Cửa hàng thực phẩm mang tên “Công Chúa” đã đóng cửa từ lâu. Tarzan bấm chuông rồi đứng lùi xa căn nhà một chút bởi Gaby có thói quen là phải nhìn thấy mặt người bấm chuông mới chịu mở cửa. Sự thận trọng của Tarzan đâm ra thừa, sau rèm cửa không phải là cô bé mà là bà Glockner.
Tarzan vui vẻ:
- Chào cô ạ, cháu vẫn chưa gặp được Gaby.
Tiếng bà thật dịu dàng:
- Con bé vẫn chưa về cháu ạ.
Tarzan liếc đồng hồ:
- Ông Sauerlich đang chờ cháu đến ăn cơm bên đó.
- Cô hiểu. Cháu cứ đến chỗ bác ấy trước đi rồi gọi điện về đây sau. Không hiểu sao mà hôm nay Gaby về trễ thế, cô phải thay nó cho con Oskar đi vệ sinh đấy.
- Gaby là một cô bé rất tôn trọng giờ giấc, cháu đoán rằng bạn ấy chắc gặp chuyện rắc rối lớn mới chậm về như vậy. Thôi, cháu đành đạp một vòng nữa xem sao đã rồi mới ghé nhà bác Sauerlich.
- Nhớ gọi điện cho cô nghe Tarzan!
Tarzan dạ ran. Con ngựa sắt lại chồm lên theo hướng ngược lại. Cho dù Gaby đủ thông minh và bản lãnh để đối phó với mọi tình huống nhưng Tarzan cảm thấy bồn chồn. Trời ạ, suốt đoạn đường dọc Khu Phố Cổ vẫn không thấy có bóng dáng cô bé, hắn buồn bã đạp thẳng xe tới dinh biệt thự của gia đình sôcôla. Đây là tổ ấm của hắn mấy ngày nghỉ này trước khi hắn nhổ neo cùng Tam quái sang Lugano.
Chặng hành trình du lịch sắp tới cũng khá lắt léo. Do phải giải quyết một số công việc ở Duyarich nên ông chủ hãng sôcôla Sauerlich sẽ chở Tứ quái tới đó bằng xe Jaguar. Sau đó bọn trẻ mới đáp tiếp tàu hỏa tốc hành tuyến Brussel-Mailand bởi ngôi nhà nghỉ vùng Lugano nằm trên tuyến đường này. Tất nhiên là ông Sauerlich sẽ tới đó vào sáng hôm sau lúc đã giải quyết xong chuyện làm ăn buôn bán.
Hắn đạp xe qua cổng nhà bá tước Pletvailo để tiến vào gia trang Sauerlich mà tâm hồn để tận đâu đâu. Hình như ông bá tước hàng xóm này cũng có một ngôi nhà nghỉ ở Lugano theo lời bác Sauerlich kể, và hình như Pletvailo bị tai nạn một cách lãng xẹt. Hôm ấy bác Sauerlich kể mà ráng nín cười. Coi, tự nhiên ông bá tước đãng trí nhảy xuống hồ bơi mà quên rằng hôm trước mình đã cho tháo hết nước ra để tổng vệ sinh. Thế là…Pletvailo lãnh đủ một chân bó bột đến tận đùi và đau khổ chống gậy cả tuần lễ.
Tròn Vo bổ sung:
- Ống bá tước muốn nhắn bà vợ bên Lugano về để săn sóc cho ông ta nhưng bà ấy chẳng chịu về. Vì vậy kì này chúng ta phải chuyển quà tặng của ổng cho bà vợ cà chớn vậy.
Đúng là tình nghĩa phu thê thời kinh tế thị trường. Tarzan ngao ngán nghĩ thầm. Xe đạp hắn dừng trước cửa lãnh địa Sauerlich. Ê, cậu quý tử Tròn Vo từ phía trong ục ịch chạy ra.
- Sao giờ này mới tới hả đại ca? Ngoài phố có nóng lắm không?
- Đâu mà chẳng nóng.
- Tao ngồi suốt trong bể bơi. Chỉ ở trong đó là dễ chịu mà lại chóng đói. Đại ca có định đi bơi không hay ăn cái đã?
Tarzan lắc đầu:
- Để tao gọi điện về nhà Gaby đã, vừa rồi có gặp được đâu.
