Ludwig Droselhoff, kĩ sư thiết kế của hãng WBCB, người láng giềng của thầy Lattmann cảm thấy điếng người. Chớ gì nữa, khi không tấm ảnh của anh ta biến đâu mất như bị ai ếm xì bùa. Trên tấm bảng thường xuyên treo ảnh 40 nhân vật giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt của WBCB, chỗ dành treo ảnh của anh ta giờ đây trống hoác…
Ngày nào anh ta chẳng tự ngắm ảnh mình: 36 tuổi, cao 1m81, tóc vàng, gương mặt rám nắng, với ánh mắt hướng nội của một nhà kĩ thuật tài năng.
Ludwig cảm thấy chột dạ. Và anh ta lập tức vắt óc suy nghĩ.
Thôi, đích thị là Ottmar – Jurgen Rodermeyer rồi! Còn ai vào đó nữa!
Ludwig nghi hoặc ngó quanh. Không có ai ngoài bà thư kí đã có tuổi đang ngả người trên ghế đánh giấc ngủ trưa.
Đúng vậy. Chỉ có thể là cấp trên của anh ta: kĩ sư trưởng Rodermeyer, 44 tuổi, chưa vợ và mê đánh gôn ngang ngửa với đếm giấy bạc. Nhìn bên ngoài viên kĩ sư trưởng là người đáng cho kẻ khác phải ghen tị. Các cô gái trẻ theo lão cả đàn.
Thế nhưng Ludwig lại đang nắm lão trong tay.
Mọi chuyện bắt đầu từ bốn tháng trước, khi tình cờ Ludwig trông thấy Rodermeyer gặp gỡ kĩ sư trưởng Jacques Perrigon của tập đoàn máy tính ASHBURN-CENTRE. Tập đoàn này hiện đứng thứ hai trên thị trường máy tính và là đối thủ cạnh tranh với WBCB gay gắt nhất.
Trong cuộc gặp gỡ bí mật đó, Rodermeyer đã trao cho Perrigon những bản thiết kế bí mật của hãng WBCB. Hành động phản bội kia ngay tức khắc đã bị Ludwig Droselhoff ghi nhận vào máy ảnh bỏ túi.
Rõ là hoạt động gián điệp công nghiệp còn gì!
Khủng khiếp! Mới đầu Ludwig định tố cáo hành vi nội tuyến của Rodermeyer để có thể thăng quan tiến chức bằng cách choán chỗ lão. Nhưng rồi con quỷ hám tiền đã rỉ tai anh ta một kế hoạch. Và thế là thay vì lật mặt tên phản bội, anh ta trở thành một tên tống tiền. Anh ta đã tống tiền ngon lành. Suốt bốn tháng qua, Rodermeyer phải cống nạp cho Ludwig Droselhoff một phần ba số lương của lão để trám miệng.
Quả là một vố đau như hoạn cho Rodermeyer. Lão nào phải là thứ dễ bị bắt nạt. Tự nhiên lại phải quy phục một thằng kĩ sư thuộc hạ thì nhục nhã chịu sao thấu. Bởi vậy, lão buộc phải… xuất chiêu. Ê, vào tối thứ sáu cách đây bốn tuần một tên vai u thịt bắp đã rình chộp Ludwig trong nhà gửi xe. Cũng may mà anh ta vọt được.
Giờ đây nghĩ lại chuyện đó, Ludwig vẫn còn nổi da gà. Mặc dù Rodermeyer chối biến việc lão dính líu tới thằng kia, và trò đó cũng không lặp lại, Ludwig vẫn luôn cảnh giác.
Tấm ảnh mà anh ta đã chụp được nhân thành nhiều bản. Vài bản Ludwig cất giữ tại nhà, vài bản giấu ở một địa điểm bí mật, vài bản nữa thì đem theo trong ví.
Mười lăm giờ ba mươi tan sở.
Bình thường, Ludwig thường nấn ná lại để mọi người thấy anh ta tận tụy với công việc. Một kẻ hãnh tiến bẩm sinh mà.
Nhưng hôm nay, anh ta vội vã chạy xuống nhà xe, trèo lên chiếc Renault. Anh ta thu mình lại sau tay lái, theo dõi chiếc Mercedes của Rodermeyer qua kính cửa sổ.
Kia rồi, tay kĩ sư trưởng đã đi ra với bộ complê đắt tiền và chiếc cà-vạt lụa trên ngực. Lão mở cửa chiếc Mercedes quăng cặp tài liệu lên dãy ghế sau, châm một điếu More màu nâu thả khói phì phèo rồi cho xe lăn bánh. Khỏi phải nói, Ludwig bám theo là cái chắc.
Rodermeyer dừng xe trước nhà ga trung tâm hầu như cùng lúc với Ludwig. Lão sếp xuống tầng hầm biến vào dãy nhà vệ sinh nam mà không hề hay biết đến “cái đuôi” đang bám theo.
Đến lúc này Ludwig giác ngộ. Té ra lão hẹn hò với một thằng anh chị khác ở đây sau khi thằng đánh thuê lần trước vồ hụt con mồi. Hừ, ngộ biến thì phải tùng quyền. Ludwig cũng lặng lẽ đẩy hé cửa nhà vệ sinh để vào buồng số 5 bên cạnh sau khi phát hiện lão sếp vô buồng số 6.
Tiếng Rodermeyer giả vờ giật nước. Ludwig hồi hộp kinh khủng. Không nghe tiếng lão trò chuyện, có nghĩa là lão không gặp trực tiếp kẻ đánh thuê. Vậy lão ở trong đó để làm gì cà?
Mắt Ludwig sáng lên. A ha, hoá ra là lão dùng hộp thư mật tại nhà cầu sau khi đã ngã giá với tên sát thủ qua điện thoại. Và điểm để tên sát thủ nhận đơn đặt hàng là buồng số 6.
Rodermeyer vừa bốc hơi là Ludwig trám chỗ liền. Mắt anh ta nhìn trừng trừng muốn thủng thùng nước trên bồn vệ sinh. Chỗ duy nhất kín đáo trong một nhà cầu chỉ có thể là… thùng nước. Hà, đây rồi. Có một chiếc phong bì giắt sau thùng thật.
Ludwig xé phong bì và lạnh người. Bên trong lá thư là mười tờ một trăm mark và tấm ảnh bị… mất tích của anh ta!
- Mẹ kiếp! Đồ chó chết! Được, hãy đợi đấy!
Ludwig nghiến răng nguyền rủa.
Tiếng ai đó bên buồng số 7:
- Có chuyện gì chăng?
- Ồ, không. Không có gì. Tôi… tôi chỉ buột miệng khi nghĩ đến lão sếp của tôi.
- Thế đấy. Vào đến đây mà vẫn còn chưa trút bỏ hết chuyện ở công sở.
Không để ý đến lời bình luận ngao ngán của người kia, Ludwig lao như tên bắn ra một cửa hiệu tạp phẩm mua một cái phong bì mới. Tại chỗ vắng vẻ, anh ta rút trong túi một tấm ảnh chụp cảnh Rodermeyer bán công thức mật cho Perrigon. Anh ta xé phân nửa tấm ảnh, bỏ phần chụp Perrigon chỉ giữ phần Rodermeyer lồ lộ. Sau đó ghi địa chỉ của viên kĩ sư trưởng sau ảnh.
Xong. Ludwig đút ảnh và xấp tiền vô phong bì dán kín. Còn phải hỏi, anh ta bỏ “lệnh tử hình” vô chỗ kín đáo trong buồng vệ sinh số 6 chứ sao. Giờ thì gậy ông lại đập lưng ông nha. Rõ ràng tên đánh thuê không biết mặt kẻ thuê gã cho nên lão Rodermeyer mới phải chọn cách chuyển tin phức tạp này. Nếu mọi sự diễn ra như Ludwig dự tính thì không phải anh ta mà chính lão Rodermeyer sẽ lãnh đòn thê thảm. Chắc chắn tên sát thủ sẽ chiếu theo địa chỉ sau tấm hình mà nện… kẻ thuê mình. Ha ha ha…
*
Tarzan đã đến bìa rừng. Khu vực này chỉ có một căn nhà duy nhất. Hắn nhảy xuống, dựa xe đạp vào cột cổng, ngó quanh. Xung quanh không một bóng người, chỉ thấy đàn bò uể oải nằm trên bãi cỏ và bầy ong rối rít trên những đóa hoa.
Tarzan bấm chuông cửa. Không thấy ai ra mở. Hắn bèn đập cửa thật to và nghe giọng ồ ề của một người đàn ông bên trong.
- Ai đó?
- Peter Carsten, còn gọi là Tarzan đây ạ. Thầy Lattmann đã báo cho tôi biết có một kẻ nguy hiểm đang lượn lờ quanh đây. Nhưng tôi không thấy ai cả. Tên ấy chuồn rồi phải không ạ?
- Vậy hả. Chờ chút!
Detlef Blassmuller mở cửa. Tarzan kinh ngạc khi thấy ông họa sĩ hoàn toàn khác hẳn những gì hắn hình dung. Coi, ông ta hộ pháp như một tay võ sĩ với các cơ bắp cuồn cuộn. Trên cái cổ bò mộng là cái đầu tròn, đôi mắt lươn và mái tóc vàng dài tối đa là 6 cm nhưng rậm như lông thỏ. Bộ đồ bẩn thỉu của ông ta thích hợp với một tên đầu gấu hơn là một nghệ sĩ mộng mơ.
Detlef chẳng cần biết thái độ của Tarzan. Ông ta nhoẻn cười, phô đủ năm chiếc răng vàng:
- Chú mày là chúa tể rừng xanh Tarzan hả?
- Dạ, chào ông Blassmuller. Mọi việc ổn cả chứ ạ?
- Ổn, tuyệt đối.
- Nhưng đó có phải cái kẻ từng đe dọa ông không ạ?
- Chắc vậy. Nhưng gã đã lẩn vào rừng rồi.
Lúc này Tròn Vo mới thở hổn hển nhảy xuống, dựng xe. Nó lạch bạch đi vào. Tarzan bảo:
- Hoảng báo thôi, Willi ạ. Tụi mình lại biến được rồi.
Tròn Vo bất bình:
- Phù! Vậy mà làm tao đạp hùng hục. Khát đến khô cả họng. Khát quá trời!
Blassmuller dụ dự. Rõ ràng ông ta chẳng hiếu khách chút nào. Sau cùng ông ta đành hỏi, không được vồn vã cho lắm:
- Cậu muốn uống một li nước chăng?
- Còn gì bằng ạ. Giá được li ca cao lạnh nữa thì càng hay, nhưng tôi sẽ không đòi hỏi cao như vậy đâu.
Tarzan cũng đề nghị:
- Tôi muốn báo tin ông đã bình an vô sự cho bạn tôi. Tôi đã hứa với cô ấy. Xin phép ông, thưa ông Blassmuller?
- Xin cứ tự nhiên!
Blassmuler khịt khịt mũi mấy cái rồi đi trước. Trước khi nhấc điện thoại, bất ngờ mắt Tarzan nhìn lên tường sảnh. Trên tường treo tới bảy, tám bức chân dung. Những bức chân dung tự họa, trời ạ! Tarzan sực nhớ, và lạnh toát xương sống.
Đúng lúc ấy, giọng ồm ồm của Blassmuller vang lên:
- Nước lạnh ở dưới bếp. Đừng di chuyển lộn xộn chú em béo ụ ạ.
Tròn Vo bưng một li đại nước lạnh từ bếp đi ra, tu ừng ực. Điện thoại để trong phòng khách. Blassmuller bước đến một ô cửa sổ mở toang:
- Để tôi đóng cửa lại nhé. Cậu gọi đi!
Tarzan nhìn cái kẻ vừa nói, tự nhủ: “Nếu mình nhầm, sẽ khó ăn khó nói lắm đây”.
Hắn bước lại gần chiếc ghế bọc da để giữa đường. Coi, Blassmuller vừa quay đi để đóng cửa sổ thì chiếc ghế trong tay hắn đã nện vào đầu ông ta.
Gã đàn ông rên lên một tiếng, khuỵu gối, nhưng bật dậy ngay và toan quay lại. Thể lực gã đáng gờm đến nỗi Tarzan phải bồi thêm đòn… ghế thứ hai. Lần này thì gã lăn ra nằm thẳng cẳng trước cửa sổ.
Trời đất. Tròn Vo buông li nước vừa uống cạn trên tay cái choang, tròn xoe mắt khiếp hãi. Nó gào lên:
- Tarzan! Đại… đại ca… sao lại…?
Tarzan thả chiếc ghế xuống:
- Gã khỏe như gấu. Tụi mình cần sợi dây để trói gã lại. Mau lên, Willi!
Hắn nói xong là ba chân bốn cẳng phóng ra sảnh để mò sang phòng vẽ. Tròn Vo vẫn quàng quạc:
- Tụi mình đến đây để cứu người chứ không phải hại người. Có chuyện gì vậy hả, cái đồ ưa đấm đá kia?
Tarzan chẳng thèm giải thích. Hắn tiếp tục nhìn quanh quất. Quái đản thiệt, toàn đồ nghề của dân cầm cọ chớ chẳng có lấy một sợi dây nào. Hắn bực bội nói vọng vào:
- Mày vẫn ù ù cạc cạc không hiểu gì hết à. Gã không phải là ông họa sĩ mà là tên côn đồ. Gã biết tụi mình không biết mặt Blassmuller nên tính đùa với lũ trẻ con một chút. Trò đùa đã bị trả giá đắt.
- Hả?
Tròn Vo thốc vào phòng tranh:
- Sao… sao đại ca biết gã là tên… tên côn đồ?
- Hừ, đưa ngay cái rìu trên mặt rương cho tao. Gã hộ pháp đó nội công khá lắm. Tao cần phải vũ trang.
- Nè, rìu đây. Nhưng mày phải trả lời câu hỏi của tao…
- Có gì đâu. Chúng ta không biết mặt cả Blassmuller lẫn tên côn đồ. Nhưng tao biết hiện nay ông họa sĩ chỉ chuyên vẽ chân dung tự họa. Và treo chúng đầy nhà. Mày thấy không? Kia, kia kìa, kia nữa… tất cả đều cùng một gương mặt. Nào, đó có phải là con vượn tóc vàng ấy không hả?
Tròn Vo trố mắt nhìn những bức chân dung. Quả là đại ca nói không sai. Trong tranh là một khuôn mặt xương xương với ánh mắt u tối, mớ tóc bù xù và bộ râu đen rậm rì xoắn tít. Nó há hốc miệng:
- Thảo nào. Tao đã lấy làm lạ. Cứ nghĩ chẳng lẽ ông ta có lắm người bà con thế. Mà ai cũng giống ai mới kì.
- Đó là Blassmuller. Toàn Blassmuller cả thôi. Chậc, tụi mình phải hỏi cung “con vượn” khổng lồ ấy coi gã đã làm gì ông họa sĩ.
Tarzan xách cái rìu trở lại phòng khách. Hắn sững người trên ngưỡng cửa. Quỷ tha ma bắt, con vượn tóc vàng đã bốc hơi. Rõ ràng gã đã tỉnh lại và chuồn lẹ qua lối cửa sổ.
Tarzan thò đầu ra thất vọng:
- Không ngờ cái đầu gã cứng như thép. Chỉ tiếc là tao lại nhẹ tay vì không muốn gã thành kẻ ngẩn ngơ.
Tròn Vo ú ớ:
- Thôi, tha cho gã. Tụi mình đi kiếm ông Blassmuller đi.
Sau một hồi lùng sục hai đứa tìm thấy ông họa sĩ dưới tầng hầm.
*
Blassmuller được nhị quái dìu lên chiếc đi-văng. Sau khi uống cạn cốc vang đỏ do Tròn Vo phục vụ, người họa sĩ “thiên tài” đã đủ sức kể lại:
- Lỗi do tôi, hai bạn nhỏ ạ. Lúc gọi điện cho Lattmann xong, tôi ngu ngốc quên chốt cánh cửa sổ. Trong khi tên côn đồ lợi dụng cơ hội đó lẻn vào thì tôi vẫn lo đi tìm cái rìu. Thằng khốn đã theo sau lưng tôi tự lúc nào. Gã đấm tôi ngã, trói tôi rồi lôi xuống tầng hầm. Gã nói rằng cho tôi nhớ đời vì cái tội lẻo mép với cảnh sát. Đúng là đồ điên. Tôi có tội gì chứ? Chỉ là việc làm chứng và tả hình dáng kẻ đánh đập dã man người tàn tật cho cảnh sát thôi. Ấy thế mà thằng điên đó cứ nhất định rửa hận với tôi. Gã luôn mồm lẩm bẩm: “Mình làm gì với nó đây? Làm gì với nó đây?”.
Tròn Vo lẹ miệng:
- Đáng lẽ gã phải nghĩ ra cách hành hạ ông trước rồi mới tính chuyện đột nhập chớ. Gã này có lẽ đầu óc bã đậu cho nên tốn quá nhiều thời gian. Mà cũng nhờ vậy nên ông mới thoát cảnh chầu… Ờ nhỉ, thật may là con vượn ấy đầu óc kém tưởng tượng… Và gã chưa kịp cho ông một bài học nhớ đời thì tụi cháu đã bấm chuông.
Tarzan nhìn thằng mập trách móc. Nó nói khơi khơi cứ như một bình luận viên bóng đá vậy kìa.
Blassmuller không để ý tới điều đó. Ông cảm kích gật đầu:
- Cảm ơn các cậu đã kịp thời cứu mạng. Mà chuyện đã diễn ra thế nào vậy?
Tarzan thuật lại. Hắn kể xong, Blassmuller mới bàng hoàng:
- Té ra cái rìu không ở trên đầu giường mà nằm trong phòng vẽ à? Tôi thật là bê bối. Tôi sẽ mua thêm cái nữa để trên tủ đầu giường mới được. Ở một mình, về đêm cứ có cảm giác không an toàn.
Blassmuller tự rót cho mình một li vang nữa rồi trầm ngâm:
- Tôi sẽ tạ ơn các cậu bằng cách nào đây? A, hay là tôi vẽ chân dung hai cậu.
Tarzan cười:
- Chuyện vừa rồi nhỏ mà ông. Tụi cháu sẽ không nhận mỗi người một bức tranh đâu. Như thế nhiều quá. Tuy nhiên nếu hai đứa ở chung một bức của ông vẽ thì cháu sẽ bị Tròn Vo đẩy bật ra vì nó quá đồ sộ. Hay là…
Kloesen không nén nổi tò mò:
- Nói đại đi, đại ca.
- Ừ, tụi mình đều muốn có một bức chân dung Gaby để treo trong “Tổ đại bàng”. Cả hai thằng đều có thể ngắm Công Chúa…
- Ờ há, nói nghe được đó đại ca!
Rồi Tròn Vo quay sang giải thích cho ông họa sĩ:
- Gaby là bạn gái duy nhất trong nhóm tụi cháu đó ông.
Blassmuller cười thích thú:
- Tôi rất sẵn lòng vẽ chân dung cô bé ấy vào bất kì lúc nào. Tuy nhiên chúng ta phải báo cho cảnh sát vụ hành hung người vừa qua trước đã chứ?
Tarzan gật đầu:
- Ông hãy gọi cho thanh tra Glockner. Chú ấy là bố của Gaby đấy ạ.