Karl đã chờ sẵn. Nó ngồi trên xe đạp, một chân chống xuống vỉa hè, đang lau cặp kính gọng kền.
- Tao đây, - Tarzan xuống xe. – Willi đâu?
Chiếc xe lấm lem của Tròn Vo dựa cạnh một quầy kính trưng bày các cảnh trong phim của một rạp chiếu bóng.
- Nó phải đi mua sôcôla gấp, - Karl cười, - đằng cửa hiệu kia kìa. Tao chưa bao giờ thấy Willi của chúng ta xúc động tợn như vậy. Có chuyện gì đó đã xảy ra. Willi vừa nói là suốt sáng nay nó ở Tổng nha cảnh sát.
- Lạ nhỉ! – Tarzan nói.
Willi vừa chạy qua đường, vừa nhét hai phong sôcôla vào hai bên túi quần.
- Căng thẳng mà thôi à! Cuối tuần qua ở Kopenhagen là cả một địa ngục. Bà cô Prisnella suýt giết chết tao. Bọn mày thử tưởng tượng: bà ấy tổ chức sinh nhật lần thứ chín mươi chín suốt hai ngày ròng. Mà lúc nào cũng khiêu vũ. Nhảy vanxơ triền miên. Tao nghỉ dưới mái tóc bạc như cước của bà ấy không được ổn cho lắm. Có ai gần kề miệng lỗ rồi mà còn nhảy vanxơ hàng tiếng liền bao giờ? Vì bà cô Prisnella thấy tất cả những bạn nhảy khác đều quá lờ đờ, nên cứ nhất định muốn anh chàng trẻ trai nhất khiêu vũ với mình. Mà anh chàng đó là tao đây. Bây giờ chân tao còn nhiều vết phồng rộp hơn là tóc trên đầu. Tụi mày biết đấy, nào tao có biết nhảy vanxơ cho cam. Bà Prisnella cũng đâu biết khiêu vũ nửa. Nhưng đá chân thì chẳng kém gì một trung phong của một đội tuyển bóng đá quốc gia.
Tarzan cười:
- Cuộc đời có thể khắc nghiệt thế đấy. Nhưng có việc gì mà mày lại phải gặp cảnh sát?
Tròn Vo bóc một phong sôcôla, cắn ngon lành:
- Chưa đến phần rủi nhất. Và tao cảm thấy mình có lỗi phần nào. Mặt khác, cũng chẳng phải tại tao. Vì nếu không bị căng thẳng bởi những điệu vanxơ, thì nhất định tao đã phản ứng khác hẳn. Tao buộc phải thấy lỗi lớn là của ông bố thân yêu của tao. Lẽ ra phải giúp tao thoát khỏi bà cô Prisnella, thì ông lại cười thoái thác rằng bị đau khớp đầu gối trái, và chỉ khiêu vũ với bà ấy mỗi một vòng. Sáng nay, khi nhà tao xuống sân bay ở đây, tao hoàn toàn kiệt sức.
- Aha. Rồi sao?
- Như tao vừa nói đấy: phần rủi nhất… ôi, ôi, ôi !
- Mày có định kể cho xong ở đây không? – Tarzan hỏi. – Hay sẽ kể dọc đường? Hay đến nhà Gaby mới kể?
- Tao mừng vì Alice đang ở nhà Công Chúa. – Tròn Vo thở phì phì. – Có đúng không hở? Nếu quả thực Alice có tài vẽ như tao nghe nói thì nhất định cô ấy phải vẽ ra một bức chân dung của thủ phạm. Theo sự mô tả của tao. Giống như cảnh sát vẫn làm ấy. Tao kể luôn nhé?
- Tụi này nghe đây.
- Tao bắt đầu luôn đoạn kết. Phần đầu tao đã kể rồi.
- Cái chính là mày làm ơn bắt đầu ngay cho - Tarzan sốt ruột.
Tròn Vo lại cắn sôcôla, vừa nhai vừa nói:
- Máy bay hạ cánh. Mẹ, bố, và tao cùng đi ra chỗ lấy hành lý. Nhưng chỉ lấy vali thôi. Còn cái hộp của mẹ tao thì bà mang kè kè bên người. Tụi mày đoán được tại sao không hở?
- Chịu, - Karl đáp. – Kể đi!