Tròn Vo hôm nay diện quần soóc màu vàng, áo thun ba lỗ màu tím. Dạo này nó lại có hội chứng si mê màu tím. Trông cu cậu sặc sỡ như một con két.
- Cất xe đạp vô gara đã đại ca.
- Ờ, tí nữa tao quên kể chuyện này cho mày. Chuyện tên móc túi làm tao xém chết hôm thứ ba ấy. Tao mới tóm được nó.
- Sao, sao?
Thằng mập thô lố mắt cho đến lúc Tarzan kể xong. Nó toe miệng:
- Mày ngu quá, sao không lấy tiền đền ơn đáp nghĩa của nạn nhân chớ?
- Trời đất, trước giờ tao chưa từng nghe mày đề cập đến chuyện ruồi bu này.
- Trước khác, giờ khác. Tại sao mày không dùng tiền hậu tạ đó tồi mua sôcôla ban ơn cho tao. Biết đâu tao sẽ mang ơn mày rồi hậu tạ tiếp tục. Cứ như thế tụi mình có kẹo xơi dài dài.
- Đồ mập!
Hai thằng đi qua phòng làm việc của ông Sauerlich. Vị gia chủ nhìn chúng hiền triết lạ lùng. Ông chỉ có ánh mắt hiền triết như vậy lúc đánh chén xong. Rõ ràng ông đã chén đẫy dưới bếp.
Sauerlich xoa xoa cái bụng trống chầu.
- Mới về hả Tarzan?
- Dạ…
Hai thằng bay qua phòng khách. Tarzan nhấc máy điện thoại:
- Có phải cô Margot không ạ? Dạ, cháu không gặp Gaby ngoài đường…
- Lạy Chúa, sao mãi giờ này con bé vẫn chưa về, cô lo quá.
- Gaby không phôn cho cô ư?
- Không. Hôm nay chú Glockner lại trực ca đêm. Lỡ có bề gì thì…
- Cô hãy bình tĩnh, mười phút nữa cháu sẽ gọi lại.
Tarzan buông máy xuống ngó đồng hồ thẫn thờ.
*
Tòa nhà chìm trong yên lặng. Gaby bị trói gô trên chiếc ghế bành của ông giám đốc nhà băng. Cô gần như nghẹt thở bởi một đống giẻ nhét đầy họng. Vết trói ở cổ tay và cổ chân như dao cứa vào thịt cô.
Điên rồ! Bọn cướp kia muốn giở trò gì đây? Chúng định phá tung két sắt à? Muốn phá tung két sắt thì chỉ có thể dùng thuốc nổ, và như thế liệu tòa nhà này sẽ ra sao, chưa kể bà cụ Angermann. Bà cụ chắc cũng bị bọn cướp bịt miệng?
Một loạt câu hỏi làm Gaby quay mòng mòng. Cô chỉ ngừng suy nghĩ khi nghe tiếng chân người. Coi, cánh cửa buồng giam mở ra, tên mặt sẹo bước vào cười nhăn nhở:
- Sao vậy? À, ừ nhỉ. Hề hề, để tao gỡ mớ giẻ cho nhé.
Mớ giẻ vừa được mở ta, Gaby nói ngay:
- Các ông thật tồi tệ, làm như vậy để làm gì chớ?
Gã mặt sẹo nói tiếng Đức khá lưu loát:
- Đừng hỗn, cháu bé. Chẳng qua là mày gặp tai bay vạ gió thôi.
- Làm việc thiện không thể gọi là tai bay vạ gió được.
- Mày lẻo mép nhỉ, nhờ việc thiện của mày mà tụi tao biết được trong nhà băng còn có người ở.
Hề hề, có lẽ bà già bị điếc nên lúc tụi tao cho nổ mìn chẳng thấy bà già phản ứng gì.
- Hả? Các ông đã phá két sắt rồi à?
- Rồi, nhưng mà chưa, lúc mày sắp bước vào thì tụi tao đã nổ xong cánh cửa buồng két sắt. Còn cái két tao dại chi phá chứ, phá bằng mìn tiêu hết ngọc ngà châu báu làm sao chia, hê hê. Tụi tao có chìa khóa vạn năng mở 150 ngăn kéo trong két, phi vụ tế nhị này cần tới lòng kiên nhẫn. Có lẽ ngày mai mới xong đại sự.
- Tôi không tin bà Angermann không nghe tiếng nổ. Biết đâu lúc này cảnh sát đang trên đường kéo đến đây?
Gã mặt sẹo cười hô hố:
- Mày đừng hù tao, nhãi ranh. Bà già cứu tinh của mày điếc đặc. Bằng chứng là hồi nãy tao ghé phòng bà ta trả cái bóp từ thiện của mày, bà già cứ ngớ ra cảm ơn tao rối rít. Bà lão còn đếch biết mình bị móc túi nữa kia.
Gaby thất vọng:
- Tôi đã tìm thấy cái ví trong thùng rác.
- Đáng đời mày, trong bóp không có xu mày lượm làm gì để chuốc họa vào thân.
- Nhưng tôi thấy tội nghiệp bà, nên tính đem trả cho bà. Chẳng lẽ vì vậy mà các ông giam tôi ở đây đến sáng thứ hai sao?
- Còn phải hỏi, tụi tao cần phải lặn êm đã nhóc ạ.
Gaby đột nhiên đổi giọng rụt rè:
- Tôi có một đề nghị thế này…ông có thể báo cho gia đình tôi hay rằng tôi bị “bắt cóc” đến sáng thứ hai được không? Tất nhiên tôi muốn nói chuyện trực tiếp với bố mẹ nhưng đời nào ông đồng ý. Vì vậy ông hãy báo rằng tôi bị giữ đến sáng thứ hai, rằng tôi khỏe mạnh để bố mẹ tôi đỡ lo. Ông hãy giúp tôi việc đó.
- Thế tên cô cháu là gì?
- Tôi tên là Gaby Glockner, số điện thoại…
- Khoan đã, bố mày làm nghề gì?
Gaby nuốt nước bọt. Nói dối ăn thua gì. Chỉ cần chúng xem danh bạ điện thoại là biết ngay thôi mà.
- Ba tôi là chánh thanh tra cảnh sát hình sự Tổng nha.
Tên mặt sẹo có vẻ hoảng hốt ra mặt:
- Mày…mày là con nhà cớm à?
Gaby gật đầu.
- Chậc chậc, thế thì tao chẳng đút đầu vô rọ đâu. Ngộ nhỡ nhà mày có thiết bị theo dõi máy gọi đến thì sao chớ?
- Nhà tôi không có.
- Tao chẳng tin được.
- Tôi nói dối làm gì kia chứ.
Gã mặt sẹo sa sầm. Ngôn ngữ gã lúng túng thấy rõ.
- Tại sao tao lại phải nghe mày gài nhỉ, nhóc?
- Nếu ông cho đó là gài thì tôi đưa số điện thoại khác vậy. Tôi có vài người bạn cùng đi nghỉ hè vào chủ nhật tới đây. Ông hãy phôn cho bác Sauerlich, chủ nhà máy sôcôla xin gặp Willi hoặc Tarzan. Cụ thể là Tarzan, bạn ấy sẽ báo tin cho cha mẹ tôi mà ông khỏi cần bị phiền phức.
- Ừ…ừm, giải pháp tương đối ổn đó. Nhưng đợi tao suy nghĩ đã.
Gã mặt sẹo nói là nói thế thôi chớ còn lâu mới có thì giờ tư duy. Ê, lúc Gaby đọc số phôn là tay gã quay điện như cái máy, gã cũng không thể hiểu nổi lý do mình lại phục tùng con nhỏ một cách lãng nhách như vậy.
*
Trong phòng khách của gia trang Sauerlich, Tarzan sốt ruột đến điên người. Chỉ còn một phút nữa là hắn đã phải gọi điện cho bà Margot Glockner mà tin tức về Gaby vẫn mù mịt sa giang.
Còn ba mươi giây nữa, hắn vừa thò tay vào máy thì bỗng nhiên chuông điện thoại rên vang.
- Alô, đây là tự gia ông Sauerlich. Xin lỗi, ông là ai?
- Ai cầm máy đó?
- Tôi là Peter Carsten.
- Tôi muốn nói chuyện với một người tên là Tarzan. Cậu ta có ở đây không?
Tarzan chới với. Giọng gã đàn ông thô lỗ này nghe quen kinh khủng, chất giọng lơ lớ của gã lai căng tiếng ngoại quốc mà hắn đã thưởng thức tối thiểu một lần. Hắn ngập ngừng:
- Tôi chính là Tarzan đây.
- À, vậy cậu có biết ai tên là Gaby Glockner không hả?
- Tất nhiên là có. Gaby là bạn gái tôi.
