Quan Sơn Nguyệt vận dụng toàn công lực, vượt qua nhiều đỉnh núi, đến một gành đá, chàng dừng chân lại.
Gành đá cao độ mấy mươi trượng, đứng bên dưới mà nhìn lên, chàng đoán là nó trơn trợt vô cùng, bởi chung quanh nhẵn thín bóng láng như mặt thủy tinh. Làm sao phi thân lên trên gành đá đó, chàng tin chắc là chẳng có chỗ nào nhám nhúa để đáp xuống mà khỏi bị trượt. Nếu trượt chân, cả hai phải rơi xuống hố sâu, bỏ mạng luôn. Huống hồ, con người dù tài ba đến đâu cũng chẳng làm sao vượt nổi một chiều cao hằng mấy mươi trượng.
Ngoài cái cách duy nhất dùng thuật phi đằng mà lên đó, chàng không thấy một con đường nào khác.
Bên trên gành đá, ẩn ước có nhiều tòa kiến trúc, tựa hồ nơi đây là căn cứ địa chính thức của Vạn Ma Sơn Trang.
Làm sao lên đó?
Ngọc Phương đã khôi phục tinh thần phần nào, có điều sức lực còn suy nhược quá, hiện tại nàng vòng tay quanh hai đầu vai chàng, đeo cứng cho dù muốn dù không nàng cũng trở thành một gánh nặng cho chàng.
Quan Sơn Nguyệt cau mày, lẩm nhẩm:
- Làm sao lên trên đó?
Ngọc Phương nhắm mắt lại đáp:
- Nơi khoảng giữa gành đá, có một đường dây buông lơ lửng, nắm đường dây đó mà giật, đầu trên có lục lạc, lục lạc reo vang, người ta thòng giỏ xuống mình ngồi vào giỏ, người bên trên kéo giỏ lên.
Quan Sơn Nguyệt đảo mắt tìm, quả thấy đường dây ẩn kín trong một cái hang nhỏ, chỉ lộ ra ngoài một khoảng độ mấy tấc thôi. Cũng vì đầu dây không dài lắm, nên lúc đầu chàng không trông thấy, hơn nữa, nó lại ở một mức độ cao bảy tám trượng, chàng làm sao nhận định nó được giữa những dây cỏ dù không nhiều nhưng cũng chẳng ít!
Chàng lập tức đặt Ngọc Phương xuống, rồi nhún chân tung bổng người lên.
Nhưng, Ngọc Phương cố đeo dính nơi vai chàng, dịu giọng thốt:
- Hãy bế ta một lúc nữa đi! Đừng bỏ rơi ta vội như thế này ...
Quan Sơn Nguyệt cau mày, từ từ gỡ tay nàng ra, đồng thời dùng giọng trang nghiêm thốt:
- Cô nương! Thế cô nương đến đây chẳng qua vì đạo nghĩa mà thôi, phàm con người thấy đồng loại gặp khó khăn thì tiếp trợ nhau cho được việc, tại hạ tuyệt nhiên chẳng có dụng tâm bất chính xin cô nương đừng hiểu lầm.
Ngọc Phương trầm ngâm một lúc lâu, mặt lộ vẻ u buồn, đáp:
- Ta biết, ngươi chẳng có ý tứ gì, song ... song ...
Quan Sơn Nguyệt thấy nàng úp mở, không thổ lộ thực trạng tâm tư, hơi bực phần nào, đáp với giọng hằn học:
- Cô nương đã biết tại hạ không phải là phường hiếu sắc, thì tốt hơn đừng nói chi nhiều.
Ngọc Phương nhắm đôi mắt lại, từ nơi khóe mắt, vài hạt lệ trào ra, long lanh như hạt châu, buồn thảm tiếp:
- Quan đại hiệp! Tôi biết đại hiệp là bậc anh hùng, thịnh danh rất trọng, rền vang khắp sông hồ, tôi cũng biết luôn đại hiệp đã lưu ấn tượng trong lòng bao kiều nữ, đại hiệp là nhân vật chánh của quá nhiều cuộc diễm tình, biết như vậy rồi thì tôi cũng phải biết nốt là khi nào tôi gây được một xúc động nhỏ nào trong thâm tâm của đại hiệp. Tôi là một thiếu nữ bần tiện, tôi tự biết mình, đại hiệp ơi ...
Bây giờ, nàng đổi lối xưng hô, và sự thay đổi đó chứng tỏ nàng đang nói những lời chí thành nhất đời.
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
- Cô nương càng nói, càng đi xa thực tế! Con người hùng do cô nương vừa phác họa đó, chỉ có trong tưởng tượng dồi dào của cô nương thôi.
Ngọc Phương vụt mở mắt, tinh quang bắn sáng rực, giọng nàng cũng trở nên cứng rắn:
- Không khi nào tôi nuôi hy vọng đại hiệp lưu ý đến tôi. Những gì tôi vừa tỏ bày, chẳng phải để biểu hiện một tình yêu đối với đại hiệp, tôi chỉ thực nghiệm một nhận xét về con người thôi, để cho biết cái tư vị cuộc tiếp xúc này, để tìm hiểu hoài bão của một người thành danh đang thời tuổi còn trẻ, bọn tôi tất cả sáu người đều được chủ nhân ưu đãi, sủng ái, cả sáu người chưa ai biết được cái tư vị đó, chưa ai có dịp thực nghiệm một nhận xét như tôi vừa tường trình, trừ tôi với dịp duy nhất này. Làm được việc này rồi, giả như tôi có bị chủ nhân sát hại, tôi vẫn vui mà về chốn mịt mờ, thiên thu phiêu phưởng. Tôi thành thật đa tạ Quan đại hiệp thẳng thắn giải tỏa niềm thắc mắc mà tôi đeo mang từ lâu, và cầu chúc đại hiệp vượt êm ba cửa ải khó khăn trong Vong Hồn Hắc Ngục.
Tiếng lục lạc reo vang, từ bên trên, một chiếc giỏ được thòng xuống.
Quan Sơn Nguyệt còn bàng hoàng trước những sự giãi bày của nàng, cứ theo sự thố lộ của nàng, thì chẳng hóa ra chủ nhân không phải là nữ nhân sao.
Nếu chủ nhân là nữ, thì tại sao nàng tha thiết với niềm sủng ái do nhân vật đó dành cho? Tại sao nàng cần thực nghiệm hoài bão của một nữ nhân qua cá nhân chăng?
Chàng không lưu ý đến chiếc giỏ, chỉ trố mắt nhìn nàng hỏi.
- Cô nương đã chẳng nói với tại hạ, chủ nhân là nữ nhân đó sao?
Ngọc Phương lạnh lùng:
- Quả có nói như vậy.
Quan Sơn Nguyệt càng lấy làm lạ hơn:
- Thế thì có chi đáng nói đâu? Nữ nhân sủng ái nữ nhân kể ra cũng là việc thường mà?
Ngọc Phương lắc đầu:
- Không biết được chiều sâu sự việc thì đại hiệp đừng hỏi gì là hơn.
Rồi nàng bước tới, vào chiếc giỏ mà ngồi.
Quan Sơn Nguyệt với niềm hoang mang cực độ, thẫn thờ theo nàng, vào ngồi trong giỏ.
Chiếc giỏ được kéo lên từ từ.
Bên trên, có một tòa nhà khá lớn, kiến trúc rất trang nhã, chung quanh có tường cao bao bọc, tường sát mé gành, cửa vào có vọng lầu gác.
Trên vọng lầu gác, có bốn chữ to lớn là Vạn Ma Sơn Trang, kèm hai vế liễn hai bên, đại khái bao hàm cái nghĩa đời có hai đường thiện ác, mang tâm ác mà đi trên đường thiện, vẫn ác như thường mang tâm thiện mà đi trên đường ác thì vẫn gặt hái được cái quả lành như thường.
Theo Quan Sơn Nguyệt nhận xét, thì hai vế liễn này chỉ có cái ý giải thích tên xưng sơn trang mà thôi. Chủ nhân ngầm phân tách ý nghĩa bao gồm trong hai tiếng Vạn Ma.
Nơi cửa vọng lâu, có một thanh niên áo xanh, thứ áo dành cho hạng nho sinh. Thanh niên có nghi biểu hiên ngang, tay cầm quạt, chiếc quạt phe phẩy mãi dù không khí chẳng oi bức gì. Y có vẻ phiêu nhiên thoát tục, bất quá sắc diện thì lạnh lùng, biểu hiện sự thiếu vắng cảm tình hoàn toàn. Sự thiếu vắng đó, do tánh trời sanh, hay bắt buộc phải có bởi vai tuồng của một vở kịch?
Ngọc Phương bước ra khỏi giỏ, nghiêng mình chào:
- Trầm tiên sanh!
Thanh niên «hừ» một tiếng lạnh nhạt, xa xôi, khinh miệt, đoạn buông gọn:
- Đến sớm quá!
Ngọc Phương tiếp:
- Vị Quan đại hiệp này có thuật khinh công rất cao, trên hẳn tỳ nữ đó tiên sanh.
Thanh niên lại «hừ» một tiếng lạnh nhạt hơn, xa xôi hơn, khinh miệt hơn. Rồi y thốt:
- Chẳng trách ngươi dành cho hắn nhiều cảm tình, vì hắn mà ngươi dám vi phạm sơn quy, ta mầng cho ngươi đó nhé, cái tâm nguyện bình sanh của ngươi được thỏa rồi, thì có chết cũng không còn ân hận!
Ngọc Phương biến sắc mặt trầm lặng một lúc lâu, mới đáp:
- Tỳ nữ biết mình có tội nặng, ngay từ phút giây này, xin đến thẳng yết kiến chủ nhân, lãnh cái chết.
Nàng toan bước tới, để vào nhà. Thanh niên ngăn lại, thốt:
- Bất tất! Uyển Hoa không nghe biết gì những lời ngươi nói đâu. Ta không báo cáo thì chẳng bao giờ nàng biết. Ngươi có muốn ta báo cáo chăng?
Ngọc Phương thoáng giật mình, thấp giọng đáp:
- Nếu tiên sanh có lòng che chở cho, thì tỳ tử cảm kích vô cùng.
Thanh niên khoát tay:
- Đừng nói những tiếng khách sáo. Mà cũng không cần cảm kích. Ta chỉ mong là ngươi ghi nhận nơi tâm, thế cũng đủ rồi.
Ngọc Phương ngửng mặt nhìn lên lạnh lùng tiếp:
- Trầm tiên sanh! Nếu thật sự tiên sanh có tâm nguyện đó, thì tại sao tiên sanh không trình bày với chủ nhân?
Thanh niên sững sờ.
Ngọc Phương tiếp luôn, giọng lạnh lùng hơn:
- Tiên sanh thiếu can đảm thấy rõ.
Chừng như thanh niên phẫn nộ phần nào. Y cất tiếng hơi to:
- Nói bậy! Ta không hề sợ nàng ...
Ngọc Phương chụp ngay cơ hội:
- Thế càng hay. Bất cứ lúc nào, nếu tiên sanh được sự đồng ý của chủ nhân, thì lập tức tỳ tử tuân mạng. Phải chi tiên sanh sớm có cái khí khái của nam nhân một chút, thì tỳ nữ đâu hướng về ngoại nhân mà cầu cạnh?
Thốt xong, nàng mạnh dạn bước đi, qua cửa vọng lâu, thanh niên bước tới ngăn chận, nhưng ánh mắt sắc lạnh của nàng làm cho y gờm gờm, rồi y buông xuôi đôi tay xuống.
Quan Sơn Nguyệt gọi gấp:
- Cô nương! Khoan đi chứ, hãy đưa tôi đến gặp mặt chủ nhân.
Từ bên trong vọng cửa, Ngọc Phương quay đầu lại, đáp:
- Trầm tiên sanh sẽ làm cái việc đó hộ tôi, tôi cần đi gặp chủ nhân gấp để phúc lịnh.
Quan Sơn Nguyệt toan bước theo nàng.
Thanh niên lại dang tay chặn, hỏi:
- Các hạ là Minh Đà Lịnh Chủ Quan Sơn Nguyệt?
Quan Sơn Nguyệt nhận ra, lúc đối thoại với Ngọc Phương, con người đó để lộ rõ ràng tà khí, chàng đố kỵ y ngay, bây giờ nghe y hói, chàng cười lạnh một tiếng, buông cộc lốc:
- Chủ nhân đã về đây rồi, đương nhiên là có nói cho các hạ biết tại hạ là ai.
Như vậy, cần gì phải hỏi!
Thanh niên trầm gương mặt:
- Này, họ Quan! Tại Vạn Ma Sơn Trang, thân phận của ngươi chưa được xác định kia mà. Thì, đối với ta, ngươi nên giữ lễ độ một chút. Trừ ra ngươi qua lọt ba cửa ải trong Hắc Ngục Vong Hồn, hoặc ít nhất cũng hai cửa, thì ngươi mới có tư cách vênh mặt với ta. Cái khẩu khí cao hãnh của ngươi đó, hãy giữ lại, đợi khi nào có địa vị cao hơn ta hãy mang ra mà dùng. Chứ nếu không thì ngươi nên đếm từ ngày mà chờ chết.
Quan Sơn Nguyệt giật mình, không tưởng là đối tượng câu mâu quạu quọ đến độ không giấu nổi sự bất mãn. Có lẽ y bất mãn từ lúc vào đây, và giữ sự bất mãn đó cho đến một ngày nào có đủ tài năng giúp y cao mặt mà đối diện với chủ nhân. Chàng dùng giọng khích, thốt:
- Thì ra, các hạ là người «bị» chủ nhân xem như bằng hữu?
