Ở thành phố Dazai của xứ Chikuzen có 1 thương gia giàu tên là Tokuzaemon. Nhờ làm chủ một tiệm rượu lớn do tổ tiên truyền lại đã tự mấy đời nên ông ta giàu nhất tỉnh, lại còn nổi tiếng gần xa vì có 1 cô con gái rất đẹp. Cô ấy tên Ô-Lan, từ thuở mới sáu, bẩy đã được thiên hạ tấm tắc khen vì nhan sắc hơn người. Nhìn vẻ kiều diễm của Ô-Lan, lắm kẻ trong tỉnh có lúc thấy tủi thân khi đem ra so sánh với con gái của mình, và chỉ biết tìm đến men rượu để quên đi những niềm tuyệt vọng.
Ô-Lan năm nay vừa đến tuổi trăng tròn lẻ. Mỗi lần khoác lên tấm thân thanh mảnh của mình những chiếc áo Kimônô hoa gấm, vẻ đẹp lộng lẫy của nàng lại cứ như làm cho tất cả cỏ cây vạn vật chung quanh được rực rỡ hẳn ra. Nhìn nét mỹ miều sáng mơn mởn trong ánh nắng xuân, chính cả mẹ nàng cũng thấy ngẩn ngơ, quên khuấy đi không biết mình mới nói gì với con lúc nãy. Tiếng đồn về nhan sắc chim sa cá lặn bay xa, biết bao nhiêu tu mi nam tử chỉ mới tai nghe nhưng mắt chưa nhìn đã tơ tưởng yêu mê yêu mệt.
Gần vùng của nàng có 1 chàng trẻ tên Kuwamori Jiroemon, bố mẹ làm nghề cầm đồ nên gia đình cũng khá giả. Chàng này trông cũng không đến nỗi xấu trai lắm dù có khuôn mặt hơi bẹt với cái mũi lớn khổ, bộ râu rậm chổi xể, và đôi mắt thì quặp xuống. Nhưng anh chàng trông lương thiện, có hàm răng xinh xắn, nụ cười khá dễ thương. Có lẽ nhờ ở các điểm đó mà hai người có duyên với nhau chăng? Ai cũng biết tình yêu thường mù quáng, điên rồ, và ta không thể đánh giá ai qua hình dáng bên ngoài. Thực tế là Ô-Lan đã phải lòng chàng ta, câu chuyện bắt đầu từ khi anh chàng Jiroemon vào trong quán rượu để tránh một cơn dông. Mọi sự xảy ra sau đó chỉ là phần nối dài của buổi đầu từ khi anh chàng nhờ may mắn mà lọt vào đuoc mắt xanh của người đẹp.
Trong khi cha mẹ đôi bên còn chưa rõ nếp tẻ, Jiroemon đã đem tâm tình thổ lộ cho Denroku, một người bán cá thường lui tới tiệm cầm đồ của nhà mình. Jiroemon nhờ Denroku tới gặp gia đình Tokuzaemon để bàn bạc việc xin cưới Ô-Lan. Dĩ nhiên là lão Denroku xớm xởi nhận ngay vì đang nợ thâm niên với tiệm cầm đồ, nay bỗng được nhờ vả 1 chuyện mà anh chàng Jiroemon không tự lo liệu được. Lão ta nghĩ: tiệm cầm đồ nằm ở khu phố này thì quán rượu lại ở ngay khu phố kế cận, nếu mọi sự suông sẻ thì mình có thể uống rượu thoả thích mà lại có thể xin khất chuyện trả lãi cho món nợ. Lão chọn ngay một bộ đồ sang trọng trong những bộ quần áo cầm nợ ở tiệm cầm đồ, thắng bộ vào đàng hoàng rồi đi thẳng tới nhà Tokuzaemon với 1 vẻ thực tự tin, đến nỗi nhìn thấy lão người ta cũng phải tự hỏi không hiểu đây là nhân vật nào vậy?
“Hì, hì” lão Denroku khoái trá cười thầm, hai bàn tay khép mở chiếc quạt nan kêu lách cách. Lão bắt đầu mở miệng khen những tảng đá trong khu vườn nhà Tokuzaemon. Phần lão Tokuzaemon, thoạt mới trông thấy Denroku đã muốn nổi gai ốc, nhưng lão trấn tĩnh cất tiếng hỏi:
- Thưa ông đến có chuyện chi?
- À, cũng chẳng có chi!
Denroku trả lời bình tĩnh, lựa lời nói quanh co để đưa đến chuyện chàng Jiroemon nhờ vả: “Thưa ngài, ngài có quán bán rượu, họ đằng này có tiệm cầm đồ. Tuy hai công việc buôn bán khác nhau, nhưng quy lại cũng như là một. Để đến tiệm rượu, trước hết phải dừng tại tiệm cầm đồ; rời tiệm cầm đồ, sau đó đi tới quán rượu”. Lão nói lảm nhảm, thuyết rằng hai chuyện buôn bán đi liền với nhau như thầy thuốc và nhà sư, hai gia đình mà hợp lại với nhau thì như hùm thêm vây, sẽ đè bẹp cả thành phố. Lão Denroku mang hết tài ăn nói chưa từng thấy, đến ngay cả lão Tokuzaemon cũng cảm thấy xiêu lòng.
- Cậu Kuwamori là trưởng nam, là người thừa kế; tôi không đòi hỏi gì thêm cả. Thế còn tôn giáo của cậu ta thì sao?
- À…có lẽ… lão Denroku ngập ngừng, rồi lão nói buột ra với vẻ tuyệt vọng: tôi không chắc cho lắm, nhưng họ chắc thuộc phái Tịnh Độ.
- Như vậy thì tôi không chấp nhận – lão Tokuzaemon trả lời thẳng thừng, miệng chu lại với dáng dữ dằn – Dòng họ nhà tôi theo phái Pháp Hoa đã nhiều năm. Trong suốt đời tôi, chúng tôi tin vào ngài Nichiren, và sáng tối niệm phật theo kinh Pháp Hoa. Tôi nuôi con như vậy, và không gả con tôi cho người nào khác tôn giáo. Lão hằn học tiếp theo: “Thật tình, đã đi làm mai, ít ra ông cũng phải dò hỏi chuyện đó trước đã!”.
- “Ờ… mà… tôi… ” – lão Denroku toát mồ hôi lạnh sau lưng – “họ nhà phía chúng tôi cũng theo phái Pháp Hoa từ nhiều năm. Chúng tôi cũng tụng niệm Phật, theo ngài Nichiren sáng tối. Tất cả đều cung cúc theo kinh Pháp Hoa. Thật tình là như vậy…”
- Tokuzaemon vặn lại: “Ông nói nhăng nói cuội gì vậy? Tôi không gần biết cậu ta có bao nhiêu tiền của, hay cậu ta có tài giỏi hay kẻng trai chi nữa. Sao? Thật đúng như là chửi vào mặt ngài Nichiren không bằng! Này ông thử nói cho tôi biết những cái hay cái đẹp của cái phái Tịnh Độ tối tăm này đi. Dám cả gan đi hỏi cưới con tôi khi chúng tôi theo phái Pháp Hoa từ bao năm nay. Cứ nhìn đến cái mặt ông đã khiến tôi lộn cả ruột. Thôi, xin ông đi khỏi đây ngay!”
Denroku túng thế phải thối lui, mang tin buồn về cho Jiroemon. Anh chàng bình thản, nói: “Chuyện tôn giáo thì có chi mà bực mình. Gia đình tôi có thể đổi đạo dễ dàng. Từ mấy đời nay chúng tôi không có tín ngưỡng gì cả. Pháp Hoa hay Tịnh Độ, với chúng tôi đều như nhau”. Rồi chẳng mất thì giờ, Jiroemon tay cầm tràng hạt, và bắt đầu tụng kinh sáng chiều. Khi chàng ta xin cha mẹ hãy làm như mình, ông bà cũng không hỏi lý do. Vì chiều con trai, cả hai tuy mắt cứ liếc dọc liếc ngang nhưng cũng bắt đầu vừa ngáp vừa tụng kinh Liên Hoa Diệu Pháp.
Sau đó ít lâu, Denroku lại đến nhà Tokuzaemon. Với vẻ mặt tươi rói, lão tuyên bố rằng chàng Kuwamori cùng toàn gia đã đổi sang phái Nichiren, và đã tụng kinh Pháp Hoa. Nhưng Tokuzaemon là người khó tính, lão trả lời: “Không, đức tin mà thiếu cội rễ chỉ là hời hợt ngoài mặt. Ai cũng thấy ngay là anh chàng chỉ đổi tông phái để lấy Ô-Lan”. Lão còn thêm: “Thái độ như vậy thật xấu hổ, ngài Nichiren khó mà chấp nhận thái độ này, vì chỉ thoáng qua là ai cũng thấy rõ ngay cái kế này”. Lão đã quyết định trong đầu: “Không, ta sẽ gả con gái cho một gia đình quen biết, cùng theo phái Pháp Hoa”.
Nghe được câu chuyện, Jiroemon kinh hoàng, vội viết thư cho Ô-Lan: “Họ nói bố đòi gả em cho một người mà gia đình theo phái Pháp Hoa. Ta tụng cái thứ kinh chán ngấy, đánh trống đến phồng cả tay để mong được em, thật là bực mình! Cái lão Denroku chẳng được tích sự gì cả. Chắc tên ta có cái gì trục trặc không ổn. Jiroemon nghe từa tựa như Jirozaemon, cái tên này làm ta thật khó chịu. Sano Jirozaemon, cái lão ở miền Đông đã bị hết người này đến người khác bỏ rơi. Nếu chuyện này xảy ra với ta, ta sẽ tuốt gươm và lấy một trăm cái đầu, như lão đã làm. Một nam nhi như ta, chỉ có một lời. Đừng coi ta là ngốc”.
Viết xong lá thư, Jiroemon gửi đi ngay, nước mắt chảy dài trên má.
Ô-Lan trả lời: “Thiếp không hiểu thư chàng muốn nói gì. Xin chàng đừng hành động nguy hiểm, tỉ như vung kiếm hay gì chăng nữa. Trước khi chàng lấy đầu một trăm người, ngay cả một người, thì đầu chàng đã bị cắt mất. Nếu có chuyện chi xảy ra tới cho chàng, thiếp sẽ ra sao? Xin đừng làm thiếp sợ như vậy nữa. Đây là chàng cho biết chứ thiếp chưa từng nghe có ai cầu hôn cả. Chàng lúc nào cũng mặc cảm về cái mũi và đôi mắt quặp – chính vì vậy khiến chàng mất tự tin mà đâm ra nghi ngờ thiếp. Chuyện thiếp lấy ai, xin chàng đừng lo lắng bây giờ. Nếu phụ thân ép lấy người nào khác, thiếp sẽ chạy trốn. Khi đó dặm trường thân gái, không đi một mình được, thiếp sẽ tới với chàng. Xin chàng nhớ lấy điều này”.
Đọc xong, Jiroemon có mỉm cười chút ít, nhưng vẫn chưa hoàn toàn bình tâm. Bây giờ chàng ta hoàn toàn tin vào phật Nichiren và kinh Pháp Hoa. Nhăn mặt, nhíu mày, chàng ta bắt đầu hét to “Nam Mô diệu Pháp liên Hoa Kinh”, tay đánh trống loạn xạ.
Ngày sau đó, Tokuzaemon gọi Ô-Lan tới phòng, và nghiêm nghị bảo – với ngài Nichiren sắp đặt, nàng sẽ được gả cho Hirosaku, một ngưới buôn giấy tại phố Honmachi. Lão ta tiếp: mối liên hệ này sẽ bền chặt đời đời, và nàng phải hoan hỷ nghe theo.
Ô-Lan kinh hoàng, nhưng nén nỗi cảm xúc khi cúi đầu chào phụ thân và lui ra. Nàng tức khắc lên lầu hai, viết vội lời nhắn: “Thiếp phải vắn tắt. Ngày quyết định đã tới. Thiếp sẽ đi trốn. Thiếp van chàng, tối nay hãy tới đây gặp thiếp”. Viết xong, Ô-Lan nhờ một người làm công tức tốc mang đi.
Jiroemon liếc nhìn lời nhắn, tứ chi run lẩy bẩy. Anh ta đi tới bếp, uống một ngụm nước để trấn tĩnh rồi trở về phòng khách, ngồi xếp chân bằng tròn giữa phòng, nghĩ phải hành động tức khắc, nhưng không biết phải làm sao. Lát sau đành đứng dậy, thay quần áo, đi tới phòng kế toán mở mấy cái ngăn kéo. Thấy người giúp việc đưa mắt dò hỏi, chàng lẩm bẩm: Ồ, cần một món tiền nhỏ thôi! Chàng ném vài đồng vào trong tay áo khoác ngoài, rồi nhắm mắt chạy ra khỏi tiệm.
Trên đường, Jiroemon mới hay là đôi guốc đang đi không tiện chút nào, nhưng lại không dám trở về, đành tới một tiệm gần đó mua một đôi dép rơm. Tất cả gia sản chỉ vỏn vẹn món tiền trong túi, vì vậy chàng phải chọn đôi dép rẻ tiền nhất, đế dép mỏng dính đến nỗi chàng có cảm tưởng là đi chân không, vừa đi vừa lo lắng và ấm ức khóc. Khi tới sau nhà Tokuzaemon, Ô-Lan chạy ra, không thốt lời nào, cầm tay chàng và giục chạy ngay. Lê chân trên đôi dép rơm, miệng thổn thức, Jiroemon để nàng dắt đi như một người mù.
(Ờ mà cái câu chuyện của một cặp trai gái ngu ngốc, trẻ người non dạ, đúng ra cũng chẳng có chi là quan trọng. Thật ra nó đã xong đâu, nỗi gian truân dường như còn đang chờ họ ở phía đằng trước.)
Đêm đó hai người đi được non ba mươi cây số, biển Hakata trải dài phía trái, họ nhìn mãi làn nước xám nhạt như trong một giấc mơ. Đói và khát, lại lo bị đuổi theo, cả hai thấy thật sợ hãi, bụng như thắt lại mỗi lần nghe có tiếng chân người phía sau. Khập khễnh bước đi như hai cái xác, họ đặt chân tới một doi đất tên là Kanegasaki – giống như địa danh Kanegasaki gắn liền với lời kinh nhà Phật thường dạy – “Thịnh tất suy, và Thị Sinh Diệt Pháp”. Sau đó cả hai băng qua cánh đồng dưới chân núi, tới nhà một người quen của Jiroemon. Người chủ có vẻ lạnh nhạt, nhưng Jiroemon cũng đã đoán được. Anh gói một ít tiền trong mảnh giấy, đưa cho người chủ và khẩn khoản: “Thật là quá quấy quá, xin ông…”
Ở trong một chỗ nhỏ như cái kho, Ô-Lan và Jiroemon bắt đầu hiểu là cuộc sống kham khổ đang chờ đợi họ. Cả hai nhìn nhau, thở dài, hốc hác và tái mét. Ô-Lan sụt sịt, cố giữ không cho nước mắt trào ra. Nàng vuốt ve bộ lông của Kichibei, con khỉ nàng nuôi từ lúc còn bé. Kichibei quấn quýt với nàng đến nỗi có trực giác biết chạy theo khi thấy chủ vội vàng bỏ đi trong bóng đêm, với một người đàn ông mà nó chưa khi nào thấy. Lúc đó, đi đã được mấy dặm thì Ô-Lan mới biết có Kichibei đang theo. Nàng mắng hét, và lấy cả đá ném, nhưng Kichibei vẫn cứ lết theo cho đến khi Jiroemon động lòng thấy con vật đã chịu khó theo xa đến như vậy. Jiroemon bàn nên để nó đi cùng. Ô-Lan vẫy tay, con khỉ liền chạy gấp tới. Khi đã được ẵm trong tay, nó chớp chớp mắt nhìn hai người với vẻ mặt thật là tội nghiệp.
Giờ đây Kichibei làm 1 kẻ hầu tin cẩn. Nó mang thức ăn lại cái nhà kho, và ngồi đuổi ruồi cho hai vợ chồng. Nó biết cả việc cầm lược gỡ tóc rối cho cô chủ. Tuy chỉ là con vật, khỉ ta cũng cố an ủi hai người, khi thì làm cả những chuyện không cần thiết.
Dù đã chọn một cuộc đời lén lút, nhưng hai người không thể sống suốt đời trong cái kho chật hẹp. Jiroemon đưa tất cả tiền còn lại cho người bà con bạc bẽo để xin cất một cái nhà tranh gần đó. Nhà cất xong, cả hai bắt đầu trồng một mảnh vườn để tự cung cấp rau cỏ hàng ngày. Khi rảnh rỗi, Jiroemon đi ra ngoài hái thuốc lá, để Ô-Lan ở nhà đánh bông gòn thành cuộn chỉ. Bây giờ cuộc sống khó khăn nên giấc mơ của tuổi trẻ bắt đầu phai nhạt dần.
Thế rồi họ đi đến chuyện kình chống nhau, nghinh nhau trong cảnh gia đình nghèo khó. Mỗi lần có tiếng loảng xoảng từ trong nhà bếp, cả hai đều đứng phắt dậy với ánh mắt giận dữ. Có thể đó chỉ là tiếng động gây ra của một con chuột nhắt? Hai người không tha thứ được những hạt đậu lại bị phân chuột lấm bẩn. Trong tình huống như thế, ngay cả mùa thu màu đỏ cỏ lá và mùa xuân hoa tím ngàn nơi cũng chẳng khiến họ lưu tâm.
Kichibei nghĩ rằng đây là lúc phải đền ơn Jiroemon nên thường đến những ngọn đồi gần đó, lượm lặt những cành bách đã mục và những lá tùng rụng. Trở về nhà, con khỉ ngồi trước lò sưởi, mặt ngoảnh tránh làn khói, quạt lia lịa bằng cái quạt thô sơ. Sau một vài phút, khỉ ta có thể mang cho hai vợ chồng một chén trà ấm, với cung cách rất khôi hài mà họ thấy cũng dễ thương. Dẫu không biết nói, Kichibei cũng lo lắng đến sự nghèo khó của gia đình. Khỉ ta có thể bỏ bữa cơm tối, chỉ ăn rất ít, và lăn ra ngủ như thể đã no bụng. Mỗi khi Jiroemon xong bữa cơm, Kichibei tới bóp lưng và chân cho ông chủ. Sau đó khỉ ta chạy vào nhà bếp phụ Ô-Lan dọn dẹp. Mỗi lần lỡ đánh vỡ một cái đĩa, trên mặt khỉ ta lại thoáng hiện vẻ xấu hổ. Được chú khỉ an ủi, hai vợ chồng dần dần quên được cảnh đời cực khổ.
Một năm trôi qua, mùa thu lại tới. Ô-Lan sinh một đứa trai, đặt tên là Kikunosuke. Lần đầu tiên sau bao tháng trời, lại có tiếng cười vang trong gian nhà tranh. Một lần nữa, đột nhiên cả hai cảm thấy cuộc đời thật đáng sống. Họ vui đùa với đứa bé: nhìn nó mở mắt này, nó đang ngáp này, và chú khỉ Kichibei nhảy cỡn lên với tất cả niềm vui. Kichibei mang những hạt dẻ hoang để vào bàn tay đứa bé cho nó nắm. Dẫu bị Ô-Lan mắng về chuyện này, Kichibei cũng không chịu để đứa trẻ một mình. Chú ta thường ở ngay bên cạnh tò mò xem xét. Chú nhìn chòng chọc vào khuôn mặt khi đứa bé đang ngủ, chỉ giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng nó thình lình khóc. Khi đó chú chạy ngay tới Ô-Lan, kéo váy nàng và lôi nàng về phía nôi, ra hiệu hãy cho bú. Rồi khi Ô-Lan cho đứa bé bú, chú nép gần đó, say sưa quan sát. Kichibei đúng là một người canh gác tuyệt vời.
Tuy hài lòng với sự chăm sóc của con khỉ, nhưng dẫu sao hai người cũng cảm thấy buồn cho Kikunosuke. Nếu ra đời vào năm ngoái tại nhà Kuwamori, đứa bé chắc đã nhận được cả chồng quần áo ấm từ những người thân, và ngủ trên tơ lụa, được cả mấy bà vú chăm sóc. Sẽ không có cả một con rận bò đến gần đứa bé, và da dẻ được giữ gìn như ngọc. Nhưng vì sinh ra một năm sau đó, nó phải ngủ trong chòi tranh, dãi dầu mưa gió, với đồ chơi là những quả cây và hạt dẻ, và được chỉ một con khỉ trông coi.
Ô-Lan và Jiroemon có bàn đến cảnh Kikunosuke khốn khó chỉ vì cuộc tình liều lĩnh của họ, nhưng rồi cũng quên chuyện này khi nhìn thấy đứa trẻ thật đáng yêu. Hai người quyết định sẽ dành dụm chút gì cho Kinunosuke khi đứa trẻ đến tuổi hiểu biết. Nếu có chút của cải, hai người có thể trở về dàn xếp thẳng với cha mẹ hai bên. Do thương đúa trẻ, Jiroemon hỏi thăm người hàng xóm xem có việc gì làm để kiếm thêm chút tiền nong.
Kikunosuke lớn dần lên, mụ mẫm. Lúc nào chú bé cũng nhoẻn miệng cười, đem nguồn sống về cho gian nhà tranh một thời đã vắng bóng cảnh nồng ấm.Đứa trẻ có tia mắt sáng ngời như bà mẹ. Kichibei thường mang những cỏ lá mùa thu từ ngoài đồng và đong đưa chơi đùa trước mặt đứa trẻ, để hai vợ chồng có thể đi ra ngoài vườn đào củ cải mà không lo lắng gì tới con. Hai nguời cảm thấy như sống lại với niềm hy vọng. Khi mùa thu gần đến, người láng giềng cho hay có mối làm ăn tốt nên một hôm đẹp trời, Ô-Lan và Jiroemon hoan hỉ tới thăm để muốn biết tường tận hơn.
Hai vợ chồng vừa rời nhà được một lát thì Kichibei đứng dậy, dáng mặt cứ như biết đă đến giờ tắm cho đứa trẻ. Chú ta theo đúng cách thức như những lần nhìn thấy Ô-Lan đã làm. Thoạt tiên, nhúm lửa dưới lò, đun nước, và khi nước bắt đầu sủi bọt thì đổ nước nóng vào trong chậu đầy đến mép. Kichibei cởi quần áo đứa trẻ, nhìn mặt nó như Ô-Lan làm mỗi lần, nựng lên nựng xuống mấy lần, rồi bất chợt nhúng ngay đứa bé vào trong nước.
Bé Kikunosuke hét lên một tiếng thất thanh, dãy dụa la thét rồi ngừng thở.
Nghe tiếng la khóc khác thường, hai vợ chồng nhìn nhau, vội vã trở về, thấy Kikunosuke chìm trong bồn nước, Kichibei thì đang bồn chồn lo lắng. Ô-Lan vội lôi đứa con ra, nhưng đứa bé đã như con tôm luộc. Không kham nổi, nàng ngã ngay xuống, khóc thét lên như một người điên. Ô-Lan muốn đổi mạng sống của mình để được nhìn đứa con thân yêu một lần nữa. Lát sau nàng đứng dậy, nắm ngay con khỉ đang đứng sững sờ, và giơ thanh củi lên định phang cho nó chết.
Jiroemon cũng điên cuồng vì đau khổ, nước mắt lã chã. Nhưng tuy đau khổ, anh nhận thấy nên tha thứ hơn là báo thù. Anh dằng thanh củi khỏi tay Ô-Lan, cố gắng giảng giải: Con mình đã chết rồi, cũng là số mạng của nó như thế. Em muốn giết con khỉ cũng phải, nhưng sát sinh bây giờ chỉ gây cho linh hồn của con mình khó được lên cực lạc. Đứa trẻ không thể trở lại được nữa, mà Kichibei cũng chỉ muốn giúp đỡ hai đứa mình mà thôi. Hơn nữa, khỉ có khôn mấy cũng chỉ là một con vật thôi, nó chẳng biết gì hơn đâu. Giờ đây mọi sự đã quá trễ, không thể làm gì được nữa đâu. Con khỉ nước mắt chảy dài, đứng trong một góc phòng, nhìn Jiroemon vừa khóc vừa nói, chắp hai tay cảm ơn. Hai vợ chồng nhìn con vật, càng cảm thấy đau khổ, cùng nghĩ không hiểu họ phạm phải nghiệp chướng gì đời trước mà nay gặp phải nỗi đọan trường này?
Chôn cất Kikunosuke xong, cả hai người mất dần ý muốn sống, đâm ra bệnh nặng, nằm liệt giường. Kichibei nuôi nấng săn sóc họ tận tình, cả bao nhiêu đêm không ngủ. Con khỉ cũng không quên cả Kikunosuke. Cứ mỗi bảy ngày sau khi đứa trẻ mất, chú ta đi thăm mộ, mang theo nhiều bông hoa để trang hoàng. Vào ngày thứ 100, khi sức khỏe của Ô-Lan và Jiroemon đã khá hơn, Kichibei buồn rầu tới thăm mộ, và yên lặng dâng nước. Rồi, nó đâm thẳng đầu lao bằng tre vào cổ họng, tự tử.
Jiroemon và Ô-Lan thấy vắng mặt Kichibei, đâm ra lo âu. Cả hai chống gậy, khập khiễng đi ra mộ. Họ hiểu ra mọi chuyện khi thấy cái xác nằm chết thảm thương. Hai vợ chồng càng thấm thía sầu khổ nhiều hơn khi nghĩ ra rằng ít gì đi nữa chính Kichibei là kẻ muốn đem lại cho cõi đời một niềm an ủi.
Hai người dựng thêm một ngôi mộ để chôn con vật, bên cạnh mộ của con mình. Sau đó , Ố-Lan và Jiroemon dựng am bên cạnh mộ, sớm hôm hương khói, tu hành. Thế nhưng khi hạ bút viết như vậy, người viết có hơi kẹt vì không chắc họ đã khấn đức Phật A– di–đà của phái Tịnh Độ hay tụng kinh Pháp Hoa. Theo nguyên bản, Saikaku tả rằng, trong cái am đó, tiếng tụng kinh Pháp Hoa không bao giờ ngừng. Tokuzaemon là một lão già ngoan cố theo kinh Pháp Hoa nhưng nếu để lão ta ló mặt ở đây thì thật là khốn khổ vì sẽ làm hỏng bét câu chuyện thương tâm của chúng ta. Nếu có sự thật còn lại thì ta chỉ có thể nói là Ô-Lan và Jiroemon, dù sống trong am mà nỗi buồn vẫn chưa nguôi, lại vạch cỏ mùa thu đi ra ngoài, cất bước một lần nữa về phương trời vô định.