Gã đàn ông cất tiếng khàn khàn:
- Cậu chớ có lo lắng về sự vắng mặt của cô bạn nhá, nó vẫn bình an vô sự. Cậu hãy nhắn cho bố mẹ cô ấy biết như vậy.
Tarzan hét toáng lên:
- Thế là thế nào? Gaby hiện ở đâu? Ông hãy cho tôi nói chuyện với Gaby.
- Đừng có hét lên thế. Hiện tại bọn ta giam giữ bạn gái cậu đến sáng thứ hai. Vì sự an toàn của bọn ta nên buộc phải làm như vậy. Ta không thể nói thêm được nữa.Cậu hiểu chớ?
- Tôi chẳng hiểu gì cả. Ông là ai?
- Bạn gái của cậu tình cờ tới chỗ bọn ta, cô ấy đã quan sát bọn ta… Tóm lại là không thể để cô ấy tự do được. Nhưng cậu có thể nói với bố mẹ cô ấy rằng sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra cả. Thế thôi.
Tiếng “cộp” trong ống nghe như một mũi dao xuyên vào tim Tarzan. Hắn cảm thấy như máu đang đông đặc lại. Vậy là Gaby đang ở trong tay bọn tội phạm. Nhất định là như thế. Gaby đã tình cờ chứng kiến việc làm của chúng. Và chúng giữ Gaby lại để có thời giờ tẩu tán.
Tarzan gục đầu xuống. Hắn chỉ ngẩng lên khi giọng Tròn Vo líu lo sát bên.
- Ăn thôi, đại ca, ngon hết sảy.
Tarzan lắc đầu:
- Tao không thể ăn được. Gaby đang bị kẹt rồi. Bọn bắt cóc vừa phôn cho tao.
Tròn Vo há hốc mồm, nó không hiểu được gì nữa, nó bảo Tarzan nói lại, nhưng hắn đã cầm máy điện thoại, quay số tới Tổng nha cảnh sát, xin nói chuyện trực tiếp với thanh tra Glockner.
*
Ngân hàng Seidl-Brinkheym chìm trong tĩnh mịch. Bọn trộm không dám bật đèn vì sợ lộ. Hai thằng Carlo Arguno và Luciano Vinelli đang ở dưới tầng hầm, ra sức mở các ngăn kéo. Chúng đã mở được hơn 100 ngăn. Giờ thì chúng hí hửng trút mọi vàng bạc châu báu vào một cái bao.
Gã mặt sẹo tên thật là Ricardo Paccalone, 39 tuổi, sinh ở Mailand bắc Italia. Ở Italia người ta biết gã là một thương gia cư trú tại Catagnola, một vùng ngoại ô của Lugano. Trong tay gã có một xưởng sửa chữa ôtô, một nhà trọ loại khá, một hiệu giải khát ngay bên bờ biển và một cửa hàng dịch vụ cho thuê xuồng, ấy là chưa kể Paccalone còn làm chủ một du thuyền sang trọng dài 40 mét quanh năm neo ở hai cảng xinh đẹp Portofino thuộc Địa Trung Hải.
Mới nghe qua đời sống vương giả của Paccalone ai lại nghĩ rằng gã là một tên trong bọn chuyên cướp nhà băng hả? Ấy thế mà gã là sếp sòng đấy, sếp sòng không phải bây giờ mà từ hàng tá phi vụ trước. Không đi ăn cướp thì lấy tiền đâu mà mang tài sản đến thế kia?
Lúc này Paccalone đã quay ra. Gã liếc xem cánh cửa phòng giám đốc đã đóng kín chưa rồi phôn cấp tốc. Gã gọi điện thoại đường dài cho thằng Jean-Claude Neflet ở Brussel.
Neflet không xa lạ gì đối với thế giới ngầm châu Âu. Y là ông trùm kinh doanh hàng hóa chôm chỉa mánh mung của bọn đạo tặc. Mạng lưới tiêu thụ của y lan sang cả Trung Cận Đông và Bắc Phi. Y “ngậm” và đầu cơ tranh ảnh, đồ mỹ nghệ cho đến súng ống, giấy thông hành lẫn tiền giả. Y còn cao cơ hơn cả sếp Paccalone một bậc nhờ bộ dạng trí thức và thành thạo 5 thứ tiếng Pháp, Hà Lan, Italia, Đức, Đan Mạch. Sự có mặt hợp pháp của y ở đây làm cảnh sát Bỉ ăn không ngon ngủ không yên.
