Ký Sự Lật Mình Những Năm 90

Chương 1

Trước Sau

break

Tết vừa mới qua, chữ “Phúc” bằng giấy đỏ dán trên cửa kính vẫn còn tươi rói. Trình Bảo Linh mở mắt, dưới lưng là chiếc giường cót sợi cọ kiểu cũ, mềm cứng vừa phải, ôm sát cơ thể.

 

Từ khi giường lò xo bắt đầu phổ biến, gần như chẳng còn ai dùng loại giường này nữa. Cô trở mình, thở ra một hơi đầy thoải mái.

 

Cũng đã hơn mười năm rồi cô mới lại được nằm trên giường cót!

 

Sau một cơn đau nhói đến xé lòng kèm theo choáng váng dữ dội, cô tỉnh dậy và phát hiện bản thân đã quay về năm tám tuổi.

 

Trước khi trọng sinh, cuộc đời cô là hình mẫu điển hình của một cô gái bình thường ở Hoa Quốc.

 

Sinh ra đầu những năm 80, không được sống trong điều kiện dư dả, nhưng ít nhất cũng có cơm ăn áo mặc, lớn lên trong cảnh đạm bạc nhưng không thiếu thốn. Cô thi đỗ đại học, tốt nghiệp rồi đi làm, sau đó kết hôn và sinh con theo một quỹ đạo sẵn có.

 

Chồng cô là bạn học đại học – một người đàn ông hiền lành, biết lo cho gia đình. Mẹ chồng sống cùng, sẵn sàng giúp chăm cháu. Trong mắt người ngoài, cuộc sống của cô nhẹ nhàng, hạnh phúc.

 

Nhưng đâu ai biết, cuộc hôn nhân đó đã rạn nứt từ lâu.

 

Mười năm bên nhau, giữa hai vợ chồng ngoài chuyện liên quan đến con gái thì gần như không còn gì để nói. Người chồng vốn đơn thuần, nhiệt tình thời đại học sau khi cưới như biến thành người khác: thu nhập không cao nhưng sĩ diện thì lớn, tan làm là chui ngay vào phòng làm việc, trừ lúc ăn cơm thì chẳng mấy khi ló mặt. Anh ta là kiểu người hoàn toàn né tránh chuyện bếp núc và việc nhà.

 

Mẹ chồng thì nghĩ đã vất vả đưa đón cháu đi học là đủ công lao, đau lưng nhức mỏi nên kiên quyết không đụng vào việc gì thêm.

 

Còn cô, sau giờ làm mệt mỏi lại phải lo cơm nước, giặt giũ, dạy con học bài. Mãi đến khi con ngủ mới có được chút thời gian cho bản thân. Những cơ hội thăng tiến ở công ty, vì vướng chuyện nhà mà cô buộc phải từ bỏ.

 

Cô từng nhiều lần cãi vã với chồng, nhưng người đàn ông “hiền lành” ấy luôn im lặng như không hề nghe thấy, rồi sau đó mọi chuyện vẫn y nguyên. Mẹ chồng thì xót con trai bị “mắng”, quay ra đổ lỗi cho con dâu, biến mâu thuẫn vợ chồng thành mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu. Bà vừa khóc vừa kể lể cô bất hiếu, không chấp nhận mẹ chồng, khiến chồng cô nổi giận, đứng về phía mẹ, gằn giọng:

“Em nói gì anh cũng được, nhưng không được phép nói mẹ anh!”

 

Cứ thế, những màn bi hài như vậy liên tục tái diễn. Ngày này qua ngày khác trôi đi, khiến Trình Bảo Linh ngột ngạt đến mức không thể thở nổi.

 

Điều duy nhất giúp cô gắng gượng là cô con gái đáng yêu.

 

Thế nhưng, đứa con ấy lại là cái gai trong mắt mẹ chồng. Bà luôn miệng bắt cô sinh thêm một đứa con trai để “nối dõi tông đường”. Từ sau khi chính sách sinh con thứ hai được ban hành, bà nhắc chuyện này không dưới ba lần mỗi ngày, còn không tiếc công tìm các bài thuốc dân gian cổ quái bắt cô uống.

 

Một lần, cô buột miệng nói: “Sinh thì dễ, nuôi mới khó. Bây giờ áp lực cuộc sống lớn, mình nuôi nổi một đứa đã là cố gắng lắm rồi.”

 

Câu đó chọc giận mẹ chồng đến phát điên.

