Nói chuyện bằng toàn bộ sức lực, máu chạy lên đầu, tay chân rốt cuộc chết lặng vì thiếu ô xy, mẹ Tông Du lảo đảo, mất thăng bằng.Bác cả bị cục giấy đập vào, lại nghe câu này của mẹ Tông Du, vô cùng tủi thân, trừng mắt tức giận phản bác: “Chị làm sao? Chẳng lẽ chị vì chính mình? Sao mày lại trút giận lên người chị?!”
Mẹ Tông Du lấy lại tinh thần, đưa tay vén lọn tóc rơi xuống vào bên tai, ngón tay lạnh như băng run rẩy, lặp lại ba bốn lần mới vén toàn bộ tóc ra sau tai.
Bà ta cố gắng khôi phục lý trí, lồng ngực lại vẫn không ngừng phập phồng, đè thấp giọng, che dấu sự tức giận và lo âu của mình: “Ý em là… Tông Anh ngã bệnh, sao chị còn đi quấy rầy?” Nói đến đây, sắc mặt bà ta đã dịu đi phần nào, giọng nói lại khôi phục vẻ bình thản thường ngày.
Bác cả vừa tức vừa oan ức, bà ta ly hôn từ hồi còn trẻ, con trai được phán cho bên chồng, chồng di cư sang nước ngoài để gây dựng gia đình mới, xa cách hai mươi năm, chỉ liên lạc thưa thớt vài lần, năm ngoái con trai lập gia đình, ngay cả hôn lễ cũng không mời bà ta đi.
Đến tuổi trung niên, lại xấu tính, bạn bè đều vì lợi ích; không có công việc, không có việc gì để nghĩ, dứt khoát coi chuyện nhà em trai thành chuyện của chính mình.
Ai ngờ có quan tâm đến mấy, trong mắt người ta, bà ta chẳng qua là người ngoài “làm gì cũng không tốt”.
Cơn giận trào lên, bà ta chẳng thèm để ý trường hợp, hỏi ngược lại: “Cô nói câu này sao mà biết điều thế, dường như chỉ có tôi là người xấu! Cô dám nói mình không hề có ý đồ không?!”
Mẹ Tông Du hơi hốt hoảng liếc bác sĩ trước sau vẫn im lặng ngồi ở bàn công tác, tiến lên phía trước vài bước, nhặt cục giấy lên, nói với bác cả “đừng nói nữa”, rồi nắm chặt cục giấy, vội vã ra ngoài.
Lúc bà ta ra ngoài, Tiết Tuyển Thanh vẫn đứng trước cửa.
Bà ta ngẩng đầu, Tiết Tuyển Thanh nhìn xuống, ánh mắt hai người chạm nhau, một kẻ sợ hãi, một người lạnh lùng.
Tiết Tuyển Thanh liếc cục giấy bị nắm chặt trong tay bà ta, nhớ tới cảnh vừa xảy ra trong phòng, bà ta la lên như bị tâm thần “Chị lắm miệng làm gì, tại sao lại đi hỏi”, cười khẩy, nói đầy thâm ý: “Bị bức ép, ‘con thỏ’ nóng nảy cắn người? Tôi chẳng qua mới cho bà xem bản tuyên bố, bà đã nôn nóng đến thế sao? Có phải tôi phá hỏng dự định của bà không?”
Giọng Tiết Tuyển Thanh không cao, nhưng câu nào câu nấy đều có gai.
Mẹ Tông Du cố tỏ ra bình tĩnh, cúi đầu vuốt tóc: “Xin cô tránh đường.”
Tiết Tuyển Thanh không cản đường của bà ta nữa, mẹ Tông Du liền rảo bước về phía phòng bệnh.
Ngay sau đó bác cả cũng từ phòng khám bệnh đi ra, Tiết Tuyển Thanh đứng cách bà ta vài bước, cười khẩy, nói: “Đầu óc quá đen tối sẽ gặp báo ứng , bà coi chừng đấy.”
Bác cả từng được “lĩnh giáo” tính khí thô lỗ của Tiết Tuyển Thanh, tự biết nếu đối chọi với cô chỉ chịu thiệt thòi, căm giận quay đầu đi, không nói tiếng nào, trực tiếp rảo bước về phía thang máy.
Ngày cuối tháng chín, sáu giờ mặt trời mới ló dạng, trời nhiều mây, bình minh đến muộn, lúc Tiết Tuyển Thanh trở lại phòng bệnh của Tông Anh, kéo rèm cửa sổ ra, bên ngoài vẫn âm u xám ngoét.
Cô đút hai tay vào túi quần, bần thần nhìn dòng người đi qua đi lại bên dưới, chợt nghe Tông Anh lên tiếng: “Vừa từ tầng trên xuống à?”
Tiết Tuyển Thanh đột nhiên bừng tỉnh, ngoảnh đầu lại nhìn Tông Anh: “Cậu tỉnh từ bao giờ vậy? Làm tôi sợ muốn chết.” Lại hỏi: “Sao cậu biết tôi vừa lên tầng trên?”
Tông Anh điều chỉnh tư thế ngồi, ngẩng đầu nhìn cô, trả lời: “Vừa rồi Thu Thật đến kiểm tra phòng, nói cậu hỏi anh ấy có trông thấy bác cả không.”
Tiết Tuyển Thanh nghĩ thầm, Thịnh Thu Thật thật lắm miệng, cô giải thích với Tông Anh: “Tôi chỉ lên cảnh cáo bà ta, đừng suốt ngày đến làm phiền cậu.”
Vì thức đêm nhiều, sắc mặt cô thoạt nhìn tiều tuỵ, đầu tóc bết lại, Tông Anh ngẩng đầu nhìn cô một hồi, cuối cùng nói: “Tuyển Thanh, cảm ơn cậu.”
“Sao đột nhiên khách sáo vậy? Ghê hết cả người.” Tiết Tuyển Thanh nói, bước đến bên giường, tắt đèn, đưa tay cầm bình nước nóng inox, lấy cốc giấy rót đầy, vừa uống vừa nói: “Sắc mặt họ quá khó coi, cứ chăm chăm vào đồ không phải của mình, đặc biệt là bà bác kia, nhọc lòng nhiều làm gì? Con bà ta còn chẳng thèm để ý đến bà ta, đến làm phiền nhà người khác, bà ta là ai chứ.”
Than phiền xong, nước cũng uống cạn, Tiết Tuyển Thanh đặt cốc giấy xuống: “Thật bực mình.” Nói xong, đột nhiên có cuộc điện thoại gọi đến, cô rảo bước ra ngoài nghe điện thoại: “Đúng, vụ án kia tôi cùng…”
Sau khi nghe Tiết Tuyển Thanh đề cập tới chuyện này, Tông Anh chợt nhớ tới vẻ mặt họ lúc tranh đoạt tài sản sau khi Nghiêm Mạn qua đời, “cứ chăm chăm vào đồ không phải của mình”, hoá ra cô đã được thể nghiệm chuyện này từ lâu.
Nếu cảm giác khi đó là căm ghét sâu sắc, vậy hiện tại chỉ còn thất vọng.
Tiết Tuyển Thanh cúp điện thoại quay vào, trước khi đi, cô nói nhanh: “Tôi có một số việc phải làm, đi rồi về ngay, trong thời gian này cậu coi như nghỉ phép ngủ bù, thoải mái, thả lỏng tinh thần mà nghỉ ngơi, nếu lại có người đến làm phiền cậu, tôi sẽ đi đánh kẻ đó.”
Mặc dù có việc gấp, nhưng cô vẫn không quên an ủi Tông Anh. Trên đời này có nhiều loại bạn bè qua đường, bèo nước gặp nhau, được lợi thì chơi, thật lòng lo lắng cho ta, mong ta sống tốt lại rất ít.
Tông Anh hết sức quý trọng mối duyên này, thấy cô đóng cửa lại, im lặng nhìn một hồi, sau đó đưa mắt nhìn đoá hướng dương vừa nở rộ trên bàn…
Là Thịnh Thanh Nhượng mang đến tối qua.
Mỗi ngày qua đi, ở lai bệnh viện càng lâu, mơ hồ như trở lại những ngày tháng còn là bác sỹ sống trong bệnh viện, không khí hít thở mỗi ngày luôn có mùi nước sát trùng, tiếng xe cứu thương bên ngoài vừa nghỉ lại vang lên.
Thượng Hải cuối tháng chín luôn mang sắc thu man mác buồn, cũng may có thể trông đợi vào đợt nghỉ quốc khánh dài, cơn mưa kéo dài mấy ngày liền cũng không đáng ghét nữa.
Hơn bảy mươi năm trước, tại Thượng Hải, chiến sự càng lúc càng ác liệt, bến tàu nhà ga bị oanh tạc liên tục, việc di dời nhà máy lùi sâu vào đất liền càng khó khăn, nhưng để tránh nhà xưởng rơi vào tay giặc, vẫn phải tiếp tục kiên trì.
Thịnh Thanh Nhượng nhiều lần bôn ba tại bến tàu và nhà máy vùng ngoại ô thành phố, việc vặt quấn thân, vào một đêm mấy ngày trước, Tông Anh không yên lòng để anh đi qua đi lại đường xa trì hoãn công việc, liền nói: “Anh không cần đến đây hằng ngày đâu, tôi ở bệnh viện rất an toàn.”
Quả nhiên, sau đêm đó, Tông Anh chưa từng gặp lại anh, chỉ có bó hoa bọc trong giấy báo cũ đặt trên tủ đầu giường, trước sau luôn hết sức tươi mới.
Buổi sáng, y tá trực ca sáng đến đưa thuốc, nhìn hoa trên tủ đầu giường, nói: “Hoa hướng dương của cô không cắm vào nước cũng không khô nhỉ.”
Một bác sĩ thực tập bên cạnh lập tức nói: “Sao lại không khô, vị tiên sinh lạc hậu kia đêm nào cũng đến thay, có lúc ba giờ, có lúc bốn năm giờ, tặng xong còn thường đến phòng khám hỏi han tình hình, chỉ riêng tôi đã gặp anh ấy ba lần rồi.”
Tông Anh ngửa đầu uống thuốc, nhìn bác sĩ thực tập kia: “Hỏi xong liền đi sao?”
“Đúng, có cảm giác lần nào anh ấy cũng rất vội vàng, cô không biết sao? Cũng chẳng trách cô được, lúc anh ấy tới cô đã ngủ rồi.” Bác sĩ thực tập nói xong lại “hỏi thăm”, “Anh ấy là gì của cô?”
Tông Anh đưa tay cầm đoá hướng dương kia, mở tờ báo dùng để gói hoa, nhìn tiêu đề và mục ngày tháng…
“North China Daily News” (Tự Lâm Tây Báo)
“September 29, 1937” (Thứ Tư, ngày 29 tháng 9 năm 1937, Thượng Hải)
Là ngày hôm qua bên anh.
Cuối tháng, Thượng Hải mưa dầm liên miên, ngay cả hoa hướng dương cũng mang hơi ẩm, dù là thế, cánh hoa vẫn căng tràn rực rỡ, trở thành một thoáng sức sống luôn luôn mới mẻ trong thời tiết xám xịt.
Tông Anh lại lấy tờ báo gói kỹ hoa hướng dương, trả lời: “Một người rất quan trọng.”
Ngày cuối cùng của tháng chín, Thượng Hải vẫn đang mưa, đến chạng vạng mà mưa vẫn chưa ngừng.
Đợt nghỉ dài sắp bắt đầu, song tình trạng ùn tắc giao thông trong thành phố còn nghiêm trọng hơn trước, cảnh phố xá ngoài cửa sổ bị nước mưa xối thành bức tranh xanh xanh đỏ đỏ, Tông Anh kéo kín rèm cửa sổ, mặc áo cardigan ra khỏi phòng bệnh.
Cô mượn Thịnh Thu Thật máy tính kết nối mạng, đăng nhập hòm thư, download tài liệu về vụ án của Nghiêm Mạn mà Tiết Tuyển Thanh gửi mấy hôm trước, in ra một chồng, chuẩn bị xem kỹ lại lần nữa.
Trên hành lang phòng bệnh có mùi thức ăn nóng hổi, Tông Anh cầm tài liệu vừa đi vừa đọc, đột nhiên có người vỗ vai cô từ phía sau…
Tông Anh bỗng nhiên quay đầu, bắt gặp một người phụ nữ trung niên mặc trang phục hộ lý, trông hơi quen mắt, hình như đã gặp ở đâu đó.
Cô khẽ nhíu mày, đối phương nói: “Cô còn nhớ tôi không? Tôi là hộ lý của Tông Du.”
Tông Anh cảnh giác quay lại: “Xin hỏi… Chị có chuyện gì?”
Hộ lý nói: “Cậu bé muốn gặp cô.”
“Muốn gặp tôi?”
“Đúng, cậu bé còn cố ý dặn tôi, bảo tôi thừa dịp trong phòng bệnh không có người hẵng đến gọi cô.”
Đây không phải lần đầu tiên Tông Du đề nghị gặp cô, nhưng lần này còn cố ý “dặn dò”, có vẻ hơi khác.
Hộ lý thấy Tông Anh ngẩn người một lát, nhắc nhở cô: “Hiện tại trên tầng không có ai, mẹ cậu bé vừa về, trong vòng một tiếng sẽ không quay lại.”
Tông Anh suy nghĩ một chút, cuộn tài liệu cầm trong tay, quyết định lên tầng trên một lần.
Dọc đường đi, hộ lý kể cho cô về tình trạng bệnh của Tông Du: “Mấy hôm trước suýt không cứu được, hôm nay đã khá lên đôi chút, nhưng vẫn phải dựa vào máy móc duy trì, không nói được nhiều.”
Dường như chỗ nào trong bệnh viện cũng lắp đèn trắng, không mảy may êm dịu, đến phòng chăm sóc đặc biệt, bật ngọn đèn nhỏ đầu giường lên mới có được chút ánh sáng ấm áp.
Tông Anh ngồi xuống, trong phòng bệnh chỉ còn cô và Tông Du.
Sắc mặt cậu bé còn tái nhợt hơn trước, hít vào thở ra bằng mặt nạ ô xy trong suốt, lồng ngực lên xuống khó nhọc lại chậm chạp.
Rèm phòng bệnh không mở, bên ngoài đã tạnh mưa, lúc Tông Anh định đứng dậy kéo rèm cửa sổ, Tông Du mở mắt ra.
Mí mắt dường như nặng ngàn cân, phải cố hết sức mới hẳn ra được, song con ngươi lại tối tăm, qua lớp mặt nạ ô xy, tiếng cậu bé ồm ồm, khô khốc: “Chị.”
Tông Anh nhìn màn hình thiết bị giám sát, số liệu dao động nhẹ, nhưng xem như ổn định, cô đổ một ít nước ấm, hỏi cậu bé: “Muốn uống nước không?”
Tông Du đưa mắt từ cái cốc đến mặt cô, cuối cùng lắc đầu.
Quá lâu không gặp, bình thường hiếm khi nói chuyện, cả hai đều thiếu kinh nghiệm và phương thức trao đổi.
Cuối cùng, Tông Du vẫn là người mở miệng trước: “Chị cũng nhập viện.” Cậu bé nói rất chậm, dù đã nói rõ từng chữ nhưng vẫn hết sức mơ hồ: “Chị cũng phải mổ à?”
Tông Anh đáp: “Ừ.”
Một hỏi một đáp, sau đó lại là im lặng.
Tông Du khẽ nhắm mắt, sau một hồi mới mở ra, môi khép mở, nhưng vẫn chưa lên tiếng.
Mu bàn tay cắm kim tiêm của cậu bé không chút hồng hào, đầu ngón tay đột nhiên giật giật, lần xuống dưới tấm chăn mỏng, hình như định tìm thứ gì đó, Tông Anh cúi đầu nhìn, sau một hồi, cậu bé lấy ra một chiếc di động…
Màn hình đã bị rạn, nó chắc hẳn là chiếc điện thoại được nhặt về từ vụ tai nạn xe cộ trong hầm 723, cũng may còn chưa hư hại hoàn toàn, cậu bé đưa đầu ngón tay ấn nút mở máy, màn hình di động sáng lên.
Tông Anh thấy cậu bé tìm mục “Ghi âm giọng nói”, ngón tay ấn liên tiếp hai lần mới hiện ra giao diện.
Trên màn hình theo thứ tự đi xuống là mục ghi âm, danh sách bản ghi âm, cái mới nhất là “bản ghi âm mới 28”, ghi vào “ngày 19 tháng 9 năm 2015”, thời lượng 1 phút 15 giây.
Tông Du đưa di động cho cô.
Tông Anh nhận lấy chiếc di động, mở bản ghi âm kia, đặt di động bên tai, nghe thấy cuộc đối thoại không quá rõ ràng, hình như được ghi âm cách một lớp cửa, một nam một nữ đang nói chuyện.
Giọng nữ trong đây cô đã quá quen, là mẹ Tông Du; giọng nam cô cũng không lạ gì, ít nhất đã từng nghe bốn lần ở những trường hợp khác nhau…
Một lần trong điện thoại, một lần ở biệt thự Xà Sơn, một lần trong xe, một lần ở thư phòng của Hình Học Nghĩa.
Tông Anh mím môi, nghe thấy thư ký Thẩm nói: “Tiên sinh nói, so với mò kim đáy biển, tìm khắp thế giới, gần ngay trước mắt chẳng phải tiện hơn ư?” Sau đó là tiếng lật giấy sột soạt: “Đây là bản báo cáo xét nghiệm của Tông Anh vào tháng Bảy, với tình trạng này, cô ta nhất định phải phẫu thuật, cho dù phẫu thuật thành công hay không, tim của cô ta đều thuộc về Tông Du, mức độ phù hợp rất hoàn mỹ, việc chị phải làm chỉ là chờ đợi.”
Chiếc máy đối diện liên tục phun sương làm ẩm không khí, Tông Anh chỉ thấy hơi lạnh phả vào mặt.
Cô đột nhiên hạ di động xuống, nghiêng người về phía trước, đưa tay tắt thiết bị làm ẩm không khí, siết chặt báo cáo giám định về Nghiêm Mạn.
Trong phòng yên tĩnh đến mức chỉ còn tiếng vang nhỏ phát ra lúc thiết bị chữa bệnh vận hành, giờ phút này, Tông Anh có thể nghe thấy tiếng tim đập mãnh liệt của bản thân.
Chợt một bàn tay lành lạnh nắm lấy ngón tay cô, lại phút chốc rụt về trước khi cô lấy lại tinh thần, ngay cả ánh mắt liên tục nhìn về phía cô cũng dời về phía tủ thấp kê cạnh cửa sổ.
Tông Anh nhìn theo tầm mắt cậu bé, thấy cậu khó nhọc mở miệng: “Cặp sách.”
Cô đứng dậy đi đến chỗ tủ thấp, nhân tiện kéo rèm cửa sổ ra, khom lưng mở tủ, bên trong để mấy túi hành lý, xem ra thời gian qua mẹ Tông Du hầu như luôn ở đây.
Tông Anh lấy cặp Tông Du ra khỏi đống hành lý, chiếc cặp kia dính một vài vết máu, nó cũng được nhặt về từ hiện trường vụ tai nạn xe cộ.
Cô bước đến bên giường bệnh, vốn định đưa cặp sách cho Tông Du, song cậu bé lắc đầu, khàn giọng lặp đi lặp lại một cách đau đớn: “Mở ra, mở ra…”
Tông Anh đưa tay đến chỗ khóa kéo, sau tiếng “xẹt”, hai bên răng cưa tách ra – trong cặp có một một chồng bài thi, một quyển sách toán, một quyển vật lý.
Lúc này, Tông Du duỗi tay về phía cô, Tông Anh lần lượt đưa hai quyển sách ra, nhưng cậu bé đều không nhận, mãi đến khi cô đưa cả chồng bài thi tới, cậu bé mới nhận.
Cậu bé nỗ lực ngồi dậy để lật bài thi dễ dàng hơn, nhưng tình trạng cơ thể không cho phép cậu bé làm vậy, vì thế càng lật càng sốt ruột, con số trên thiết bị giám sát bên cạnh thay đổi.
Tông Anh lưu ý thiết bị giám sát, hỏi cậu bé: “Em muốn tìm gì? Chị giúp cho.”
Nhưng cô vừa dứt lời, Tông Du rốt cuộc lấy được mấy tờ giấy hơi ố vàng khỏi đống bài thi, tay khẽ run rút nó ra…
Tờ giấy bị dính máu một mảng lớn, vì thời gian quá dài, vết máu đã hoàn toàn đổi màu.
Trên giấy in số liệu và báo cáo thí nghiệm, giấy trắng mực đen, ở mô hình biểu đồ, có vài câu Nghiêm Mạn để lại.
Bà khoanh tròn, viết nghi vấn và ý kiến ở bên cạnh bằng chữ nhỏ.
Tông Anh siết mấy tờ giấy này, nhớ tới ghi chép “vết máu ở hiện trường có dấu hiệu bị phá hoại” trong báo cáo giám định về Nghiêm Mạn, dường như có thể ngửi thấy mùi máu trên trang giấy kia…
Chúng đến từ hiện trường vụ tai nạn, nhưng trước khi có người báo cảnh sát, chúng đã bị nhặt đi.
Nguyên nhân cái chết của Nghiêm Mạn là ngã từ trên cao xuống, mất máu quá nhiều, nếu lúc ngã xuống, bà được đưa đi cấp cứu ngay, không biết chừng còn có hy vọng.
Nhưng họ cẩn thận nhặt tờ báo cáo này đi, lại không chịu gọi 120.