Con tàu rúc một hồi dài báo hiệu đã về tới sân ga. Đèn ở đây rực rỡ như một cung điện, Tarzan chờ sẵn ở cửa lên xuống, mắt hoa lên trước vô số bảng quảng cáo lấp lánh đèn màu.
Gaby căng mắt dõi nhìn từng ô cửa. Cô bé vẫy rối rít khi nhìn thấy Tarzan. Coi, tàu chưa dừng hẳn, hắn đã phóng xuống lao về phía cô bé. Khỏi phải nói, Công Chúa đổ tự do trong vòng tay khoẻ mạnh của hắn.
Oskar sủa váng lên như muốn báo hiệu sự có mặt của mình.
Karl và Tròn Vo lặng lẽ đứng nhìn.
Tarxan xoa đầu quái cẩu. Hắn nheo mắt rồi đấm bùm bụp vào Karl và Kloesen thay cho lời chào.
Gaby tỏ vẻ giận dỗi:
- Tại sao đại ca lại trễ hẹn tới một tiếng rưỡi hả? Nếu không gọi điện báo chắc tụi này đứng chờ ở đây đến giờ này thì hoá đá hết rồi.
Tarzan cười xoà:
- Sẽ giải thích sau. Tụi mình rời khỏi đây đã.
Bốn đứa và Oskar rồng rắn bước ra cửa ga, Tarzan vừa đi vừa kể lại mọi tình tiết đã làm hắn dở dang chuyến tàu.
Karl hỏi ngay:
- Thế đợt vây bắt của thanh tra Bohme ra sao?
- Cho tới lúc lên tàu, tao vẫn chưa thấy có gì sáng sủa.
Máy Tính lập luận:
- Vậy thì sẽ có giông tố những ngày tới đấy. Bởi vì loại tội phạm mà mày vừa kể thuộc dạng bệnh lý. Bản năng giết chóc bẩm sinh đã xâm nhập người gã cực kỳ nguy hiểm. Gã bị bệnh phải hành hạ phụ nữ và trẻ em mới thoả mãn cơn say máu của mình. Đó là một thứ bệnh hoạn.
Kloesen hỏi:
- Thế gọi nó là bệnh gì?
- Mày nghe nhé. Thuật ngữ hình sự gọi nó là tội phạm sinh lý bản năng.
Tròn Vo lý sự:
- Nói tóm lại, tội phạm sinh lý bản năng hay tội gì khác cũng là… tội phạm cả.
Gaby cắt ngang:
- Đại ca nói rằng gã sẽ đến đây – thành phố của chúng ta – sao?
Tarzan gật đầu:
- Ít ra thì mình cũng đã nghe tên khốn kiếp đó nói trên tàu như vậy. Tụi mình lại bận bịu đây.
Cả đám đi tới chỗ để xe đạp. Tarzan nhìn thấy chiếc xe đua yêu dấu trụ lừng lững kế bên ba con ngựa sắt.
Thằng mập cười hãnh diện:
- Tao đấy, tao đạp một chiếc bằng chân, dắt một chiếc bằng tay từ ký túc xá đến đây. Mày nghĩ thế nào?
Tarzan nín cười khi nghĩ đến cảnh thằng mập đã phải vật lộn với hai chiếc xe trên đường để đưa được tới đây. Hắn khen:
- Mày siêu thật, Kloesen ạ. Tao cảm thấy như đã được ở nhà rồi.
Gaby chọc quê người hùng:
- Mình tưởng bạn vừa từ nhà đến đây mà.
- Đúng vậy, mình vừa từ nhà đi, ở nhà có mẹ bên cạnh nhưng vẫn thấy trống vắng sao đó. Có lẽ sự thân thiết ở đây nhiều hơn thì phải. Nè Gaby, má mình có gửi một cục xà bông thượng hạng cho bạn đó. Có phải bạn và “bà” Susanne đã từng ca ngợi loại xà phòng thơm này không?
- Ừa. Xưa lắm rồi mà “bà cụ” vẫn nhớ. Cảm động thật.
Cả bọn dừng lại chờ Tarzan mua một ổ bánh mì thay cho bữa tối. Giờ này nhà ăn đã đóng cửa lâu rồi.
Ba thằng con trai hộ tống Gaby về nhà. Cửa hàng thực phẩm Công Chúa lúc này vắng khách, chỉ còn bà Margot ngồi cộng số tiền bán hàng trong ngày. Mắt bà sáng lên khi thấy lũ trẻ.
- Ồ, chào các con. Sao? Bộ tàu bị trục trặc hay sao mà về trễ thế Tarzan?
Tarzan tươi cười chuyển lời thăm hỏi của mẹ tới bà rồi cả bọn kéo vào trong nhà.
Công Chúa hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, ba đâu rồi. Con muốn gặp ba gấp.
- Ba con đêm nay trực ở Tổng nha.
Tứ quái ùa đến bàn điện thoại. Tarzan quay số văn phòng thanh tra Glockner và nhanh chóng báo cáo những phát hiện mới nhất của mình về tên tội phạm đang bị truy nã và những nhận định của TKKG.
Glockner có vẻ hài lòng:
- Cảm ơn cháu. Chú không biết tên đó có liên quan gì đến băng cạy cửa chuyên nghiệp không. Hiện giờ chú bận theo dõi bọn trộm đang tác yêu tác quái đây.
- Băng đảng nào hả chú?
- Một bọn ăn trộm chuyên nghiệp chuyên cạy cửa trộm đồ. Gaby biết chúng đấy. Con bé sẽ kể cho cháu.
Gaby kể ngay:
- Theo như nhận định của phía điều tra, trong vòng một năm rưỡi qua đã xảy ra hơn 50 vụ trộm có cùng một kiểu cạy cửa. Tất cả đều nhắm vào những biệt thự giàu có vắng chủ. Nhưng từ thứ ba đến giờ không xảy ra thêm vụ nào nữa.
Karl hỏi:
- Nghĩa là có một tổ chức, hoặc một nhóm tội phạm?
- Đúng vậy. Thậm chí chúng còn để lại biệt danh sau mỗi vụ và cách đột nhập là khoan chốt cửa sổ. Khi chốt cửa bật ra, chúng đẩy cánh cửa nhảy vào.
*
Tên thật của gã đàn ông đi quá giang là Manfred Diel chớ nào phải Beukert. Giờ đây gã đang ngồi cạnh một ông già chín mươi mốt tuổi gần đất xa trời lái chiếc xe cà khổ. Diel thậm chí còn lấy làm tiếc rằng mình đã chọn xe ông lão để đi nhờ.
Chớ gì nữa. Ông già lái xe chạy như một con gà bị quáng. Ông lão vượt bên phải, rẽ trái trước mũi xe người khác. Tốc độ thì như điên kèm theo những quả phanh gấp cháy đường. Đã vài bận Diel xin ông già cho xuống nhưng ông cười hềnh hệch: “Chết có số, sợ gì”. Và cứ thế, ông già tiếp tục phóng. Diel hết bị hất tung bên này lại đập đầu vào thành xe chỗ nọ đau điếng mà không dám ca cẩm một tiếng. Mẹ kiếp, gã hiểu thân phận kẻ quá giang của mình. Rên rỉ không đúng lúc lỡ ông già lên cơn khùng nhấn hết tốc độ trong khi xe thắng không ăn chỉ có nước chu du địa phủ lẹ lẹ.
Diel cầu nguyện liên tục trong khi ông lão chín mươi mốt tuổi cười ngất:
- Chú mày nhát thiệt. Đến Tretzburg rồi kìa.
Ông lão thiệt tình đưa Diel đến tận cửa ga. Không nhận tiền uống nước và thân thiện chia tay với tên tội phạm.
Diel đón được tàu đi về thành phố thân thương của TKKG.
Năm phút sau Diel đã yên vị trên toa tàu khách mà trong bụng còn đánh lô tô thình thịch. Khốn nạn, thoát ông già thì đến phiên… thằng nhóc. Mắt gã đảo sòng sọc xem Tarzan có thấp thoáng trên toa không, còn phải hỏi, nếu có thì gã phóng xuống tàu đào tẩu là cái chắc.
Gã ngồi nép vào một góc, kéo mũ sụp quá mắt.
Tàu vào ga, Diel lẻn nhanh xuống, chạy ra bãi đỗ taxi rồi biến luôn. Nơi gã tới là số 11 đường Zecken.
Xe taxi dừng lại tại một ngôi nhà tồi tàn, vôi lở lói như người bị ghẻ ruồi. Diel bước xuống xe hấp háy ngắm chiếc Mercedes màu xám cũ mèm đang đậu trước gara. Gã chưa kịp giơ tay bấm chuông thì cánh cửa đã mở.
Chủ nhân chồm đầu ra vặn hỏi thay cho lời chào:
- Sao mày giờ này mới về?
- Tôi bị lỡ chuyến trước. Giờ mới có tàu về đến đây.
Gia chủ có tên là Molnitzka. Lão lớn tuổi hơn Diel nhiều nhưng bự con dư sức nhấc thằng đàn em lên bằng một cánh tay thần lực. Cánh tay lão có cơ bắp cuồn cuộn, cổ lão to cỡ một gốc chuối, chòm ria hải cẩu chìa ra hai bên mép. Đôi mắt kính dày như hai cái đít chai lúc nào cũng trễ xuống tận mũi. Lão phải mặc quần có dải chứ cái bụng hình chum kia thì thắt lưng bằng dây thép cũng tụt.
Molnitzka đứng kế bên Diel như võ sĩ Sumo Nhật đứng kế em bé. Lão cười sặc sụa khiến sợi dây đeo dính liền quần với đôi vai nảy lên từng chặp trên cái bụng nhấp nhô.
- Vô trong đi, Manfred.
Diel nhún vai bước vào sào huyệt. Gã ngao ngán ngó đống đồ đạc ăn cắp ăn trộm chưa tiêu thụ hết đang nằm lềnh khênh ngả ngớn trong phòng. Thái độ hờ hững của gã làm Molnitzka điên tiết.
- Ê, mày bực tức gì vậy?
- Hãy mặc cho tôi yên.
- Nhưng mày phải trả lời tao. Mày đang điên tiết vì việc gì vậy?
Diel thả người rớt phịch xuống chiếc ghế bành.
- Chỉ thất vọng.
Molnitzka ngồi trước đĩa gà rán rưới nước sốt mới nhai xong cái đùi gà. Gia chủ bắt đầu gặm xương rau ráu. Lão thừa tới 30 kí lô so với chiều cao và mắc bệnh đái đường kinh niên. Bác sĩ khuyên lão phải kiêng khem cả bột lẫn đạm trong phần ăn nhưng lão phớt lờ. Mỗi ngày lão xơi tới năm bữa và tu đủ ba lít bia cho xứng đáng với cái bụng.
Lão cất tiếng:
- Chờ tao ăn xong rồi đi luôn.
Diel gật đầu. Đó là lệnh của sếp, không được hỏi đi đâu. Molnitzka lại hỏi vặn:
- Nhưng mày làm sao ấy, làm tao ăn mất cả ngon.
- Đừng dò xét, vặn vẹo tôi mà.
- Tao linh cảm có chuyện bất ổn. Tao tinh lắm.
- Này, ông chỉ cần biết rằng tôi về đây bình an vô sự và sẵn sàng lên đường với ông, được chưa?
- Thôi được, để tao nói cho mà nghe. Trong bụng mày đang sôi lên vì cú một chuyện gì đó. Mày bị dồn nén đến mức có thể bị nổ tung lên bất cứ lúc nào. Tao chỉ cần nhìn thoáng qua là biết. Nói thật đi, cái gì đã xảy ra ở Wehmstedt hả?
Diel cố lấy giọng bình thản:
- Chả có quái gì cả, tôi chỉ đi thăm cô người yêu cũ ở đó.
- Giấu tao vô ích, Manfred.
Mẹ kiếp, người gã bằng thuỷ tinh hay sao mà lão già nhìn thấu tim gan vậy cà? Đúng, gã quá cú thằng chọi con đó. Làm sao lúc đó gã nghe theo nó dễ dàng làm vậy? Còn đưa cả tấm hộ chiếu ăn cắp cho nó nữa. Bằng thú nhận rồi còn đếch gì. Gã trở thành tù nhân của một đứa vắt mũi chưa sạch. Nhục ơi là nhục.
Diel hạ giọng cho đàn anh bớt tò mò.
- Hồi nãy trên tàu, tôi uống phải một ly cà phê chua loét.
Molnitzka cười hô hố:
- Thôi được. Giờ tao cho mày uống bia bù lỗ nhé?
- Không. Thích thì tôi đã hỏi.
Molnitzka nhổ một bãi nước bọt rồi với tay lấy chiếc áo khoác. Lão trỏ túi đồ nghề bảo Diel mang theo. Diel lê gót vào toilet chúi đầu xuống vòi nước. Nước lạnh làm gã tỉnh táo thấy rõ.
Hừ, con mẹ ấy đã tả lại gã quá chính xác nên chỉ bằng mấy nét họa đã thấy giống mình như in. Biết thế này lúc đó bóp cổ mạnh hơn một chút nữa cho mụ ấy tắc thở luôn đi. Và còn thằng chọi con ấy nữa. Thằng chọi! Trời ơi thằng chọi! Tao sẽ xé mày làm đôi, bằng mọi giá.
Gã lầm bầm rủa.
Đúng lúc đó bàn tay chuối mắn của Molnitzka gõ vào cửa rầm rầm:
- Diel! Đi thôi!
*
Tarzan lục trong túi ra tờ báo có đăng ảnh và lệnh truy nã tên tội phạm. Hắn chỉ vào tấm ảnh:
- Đó, gã đó. Các bạn nhìn đi.
Gaby bình luận:
- Trông ảnh thì không đến nỗi nào, phải không? Hình như mình đã gặp gã này một đôi lần thì phải.
Tarzan giật mình:
- Thế thì quả nguy hiểm. Một tên tội phạm nguy hiểm như vậy mà vẫn được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Sự việc ở Wehmstedt mà báo đưa tin là sự việc giết người đó.
Karl xen vào:
- Báo nói về gã như một tên khát máu. Ở một thành phố lớn như thế này, loại trừ gã quả là không dễ.
Gaby bỗng rùng mình.
Tarzan nhìn thấy, hắn vội nắm bàn tay Công Chúa thật chặt. Cô bé hiểu rằng: đừng lo.
Tarzan nói:
- Vụ băng trộm “Khoan cửa sổ” ngày mai chúng ta sẽ bàn tiếp. Tụi mình chia tay đây, mệt lắm rồi.
Gaby nói:
- Có thể đêm nay bọn trộm sẽ thực hiện phi vụ thứ 51. Bởi vì lại có thêm gã trộm đó ở đây. Phần thưởng bây giờ sẽ đặt là 40.000 mark.
Karl cười mỉm:
- Một khoản được đấy. Tôi chỉ còn đúng 6 mark cho cả tháng.
Tròn Vo nhắc nhở:
- Mà lại mới đầu tháng.
Tarzan cười:
- Có gì nhà công nghiệp Sauerlich sẽ tài trợ mà.
- Ôkê. Lãi thì không lấy nhưng gốc thì phải trả đó, nghe cận?
*
Phi vụ thứ 51 của bọn chuyên nghiệp đã diễn ra đúng theo phương pháp truyền thống: khoan bật chốt cửa rồi nhảy vào. Đáng thương cho ngài bác sĩ tai mũi họng Bachmuller, bao nhiêu tiền thu hoạch của bệnh nhân chỉ trong một đêm vắng nhà bị bay theo mây gió.
Ông bác sĩ này nổi danh từ cuối những năm 60 và nghề của ông ta đúng là hái ra tiền.
Molnitzka và Diel đã thực hiện phi vụ quá ngon lành. Vớ được vô số đồ vật quý hiếm, chưa kể đến xấp hồ sơ chứng nhận bảo hiểm tài sản của toàn gia ngài bác sĩ.
Molnitzka cười thỏa mãn. Trước đây lão là thanh tra bảo hiểm nên biết hết những ngóc ngách của nghề này cũng như những trò ma bùn mà khách hàng sử dụng để bắt bảo hiểm phải bồi thường.
Sau khi xem xét những món đồ vừa trộm được, Molnitzka phác ngay một phương án tống tiền nhà ông bác sĩ vừa bị chúng ăn trộm.
Hai gã đánh xe đi đến một trạm điện thoại, Molnitzka quay số và giao phôn lại cho thằng đàn em. Lão ghé sát đàn em để theo dõi cuộc đối thoại. Đầu dây kia có người thưa máy.
Diel hỏi rất xấc xược:
- Ê, ông là thầy thuốc Bachmuller hả? Mới đi du hí về phải không? Nhà còn ai ngoài ông đã nào? Chỉ vợ ông là người thứ hai biết chuyện này thôi đó.
Giọng ông bác sĩ chưa hết thất thần vì vụ mất trộm vừa xảy ra:
- Ai đấy? Ai hỏi gì đấy?
- Ta là người vừa tiến hành xong phi vụ đột nhập vào nhà ông đây.
- Trời đất. Ông mới ăn cắp của cải tôi xong lại còn cả gan gọi điện tới báo?
- Bình tĩnh nào, ông bác sĩ, kẻo lại hỏng hết việc. Việc tôi muốn nói bây giờ chỉ có lợi cho ông. Ông nên hiểu như vậy.
Bác sĩ Bachmuller đã trấn tĩnh lại được. Ông hỏi lại:
- Ông muốn gì?
Diel nghiêng ống nghe cho sếp Molnitzka thưởng thức và vô vấn đề mà hồi nãy sếp chỉ đạo.
- Kiểm kê hết đồ đạc bị mất chưa thầy lang?
- Rồi.
- Kể cả tập chứng từ đăng ký bảo hiểm?
- Đương nhiên.
- Ông khá cẩn thận. Ông đã đóng tiền bảo hiểm mọi thứ có giá trị trong nhà.
- Chứ sao. Để ngăn ngừa hậu họa, tôi chỉ còn cách đó để bảo vệ tài sản.
- Tôi đếm tới mười mấy trang kê chi tiết các đồ đạc được đăng ký bảo hiểm.
- Muốn gì thì nói mẹ cho xong đi, vòng vo như giẻ rách.
Diel tuôn ào ào:
- Có đó, Bachmuller. Hồ sơ đăng ký bảo hiểm của mày gồm 77 báu vật với tổng giá trị lên tới 645.000 mark. Nhưng tụi tao tìm hoài hủy cũng chỉ có 58 thứ các loại. Mày giấu đâu 19 món trang sức còn lại nào, tao muốn nói đến dây chuyền kép Smaragd, cái lắc gắn kim cương, đôi tòn teng đá saphia hình giọt nước, chiếc nhẫn kim cương 2 cara… 19 thứ còn lại của mày trị giá hơn phân nửa tổng số tiền ấy. Chúng ở đâu vậy? Chắc là vợ mày mang theo người, đúng không?
- Đúng thì sao?
- Này đồ lang băm, tao biết tỏng là mày đã báo với hãng bảo hiểm là 77 món đồ bị mất sạch để lấy 645.000 mark bồi thường, đúng không?
