Chương 5 – Người đàn ông ngu hiếu
Việc nhà họ Giang chia nhà còn nhanh hơn so với mọi người tưởng tượng. Sau ngày Giang Lưu giết gà, hai ông bà nhà họ Giang liền mời mấy trưởng bối và cán bộ đại đội đến chủ trì chia nhà, đem tài sản trong nhà phân chia rạch ròi.
Bởi vì hai ông bà quyết định đi theo nhà con thứ hai, phòng chính của hai ông bà được chia cho Giang Hải. Phòng hai vợ chồng Giang Lưu đang ở và một gian phòng đang làm phòng chứa đồ được chia cho nhà con cả.
Nói cách khác, tây Sương phòng thuộc về nhà con cả, đông sương phòng và phòng chính thuộc về nhà con thứ.
Trong nhà còn lại năm con gà mái, nhà con cả được chia hai con, nồi bát bầu bồn dựa theo đầu người mà chia đều. Tương tự, lương thực trong nhà cũng được chia như vậy.
Về phần tiền tiết kiệm, Miêu Thải Phượng khẳng định trong nhà một phân tiền cũng không còn nên không cần chia tiền. Còn số tiền hơn 60 khối Giang Lưu đang nợ bệnh viện là do tự anh gây ra nên quy về hết cho nhà anh.
Giang Lưu và Từ Tú Tú đối với sự phân chia như vậy cũng không có ý kiến gì, nhưng trong mắt mọi người là do hai vợ chồng này đã quen thành thật, ngược lại các trưởng bối đến làm nhân chứng lại không nhìn nổi.
"Hai vợ chồng Lưu Tử vì cái nhà này lao tâm khổ tứ, thành ra bây giờ trừ chỗ đặt mông thì chỗ tốt gì cũng không được?"
Người mở miệng là một trưởng bối nhà họ Giang, dựa theo bối phận, Giang Truyện Căn phải gọi ông ấy một tiếng ông chú.
"Vợ Truyện Căn à, ta cậy già lên mặt khuyên cô một câu, làm việc không nên quá tuyệt tình khiến con cái lạnh lòng. Đừng ỷ vào việc vợ chồng Lưu Tử hiếu thuận mà muốn làm gì thì làm, chẳng lẽ cô có thể đảm bảo tương lai bọn Hải Tử chắc chắn sẽ hiếu thuận với cô?"
Ở đại đội này cũng không phải không có mấy bà lão bất công, nhưng có thể bất công đến trình độ của Miêu Thải Phượng thì cực kì hiếm thấy.
"Sao cụ lại nói lời này, cháu và Hải Tử hiếu thuận cha mẹ còn không kịp, làm sao lại làm ra mấy chuyện ngỗ nghịch được."
Vương Tuyết Mai nghe vậy liền lên tiếng. Đối với sự phân chia này cô ta rất hài lòng, trong lòng cô ta biết rõ, trong tay mẹ chồng chắc chắn còn không ít tiền, tương lai số tiền đó cũng đều là của nhà cô ta. Cho nên lúc này có trưởng bối đứng ra nói chuyện cho nhà anh cả, phản ứng đầu tiên của cô ta là không đồng ý.
"Tuyết Mai nói không sai, Hải Tử là đứa trẻ hiếu thuận. Lại nói tôi và lão Giang sau này cũng phải dựa vào Kiến Quân và Kiến Đảng kế thừa hương hỏa. Tương lai chúng nó xây nhà cưới vợ đều phải dùng tiền, tôi làm trưởng bối cũng phải vì chúng nó mà ngẫm lại." Miêu Thải Phượng tiếp lời.
Bà ta suy nghĩ một buổi tối, mặc kệ có bạc đãi con cả hay không, chuyện đã thành ra như vậy rồi đời này con cả khả năng cao sẽ không có con. Vì chuyện nối dõi, bà ta nhất định phải bất công tới cùng để tranh thủ cho nhà con thứ càng nhiều gia sản càng tốt.
Về phần nhà con cả, hai đứa nó có tay có chân lại không có con cái liên lụy, từ từ trả nợ miễn cưỡng cũng có thể sống qua ngày.
Miêu Thải Phượng cảm thấy mình là suy nghĩ cho đại cục mới định ra như vậy, người ngoài chỉ đứng ngoài xem đương nhiên muốn khoa tay múa chân, trên thực tế không có tư cách nói bà ta như vậy.
"Tôi và lão Giang bây giờ còn có thể xuống đất làm việc, không cần hai vợ chồng thằng cả cấp phí phụng dưỡng. Chờ sau này chúng tôi trăm tuổi, phòng chính chúng tôi đang ở sẽ thuộc về thằng hai, phần gia sản này cũng coi như là phí phụng dưỡng."
Thấy các vị trưởng bối càng thêm bất mãn, Miêu Thải Phượng nói tiếp: "Chờ tôi cùng lão Giang 70 tuổi nằm bất động, nhà thằng cả nếu đã trả hết nợ lại nguyện ý cấp ít tiền dưỡng lão là tốt nhất. Nếu nó không cho, tôi cũng không oán trách. Nhưng nếu trong tương lai tôi và cha nó sinh bệnh nặng, tiền xem bệnh này thằng cả nhất định phải chia sẻ một chút, cứ dựa theo tỷ lệ phân chia hiện tại, ra một phần ba là tốt rồi. Ông chú, người nói như vậy đã ổn chưa?"
Lời này vừa nói, người ngoài như bọn họ thật đúng là không tiện nói gì thêm.
Bởi vì Miêu Thải Phượng đang đem tài sản trong nhà và trách nhiệm dưỡng lão gộp chung một chỗ. Người nào được nhiều, tương lai người đó có trách nhiệm. Như vậy là công bằng sao, chưa chắc.
Ai cũng đều biết, gian phòng mới hiện tại của nhà họ Giang là ai góp vào đó từng viên ngói từng viên gạch, càng rõ ràng Giang Hải Giang Quyên hai anh em này làm cách nào để được đọc sách, là ai nỗ lực giúp đỡ.
Tài sản hiện tại của nhà họ Giang, một nửa là công của hai vợ chồng Giang Lưu, nhưng bây giờ phân chia tài sản do chính họ làm ra lại chẳng được gì.
Thế nhưng đầu năm nay con cả nhà ai lại không phải như thế, giúp đỡ cha mẹ chăm lo cuộc sống em trai em gái, đứa lớn nhất chính là phải chịu thiệt.
Huống chi Miêu Thải Phượng bất công như thế nào trong lòng mọi người đều hiểu rõ, hiện tại bà ta có thể lui một bước, nói rõ chuyện không cần hai vợ chồng Giang Lưu dưỡng lão đối với hai vợ chồng họ đã là giảm bớt không ít phiền toái.
"Cụ à, cháu và Tú Tú có tay có chân, cũng không thể đói chết được. Mọi người quan tâm tụi cháu, cháu đều biết, nhưng đây là quyết định của cha mẹ, cháu và Tú Tú cũng nên thuận theo."
Giang Lưu cảm thấy phân chia như vậy cũng tốt, họ càng ở vào thế yếu thì người ngoài lại càng thương cảm cho họ. Ở bối cảnh niên đại này, có thêm phần thương hại này đủ để chống lại cái gọi là hiếu đạo. Cho dù sau này hai người bọn họ làm ra chuyện gì, trước tiên mọi người sẽ nghĩ đến những năm qua họ đã chịu nhiều ủy khuất, mà không phải nhắc đến công sinh thành dưỡng dục để đè ép bọn họ buộc bọn họ thỏa hiệp.
"Haizz."
Giang Lưu cũng đã chấp nhận, người ngoài như bọn họ có thể nói gì nữa, chỉ có thể thay anh tiếc hận ai thán.
"Truyện Căn à, tương lai cậu sẽ hối hận."
Đây là câu nói hôm nay Giang Truyện Căn nghe được nhiều nhất, tất cả mọi người cảm thấy buộc một đứa trẻ hiếu thuận như vậy phải lạnh tâm đó và việc làm sai trái nhất của ông ta.
Ban đầu, Giang Truyện Căn còn nghe vào một chút, nhưng càng nghe nhiều, trong lòng dần sinh ra một loại tâm lý phản nghịch.
Làm sao, sao mọi người lại nhận định con trai thứ của ông ta sau này sẽ không hiếu thuận với ông ta. Ông ta có như thế nào cũng là cha của Giang Lưu, bây giờ mọi người đều phê bình ông ta, nhìn thế nào cũng có vẻ so với ông ta đứa con cả kia càng lợi hại hơn.
Mặc kệ mọi người nghĩ như thế nào, việc phân chia này đã định xong.
***** *
Nguyên thân ở đại đội sản xuất số 3 Công xã Hồng Tinh có được một mảnh lớn đất bị nhiễm mặn. Mảnh đất này không thích hợp trồng lúa nước, lúa mạch hay các loại cây nông nghiệp, ngược lại khá thích hợp trồng hoa hướng dương. Hàng năm nhờ thu hoạch hạt hướng dương đại đội có thể kiếm được không ít tiền, bởi vậy cũng có người gọi đại đội số 3 là tiểu đội hoa hướng dương.
Đất phèn ngoại trừ thích hợp cho hoa hướng dương sinh trưởng, đồng thời ở đây cỏ tranh cũng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm sự tình khiến phía trên nhức đầu nhất chính là xử lý một đám lớn cỏ dại cứng đầu này.
Đầu năm nay cỏ tranh không đáng tiền, chỉ có mấy cô dì khéo tay nhổ một ít về thuận tay bện chiếu hay giày cỏ, ngoài ra chúng không còn giá trị kinh tế nào khác, chỉ có thể dùng để nhóm lửa. Khổ nỗi cái thứ cỏ tranh này cực kỳ cứng đầu, cắt một gốc chúng lại mọc ra một gốc khác, căn bản không có cách nào nhổ sạch được chúng.
Giang Lưu lúc tiếp thu ký ức của nguyên thân đã chú ý đến đám cỏ tranh này, đồng thời nghĩ kỹ biện pháp kiếm tiền từ chúng.
Mọi người đều biết anh cần an dưỡng. Giang Lưu danh chính ngôn thuận xin nghỉ ngơi nửa tháng từ chỗ đội trưởng Quản Đại Ngưu, đồng thời thừa dịp nghỉ ngơi này nhổ một đám cỏ tranh đem về nhà, lại bày chúng ra trong sân phơi nắng.
"Tú Tú, Lưu Tử nhà cô cắt nhiều cỏ tranh như vậy làm gì thế?"
Có người hiếu kì hành động của Giang Lưu, dù muốn bện cái sọt cái chiếu cũng không cần nhiều như vậy. Vì thế có một ít người bình thường cũng thân cận với Giang gia, dứt khoát tìm tới Từ Tú Tú nghe ngóng chuyện này.
"Mọi người đều biết mà, Lưu Tử nhà tôi không chịu ngồi yên, nếu không phải bác sĩ căn dặn anh ấy phải tĩnh dưỡng, anh ấy sẽ không nỡ bỏ công việc ngoài ruộng. Bây giờ anh ấy định cắt một ít cỏ tranh về bện mấy cái sọt và giày cỏ, một phần là chuẩn bị để trong nhà sử dụng, còn một ít thì mang tới phiên chợ xem sao, xem có ai nguyện ý trao đổi ít vật tư không."
Từ Tú Tú lặp lại lời giải thích của Giang Lưu cho mấy người tò mò muốn biết. Từ khi Tứ nhân bang(1) bị bắt, chợ phiên bị hủy bỏ trước đó đã được khôi phục lại. Thôn dân có thể canh lúc họp chợ, mang theo vật tư còn dư trong nhà đến chợ để trao đổi, việc làm này là hợp pháp.
Mỗi tháng đều có hai lần họp chợ lớn, không chỉ có thôn dân quanh đây tham gia, trên trấn, trên huyện thành cũng có người tới. Vật tư trao đổi là phiếu công nghiệp của công nhân, rau củ tươi mới trồng trên đất phần trăm tại nhà của nông dân, trứng gà và các loại vật tư khác.
Nghe Từ Tú Tú giải thích, lòng hiếu kỳ của mọi người cũng giảm bớt. Chỉ là theo bản năng bọn họ cũng không coi trọng ý tưởng của Giang Lưu, bằng mấy cái sọt cỏ thì có thể đổi được đồ ăn hay đồ dùng gì?
Thật ra, rất lâu trước đây đã có người nghĩ đến chuyện này, bọn họ bện giày cỏ muốn đem đi đổi vật tư. Thế nhưng bọn họ lại quên một điều, người trong thành đã có giày vải bền chắc lại thoải mái dễ chịu, làm gì cần đến giày cỏ; mà người ở nông thôn ít nhiều gì cũng biết món nghề này, giày cỏ có bện tốt đến mấy cũng không đổi được gì, chỉ có thể giữ lại cho người trong nhà dùng.
