Lệ lả tả tưới ướt cả núi xác đồi xơ mộng xưa! mộng xưa!
Hãy mừng còn bạn thuở xưa cập kè!
Theo điệu "Như mộng lệnh"
Người xưa nói: biết thế nào là đủ thì không nhục, không biết bao nhiêu cho vừa, thì nỗi nhục nhã cũng kéo theo ngay.
° ° °
Lại nói chuyện Ngụy Vương Lý Mật vào Trường An, nhớ lại thuở trước đến Đông Đô, Tần Vương tiên triều còn phong chức Thái úy coi sóc công việc trong ngoài, nay về với nhà Đường, vua Đường nhất định đãi không bạc. Hàng em út như Lý Thần Thông, Lý Đạo Huyền mà còn được phong vương, thì Lý Huyền Thúy được một tước vương cũng chưa biết chừng, nhưng rồi chỉ được phong Quang lộc khanh, trong lòng lấy làm bất bình, mà không biết rằng vua Đường rất trân trọng, rất tiếc cho họ Lý, muốn chu toàn cho họ Lý, nhưng còn sợ rằng nếu đặt ở ngôi cao ngay, triều thần sẽ ganh ghét, lại thêm Hà Nam, Sơn Đông chưa thu phục được, cần phải làm sao chiêu an được đám bộ hạ cũ của Lý Mật. Nay chưa gì đã phong tước cao lộc trọng, mai kia biết thêm chức tước gì nữa, nên mới tạm để như vậy hòng lung lạc, ma chiết ít nhiều chí khí của Lý. Lý cũng tưởng như hồi ở Kim Dung thành, Lý chẳng dung nổi Thế Dân, thì nay mình quy Đường, vua Đường cũng lấy thế đãi mình, vẫn coi mình là một kẻ đại trượng phu đội trời đạp đất, không thể cam chịu để người khác khinh khi.
Chưa được một tháng, Tần Vương chinh Lũng Tây dẹp yên con của Tiết Nhân Cảo là Tiết Cử, nhổ trại khải hoàn, đã sai tiểu hiệu về Trường An báo tin thắng trận trước. Vua Đường triệu Lý Mật vào triều, phủ dụ:
- Từ ngày khanh về đến nay, chưa từng gặp mặt Thế Dân, trẫm chỉ sợ Thế Dân nhớ tới chuyện cũ, không có lợi cho khanh, khanh nên ra đón để trọn lễ thần tử vậy!
Lý Mật bằng lòng. Lúc này Ngụy Trưng cáo ốm, nằm ở Tây phủ, Lý Mật cùng Bá Đương với khoảng hai mươi người nữa, ra khỏi Trường An, lên phía bắc, tới Bân Châu, thám mã quay lại báo người ngựa Tần Vương đã tới gần. Lý Mật hỏi Tổ Quận Ngạn:
- Nếu Tần Vương có hỏi, ta nên đối đáp như thế nào?
Quân Ngạn đáp:
- Không hỏi thì thôi, có hỏi thì cứ nói, thánh thượng sai nghênh giá, thế là không thể nào nghĩ đến việc hại ta vậy!
Bỗng tiếng trống chiêng rộn rã, pháo nổ tung trời, đội cẩm y ăn mặc sặc sỡ, hai bên là mười viên tổng quản, kiếm kích sáng ngời, đi trước là mấy viên tướng hiệu hò hét, theo sau là đội nhạc, kèn trống nhịp nhàng đi tới. Lý Mật chắc chắn Thế Dân, vội cùng mọi người đứng chờ bên đường, thì thấy một viên tướng trên ngựa, lớn tiếng:
- Ta không phải Tần Vương, mà là Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng Lưu Hoàng Cơ. Điện hạ còn ở phía sau. Các ngươi là ai, sao lại đứng đợi ở đây?
Lý Mật lại càng bực bội, biết rõ Tần Vương cố ý sai gia tướng giả dạng như thế để làm nhục mình, nay nếu không đi tiếp, thì càng làm phật lòng Tần Vương, nhưng nếu đi tiếp thì nỗi nhục nhã càng dày vò.
Lại một đội người ngựa đi tới, ngay phía trước là biển "hồi tỵ" 1 màu vàng chóe giương cao, giữa là cờ ngũ sắc cùng kiếm thương nhọn trời, phía sau tiếng quát vang dội. Lý Mật nghĩ thầm: "Đây thật là Tần Vương rồi!". Liền vội vàng cúi lạy, thì thấy hai người trên ngựa cười nói:
- Chúng ta là Mã Tam Bảo, Bạch Hiển Đạo, dạo trước đã tới thành Kim Dung thăm ngài, nay ngài cũng có đến Trường An sao. Nếu muốn đón điện hạ, thì cứ trông ngự giá thật cao ở phía sau là đúng, hãy tới mà đón cho cẩn thận!