- Chả là trong những dịp gặp gỡ họ hàng, ai cũng khoe những gì mình có. Thứ nhất là để chọc tức tí chơi những ông chú bà dì mà mình vốn không ưa. Thứ hai: những vật quý còn đâu là quý, nếu cứ nằm lỳ trong két. Chuỗi hạt kim cương là để đeo lên cổ, đôi khuyên nạm kim cương là để làm đỏm đôi tai, và vòng đeo tay…
- Vô vấn đề đi! – Tarzan ngắt lời.
- Thì tao đang sắp nói đây. Mẹ tao mang theo cả cân vàng, bạch kim và đá quý. Chẳng phải để phô trương, mà là để tỏ ra kính trọng bà cô Prisnella. Toàn bộ số đồ trang sức để trong cái hộp đó.
- Aha! – Karl và Tarzan cùng thốt lên.
- Chú lái xe Georg đợi bên ngoài, chú ấy bao giờ cũng tuyệt đối đúng hẹn.
- Cả nhà tao đi ra xe. Cố nhiên chú Georg hỏi chuyến bay có tốt đẹp không. Rồi chú xách vali cho bố mẹ tao. Riêng tao, kẻ mệt mỏi nhất, lại phải tha lấy vali của mình. Phải, rồi mẹ tao sực nhớ bà để quên chiếc xắc tay trong sảnh sân bay. Thế là cả ba người lớn quay vào tìm. Chỉ có tao ngồi lại trong xe. Thì phải có một người ở lại trông chứ.
- Trông gì? – Karl hỏi.
- Trông những chiếc vali để trong cốp xe, đặc biệt là hộp nữ trang của mẹ tao. Bà đặt nó bên cạnh tao, trên ghế sau xe.
Tròn Vo thở dài não nuột, mặt đăm đăm nhìn vào phong sôcôla, bàn tay rảnh cứ hết kéo lên lại kéo xuống khóa chiếc áo gió.
- Kể tiếp đi! – Tarzan giục. – Cho dù đã xảy ra chuyện gì đi nửa, mày cũng đừng ngượng.
- Tao chỉ muốn chui xuống đất.
- Vậy là mày phải để ý trông hộp nữ trang, - Karl nhắc bạn trở lại đề tài câu chuyện.
- Ừ. Nhưng tao vừa căng thẳng, vừa mệt! Tao rụt đầu lại và ngủ thiếp tức thì. Thậm chí còn mơ nửa. Nhưng chuyện mơ này không quan trọng, hở? Chỉ biết tao bỗng thức giấc, nhưng chỉ hé mắt phải. Tao thấy một kẻ mở cửa sau xe. Ối chao, đó là kẻ nhếch nhác nhất trong mọi kẻ lang thang. Tao không hề mở mắt trái. Vì cái mặt ấy chẳng bõ nhìn.
- Rồi sao?
- Gã đặt chiếc áo măngtô tã xuống cạnh tao và toan lên xe. Nhưng rồi cái đầu óc ngu muội của gã chợt sáng ra. Đây có phải xe taxi không? Gã hỏi. – Tao đáp: Không phải taxi. Thứ nhất: taxi bao giờ cũng màu trắng, thứ hai: đây là xe riệng của nhà tôi. Rõ chưa? Các cậu ạ, tuy tao có mệt thật, nhưng cảnh giác đáo để. Loại người như gã phải xua ngay, không lại xin xỏ cho mà xem. Gã lang thang xin lỗi, nhấc chiếc áo khoác tã lên và sập cửa xe lại. Tao lại ngủ tiếp đi.
Tarzan thở dài:
- Rồi mọi người quay ra, và mẹ mày nhận thấy cái hộp nữ trang bị mất. Vì gã kia đã nẫng mất nó, khi cầm chiếc áo khoác tã của gã lên chứ gì.
- Không phải mẹ tao, mà là bố tao đã phát hiện ra cái hộp bị mất. Mẹ tao khi đó còn mải kiểm tra xem mọi thứ trong xắc tay có đủ không.
Tai hoạ! Tarzan nghĩ. Đích là lỗi của Tròn Vo. Nhưng bản thân nó cũng biết như vậy, nên tốt nhất lúc này là không đả động đến chuyện ấy, kẻo nó suy sụp tinh thần.
