập" lưu truyền hậu thế.

"Diêu Quảng Hiếu?" Phó Vân Chương sửng sốt, kiên nhẫn giải thích với nàng: "Diêu Quảng Hiếu là người Nam Trực Lệ, phủ Tô Châu, quê Diêu học đài cũng ở Nam Trực Lệ nhưng lại cách phủ Tô Châu mấy trăm dặm, không phải cùng tộc với Diêu Quảng Hiếu."

Phó Vân anh vẫn tiếp: "Nhưng mà Khổng tứ ca lại nói với muội Diêu học đài vẫn thường tự nhận mình là người trong tộc Diêu Quảng Hiếu."

"Diêu gia là tộc lớn, đông người, trải ra nhiều nơi nên Diêu học đài mới có thể nói như thế, cũng không thể nào chắc chắn là cùng chi với Diêu gia ở phủ Tô Châu. Ví dụ như một người họ Vương nói mình vốn có nguồn gốc là tộc Vương thị ở Thái Nguyên, chắc gì đã là người Thái Nguyên." Phó Vân Chương đặt chén trà xuống nói.

Phó Vân anh im lặng để y nói hết lời, lơ đãng đề xuất: "Diêu học đài đã sùng bái Diêu Quảng Hiếu như thế, nhị ca, sao huynh không thử tìm hiểu văn phong của Diêu Quảng Hiếu xem sao?"

Đừng đọc văn mẫu của Diêu Văn Đạt nữa, ông ta thích loại văn dạt dào cảm xúc cơ.

"Sao tự nhiên muội lại nghĩ thế?"

Phó Vân Chương đã quen với việc nàng sẽ nói những điều khiến người ta phải giật mình nên thấy nàng đổi đề tài nhanh như vậy cũng không đến nỗi trở tay không kịp, trả lời nàng, "Diêu Quảng Hiếu hiểu thuật âm dương, bản thân ông ta hừng hực khí thế, văn phong cũng rất táo bạo, người khác chỉ có thể bắt chước cấu trúc bài viết của ông ta chứ học thế nào cũng không học nổi khí khái trong đó."

Điều này cũng đúng, Phó Vân Chương cũng có thói quen sử dụng câu từ của riêng mình, y có thể bắt chước phong cách của Diêu Văn Đạt nhưng Diêu Quảng Hiếu, từ con người đến văn phong đều quá khác biệt với y, tự nhiên đi bắt chước thì chưa chắc đã có thể lấy lòng Diêu Văn Đạt. Bắt chước không xong có khi còn hỏng việc.

Phó Vân anh ngẩn ra hồi lâu bỗng hiểu ra, đi đường tắt có thể đạt đến cái lợi trước mắt nhưng không thể vì ham lợi mà đâm đầu vào ngõ cụt.

Nàng suy nghĩ quá đơn giản rồi.

"Nhị ca, muội hiểu rồi." Nàng khẽ nói.

Phó Vân Chương cũng không hỏi nàng vừa hiểu ra cái gì, mỉm cười gật đầu. Tốc độ học tập của nàng còn nhanh hơn nhiều so với y dự đoán, giống như vùi một hạt giống vào trong đất ẩm rồi tận mắt nhìn nó nảy mầm đâm rễ lên lá non. Giờ nàng đang cần thật nhiều ánh sáng mặt trời, nhưng cũng cần có mưa có gió, trải qua trải nghiệm của sương gió, rễ cây mới đâm sâu được.

Chỉ là không biết nàng có chịu đựng được hay không.

oOo​

trên boong đang tràn ngập tiếng cười nói, một lúc sau, Vương thẩm bước tới mời cả nhà xuống khoang thuyền ăn cơm.

Phó Vân Khải và Phó Vân Thái đang chơi hăng, chạy xuống bếp tìm bà tử nhờ lấy giúp mấy con cá trắm đen và bếp than hồng đang cháy đượm, muốn tự nướng cá ăn. Phó Quế, Phó Nguyệt đứng bên cạnh xem hai anh em xát muối lên thân cá đã đánh vẩy sạch sẽ.