 

“Nhà nghèo thì có cách nuôi kiểu nhà nghèo, nhà giàu thì có cách của nhà giàu. Trước đây đói rách mà mỗi nhà vẫn đẻ năm sáu đứa. Cô không muốn sinh, chẳng phải là muốn nhà tôi tuyệt hậu hay sao?!”

 

Trình Bảo Linh cố giải thích rằng thời đại đã khác, sinh thêm con không chỉ là thêm một đôi đũa, mà là thêm bao nhiêu gánh nặng. Một đứa con gái thôi đã dốc cạn hết tiền bạc và sức lực của cả gia đình. Còn chồng cô? Cô chẳng mong gì, bởi dù có thêm hay không thì với anh ta cũng chẳng khác gì. Dù sao cũng không phải người chăm.

 

Mẹ chồng chỉ tay vào cháu gái:

“Lớp học thêm của con bé ngừng hết đi. Đừng tiêu tiền vào mấy cái thứ vớ vẩn đó. Quần áo mặc đồng phục là đủ rồi, tiết kiệm lại. Sau này nó lớn rồi, để nó nuôi em trai nó!”

 

Nhìn vào đôi mắt thơ ngây trong sáng của con, nghĩ đến những bất công mà bản thân đã trải qua chỉ vì là phụ nữ, lòng Trình Bảo Linh trào lên một cơn phẫn uất chưa từng có. Lần đầu tiên trong đời, cô nghiêm túc nghĩ đến chuyện ly hôn.

 

Nhưng còn chưa kịp mở miệng, tin dữ đã ập tới – mẹ cô đột ngột qua đời vì bệnh tim.

 

Muốn phụng dưỡng nhưng không còn kịp nữa. Công việc, cuộc sống, gia đình… tất cả đã cuốn cô đi, khiến cô chẳng còn thời gian lo cho bố mẹ mình.

 

Nỗi đau như vỡ vụn. Cô ngất đi. Khi tỉnh lại, đã là năm cô tám tuổi.

 

 

“Két…” – tiếng cửa gỗ mở ra, ánh nắng buổi sáng len qua cửa chiếu vào phòng. Những hạt bụi nhỏ lơ lửng trong không khí, như đang nhảy múa trong ánh sáng dịu dàng.

 

Một cô bé tuổi thiếu nữ mặc áo bông màu lam, quần đen, tóc tết hai bím bước vào, trên tay là bát nước đường đỏ.

 

“Bảo Linh, mau dậy uống đi, còn nóng đấy!”

 

Dù đã dần chấp nhận việc mình trọng sinh, nhưng khi thấy cô gái ấy – chị hai Trình Trân Tuyết – vẫn là cô thiếu nữ mười mấy tuổi, Trình Bảo Linh vẫn không khỏi ngơ ngác. Cô uống cạn bát nước mà vẫn chưa kịp hoàn hồn.

 

Trình Trân Tuyết đưa tay sờ trán em gái, nhẹ nhõm thở phào:

“May quá, hết sốt rồi!”

 

Cô ngăn Bảo Linh đang toan xuống giường, miệng thì liên tục dặn dò:

“Đừng xuống giường, có gì để chị làm. Ba mẹ ra đồng từ sớm, chị cả thì đi đến nhà cô La ở thị trấn rồi.”

 

Vẫn là chị hai dịu dàng, chu đáo như trước. Nghĩ đến người chị ba nổi loạn của mình, Trình Bảo Linh lại hỏi:

 

“Thế chị ba đâu?”

 

“Nam Nam dậy sớm chạy đâu mất rồi, chắc lại đi chơi ấy mà. Em có đói không? Mẹ bảo chị làm cơm chiên trứng cho em.”

 

Sáng sớm mới ăn xong một bát to nước đường đỏ, bụng còn lưng lửng, Trình Bảo Linh khẽ lắc đầu:

“Em chưa đói, để lát nữa ăn cũng được.”

 

“Vậy được, chị ra sân giặt đồ, có gì thì gọi chị nhé.”

 

“Vâng, cảm ơn chị hai!”

 

Trình Trân Tuyết liếc nhìn cô đầy nghi ngờ:

“Chị em trong nhà cả mà, hôm nay em lạ lạ sao ấy.”

 

Trình Bảo Linh cười hì hì:

“Không đâu, em ngủ tiếp đây!”

 

Cô nhanh chóng nằm xuống giường. Không bao lâu sau, âm thanh "thình thịch" từ cây chày giặt đồ vang lên ngoài sân, hòa cùng tiếng gà gáy chó sủa đặc trưng vùng quê, khiến Trình Bảo Linh cảm thấy vô cùng thư thái.

 

Đã bao nhiêu năm rồi cô mới có lại cảm giác bình yên như thế này!

 

Mặt trời dần lên cao. Trình Trân Tuyết nấu xong bữa trưa rồi ra đồng gọi ba mẹ về ăn cơm. Chị cả Trình Trân Tú cũng vừa từ nhà bác La ở thị trấn trở về.

 

Cơm canh còn chưa kịp bày đủ lên mâm, một cô bé tóc cắt ngắn như con trai, da đen nhẻm gầy nhom chạy xộc vào nhà. Không rửa tay đã định nhào lên bàn.

 

Trình Trân Tú vội kéo cô bé lại:

“Đi rửa tay!”

 

Trình Nam bĩu môi lẩm bẩm rồi cũng chịu đi rửa. Trình Bảo Linh nhìn chị ba – người chỉ hơn cô hai tuổi nhưng lúc nhỏ từng như hình với bóng với cô – trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả.

 

Chị ba… người từng thân thiết nhất với cô, vậy mà kiếp trước họ đã xa nhau trọn hai mươi năm.

 

Bốn chị em gái nhà họ Trình có thể cùng ngồi bên nhau thế này, là điều mà Trình Bảo Linh trước kia chưa từng dám mơ đến.

 

Ở vùng quê này, tư tưởng trọng nam khinh nữ rất nặng nề. Nhà sinh toàn con gái, không có con trai "gánh vác gia nghiệp", liền bị hàng xóm dè bỉu, mỉa mai là “tuyệt tự”.

 

Kiếp trước, chị cả tính tình mạnh mẽ, để giúp ba mẹ chăm sóc các em mà phải bỏ học sớm, chưa đến hai mươi đã lấy chồng sang làng bên, vất vả suốt đời, chưa từng ra khỏi vùng quê nhỏ hẹp.

 

Chị hai dịu dàng thì học xong cấp hai cũng gả chồng, không may gặp phải người đàn ông vũ phu, vì con mà phải nhẫn nhịn chịu đựng.

 

Còn chị ba – cái tên "Trình Nam" là vì ba mẹ những tưởng sẽ sinh được con trai – từ nhỏ đã căm ghét cái tên ấy. Cô chưa học xong cấp hai đã bỏ nhà theo người đi Nam, trốn khỏi gia đình. Sau đó biệt tích, là nỗi đau lớn nhất trong lòng ba mẹ.

 

“Bảo Linh, còn mệt không?” – mẹ cô, bà Hà Phượng Ngọc dịu dàng hỏi, “Hay mẹ làm bát trứng hấp cho con nhé?”

 

Cô vội vàng lắc đầu, cúi xuống ăn một miếng cơm thật to, suýt nữa thì nghẹn.

 

“Ăn từ từ thôi.” – bà rót cho cô một cốc nước, tay nhẹ nhàng vỗ lưng cô.

 

Phượng Ngọc – cái tên vừa tao nhã vừa dịu dàng, đúng như con người của mẹ cô. Dáng người thanh mảnh, lời nói nhỏ nhẹ, hành xử điềm đạm, dù gần bốn mươi tuổi vẫn trẻ trung xinh đẹp. Kiếp trước, mẹ cô vì quá lo nghĩ cho các con gái mà nhanh chóng già đi…

 

Ba cô, ông Trình An Quốc gắp cho cô một miếng rau, giọng ân cần:

“Nếu vẫn không khỏe thì đừng cố chịu, chiều ba đưa con sang nhà bác sĩ Trần khám lại.”

 

Trình Bảo Linh ngẩng đầu:

“Ba, con ổn thật rồi ạ.”

 

Đối với người ba này, cô có cảm xúc rất phức tạp. Ông là người cha tận tụy, làm lụng vất vả vì các con, đổ mồ hôi sôi nước mắt để nuôi cả nhà. Nhưng ông lại luôn đau đáu giấc mộng có một đứa con trai nối dõi. Cuối cùng, ông không nhận được điều mình mong, mà các con gái cũng dần xa cách.

 

Ăn trưa xong, người vẫn chưa khỏe hẳn, Trình Bảo Linh về phòng nghỉ ngơi. Chị ba lén lút theo vào, nhét vào tay cô một thứ.

 

Ngọt lịm – là kẹo sôcôla hạt mạch nha (kẹo Malties).

 

“Ngon không?” – Trình Nam đắc ý nhìn cô, “Chị thắng được khi chơi bi với tụi nhỏ đó. Có hai viên, chia cho em một!”

 

“Ngon lắm luôn!” – Trình Bảo Linh gật đầu lia lịa, cảm thấy viên kẹo này còn ngon hơn cả socola ngoại kiếp trước từng ăn.