- Cảnh sát ở sân bay lập tức truy tìm gã lang thang, - Tròn Vo tiếp tục. – Nhưng vô hiệu. Có lẽ gã đã nấp trong một thùng rác nào đó. Số đồ nữ trang giá trị lớn đến đâu, tao không thể nói được. Nếu gã kia bán đi, gã sẽ thừa tiền tậu một ngôi nhà hoặc hai cỗ xe Rolls Royce, hoặc… Mẹ tao khóc như mưa. Còn bố tao phải uống vài giọt thuốc an thần. Chú Georg thì hầu như không lái được xe nửa. Suýt nửa chú đâm sầm vào một cây đèn hiệu. Các bạn ơi, tao xấu hổ lắm! Tao tình nguyện nhịn tiêu vặt cho tới tuổi thành niên. Nhưng điều đó cũng chẳng an ủi nổi mẹ tao.
- Sau đó gia đình mày đã đến sở cảnh sát, - Tarzan nói, - tao nghĩ chắc có gặp bố của Gaby.
Tròn Vo gật đầu:
- Thanh tra Glockner đã cố gắng hết sức. Tao phải xem ảnh bọn có tiền án tiền sự lưu ở sở cảnh sát cả tiếng đồng hồ. Không thấy gã. Sau đó người ta muốn dựng chân dung gã theo sự mô tả của tao. Nhưng người chuyên vẽ chân dung lại vừa bị gãy tay hôm thứ sáu. Cái anh chàng vẽ thay đúng là đồ vô tích sự, thử vẽ cả chục lần mà vẫn chẳng ra hồn. Khi thì trông giống một chính khách, khi lại giống một siêu sao nhạc rốc. Chú Glockner nói rằng tao nên bình tâm lại, đến mai thử thêm lần nửa. Hy vọng tới khi ấy tao chưa quên sạch!
- Vậy trông gã ấy như thế nào?
- Mặt gã… trông giống một quả chanh.
- Chín vàng à?
- Không, chanh héo. Đã vắt kiệt nước.
- Này, Willi, - Karl nói, - theo tao, ý mày muốn nhờ Alice, bạn của Gaby, vẽ chân dung gã là hay đấy. Có thể sẽ thành công, và tụi mình có cơ sở để tìm gã. Nghe nói Alice vẽ giỏi lắm.
Tarzan xem đồng hồ:
- Alice vừa mới từ Bruessel, nơi cha mẹ cô ấy ở, sang đến đây. Nếu tụi mình đến quấy rầy quá sớm, tao nghĩ Gaby và Alice sẽ tống tụi mình đi ngay. Tao đề nghị: tụi mình hãy đạp xe qua khu Rhodenacker đã. Gần đây, khu đó đầy tai tiếng: buôn bán ma tuý, những quán rượu tồi tệ, những ổ bạc, những cơ sở tiêu thụ đồ trộm cắp. Tụi mình ngó qua chỗ đó một chút có thiệt hại gì đâu !
*
Để xem Alice Theisen là người thế nào, Tarzan nghĩ.
Không ai trong ba quái nam biết cô gái 16 tuổi này. Ngay Gaby cho tới nay cũng mới chỉ có một tấm ảnh của Alice. Hai cô bắt đầu trao đổi thư từ kết bạn từ ba năm nay. Họ viết cho nhau bao nhiêu lá thư. Lần nào nhận được thư của Alice, Gaby cũng mừng rỡ. Alice viết từ khắp nơi trên thế giới: từ New York, rồi Mexiko-City, rồi Rom, hay Singapur.
Không phải vì Alice thích đi du lịch, mà bố cô, giáo sư Theisen là một nhà hoá sinh nổi tiếng, lãnh đạo nghiên cứu trong một dự án cộng đồng châu Âu. Do nhiệm vụ của mình, ông luôn đi đây đó; và nếu có thể, là mang vợ con theo. Alice đã trông thấy cả nửa thế giới, nhưng vẫn chưa thạo ngữ pháp tiếng Đức.
Từ lâu Alice vẫn mơ ước có dịp đến thăm Gaby. Sáng nay cô vừa đáp máy bay đến thành phố này. Chắc Gaby kể cho Alice cơ man là chuyện về “ ba chàng ngự lâm”. Alice định ở đây hẳn một tuần. Phòng của Gaby đủ chỗ cho hai đứa. Lớp 10A cũng còn chỗ. Vì từ ngày mai, Alice sẽ dự giờ với lớp.