Phó tứ lão gia chiều trẻ con nên cũng để mấy đứa muốn làm gì thì làm, đi xuống khoang tìm Phó Vân Chương, định mời y uống rượu.

Vừa vào tới cửa, ông đã nhìn thấy Phó Vân Chương ngồi bên bàn viết chữ, Phó Vân anh ngồi trên ghế cạnh cửa sổ, trong tay cầm một quyển sách chăm chú đọc, một lớn một nhỏ đều rất tập trung.

Mấy nha hoàn và gã sai vặt ngồi dưới đất, người thêu thùa, kẻ đan mũ rơm, ai làm việc của người đó, không ai nói chuyện, cả phòng im phăng phắc.

Ông ngại làm phiền nên lại đi ra.

Trở lại boong, nhìn thấy Phó Vân Khải và Phó Vân Thái đang phồng mang trợn mắt thổi bếp lò, tà áo đã giắt vào cạp quần, ông tự nhiên thấy ngứa mắt.

Phó tứ lão gia cuối cùng cũng hiểu vì sao từ ngày Phó Vân anh bắt đầu đi học, Tôn tiên sinh lại trở nên khó tính, hay bực mình như thế.

Trước kia không có ai để so sánh, cũng không thấy có vấn đề gì, Phó Vân Chương quá ưu tú, không dám đem ra so, hơn nữa y cũng lớn hơn hai đứa kia mấy tuổi.

Nhưng anh tỷ nhi còn nhỏ hơn hai thằng anh con bé mà!

Cứ coi như anh tỷ nhi tảo tuệ [4] đi, không so sánh con bé với chúng nó nữa... Thế còn Tô Đồng thì sao? Tô Đồng cũng chẳng lớn hơn Khải ca nhi và Thái ca nhi bao nhiêu...

[4] Từ nhỏ hiểu biết hơn người, gần giống như thần đồng.

Phó tứ lão gia hừ một tiếng, xoay người về khoang.

Thôi thì khuất mắt trông coi.

Đêm nay thuyền của bọn họ đậu lại ở một bến tàu. trên sông gió nhẹ sóng yên, thực ra có thể đi cả đêm, vậy có thể đến phủ Võ Xương trước hừng đông, nhưng trên tàu lại có mấy đứa trẻ, hơn nữa lần này đi chơi là chính, không vội vàng gì, Phó tứ lão gia liền quyết định dừng lại một đêm rồi đi tiếp sau.

Bến tàu không chỉ có thuyền nhà bọn họ, còn có thuyền của vài nhà khác.

Chờ thuyền dừng hẳn, Phó tứ lão gia và Phó Vân Chương gặp gỡ chủ nhân các thuyền xung quanh, hỏi tên hỏi tuổi, hỏi thăm sức khỏe một hồi.

Trong khi người lớn đi xã giao, đám trẻ con chơi cả một ngày đã thấm mệt nên ăn cơm xong phải chuẩn bị đi ngủ luôn.

Phó Nguyệt, Phó Quế và Phó Vân anh ngủ chung một gian phòng, ma ma, nha hoàn như sắp ra trận, chia nhau túc trực ở trước khoang thuyền, cả đêm không ngủ.

Phó Nguyệt tò mò, "trên thuyền toàn người nhà mình, người khác có vào được đâu, tại sao mấy ma ma lại thức trắng đêm canh gác làm gì?"

Phó Quế cười ha ha, tung chăn ngồi dậy, thì thào, "Muội nghe Liễu bà tử dưới bếp kể chuyện này..."