 

“Ước gì ngày nào cũng được ăn.” – Trình Nam nhỏ giọng thở dài.

 

Nhà họ Trình thật sự chẳng khá giả gì.

 

Là một gia đình nông dân bình thường, đất đai ít, ba cô dạy học hợp đồng ở trường làng với đồng lương bèo bọt. Sáu miệng ăn, học phí và chi phí sinh hoạt của các con đều là gánh nặng. Hàng năm còn phải chu cấp tiền dưỡng già cho ông bà nội, nên trong nhà quanh năm hiếm khi có thịt trên bàn.

 

Trình Bảo Linh vỗ vai chị ba, khẽ nói:

“Sau này em sẽ mua cho chị ăn.”

 

Trình Nam liếc cô:

“Con gái nhỏ như em có tiền sao? Ông bà nội chỉ thương cháu trai, đến tiền lì xì cũng không cho tụi mình.”

 

“Rồi sẽ có thôi.” – Trình Bảo Linh nghiêm túc đáp.

 

Trình Nam cười toe:

“Được, chị đợi em mua cho!”

 

Cơn mệt mỏi dần kéo đến, Trình Bảo Linh ngáp một cái rồi thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, cô lờ mờ nghe thấy giọng thì thầm trong phòng ngoài.

 

“Cơ thể tôi yếu, nên Trân Tú phải nghỉ học sớm ở nhà chăm các em. Tôi thấy có lỗi với con bé nhất.” – là giọng mẹ cô, pha chút nghẹn ngào.

 

Trình An Quốc đặt tay lên vai vợ, khó nhọc nói:

“Là do anh vô dụng, làm liên lụy đến con cái.”

 

“Đừng tự trách nữa.”

 

Hà Phượng Ngọc nhẹ nhàng bảo chồng lấy chiếc rương gỗ cất trên nóc tủ quần áo xuống. Bà mở ra, lấy từ trong đó một chiếc hộp trang điểm dài chừng một thước.

 

“Đây là đồ mẹ tôi để lại, nghe nói là hộp trang điểm gỗ tử đàn thời Minh muộn. Bán chắc cũng được ít tiền. Mình xem có đủ cho Trân Tú học nghề không, ba đứa nhỏ còn lại cũng tạm yên tâm khoản học phí.”

 

“Nhưng đây là món đồ duy nhất ba mẹ em để lại…”

 

“Đồ vật là chết, người mới là sống. Cứ lo xong chuyện trước mắt đã.” – giọng bà bình thản.

 

Trước mười bốn tuổi, bà từng là tiểu thư con nhà giàu, sống trong cảnh cơm bưng nước rót. Nhưng cha mẹ bà nhìn ra thời thế, những năm sáu mươi liền mua vé tàu từ Thượng Hải vượt biển sang Hồng Kông. Chỉ có ba vé, họ mang theo con trai, để lại con gái cho họ hàng xa nuôi nấng. Từ đó mất liên lạc.

 

Bà trở thành cô nhi, chịu đủ thiệt thòi. Những gì cha mẹ để lại cũng dần thất lạc theo thời gian, chỉ còn mỗi chiếc hộp gỗ trang điểm cũ kỹ này là tồn tại đến nay.

Trình Bảo Linh nín thở lắng nghe cuộc trò chuyện của ba mẹ, dây thần kinh trong đầu cô căng như sắp đứt.

Cô vẫn còn nhớ chiếc hộp trang điểm ấy – lúc nhỏ từng lén lấy ra chơi đồ hàng với các chị.

Chính là chiếc hộp gỗ tử đàn đó… suýt nữa đã gây ra một trận sóng gió.

 

Tuyệt đối không thể bán nó đi được!

Chú thích:

Giường cót (hay còn gọi là giường cót sợi cọ hoặc giường cót dây) là loại giường truyền thống trước đây rất phổ biến ở nông thôn và thời kỳ bao cấp tại Việt Nam cũng như Trung Quốc. Giường được làm theo kiểu:

 

Khung bằng gỗ chắc chắn,

 

Mặt giường đan bằng sợi cót (sợi từ cây cọ, hoặc sợi mây, tre), căng ngang tạo độ đàn hồi,

 

Có độ mềm và thoáng khí, nằm khá êm ái so với ván gỗ cứng, lại không bị nóng như nệm.

 

 

Giường cót thường có tiếng kêu "kẽo kẹt" đặc trưng khi xoay người. Loại giường này hiện nay đã hiếm thấy do giường nệm hiện đại, giường lò xo đã thay thế dần.

break
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc