Tới biên trấn Lào Cai, Hoàng Đạt dẫn cả bọn đến thẳng nhà một người bà con xa có hiệu buôn tơ lụa gần chợ.
Chủ nhà vốn trước có chịu ơn Đạt nên hết sức niềm nở, vội gọi vợ con ra chào, truyền làm cơm đãi khách.
Hoàng Đạt cho biết bọn chàng dự định đi Lai Châu săn hổ, nhờ y mua giúp ba thớt ngựa hay, nòi ngựa nước hai miệt Cao Bằng.
Rồi ngay sáng hôm sau, trời vừa rạng đông cả bọn đã thức dậy, ăn điểm tâm qua loa đoạn cáo từ gia chủ đi luôn.
Theo hoa. đồ Trần Dũng có, “Xứ Ngàn” nằm trong khu vực ba biên giới, miền đất giao điểm giữa biên địa. Phong Sa Ly (Lào) – Vân Nam (Trung Quốc) – Lai Châu (Việt).
Hoàng Đạt bàn nên theo đường xuyên sơn vượt qua đèo Hải Vân đến Phong Thổ, sau đó dùng các lối mòn, vượt qua vùng thượng xứ Thái, qua Đà Giang đến miền ba biên giới.
Đường rừng rong ruổi ba người tuổi trẻ vừa đi vừa chuyện vãn. Ngọc Bích lần đầu ngồi ngựa, tỏ ra thích thú vô cùng, vốn nàng là gái biết võ nghệ nên tập cũng nhanh, chẳng mấy chốc đã có thể phi được cả kiệu đại.
Chiều đó, sau khi vượt đèo ba người ghé vào một bản Thổ dưới chân núi tìm chỗ nghỉ nhờ.
- Mấy năm trước tớ đã có qua vùng này, ghé trọ nhờ đây! Họ rất hiếu khách! Bọn buôn lậu qua lại vùng biên thùy cũng hay ghé nghỉ qua đêm.
Hoàng Đạt kể, đưa bạn tới căn sàn đầu bản. Chủ nhà rất vui khi nhận ra người quen cũ, lập tức sai người nhà dọn một buồng sạch sẽ thoáng mát cho khách nghỉ.
Trong nhà đã có một toán năm bảy người, chừng dân buôn ghé trọ trước. Trưởng đoàn là một ông già trạc ngoài lục tuần trông vẫn còn tráng kiện, thấy bọn Đạt vào khẽ chào, xong cứ ngó chàng đăm đăm như ngờ ngợ điều gì.
- Xin lỗi ông khách! Tôi hỏi nếu không đúng mong ông bỏ qua cho! Phải ông là … võ sĩ Hoàng Đạt?
Đạt thoáng ngạc nhiên, khẽ gật :
- Vâng! Chính tôi! Nhưng cụ … sao biết kẻ hậu sinh này?
- Ồ! Tôi đã hân hạnh được xem ông thượng đài mấy lần tại Hà Nội! Kể cả trận ông hạ đo ván tay đấm vô địch Hải Phòng Lê Phi Báo tôi cũng được dự khán! Hà! Không ngờ lại gặp ông trên vùng đất biên thùy heo hút này, thật quí hoá vô cùng!
Ông già buôn lậu cười run người, lộ vẻ sung sướng như kẻ “tha hương ngộ cố tri”, từ lúc đó cứ xoắn lấy chàng trai họ Hoàng nói chuyện không ngớt! Thì ra ông cũng là dân Hà Nội, rất mê xem “đánh bốc”, Hoàng Đạt chính là võ sĩ ông hâm mộ bởi lối đánh đẹp mắt, thể hiện tinh thần thượng võ của chàng.
Tối đó, nhân lúc đối ẩm với bọn Hoàng Đạt, Trần Dũng, biết bọn chàng có ý định lên vùng thượng nguồn sông Đà săn bắn, ông già chợt tỏ ý lo, cau mày bảo :
- Dạo này miền biên địa Tây Bắc chỗ đó thường bị bọn phỉ cướp bóc, hai ông với cô đi săn nên cẩn thận! Ghê nhất là bọn Lều đại vương bên đất Vân Nam kéo sang. Bọn chúng có hàng trăm tay súng, tới đâu nếu chống cự chúng giết sạch, rất tàn bạo! Mới tuần trước nghe nói gã Tài Wang xua thủ hạ tấn công mấy đoàn khách thương giết chết chẳng chừa một người. Tên Lều lại rất háo sắc, đàn bà con gái có chút nhan sắc mà gặp y … là khổ! Thường sau khi hành hạ chán chê, y đem bán họ cho bọn buôn người tứ xứ. Nàng nào vừa ý được y giữ lại làm tỳ thiếp hầu hạ. Lều bắn Phạc Hoọc rất thần diệu, có kẻ đã thấy y biểu diễn bắn tắt điếu thuốc trên môi người trong đêm tối! Lính nhà nước Tây Tàu mấy phen tiễu trừ không nổi, đến mất ăn mất ngủ vì Lều Tài Wang! Y đúng là một hung thần biên địa.
Đạt, Dũng nghe kể cùng lắc đầu nhìn nhau. Chàng trai họ Hoàng không khỏi gợn lên trong lòng nỗi lo mơ hồ về chặng đường sắp tới. Với hai tay súng và một cô gái chỉ biết võ vẽ chút ít, nếu chẳng may chạm trán bọn thổ phỉ cỡ Lều đại vương chắc chắn gay go vô cùng.
Giả như thất thế, điều khiến chàng lo ngại nhất chính vì Ngọc Bích. Khi đó cô thiếu nữ hoa khôi đất Hà Nội đương nhiên trở thành miếng mồi ngon trong tay bọn thổ phỉ hung tàn, hiếu sắc.
Bất giác Hoàng Đạt thầm trách mình đã thiếu cương quyết đối với người yêu, thật sai lầm khi cho nàng cùng tham dự một chuyến đi mạo hiểm như vậy.
Tuy là tay võ dũng hơn người, nhưng bằng vào kinh nghiệm bản thân chàng hiểu bản lãnh võ công không thể giúp người ta chiến thắng trước hàng trăm địch thủ có đầy đủ súng ống trên taỵ Chưa kể bọn phỉ tặc thường cũng “có nghề” ít nhiều, lại dạn dày chiến trường, quen với chuyện vào sinh ra tử.
Như đoán hiểu tâm trạng băn khoăn của bạn, lúc tàn cuộc rượu trở về phòng, Trần Dũng khẽ bảo riêng với Đạt :
- Hay cậu với “bà đầm” quay về Hà Nội, xem như … tiễn tớ đến đây, đủ rồi! Để mặc tớ tiếp tục cuộc hành trình, đừng bận tâm! Tớ có hoa. đồ, lo gì không tìm ra “chốn đó”.
- Bậy nào! Dẫu thế nào chăng nữa, bọn tớ phải “hộ tống” cậu đến nơi mới thôi. Xưa nay tớ chưa khi nào nghĩ đến chuyện “bàn rùn” nửa chừng như vậy. Chớ nói thế e … mếch lòng.
Đạt cười vỗ vai bạn gạt đi.
Chừng biết tính bạn, Trần Dũng gượng cười không nói gì thêm.
Ngọc Bích đang nằm trong góc buồng nhỏm dậy nhoẻn cười hỏi :
- Hai ông tướng có chuyện gì mà vui thế? Hừ! Suốt từ chập tối đến giờ chỉ lo nhậu bỏ mặc người ta một mình buồn muốn chết!
Tưởng chỉ đùa chơi cho vui, ngờ đâu Trần Dũng cũng bị lôi cuốn, tỏ vẻ chú ý, giục chàng :
- Kể đi, Đạt!
Tự dưng chàng trai họ Hoàng cảm thấy bị kích thích bởi thái độ của người bạn thân thiết có một thân thế đặc biệt “đầy huyền sử”. Chàng im lặng hơn phút, hồi tưởng lại những chuyện từng được nghe trong những tháng ngày sống trên vùng sơn cước trước kia.
Giọng chàng cất lên trầm ấm, chậm rãi :
- Ngay từ hồi còn để chỏm tớ đã được nghe các ông già bà cả kể hiều chuyện ly kỳ về loài “nửa người nửa ma” ghê gớm đó. Nhất là các tay từng “lên mạn ngược” về, vào những đêm mưa phùn gió bấc, các tay đó ngồi trên ổ rơm, kể chuyện “ma cà rồng cụt đầu, xỏ chân lỗ mũi bay đi ăn phân trâu, phân người…”. Bọn con nít chỉ cần nghe gió thổi vi vu bên tai , nhìn bộ mặt người kể nham nhở dưới ánh lửa vật vờ, hai con mắt long sòng sọc… là cũng đủ dựng tóc gáy lên rồi.
Đồng thời tới đâu cũng thấy thiên hạ tỏ vẻ đại kỵ con trâu trắng, hỏi chẳng mấy ai rõ nguyên do, tớ cũng đâm sợ trâu trắng, cái giống trâu quái gở trông giống như người mắc bệnh bạch tạng.
Sau lớn lên, ngược xuôi đây đó, đi sâu vào các miền cùng cốc thâm sơn, tớ lại được nghe thêm nhiều chuyện dị thường về giống quái đó. Đây là một trong những chuyện Ma Cà Rồng, do một anh bạn thuộc dòng quan lang có thế lực lâu đời trên vùng Tây Bắc kể lại.
* *
*
Chúng tôi gồm sáu người, xuyên sơn đã mấy ngày trời, bỏ dần lại sau lưng cả thế giới loài người đông đúc, và đang đi sâu vào miền cùng cốc thâm sơn, không dấu chân người, tiếp giáp miệt Lào thượng Sầm Nứa.
Ngồi ngựa muốnbại cả mông, lội suối bì bõm nửa ngày, chiều kia cả bọn tới một thung lũng khuất tịch sau nhiều đợt núi ngửi mây.
- Thung lũng Cà Rồng!
Vài bóng sàn chênh vênh hiện ra giữa nương xanh, bên dòng thác đổ, mươi con trâu gõ mõ, vài bầy chó lang thang, thấp thoáng dăm bóng giai nhân khoa? thân tắm nắng… Cảnh thổ không khác gì những bản động thâm sơn thường gặp, nhưng tim tôi bỗng đập mạnh, xúc động ghê gớm khi theo người bạn dẫn đường vào thung lũng.
Nam phụ lão ấu hơn chục người chạy ra đón khách lạc loài. Khi nhận ra anh bạn tôi, ai nấy đều tỏ vẻ mừng rỡ khôn cùng, như những kẻ bị lưu đày sang bên kia thế giới bỗng được người từ cõi thế đến thăm.
Người bạn dẫn đường ghé tai tôi bảo nhỏ :
- Tất cả đều là Ma Cà Rồng. Hãy tỏ ra thân mật, không hề ghê sợ! Họ sẽ đem mối thiện cảm vào “cơn ác mộng hoá kiếp” và mình sẽ chẳng có gì phải kinh tâm!
Bọn tôi cười nói chuyện trò vui vẻ, theo vào một căn sàn rất rộng, cột to hai vầng.
Cả động Cà Rồng quây quần quanh khách. Họ giết lợn, gà, đãi tiệc, có cả rượu cẩm pha mật ong, ngon thơm vô cùng. Vì anh bạn có cho biết : chỉ có thông huyết mới bị lây, nên chúng tôi ăn uống rất “hao”.
Rượu được vài tuần, lão chủ nhân động chủ rầu rầu nét mặt, thở dài bảo khách :
- Các quan thương tình đường xa dặm thẳm đến chơi, cả động sung sướng lắm! Chúng tôi bị “cái ma” nó ám! Nó hành hạ khổ lắm, muốn chết không xong!
Nhân tửu hứng, tôi liền hỏi :
- “Nó ám” từ hồi nào? “Nó” từ đâu tới?
Chủ động đứng lên, mời khách vào buồng kín, thắp đuốc cho xem.
Trong buồng có đặt bàn thờ, trên vách treo bức tranh lớn có vẽ mấy cái đầu, tóc xoã bay trên mây, có vành trăng khuyết đằng góc núi. Trên bàn thờ lại còn một pho tượng khắc con trâu trắng rất quái gở, cũng như đang vờn mây, nét khắc vẽ rất tinh xảo.
- Đây là thuỷ tổ Cà Rồng, “cái ma” nó ám người ta! Xưa kia các dân bản động sống yên vui, mỗi mùa xuân đều mở hội lớn. Năm đó tại một bản nọ có mở hội, có tung “còn”, có nhảy múa, uống rượu cần tại một bãi cỏ rộngngoài ban. Mãi quá nửa đêm mới tan, mạnh ai nấy ra về. Nhưng có một người để quên cái áo khoác vắt trên cành cây, anh ta vội quay lại tìm áo.
Lúc đó, bãi rừng vắng ngắt không người, đống lửa giữa bãi còn cháy lập loè.
Người kia chợt thấy một con trâu trắng mộng đứng vơ vẩn cạnh đống lửa. Đoán trâu nhà ai lạc, anh ta bèn dắt về, mai sáng đem trình quan lang. Lang sai rao mõ cho chủ nhân tới nhận, nhưng cả bản không ai mất trâu. Lang bèn sai đi cáo bản trên, rồi cả miền nhưng cũng chẳng ai đến nhận. Cuối cùng lang bèn truyền giết con trâu trắng vô thừa nhận kia chia cho dân bản động.
Kẻ nào ăn vào đều hoá ra giống Cà Rồng khủng khiếp. Cứ thế, ngày làm người đêm hoá quái bay đi ăn bẩn, gieo rắc kinh hoàng cho người khác… Tới lúc rạng đông mới lần về, tỉnh dậy, vào rừng kiếm lá ăn cho tiêu chất bẩn hôi thối trong bụng đi, trong óc chỉ mang như vừa trải qua cơn ác mộng.
Tất cả kéo dài cho đến ngày nay.
Cho nên, cũng từ đó, người ta truyền tụng điều cấm kỵ việc ăn thịt trâu trắng, tuy rất ít người hiểu được trâu trắng là … thuỷ tổ Cà Rồng ngày xưa … Bạch sơn ngưu! Hà! Các quan ơi, Cà Rồng đáng thương hơn là đáng sợ. Vì “họ” cũng chỉ là nạn nhân của một chứng “bệnh quỉ” mà thôi. Nào có muốn hại ai đâu!
Lão động chủ cúi đầu thở dài rơm rớm nước mắt.
* *
*
Hoàng Đạt kể dứt, đánh diêm châm thuốc hút.
Cả Ngọc Bích, Trần Dũng cùng đắm chìm trong chuyện tích thần bí về loài Ma Cà Rồng ghê gớm.
Mỗi người theo đuổi ý nghĩ của riêng mình hồi lâu, thiếu nữ khẽ rùng mình hỏi người yêu :
- Theo anh … chuyện khủng khiếp đó có thực không? Hay chỉ là … huyền thoại?
Đạt bâng khuâng giây lát, nhìn nàng :
- Với anh, tất cả những chuyện dị thường đó đều chỉ là … nghe kể! Chưa thấy tận mắt nên đâu dám cả quyết! Tuy nhiên, rất có thể Cà Rồng là một giống “quái nhân” biến thể hoá hình… cũng tỷ như con dế hoá ra con ve sầu, nòng nọc hoá ra ếch nhái, lăng quăng (bọ gậy) (*) hoá thành con muỗi v.v…
Nghe nói trong rừng sâu còn có loài “Đông trùng hạ thảo”, cứ mùa đông là con sâu, mùa hè lại hoá cây, cứ thế biến hình.
Nghĩ cho cùng, trên đời này, trong cuộc sống muôn loài vẫn có những chuyện vượt ra ngoài các định luật thông thường về vật lý, những thứ mà chúng ta xem là … huyền bí, chưa giải thích được.
Ánh mắt chàng như tình cờ lướt nhanh qua phía Trần Dũng.
Chàng tuổi trẻ họ Trần đang dõi mắt ngắm vầng trăng khuyết lừ lừ hiện ngoài cửa sổ, treo lơ lửng giữa trời mù mịt sương khuya.
Đâu đây chợt văng vẳng tiếng sói tru nhọn hoắt lê thê … hút chìm về nẻo rừng xa…