Lý Mật mặt mày đỏ lựng, đấm ngực đậm chân, ngửa mặt lên trời mà than:
- Đại trượng phu không tự lập được, phải khuất dưới người khác, xỉ nhục như thế, thì còn mặt mũi nào mà đứng trong trời đất này nữa?
Lại muốn rút kiếm tự vẫn, Bá Đương phải giằng lấy kiếm mà khuyên:
- Sao minh công lại nghĩ cạn như thế, Chu Văn Vương bị tù ở ngục Dữu Lý, Câu Tiễn bị nhục ở Cối Kê, mà về sau vẫn làm nên nghiệp lớn, phải biết nhẫn nại, còn mưu đồ sau này chứ.
Có người báo:
- Phía trước cờ vàng phấp phới, trên thêu chữ lớn "Tần Vương", nay thì đúng Tần Vương không sai!
Lý Mật không biết làm thế nào, đành phải đứng lại bên đường, ngước trông đội người ngựa đi tới trước lá cờ thêu ngũ sắc, võ tướng áo giáp, mũ bạc giăng hàng, cắp cung đeo tên, ánh sáng lóe mặt, yên vâng kiệu ngọc, long lanh rực trời, lực sĩ theo sau là những gia tướng Sử Nhạc, Đào Vũ Khâm, tốp tiếp là Vương Thường, Khâu Sĩ Doãn.
Bốn tướng nhận ra Lý Mật, đều giơ cao tay, ngồi trên lưng ngựa chào:
- Ngụy Vương tha lỗi, chúng tôi xin thất lễ!
Lý Mật cùng mọi người yên lặng, nước mắt ngắn dài. Bá Đương phải an ủi lần nữa.
Lại thấy Ân Khai Sơn, Lạc Dương Sử, làm tả hữu hộ vệ, Tần Vương mang mãng bào, đội kim khôi, chẳng khác gì một thiên vương, ngồi cao ngất trong màn gấm. Lý Mật trông thấy rõ ràng, vội vàng phủ phục xuống thưa:
- Kẻ thô lỗ này không ra đón sớm hơn, xin điện hạ tha tội.
Tần Vương thấy Lý Mật, bất giác "nộ phát xung quan", tóc giận đẩy mũ lên cao, tay cầm cung, tay cắp tên, giương cung cong tít, nhưng thấy các tướng Ngụy: Vương Bá Đương, Giả Nhuận Phủ, Tổ Quân Ngạn, Liễu Chu đều phủ phục dưới đất, mặt xám như đất, Lý Mật lấy hai tay che mặt, run sợ đứng không vững, cả bọn chẳng khác gì chó chực, nên cũng vốn là bậc quân tử đại lượng, liền thu cung, bỏ tên vào bao, lấy cánh cung chỉ vào mặt Lý Mật mà mắng:
- Thất phu cũng có ngày nay sao? Ta vẫn chờ bắn cho ngươi một phát, để báo ngày tội tù cũ, nhưng sợ liên lụy đến người khác, lại trách rằng ta không có lượng bao dung. Hãy tạm tha tính mạng cho ngươi.
Rồi quát lớn một tiếng mà đi. Đúng là Tần Vương đã biết có Lý Mật ra đón, nên bày đặt ra thế để làm nhục Lý Mật vậy.
Tần Vương vào triều bái kiến phụ vương, vua Đường an ủi:
- Con chinh phạt nhọc nhằn, yên cương vất vả!
Tần Vương thưa:
- Nhờ hồng phúc của phụ vương, chư tướng hết lòng hết sức, đắc thắng khải hoàn, bắt được Tiết Nhân Tiếp, La Tôn Hầu, hiện đang nhốt ở xe tù, đợi phụ vương phát lạc?
Vua Đường cả mừng, liền truyền vũ sĩ lôi ngay ra chợ chém đầu, treo thủ cấp để thị chúng, rồi lại hỏi Tần Vương:
- Con đã gặp Lý Mật chưa?
Tần Vương thưa:
- Thần đã gặp rồi.
Vua Đường tiếp:
- Lúc ấy trẫm cũng muốn cự tuyệt, không cho hàng. Nhân có Lưu Văn Tĩnh thưa: "Trịnh với Ngụy liền nhau, hai nước như môi với răng, nay Vương Thế Sung diệt được Lý Mật, chẳng khác gì Quắc vong thì Ngu cũng không còn vậy. Nay nếu không nhận cho hàng, Lý Mật tất cùng kế, kéo binh theo kẻ khác, lại tăng thêm một kẻ địch, khổ công đánh dẹp. Thật không nên?"
Tần Vương thưa:
- Vì sao mấy viên quan có ơn với thần lại không thấy đâu cả?
Vua Đường đáp:
- Ngụy Trưng đã đến đây, trẫm cũng biết là kẻ có tài nên đã cho làm Tây phủ ký thất tham quân, nay nghe nói bị bệnh, có lẽ vì thế không ra đón chăng?