Xem như bằng hữu mà dùng cái tiếng «bị» thì đúng là có sự miễn cưỡng rồi, sự miễn cưỡng sở dĩ có bởi lòng nhân đạo của chủ nhân, bởi nhu cầu nhân lực trong Vạn Ma Sơn Trang. Và, bị xem như bằng hữu trong Sơn Trang thì có khác nào được chọn làm thuộc hạ? Có điều là cái thứ nô dịch thân tín thôi.
Thanh niên cười lớn. Y hãnh diện mà cười, hay cười để che lấp sự thẹn ngượng? Tuy nhiên, vẻ cao ngạo hiện lộ nơi gương mặt y, phát xuất qua giọng cười của y, điều đó chứng tỏ y hãnh diện hơn là thẹn ngượng. Bằng cớ, là y cao giọng thốt:
- Phải đó. Trong Vạn Ma Sơn Trang, chỉ có mỗi một mình Trầm Quân Lượng này là có thể gọi tên tộc của Uyển Hoa. Trừ một Uyển Hoa ra, tất cả gặp ta đều phải cúi đầu.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
- Uyển Hoa là tên của chủ nhân?
Trầm Quân Lượng gật đầu:
- Ừ! Nàng họ Điền! Toàn danh tự là Điền Uyển Hoa. Hiện tại, biết thì cứ biết, chứ ngươi chưa đủ tư cách gọi ngay tên họ của nàng đâu. Ta khuyên ngươi nên dùng hai tiếng chủ nhân, chứ đừng xưng hô Uyển Hoa, Tạo Hoa gì cả.
Quan Sơn Nguyệt nổi giận:
- Tại hạ đâu có ý gì cầu cạnh, kết giao với nàng?
Trầm Quân Lượng cười lạnh:
- Ngươi dù muốn cầu cạnh, chắc gì được toại nguyện? Đừng tưởng bất cứ ai cũng có thể với cao được! Cái cao, là sự ưu đãi của tạo hóa dành riêng cho một số người rất ít, còn cái thấp là sản hữu của đại chúng, ngươi hiểu chứ?
Quan Sơn Nguyệt nổi nóng:
- Ngươi vào gọi nàng ra đây gấp cho ta!
Trầm Quân Lượng bật cười ha hả:
- Gọi Uyển Hoa ra đây nghinh tiếp ngươi? Thế ngươi đang nằm mộng đấy à? Chưa trải qua Hắc Ngục Vong Hồn, ngươi lấy tư cách gì mà đòi tiếp xúc với nàng? Thân phận của ngươi tại đây chưa xác định kia mà!
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng:
- Ta có cần thân phận quái gì đâu? Ta chẳng hề có ý lập thân tại Vạn Ma Sơn Trang, sở dĩ ta muốn gặp nàng, là vì ta có chút việc cần giải quyết thôi.
Trầm Quân Lượng lại cười vang:
- Đến Vạn Ma Sơn Trang rồi mà ngươi còn tưởng là sẽ ra đi được thong thả à? Ngươi lại nuôi thêm một cái mộng thứ hai!
Quan Sơn Nguyệt kêu to:
- Các hạ tránh qua một bên, và đừng nói vớ vẩn nữa. Tự tại hạ đi tìm nàng cũng được rồi.
Chàng mạnh dạn bước tới.
Trầm Quân Lượng rẹt chiếc quạt, phát nhẹ, một đạo kình lực vút ra.
Quan Sơn Nguyệt có cảm giác bị đấm mạnh vào ngực, vội lùi mấy bước:
Trầm Quân Lượng cười lạnh, thốt:
- Minh Đà Lịnh Chủ quả nhiên danh bất hư truyền, chịu nổi một chiêu «Thanh Phong Từ Lai» của tại hạ. Tuy nhiên, với tài năng đó, các hạ chỉ kỳ vọng được sung vào chức chấp sự sư gia mà thôi, không hơn không kém.
Quan Sơn Nguyệt nghe lồng ngực đau nhói. Chính cái đau đó làm cho chàng phẫn nộ, chàng «hừ» lên một tiếng, rút ngay thanh Hoàng Diệp Kiếm nơi hông cầm tay hét:
- Nếu các hạ không tránh qua một bên, thì tại hạ phải thất lễ đó.
Trầm Quân Lượng điềm nhiên quét ánh mắt từ đầu chàng xuống chân, thốt:
- Vương sư gia có thuật lại, ngươi cũng biết một vài chiêu khá, sử dụng hơi rành thanh kiếm trong tay ngươi đó. Ngươi cố biểu diễn cho ta xem đi nào. Ta muốn biết cái tài của Minh Đà Lịnh Chủ đáng giá bao nhiêu đồng tiền, mà giang hồ dư hơi ba hoa ca ngợi từ mấy năm qua.
Y lại giở cái giọng xấc, lên mặt kẻ cả đối với Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
- Tại hạ nói một lần nữa, và là lần cuối đấy nhé, các hạ hãy bước qua một bên ngay!
Người ta không giữ lễ độ với chàng, chàng vẫn giữ lễ độ đối với người ta, xưa nay chàng không hề có cái lối đánh võ miệng, dù cho đối diện với kẻ tử thù, chàng cũng nhã nhặn ôn hoa như thường. Huống hồ, ở đây chàng gặp một người kiêu căng, sính tài.
Trầm Quân Lượng vừa rẹt chiếc quạt, vừa đáp:
- Muốn cho ta tránh qua một bên, cũng chẳng khó khăn gì, bất quá ngươi cứ tỏ ra cái tài, bức ta tạt qua, hoặc giả ngươi quật ngã ta, rồi lướt qua trên thân xác ta mà đi vào.
Quan Sơn Nguyệt cao giọng:
- Các hạ nhất định gây phiền phức cho nhau à? Đừng tưởng rằng thanh kiếm này không bén!
Ánh kiếm thoáng chớp lên, thân hình theo kiếm bay tới, chiêu thức phát xuất liền.
Trầm Quân Lượng rẹt chiếc quạt, nhưng trước thì xòe, bây giờ thì xếp. Cầm chiếc quạt, y tiến thẳng vào vùng kiếm ảnh.
Một tiếng «coong» to lớn vang lên, lửa bắn bốn phía, song phương đã chạm chiêu đầu tiên.
Vừa lúc đó, từ bên trong cửa vọng lầu canh, một thị nữ tuổi trẻ bước ra, thốt:
- Trầm tiên sanh, chủ nhân bảo tiên sanh dừng tay.
Trầm Quân Lượng nhún chân nhảy vọt về phía hậu, hỏi!
- Tại sao? Chẳng lẽ hắn thắng nổi ta?
Thị nữ đáp:
- Chủ nhân không có ý nghĩ như thế. Chỉ vì, hiện tại chưa phải lúc đọ sức tranh tài. Chủ nhân yêu cầu tiên sanh đưa y thẳng đến Hắc Ngục Vong Hồn.
Trầm Quân Lượng không phục:
- Đưa hắn đi để làm gì? Hắn đâu có muốn lưu lại sơn trang của chúng ta mà hòng quăng hắn vào lò thực nghiệm?
Thị nữ mỉm cười:
- Cái đó thì xin lỗi tiên sanh nhé, bởi tiên sanh không có quyền quyết định.
Trầm Quân Lượng nổi giận.
- Muốn đưa hắn đi, ngươi cứ tự mình đưa đi, ta chẳng phải là tay nô bộc, ta không thể làm công việc của bọn phục dịch.
Thị nữ lại cười:
- Chủ nhân nói rằng, hôm nay tánh khí của Trầm tiên sanh thay đổi lạ lùng quá. Tiên sanh hoàn toàn biến thành con người khác, mất hết phong độ ung dung nhàn nhã của ngày thường. Chủ nhân rất thất vọng vì tiên sanh đó nhé.
Trầm Quân Lượng tợ hồ muốn phác tác, nhưng nghĩ sao đó, y lại dằn tâm quay đầu bước vào cửa lầu.
Thị nữ nhìn Quan Sơn Nguyệt, điểm một nụ cười, thốt:
- Trầm tiên sanh giận bỏ đi rồi, vậy là tôi phải dẫn đại hiệp đi. Xin Quan đại hiệp theo tôi.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
- Có phải là đi tiếp xúc với chủ nhân cô nương chăng?
Thị nữ vẫn cười, lắc đầu:
- Không! Trước hết, đại hiệp đến Hắc Ngục Vong Hồn.
Quan Sơn Nguyệt cũng lắc đầu:
- Không! Tại hạ không đến nơi đó đâu. Tại hạ đến đây với mục đích cứu người.
Nữ nhân cười nhẹ:
- Ngọc Phương bép xép quá, đem mọi việc tiết lộ hết với đại hiệp. Chủ nhân biết trước thế nào đại hiệp cũng nêu lên câu đó, cho nên đã sớm an bài, đại hiệp không thể không trải qua địa điểm đó được.
Quan Sơn Nguyệt nổi giận.
Thị nữ điềm nhiên đáp:
- Ngô Khẩu Thiên bị bỏ nơi cảnh giới thứ nhất trong Hắc Ngục Vong Hồn, còn Thương Nhân thì ở tại cảnh giới thứ hai. Ngô Phụng và Ngọc Phương ở tại cảnh giới thứ ba. Như đại hiệp có ý muốn cứu người, thì cái thế bắt buộc phải vào đó rồi vậy. Tốt hơn hết, đại hiệp nên dạo qua một chuyến đi, dù sao thì đại hiệp cũng không nỡ bỏ các người đó trong chỗ tối tăm lạnh lẽo. Giả như họ chết đi, thì có phải là đại hiệp hối hận suốt đời chăng?
Quan Sơn Nguyệt giật mình, hỏi gấp:
- Bỏ họ vào đó? Để làm gì chứ?
Thị nữ mỉm cười, đáp:
- Thì để cho đại hiệp vào cứu họ, chứ còn để làm gì nữa. Chẳng phải đại hiệp đến cứu người đó sao? Cứu người, phải cứu bằng công lực, chứ nói năng mấy tiếng mà xong được cho à?
Quan Sơn Nguyệt vội đáp:
- Cha con họ Ngô và Thương Nhân sở dĩ lâm nạn, là do tại hạ, tự nhiên tại hạ phải cứu họ.
Thị nữ tiếp:
- Còn Ngọc Phương? Nàng lâm nạn, thế chẳng do đại hiệp hay sao?
Chẳng lẽ đại hiệp không cứu nàng? Mà thôi, cứu ai thì tùy đại hiệp, bỏ ai cũng tùy đại hiệp. Tôi chỉ có việc cho đại hiệp biết là hiện tại họ đều ở trong Hắc Ngục Vong Hồn ...
Quan Sơn Nguyệt đi theo sau nàng. Dù muốn dù không, chàng cũng phải đến ngục tối, bởi chẳng ai chịu đưa chàng vào gặp chủ nhân, thì chàng còn làm sao hơn?
Qua khỏi vọng cửa lầu, chàng đến một tòa đại sảnh, sảnh đường trống không, chẳng có một vật nào, ngoài một chiếc thang bằng gỗ.
Thang gỗ đưa lên lầu canh, thị nữ đưa tay chỉ chiếc thang thốt:
- Bên trên đó, là cảnh giới thứ nhứt của Hắc Ngục Vong Hồn, đại hiệp cứ đi lên, tôi không thể theo đại hiệp nữa. Lão già họ Ngô đang ở trên đó, chắc là đang run vì lạnh. Muốn cứu người, đại hiệp phải hành động gấp, chỉ sợ lão ấy sẽ cóng mình mà chết đấy nhé.
Nàng bỏ chàng tại đó, ly khai đại sảnh.
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút, đoạn tra kiếm vào vỏ, mạnh dạn bước lên thang.
Thang có mấy mươi bậc, lên nốt chiếc thang, chàng đến đỉnh lâu.
Trước mắt chàng, là một vọng cửa bằng gỗ, trên cửa có tấm biển, ba chữ nhỏ, hai chữ lớn hiện rõ:
Vô úy vô nổi, đường tý đường xa, Chí sĩ tự tri sở cường.» Đại ý, câu liễn cảnh cáo con người đừng tự đắc, tự tôn, đừng ỷ tài ỷ sức, tuyệt đối không nên cho mình là vạn năng, làm được tất cả mọi việc trên đời.
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
- Câu liễn nói đúng đạo lý, song chẳng biết bên trong kia có những gì đáng chờ đợi ta?
Chàng toan đưa tay đẩy cánh cửa, bỗng một luồng gió lạnh thổi tạt vào mặt.
Lập tức, chàng ngưng thần vận khí, chuyển cương khí khắp người, chuẩn bị sẵn sàng rồi, mới bước vào.
Vừa bước ngang ngưỡng cửa chàng nhận ra cảnh sắc đột nhiên biến đổi, trước mắt chàng là những chiếc giường bằng giá băng, trên giường có những người cụt tay, cụt chân, có nam, có nữ, người nào cũng nhợt nhạt thần sắc. Có điều họ vẫn còn sống.
Quái dị nhất, là ở dưới mỗi chiếc giường, có một bồn lửa, cháy không phải do một nhiên liệu thông thường nào, mà là bằng xương người, thịt người, tay chân người.
Một người nào đó kêu lên:
- Lạnh quá! Trời ơi! Lạnh chết đi! Khẩn cầu ngươi thêm lửa vào cho ấm một chút đi!
Người vừa phát âm đó, là một nữ nhân, tác độ trung niên đang run hơn cầy sấy.
Quan Sơn Nguyệt giật mình. Lý trí cảnh giác cho chàng biết đó là những ảo tưởng, nhưng con mắt trông ra sự tình như vậy, lỗ tai nghe rõ những lời kêu than như vậy, thì làm sao mà chàng chẳng cho là thực tế?
Tuy nhiên, chàng cố dằn lòng, không lưu ý đến lời kêu rên thống thiết cửa nữ nhân, cứ thẳng đường đi tới. Đảo mắt nhìn qua chàng ước độ gian nhà đó rộng hơn mười trượng vuông là có một chiếc giường, dĩ nhiên là giường bằng giá băng, giường xếp thành hàng, hai giường đối diện với nhau.
Có trên hai mươi chiếc giường. Và tự nhiên có trên hai mươi người thọ thương.
Lửa bên dưới giường bốc cháy mạnh ngọn, song băng giá chẳng hề tiêu tan.
Nhờ cương khí vận hành khắp thân thể, Quan Sơn Nguyệt không nghe lạnh, nhưng những lời kêu thảm thống thiết của những người đó vang vọng đến tai chàng, làm chàng cũng cảm thấy lạnh luôn. Lạnh lòng, lạnh ý, chứ chưa lạnh thân xác.
Tiếng kêu thảm tiếp nối vang lên:
- Yêu cầu ngươi thêm lửa! Thêm thật nhiều vào! Lạnh chết ta đi thôi!
Lần này, chính là một nam nhân tác độ trung niên, cất tiếng kêu than. Lửa bên dưới chiếc giường của y suy yếu lắm rồi, hầu như chực tắt. Y lạnh quá, thân hình rung rung, đến phát ra tiếng động, tiếng của răng đập vào răng, xương chạm với xương.
Quan Sơn Nguyệt không dằn lòng được, buột miệng hỏi:
- Các vị là những ai? Tại sao lại ở chốn này?
Nam nhân đó đáp:
- Ngươi hãy thêm lửa cho ta đi, ta lấy lại khí lực, rồi mới cáo tố với ngươi được. Úy da! Ta không chi trì nổi nữa rồi. Ngươi hãy làm một cái gì, giúp ta ngươi sẽ được phước lớn!
Niềm thống khổ càng phút càng hiện đẫm trên gương mặt của y, thinh âm càng phút càng thê thảm. Nhìn y, không ai chịu đựng nổi cảm xúc vầy vò.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
- Lấy cái gì mà thêm vào?
Người đó chừng như không còn nói năng gì được nữa. Cánh tay tả của y đã bị đứt mất rồi, đôi chân thì chỉ còn thừa lại một đoạn xương đùi, hiện tại còn cánh tay hữu.
Y nhếch cánh tay hữu lên, hết sức yếu đuối, biểu hiện cái ý cho Quan Sơn Nguyệt biết là chỉ còn cánh tay đó thôi, có thể dùng làm nhiên liệu gầy lại ngọn lửa hồng.
Làm sao Quan Sơn Nguyệt nỡ chặt cánh tay đó, quẳng vào bồn lửa?
Trong khi chàng do dự thì người đó nhắm mắt lại, thân hình rung rung, vẻ thống khổ biểu lộ rõ rệt.
Người ở trên giường bên cạnh y kêu lên:
- Ngươi cứ chặt cánh tay hữu của y, quăng gấp vào bồn, nếu lửa bên dưới tắt đi, thì không làm sao gầy lại được, và y sẽ vĩnh viễn chịu thống khổ ...
Quan Sơn Nguyệt cao giọng:
- Các ngươi chịu hình phạt như thế này, thì thà chết đi còn sướng hơn ...
Người đối thoại thở dài, đáp:
- Nếu mà ngươi có cách làm cho bọn ta chết được, thì đó là ngươi làm một công đức. Khi nào bọn ta cam chịu cái hình phạt này? Chỉ vì bọn ta muốn chết mà không làm sao chết được đó thôi. Ngươi nên thêm lửa cho y gấp đi!
Quan Sơn Nguyệt rút thanh trường kiếm, nhắm ngay khoảng tim của người đang oằn oại đâm thẳng vào.
Thanh kiếm lút sâu vào ngực người đó, y rú lên một tiếng. Nhưng, nhát kiếm không kết liễu tánh mạng của y.
Quan Sơn Nguyệt rút thanh kiếm ra khỏi ngực y, máu theo kiếm vọt ra, máu vọt khỏi vết thương liền đông đặc lại.
Người bên cạnh kêu lên.
- Ngươi không giết chết bọn ta được đâu! Ngươi xem nơi chiếc giường gần đấy, có một người, chỉ còn có cái đầu thôi, mà cũng chẳng chết đước thay, hà huống y còn nhiều bộ phận hơn? Phương pháp duy nhất làm cho bọn ta dịu cơn đau khổ là giữ cho ngọn lửa mãi mãi cháy mạnh, lửa còn thì cơn lạnh bớt xâm nhập vào mình, bớt hành hạ ...
Quan Sơn Nguyệt nhìn về phía đó, quả nhiên thấy một chiếc đầu người, đầu của một nữ nhân, bên dưới cổ, còn một phần ngực. Một con người trong tình trạng đó, vẫn sống được, thật là lạ.
Chàng không biết làm sao hơn, đành chặt cánh tay hữu của người đã van kêu chàng, quẳng cánh tay đó vào bồn lửa bên dưới giường, ngọn lửa lập tức bốc cao, người đó hết rên ngay.
Việc đó gây phấn khởi cho toàn thể nạn nhân trong gian nhà, và ai ai cũng kêu gọi chàng.
Đến nữ nhân còn độc một chiếc đầu đó, cũng van cầu chàng thêm lửa.
Chàng nhận thấy, ai ai cũng chỉ cần có lửa thôi, chẳng ai nhờ chàng cứu thoát khỏi gian nhà đó.
Chàng lần lượt cắt từng bộ phận của từng người một, quăng bộ phận đó vào bồn lửa bên dưới giường. Làm công việc đó, mắt thấy máu hồng tuông đổ, mũi ngửi da thịt xuông chảy khét lẹt, chàng như quên mình ở trong cảnh huống nào.
Riêng về nữ nhân chỉ còn một chiếc đầu đó, thì chàng cảm thấy khó khăn vô cùng. Cắt phần da thịt nào để quăng vào lửa đây? Cái đầu, thì không thể cắt rồi. Còn cổ? Cũng không luôn! Nửa phần ngực gần đôi vú? Cũng không thể nốt.
Chàng hỏi:
- Tại hạ làm sao giúp cô nương đây?
Chàng muốn hỏi, phải cắt phần nào trong cái phần còn lại gồm đầu, cổ và vú.
Nữ nhân đáp:
- Ngươi cứ tùy tiện! Cắt chỗ nào cũng được!
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút, đoạn vung kiếm chém vào đầu nàng.
Kiếm chạm đầu, vang lên một tiếng khô khan, như chạm vào một vật bằng kim khí cực kỳ cứng rắn. Nếu là kim khí thực sự, thì không một kim khí nào chịu nổi với thanh Hoàng Diệp Kiếm của chàng. Nhưng, chiếc đầu của nữ nhân không hề hấn gì cả!
Nữ nhân kêu lên:
- Ngươi đừng làm một việc vô ích. Chẳng một biện pháp nào làm cho ta dứt trừ vĩnh viễn niềm đau khổ, kể cả sự kết liễu sanh mạng ta. Ngươi cứ giúp ta, gây lửa cháy cao ngọn là được. Còn lại nơi ta bộ phận nào, ngươi cứ cắt mà quăng vào bồn.
Rồi nàng giục:
- Động thủ gấp đi!
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
- Giả như cái phần cuối cùng của cô nương được cho vào bồn lửa, thì cô nương sẽ ra sao?
Nữ nhân đáp với giọng bi thảm:
- Nếu chỉ còn lại có mỗi một chiếc đầu trụi, thì ta vĩnh viễn chịu đau khổ, chứ còn ra sao nữa. Song ta chẳng quản chi hết, ta chỉ biết là đỡ khổ vì lạnh lúc nào, hay lúc ấy thôi. Được như vậy, là ta mãn nguyện lắm rồi.
Quan Sơn Nguyệt lại suy tư mấy phút:
- Tay chân của người khác, quẳng vào bồn lửa bên dưới giường của cô nương, có được chăng?
Nữ nhân lại kêu gấp:
- Không được! Không được! Da thịt xương của người nào, chỉ sưởi cho người đó. Vả lại, các bộ phận nơi mình của mỗi người đâu phải là nhiều, dùng cho chính mình còn không đủ, có dư đâu mà đem cho người khác? Không được!
Ngươi đừng làm một việc vô ích.
Người trong gian nhà kêu rú lên hãi hùng, họ sợ Quan Sơn Nguyệt chặt tay chân thân thể của họ, đem dùng cho người khác, làm như thế là họ phải thiếu lửa.
Thiếu lửa, họ chịu làm sao thấu với cái lạnh này?
Quan Sơn Nguyệt cắn môi. Dù nữ nhân đã bảo như vậy, song ý chàng đã quyết, trở ngược thanh kiếm, tự chặt cánh tay chàng.
Chàng nghĩ, có tay chân quẳng vào bồn là có lửa, mà lửa thì vẫn nóng lửa làm cho nạn nhân bớt lạnh, chứ đâu có thứ lửa chọn lựa, của ai nấy dùng.