- Tụi mình sẽ đạp qua ngõ Springflut, - Tarzan nói, - ngõ này quá hẹp nên cấm ôtô. Trong ngõ toàn những tiệm rượu tồi tệ. Tồi tệ nhất vẫn là quán “ Nửa Tai”. Những kẻ lang thang trong thành phố thường mò đến đó nốc rượu. May ra gã ăn cắp…
- Tao buộc phải làm mày thất vọng, - Karl vội bảo. – Nếu mày đến đây chỉ vì việc ấy thì phí công rồi. “Nửa Tai” đã thay đổi hoàn toàn.
- Sao kia? – Tarzan nhướn lông mày.
- Tên nó vẫn là “Nửa Tai” đấy thôi, - Tròn Vo nói.
- Đó là tên quán - Karl giải thích – Quán này có trên một thế kỷ rồi. Hồi đó, chủ quán nổi tiếng thô bạo. Không ưa ai là ông ta tống cổ liền. Thế rồi, khoảng năm 1890, đã xảy ra một vụ xô xát lớn. Một tên say rượu đã cắn đứt nửa tai chủ quán. Sau đó ông ta đổi tên quán từ “Trung Thành” sang “Nửa Tai”.
- Nay quán đã thay đổi hoàn toàn à? – Tarzan hỏi, - Thí dụ?
- Tao đọc báo, - Karl kể, - thấy viết người chủ quán cuối cùng đã bán quán cho một chủ mới tên là Dobbel. Tên “Nửa tai” vẫn giữ nguyên, nhưng khách thì khác hẳn. Những kẻ lang thang, những bọn mờ ám bị cấm cửa; bọn du đảng, côn đồ, vô gia cư cũng không được bén mảng tới. Chủ quán mới chỉ tiếp loại khách sang chuyên dùng rượu sâmpanh.
Lúc này đã xế trưa. Bên cửa quán treo tấm biển “HÔM NAY NGHỈ”.
Khi Tarzan đến cách tấm cửa xoay chừng ba bước chân thì bỗng thấy một cái bóng – hay một búi quần áo – bay từ trong cửa ra ngõ. Không, một người đàn ông. Ông ta bay ra ngõ, đập mạnh bụng xuống đất, mặt sấp trên nền bêtông. Lúc này ông ta lật nghiêng người. Tarzan thấy má ông ta sây sát, rướm máu.
Cái kẻ đã tống cổ con người khốn khổ đó trông khác hẳn: thân hình chắc nịch, tóc nhuộm vàng, nước da rám nắng nhân tạo trong phòng kín. Hàng ria đen nhánh như lông quạ. Cặp mắt xanh lơ lạnh lùng. Gã mặc bộ complê lụa màu kem, áo sơ mi đen, cà vạt màu nhũ vàng. Chân xỏ đôi giày da bóng lộn.
Mũi giày ấy đá mạnh vào sườn kẻ lang thang.
- … Lần sau ta vặt đầu mi đấy, đồ ròi bọ, - gã rít qua kẽ răng và toan đá cho con người khốn khổ kia phát nữa.
Sự việc xảy ra cực nhanh. Không có thời gian nói năng lôi thôi.
Gã tóc vàng đột nhiên rú lên. Gã bị quật rất mạnh xuống mặt ngõ.
- Đáng đời anh! – Tarzan nói! – Anh định giết chết gã bù nhìn giữ dưa đáng thương này hả? Hay là sao?
- Cảm ơn cậu! – Gã lang thang lồm cồm bò dậy. – Nó… nó… đã hành hung tôi. Vô cớ đánh tôi!
Gã tóc vàng tím mặt vì đau đớn và tức giận.
- Tôi chỉ định đến chuộc đồ, - gã lang thang kêu lên. – Cách đây 4 tuần, vì hết tiền, tôi phải để lại một thứ cho ông chủ quán Otto Kraxmeier. Làm sao tôi biết được khách bây giờ toàn là khách mới, phong lưu! Thế mà tên này đấm ngay vào mặt tôi và xô tôi ra. Cám ơn cậu lần nữa!
Gã lang thang khép kín hai tà áo khoác rách rưới lại, chụp cái mũ xuống tận mặt, đưa cánh tay quệt máu và lủi nhanh dọc ngõ.
- Giờ đến lượt mày! – Giọng gã tóc vàng như lệnh vỡ.