Cùng là hàng mây tre lá, lúc vào hè, chiếu rơm lại rất được hoan nghênh. Nhưng một cái chiếu rơm sử dụng cẩn thận có thể dùng tới mười mấy hai mươi năm thậm chí còn lâu hơn, nên lượng tiêu thụ cũng không lớn. Mà để bện được một cái chiếu rơm lại mất rất nhiều thời gian, tính công ra thì vượt xa giá trị của cái chiếu.
Trải qua mấy lần thất bại, người quanh đây cũng từ bỏ ý tưởng kiếm tiền từ chuyện này. Chỉ thỉnh thoảng cắt cỏ tranh về để nhà mình tự dùng thôi.
Nhưng bây giờ Giang Lưu quả thực cũng không làm được việc gì khác, tìm một ít việc nhẹ nhàng giết thời gian cũng tốt. Mặc dù mọi người cảm thấy việc mua bán này khó thành, nhưng cũng không nói lời đả kích hai vợ chồng.
Mà lúc này, Giang Lưu - người không được xem trọng đang làm gì? Anh lên núi hái rất nhiều hoa dại, sau đó phân loại ra, lại ngắt hoa đập dập, tiếp đó đem chỗ hoa đó phủ lên đám cỏ đang phơi nắng trong sân. Chờ một đoạn thời gian để cỏ tranh bị nhiễm sắc hoa thì lại trải ra phơi nắng lần nữa.
Đây là biện pháp đơn giản, do ở đây còn hạn chế muốn làm trình độ cao cấp hơn thì không được. Bởi vì trên núi hoa dại đa số đều là màu đỏ và màu vàng, màu sắc cũng bị hạn chế, nhưng so với chỉ toàn một màu vàng hay xanh lá thì đã tốt hơn. Tóm lại như vậy đã có chút phong phú rồi.
Công tác chuẩn bị đã xong, Giang Lưu mới bắt đầu bện.
Ở thời đại trước đó anh sống, hàng mây tre lá là mặt hàng rất được hoan nghênh. Khi đó anh và ông nội sống nương tựa lẫn nhau, hai ông cháu làm chút hàng mây tre lá để kiếm sống. Một cái sọt có thể kiếm được 8 đến 15 khối, nếu nhanh tay một chút, một ngày hai ông cháu có thể bện được năm cái, tiền kiếm được đủ để bọn họ chi tiêu căn bản.
Đương nhiên cũng do khi đó hàng mây tre lá không chỉ đơn giản là hàng mây tre lá, bện hoa văn, sắc thái, hình dạng, không ngừng sáng tạo cái mới. Sản phẩm mây tre lá theo kiểu dáng thông thường sẽ không có thị trường.
Lúc này Giang Lưu đang bện sọt, bỏ qua thời gian kết hợp màu sắc, bện hoa văn và sự lóng ngóng ban đầu, tốc độ của anh càng lúc càng nhanh. Sau hơn một tiếng, trong tay anh đã thành hình một cái sọt cỏ.
Cái sọt lớn chừng hai bàn tay, độ cao không đến mười phân, tương tự như các mâm đựng trái cây. Điểm người ta ngạc nhiên ở đây là anh có xen lẫn một ít cỏ tranh nhuộm đỏ, vừa vặn bện thành một chữ ‘Song hỉ’, nhìn qua khá là mới lạ.
Giang Lưu làm hai cái mâm đựng trái cây dạng này, sau đó lại bắt đầu bện loại mới.
Mấy ngày nữa là phiên chợ, anh muốn làm thử một vài cái để thăm dò thị trường một chút.
---------
(1)Tứ nhân bang bao gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên, bị bắt vào năm 1976. Bốn người này liên quan đến cuộc Cách mạng văn hóa kéo dài từ 1966 – 1976 do Mao Trạch Đông khởi xướng, cuộc cách mạng này được xem là thất bại nặng nề và gây ra hậu quả nghiêm trọng, các sự kiện liên quan đến cuộc cách mạng này như đưa thanh niên trí thức về nông thôn, hủy bỏ kỳ thi đại học, phê đấu… thời gian diễn ra cuộc cách mạng này còn được gọi là “Mười năm hỗn loạn”, rất nhiều truyện thập niên đều viết về thời kỳ đặc thù này.