Thiếu Hạo đưa hai tay lên, dưới sự điều khiển của y, mặt nước trước mũi thuyền từ từ dâng lên, nâng theo cả một cỗ quan tài băng xanh biếc. Bên trong quan tài là Thanh Dương đang nằm lặng lẽ, hai mắt nhắm nghiền, vẻ mặt an nhiên, chẳng có chút sinh khí.
Xương Ý gượng cười, “Đừng dùng rối gỗ lừa ta nữa, huynh biết linh lực của ta kém xa huynh mà.”
“Y chính là Thanh Dương đó.”
“Không thể nào! Đại ca là Hiên Viên Thanh Dương, trên đời này làm gì có ai đả thương nổi huynh ấy, cả huynh cũng không đánh bại được huynh ấy cơ mà!” Xương Ý tái mét mặt, nhưng vẫn khăng khăng cố chấp, “Không thể nào! Sao huynh có thể đem chuyện này ra đùa ta được?”
Nước mắt A Hành lã chã rơi, phải rồi, Đại ca là Hiên Viên Thanh Dương, là Hiên Viên Thanh Dương lạnh lùng nhất, hùng mạnh nhất trong thiên hạ, sao có thể chết được chứ?
Nghe Xương Ý hỏi, A Hành cũng sực nghĩ ra, bèn quay sang nhìn chằm chằm Thiếu Hạo, chất vấn: “Mấy năm nay, tuy thần lực của Xi Vưu tăng vọt nhưng nếu giao chiến trực diện cũng không thể nào một chiêu giết chết được chàng hay Đại ca!”
Thiếu Hạo chỉ biết đau đớn làm thinh.
Nỗi kinh hoàng chợt dâng lên ngập lòng A Hành, nàng lớn tiếng hỏi: “Đại ca và phụ vương nhắc tới chuyện thuốc độc gì đó, nhưng thiếp nghiệm thi thấy không có độc, rốt cuộc là sao?”
Thiếu Hạo không dám đối diện ánh mắt nàng, đành cúi gầm mặt, đăm đăm nhìn Thanh Dương, lí nhí: “Để bảo vệ bản thân, Thanh Dương định bức Hoàng Đế thoái vị, Hoàng Đế phát hiện được, liền đánh tráo thuốc độc, khiến Thanh Dương uống phải chính thứ nước mà y chuẩn bị cho Hoàng Đế. Nhưng thật ra đến phút cuối Thanh Dương lại hối hận, y đã lén đổi vò nước độc, thay vào đó là vò nước bình thường, nào ngờ Hoàng Đế đã phát hiện từ sớm, liền ra tay đánh tráo vò nước độc trước cả y, lấy gậy ông đập lưng ông. Khi y thay Hoàng Đế hứng chịu một chiêu chí mạng của Xi Vưu, chất độc đột ngột phát tác khiến linh lực đứt đoạn…” Thiếu Hạo nghẹn lời, phải hít một hơi thật sâu, lấy lại bình tĩnh mới kể tiếp được: “Từ khi nhận ra Thanh Dương có ý khác, Hoàng Đế đã phái Di Bành ngày đêm theo dõi Thanh Dương, hôm đó chính Di Bành phụ trách trấn giữ đại điện, hắn hẳn cũng biết hết mọi chuyện nhưng thay vì kịp thời bẩm báo với Hoàng Đế, hắn lại ém nhẹm đi, mượn tay Hoàng Đế hạ độc Thanh Dương, hung thủ thực sự hại chết Thanh Dương không phải là Xi Vưu, mà là Di Bành.”
Xương Ý và A Hành nghe đến ngẩn cả người, hồ vẫn chưa thủng cái vòng luẩn quẩn người hại ta ta hại người kia.
Hồi lâu, Xương Ý bỗng kinh hãi hỏi: “Huynh nói Đại ca định đánh độc giết phụ vương ư?”
Thiếu Hạo vội thanh minh: “Không phải, chất độc đó chỉ khiến Hoàng Đế bải hoải toàn thân, không thể xử lý triều chính, chứ không chết người. Thanh Dương chưa bao giờ có ý hại chết Hoàng Đế.”
Xương Ý vặn tiếp: “Đồ ăn thức uống của phụ vương đều có thầy thuốc kiểm tra, Đại ca lấy đâu ra thứ độc qua mặt được cả đám thầy thuốc thế?”
Bây giờ A Hành mới hiểu ra tất cả, nàng chợt thấy hai mắt tối sầm lại, đau đớn và phẫn uất ứ đầy lòng, thân hình đổ gục xuống, Xương Ý phải cuống quýt đỡ lấy nàng. A Hành trợn trừng hai mắt nhìn Thiếu Hạo, mấp máy môi mà không sao thốt nổi nên lời, sắc mặt xám ngoét, cả người cứ thế run lên bần bật.
Thiếu Hạo vuốt nhẹ lên quan tài của Thanh Dương, khẽ nói: “Là chất độc mà nàng phối chế cho ta đó, nhưng chuyện này không liên quan gì đến nàng, đây là quyết định của riêng ta và Thanh Dương thôi.”
Xương Ý kinh hoàng trợn mắt nhìn A Hành, “Là, là muội… là thuốc độc muội phối chế?”
“A… a… a…” A Hành chẳng còn nước mắt mà khóc, chỉ biết gào lên thảm thiết, hai tay liên tục đấm ngực mình, chỉ hận không lóc da xẻo thịt bản thân mình ngay được.
Thiếu Hạo quỳ khuỵu một gối xuống, ra sức giữ chặt lấy nàng: “A Hành, nghe này! Là do ta, đều tại ta cả! Tại ta tự mãn, đánh giá thấp Hoàng Đế! Tại ta nhìn nhầm Thanh Dương, ta cứ ngỡ y cũng giống như ta! A Hành, không liên quan gì đến nàng cả, không liên quan gì đến nàng mà! Nàng chẳng hay biết gì cả, là ta đã gạt nàng!”
Thiếu Hạo thuật lại vắn tắt mọi chuyện cho Xương Ý, nói rõ độc dược là mình nhờ A Hành phối chế để hạ độc Yến Long, nhưng rồi lại lén tuồn cho Thanh Dương.
Thiếu Hạo quỳ sụp xuống trước quan tài Thanh Dương, “Đệ muốn đánh muốn giết thì cứ đáng cứ giết đi!” Mấy ngày nay, tuy vẫn ráng giữ vẻ bình thản nhưng thật lòng Thiếu Hạo cũng đau đớn chẳng kém gì Xương Ý và A Hành, thế nên lúc này y chỉ hy vọng Xương Ý xuống tay đánh mình.
Xương Ý một chưởng vung ra đập mạnh vào người Thiếu Hạo, Thiếu Hạo cũng chẳng hề vận linh lực để kháng, cứ quỳ thẳng tắp trước linh cửu Thanh Dương, mặc cho khóe miệng ứa máu. Đánh được một chưởng, Xương Ý lại vung tay lên toan bồi thêm chưởng nữa, nhưng nhìn Thanh Dương an lành nằm trong quan tài như ngủ, y không sao xuống tay được, keng một tiếng, rút soạt kiếm ra, “Ta phải đi giết Di Bành!”
A Hành vội kéo y lại, van nài: “Tứ ca, đừng kích động!” Xương Ý rảy mạnh A Hành ra, nhảy lên tọa kỵ toan đi.
Thiếu Hạo liền quay phắt lại, nhào tới nắm lấy lưỡi kiếm của Xương Ý, mặc bàn tay ròng ròng máu, một mực khẩn thiết thuyết phục, “Xương Ý, hiện giờ đệ là con trưởng trong nhà, phải gánh lấy trách nhiệm trông nom mẹ và muội muội thay Thanh Dương!”
Xương Ý bất giác đưa mắt nhìn về phía Đại ca, cả người dần dần xụi lơ, giờ đây y đã trở thành con lớn, không thể kích động như thế được.
Thấy Xương Ý có vẻ xuôi xuôi, Thiếu Hạo bèn buông mũi kiếm ra, khuyên nhủ: “Nếu Thanh Dương qua đời, Di Bành ắt hẳn trở thành kẻ duy nhất có thể kế thừa vương vị, hắn được các quan giúp đỡ, thế lực càng ngày càng bành trướng, đệ chẳng những phải tự lo lấy thân mà còn phải bảo vệ Luy Tổ, nhất định đừng để sơ sẩy.”
Hơn ai hết, Xương Ý hiểu Di Bành rất căm hận mẹ của mình, một khi hắn đăng cơ, chắc chắn sẽ không tha cho họ.
Thiếu Hạo lại nói: “Ta có kế này may ra áp chế được Di Bành, Thanh Dương cũng đã tán đồng rồi.”
A Hành và Xương Ý đều dồn mắt về phía y, Thiếu Hạo trình bày: “Chỉ có ta và A Hành biết được dược tính của thuốc độc mà thôi, Thanh Dương thần lực cao cường, chắc hẳn Hoàng Đế không tin một đòn của Xi Vưu mà giết được y đâu. Ta đã phong tỏa nghiêm ngặt tin này, trừ ba người chúng ta, không còn ai biết về cái chết của Thanh Dương cả.” Thiếu Hạo nhấn mạnh, “Cũng đừng để mọi người biết.”
A Hành và Xương Ý chợt hiểu ra ý định của Thiếu Hạo, chỉ cần Thanh Dương chưa chết, đám triều thần cũng chẳng dám về hùa với Di Bành, đây chính là biện pháp hiệu quả nhất để khắc chế hắn.
Xương Ý còn đang trù trừ, A Hành đã lên tiếng: “Thiếp đồng ý!” Thấy muội muội tán đồng, Xương Ý cũng gật đầu.
Thiếu Hạo nói tiếp: “Ta sẽ viết thư với Hoàng Đế rằng thầy thuốc thấy trong người Thanh Dương vẫn còn chất độc, thương thế rất nặng, phải ở lại Quy khư bế quan trị thương, ít ra cũng tranh thủ được một hai trăm năm.”
A Hành hỏi: “Lỡ phụ vương phái người tới dò xét thì sao? Chúng ta lấy đâu ra Đại ca để đối phó đây?”
Thiếu Hạo trỏ làn nước dưới Quy khư, “Người đời thường nói Cửu vĩ hồ là giống giỏi biến hóa nhất, thật ra còn thứ khác biến hình giỏi hơn Cửu vĩ hồ nhiều. Như nước kia, đựng bầu thì tròn, đựng ống thì dài, ở trên trời hóa thành mây mưa hơi nước, ở dưới đất hóa thành sương tuyết sông ngòi, ở trong người chúng ta lại trở thành máu huyết sinh mạng.”
Nói rồi, Thiếu Hạo lập tức biến Thanh Dương, giọng nói cử chỉ đều như khuôn đúc, “Ta quen biết Thanh Dương đã hai ngàn năm, lại tu luyện thủy linh, nắm rõ pháp thuật của đối phương. Hồi nhỏ chúng ta cũng từng tráo đổi thân phận náo loạn một phen, mọi người đều nói Thiếu Hạo một mình đẩy lui mười vạn đại quân Thần Nông, thật ra không đâu, đó là Thanh Dương và ta cùng làm.”
Xương Ý chăm chú nhìn Thiếu Hạo, thấy y chẳng khác Thanh Dương mảy may nào.
Thiếu Hạo lại tiếp: “Nếu ngày ngày ở bên, ắt sẽ phát hiện ra, nhưng hiện giờ Thanh Dương đang bị trọng thương, nói năng cử động đều khó khăn, người đến thăm cũng chỉ có thể nhìn qua mà thôi, bằng vào thần lực của mình, dẫu là Hoàng Đế đích thân tới đây, ta vẫn tự tin ứng phó được.”
Bây giờ, A Hành mới hiểu lời hứa của Thiếu Hạo với Đại ca trước lúc lâm chung, “Từ nay trở đi, ta chính là Thanh Dương”, chẳng phải một cách so sánh, mà y quả thật đã trở thành Thanh Dương. Đại ca hiểu ý Thiếu Hạo nên mới yên lòng ra đi.
Xét thấy kế sách của Thiếu Hạo rất ổn, A Hành quay sang hỏi Xương Ý: “Có nên nói thật cho mẹ biết không?”
Xương Ý đắn đo một hồi rồi đáp: “Chúng ta đau khổ đến mấy cũng chẳng bằng phân nửa nổi đau của mẹ đâu. Vân Trạch qua đời, mẹ đã chết nửa cõi lòng, tới lượt muội chìm dưới đáy Ngu uyên, nửa cõi lòng của mẹ cũng chết lặng, nếu giờ biết chuyện Đại ca lìa trần, e rằng mẹ…”
A Hành gật gật đầu rồi trừng mắt nhìn Thiếu Hạo, vẻ căm hận vẫn hằn lên trong mắt, hồi lâu, nàng mới buồn rầu nói: “Sau này mọi chuyện đều nhờ cả vào chàng.”
Thiếu Hạo thừ người, lẳng lặng khôi phục nguyên dạng, triệt tiêu linh lực, để quan tài băng mang theo Thanh Dương từ từ chìm xuống Quy khư. Xương Ý và A Hành đứng cạnh nhau, cùng lưu luyến nhìn Đại ca. Y chết đi rồi, nhưng bọn họ vẫn được uy thế của y bảo vệ.
Hoàng Đế nhận được thư Thiếu Hạo liền phái Ly Chu, Ứng Long và Xương Phó đưa Luy Tổ tới Cao Tân thăm Thanh Dương.
Luy Tổ đứng ngoài cửa động nhìn Thanh Dương đang bế quan trị thương dưới đáy Quy khư, lặng thinh không nói.
Biết Ly Chu là tâm phúc của Hoàng Đế, A Hành âm thầm dò xét nét mặt ông ta, nhưng Ly Chu chẳng hề tỏ vẻ nghi ngờ, chỉ mãi buồn rầu an ủi Luy Tổ.
Ứng Long chợt lo lắng hỏi: “Thần có thể làm gì cho điện hạ đây?”
Luy Tổ gượng cười đáp: “Thanh Dương tu luyện thủy linh, Quy khư này lại là cội nguồn vạn thủy, linh khí dồi dào, hiện giờ chỉ cần kiên trì trị thương thôi.”
Luy Tổ định nán lại ít ngày, còn Ly Chu và Ứng Long thấy mình chẳng giúp được gì nên muốn xin về Hiên Viên bẩm báo với Hoàng Đế về tình hình của Thanh Dương.
Trước khi giã biệt, Ứng Long còn tới gặp riêng Xương Ý để tạ tội, vừa nói được một câu đã quỳ xuống trước mặt Xương Ý, Xương Ý phải đỡ y dậy, Ứng Long nói: “Nhờ điện hạ chuyển lời cho Đại điện hạ, nếu không có Đại điện hạ, thần đã chết rũ xương từ lâu rồi, ngày sau nếu gặp việc gì thần có thể góp sức, xin lập tức báo cáo ngay với thần.”
Xương Ý vội vàng cảm tạ. Đợi Ứng Long đi khỏi, y liền kể lại chuyện này với A Hành, nàng nói: “Những bề tôi như thế trong triều chẳng phải chỉ có Ứng Long, có lẽ đây chính là lý do Thiếu Hạo muốn Đại ca sống, chỉ cần Đại ca còn đó, bọn họ nhất định sẽ không về phe Di Bành.”
Mười mấy ngày sau, A Hành, Xương Ý và Xương Phó cùng đưa Luy Tổ về Hiên Viên sơn. Vừa về đến Triêu Vân phong, họ chợt thấy Triêu Vân điện hằng ngày vắng vẻ hôm nay lại náo nhiệt bất ngờ.
Bước vào điện, cả bốn trông thấy Tam phi Đồng Ngư thị đang sai phái đám thị nữ tra xét khắp nơi, lúc thì chê chỗ này sơ sài, khi lại nói màu sắc chỗ nọ không hài hòa.
Chu Du luống cuống theo sau Đồng Ngư thị, tới một hốc tường, bà ta đột nhiên thò tay vào, cầm hộp ngọc vuông vắn trong hốc lên, “Cái giẻ rách gì thế này? Để đây vướng cả mắt!”
Đồng Ngư thị giận giữ quát: “Ngươi bảo ai đấy hả? Vả vào miệng cho ta!”
Hai ả cung nữ vạm vỡ nhanh như cắt túm lấy Chu Du, bắt đầu vả miệng. Chu Du chẳng dám phản kháng, chỉ biết vật nài: “Đại điện hạ đã căn dặn, không ai được đụng vào hộp ngọc đó.”
Đồng Ngư thị phá lên cười, “Thế hả?” Dứt lời, bà ta đập luôn chiếc hộp xuống đất vỡ tan, mấy mảnh xương người cháy xém vung vãi cả ra sàn.
Đồng Ngư thị cười nhạt, nghiến răng toan giẫm lên đó.
“Các ngươi làm gì ở đây vậy?”
Đồng Ngư thị nghe tiếng ngẩng lên, Luy Tổ bước vào cửa điện, trông thấy mấy mảnh xương dưới chân Đồng Ngư thị, sắc mặt chợt tái nhợt.
Xương Ý cố nén giận, hành lễ với Đồng Ngư thị, “Đó là xương cốt của gia huynh, xin nương nương cẩn thận giùm.”
Đồng Ngư thị làm bộ áy náy, “Ai da, ta không biết, thật là có lỗi.”
Nói rồi bà ta vội vã lùi lại, chẳng những tránh không được mà còn giẫm bừa lên đống xương cốt, khiến mấy mảnh xương vỡ vụn.
Bà ta liền hốt hoảng tạ lỗi: “Cái này, cái này… ai, thật thất lễ quá, ta đã bảo đừng ghé qua đây, nhưng Di Bành lập được công lớn, vừa được phong làm Đại tướng quân, Hoàng Đế thấy ta thích phong cảnh Triêu Vân phong nên mới gia ân cho ta đi dạo một vòng.” Bà ta nhặt mớ xương tàn dưới đất, hai tay dâng tới trước mặt Luy Tổ: “Tỷ tỷ, muội xin lỗi nhé.”
Luy Tổ xám mặt lại, loạng xoạng muốn ngất đi, Xương Phó phải vội vã chạy tới dìu đỡ.
Xương Ý tức giận đầy ruột nhưng miệng lưỡi vụng về, không sao đối đáp được với bà ta, chỉ biết giơ tay toan rút kiếm.
Thấy vậy, A Hành vội giữ tay y lại rồi bước chân trước mặt Luy Tổ, rút khăn lụa ra, thận trọng nhận lấy nắm xương tàn đã cháy sém.
Đồng Ngư thị liền cảm thán: “Ai! Tội nghiệp quá đi mất! Đường đường là một trang nam nhi cao lớn hiên ngang như rồng như hổ, thế mà giờ chỉ còn nắm xương tàn!”
A Hành mỉm cười đáp: “Phải rồi, nỗi khổ của chúng con chỉ có nương nương Người hiểu được thôi, nói gì thì nói, Tam ca cũng bị thiêu cháy thành tro bụi mà, ài.”
Đồng Ngư thị chợt biến sắc, tắt hẳn nụ cười, căm hận trừng mắt nhìn A Hành, nàng cũng cười cười nhìn bà ta, chẳng hề kém cạnh.
Ánh mắt Đồng Ngư thị trừng trừng nhìn Luy Tổ không rời, đoạn bà ra gằn giọng nói: “Trời cao đã nghe thấy lời nguyền của ta rồi, ngươi cứ chờ mà xem!”
Luy Tổ nghe nói tái mặt, ngất lịm đi. Đồng Ngư thị cũng dắt đám cung nhân lũ lượt rời Triêu Vân điện.
Sau khi tỉnh lại, Luy Tổ vật vã đau đớn như chết cả cõi lòng. A Hành mấy lần định hỏi han gì đó, nhưng cứ do dự không dám. Hộp ngọc đó đã đặt trong hốc tường cả mấy ngàn năm nay, vậy mà nàng chẳng hề lưu ý, đến giờ mới biết đó là xương cốt của anh trai mình.
Chu Du đầu bù tóc rối bưng một chiếc hộp thủy tinh lại, A Hành đặt nắm xương tàn gói trong mảnh khăn tay vào đó. Thấy mọi người đều làm thinh chẳng nói chẳng rằng, Chu Du liền an ủi: “Nương nương, điện hạ, vương cơ, các vị đừng giận làm gì, đợi Đại điện hạ khỏe lại, nhất định sẽ tính sổ với mụ đàn bà đó.”
Xương Ý và A Hành vừa nghe đã rơm rớm nước mắt, Đại ca hết lòng che chở cho họ, làm sao còn trở về được nữa đây? Đến giờ A Hành mới hiểu vì sao mỗi lần gặp mặt, Đại ca đều nghiêm khắc mắng nàng trễ nải tu hành, tiếc rằng, trước đây nàng chẳng hề nhận thấy nỗi khổ tâm của Đại ca.
Luy Tổ lệnh cho đám cung nữ vây quanh: “Các người lui cả ra đi, để cả nhà ta trò chuyện riêng một lát.” Chu Du nghe nói cũng định lui ra, lại nghe Luy Tổ bảo: “Ngươi ở lại đây. Về sau, ngươi… ngươi cũng coi như Xương Phó.”
“Dạ!” Chu Du vội ngồi xuống, cười lỏn lẻn cào cào lại mái tóc rối tung trên đầu. A Hành và Xương Ý đang xúc động nên chẳng để ý lời Luy Tổ, chỉ riêng Xương Phó đưa mắt chăm chú nhìn Chu Du.
Luy Tổ quay sang bảo A Hành: “Đưa cho ta chiếc hộp.”
A Hành liền đưa chiếc hộp cho bà. Luy Tổ mở ra, khẽ vuốt nắm xương tàn, đoạn lên tiếng, “Hẳn con đang thắc mắc người này là ai, tại sao y lại thành ra thế này, phải không? Chuyện này dài lắm, phải kể từ đầu kia.”
Xương Ý vội chen vào: “Mẹ mệt rồi, để hôm khác nói đi!”
“Con cũng yên lặng nghe đi, con chỉ biết đây là Vân Trạch, chứ không biết nguồn cơn sự việc phải không?”
Thấy thái độ Luy Tổ rất kiên quyết, Xương Ý đành vâng lời.
Luy Tổ trầm ngâm giây lát rồi kể: “Đó là chuyện rất lâu rất lâu rồi, lâu đến nỗi ta cũng gần như quên mất. Khí đó cha ta vẫn còn tại thế. Tây Lăng Thị là danh gia vọng tộc từ thời thượng cổ, cùng với ba nhà Xích Thủy, Đồ Sơn, Quỷ Phương, được người đại hoang tôn là ‘Tứ thế gia’, thực lực ngang ngửa Xích Thủy Thị. Xưa kia dòng họ nhà ta từng có một vị Viêm Hậu, Phục Hy đại đế cũng rất nể trọng chúng ta. Từ nhỏ, ta đã giỏi điều khiển côn trùng, biết quay xe kéo sợi dệt nên những tấm gấm đoạn rực rỡ tươi đẹp hơn mây trắng, có một dạo ta cũng nổi danh thiên hạ, được xưng tụng là Tây Lăng kỳ nữ, người tới cầu hôn nườm nượp. Hồi đó ta vừa kiêu ngạo vừa phóng khoáng, mắt đặt đỉnh đầu, nào xem ai vào đâu, bèn chuồn khỏi nhà, đi ngao du sơn thủy cùng hai người bạn. Chúng ta kết bái huynh muội, uống rượu, đánh lộn, gây sự phá phách, hành hiệp trượng nghĩa đủ cả.”
Nhìn ánh mắt mẹ rực lên, vẻ hào hứng phấn khởi chưa từng thấy, Xương Ý chợt nhận ra mẹ mình cũng từng có một thời tuổi trẻ sôi nổi nhiệt thành. A Hành sực nhớ lại mấy trăm năm trước, ông lão trên Tiêu Nguyệt đỉnh hồi tưởng chuyện xưa, cũng đã cười sảng khoái thế này.
“Một hôm, ba người chúng ta ngang qua Hiên Viên, bắt gặp một vị thiếu niên anh tuấn, y đứng giữa mọi người, tươi cười rạng rỡ, hệt vầng dương chói lóa trên bầu trời kia, khiến vạn vật xung quanh đều hóa ra ảm đạm.”
Xương Phó khẽ hỏi: “Là phụ vương ư?”
Luy Tổ gật đầu, ánh mắt đượm vẻ thê lương, “Từ nhỏ ta đã được cha mẹ nuông chiều, muốn gì được nấy, cứ ngỡ gã thiếu niên này cũng như muôn vàn kẻ khác, hễ trông thấy ta đều phải đắm đuối si mê. Nhân một đêm trăng, ta bèn lẻn đi tìm y bày tỏ tình cảm, nào ngờ y lại cự tuyệt ta, còn nói rằng đã có người trong mộng rồi. Nghe vậy ta chỉ biết hổ thẹn giận dữ bỏ đi, tiếp tục ngao du với chúng bạn, làm ra vẻ chưa có gì xảy ra. Nhưng lúc nào ta cũng canh cánh nhớ đến y, càng không có được thì lại càng sục sôi muốn giành lấy. Có lần ngắm nhìn hoàng hôn từ từ buông xuống, ta đột ngột hạ quyết tâm, nhất định phải giành được người đàn ông này! Tây Lăng Luy ta lý nào lại không giành được kẻ mà ta muốn chứ? Nghĩ thế, ta bèn rời bỏ chúng bạn, đi tìm gã thiếu niên kia.”
Luy Tổ đưa mắt nhìn khắp lượt các con, “Thuở ấy, Tây Lăng Luy ta nào đã nhận ra thứ quý giá nhất trong đời, càng chưa biết rằng điều đáng trân trọng nhất chính là điều mình vừa tiện tay vứt bỏ.”
Xương Ý, Xương Phó, A Hành đều lặng thinh không nói, chỉ mình Chu Du tâm tính chất phác, chẳng ngại háo hức vọt miệng hỏi: “Về sau thế nào? Làm sao vương hậu đánh bại được tình địch?”
Luy Tổ trầm ngâm một lúc lâu, đoạn kể tiếp: “Tìm thấy gã thiếu niên đó, ta bèn lấy tư cách là bạn y để nán lại Hiên Viên tộc. Ta hiểu y là một kẻ ôm hoài bão lớn, không cam lòng làm tộc trưởng một Thần tộc nhược tiểu suốt đời, bèn dốc hết sức lực giúp y hoàn thành khát vọng. Dù gì ta cũng xuất thân từ danh gia vọng tộc, lại được nuôi dạy như Viêm Hậu tương lai, nắm rõ quy cách phân bố ruộng nương, thiết lập thuế khóa, quản lý nô bộc, còn dạy cho đàn bà con gái Hiên Viên chăn tằm dệt vải, phân tích hình thế thiên hạ với y, nói Viêm Đế và Tuấn Đế càng đấu đá ác liệt thì cơ hội của y càng lớn… Chỉ cần y muốn thực hiện, ta sẽ một lòng một dạ giúp đỡ y, ta không tin rằng, cô gái mà y tơ tưởng có thể đem lại cho y những điều đó. Ngày tháng trôi qua, chúng ta mỗi lúc một thêm thân mật, cơ hồ chuyện gì cũng có thể thổ lộ cùng nhau, cho đến một hôm, y đột nhiên căn vặn thân thế của ta, một cô gái bình thường chẳng thể nào học sâu hiểu rộng nhường ấy được, khi biết ta là Tây Lăng Luy, y đã kinh ngạc không thốt nên lời.”
Luy Tổ nghiêng đầu hồi tưởng chuyện xưa, nét tươi cười hiếm hoi thoáng lướt qua dung nhan tàn tạ, “Thuở ấy, cái tên Tây Lăng Luy nổi tiếng hệt như Thiếu Hạo và Thanh Dương bây giờ vậy, người ta có thể không biết Viêm Đế, nhưng chẳng ai không nghe tiếng Tây Lăng Luy. Hiên Viên tộc khi đó đang cần một chỗ dựa, ta lập tức đáp ứng ngay. Trước ngày hai ta thành thân, cô gái đó đã tới cầu khẩn ta, còn nói với ta rằng, cô ta… cô ta đã mang thai.”
Vẻ mặt Luy Tổ đầy xót xa hoảng hốt, thoắt chốc, mọi người trong phòng đều nín lặng như tờ.
“Cô ta khóc lóc vật nài ta đừng giành mất phu quân của mình, đừng đoạt đi cha của đứa nhỏ, còn nói, ‘Tiểu thư thân là Tây Lăng Luy, có biết bao đàn ông trên đời si mê theo đuổi, nhưng tôi chỉ có một mình y mà thôi, xin tiểu thư trả lại y cho tôi đi.’ Nhưng dù trên đời có bao nhiêu đàn ông, ta cũng chỉ muốn gả cho một mình y, nên dứt khoát cự tuyệt cô ta. Cô ta khóc lóc van nài ta thương lấy đứa bé trong bụng mà thu nhận cô ta làm tiểu thiếp, bằng không người nhà cô ta sẽ giết cả cô ta lẫn đứa bé, nhưng ta vẫn cự tuyệt. Ta là Tây Lăng Luy kia mà! Nếu vừa thành hôn chưa bao lâu, phu quân đã có con với kẻ khác thì ta còn mặt mũi nào nữa? Cha ta và toàn thể gia tộc còn mặt mũi nào nữa đây! Cha ta miễn cưỡng lắm mới chịu chấp nhận cuộc hôn nhân này, nếu Người biết chuyện đó, ắt sẽ hủy hôn là cái chắc. Nghĩ vậy ta liền đuổi cô gái đó đi, coi tất cả như một cơn ác mộng, cố giữ vẻ bình thường để cử hành hôn lễ. Nhưng sau lễ thành hôn, cô ta lại tìm tới gặp ta, chặn xe ta giữa đường, loạng choạng nâng tấm vải đẫm máu bước đến trước mặt ta, trên đó còn dính mấy khối thịt đã khô quắt, căm hận nguyền rủa: ‘Ta lấy máu thịt con ta ra thề rằng các con ngươi sẽ chết sạch không còn một mống, còn ngươi sẽ phải đau đớn cực cùng vì mất con.’”
Nghe đến đây, Xương Ý và A Hành đã đoán ra người đàn bà đó là ai, không hẹn mà cùng ớn lạnh xương sống. Thấy sắc mặt Luy Tổ tái mét, Xương Phó vội dịu giọng khuyên giải, “Mẫu hậu mệt rồi, Người nghỉ một lát đi.”
Luy Tổ lắc đầu, tiếp tục kể, “Nói xong câu đó, cô ta liền bỏ đi.”
Mấy trăm năm sau, ta cũng dần quên khuấy cô ta. Phụ vương các con và ta ngọt bùi ân ái, rời tọa kỵ là vợ chồng, lên tọa kỵ là chiến hữu, hai người đồng tâm hiệp lực, sánh vai tác chiến, qua bao phen chinh chiến, Tây Lăng tộc ra sức chiến đấu vì ta, tử thương ngày càng nhiều rồi mai một dần đi, trong khi đó Hiên Viên tộc mỗi lúc một thêm lớn mạnh, từ một Thần tộc vô danh tiểu tốt đã trở thành Thần tộc lớn, vang danh đại hoang. Ta sinh được hai đứa con trai, đặt tên là Thanh Dương và Vân Trạch. Vân Trạch rất hiểu chuyện, nó thấy Thanh Dương tính tình hào phóng, không thích cầm quân đánh giặc bèn chủ động gánh lấy mọi trách nhiệm thay huynh trưởng, ngày ngày đều theo phụ vương học hỏi.”
Thấy Luy Tổ đã mệt lử, Chu Du liền bưng trà lại, bà đón lấy chung trà hớp mấy ngụm, nghĩ một lát rồi kể tiếp: “Hiên Viên tộc ngày càng lớn mạnh, cũng chuẩn bị lập quốc tôn vương, phụ vương các con muốn nạp con gái tộc trưởng Phương Lôi tộc làm phi tử, bèn ướm hỏi ta, ông ấy cần sự hỗ trợ từ Phương Lôi tộc để lập quốc nên mong ta thông cảm cho. Trước lý lẽ đó, ta chẳng có cách nào phản đối, cũng không làm sao phản đối được. Vì chuyện này, Thanh Dương đã làm ầm lên với ta, còn đòi đi tìm phụ vương các con tranh luận, Vân Trạch từ nhỏ đã học cách xử lý chính sự, hiểu chuyện hơn Thanh Dương rất nhiều, nó phải can ngăn mãi Thanh Dương mới chịu thôi.
May sao phụ vương các con cũng chỉ khách sáo qua quýt với Phương Lôi thị chứ chẳng hề sủng ái, ta mới thở phào nhẹ nhõm. Chẳng bao lâu sau, ta lại có mang rồi mải mê với hạnh phúc làm mẹ, cho tới một ngày, Hoàng Đế dắt một phụ nữ đang mang thai tới gặp ta, nói muốn nạp cô ta làm phi, cô gái đó nhìn ta cười bẽn lẽn, còn ta sởn cả gai ốc, cô ta, cô ta… chính là thiếu nữ hơn ngàn năm trước từng tìm tới cầu khẩn ta, nguyền rủa ta, cũng chính là Đồng Ngư thị vừa rời khỏi Triêu Vân phong khi nãy.”
Chu Du “A” lên kinh ngạc, Xương Ý và A Hành tuy đã đoán được nhưng vẫn thấy lạnh toát sống lưng.
Luy Tổ lại nói: “Hai năm sau, Tam vương tử Hiên Viên Huy của Hiên Viên tộc chào đời, tuy nó không phải con đầu lòng của Hoàng Đế, nhưng lại là vương tử đầu tiên ra đời từ ngày lập quốc của Hiên Viên, Hoàng Đế hết sức phấn khởi, lệnh cho toàn quốc ăn mừng. Hồi đó ta vẫn chưa nghĩ thông, chưa hiểu ra thứ gì là quan trọng nhất nên vì chuyện này mà động thai khí, khiến Xương Ý phải sinh non. Từ nhỏ Xương Ý đã yếu ớt lắm bệnh, linh lực kém cỏi, đều là do lỗi của ta!”
Hồi tưởng lại hình ảnh mẹ mình vò võ lẻ loi giữa Triêu Vân điện lạnh lẽo, trong khi cả nước đang hân hoan đón mừng Tam vương tử chào đời, Xương Ý chợt thấy lòng chua xót: “Mẹ, đó đâu phải lỗi của Người, Người đừng tự trách nữa mà.”
Luy Tổ tiếp lời: “Hồi đó ta vừa ghen ghét, vừa không cam lòng, lại vừa hoang mang sợ hãi, luôn xúi giục Vân Trạch gắng sức lấy lòng Hoàng Đế. Thật ra Vân Trạch hiểu chuyện hơn ta, nó thường khuyên ta trên đời này, thứ khó tranh đoạt nhất chính là lòng dạ đàn ông, dù tranh được chăng nữa, cũng sẽ phải trả giá đắt, nhưng ta một mực không chịu hiểu, càng chẳng làm sao quên được những ân ái vờ vịt hơn ngàn năm qua, về sau…” Luy Tổ ngửa mặt trông lên trần nhà, mọi người ngồi đó đều không nhìn thấy nét mặt bà, nhưng vẫn thấy hai hàng nước mắt từ cằm nhỏ xuống.
“Về sau Hiên Viên giao chiến với Điền tộc ở Tây Nam, phụ vương các con vốn định phái Thanh Dương xuất chinh, nhưng Vân Trạch biết Thanh Dương chán ghét chuyện đó, bèn chủ động xin đi, Hiên Viên Huy cũng được cho đi theo Vân Trạch để rèn luyện. Vân Trạch đại thắng, buộc Điền Vương đầu hàng. Đất Điền rất nhiều núi lửa, Hiên Viên Huy nói Vân Trạch trong lúc dẫn quân phá vây không may rơi vào miệng núi lửa. Thanh Dương không tin, nó tìm được xương cốt Vân Trạch, kết luận Hiên Viên Huy đã hại chết Vân Trạch, đòi Hoàng Đế tra xét. Hoàng Đế liền phái rất đông binh lính tới trấn giữ Chi Nguyệt điện, cấm Thanh Dương tiếp cận Hiên Viên Huy nhưng Thanh Dương vẫn liều mạng xông vào Chi Nguyệt điện, còn đả thương Hiên Viên Huy. Hoàng Đế tức giận bèn hạ lệnh giam Thanh Dương vào Lưu Sa trận không có lấy một giọt nước suốt nửa năm, tới khi nó chịu nhận tội mới thôi. Lúc rời khỏi trận, Thanh Dương chỉ còn da bọc xương, trông chẳng ra hình người nữa.”
Nói đến đây, Luy Tổ nghẹn giọng, khóc không ra tiếng.
Xương Ý đỡ lời: “Thôi mẹ ơi, chuyện về sau cứ để con thuật nốt cho A Hành. Sau khi được thả khỏi Lưu Sa trận, tính tình Đại ca thay đổi hoàn toàn, cũng chẳng ngao du đây đó nữa mà trở về Hiên Viên quốc, trở thành Hiên Viên Thanh Dương quy củ bây giờ. Từ đó về sau, Đại ca càng lúc càng nổi tiếng, sau cùng tề danh với Cao Tân Thiếu Hạo lừng lẫy đã lâu, được người trên đại hoang xưng tụng là “Thiên hạ song hùng, Bắc Thanh Dương, Nam Thiếu Hạo.”
Luy Tổ lại lên tiếng: “Vân Trạch chết đi, ta mới thật sự nhìn rõ con người mà mình quyến luyến bao năm không sao buông xuống được, ta cũng tháo sạch lược vàng trâm ngọc, bỏ hết gấm vóc lụa là, chỉ muốn làm một người mẹ, bảo vệ cho con cái mình bình yên hạnh phúc mà thôi. Nhưng dường như ông trời không chịu cho ta cơ hội, có lẽ, khi ta nhẫn tâm khước từ, để mặc đứa nhỏ kia chết mà chẳng được thấy ánh mặt trời, hết thảy báo ứng đã được định sẵn cả rồi. Nhưng đó là do ta gây ra kia mà! Trăm sai ngàn sai đều tại ta cả, sao báo ứng lại đổ lên đầu các con ta…”
Luy Tổ khóc nức lên, điên dại vì đau đớn.
Xương Ý vội nắm chặt lấy hai tay Luy Tổ, truyền linh lực vào người bà, khiến Luy Tổ thiếp đi.
Chu Du bất mãn buột miệng: “Đồng Ngư nương nương thật quá đáng, nếu nô tỳ là bà ấy, người đáng hận nhất phải là Hoàng Đế mới đúng, chính Hoàng Đế phụ bạc cả hai người đàn bà kia mà! Để tranh đoạt thiên hạ, Hoàng Đế đã ruồng rẫy thanh mai trúc mã, đến khi giành được giang sơn rồi lại đổ tội cho vương hậu khiến mình mất người yêu và con trai…”
Xương Phó giật giật áo Chu Du, tỏ ý ngăn ả đừng nói nữa, dù sao Xương Ý và A Hành cũng là con Hoàng Đế sinh ra, những thị phi phải trái, ân oán giăng mắc kia đều đã thành quá khứ rồi.
Xương Ý nhờ Xương Phó và Chu Du dìu Luy Tổ vào tẩm điện nghỉ ngơi.
Xương Ý lo lắng hỏi A Hành: “Bây giờ mẹ đã loạn cả tâm thần rồi, nếu Đồng Ngư thị còn sinh sự dăm lần nữa, e rằng mẹ sẽ sụp đổ hoàn toàn luôn. Chúng ta làm sao đây?”
A Hành bưng hộp lên, chăm chú nhìn nắm xương tàn bên trong, không sao tin nổi một con người đang sống sờ sờ nay chỉ còn vài mảnh xương cháy sém, buột miệng: “Nhị ca trông thế nào?”
Hai mắt Xương Ý chợt đỏ hoe, “Trong ký ức của ta, Nhị ca cũng bận rộn hệt như Đại ca mà muội từng biết vậy, chẳng mấy khi ta gặp được huynh ấy. Nhị ca theo Đại ca đi chọn đất phong cho ta, thấy Nhược Thủy hoang vu hẻo lánh, dân chúng còn man di, ai cũng chê là chó ăn đá gà ăn sỏi, chẳng kẻ nào thèm chọn, Nhị ca bèn bảo ta dâng thư, xin ban phong Nhược Thủy. Nếu không phải Nhị ca thu xếp cho ta một nơi hẻo lánh xa xôi như thế, e rằng ta cũng đã…”
A Hành đầy vẻ ân hận, xót xa hỏi: “Sao huynh chẳng kể cho muội nghe về Nhị ca? Thế mà có lúc muội đã trách cứ Đại ca về cái chết của Hiên Viên Huy…”
Xương Ý rưng rưng nước mắt: “Đại ca không để bụng chuyện đó đâu.” Đã có lúc y sôi sục căm hờn, chỉ lăm le giết chết Di Bành ngay tức khắc, nhưng giờ đây, thấy hệt mọi tiền nhân hậu quả, bao oán hận trong lòng y đều nhường chỗ cho bi ai khôn xiết, “Ta định dâng thư lên phụ vương, xin đưa mẹ về Nhược Thủy phụng dưỡng, Đồng Ngư thị thèm muốn Triêu Vân điện thì chứ cho bà ta đi!”
A Hành lắc đầu, “Nhược Thủy chẳng phải vẫn là lãnh thổ Hiên Viên ư? Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, có tác dụng gì đâu? Nếu Đồng Ngư thị dời vào ở Triêu Vân điện, dù chúng ta trốn đến chân trời góc bể cũng vô ích.”
“Nhất định phải có một bên chết mới kết thúc được sao? Tuy Đồng Ngư thị đáng hận, nhưng cũng rất đáng thương.”
“Muội cũng thấy bà ta đáng thương, nhưng dây dưa giằng co thế này mãi chẳng tháo gỡ được, còn liên lụy cả người thân thây chất thành núi. Bây giờ chẳng còn đúng sai phải trái gì nữa hết, chỉ có người chết ta sống mới kết thúc được thôi.”
Thấy Xương Ý nín lặng, A Hành lo y lòng dạ thiện lương, dễ bị hãm hại, liền đinh ninh dặn dò: “Tứ ca, sớm muộn Di Bành cũng sẽ động tới huynh, huynh nhất định phải cẩn thận đề phòng đó.”
Vú già từng chứng kiến hai người lớn lên bưng một đĩa dâu lạnh bước vào, cười nói: “Tiếc là Đại điện hạ vắng nhà nên chẳng có dâu tươi ướp lạnh, chắc không được ngon lắm, hai vị cố ăn chút đi.”
Xương Ý và A Hành nhón một chùm dâu lạnh đưa lên miệng, trái dâu chua chua ngòn ngọt mà sao giờ đây chỉ thấy đắng chát nghẹn lòng. Bây giờ hai người mới chợt nhận ra, bao năm nay, hễ Đại ca ở nhà, mỗi lần trở về Hiên Viên sơn, bất kể lúc nào, họ đều được nếm dâu lạnh tươi roi rói.
Để ướp lạnh mấy chùm dâu tươi, Thanh Dương không tiếc hao phí linh lực khiến cả Hiên Viên sơn đổ tuyết, tiếc rằng tình cảm ấm áp quan hoài ẩn sau vẻ bề ngoài lạnh lùng nghiêm khắc ấy, hại người bọn họ chẳng hề nhận ra.
Xương Ý chăm chú nhìn A Hành, rành rọt nói: “Tuy cái chết của Đại ca chẳng phải do một mình Xi Vưu gây ra, nhưng không thể phủ nhận chính tay hắn đã đánh chết Đại ca, mẹ nhất định không chấp thuận cho muội ở bên hắn đâu!”
A Hành rơm rớm nước mắt, “Thế còn huynh? Huynh từng nói sẽ chúc phúc bọn muội kia mà?”
Xương Ý nuốt cay đắng vào lòng, đứng phắt dậy, vừa sải bước ra ngoài vừa trầm giọng đáp: “Ta sẽ không đi tìm hắn báo thù, nhưng ta cũng không thể chúc phúc cho kẻ giết chết Đại ca được. Nếu Xi Vưu chết đi, chuyện này coi như xong, nhưng nếu hắn còn sống, đời này kiếp này, ta cũng không muốn nhìn thấy mặt hắn, muội muốn sống cùng hắn thì vĩnh viễn đừng tới gặp ta nữa!”
A Hành siết chặt chùm dâu lạnh trong tay, nước mắt ầng ậng chỉ chực rơi xuống, nhưng giờ đây mẹ nàng đang bệnh nặng, Tứ ca hiền lành lương thiện, nàng chẳng thể muốn khóc thì khóc, muốn cười thì cười như xưa nữa.
Nàng nghiến chặt răng, cố nén không rơi nước mắt, chùm dâu lạnh trong tay bị bóp nát bét, nước dâu đỏ lòm từ kẽ tay nhỏ xuống tong tong như máu.
Nuốt hết nước mắt vào lòng, A Hành đứng dậy, tới thăm mẫu hậu.
Trong tẩm điện, mẫu hậu nàng đang thiêm thiếp, Xương Phó và Chu Du ngồi cạnh trông nom, đầu tóc Chu Du vẫn bù xù chưa kịp chải gỡ lại, A Hành bước vào lên tiếng: “Hai người đi nghỉ đi, để muội trông mẹ.”
“Cũng được, có chuyện gì muội kêu bọn ta nhé.” Xương Phó kéo Chu Du ra khỏi điện, ngồi dưới gốc phượng hoàng, rút chiếc lược bằng gỗ nhược mộc vừa chải tóc cho Chu Du, vừa thủ thỉ:
“Ngươi theo Đại ca bao lâu rồi?”
“Nô tỳ không nhớ nữa, chỉ biết là lâu lắm rồi, lâu hơn cả ký ức của nô tỳ nữa.”
“Sao lại lâu hơn cả ký ức?”
“Có lần nô tỳ thấy một nữ tử Nhân tộc toan treo cổ tự tử để chết theo chồng, nô tỳ nghĩ mãi mà không sao hiểu được, Thiếu Hạo bèn trêu nô tỳ là gỗ đá, đương nhiên không hiểu nổi tình cảm thương tâm đau lòng, nô tỳ nhất mực bám theo căn vặn y, y mới tiết lộ nô tỳ vốn là một cây thù du mục nát, sắp chết khô đến nơi, nhân một lần Thiếu Hạo cùng Đại điện hạ nô đùa, điện hạ bèn nhét khúc cây khô vào ngực áo, giữ bên người hàng ngày, nhờ linh khí của Đại điện hạ, nô tỳ mới có được linh thức, về sau mới tu thành hình người, vậy chẳng phải trước khi nô tỳ có ý thức đã theo Đại điện hạ rồi sao?”
“Ngươi đã gặp Nhị ca Vân Trạch lần nào chưa?”
“Nô tỳ chưa, nhưng nô tỳ biết Nhị điện hạ. Hồi đó nô tỳ còn là một khúc gỗ, không biết nói năng, chỉ có thể lắng nghe âm thanh bên ngoài, nô tỳ đã lắng nghe Nhị điện hạ từ từ trưởng thành, lại lắng nghe… lắng nghe ngài ấy qua đời. Nô tỳ ở trong lòng Đại điện hạ, cảm nhận được hết thảy đau đớn của ngài, nô tỳ rất muốn an ủi ngài, nhưng không thể cử động, cũng chẳng biết nói năng. Sau đó, sau đó… nô tỳ quá nóng ruột, đột nhiên, một hôm nô tỳ biến thành hình người. Bấy giờ Đại điện hạ đang ngủ, thấy nô tỳ thình lình xuất hiện trên giường, điện hạ giật nảy cả mình, ngã lộn cổ xuống đất, mặt tái xanh tái xám, quả là nhát gan mà…” Chu Du cười phá lên.
Tổ tiên Nhược Thủy tộc chính là Thần tộc Nhược Mộc nên Xương Phó khá am hiểu chuyện mộc yêu hóa thành người, nàng ngập ngừng hỏi, “Lúc đó ngươi không mặc gì, phải không?”
“Ơ… sau đó điện hạ cho nô tỳ mượn y phục của mình mặc tạm.”
Nhìn Chu Du ngây thơ chất phác, Xương Phó đành nuốt câu, “Đại ca lộn cổ xuống đất đâu phải vì sợ” lại, hình dung cảnh Đại ca lạnh lùng nghiêm nghị “giật nảy cả mình”, nàng không khỏi tức cười, nhưng chưa kịp cười đã nghe chua xót ngập lòng, “Từ đó về sau ngươi đi theo Đại ca ư?”
Chu Du bĩu môi ủ rũ, “Ai da! Tuy nô tỳ có thể cười nói cử động nhưng lại ngốc nghếch khù khờ, làm điện hạ bực mình, mấy lần định tống nô tỳ đi rồi đấy.”
“Vậy sao ngươi vẫn ở lại được? Một khi Đại ca đã quyết, đâu dễ gì lay chuyển.”
“Nô tỳ cũng không biết nữa, hồi đó linh lực của nô tỳ rất bất ổn, hễ cuống lên là biến lại nguyên hình, mỗi lần bị điện hạ xua đuổi, nô tỳ đều biến thành khúc gỗ. Điện hạ nổi giận cảnh cáo nô tỳ, nếu còn tiếp tục biến thành gỗ nữa sẽ quăng nô tỳ vào lò lửa luôn. Để làm vừa lòng điện hạ, không chọc giận ngài, cũng không biến thành gỗ nữa, nô tỳ đành dốc hết sức cố gắng tu hành, chỉ nửa người biến thành gỗ thôi, nào ngờ điện hạ vẫn nổi giận đùng đùng, còn giận hơn cả lần trước, điện hạ nói, thà toàn thân ngươi biến quách thành gỗ cho rồi…”
A Hành mải nghe hai người trò chuyện đã bước tới bên song khi nào chẳng rõ, nàng chỉ mong Chu Du kể tiếp vài ba chuyện nữa để mình được hiểu thêm về Đại ca, vị Đại ca luôn đứng đằng sau che chở cho nàng mà nàng chưa bao giờ hiểu rõ.
Suốt mấy trăm năm nay, sao nàng chỉ chìm đắm mải mê với thế giới bên ngoài mà chẳng hề quan tâm đến Đại ca bên cạnh? Liệu có phải tình thân là điều hiển nhiên đối với nàng, nên chưa từng nghĩ đến lúc mất đi? Vì sao mãi tới lúc mất đi rồi, nàng mới nhận ra mình rất quyến luyến Đại ca cơ chứ?
Từ sau cái chết của Băng Nguyệt, Nặc Nại chỉ ôm lấy vò rượu, say sưa tối ngày.
Tin Viêm Đế Du Võng chết thảm truyền đến Cao Tân, khiến y đột nhiên sực tỉnh, vội vàng đi suốt ngày đêm tới Thần Nông, nhưng đến chân núi thì đụng phải lệnh giới nghiêm, lại không tiện bộc lộ thân phận tới gặp Vân Tang, đương lúc bối rối như kiến bò miệng chén, y sực nhớ năm xưa mình âm thầm hẹn gặp Xi Vưu, hắn đã dặn y chờ tại Thảo An lĩnh, về sau y mới biết Thảo An lĩnh là cấm địa của Thần Nông, không ai được lui tới, nên cũng chẳng có thị vệ trông giữ.
Nặc Nại đoán từ Thảo An lĩnh có thể tìm được đường lên Tiểu Nguyệt đỉnh, bèn lẻn vào Thảo An lĩnh.
Thấy căn nhà tranh trên đỉnh núi vẫn leo lét ánh đèn, Nặc Nại mừng rỡ tiến lại, ghé mắt qua nhìn song cửa, chỉ thấy Mộc Cận mình khoác áo tang, tay giơ một viên dạ minh châu Đông hải, vừa đi vừa soi khắp các ngóc ngách trong nhà, khẽ khàng vuốt ve hết bàn tới giường, đôi mắt ăp ắp tình nồng, lệ tràn giàn giụa.
Mộc Cận ngồi xuống giường, cầm manh áo cũ của Xi Vưu áp lên mặt rồi òa khóc, “Xi Vưu, rốt cuộc ngươi còn sống hay đã chết? Tại sao ta phái người tìm kiếm khắp đại hoang mà không thấy? Dù ngươi chết rồi, cũng để ta trông thấy nắm xương tàn của ngươi chứ.”
Nghe vậy Nặc Nại thấy lòng chùng hẳn xuống. Theo y được biết cả Thần Nông, Hiên Viên, thậm chí là Cao Tân đều đang tìm kiếm Xi Vưu, nhưng đến giờ vẫn bặt vô âm tín. E rằng hắn đã chết thật rồi, liệu nắm xương tàn lạnh lẽo của hắn có cảm nhận được những giọt lệ nóng hổi của Mộc Cận không nhỉ?
Nặc Nại đứng bên ngoài một lúc lâu mà Mộc Cận vẫn ôm lấy tấm áo Xi Vưu nức nở, y bèn gõ nhẹ vào song cửa, khẽ an ủi: “Người chết rồi là hết, chỉ còn người sống đau khổ mà thôi.”
Mộc Cận giật mình ngẩng phắt lên trông thấy Nặc Nại, mày liễu dựng ngược mắng, “Giống bội bạc kia còn dám bén mảng đến Thần Nông sơn ư? Để ta giết ngươi trút giận thay Vân Tang tỷ tỷ!” Dứt lời, một dải lụa rực rỡ như mây ráng bay vèo ra cửa sổ thít lấy cổ Nặc Nại, nhưng y vẫn đứng yên, sắc mặt dần sạm lại.
Thấy Nặc Nại sắp nghẹt thở ngất lịm, Mộc Cận liền vung tay thu lại dải lụa, hậm hực hỏi: “Sao ngươi không đánh trả? Lẽ nào ngươi đến chịu chết thật đấy à? Thế thì đi mà tìm Vân Tang tỷ tỷ, ngươi phụ bạc tỷ ấy, chứ đâu có phụ bạc ta!”
Nặc Nại vội hành lễ, “Xin vương cơ tìm cách giúp tôi gặp được Vân Tang, sống chết gì tùy Vân Tang xử trí.”
“Ngươi vội gì chứ, bây giờ Vân Tang tỷ tỷ không còn hơi sức màng tới ngươi đâu!”
Nặc Nại lặng thinh không nói, chỉ ngước mắt nhìn Mộc Cận đầy vẻ khẩn cầu, ánh mắt chan chứa bi thương dằng dặc, tha thiết hơn vạn lời nài nỉ.
Mộc Cận trừng mắt lườm Nặc Nại, “Ta đưa ngươi đi một chuyến vậy.” Trước mặt nàng, Vân Tang luôn kiên cường mạnh mẽ, chưa bao giờ lộ vẻ mềm yếu, nhưng nàng hiểu trong lòng Vân Tang rất đau khổ có lẽ gã bạc tình này sẽ an ủi được Vân Tang chút nào chăng.
Trên Tiểu Nguyệt đỉnh, chỉ có tiếng gió đêm lùa qua rừng cây xao xác, như nức nở oán than.
Trong căn nhà tranh, mấy khúc ảnh mộc[2] rộ hoa đu đưa trên xà, tỏa ra ánh sáng âm u lạnh lẽo, hệt như cả bầu trời sao đang tụ về, soi sáng cỗ quan tài đặt giữa nhà, trong quan tài là một thi thể vận y phục đế vương hóa quý, nhưng không có đầu.
[2] Ảnh mộc. Theo Thập Di ký, đây là một lại cây, ban ngày một phiến lá có tới trăm chiếc bông, tối đến, hoa lại có thể phát quang, sáng như sao trời.
Vân Tang cài thoa gai, vận tang phục, ngồi quỳ trên chiếu, đang mải mê đẽo gọt một bức tượng bằng kiến mộc[3], vừa phác xong dung mạo, trông đã rất giống Du Võng.
[3] Kiến mộc: được tôn xưng là cây thần trong truyền thuyết, có thể nối thông giữa trời và đất, người và thần. Tương truyền Phục Hy, Hoàng Đế v.v… đều đi đi lại lại giữa thiên đình và nhân gian bằng chiếc thang kỳ diệu này.
Nghe tiếng chân, nàng ngừng tay khắc, trông ra cửa.
Mộc Cận dắt theo một nam tử, lẳng lặng tiến lại, nam tử kia thân hình gầy gò, nét mặt bi ai, nhưng chẳng giấu được vẻ sáng sủa tuấn tú, chính là Nặc Nại, người từng có hôn ước với Vân Tang.
Mộc Cận quay sang Nặc Nại nói nhỏ: “Vân Tang tỷ tỷ ở trong đó, ta đợi ngoài này, nếu có người tới, ta sẽ cao giọng chào hỏi, ngươi nhớ trốn ngay đi đấy.”
“Đa tạ Tứ vương cơ.”
Nặc Nại vừa ngẩng đầu đối diện với ánh mắt Vân Tang, vừa bước vào phòng, bao lời muốn nói đã ra tới đầu lưỡi, nhưng không sao thốt nổi thành câu.
Trái lại, Vân Tang chẳng hề bất ngờ trước sự xuất hiện của y, chỉ mỉm cười gật đầu, “Mời ngồi.”
Nặc Nại gập gối quỳ xuống, Vân Tang chăm chú nhìn bức tượng đang khắc, cất tiếng, “Chàng tới đúng lúc lắm, thiếp loay hoay mãi chưa khắc được mắt và mũi, chàng khéo tay như vậy, khắc giùm thiếp được không?”
Nặc Nại cầm lấy dao toan khắc, chợt phát hiện ra trải qua bao ngày đắm chìm trong rượu, tay y đã bắt đầu run, chẳng còn trầm ổn vững vàng như xưa được nữa. Càng căng thẳng muốn làm cho tốt, cánh tay y càng run lên dữ dội.
Đương lúc Nặc Nại bẽ bàng hổ thẹn khôn xiết, Vân Tang bỗng đưa tay nắm chặt lấy tay y, chẳng rõ nhờ nguồn linh lực dồi dào nàng truyền cho, hay nhờ bàn tay dịu dàng kiên định của nàng mà cánh tay y dần thôi run rẩy, chiếc mũi và đôi mắt là phần khó khắc nhất, vậy mà hai người cùng làm lại điêu khắc rất sống động, như thể Du Võng tái sinh, chăm chú nhìn bọn họ vậy.
“Đừng say sưa nữa.” Vân Tang dịu dàng nhìn y, ánh mắt thấu hiểu và khoan dung, chẳng bợn một tia oán trách.
Nặc Nại chợt thấy mũi cay cay, “Ừ!”
Vân Tang khẽ cười, “Thiếp hiểu lòng chàng mà, tình hình Thần Nông hiện giờ không tiện giữ khách lại, chàng về đi thôi!”
“Thế còn nàng? Nàng định thế nào?”
“Thiếp ư? Thiếp là Trưởng vương cơ của Thần Nông, Thần Nông quốc ở đâu, thiếp ở đó.” Đôi vai Vân Tang gầy guộc mỏng manh, nhưng giọng điệu lại vô cùng kiên quyết.
Nặc Nại liền nắm chặt lấy tay nàng, “Theo ta đi! Nàng còn nhớ bóng nước dưới Ao Đột quán không? Ta không làm Nạc Nại, nàng cũng đừng làm Vân Tang nữa, hai ta không cần thân phận, địa vị, không cần gì hết, chỉ sống đúng với bản thân mình thôi được không? Thiên hạ rộng lớn, thế nào cũng có nơi dành cho hai chúng ta!”