Lần này, tên côn đồ bay ngược vào trong cửa xoay, xuyên vào quán, xô đổ một cái bàn nhỏ và hai chiếc ghế.
Phía sau bức tường bằng kính dày màu tím violet có những cái bóng di động. Gã tóc vàng ngồi rúm dưới sàn ôm đầu.
- Ối chao! – Karl bình luận.– Nếu đó là chủ quán mới Dobbel, thì hắn sắp đổi tên quán “Nửa Tai” thành “Nửa Xương Sườn” hoặc “Vụn Xương” được rồi đấy.
- Quán nghỉ, có nghĩa là đóng cửa, - Tarzan nói. – Vậy sao còn có người gác cửa quán? Không, tao không tin. Hoặc đó là chủ quán mới. Hoặc đang có một cuộc họp riêng trong quán, và người ta không muốn bị gã lang thang quấy nhiễu.
***
Trong quán “Nửa Tai” im lặng lạnh người.
Ritschi gượng dậy, hai tay phủi bộ complê như cái máy. Chỉ mông quần bị bẩn. Nhưng khuỷu tay áo bị thủng một lỗ.
Ba gã đàn ông ngồi bên quầy. Phía sau quầy là Dobbel, chủ quán. Gã khoảng ba mươi, người mảnh, râu đỏ quạch lởm chởm đầy mặt. Bộ mặt vì thế trông như phủ lông, gớm chết! Gã biết thế nên tự xưng là Người Sói.
Lúc này Dobbel cũng ngồi đờ như hai tên kia.
Cả Gluschke và Enrico Vedmillia đều trân trối nhìn kẻ vừa bị tẩn.
- Tao nghĩ tao nhìn nhầm, - tên người Italia Enrico nói.
- Như mũi tên! – Glushke phun qua lỗ răng hổng.
- Tao không tin được, - Enrico tợp nhanh một hớp rượu Whisky, - Ritschi mà lại để cho một thằng choai con cho đo ván!
Gluschke lắc đầu ngán ngẩm.
- Mày đã cho thằng ranh xem trò gì ngoạn mục thế, hở Ritschi! – Dobbel nói. – Mày “làm việc” thằng lang thang Lêo xem còn tạm được. Nhưng sau đó… Mẹ kiếp, ngày mai tụi mình định bắt cóc một xe buýt của nhà trường gồm 30 đứa học trò như thằng ranh đó. Vậy mà mày để nó bẻ gãy như bẻ một cọng rơm!
- Nó… nó… hẳn là võ sĩ, - Ritschi rên rỉ. –Võ sĩ Judo hay Karate gì đó. Và khoẻ như gấu. Cái cách nó tống tao bay vào cửa. – thì nếu là chúng mày, hẳn cũng chẳng khá gì hơn tao. Không một thằng nào khá hơn tao.
Cả ba tên kia phá lên cười cùng lúc như theo lệnh. Chúng ngoạc mồm tận mang tai, cười to hết cỡ, tay vỗ đùi đen đét. Rồi lại lần lượt nín thinh.
Enrico giơ ngón tay út bên trái ra:
- Tao chỉ gãy ngón út này cũng hạ gục những thằng choai như nó. Hiểu chưa?
Enrico người tầm thước, rắn rỏi. Bộ mặt võ sĩ quyền Anh chữ điền đầy những vết sẹo nhỏ, Enrico chưa đấm bốc bao giờ. Tóc gã đen, loăn xoăn, xức dầu bóng nhẫy. Enrico ưa ăn mặt nổi bật. Hôm nay gã khoác chiếc áo vét màu vang đỏ ra ngoài sơ mi vàng choé.
Gluschke xem ra lạc lõng: quần liền áo, chiếc áo blu lao động màu xanh công nhân, đôi giày cũ kỹ. Mặt gã béo, nhờn nhợt, tóc hoe như râu ngô. Cặp mắt cận thị nheo nheo sau chiếc kính gọng sừng. Claus Gluschke là người giúp việc mới cho ông quản lý trường nội trú của TKKG.
Gluschke là kẻ duy nhất không ló ra khỏi bức tường kính tim tím để theo dõi vụ đụng độ ban nãy. Phí hoài! Nếu không gã đã nhận ra Tarzan và nhị quái còn lại. Và gã đã xác nhận được phỏng đoán của Ritschi: Tarzan quả là một võ sĩ khó lòng chống cự.