Nàng từ từ kể câu chuyện đó: Trước kia ở huyện Hoàng Châu, Trịnh gia có một tiểu nương tử đi nơi khác với cha mẹ, ban đêm ngủ ở trên thuyền. Đêm ấy, trên một chiếc thuyền khác cũng đậu ở bến, có một vị công tử Thẩm gia. Vị công tử này nhìn thấy tiểu nương tử Trịnh gia vô cùng xinh đẹp liền đem lòng ái mộ, nhân dịp hai chiếc thuyền đậu sát nhau liền lén chạy sang chiếc thuyền của Trịnh gia...

Nghe đến đó, mặt Phó Nguyệt đỏ bừng, che mặt nói: "Được rồi được rồi, tỷ muốn đi ngủ!"

Phó Quế bĩu môi, "Sợ cái gì chứ? Câu chuyện này ai cũng biết ấy mà, sau này tiểu nương tử Trịnh gia thành thân với công tư Thẩm gia kia thôi."

Phó Vân anh nằm bên ngoài không biết phải nói gì, đại khái Phó Quế không biết công tử Thẩm gia hôm đó lén chạy sang thuyền Trịnh gia xong thì điều gì xảy ra tiếp theo.

Ánh trăng như nước, cảnh vật đều tắm trong ánh trăng.

Nằm trên thuyền tựa như gối lên dòng nước trôi, đến giấc mơ cũng bồng bềnh.

Sáng sớm hôm sau, Phó Vân anh bước chân xuống giường, đầu vẫn còn tròng trành, lúc đi giày suýt nữa là trượt chân ngã sõng soài.

Ma ma giữ cho nàng ngồi vững, giúp nàng đi giày rồi chải đầu cho nàng.

Bến tàu đông vui tấp nập, nha hoàn mở cửa sổ hướng ra mặt sông, đủ loại âm thanh từ phía ngoài vọng vào hòa lẫn với nhau trong sự tròng trành của sóng nước, tiếng nói, tiếng bước chân, tiếng cười của con trẻ.

Phó Vân anh lên boong hít thở không khí lại bắt gặp Liên Xác đang ngồi gặm củ ấu.

Liên Xác nói với nàng Phó Vân Chương còn chưa dậy.

"Tối hôm qua tình cờ gặp được quý nhân ạ!" hắn cắn một miếng củ ấu, tươi cười nói, "Thuyền bên cạnh chúng ta là do đồng tri mới nhậm chức ở phủ Võ Xương Lý đại nhân thuê, ngài ấy có vẻ quý mến thiếu gia nhà chúng ta, nhất quyết rủ thiếu gia đàm luận thâu đêm, đêm qua tới canh tư thiếu gia mới trở về."

Đồng tri phủ Võ Xương?

"Lý đại nhân là người phía nam sao?"

Liên Xác lắc đầu, "không, là người phương Bắc, hình như là Bắc Trực Lệ, ngài ấy nói giọng phương Bắc, từng làm quan ở kinh thành nữa!"

Nếu là người phương Bắc, đáng ra vị này phải đi đường bộ xuống phía nam, tại sao lại đi thuyền ngược lên thế này?

Liên Xác gọt vỏ một củ ấu, giơ về phía Phó Vân anh, "Ngũ tiểu thư, tiểu thư ăn củ ấu không?"

Phó Vân anh lắc đầu.

Liên Xác thu tay về, cắn một miếng, loáng một cái đã ăn hết củ ấu to tròn mập mạp, lúng búng nói: "Lý đại nhân định đi phủ Giang Lăng, hắn phải dời mộ cho người Ngụy gia."

Phó Vân anh giật nảy.

"Người Ngụy gia nào cơ?" Cố lấy lại bình tĩnh, nàng im lặng một lát rồi hỏi.

"Ngụy gia ở phủ Giang Lăng, trước kia nhà đó có rất nhiều cử nhân." Liên Xác gãi gãi đầu, suy nghĩ hồi lâu. "Sau này nhà bọn họ đi kinh thành, được vài năm thì chết cả. Lý đại nhân nói ngài ấy được người khác nhờ vả đưa linh cữu người Ngụy gia từ kinh thành về quê an táng."

Người Ngụy gia được mai táng ở một nghĩa địa ở ngoại vi kinh sư, mỗi lần Phó Vân anh muốn tế bái người nhà cũng chỉ có thể hướng về phương bắc vái vọng. không có sự cho phép của triểu đình, người bình thường không thể tới gần nghĩa địa kia chứ đừng nói tới chuyện dời mộ cho người nhà.

"Lý đại nhân đó tên là gì?"

Nàng không nhớ rõ Ngụy gia có họ hàng nào họ Lý hay không.

Liên Xác trả lời: "Ngài ấy tên Lý Hàn Thạch, người cũng trắng trẻo thư sinh lắm."

Phó Vân anh lục tìm trong trí óc, cái tên Lý Hàn Thạch này nàng mới nghe tới lần đầu.

không, không phải Lý Hàn Thạch, Liên Xác nói hắn được người ta nhờ vả, ai là người nhờ hắn dời mộ cho Ngụy gia đây?

Người này có thể thuyết phục được cả Hoàng đế, địa vị chắc chắn không bình thường.

Chẳng lẽ lại là người kia?

không phải, người nọ đã ở tận chân trời góc bể, không thể nào xuất hiện ở kinh sư được.

Phó Vân anh siết nhẹ nắm nay, người này sẵn sàng mạo hiểm, không màng tới nguy cơ khiến Hoàng đế tức giận để an táng cho người Ngụy gia, chắc chắn phải là người thân thiết với cha nàng.

Hoặc là... có người cố ý làm như vậy để dụ nàng xuất hiện.

Gió thổi trên mặt sông cuốn theo hơi nước, thổi tới mặt tới người nàng, lạnh buốt.

Nàng rùng mình một cái, từ từ bình tĩnh lại.

Mộ đã được dời về đây, về sau thể nào cũng có cơ hội tới tế bái, không cần phải nóng vội, trước khi tới cần phải hỏi thăm được người sau lưng Lý Hàn Thạch là ai.

Nếu là người bụng dạ khó lường, nàng không thể đi phủ Giang Lăng. Nếu là bạn cũ khi xưa của Ngụy gia, coi như nợ người ta một phần nhân tình.

Quyết định như vậy, nàng trở lại phòng tiếp tục đọc sách.

Lật được vài trang bỗng nghe thấy bên ngoài có tiếng nói chuyện.

Phó tứ lão gia đứng trên boong lớn tiếng nói chuyện với một người nào đó. Ở bến tàu tiếng người nói ồn ào, hai người nói chuyện với nhau cũng phải nói thật to thì người kia mới nghe thấy.

Lát sau, trên đó vọng lại tiếng nói nhu hòa thanh lãnh của Phó Vân Chương, y đang chào từ biệt người ở thuyền bên cạnh, hai người còn hẹn hơn một tháng nữa sẽ gặp lại nhau ở phủ Võ Xương.

Giọng nói sang sảng kia có lẽ là của Lý Hàn Thạch.

Phó Vân anh chăm chú lắng nghe, tự khẳng định thêm lần nữa là nàng không biết người này.

Thuyền Phó gia lại rời bến, đi về phương Bắc.

Ăn sáng xong, Phó Vân anh tìm Phó Vân Chương hỏi mấy vấn đề nhưng lại thấy cửa khoang của y đóng chặt.

Liên Xác đang canh giữ ngoài cửa lắc đầu nói, "Tối qua thiếu gia uống nhiều rượu nên giờ đang đau đầu, khi nãy dậy chào từ biệt rồi ngủ lại rồi ạ."

Phó Vân Chương có vẻ như không uống được nhiều rượu, lần nào tham gia hội văn hội thơ gì về y sẽ lại say tới lảo đảo cả người.

Trời nóng thế này say rượu rất khó chịu, nhất là lại ở trên thuyền.