Y đợi cho chuông reo đến lần thứ 9 mới chịu cầm máy. Chứ sao, bởi vì y là trùm Neflet. Một ông trùm có cỡ bao giờ lại chẳng nhờ đàn em van xin.
Tuy nhiên người gọi phôn lần này không nằm dưới trướng y. Gã có tên là Paccalone, găngxtơ hảo hạn hẳn hoi.
- Chào ông trùm Neflet.
- Chào sếp Paccalone. Sao rồi?
- Ồ, tôi điện cho anh như đã giao hẹn đây. Phòng anh có “bọ” không đó?
- Ha ha, chẳng có một cái “ăng-ten” nào. Bọn cảnh sát Bỉ đã không buông tha cho tôi sau một trận quần tơi tả, số là khi tôi xuất hiện ở đây thì 5 bức tranh trong Bảo tàng quốc gia Bỉ mọc cánh. Chúng cứ tưởng tôi mó tay vào chớ. Ai mà dám làm bậy vậy hả Paccalone? Ăn trộm tranh của danh họa Hà Lan là rục tù như chơi. Thật là một sự xúc phạm danh dự trắng trợn, tôi bảo thẳng vào mặt chúng như vậy.
- Nghĩa là ông anh đếch thò vòi bạch tuộc?
- Chứ gì nữa. Chôm những họa phẩm độc nhất vô nhị ấy dễ bể lắm. Tôi bán cho ai bây giờ?
Paccalone cười văng nước bọt.
- Mẹ kiếp, ông anh tính qua mặt tôi chắc? Tôi dám cá độ rằng ông anh đẩy được mớ tranh ấy cho bọn vua Ả Rập đấy. Hê hê, lúc vờ tờ báo đọc xong vụ mất trộm tranh là tôi biết đây là tác phẩm của thằng cha Jean-Claude. Nói thật đi, có phải cậu không?
Neflet cười rung cả người:
- Trời, không tao thì thằng chó nào chớ. Hà hà, đúng là tao làm vụ đó, mày biết thì dán băng keo nơi mồm giùm tao.
- Nhưng đệ vẫn chưa biết ông anh bán cho ai?
- Mày rành sáu câu mà còn vờ vịt.Năm bức tranh xịn ấy đang treo trong một tòa lâu đài gồm 200 phòng của một thằng lãnh chúa dầu hỏa sa mạc. Thế nào lão lại khoe với đám vương tôn công tử châu Âu hả, nhưng kệ mẹ lão lãnh chúa, chủ yếu của tao vẫn là tiền. Tiền trao cháo múc. Thế phi vụ mày ra sao, mày đã đột nhập vào nhà băng rồi hả?
- Rồi. Vừa vặn một tiếng rưỡi đồng hồ. Hai thằng đệ tử Carlo và Lucianno được việc lắm. Chúng đang “hốt hụi” cú chót ở các ngăn kéo.
- Xin chúc mừng thành quả của mày. Tao đã có mồi tiêu thụ mớ châu báu đó ngay lập tức.
- Ôkê. Tụi này sẽ giao hàng tận tay.
- Bao giờ mày qua đây?
- Chiều mai. Tôi phải thu xếp một vài công việc vặt.
Neflet thở mạnh:
- Mày mà chậm trễ là tao vù đấy.
Paccalone rống lên:
- Cấm xù chớ ông anh. Ông anh có nghĩa vụ ở yên tại chỗ và đặt phòng khách sạn cho tụi này. Nhất định tụi tôi sẽ có mặt vào thứ bảy để kịp chuyến tàu đêm Brussel-Mailand. Tôi muốn ngửi tiền vào sáng thứ hai.
- Chà chà, mày có vẻ nhớ mái nhà xưa quá ha.
- Còn phải hỏi, quê nhà ai không nhớ chớ.
- Tao đoán hồ Lugano chỗ mày ở chắc nên thơ lắm, đáng tiếc là tao chưa đặt chân tới đó bao giờ.
Paccalone cười xòa:
- Tôi sẽ mời ông trùm ghé tệ xá chơi, tuy nhiên chuyện đó chỉ xảy ra khi tôi xong việc đã.
Này, chuẩn bị thật nhiều tiền nhá. Bọn tôi mang theo một mẻ lớn đó.