Enrico là trùm băng lưu manh. Gã nổi tiếng trong giới anh chị ở Neapel. Tại đây gã đã tụ tập được những kẻ cần cho vụ “làm ăn”: Dobbel, Gluschke và Ritschi.
Lúc này tên lưu manh Italia vớ một tờ giấy chùi mồm trên mặt quầy, xé toang làm đôi:
- Ritschi, với mày thế là hết. Mày biết tao nghĩ gì. Từ lâu, mày chỉ phá thôi. Tao đã cảnh cáo mày. Mày lại làm hỏng việc tiếp. Tao doạ nạt mày. Mày càng vô tích sự. Giờ chấm dứt! Chúng tao không cần một kẻ èo ọt như mày. Mẹ kiếp! Chúng tao sẽ làm một vụ lớn nhất châu Âu. Sau một trăm năm nửa, thế giới còn phải nhắc đến nó. Nhưng mày không tham dự. Tống cổ mày ra khỏi tổ chức của chúng tao. Hiểu chưa? Và nếu mày hé ra một lời thôi…
Hắn nhìn Ritschi đe doạ, và đưa bàn tay làm hiệu cắt cổ.
Rischi nuốt nước bọt. Bộ mặt chuột của gã xám lại.
- Enrico, mày không thể làm như thế. Tao đã… ai cũng có lúc gặp hàng loạt rủi ro. Nhưng tao hứa…
- Im mẹ mồm mày đi! – Enrico gầm lên. – Tao nhắc lại: mày mà hở ra, mất đầu ngay.
Gluschke và Dobbel cười nhăn nhở.
Ritschi chống một tay lên lưng ghế. Lúc này gã hằn học nhìn cả ba tên, nhưng lại vội cụp mí xuống. Gã chịu thua.
- Nếu chúng mày nghĩ lại, - gã lẩm bẩm, - chúng mày biết sẽ tìm thấy tao ở đâu.
- Cút! – Enrico ra lệnh.
- Tao cũng không muốn thấy mày thò mặt tới quán này uống nữa, - Dobbel bồi thêm. – Có nghĩa mày bị cấm cửa. Rõ chưa?
Không đáp một lời, Ritschi quay gót, qua cửa, biến ra ngõ Springflut.
Dobbel từ sau quầy đi ra chốt cửa.
- Thế là chẳng còn đứa nào nhiễu tụi mình nữa, - hắn quay vào nói.
- Tụi mình phải nhắc lại mọi chi tiết, - Enrico bảo, - bắt cóc cả một xe buýt chở học sinh đâu phải chuyện vặt.
- Nhưng sẽ thành công, - Gluschke nói, - Tên lái xe Weidrich sẽ tham dự. Mọi việc khác đều được tổ chức một cách hoàn hảo nhất. À, tao sực nhớ: Weirich muốn thấy tiền từ hôm nay. Ít nhất là khoản ứng trước.
- Được thôi, - Dobbel gật đầu.
*
Tròn Vo đỏ bừng cả mặt. Tarzan và Karl tủm tỉm. Rõ ràng cậu béo thích Alice rồi. Xem kìa, cậu ta đang hót:
- Alice, cho tôi được phép thay mặt nhóm TKKG nhiệt liệt hoan nghênh bạn. Ờ… hoan nghênh bạn đến châu Âu… ờ… đến thành phố của chúng tôi! Chúng tôi sung sướng vì sự có mặt của bạn. Nhiệt liệt chào mừng, như tôi đã nói.
- Không có hoa à? – Alice mỉm cười hỏi. – Lẽ ra kèm theo những lời đẹp đẽ đó phải tặng cả hoachứ?
Tròn Vo nhìn Tarzan:
- Lẽ ra tụi mình phải nhìn đến chuyện này. Mẹ kiếp!
- Hãy bảo Willi là cậu chỉ đùa thôi, - Gaby bảo bạn gái, - kẻo bạn ấy chạy đến hàng hoa gần nhất ngay cho mà xem. Vì hiện trong công viên và các khu vườn chưa có hoa để bạn ấy hái trộm.
- Tôi không đời nào ăn trộm nhé! – Tròn Vo kêu lên. Trừ khi bấn lắm. Ôi chao! Nhắc đến ăn trộm, tôi lại buộc lòng nhớ đến hộp nữ trang của mẹ yêu quý của tôi.
Gaby mở hàng mi dài cong vút trên đôi mắt biếc xanh.
- Chuyện gì xảy ra à?
- Sẽ kể ngay đây, - Tarzan nói và cuốt ve con Oskar.
Alice 16 tuổi, cao hơn Gaby, mình dây. Trên gương mặt nhỏ xinh là cặp mắt đen sáng ngời, hàm răng trắng muốt. Tóc Alice đen nhánh, để dài xoã vai. Chắc cô bé hay cười lắm. Trông mặt lúc nào cũng tươi tắn.
Tròn Vo hỉnh mũi hít hít:
- Gaby, bạn làm bánh đấy à? Để mừng Alice đến hả?
- Mình làm hai bánh gatô – Gaby gật đầu. – Một cho cả bọn, một tặng Weidrich.
- Weidrich là ai vậy? – Tarzan hỏi.
- Người lái xe buýt cho trường mình. À nhỉ, các bạn ở nội trú, nên không đi xe buýt hằng ngày. Cách đây đúng một năm, ông Weidrich lái thay ông lái xe cũ.
- Cách đây một năm? – Tarzan hỏi. – Và vì vậy mà bạn tặng bánh cho ông ấy?
- Vì hôm qua là sinh nhật ông Weidrich. Nhưng hôm qua là chủ nhật. Còn hôm nay mình lại đi xe đạp đến trường.
- Tiếc là tôi không được phép ăn bánh ngọt, Alice nói.
Tròn Vo há hốc mồm:
- Bạn không được phép? Ai cấm bạn?
- Bác sĩ. Hồi gia đính tôi ở Ấn Độ, tôi bị sốt siêu vi trùng. Bệnh đã khỏi. Nhưng ở đây, - cô bé vỗ vỗ vào bụng, - vẫn chưa thật ổn. Tôi phải kiêng đồ ngọt một thời gian. Ngoài ra kiêng cả nấm, sữa chua và rau cải xanh.
- Lạy trời! – Tròn Vo kêu lên. –Bệnh của bạn có lây không?
- Không hề. Tôi khỏi rồi. Vấn đề là phải để các cơ quan nội tạng khoẻ lại như cũ.
- Tôi lại cần sôcôla nếu muốn khoẻ lại, - Tròn Vo nói. – Cái lối ăn kiêng của bạn giết tôi như bỡn.
Alice xem đồng hồ đeo tay:
- Lại đến giờ tôi phải uống thuốc rồi. Tôi phải uống thuốc nước mỗi ngày ba lần. – Cô bé ra bàn uống thuốc.
Gaby đến ngồi cạnh Tarzan:
- Có chuyện gì ghê gớm xảy ra vậy?
- Gaby chưa nói chuyện với ba sao?
- Trưa nay ba mình không về nhà.
- Willi, - Tarzan yêu cầu Tròn Vo, - mày kể đi! Sau đó chúng tôi cần bạn giúp đỡ, Alice ạ! Đúng là bạn biết vẽ chân dung chứ? Ở sở cảnh sát, người ta đã không hoàn thành nổi bức chân dung thủ phạm. Willi và người vẽ không hiểu nhau. Nhưng chúng tôi lại cần bức chân dung để truy tìm thủ phạm.
Alice rạng rỡ:
- Tôi phải vẽ một bức chân dung theo lời mô tả của Willi ư? Tuyệt! tôi sẽ cố gắng hết sức.
Trong lúc Tròn Vo kể, Tarzan ra cửa sổ, nhìn xuống phố.
Bên một bến xe đỗ một chiếc xe buýt. Người lái xe ngồi sau tay lái, đang vừa nhai bánh mì bơ vừa đọc báo. Ông ta đang nghỉ.
Gaby lại đứng cạnh Tarzan. Cặp mắt xanh của Công Chúa mỉm cười, nhưng tai lắng nghe câu chuyện của Tròn Vo.
- Ông ấy kia rồi, - mắt Gaby hướng vào chiếc xe buýt, - ông Weidrich! Mình đã bỏ sẵn bánh vào hộp. Để mình chạy nhanh xuống đấy.
- Mình đi cùng, -Tarzan nói.
Khi hai đứa đi xuống cầu thang, Gaby giải thích:
- Sáng và trưa, ông Weidrich lái chiếc xe buýt chở học sinh trường mình. Buổi chiều, thường ông lái xe buýt tuyến số 19 và 20. Ông Weidrich rất đáng mến, lúc nào cũng niềm nở. Nếu ai quên trả tiền vé xe, ông không nổi giận. Mình nghĩ ông chưa bao giờ dính vào vụ tai nạn nào.
- Ông ấy bao nhiêu tuổi rồi?
- Không biết. Mình đoán là bốn mươi.
Hai đứa bước ra phố.
Chúng qua đường, và Tarzan nhận thấy sau chiếc xe buýt có một chiếc Porsche vàng choé đang đỗ.
Người lái chiếc Porsche xuống xe. Đó là một gã đàn ông mảnh dẻ, râu ria đỏ quạch lởm chởm gần kín mặt. Hai túi da dưới mắt rõ mồn một, tuy gã còn trẻ.
- Nhìn gã kia xem! – Tarzan bảo Gaby. – Gã đóng phim kinh dị được đấy. Đóng vai Người Sói.
Người Sói đứng bên cạnh cửa xe của Weidrich, gõ gõ vào lớp kính.
Weidrich giật mình. Rồi ông ta nhận ra người quen, bèn mở cửa.
Người Sói chẳng nói chẳng rằng trao cho Weidrich một chiếc phong bì.
- Cá… cám ơn! – Weidrich lắp bắp. – Đa… đa tạ!
Gã lái chiếc Porsche gật đầu, quay gót, và trông thấy đôi trẻ.
Cặp mắt lạnh băng của gã chiếu tướng Tarzan một thoáng. Đó chẳng phải cái nhìn tình cờ - Dường như gã biết Tarzan.
Quen biết ở đâu ngỉ? – thủ lĩnh Tứ Quái tự hỏi? Mình phải chào gã chăng? Mẹ kiếp, sao mình không nhớ được. Nếu từng gặp gã, nhất định mình đã nhớ bộ mặt mày. A, có thể ban nãy gã có mặt ở ngõ Springflut, khi cuộc đụng độ diễn ra.
Tarzan toan nở một nụ cười nhiều ngụ ý, bỗng chiếc phong bi từ tay ông Weidrich rơi bẹt xuống đường.
Suýt nữa ông ta lao xuống theo.
Nhưng Tarzan đã nhặt nó lên, đưa cho ông ta.
Phong bì dày như đựng tiền. Phải, những tờ giấy bạc!
- Cám ơn! – ông Weidrich nói và giật nó khỏi tay Tarzan. – Chào Gaby! Cháu muốn gặp tôi à?
- Cháu muốn chúc ông nhân dịp sinh nhật, tuy có muộn, thưa ông Weidrich, - Gaby nói. – Cháu đã làm một cái bánh gatô nhỏ để tặng ông. Vì ông luôn luôn rất đáng mến. Ông có biết tất cả chúng cháu, những học sinh ngày ngày được ông chở đến trường và về nhà, đã nhất trí bầu ông là người lái xe buýt tốt bụng nhất từ xưa đến nay không ạ? Ông có thể tự hào về sự bình chọn đó.
Ông Weidrich có bộ mặt phì phì, đôi mắt ếch và cái trán hói. Khi cười, ông ta để hở những chiếc răng nhỏ.
Quỷ bắt mình đi! Tarzan nghĩ. Mình định kiến chăng? Hay mình không biết nhìn người? Mình không có cảm tình với con người này. Nhưng mình không được nói với Gaby điều đó. Kẻo Gaby lại sắp kết tội mình là đa nghi và tự kiêu về trực cảm của bản thân.
- Cháu chu đáo quá, Gaby, - ông Weidrich nói và chìa tay ra phía hộp bánh.
Chiếc Porsche vàng chạy qua sau lưng Tarzan. Người Sói nheo mắt nhìn họ.
Weidrich cảm ơn rối rít. Tarzan chúc mừng ông ta cho phải phép.
- Vậy đến sớm mai nhé, - người lái xe buýt hẹn. – Cháu lại đi xe buýt, hay đi xe đạp đến trường, hở Gaby?
- Mai cháu lại đi xe buýt ạ. Ngoài ra cháu còn rủ thêm bạn Alice của cháu. Bạn ấy đến chơi thành phố này và dự thính ở lớp cháu. Thưa ông Weidrich, từ mai ngày nào chúng cháu cũng đi xe ông.
Ông ta gật đầu. Mặt thoáng tái đi như thể vừa nuốt phải nấm độc.