"Ở đây ta có kim ngân lộ, ta sẽ bảo bà tử dưới bếp chưng lên, sạch sẽ hơn đồ mua bên ngoài, trên thuyền có băng lạnh, ngươi làm một bát trà kim ngân ướp lạnh cho nhị ca uống rã rượu."

Phó Vân anh bảo Phương Tuế đưa bình đựng kim ngân lộ cho Liên Xác.

Liên Xác nhận chiếc bình, cảm ơn rối rít, "Ngũ tiểu thư thật chu đáo, nhị thiếu gia thích uống cái này nhất, trong nhà cũng thường làm, đáng tiếc là năm nay phơi kim ngân chưa đủ độ nên hỏng hết cả."

"Đây là chuẩn bị cho nhị ca, ở nhà ta còn nhiều, nếu huynh ấy thích thì khi nào về ta bảo nha hoàn mang qua."

Liên Xác cười thưa vâng.

oOo​

Tới chiều, thuyền trên sông càng ngày càng nhiều, tốc độ di chuyển càng lúc càng chậm, đã có thể nghe thấy tiếng ồn ào phía xa xa.

Tới phủ Võ Xương rồi.

Thuyền Phó gia chầm chậm cập bến.

Phủ Võ Xương là nơi giao nhau giữa hai con sông Trường Giang và Hán Thủy, xưa kia vốn là vùng giao tranh về quân sự. Ban đầu hệ thống đường thủy được xây dựng với mục đích quân sự, bắt đầu từ thời Tây Hán, khi nơi này vẫn có tên là Ngạc Huyện. Tới thời Tam Quốc, khi Tôn Quyền nước Đông Ngô đoạt lại Kinh Châu từ trong tay Lưu Bị, dời đô về đây, lấy ý "Dụng võ trị quốc nhi xương" (Dùng võ trị quốc để thay đổi) để đổi tên thành Võ Xương. Nhà thơ thời Đường Lý Bạch đã viết những câu thơ "trên lầu Hoàng Hạc thổi sáo ngọc, Giang Thành tháng năm mai hoa rụng" tại đây, vậy nên phủ Võ Xương còn có tên là Giang Thành. Tới triều Nguyên, Võ Xương trở thành tỉnh lị của tỉnh Hồ Quảng, từ đó về sau chở thành thủ phủ của một vùng rộng lớn.

Phủ Võ Xương ở kế bên huyện Hán Dương, trấn Hán Khẩu. Sơn nam thủy bắc vi dương [5], cái tên Hán Dương có nguồn gốc như thế. Trong những năm Thành Hóa, Hán Thủy đổi dòng chảy từ Quy Sơn lên phía bắc nhập vào Trường Giang. Tới năm Gia Tĩnh, bên bờ phía bắc của Hán Thủy đã hình thành một thị trấn mới - trấn Hán Khẩu. Những ưu điểm về địa lý tự nhiên đã khiến trấn Hán Khẩu nhanh chóng đuổi kịp và vượt qua Hán Dương và Võ Xương, trở thành một thành trấn quan trọng trong việc thông thương hang hóa.

[5] Trong câu “Sơn nam thủy bắc vi dương, sơn bắc thủy nam vi âm”. Trung Quốc (giống Việt Nam) ở Bắc bán cầu, mặt trời mọc ở đằng Đông và lặn ở đằng Tây, trong quá trình mặt trời chiếu sáng thì mặt trời sẽ "đi qua" phương Nam. Do đó, sườn phía nam của núi sẽ nhiều nắng, sườn bắc sẽ không có nắng. Vậy nên "sơn nam" là dương (sáng), "sơn bắc" là âm (tối). Bên cạnh đó sông của Trung Quốc đa phần chảy từ Tây sang Đông, do trục trái đất nghiêng nên dòng chảy bị lệch về phía nam, phần bờ phía nam bị xói mòn nên phía nam ẩm ướt còn phía bắc khô ráo. Do đó, "thủy bắc" là dương (khô), "thủy nam" là âm (ẩm).

Mười dặm cột buồm như phố thị, vạn nhà đèn đuốc sáng trắng đêm.

Đừng nói đến hai cô bé ít khi được đi đâu xa nhà như Phó Nguyệt, Phó Quế, đến hai đứa con trai thường tự xưng mình là người "nhiều kiến thức" như Phó Vân Khải và Phó Vân Thái cũng bi cảnh tượng tấp nập ở phủ Võ Xương làm cho kinh ngạc đến há hốc cả mồm.

Lời tác giả:

Diêu Quảng Hiếu: Pháp danh Đạo Diễn, từng xuất gia, phụ tá Yến Vương Chu Lệ, học rộng tài cao. Để che giấu sự thật Chu Lệ soán vị nên khi giám sát biên soạn sách sử đã bóp méo lịch sử khá nhiều.

Trong truyện, nói về cách phá đề của Diêu Văn Đạt, tác giả tham khảo vài thi của một vị tiến sỹ đi thi năm Vĩnh Nhạc thứ hai.

"Quân tử hiền kì hiền..." có nhiều cách giải thích khác nhau, truyện chỉ giải thích một trong số đó.

Phần nói về "bát cổ văn" đã tham khảo tài liệu.

Ở các thời đại khác nhau, loại văn này cũng có sự khác biệt, ví dụ đầu thời Minh, loại văn này có cấu trúc rời rạc hơn, càng về sau lại càng có các quy tắc nghiêm ngặt, mỗi phần bao nhiêu câu đều có quy định. Sau năm Vạn Lịch, loại văn này không còn phần "Nguyên đề" nữa.

Trong truyện này, yêu cầu của bài văn chặt chẽ hơn đầu thời Minh nhưng thoải mái hơn giữa triều Minh

Editor: Trong truyện, khi nói về văn thơ, tác giả thường nhắc tới yêu cầu nghiêm ngặt vè đối ngẫu. Đối ngẫu (thường gọi tắt là đối) là một trong những đặc trưng của thơ văn trung đại và cổ đại. Có nhiều kiểu đối khác nhau, cùng có nhiều các phân loại, ở đây editor chỉ đưa ra ví dụ vài kiểu đối để các bạn dễ hình dung. Ngôn đối là đối bằng từ ngữ, từ này trong câu trên đối với từ ở vị trí tương tự trong câu dưới. sự đối là đối bằng điển cố. Hai câu cách nói khác nhau nhưng cùng một ý gọi là chính đối, ý nghĩa trái ngược nhau gọi là phản đối. Ngoài ra đối ngẫu còn yêu cầu về từ loại (danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ…) về thanh (bằng đối với trắc và ngược lại)…

Ngoài ra, cấu trúc khai-thừa-chuyển-hợp cũng là cấu trúc phổ biến trong văn học (đặc biệt là thơ Đường, chúng ta đều học ở phổ thông). Thực ra có rất nhiều cách hiểu khác nhau của nhiều học giả khác nhau (vì người đề xuất nói mông lung quá), ở đây cũng nhắc tạm một cách hiểu đơn giản: Khai là mở đầu, thừa là mở rộng, chuyển là biến hóa để dẫn đến kết (hợp).

Thêm một chương hộc máu, mỗi lần Chu Hi là lại hộc máu, mình kị cái này từ hồi bé rồi, tầm mười mấy tuổi nghĩ đọc gì chứ không đọc Chu Dịch (vì khó quá). Hiểu biết của mình về phần này rất nông nên giải thích nhiều khi nghe ngây ngô. Phải cái hình như lắm người giống mình nên trên mạng cũng ít tài liệu. Hộc máu lần 2.
break
[H++] Đụng Chạm Da Thịt
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
(Cao H) Dạy Dỗ Phu Quân
cao H, kết 1v1, ngôn tình
Âm Mưu Từ Lâu
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc