Mới đầu giờ chiều mà Karl và Gaby đã sốt sắng đi chợ. Gaby đưa cho Karl cái túi mua hàng.
- Vậy là đã mua đủ các thứ thầy bảo: một tuýp thuốc đánh răng, một ổ bánh mì, bơ và hộp trà. Chỉ có vậy. Karl này, mình nghĩ thầy Lattmann sống có vẻ thanh đạm.
- Ổng bị bắt buộc phải… tu hành mà Gaby.
Hai đứa tức tốc phóng xe đến nhà tiến sĩ Friedrich Lattmann - thầy dạy họa được học trò cả trường yêu thích. Ông thầy sống độc thân, mê Picasso tới nỗi hễ nhắc đến tên nhà đại danh họa là mắt thầy lại sáng rỡ. Cũng vì sự say mê thần tượng đó, nên khi đám học trò trong trường đặt cho thầy biệt hiệu “Picasso”, thầy hưởng ứng liền.
Cả tuần nay “Picasso” phải nghỉ dạy, ông bị một tên ngổ ngáo tông xe gắn máy vào, chân trái bị gãy phải bó bột tận hông. Hôm qua ông xuất viện, rất cần tới sự đỡ đần của học trò – dĩ nhiên trong số này không thể thiếu TKKG. Chúng đã cử Karl và Gaby đại diện săn sóc thầy.
Ngôi nhà nhỏ của thầy Lattmann tắm mình dưới nắng mặt trời. Trong vườn có nhiều cây ăn quả. Cỏ dại tha hồ tung hoành trong khu vườn vì một lẽ giản dị, ông thầy tính hồn hậu này luôn luôn nhìn thiên nhiên như nhìn một người bạn. Một người bạn có tâm hồn và sự tự do tồn sinh, không cần có bàn tay con người can dự vào.
Gaby lấy chìa khóa để sẵn trong chậu cây cạnh cửa, mở khóa. Cô bé reo lúc bước lên cầu thang hẹp:
- Thưa thầy Lattmann, tụi em có mặt.
“Picasso” trả lời từ tầng hai:
- Cảm ơn các em.
Ánh nắng xiên vào phòng qua ô cửa sổ nhỏ. Ở đây có thể ngó qua nhà hàng xóm dễ dàng. Mặt Lattmann tươi rói:
- Các em chăm sóc tôi chu đáo quá. Gaby, em đối với tôi như mẹ hiền vậy.
Gaby cười:
- Ồ, nếu em là mẹ hiền, em đã buộc thầy ăn uống tốt hơn. Hay thầy vẫn còn đủ thức ăn trong tủ lạnh ạ?
Thầy Lattmann gật đầu.
Thầy ngồi trên một chiếc ghế bành êm ái, hướng ra cửa sổ. Cái chân bị bó bột gác lên một cái ghế thấp khiến hai đứa ái ngại. Chúng nhìn đôi nạng và từng chồng sách báo hội họa dưới chân ghế mà ngậm ngùi.
“Picasso” gày gò, xa lạ với các môn thể thao. Ông cao tới gần một mét chín mươi mà chỉ nặng có 64 kí. Trán ông hói một cách ngộ nghĩnh khiến phần tóc dài chấm vai coi thật khôi hài.
Trong lúc Karl đi pha trà, thì Gaby hoàn trả lại thầy Lattmann số tiền dư:
- Em cứ để trên bàn cho tôi, ồ không… trên bàn đang có một bức tranh.
- Hả?
Gaby tròn xoe mắt. Bức tranh mà “Picasso” nói là đây sao? Đó chẳng qua là một tờ giấy tương đương như khổ lịch tháng dính đầy màu sắc be bét. Cô bé kinh ngạc:
- Theo em, đây chưa phải là hội họa.
- Hội họa chính cống đấy Gaby. Bức tranh có tên “Sự hình thành của vũ trụ” do Detlef Blassmuller vẽ tặng tôi trong một chuyến ghé phòng này. Detlef Blassmuller sẽ là một họa sĩ cỡ lớn sau này mà thành phố chúng ta sẽ tự hào đó Gaby. Nào, em hãy ngắm một kiệt tác khác của ông bạn tôi thử coi.
Gaby dõi theo cánh tay Lattmann. Cô bé chỉ thấy trên tường treo một bức ảnh chụp cảnh năm con đười ươi nhỏ bu quanh một con đười ươi mẹ đang kéo vĩ cầm, chăm chú lắng nghe.
- Chẳng lẽ thầy nói tấm ảnh kia…
- Sao lại là ảnh hở Gaby. Em lại gần quan sát đi. Tranh đàng hoàng: Nhà vĩ cầm lừng danh.
Đôi mắt Gaby hầu như dính liền với bức… ảnh. Cô bé sững sờ:
- Thầy nói đúng. Không phải hình phóng lớn mà là một bức tranh sơn dầu. Ông họa sĩ vẽ y như một nhiếp ảnh gia.
- Blassmuller là một thiên tài hội họa đa dạng. Ông ta vẽ theo trường phái trừu tượng hay truyền thần đều siêu đẳng như nhau. Chỉ có điều hai bức mà em vừa ngắm là hai bức hiếm hoi ông ta không vẽ về mình. Hiện nay Blassmuller chỉ yêu cá nhân ông ấy.
- Vậy sao! Thầy giải thích rõ hơn được không ạ?
- Thì ông ấy tự họa. Chỉ toàn vẽ chân dung Detlef Blassmuller. Ông ta không bán mà treo cả năm chục bức tự họa tại nhà riêng ở Grunauken.
- Grunauken ạ? À, mà nếu ông Blassmuller ở Grunauken thì biết đâu chừng ông ấy lại gặp Tarzan và Willi. Hai bạn ấy đang có công chuyện phải giải quyết ở đó.
- Chuyện gì thế?
- Tarxan bán lại chiếc xe đua cũ cho Gernot Panczek. Gernot nhà ở đó.
- Rồi cậu ta lấy gì mà đi?
- Dạ, Tarzan đã sắm xe mới ạ. À, thầy biết sao không, em rất muốn biết những bức chân dung tự họa của ông bạn thầy tả thực hay nguệch ngoạc như bức vũ trụ kia.
Đúng lúc ấy có tiếng choang ngoài cửa, trên cầu thang.
Coi, Máy Tính xộc vào phòng với bộ mặt bí rị.
- Em xin lỗi thầy. Em đoảng quá. Em lỡ làm bể một cái li và một cái đĩa rồi.
Lattmann khoát tay:
- Không hề chi Karl à. Theo quan niệm truyền thống thì những mảnh sứ vỡ mang đến hạnh phúc đấy. Vả lại dưới nhà còn li tách mà.
Ông thầy cắn môi nhấc cái chân đau lại cho ngay ngắn.
- Gãy hai lần rồi. Lần này phải đóng đinh cố định. Có lẽ sau khi tháo bột tôi sẽ phải đi cà nhắc khá lâu nữa.
Máy Tính hỏi dè dặt:
- Chuyện tai nạn xảy ra thế nào hả thầy?
- Ừ… ừm, tôi đang đứng ở góc phố Bornheimer thì một chiếc mô-tô điên khùng lao đến. Cái gã cầm lái không bẻ cua nổi, đâm ngay vào tôi. Điều đáng giận là tôi nằm đó với cái cẳng gãy còn gã kia thì ung dung vọt mô-tô đi mất.
Karl khẳng định:
- Gã bỏ trốn đó mà.
- Chắc chắn thằng thiếu tính nhân loại đó thuộc dạng sinh ra để làm tội phạm. Cách ăn mặc của gã rất xấc xuợc.
- Thầy không nhớ chi tiết nào nữa à?
- Chỉ có vậy. Không thấy mặt gã cũng như biển số xe.
Thầy Lattmann nhìn ra cửa sổ. Căn nhà hàng xóm - lớn hơn và hiện đại hơn nhà thầy - vừa mở cửa. Một thiếu phụ ló đầu nhìn ra phố rồi khép cửa lại. Giọng Karl lại vang lên:
- Cách ăn mặc của thằng khốn kiếp nọ thế nào, thưa thầy?
- Quái đản! Phải, thật quái đản.
Thầy Lattmann nhắm mắt để nhớ lại:
- Một chiếc mô-tô phân khối lớn màu đỏ chói. Đỏ chói và nhũ bạc. Bộ đồ đi mô-tô màu trắng. Hình như bằng da. Lại còn hình vẽ đầu lâu màu trắng trên mũ bảo hiểm đen. Mọi thứ loang loáng trước mặt tôi: đỏ, đen và trắng. Trong tích tắc thôi. Nhưng tôi nhớ như in.
Cửa nhà bên kia lại hé ra. Lần này, bên cạnh thiếu phụ là một em bé gái chừng năm tuổi nhí nhảnh và dễ thương cực kì. Nhận thấy Gaby nở một nụ cười với em bé, thầy “Picasso” chép miệng:
- Đó là Helga Droselhoff, còn cháu nhỏ là bé Sabine con gái cô ấy. Gia đình họ dọn về đây chừng nửa năm nay.
Gaby ríu rít như chim hót:
- Những người hàng xóm đó dễ chịu chứ thầy?
- Rất dễ chịu, tử tế. Nhưng có lẽ họ chưa biết tôi bị tai nạn vì từ hôm ấy tôi chưa gặp họ. Hơn nữa, tôi cũng không muốn làm phiền họ. Chồng cô Helga là kĩ sư thiết kế của hãng WBCB.
Máy Tính dậm nhẹ chân xuống sàn:
- Em biết hãng này. WBCB là công ti sản xuất máy vi tính hàng đầu thế giới. Họ có những ý tưởng mà kẻ khác chưa hề nghĩ đến.
Gaby nhíu mày:
- Có phải trụ sở của hãng là tòa nhà bê-tông đồ sộ ở đại lộ Achenfelder không?
- Đúng.
Ông Lattmann không mấy hào hứng với đề tài này:
- Tôi không phù hợp với nền văn minh cơ khí. Những tập đoàn kiểu đó chắc chắn là mạnh rồi. Nhưng tôi cuộc rằng họ không có nổi một bức kiệt tác nào treo trong trụ sở.
Gaby cười:
- Thầy hãy nêu ý kiến ấy cho ông Blassmuller. Biết đâu tập đoàn máy tính WBCB lại chẳng có một ông chủ có máu nghệ sĩ. Và ông ta sẽ hào phóng mua hết năm chục chân dung tự họa của ông Blassmuller để treo tại mỗi văn phòng, mỗi căng-tin. Các nhân viên của WBCB hẳn sẽ tưởng ông Blassmuller là Ông Chủ Lớn…
Thầy Lattmann chưa kịp có phản ứng gì thì chuông điện thoại réo vang. Ông nhấc máy rồi reo lên:
- Chúa ơi, Detlef hả? Tụi mình đang nói xấu cậu bằng cách ca ngợi những bức tranh của cậu đây. Sao? Cậu nói gì?
Vành tai ông thầy như dính liền với ống nghe. Khuôn mặt ông bỗng tái nhợt:
- Hừm. Tôi cũng không biết phải làm gì nữa. Cậu có chắc không Detlef? Sao? Tên nguy hiểm ấy sẽ đột nhập vào nhà cậu à? Trời đất, cậu có một thân một mình. Không được… Cậu chờ chút nhé. Karl và Gaby đang định nói gì. Ồ không, cậu không biết các em đấy đâu. Sắp nhỏ này khá lắm. Chờ chút nghe!
Ông hạ ống nghe xuống. Giọng Gaby đấy băn khoăn:
- Hình như người bạn thiên tài của thầy cần giúp đỡ phải không ạ?
- Chắc vậy. Detlef đang gặp rắc rối. Số là Detlef bất bình trước cảnh một tên côn đồ đánh đập một người tàn tật nên đã báo cảnh sát và săn sóc nạn nhân, mặc dù trước khi bỏ chạy tên kia đã đe ông ấy chớ dính vào. Tên ác ôn chắc đã theo dõi bạn tôi khá kĩ. Ngay hôm sau vụ hành hung trên, gã đã phôn lại đe dọa Detlef rồi sẽ biết tay gã.
Lattmann rùng mình khi đối chiếu với hoàn cảnh bi đát mà ông đã trải qua.
- Giờ thì sao rồi, thưa thầy?
- Thằng khốn kia hiện đang lượn quanh nhà Detlef. Nhà ông ấy ở bìa rừng. Và Detlef cũng đã phát giác ra sự có mặt của gã giữa đám cây cối.
Gaby và Karl đưa mắt cho nhau. Karl sốt sắng:
- Thầy đừng lo. Tụi em sẽ tìm cách liên lạc với Tarzan. Cậu ấy đang ở Grunauken nên sẽ xuất hiện ở nhà ông Detlef nhanh hơn cả cảnh sát.
Lattman lập tức áp ống nghe lên tai:
- Nãy giờ cậu có nghe tụi tôi bàn bạc cả đó chớ Detlef? Vậy đó! Tarzan là ai hả? Ồ, một học sinh lớp 10 thôi. Sao? Cậu cho là tôi sẽ phái một đứa bé đến bảo vệ cậu à? Cậu lầm đó Detlef ạ. Tarzan là thủ lĩnh của nhóm TKKG đấy. Ơ, mà cậu đâu biết gì về TKKG phải không? Đã nghe danh à, tốt tốt… Theo tôi được biết thì Tarzan chưa thua trận bao giờ. Giờ làm ơn cài then khóa cửa chờ đợi nhé. Chúc lành.
Cùng lúc ấy, quân sư Karl đã tìm ra số phôn của gia đình Panczek trong danh bạ điện thoại. Gaby đảm nhận việc gọi cho Tarzan. Đương nhiên rồi. Còn ai có thể “điều động” Tarzan nhanh hơn cô bạn gái của hắn nữa.
*
Chiếc xe đạp đua của Tarzan đáng giá trên ba trăm mark nhưng hắn sẵn sàng để rẻ cho Gernot Panczek với giá hai trăm mark. Hắn đang giảng giải cho Gernot cách sử dụng con ngựa sắt thì chuông điện thoại réo vang.
Bà mẹ Gernot đã ở ngoài sảnh. Rồi bà gọi:
- Cháu có điện thoại đấy Tarzan.
Tarzan phóng ra cấp kì. Còn phải hỏi, chỉ có Karl và Gaby biết hắn đang ở đây.
- Peter Carsten nghe đây.
Giọng Gaby thật ngọt ngào:
- Tazan ơi, bạn hãy đến ngay số 1 đường Bìa Rừng. Ông họa sĩ Detlef Blassmuller bạn thầy “Picasso” ngụ ở đó…
- Mình biết. Nhưng có chuyện gì mà mình lại phải tới thăm cái ông họa sĩ chỉ say mê tự họa đó?
- Ông ấy cần giúp đỡ. Một tên côn đồ đang lảng vảng quanh nhà ông ấy. Chuyện thế này…
Cô bé kể tóm tắt. Tarzan đờ người trong một giây:
- Ô-kê. Mình đi ngay đây. Nếu có vấn đề lớn, mình và Kloesen sẽ điện về. Bằng không thì chính ông Blassmuller sẽ gọi. Chào.
Hai quái từ giã gia đình Panczek khởi hành không chậm trễ. Coi, Tròn Vo nào biết phải đi đâu, chỉ biết đang có chuyện gì rất khẩn thiết ở đâu đó. Đi một đoạn, nó mới tạm hiểu nội dung câu chuyện qua lời tường thuật của đại ca.
Tròn Vo vừa cố gắng để khỏi tụt lại phía sau, vừa chu mỏ:
- Coi chừng mình bị hớ đó Tarzan. Các họa sĩ khi bế tắc đề tài thường mắc bịnh hoang tưởng. Có khi Blassmuller trông thấy thằng bù nhìn rơm lại nghĩ là một tên khủng bố thì… quê cả làng.
- Thôi đừng lảm nhảm bàn lùi nữa Willi. Lẹ lên, theo tao nào!