Hủ Mộc Sung Đống Lương

Chương 578: BỨC HỌA NHẬN DẠNG TRÊN BÁO

Trước Sau

break
Chỉ vài phút sau khi cái gã phì nộn ấy gieo mình xuống ghế đánh “sầm” một cái, Tarzan đã linh cảm rằng thế nào cũng có chuyện.

Sau hai ngày cuối tuần về thăm mẹ hiền, Tarzan đáp tàu tốc hành quay lại thành phố có ngôi trường nội trú yêu dấu. Hắn chọn số ghế ngồi bên cạnh cửa sổ như thường lệ, ở vị trí này khi tàu chạy thiên nhiên sẽ hiện ra như một bức tranh.

Trong khoang chỉ còn có một bà cụ ngồi sát cửa ra vào. Bà chăm chú nhìn phong cảnh bên ngoài đang lùi về phía sau.

Và gã phì nộn ấy xuất hiện.

Gã mở cửa bước vào không chào hỏi, giẫm luôn lên chân bà già mà không một lời xin lỗi, không đóng cửa và gieo cái tấm thân thừa ký xuống ghế như bom tấn.

Bà già ném một cái nhìn khó chịu đầy khinh bỉ trước hành vi thiếu văn hoá của gã.

Gã xoay ngang, xoay dọc trên ghế như đang ngồi trên tổ kiến lửa, và cuối cùng rút trong túi ra bao thuốc lá và cái bật lửa.

Tarzan ngồi dựa vào thành cửa sổ ngó gã chằm chằm. Đây là khoang tàu dành cho người không hút thuốc. Coi, trên vách toa sờ sờ một tấm bảng “Cấm hút thuốc” vậy mà gã chẳng coi có gờ-ram nào cả. Tên này bộ từ Hoả Tinh rớt xuống chắc?

Bà cụ bực mình lên tiếng:

- Ông không nhìn thấy tấm biển kia sao?

Gã phì nộn thản nhiên trả lời:

- Tôi là dân nghiện.

- Nhưng không phải ở đây.

- Các khoang được hút thuốc thì chật như nêm, ngồi sao được.

Gã vẫn rút một điếu và lăm le bật lửa.

Bà già dằn từng tiếng:

- Tôi nhắc lại, ông không được hút thuốc trong toa này. Tôi mắc bệnh dị ứng khói thuốc lá.

- Đừng lo, tôi phả khói sang phía khác.

Nói rồi gã bật lửa, châm thuốc.

Tarzan xoay người, nhanh như cắt giật điếu thuốc vừa bén lửa ném xuống sàn tàu và lấy chân di nát.

- Nếu ông ghiền quá thì ra hành lang hoặc qua những toan cho phép hút thuốc. Ông mà đốt tiếp là tôi sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đó.

Gã rống lên:

- Oắt con! Mày là cái chó gì chứ?

- Cấm nói tục. Chúng tôi có quyền đẩy ông ra ngoài nếu ông hút thuốc.

Bàn tay thép của Tarzan bóp chặt vào vai gã phì nộn như một gọng kềm sắt. Gã đau rúm người, nhìn Tarzan như đổ lửa rồi đứng dậy:

- Liệu hồn đấy, chọi con!

Lúc gã xách gói thuốc lá sang toa khác, bà cụ mới hoàn hồn. Bà nhìn Tarzan đầy thán phục rồi nói:

- Thật là quá thể, sao lại có loại người lì lợm đến thế. Càng ngày nhân loại càng tha hoá.

Tarzan đính chính:

- Không phải tất cả đều thế bà ạ. Ở trường cháu, học sinh đều được giáo dục chu đáo và biết cách xử sự có văn hoá.

- Cháu đúng là một thanh niên quả cảm.

- Lẽ phải ở mình mà, thưa bà. Các bạn của cháu gặp tình huống vừa rồi cũng hành động như vậy thôi ạ.

Tarzan làm một hơi về những kỳ tích của Tứ quái TKKG. Hắn móc tấm hình của Gaby, một báu vật bất ly thân, ra khoe.

- Ái chà, cô bé thật xinh đẹp.

Tarzan đỏ mặt:

- Một cô gái đầy cá tính và rất thông minh.

Đúng lúc đó tàu dừng lại ở một ga phố huyện cho hành khách lên xuống. Một người đàn ông trạc 40 tuổi, ăn vận lịch sự, nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào toa. Ông ta nghiêng đầu nở một nụ cười xã giao chào hai bà cháu rồi cất tiếng:

- Trong toa còn chỗ ngồi không, thưa cụ?

Bà lão gật đầu. Tarzan vẫn say sưa kể về Công Chúa Gaby.

- Bạn cháu tên là Gaby có biệt danh là Công Chúa. Tên khai sinh cô ấy là Gabriele Glockner, cô vốn là một thiên thần che chở hết mình cho súc vật.

- Còn tên của cháu?

- Peter Carsten ngoại hiệu là… Tarzan bà ạ.

Người đàn ông vừa lên tàu nở một nụ cười thân thiện làm quen. Lúc này hệ thống truyền âm trên tàu đã vang lên giọng người nhân viên ngành đường sắt thông báo về ga sẽ đỗ sắp tới. Bà già rối rít:

- Ôi chao, bà phải xuống ga này.

- Để cháu xách vali giùm bà.

Tàu dừng lại. Bà cụ vui vẻ rút tờ báo chưa kịp đọc đưa cho Tarzan:

- Cám ơn lòng tốt của cháu. Cháu giữ tờ báo mới ra hôm nay đọc đỡ buồn. Bà đi nhé.

Tarzan quay về chỗ ngồi bên cửa sổ. Người đàn ông lại nở một nụ cười thiếu muối. Tarzan cười đáp lễ rồi ngắm nhìn phong cảnh đang vùn vụt lướt qua. Đoạn hắn giở tờ báo ra xem, mắt lướt nhanh qua các đề mục lớn.

Bỗng hắn dừng lại ở một trang, chăm chú đọc rồi lại ngước nhìn người đàn ông ở trong ảnh. Cuối cùng Tarzan hỏi:

- Ông là người trong ảnh này phải không?

Mặt gã biến sắc khi nhìn vào bức ảnh. Tarzan giải thích:

- Đây là bức ảnh nghiệp vụ hình sự được phác hoạ theo sự mô tả của các nhân chứng.

Người đàn ông cầm lấy tờ báo, lúc này gã đã trấn tĩnh trở lại, và gật gù:

- Cậu nói có lý. Trông cũng na ná đấy.

Nói rồi gã chăm chú đọc những dòng chữ ghi chú dưới ảnh. Bằng giọng rất bình tĩnh, gã bình luận:

- Chà, một tên tội phạm nguy hiểm.

Tarzan nhấn mạnh:

- Phạm tội dã man. Bị truy nã khẩn cấp.

Người đàn ông trả lại tờ báo:

- Trên thế gian này có hàng vạn người mặt mày từa tựa nhau. Tấm ảnh này dù sao cũng chỉ là những nét vẽ.

Tarzan đọc rành rọt:

- Thông tin về tên tội phạm bị truy nã đây: Cao 1 mét 80, tóc cắt ngắn màu hung sáng, ngoài 30 tuổi.

- Thế thì sao?

- Tôi cho rằng, ông chính là tên tội phạm bị truy nã khẩn cấp.

Người đàn ông cười ha hả:

- Vợ tao mà nghe được là mày cụt lưỡi như chơi.

Gã rút khăn tay xoa mặt để giấu bớt những giọt mồ hôi. Tarzan linh cảm thấy nét căng thẳng ở vẻ mặt người đàn ông. Hắn hỏi:

- Ông đến từ đâu vậy?

- Tao đến từ thành phố…

Tarzan chới với. Té ra là thành phố có ngôi trường thân yêu của hắn. Hắn ngẫm nghĩ rồi nói:

- Nơi ấy cũng là nơi tôi đến. Từ đây về đến đó còn xa. Tôi muốn ông xuống trình diện đồn công an với tôi ở ga tới. Nếu người giống người, ông sẽ nhận được lời xin lỗi và được tự do tức khắc.

Những nét lịch lãm trên khuôn mặt người đàn ông biến mất. Mặt gã lộ hung quang:

- Tao không rỗi hơi mà ôm rơm cho rặm bụng. Để tao yên, nghe chưa? Ả đàn bà bị giết trong lệnh truy nã chẳng có liên quan gì đến tao cả.

- Tôi vẫn muốn ông xuống tàu vào ga tới.

- Không có chuyện ruồi bu ấy đâu nhóc ạ.

- Vậy ông hãy đưa chứng minh thư cho tôi xem.

- Sao, mày là cái thớ gì mà đòi kiểm tra giấy tờ tao hả?

- Theo luật. Ai phát hiện ra tội phạm đang bị truy nã phải kịp thời báo cho ngành bảo vệ pháp luật.

- Tao chẳng việc gì phải đưa.

Tarzan dằn từng tiếng:

- Tôi không doạ ông đâu, nhưng tôi đủ sức trong năm giây đốn đổ ông.

Người đàn ông cựa quậy. Tarzan lập tức thế thủ, sẵn sàng ra đòn phủ đầu.

Gã đàn ông thọc tay vào túi, rút ra một cái ví có chứa giấy thông hành du lịch đã cũ nát. Gã chìa tấm giấy gấp làm bốn cho Tarzan.

Người đàn ông trong ảnh tên là Wolfgang Beukert sinh năm 1959 mắt màu nâu.

- Ông đấy à?

- Là tao đấy.

- Chẳng giống một chút nào.

- Hơn mười năm thì phải khác đi chớ. Đúng không nhóc?

Trong khi Tarzan đang lưỡng lự thì người soát vé đi vô toa kiểm tra vé. Wolfgang Beukert tỏ vẻ thân thiện:

- Đưa vé tàu cho người kiểm vé kìa.

Ông kiểm soát viên đánh dấu vào vé, cảm ơn rồi đi ra. Beukert ngồi phịch xuống ghế thở phào nhẹ nhõm. Tarzan khẳng định chắc chắn kẻ bị truy nã đang ngồi trước mặt mình.

Beukert nói rất chân tình:

- Mày biết tao đang nghĩ gì không?

Tarzan im lặng, vì biết thể nào gã cũng nói ra.

Beukert gật gật:

- Tao thấy mày tốt bụng nên tính chi một ít “địa” cho mày.

Tarzan nhướng mày nhìn:

- Ông đi guốc vô bụng tôi nhé. Quả này nhẹ nhàng thôi, cỡ một triệu mark.

- Hà hà, mỡ đấy mà húp. Trên báo có ghi tiền thưởng là 1.000 mark cho ai có công phát giác tội phạm thôi đó.

- Chả bõ, dưới 4.000 đồng tôi không tha ông đâu.

- Mày đúng là không biết điều, của đâu mà dễ thế.

Tarzan nghiêm giọng:

- Nghe đây, tội ác của ông thì cả triệu mark cũng không chuộc lại được. Ông hành hạ đàn bà con nít như một kẻ loạn trí.

- Tao thích thế. Kể cả mày nữa, sẽ có ngày tao làm cái gì đó cho mày điêu đứng.

Tarzan nhìn gã đàn ông, rõ ràng người này khác với người trong hộ chiếu.

Loa truyền thanh thông báo tàu sắp vào ga Velseppstetten. Địa danh ấy Tarzan từng ngao du một vài lần. Hắn hiểu rằng đây là cơ hội ngàn năm một thuở có thể bắt sống gã đàn ông tàn bạo này. Hắn tiến tới sau lưng gã, giọng rắn rỏi:

- Xuống ga này với tôi.

- Chọi con, mày có quyền đếch gì chớ?

- Nhanh lên! Đừng để tôi phải điểm huyệt.

- Mày…

Tarzan vặn ngược cánh tay gã và đẩy mạnh.

- Á… mày, mày…

- Xuống tàu mau lên!

- Rồi mày sẽ ân hận, thằng nhãi ạ.

Sân ga ầm ỹ náo nhiệt bởi một đám cổ động viên bóng đá đang hò hét, chen lấn, xô đẩy nhau lên tàu. Chỉ chờ dịp ấy, tên tội phạm đánh gót giày vô ống đồng Tarzan một cú cực mạnh.

Tarzan nhăn mặt đau đớn và buông cánh tay đối thủ vì đòn tấn công bất ngờ. Nhanh như một con lươn, gã tội phạm vùng chạy vô đám đông mất hút. Trong khoảng khắc ấy, đám cổ động viên điên loạn lao tới. Tarzan lọt vào giữa sóng người điên loạn. Một gã thanh niên bấu chặt vai hắn cười hềnh hệch:

- Ê này, mày có cái áo bludong đẹp đấy nhỉ?

Tarzan dướn người nhìn theo hút tên tội phạm:

- Buông tôi ra!

Thêm một gã nữa sấn sổ chặn đường Tarzan:

- Hề hề, đi đâu mà vội thế.

Không ngần ngại, đại ca TKKG phóng luôn một quả đấm vô cằm tên gần nhất và quai cùi chỏ vào thằng bên cạnh.

Hai tên bị ăn đòn rống lên như heo bị chọc tiết. Cả đám đông nháo nhào, còn Tarzan lao vút đi như một mũi tên.

Phía sau Tarzan, cả đám người như cơn cuồng phong đang rầm rập đuổi theo. Hắn mở hết tốc độ chạy vô một con hẻm nhỏ. Chắc chắn bọn người kia không đuổi theo được nữa. Còn Tarzan cũng mất hút tên tội phạm.

Trong tay hắn lúc này có một chiếc cúc áo mạ vàng.

- Hừ, té ra là cái cúc áo của thằng Beukert. Gã vùng chạy làm rơi vật này vô tay mình.

Sân ga đã trở lại im ắng. Đám cổ động viên đã dồn hết lên hai chiếc tàu đi về hai phía mất tăm. Tarzan sục sạo muốn nát những ngóc ngách chung quanh nhà ga nhưng làm sao thấy được dấu vết tên tội phạm.

Hắn gõ cửa đồn công an địa phương với vẻ mặt ỉu xìu.

Thanh tra Bohme tiếp hắn khá thân mật. Sau khi nghe cặn kẽ câu chuyện, ông lập tức nhấc điện thoại hỏi thăm nơi vừa xảy ra vụ án mà báo chí đã tường thuật.

Tarzan quan sát nét mặt ông thanh tra trong lúc trao đổi điện thoại. Xem ra có nhiều thông tin chẳng lành.

Ông buông máy xuống trầm ngâm:

- Cháu Peter Carsten à, tấm hộ chiếu cũ mà cháu đã thấy trong ví tên tội phạm vốn được cấp ở Branninghausen, gần với Wehmstedt, nơi xảy ra vụ án. Ở Branninghausen hai ngày trước đây, gia đình Wolfgang Beukert bị kẻ gian cậy cửa lấy đi một món tiền lớn cùng một số giấy tờ, trong đó có giấy thông hành. Người trong hộ chiếu nhác trông từa tựa như tên tội phạm.

- Cháu cũng đã nghĩ như vậy.

- Ngoài ra gã còn phạm tội ở nhà bà Barbara O. mà chú tạm giấu tên. Nếu không có hàng xóm tình cờ gõ cửa nhà bà thì giờ này có lẽ bà ấy cũng đã bị gã giết chết. Bà Barbara O. chống cự ác liệt và trong lúc giằng giật, đã bứt đứt một chiếc cúc áo của gã.

Tarzan sững sờ:

- Vậy là tên mọi rợ đã bỏ lại tất cả hai cái cúc áo. Cháu một, bà Barbara O. một. Cháu e là trước sau gì gã cũng trở lại thủ tiêu bà ấy bởi bà ấy đã biết mặt gã.

Thanh tra Bohme gật đầu:

- Cháu nhận định rất chính xác. Sẽ có một cái bẫy chờ tên cuồng sát đó.

Tarzan đấm tay xuống bàn, khẽ và chắc:

- Vậy mà cháu đã để xổng khỏi tay.

- Cháu cũng đã làm hết sức mình rồi. Chỉ tại lũ điên khùng đó thôi. Chú sẽ cho phong toả ngay khu vực nhà ga. Cháu cứ ở đây. Nhà ga sẽ báo cho cháu biết giờ chạy của chuyến tàu tiếp theo để cháu đi đến trường.

*

Không khí nơi đây sặc mùi khí thải. Bên cây xăng, ôtô ra vào kìn kìn. Dãy kiôt bán sách báo ít người ghé qua. Cạnh đó là một quán cà phê đứng.

Julia Kramer là một phụ nữ thon thả, tóc vàng nhạt, nét mặt khả ái, vai đeo túi xắc, từ quán cà phê đi ra, tay cầm chìa khoá ôtô. Chiếc BMW loại nhỏ của cô đang sẵn sàng tiếp tục cuộc hành trình.

Bất ngờ từ phía sau một giọng đàn ông nhẹ nhàng cất lên:

- Xin lỗi chị.

Julia giật mình quay lại. Coi, trước mặt cô là một người đàn ông trạc tuổi trung niên ăn mặc bảnh bao nhưng không hiểu sao bị đứt tới hai chiếc cúc. Gã đã bám theo cô từ khi mới bước vào quán ư?

Tiếng gã thật dịu dàng:

- Chị cho tôi quá giang một quãng đến ga Tretzburg được không hả chị?

Julia ú ớ:

- Ồ, không… không…

- Tôi có hẹn với bà xã tôi ở đấy nhưng bà đến sớm hơn giờ hẹn một tiếng còn tôi lại đến trễ giờ so với hẹn, thế là chẳng gặp được nhau. Tôi sẽ gửi chị 30 mark gọi là góp tiền xăng.

- Không được. Không phải vì vậy.

- Chỉ đến Tretzburg thôi mà

Giọng năn nỉ của người đàn ông thật dễ xiêu lòng.

- Vì… vì ông đề nghị đường đột quá. Và… vì tôi chưa chở đàn ông xa lạ trên xe bao giờ.

Gã xin quá giang cười dụ khị:

- Coi, mặt mũi tôi đâu đến nỗi nào, chị thấy không?

- Tôi đã biết những chuyện tệ hại mà người đi nhờ xe gây ra cho phụ nữ. Trên báo đã đề cập nhiều về vấn đề này. Chào ông.

Julia thảy túi xắc vô trong xe rồi phóng tuốt vào chiếc BMW, đóng sầm cửa rất cương quyết.

Gã đàn ông có xống áo bị đứt tới… hai cúc đứng như trời trồng. Trong khi gã đang thất vọng thì một giọng trầm trầm vang lên phía sau lưng kèm theo tiếng cười thông cảm:

- Đàn bà bây giờ vậy đó.

Gã đàn ông quay lại. Tiếng cười ấy là của một ông già cường tráng, cao dễ tới hai mét. Ông già nhún vai:

- Nãy giờ tao đứng nghe chú em năn nỉ muốn gãy lưỡi mà vẫn thất bại thảm hại. Tội nghiệp hả?

Gã đàn ông bắt chuyện:

- Cũng dễ hiểu thôi.

Ông già gật gù:

- Phụ nữ họ cảnh giác cũng phải. Đã quá nhiều người xin đi nhờ xe rồi tấn công họ.

Gã đàn ông nói:

- Báo chí cũng nói quá nhiều về chuyện này bởi thế họ sợ. Này ông già, cho tôi quá giang xe được không?

- Cho thì cho chứ ngán gì. Tao đang muốn có người đồng hành cho đỡ buồn ngủ. Chú mày biết không, tuần sau là tao tròn chín mươi mốt tuổi. Nhẽ ra tao đang định mua một chiếc xe tử tế hơn nhưng biết chắc sang tuổi chín mươi hai là phải kiểm tra lại sức khoẻ. Không biết có đủ sức khoẻ không mà mua cái mới. Thôi lên xe đi.

- Cảm ơn cụ. Tôi tin rằng cụ còn chắc tay lái.

- Hà hà, dư sức qua cầu. Tao bẻ vô lăng thuộc loại nhà nghề, chỉ hơi rầu là bốn má phanh quá mòn mà tao chưa có thì giờ thay được.

Còn phải nói, gã đàn ông xin quá giang vã mồ hôi.
break
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Bà Chủ Trọ Muốn Được Yêu
Ngôn tình Sắc, Đô Thị
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc