Năm tôi học lớp tám, lần đầu tiên tôi bị chảy máu nhiều và chảy liên tục như thế. Tôi lo lắng, nếu trong vòng một giờ nữa mà máu vẫn chảy ra như thác lũ, kiểu không muốn ngừng nghỉ thế này, thì có thể tôi sẽ chết rũ vì máu không được cầm cự. Tôi khóc.
Chị Di Vân và mẹ ra đồng gặt, bố thồ lúa về sân. Chỉ có mình tôi ở nhà phơi thóc, gẩy rơm và nấu cơm nước. Giữa buổi, máu từ cửa mình chảy ra làm tôi phát khóc và ở lì trong nhà vệ sinh. Tôi nhai ngọn lá chuối non đến chát đắng ở cổ họng, bịt vào mà không sao cầm được máu. Linh nghe tôi vừa than khóc vừa kể lể như lời của người sắp cạn hơi thở cuối cùng. Trong khi đó, Linh cười vang rồi vài phút sau lại chạy sang nhà tôi mang theo miếng băng vệ sinh. Linh còn chỉ tôi tỉ mẩn cách dùng như thế nào cho hợp lý nữa. Hóa ra, chị Tấm Linh này đã bị giống như tôi trước vài tháng nên sành sỏi lắm. Tôi trách Linh, sao bị như vậy mà không kể cho tôi nghe. Linh bảo nó ngại, sợ kể mà tôi còn chưa có thì thẹn lắm, còn từ giờ thì tha hồ mà thủ thỉ. Tiếng Linh cười vang giữa cái nắng tháng năm oi nồng khi hai đứa đang giúp nhau đổ thóc ra sân phơi.
Trưa về, mẹ bảo tôi đến tuổi dậy thì rồi, thành con gái lớn rồi. Mẹ dặn, ở xa con trai ra, đứng gần chúng nó thôi cũng là mang chửa hoang đấy, người làng người xã họ cười vào mặt cho. Mẹ kể hết cô này đến cô khác, từ xóm trên đến xóm dưới, phải một thân một mình nuôi con và bị người làng xa lánh. Tôi sợ. Chị Di Vân cũng kể ngày trở thành con gái, mẹ cũng căn dặn kĩ lắm, nhớ lời mẹ mà làm không là bố đánh chết:” Bố mình là bộ đội, mắc bệnh sĩ diện cao, em mà học hành không đến nơi đến chốn rồi ham chơi là bố đánh chết, đừng có làm mất mặt bố mẹ với bà con lối xóm, hiểu không?”. Tôi nhăn mặt:”Có khi bệnh sĩ diện của em còn cao hơn bố nhà mình ý chứ”.
Ở làng, vào tầm tuổi của tôi, thì chị Tấm Diệu Linh là đẹp gái nhất, thứ hai là cái Ngọc ở xóm trên, rồi tôi vinh dự được nhận danh hiệu xinh thứ ba của làng. Bọn con trai làng ghẹo suốt:“gái quê là gái thật, còn gái huyện, gái phố hầu như toàn là hàng giả thôi”.
Cái Ngọc lấy chồng khi còn đang học lớp mười một vì dính chửa hoang. Ở làng dạo đó, chỗ nào cũng tụm năm tụm bảy nói chuyện về cái Ngọc, từ gốc đa, cái giếng làng, cho đến giữa cánh đồng, hay ngồi nghỉ trưa cạnh con kênh, bờ máng:” Xinh gái cho lắm vào mà dính chửa hoang. Xưa nay, tôi thấy mấy đứa có chút nhan sắc, có đứa nào ngoan ngoãn, hiền lành gì đâu. Giờ phải lấy cái thằng cửu vạn, nghèo kiếp xác. Mà cũng may thằng đấy nó lấy cho đấy, không thì ra đê dựng tạm cái lều mà ở tạm bợ qua ngày”. Tôi và chị gái nghe bác hàng xóm lên giọng, rồi cúi đầu bỏ đi. Tại vì họ bảo tôi xinh gái xếp thứ ba của làng, biết đâu cũng chẳng ngoan ngoãn hay hiền lành gì. Tôi thoáng giận. Tay chị Di Vân siết chặt tay tôi:” Đừng có mà nghe họ nói bậy”.
Từ đó, tôi và Linh bị bố mẹ quản lý gắt gao hơn. Ngoài giờ lên trường, chúng tôi chỉ được phép ở nhà phụ việc nấu cơm, giặt giũ. Trước sáu giờ tối, cửa cổng đều khóa chặt, không cho ai ra khỏi nhà. Chị gái tôi cũng vì thế mà chẳng được đi chơi cùng bạn bè vào buổi tối, dù đã tốt nghiệp đại học. Mẹ lo lắng, trách bố vì sợ chị gái ế chồng. Bố trừng mắt bảo:” Tôi nhắm được một thằng rồi, nhà ở ngay giữa thị trấn. Thấy nó cũng có vẻ ưng con bé nhà mình lắm. Ế gì mà ế. Bà giờ lo cho con út đó. Chuyện con Ngọc ở nhà bên đã sáng mắt ra chưa. Ranh con mà học đòi làm người lớn”. Rồi chị Di Vân cũng đi lấy chồng. Và bố trở thành ông mai mối vĩ đại nhất trong mắt chị gái tôi. Bởi anh rể đẹp trai, học thức và gia đình có điều kiện. Mẹ nhìn tôi:” Ráng học đi con. Bố lại mai mối cho người chồng chẳng thua kém gì anh rể đâu”, khiến chị Di Vân và tôi cùng cười lăn ra giường.
Còn tôi và Linh thì bị cấm chuyện trò hay giao du gì cùng cái Ngọc. Mỗi lần đi học về, qua cái túp lều lụp xụp dựng tạm giữa cánh đồng phải hứng bao nắng gió, tôi lại thương nó – cảnh mẹ trẻ, con thơ. Túp lều hẻo lánh, ở rất xa so với làng Hạ. Bốn phía xung quanh chỉ là đồng lúa, và vài ba túp lều xiêu vẹo khác, cũng đã rách bươm. Những con kênh, mương máng xộc lên một mùi hôi thối của rơm rác, do người dân ở làng thải ra. Những đàn muỗi mát, nhỏ li ti, bay lòng vòng tạo ra thứ âm thanh “vo vo”, có khi xộc thẳng, và bu đầy vào mặt đứa trẻ đang nằm một mình trong chiếc võng.
Tôi ghé vào thăm và trò chuyện mà Ngọc có vẻ tránh mặt. Linh thì nhất quyết không chịu vào, cứ đứng ngoài gọi í ới, đòi về nhà nhanh thôi. Linh sợ người làng nhìn thấy, họ lại bữu môi, dè bửu, chê bai, lẫn xúc phạm, rồi nói lại với bố mẹ thì khổ thêm. Cái Ngọc hiểu tính nết của Linh, cũng đuổi khéo tôi về. Tôi thương nó lắm.
Thỉnh thoảng tôi đi học qua túp lều, thấy bóng dáng Ngọc lép sát mình qua khe cửa, đôi mắt nó lộ rõ vẻ thèm khát được tới trường, lẫn sự ân hận của những ngày xưa kia.
Trong đầu, lúc nào chúng tôi cũng có ước mơ ngồi máy bay đi vù vù tận chín tầng mây, nên sợ sệt, cắm đầu vào học, và không dám chơi bời, tụ tập gì.
Còn bây giờ, tôi chỉ bị chảy một xíu máu màu đỏ tươi, thấm dần và loang ra chăn gối, nước mắt ngấn lưng chừng mà không thể khóc. Cũng có thể tôi muốn bật khóc để mọi thứ vỡ tung ra, tan nát, nhưng lại không làm được. Vì sẽ chẳng còn mẹ như ngày nào bảo tôi đã thành con gái lớn rồi, phải giữ lấy mình nghe chưa? Mà chỉ có tôi tự thủ thỉ với bản thân rằng:” Đan ơi, thành đàn bà mất rồi – một ả đàn bà bất đắc dĩ”. Tôi co mình, nằm im. Chiếc gương bên cạnh hắt lại một hình ảnh: cô gái ngày nào nay đã già đi chỉ trong chốc lát.
Nam quay lại, đưa cho tôi vỉ thuốc có hai viên nhỏ xíu như thuốc B1. Nam dặn uống một viên trước, mười hai giờ sau uống viên còn lại. Nếu có triệu chứng bất thường xảy ra thì gọi ngay cho cậu ấy. Nam để bát phở nghi ngút khói trước mặt, nói tôi cố gắng ăn một chút trước khi uống thuốc, nếu không sẽ rất mệt mỏi. Nam nói lời xin lỗi. Tôi trả lời bâng quơu tại mùi thơm của tóc bỏ bùa mê cậu ấy. Nam hôn nhẹ lên trán tôi:” Nhớ lời Nam dặn nhé!”, rồi khép cửa và ra về.
Rất khổ sở cho tôi với những ngày sau đó. Tôi chóng mặt, hoa mắt và buồn nôn cho dù đã làm đúng theo như lời Nam dặn. Mỗi ngày, Nam gửi cho tôi ba tin nhắn hỏi thăm và nói nhớ tôi rất nhiều. Tôi trả lời lại rằng, tôi cám ơn cậu ấy vì sự quan tâm chu đáo nhưng tôi không cần một trách nhiệm nào cả sau khi chuyện đó đã xảy ra; tôi đã đủ tuổi trước pháp luật để chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì mình đã gây ra. Nhưng Nam nói:” Cậu ấy yêu tôi”. Tôi thấy nghẹn lòng, câu nói của Nam cũng đã xoa dịu nỗi đau, san đều nỗi nhớ trong tôi bớt phần nào.
Sau bốn ngày uống thuốc, thì tôi bị rong kinh, mặc dù còn cả hơn nửa tháng nữa mới đến tháng. Tôi sợ hãi nhưng không dám nói với ai, càng không thể ra hiệu thuốc hỏi cho rõ ràng được, tôi đành nên mạng và tự tìm hiểu. Điều mà làm tôi lo sợ nhất là khi đọc về bài viết trên báo sức khỏe:”Hai viên thuốc Nam đưa uống nhiều sẽ có nguy cơ bị vô sinh”. Tôi uống nhiều không? Hai viên là nhiều hay ít? Đầu óc tôi bấn loạn.
Anh quản lý đã cho tôi nghỉ việc với lý do trong bốn ngày mà tôi làm vỡ bảy cái tô và ly đựng sinh tố. Anh nói, nếu không nghỉ để dưỡng sức chắc tôi làm cả tháng chỉ để bù cho phần đổ vỡ đã gây ra, mà không khéo còn bù lỗ. Tôi xin lỗi:” Cám ơn anh. Tháng này, em thi nên phải thức đêm học bài”. Anh quản lý an ủi tôi như một người anh trai lớn:” Ừ. Cố gắng lên em. Sinh viên xa nhà, ai chẳng thế!”. Anh quản lý vỗ vai tôi đầy tin tưởng và động viên. Tôi trách mình vì những câu nói dối, tôi tự vả vào miệng mình như một thói quen, tự đấm vào ngực mình, tự vò đầu bứt tóc với hàng tá suy nghĩ rối ren trong đầu. Tôi muốn được nghỉ ngơi. Trước mắt tôi, mọi thứ như ảo giác.
- Em làm anh lo lắng đấy. Chuyện gì đã xảy ra với em sao? Có thể chia sẻ với anh được chứ? – Anh quản lý nhìn tôi, nhỏ nhẹ.
Tôi lắc đầu.
- Anh rất quý em, nên anh thực sự không vui khi nhìn thấy em mệt mỏi và căng thẳng như thế. Trong đôi mắt của em, có sự u uẩn, mang màu sắc xám của sương mù đặt sệt.
- Nhìn em lạ lắm ạ?
Anh gật đầu và thở dài. Tôi đang chết lặng.
…
Tôi tỉnh dậy khi trời đã hơn bảy giờ tối. Nam ngồi cạnh, nở nụ cười nhìn tôi:
- Nam nấu cơm, luộc rau và rán trứng cho Đan nữa. Cùng ăn tối nha.
- Ai bảo Nam làm những việc đó đâu. Đan tự làm được, Nam về đi, không muộn rồi.
- Trời trời, bỏ công ra nấu mà còn bị bỏ đói, đuổi về là sao trời. – Nam vừa đỡ tôi dậy, vừa cười khẩy, vờ như cằn nhằn.
- Thì Nam gói hết thức ăn, trên đường vừa về vừa ăn. Có ai bỏ đói Nam đâu.
Tôi nói không tiếc lời, mặc cho Nam đang cố ra sức dỗ dành. Sau khi giúp tôi dựa người hẳn vào tường, Nam lấy cơm, trứng và chút rau ra bát, mang lại gần chỗ tôi ngồi:
- Đan ăn rồi uống thuốc nhé. Nam về đây.
- Ừ.
Tôi quay mặt đi. Nam vừa bước ra cửa, lại ngoái đầu lại:
- Nam về thật đấy!
- Ơ hay. Về thì về đi.
- Ừ. Nam về.
Giọng Nam buồn trông thấy. Tôi cũng không biết vì sao mình làm thế, nhưng ít nhất thì cái tôi của bản thân vẫn đang tràn lên tận cổ. Miệng tôi đắng ngắt, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi nhìn sang chỗ thức ăn. Nó vẫn gọi mời tôi, không phải vì tôi đói, mà vì đó là cơm người tôi yêu nấu cho tôi ăn. Tôi không thể chối từ