Ông bác sĩ ậm ừ không nói.
- Hê hê, mày đâu có tử tế gì hơn tụi tao, Bachmuller?
Bachmuller lắp bắp:
- Tôi… tôi sẽ đính chính lại với họ. Vì rằng lúc thấy nhà bị trộm đột nhập, tôi hết cả hồn vía.
- Chẳng ai tin mày đâu, lang băm. Hãng bảo hiểm sẽ nghi ngờ tính nhất quán trong lời khai của mày và điều tra mày. Mày sẽ phải ra tòa về tội nói dối, hê hê…
- Thế ông muốn gì?
- Tụi tao sẽ im lặng không tiết lộ với hãng bảo hiểm nếu mày chuyển toàn bộ số tiền 645.000 mark cho tụi tao. Bù lại tụi tao sẽ hoàn lại mày số đồ nữ trang lấy trộm. Sòng phẳng quá chứ gì nữa. Coi như mày đâu có mất mát gì. Của mày vẫn còn, tiền tao, tao nhận. Đứa nào chết mặc mẹ chúng.
Bachmuller quả là tay bản lãnh. Ông gằn từng tiếng:
- Tụi bay đụng cao thủ rồi. Tao sẽ giấu số nữ trang còn lại có trời mới tìm thấy. Giữa tao và tụi bay, hãng bảo hiểm sẽ nghe ai. Mày chỉ là một thằng ăn cắp còn tao là một bác sĩ có tiếng tăm. Thôi chào.
Diel cười đểu:
- Đừng tưởng bở, thưa ông. Tôi đã dự kiến tình huống này nên đã ghi âm cuộc đối thoại từ nãy rồi. Ông có nhu cầu nghe thì tôi sẽ bật nút hầu một đoạn, hê hê…
Viên bác sĩ im lặng, người đờ ra. Hồi lâu mới nói trong hơi thở:
- Nghĩa là ông đòi tiền?
- Đúng vậy. Chỉ có tiền. Thực ra ông không mất gì trừ hai lỗ khoan ở bệ cửa sổ.
- Tôi… tôi… đề nghị…
- Khoan đã. Bao giờ ông được nhận tiền ở hãng bảo hiểm?
- Có thể tuần sau.
- Tuần sau tôi sẽ phôn cho ông hẹn giờ giao tiền để lấy hàng. Chào.
Hai thằng cười ha hả lúc Diel nện máy. Thật là một chiêu tuyệt diệu. Chỉ hù sơ sơ một nhát là ôm gọn hơn nửa triệu mark qua điện thoại ngon ơ.
Molnitzka hớn hở vỗ vai Diel:
- Mày siêu lắm, Diel. Ra xe, tao chở mày về nhà.
Diel từ chối:
- Tôi muốn đi bộ một đoạn để thư giãn.
Chúng chào nhau rồi Molnitzka ra xe. Diel lững thững đi bộ. Chờ xe rồ máy phóng đi, gã lập tức quay lại, nhào vô buồng điện thoại.
Màn đêm đã buông xuống, nhưng đêm mùa hè không đen đặc như đêm mùa đông. Những cơn gió lạnh thổi đủ làm cho người ta biết sắp khuya rồi.
Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn trần, trong buồng điện thoại, Diel lật từng trang cuốn danh bạ để sẵn, mắt dán vào như bị thôi miên. Gã dò tìm số điện thoại của ký túc xá khu trường nội trú phía nam thành phố. Gã quay số. Máy đổ chuông và một giọng ngái ngủ ở bên kia đầu dây cất lên:
- Ký túc xá học sinh nội trú đây…
- Xin chào buổi tối. Tôi tên là Beukert. Phiền ông cho tôi gặp học sinh Peter Carsten, có việc rất quan trọng.
- Được, để tôi xem cậu ấy đã về chưa. Ông vui lòng đợi máy nhé.