Tần Vương vào thăm mẫu hậu, rồi tạ ơn ra khỏi cung. Tần Vương nguyên là kẻ có tài dẹp loạn thế, nên vẫn để ý đến chuyện cầu hiền như khát nước, lại thêm có ơn với mình thuở trước, sao lại không để ý cho được, liền trở về Tây phủ, hỏi nơi ở của Ngụy Trưng.
Ngụy Trưng vốn chẳng ốm đau gì, nhưng thấy Lý Mật cùng đi đón Tần Vương, Ngụy Trưng cũng có chỗ khó nói, nên tìm cớ cáo bệnh không đi. Nay nghe Tần Vương đến thăm, vội ra bái phục mà thưa:
- Thần bỗng nhiên trở trời, không thể ra đón, xin điện hạ tha tội cho!
Tần Vương đỡ dậy mà rằng:
- Tiên sinh với ta, đâu phải như những người khác, mà phải vái lạy như thế này?
Rồi kéo cùng ngồi. Ngụy Trưng thưa:
- Ngụy Công thất thế về hàng, xin điện hạ mở lượng hải hà, đừng nhớ lỗi lầm xưa!
Tần Vương đáp:
- Ta chịu ơn sâu của các vị, ngày đêm nhớ kỹ trong lòng, nay may các vị không bỏ, thật thỏa nguyện bình sinh. Lý Mật là kẻ thất phu, ta vừa thấy quỳ ở bên đường, mấy lấn không kìm nổi tay chân, nhưng thấy còn có các tướng cho nên lại thôi. Giờ ta dẫu không giết y cũng có ngày người khác sẽ giết mà thôi.
Lại hỏi:
- Thúc Bảo, Mậu Công sao không thấy đâu?
Ngụy Trưng thưa:
- Mậu Công đang giữ Lê Dương, vốn là kẻ sĩ túc trí đa mưu, Ngụy Công cậy tài, đàm luận không hợp với Mậu Công, cho nên phải ra giữ đất này, nhưng vẫn chẳng hề mang lòng nào khác. Còn Thúc Bảo thì đi chinh phạt Tiêu Tiên chưa về, Ngụy Công về đây, cũng chưa cho người đi báo cho họ biết đâu.
Tần Vương nói:
- Tần mẫu cùng mẹ con Hoài Ngọc hiện đang ở đây, ta thường sai người tới thăm nom luôn.
Ngụy Trưng thưa:
- Thúc Bảo đến giờ thì có lẽ đã biết rõ mọi chuyện rồi. Thật là một người hiếu thảo với mẫu thân, nghĩa khí với bạn bè. Đơn Hùng Tín thì đã hàng Vương Thế Sung rồi, sợ rằng chuyện này còn rắc rối nhiều sau này.
Tần Vương lại hỏi:
- Thế còn Trình Giảo Kim lỗ mãng cũng không thấy đâu cả là sao?
Ngụy Trưng đáp:
- Giảo Kim nhân trước kia đắc tội với điện hạ, nên không dám tới quay về với thân mẫu ở Ngõa Cương. Giảo Kim tuy thô lỗ, nhưng thờ thân mẫu rất có hiếu, lại cũng là một kẻ ngay thẳng trong sạch.
Ngày hôm trước, thần có gặp Từ Nghĩa Phù, mới biết hiện nay Trình mẫu cũng đang ở đây. Giảo Kim về đến Ngõa Cương, biết chuyện này, nhất định chẳng nghĩ gì đến thân mạng mà vào Trường An tìm. Lúc vào xin điện hạ hãy quên chuyện cũ mà bao dung cho Giảo Kim.
Tần Vương cùng Ngụy Trưng chuyện trò suốt sáng, suốt chiều, rất là thân ái.
° ° °
Nay hãy nói chuyện Giảo Kim, về đến Ngõa Cương, không thấy mẫu thân, vội đi hỏi Vưu viên ngoại, Vưu Thông đáp:
- Bá mẫu theo Tần mẫu đi thăm họ hàng, không ngờ bị Tần Vương lập kế đưa cả về Trường An rồi còn đâu!
Giảo Kim nghe thế, cười nói:
- Vưu đại ca, đại ca hãy đi đòi về cho tiểu đệ!
Vưu Thông hỏi:
- Trình hiền đệ, hiền đệ nói thật hay nói đùa?
Liền kể lại tỉ mỉ chuyện cũ, rồi thêm:
- Bọn người này nguyên chỉ định đón Tần mẫu mà thôi, ai ngờ bá mẫu đi theo. Vưu Thông này đã mấy lần khuyên can, nhưng bá mẫu chẳng nghe, nên phải nhờ Liên Cự Chân đi theo. Hôm trước Cự Chân từ Trường An về dây, kể lại bá mẫu cùng Tần mẫu vào ở trong Tây phủ của Tần Vương rất là sung sướng yên ổn. Hiền đệ nếu không tin, thì nên đi Lê Dương, hỏi thẳng Cự Chân thì sẽ biết rõ ràng hơn.
Giảo Kim lúc này cũng mệt mỏi, ngẩn người nghĩ ngợi một lát, rồi quát tướng:
- Thôi kệ , cứ vào quách hang cọp vậy, cùng lắm là đến kết quả tính mạng họ Trình này thôi chứ gì!
Sáng hôm sau, cũng chẳng chào Vưu Thông, cùng hai kẻ thân tín, vào Trường An.
Đáng thương thay:
Nghĩa mẹ, thân con đâu dám tiếc
Ơn vua, đời trẻ thuở nào quên.
Giảo Kim sợ đường lớn có người nhận ra, nên đi theo đường mòn, ngày đi đêm nghỉ, chưa đầy một tháng đã tới Trường An, vào thành kiếm một nhà trọ, ngay ở phía trái Tây phủ nghỉ ngơi, rồi sai thân tín đến xem cửa Tây phủ bao giờ mở. Tần Vương biết Trình Giảo Kim đến, ra lệnh cho gia tướng xếp đặt trang nghiêm, gươm giáo sáng loáng, trống lớn kèn to, nổi đủ ba hồi. Tần Vương lên điện, chư tướng lạy chào, đứng hầu hai bên. Quan coi cửa vào quỳ lạy thưa:
- Giặc Ngụy là Trình Tri Tiết đã được dẫn vào!
Vũ vệ gia tướng dạ lớn một tiếng như sấm, Tần Vương ngồi trên điện cao, thấy một người đàn ông to lớn cởi trần, tóc phía gáy cắt ngắn, đường hoàng đi vào, đến trước đan trì, vẫn ngang nhiên đứng thẳng. Tần Vương nhìn kỹ, đúng là Giảo Kim rồi, bất giác lửa giận phừng phừng, mày râu dựng ngược, xô án mà quát:
- Thằng giặc kia! Hôm nay là ngày cuối cùng của mày. Mày còn nhớ năm trước, ta trốn trong "Lão Quân Đường", suýt nữa bị mày cho một búa vỡ sọ, nay ta phải bỏ mày vào vạc mà nấu nhừ, mới thỏa hận này!
Giảo Kim cười lớn mà rằng:
- Lúc ấy ta chỉ biết có Ngụy, mà không biết có Đường. Đại trượng phu thì người có ân với mình không quên trả, kẻ oán với mình thì nên quên mới phải. Ta mà sợ chết, đã không đến Trường An, muốn giết thì cứ giết, việc gì phải giận dữ. Hãy mau gọi mẫu thân của ta ra đây, cho ta gặp mặt lần cuối, rồi đâu ra đấy, các ngươi cứ chém đi!
Tần Vương quát:
- Thằng giặc già đã đến nước này mà vẫn còn ngang ngược, hãy tạm tha chết cho mày. Quân sĩ đâu, hãy giải thằng giặc này đi gặp mẫu thân rồi sẽ chịu tội sau!
Quân sĩ không cho Giảo Kim nói nữa, lôi ngay ra ngoài cửa phủ.
Tần mẫu từ ngày đến Trường An vẫn có một ngôi nhà rất to ở ngay phía đông Tây phủ, cùng với Trình mẫu, Tần Vương sai ngay gần hai chục hầu gái đến phục dịch, lại điều thêm hai mươi tên lính coi giữ. Ngày ngày có người cung phụng thức ăn vật dùng, tháng tháng lại có vàng lụa làm quà của Tần Vương gửi đến. Tần mẫu cũng không quên phần Trình mẫu, nên cả hai ở đây rất yên ổn, sung sướng, vô cùng cảm ơn Tần Vương.
Quân sĩ đem Giảo Kim dẫn đến chỗ Tần mẫu đã có người vào báo trước. Tần mẫu cùng Trình mẫu vội chạy ra cửa. Trình mẫu thấy con dáng hình ra thế, lập tức ôm lấy đầu mà khóc nức nở mãi không thôi, đến nỗi bọn lính xúm quanh cũng không nhịn được cười. Giảo Kim rầu rĩ thưa:
- Mẫu thân chẳng phải khóc, con xin hỏi mẫu thân, từ ngày đến đây mẫu thân có khỏe không, có người hầu hạ không?
Trình mẫu vẫn chỉ khóc, không nói một lời, đến nỗi Tần mẫu phải đáp thay:
- Mới đến Trường An, đã có người đến hầu hạ, ngày ngày đưa thức ăn, đồ dùng, hàng tháng có vàng bạc, lụa là, lại còn sai các cô, các bà tới thăm nom. Ta cùng Trình mẫu, thật đội ơn sâu, chẳng ai nhiều chẳng ai mỏng.
Giảo Kim vẫn gặng hỏi mẫu thân:
- Có thật thế không?
Trình mẫu gạt nước mắt, gật đầu mà rằng:
- Quả đúng như vậy!
Rồi đưa tay chỉ hai nàng hầu gái nói tiếp:
- Đây là những người Tần Vương sai đến hầu hạ ta vậy!
Giảo Kim bèn thưa:
- Mẫu thân, con thật có lỗi, không biết được Tần Vương là người tốt đến thế. Nay con có chết dưới trướng của Tần Vương, cũng thật cam lòng, mẫu thân không phải nhớ con làm gì, cứ ở mãi suốt đời với Tần mẫu cũng tốt rồi!
Rồi đứng lên vùng đi ra, nhưng Trình mẫu vẫn không chịu thả, Tần mẫu nói với Giảo Kim:
- Cháu không phải vội vàng, nghe ta nói: lúc ấy vì Tần Vương muốn Tần Quỳnh về với nhà Đường, nên cố giả nhà họ La đến đón ta, không ngờ mẫu thân cháu cũng có lòng tốt, đi cùng ta ra khỏi trại, nên cùng về Trường An. Nay Ngụy Công cũng đã hàng nhà Đường, Tần Quỳnh chẳng sớm thì muộn cũng sẽ về. Chẳng nhẽ mẫu thân cháu vì ta mà ra khỏi nhà, để rồi không còn thấy mặt con nữa sao?
Rồi nói với những người đứng hầu:
- Lấy cho ta bộ quần áo đại lễ ra đây, để ta đến gặp Tần Vương xin cho Giảo Kim.
Đang nói, thì thấy một sai quan, đi cùng ba bốn hiệu úy, tay bưng mũ, áo bào, lớn tiếng:
- Điện hạ có lệnh tha tội cho Trình Tri Tiết, truyền mặc ngay áo mũ để vào tương kiến tại Tây phủ.
Nói rồi, mấy hiệu úy cởi ngay trói cho Giảo Kim, mặc quan phục cho. Trình mẫu thấy thế, vội vàng quỳ lạy ngay dưới đất, ngửa mặt lên trời mà khấn vái:
- Cầu cho điện hạ thái bình nhất thống, vạn thọ vô cương.
Xung quanh không nín được cười. Đội mũ, mặc áo xong xuôi, Giảo Kim vái lạy mẫu thân cùng Tần mẫu, Trình mẫu níu áo dặn:
- Con chẳng cần phải lạy tạ, mau vào Tây phủ vái lạy Tần Vương, thật là vị chúa công khoan ân đại độ, con phải tận tâm báo ơn Tần Vương, ta dẫu có chết cũng nhắm được mắt rồi!
Giảo Kim vâng dạ, vội cùng sai quan quay lại Tây phủ. Lúc này Tần Vương đang ở "Tập hiền đường", với các mưu sĩ bàn luận, thì thấy sai quan quay về phục mệnh, lại nói rõ Tần mẫu cũng định xin gặp Trình mẫu tạ ơn ra sao. Tần Vương cười, nói với Ngụy Trưng cùng Lưu Văn Tĩnh:
- May mà ta sớm sai người đến tha tội cho Giảo Kim, nếu để Tần mẫu đến đây nữa thì thật nhẫn tâm vậy!
Sai quan lại nhắc, Giảo Kim hiện đang ở ngoài cửa soái chờ phục mệnh, Tần Vương phán:
- Cho Giảo Kim vào Tây đường!
Tây đường vốn là nơi tiếp khách của Tây phủ, sai quân dẫn ngay Giảo Kim đến chờ bên thềm, thì thấy Tần Vương thong thả đi tới Giảo Kim vội chạy như bay lại, quỳ xuống trước mặt Tần Vương, khóc lóc thưa:
- Thần thật vốn có mắt mà không có con ngươi, trước kia đã không biết được ra minh chủ anh hùng, để đến nỗi tội thật không tránh nổi, nay tuy được nhờ ơn lớn mà tha tội, nhưng trong thật tủi thẹn.
Tần Vương xuống thềm, kéo Giảo Kim dậy mà phán rằng:
- Vừa rồi ta thử khanh đấy thôi. Từ lâu ta đã biết đến lòng trung nghĩa của khanh, cần khanh thờ Đường như thờ Ngụy là được rồi.
Giảo Kim thưa:
- Thần đội ơn sâu của điện hạ với mẫu thân, nào dám không quên thân để báo đền.
Tần Vương hỏi chuyện đánh nhau với Thế Sung trước kia ra sao, Giảo Kim thuật lại tỉ mỉ, Tần Vương lại hỏi tiếp:
- Khanh đã gặp Thúc Bảo cùng Mậu Công chưa?
Giảo Kim thưa:
- Thần từ lúc thua trận, thấy Ngụy Công đã quy Đường, thần liền về Ngõa Cương, nghe được tin mẫu thân ngày đêm về đây, thực chưa gặp Tần, Từ nhị vị đại huynh. Nay thần cảm ơn trời biển của điện hạ, thần cũng có khoảng gần hai nghìn lính tâm phúc, đang còn ở Bắc Mang, Yển Sư, thần xin đi gọi về, cùng rủ Tần, Từ nhị vị quy Đường. Không biết điện hạ có bằng lòng cho thần đi chăng?
Tần Vương cả mừng:
- Có gì mà ta chẳng bằng lòng, thế cũng đủ thấy lòng trung nghĩa của khanh. Nhưng phải vào triều kiến thánh thượng, xem thánh ý ra sao đã.
Giảo Kim vâng mệnh. Tần Vương lệnh cho sai quan dẫn Giảo Kim vào triều điện thánh. Vua Đường thấy Giảo Kim tướng mạo đường đường, tiếng nghe như sấm, liền phong ngay làm Hổ dực đại tướng quân, kiêm Tây phủ hành quân tổng quản, tùy việc sai khiến của Tần Vương. Giảo Kim tạ ơn lui ra, quay lại Tây phủ tạ ơn Tần Vương, rồi quay về ngay gặp mẫu thân, Tần mẫu cùng mẹ con Trương thị, Tần Hoài Ngọc ra bái chào, cả nhà vui vẻ.
Sáng hôm sau, Giảo Kim từ biệt Tần Vương, nhung trang đầy đủ lên đường. Mấy hôm trước, vào Trường An thì đúng là chín phần chết, một phần sống, nay ra khỏi Trường An, áo cừu nhẹ, ngựa béo, thầy thầy tớ tớ thật khác xa lúc đầu, theo đường mà tới Đông Đô.
Chính là:
Vì tình tri kỷ mới
Nhớ nghĩa bạn bè xưa.
° ° °
Nay lại nói chuyện Lý Mật, từ ngày bị Tần Vương sỉ nhục, mỗi ngày trở về Hình phủ, mặt mày buồn bã. Tả hữu báo tin Giảo Kim tới, Lý Mật trong lòng chỉ muốn Giảo Kim tới thăm, để hỏi chuyện tin tức ở Đông Đô chẳng ngờ Giảo Kim cũng không đến. Ba bốn ngày sau, nghe tin vua Đường phong cho Giảo Kim làm Hổ dực đại tướng quân, sai Giảo Kim ra khỏi Trường An rồi. Lý Mật trong lòng buồn rầu, nói với Bá Đương cùng các tướng khác:
- Giảo Kim vốn là bề tôi của ta, đến đây đã ba bốn ngày, cũng chẳng lại gặp ta một lần, nhân tình đơn bạc đến thế thì thôi. Nay vua Đường ban quan tước cho, ra khỏi Trường An, có lẽ là đi thu thập bộ hạ thân tín cũ về giúp nhà Đường. Còn chúng ta ở đây lặng lẽ chờ chết, ngày nào mới ló đầu ra được?
Các tướng của Lý Mật, toàn những người chiếm thành, lấn đất, vàng lụa đến tay dễ dàng, tiêu pha cũng chẳng cần nghĩ ngợi, nay vào Trường An, cái ăn tiêu hàng ngày chẳng đủ đầy, ở cũng chưa yên ổn, nay thấy Lý Mật có ý ra đi, tất cả liền bàn bạc:
- Mậu Công hiện đang ở Lê Dương, Trương Thiện Tương ở Doãn Châu, Thúc Bảo, Sĩ Tín có lẽ đã bình định xong Tiêu Tiên, nhất định sẽ về Ngõa Cương. Hùng Tín cùng các tướng khác ở Lạc Dương, chúa công vẫn còn nhiều nơi nương dựa, việc gì phải khổ sở ngồi yên một chỗ để người ta đối xử với mình như vậy.
Bá Đương cũng góp:
- Lẽ nên như thế!
Lý Mật bàn:
- Cũng nên tâu với vua Đường, rằng đi Sơn Đông, thu thập tay chân ở khắp các nơi, rồi kéo về Quan Ngoại đầy đủ.
Nhuận Phủ khuyên:
- Không nên, chúa thượng đãi minh công sâu nặng đến thế. Huống chi đại sự bây giờ đã gần như lời sấm lâu nay cả rồi, thiên hạ sắp thống nhất đến nơi, minh công vẫn có ý khác thì ngay đến Trịnh Ngạn Sư, Sử Vạn Bảo, sáng khởi sự, chiều đã thấy binh triều đình kéo đến. Dẫu có xuất quân, lính tráng đâu ra, mang tiếng phản nghịch, còn ai dung. Theo ý của minh công, chi bằng hãy ngồi yên, đợi đến lúc nào thuận lợi, mới có thể vẹn toàn vậy.
Lý Mật giận dữ:
- Khanh vốn là tâm phúc của ta, sao lại nói thế, nếu không bằng lòng, ta chém đầu trước rồi sẽ khởi sự sau vậy.
Nhuận Phủ khóc mà đáp:
- Từ ngày Địch Tư đồ bị giết đến nay, người người đều nói minh công là quên ơn nghĩa, chẳng nhớ gốc xưa, trên dưới đều thay lòng, ly tán. Nay trong lúc túng quẫn nghĩ càn, ai là người giao lại binh lính cho minh công. Giả Liễu nay mang ơn minh công đối xử hậu ân, nên nói thẳng mà không dám che giấu gì, xin minh công hãy sáng suốt nghĩ kỹ. Còn nếu đúng là minh công có thể tìm thấy chỗ nương thân tốt hơn, thì Giả Liễu này dẫu có tan xương nát thịt cũng chẳng tiếc!
Lý Mật đùng đùng dùng gươm toan đâm, Bá Đương phải ra sức khuyên can mới thôi. Tổ Quân Ngạn bàn:
- Cứ như thần nghĩ, chi bằng nói với công chúa, rồi trốn khỏi Trường An. Tần Vương có biết, sai người ngăn, công chúa cũng ở trong đám cả, tất chẳng tội nào. Ngày xưa Lưu Tiên chủ lừa Tôn Phu nhân về Hán cũng theo cách này, chẳng biết ý minh công thế nào?
Kế sách đã định, Lý Mật giữ nguyên bộ mặt giận dữ vào nội phủ. Độc Cô công chúa hỏi:
- Kẻ đại trượng phu ôm đầy chí lớn trong lòng, thiếp thấy phu quân hình như đang nghĩ ngợi điều gì?
Lý Mật đáp:
- Ta có lời muốn nói, xin công chúa thử nghe xem có được chăng?
Công chúa thưa:
- Vợ chồng với nhau, còn có điều gì phải rào đón!
Lý Mật bèn tiếp:
- Ta muốn bỏ Đường mà đi, nhưng chỉ sợ công chúa bịn rịn không thể dứt, những muốn được công chúa cùng đi, không biết có được chăng?
Công chúa đáp:
- Có đúng thế thật không? Hoàng huynh thiếp nhận phu quân về hàng, phong tước cao, lại thương phu quân không nhà không cửa, ban gả thiếp cho, thân thiết đến thế, phú quý đến thế là cùng cực. Nay chưa ngồi ấm chiếu, ơn sâu chưa báo, đã sinh lòng khác, người có lòng không ai làm thế cả.
Lý Mật nói:
- Chúa thượng ơn sủng tuy hậu, nhưng Tần Vương là cháu công chúa mà lại làm nhục ta quá lắm, thế không thể cùng sống, hãy tạm đi Sơn Đông, thu thập sĩ tốt, sau này khởi sự. Huống chi phận đàn bà theo chồng là hay hơn cả, công chúa không theo, hoặc cũng có lòng khác chăng?
Công chúa nghe thế, rơi nước mắt mà rằng:
- Thiếp những tưởng phu quân là người tốt, hết lòng đền ơn nước, hóa ra cũng chẳng khác gì phường bất trung, bất nghĩa, kiếp này thiếp biết dựa vào đâu nữa?
Lý Mật thấy nói thế, sát khí đằng đằng, may ngay cạnh còn có cung nữ, để ý thấy vậy, vội vàng khuyên giải:
- Phò mã bớt giận, cũng bởi công chúa ít tuổi, chưa biết nghĩa lớn. Cổ nhân nói thật đúng: "Phu xướng phụ tùy",thì mới không xảy ra chuyện chia lìa, lấy thuận làm đầu, chính là đạo làm vợ. Phò mã đã nói thế, thì xin cứ bàn bạc cho kỹ, dần dần sẽ làm, chẳng kẻo chỉ một lời nói, mà làm tổn thương đến tình vợ chồng thắm thiết.
Lý Mật nghe thế, cơn giận cũng nguôi ít nhiều, bỏ ra bên ngoài.
Tổ Quân Ngạn hỏi:
- Minh công đã bàn bạc với công chúa chưa?
Lý Mật buồn bực nói:
- Vừa rồi ta mới chỉ nói vài câu, công chúa đã trách ta vong ân bội nghĩa, ta những muốn ngứa ngáy chân tay rồi, nên mới vội ra ngoài này.
Bá Đương bàn:
- Tin tức đã hở ra như thế, thì không hay nữa rồi, họa đến nơi bây giờ!
Lý Mật hỏi:
- Làm thế nào cho yên bây giờ?
Quân Ngạn đáp:
- Tất cả phải lên đường ngay, nếu cứ dùng dằng thì lại càng khó ra khỏi Trường An.
Lý Mật vội vàng quay vào đóng kín cửa trong, sai Bá Đương gọi đầy đủ các tướng tới, thu thập hành trang khí giới, cộng hơn sáu mươi người, không chờ đến sáng nữa, ra cửa Bắc mà đi khỏi Trường An. Quân canh cửa vội báo ngay cho Tần Vương. Tần Vương nổi giận, đến ngay Hình phủ xem xét, thì thấy cửa trong khóa kín, gọi người mở, thấy Độc Cô công chúa, công chúa kể lại những lời tối qua. Tần Vương nghiến răng, trợn mắt, vội về báo ngay cho phụ hoàng. Vua Đường cũng vô cùng giận dữ, định sai tướng đuổi theo bắt lại. Lưu Văn Tĩnh can:
- Chẳng cần phải động binh, chỉ cần sai hổ bài quan truyền dụ cho tổng quản các nơi, nếu Lý Mật dẫn tả hữu qua cửa thì bắt sống giải vua xử tội, thử xem Lý Mật chạy đâu cho thoát.
Vua Đường khen phải, lập tức sai hổ bài quan đi các nơi truyền lệnh.
° ° °
Lại nói Lý Mật cùng bọn Bá Đương, nhìn sao mà đi, ngựa không dừng vó, chẳng mấy chốc, đã ra khỏi Đồng Quan, qua khỏi Lam Điền.
Lý Mật nói với mọi người:
- Nếu ta đến Doãn Châu với Trương Thiện Trương, thì nên đi theo đường mòn nhanh hơn, còn định đến Lê Dương với Mậu Công thì lại đi theo đường lớn.
Nhuận Phủ đáp:
- Phía trước đường ngày một khó đi, cứ như ý Nhuận Phủ này, thì nên chia làm hai đội, một đội đến Lê Dương, một đội qua Doãn Châu.
Lý Mật nói:
- Như thế cũng được, ngươi cùng Quân Ngạn đi đường lớn tới Lê Dương. Ta cùng Bá Đương đi đường mòn tới Doãn Châu. Đến nơi, hãy sai người báo cho biết là được.
Bởi vậy Nhuận Phủ cùng Quân Ngạn với khoảng hai mươi người đi theo đường lớn. Lý Mật cùng Bá Đương với hơn ba mươi người đi theo đường nhỏ, mấy ngày sau, đến huyện Đào Lâm. Quan huyện Đào Lâm là Phương Chính Dã, cũng là một viên quan tài năng, thấy bọn này đang đêm đi qua thành, lòng nghi ngờ, sai quân sĩ tới hỏi ngọn ngành, lục soát hành trang. Bọn tướng tá cùng lính tráng của Lý Mật, đều xuất thân từ cướp đường, dã tính chưa đổi, thấy bọn lính ở một huyện nhỏ mà làm vẻ nghiêm trang khám xét, cả bọn đều không nhịn được, tính quen đường cũ, rút dao chém bọn lính canh rồi kéo vào thành. Bá Đương vội ngăn lại, nhưng làm sao mà ngăn nổi, đến nỗi huyện quan Chính Dã phải bỏ trốn về Hùng Châu.
Lý Mật cùng tay chân vào thành rồi, chẳng ai ngăn trở, túi khăn lâu nay sạch không, cứ thế vào kho vét sạch của cải qua một đêm, sáng hôm sau lại ra đi. Chính Dã đến Hùng Châu, đem mọi chuyện thuật kỹ với tướng trấn thủ Sử Vạn Bảo, Vạn Bảo lo sợ không biết nên làm thế nào. Tổng quản Thịnh Ngạn Sư nói:
- Chẳng khó gì, ta đã có cách, chỉ cần khoảng mười người ngựa, là có thể lấy được thủ cấp lũ giặc này.
Vạn Bảo hỏi vặn mãi. Ngạn Sư vẫn không chịu nói. Lúc này Lý Mật đoán rằng, quan quân Đào Lâm tất chạy về Lạc Châu, đường núi chẳng còn ai ngăn trở, nên cứ cưỡi ngựa dẫn mọi người thong thả đi, tới núi Nam của dãy Hùng Nhĩ, một bên đường là núi cao, một bên là vực sâu âm u. Lý Mật cùng Bá Đương song song đi trước, chẳng thèm nhìn ngó hai bên. Bỗng nghe một tiếng pháo nổ, trên núi trong rừng cây, tên bay ra như ong, tiến thoái đều không xong, trong người lại chẳng giáp trụ. Từ trong khe núi, lính xông ra bịt kín cả hai đầu, sau trước. Bá Đương trong lúc vội vàng cũng chẳng xoay sở kịp, lấy thân mình che cho Lý Mật, cố hết sức để cứu lấy họ Lý, nhưng rồi cả hai đều chết trong đám tên đạn bời bời. Bị bọn phục binh kéo ra, cắt lấy thủ cấp, khiêng cả xác, báo tin thắng trận lên vua Đường. Vua Đường cả mừng, sai đem hai thủ cấp, treo lên cao ở giữa chợ cho mọi người xem, những kẻ theo trốn đều tru di tam tộc.