Vân Tang đăm đăm nhìn Nặc Nại, lệ dâng lên trong mắt, hồi lâu mới đáp: “Nghe tin Băng Nguyệt treo cổ tự tử giữa cổng thành, thiếp đã biết Nặc Nại Đại tướng quân của Cao Tân Hy Hòa bộ chẳng thể nào kết hôn với một vương cơ dị tộc như thiếp được nữa! Nhưng thiếp nghĩ nam tử từng thiết kế Ao Đột quán nhất định sẽ nhìn thấu mọi chuyện, nhận định rõ tình cảm của mình, sớm muộn gì cũng tới tìm thiếp. Thiếp đã đợi y hết ngày này sang tháng khác, đợi suốt ngày dài đêm thâu, đợi y tới tìm thiếp, nói với thiếp rằng, ‘Nặc Nại không thể cưới Vân Tang, nhưng ta đã đến đây, nàng có bằng lòng từ bỏ mọi thứ, mặc kệ điều tiếng, bỏ đi cùng ta chăng?’, thiếp sẽ nắm chặt lấy tay y, trả lời, ‘Cứ để người đời phỉ nhổ Nặc Nại và Vân Tang đi!’, rồi theo y tới chân trời góc bể. Thiếp đợi ngày lại ngày, đêm lại đêm, đợi đến nỗi đáy mắt và cõi lòng đều hoang hoải cỏ, nhưng chàng mãi không thấy tới!”
Vẻ mặt Nặc Nại đầy thê lương, y sợ hễ mở mắt lại trông thấy thi thể Băng Nguyệt, sợ đối diện với nước mắt Vân Tang, nên suốt ngày đêm chỉ chìm trong rượu, còn lo rượu chẳng đủ say người, bèn kiếm cả Ngọc Hồng thảo[4] tửu chuốc cho mình túy lúy. Mãi tới khi nghe tin Du Võng từ trần, y mới sực tỉnh.
[4] Ngọc Hồng thảo (cỏ Ngọc Hồng), trong Thi từ viết “Côn Luân có loài cỏ gọi là Ngọc Hồng, hễ ai ăn vào sẽ say khướt, ngủ luôn ba trăm năm mới tỉnh lại.”
Y siết chặt tay Vân Tang, “Vân Tang, ta đã đến rồi đây!”
Vân Tang thảm đạm rút tay lại, chăm chú nhìn pho tượng Du Võng, nước mắt từ khóe mi tràn ra, lăn xuống gò má, “Muộn mất rồi!”
Gương mặt buồn bã của Nặc Nại ánh lên vẻ kiên quyết, “Ta sẽ dựng một Ao Đột quán khác cho nàng, chỉ cần núi chưa mòn, sông chưa cạn thì chưa bao giờ muộn cả!”
“Giờ đây thiếp là Trưởng vương cơ của Thần Nông, là chỗ dựa của muôn dân trăm họ, thiếp không thể theo một tướng quân Cao Tân bội tín bạc nghĩa được.”
Nặc Nại khẩn thiết, “Vân Tang, nàng quên mình từng thề độc nếu còn can dự triều chính sẽ chết không toàn thây ư?”
Vân Tang mỉm cười nhìn Nặc Nại, mắt lệ nhòa mi, long lanh như trân châu dưới ánh sáng ảnh mộc lạnh lẽo, xói vào mắt Nặc Nại đau nhói, “Thiếp còn nhiều việc phải xử lý, Tướng quân về đi!”
Nặc Nại đăm đăm nhìn Vân Tang – người con gái mà mình vừa yêu vừa trọng, ánh mắt quyến luyến không nỡ rời, nhưng trong lòng lại rõ hơn ai hết, y chẳng thể nào có lại nàng được nữa, y đã đến muộn mất rồi!
“Vân Tang, nàng đừng…”
“Chàng cứ yên tâm, thiếp biết tự bảo trọng mà, trên Thần Nông sơn có cha mẹ và các em thiếp, dưới Thần Nông sơn còn có muôn dân của thiếp, thiếp nhất định sẽ bảo trọng.” Dứt lời, Vân Tang quay ngoắt đi, không nhìn Nặc Nại, chỉ chăm chú ngắm pho tượng Du Võng, cao giọng gọi, “Mộc Cận, muội đưa Tướng quân xuống núi đi!”
Mộc Cận bước vào xốc Nặc Nại dậy, vừa kéo vừa đẩy y ra khỏi cửa, hậm hực, “Tính tình vương cơ ra sao, Tướng quân ắt phải hiểu hơn ai hết, chỉ cần ngươi đưa tay ra, tỷ ấy sẽ vứt bỏ tất cả, theo ngươi tới chân trời góc bể. Nhưng tỷ ấy đợi suốt ngày dài đêm thâu, ngươi lại hèn nhát mượn rượu giải sầu, say sưa túy lúy, khiến tỷ ấy tan nát cả cõi lòng. Ngươi thật không xứng với Vân Tang tỷ tỷ! Giờ đây…” Mộc Cận rơm rớm nước mắt, “Nếu ngươi thật lòng quan tâm tới Vân Tang thì đừng quấy rầy tỷ ấy nữa!”
Nặc Nại loạng choạng leo xuống Thần Nông sơn, giữa đêm đen thăm thẳm, y chợt nghe văng vẳng tiếng đàn thê lương ai oán, là Vân Tang tấu khúc đàn dẫn đường cho Du Võng, hy vọng em trai bị chặt đầu có thể theo tiếng đàn mà yên nghỉ: hồn về, hồn về đây đi!
Nặc Nại ngẩn ngơ bay về phía Cao Tân, lòng thầm tự hỏi, chẳng rõ còn ai vì y mà tấu một khúc đàn, dẫn đường cho y tìm được nơi yên nghỉ hay chăng?
Về đến nhà, Nặc Nại bước vào phòng, trông thấy cây ngô đồng cầm mà mình làm cho Vân Tang đã phủi đầy bụi bặm.
Sớm sớm chiều chiều Vân Tang từng đàn cho y nghe chẳng biết bao lần, trong phòng tựa hồ còn văng vẳng giọng nói tiếng cười của nàng, ngoài hiên vẫn như thấp thóang dáng kiều hương tóc.
Nặc Nại khẽ vuốt ve dây đàn, cây đàn ngân lên tinh tang mấy tiếng, lạc lõng rơi vào thinh không.
Mấy kẻ hầu bưng vò rượu tiến vào, ngửi thấy hơi rượu, Nặc Nại tiện tay cầm lấy, nhưng vừa đưa lên miệng, y sực nhớ tới lời Vân Tang, liền quăng luôn ra ngoài cửa sổ, rồi mặc cho đám người hầu sợ hãi quỳ sụp cả xuống, y loạng choạng ném tất cả các vò rượu trong tay họ ra ngoài vỡ tan, “Đập hết các vò rượu trong phủ đi, đập hết!”
Đám người hầu lập cập dạ vâng, cuống quýt luồn ra cửa chạy thẳng, đúng lúc Thiếu Hạo bước vào phòng, thấy vò rượu vỡ ngổn ngang đầy đất, “Cuối cùng ngươi cũng tỉnh.”
Thiếu Hạo ngồi đối diện với Nặc Nại, thấy ngón tay y không ngừng mân mê hàng chữ nhỏ khắc trên cây đàn – mây soi hồ Ao Tinh, dâu biếc non Đột Bích – hàng chữ ấy chẳng những có tên Vân Tang lồng vào mà còn ám chỉ tình cảnh lần đầu tiên họ gặp nhau, hơn nữa là mượn hình ảnh mày soi hồ, dâu biếc núi bày tỏ tình cảm của y đối với nàng.
Thiếu Hạo thở dài tiếc nuối, “Nặc Nại từng khiến ta ngả mũ khâm phục trước tài hoa phẩm mạo đâu rồi?”
Nặc Nại bất động, chỉ thuận miệng đáp, “Nặc Nại đã phụ lòng kỳ vọng của điện hạ.”
“Ngươi thông minh mẫn tuệ, có từng nghĩ vì sao Hoàng Đế giết được Du Võng như bỡn vậy không?”
Câu hỏi này rốt cuộc cũng lôi kéo được sự chú ý của Nặc Nại, y ngẩng mặt nhìn Thiếu Hạo, vừa ngẫm ngợi vừa đáp: “Hoàng Đế tự tay giết chết Du Võng có thể khích lệ sĩ khí Hiên Viên tăng vọt, đập tan ý chí chiến đấu của Thần Nông, nhưng nếu không nắm rõ nơi ở của Du Võng cùng lực lượng thị vệ quanh y thì không đáng đích thân mạo hiểm hành thích.”
“Hoàng Đế là người rất thận trọng, một khi đã hành động là phải thành công, e rằng cả việc Du Võng ngự giá thân chinh cũng nằm trong kế hoạch của ông ta, mục đích là để ám sát Du Võng.”
Nặc Nại dần đanh mặt lại, “Trong Thần Nông quốc có một tên nội gián địa vị rất cao!”
Thấy Thiếu Hạo gật đầu tán đồng, ánh mắt Nặc Nại chợt hoang mang lo lắng, chẳng rõ Vân Tang đã biết chưa?
“Nặc Nại, ta có một chuyện muốn nhờ ngươi, việc này chẳng những lợi cho Thần Nông, mà còn lợi cả cho Cao Tân nữa.”
“Thần ngu độn, không nghĩ ra việc gì vừa có lợi cho Thần Nông, lại vừa có lợi cho Cao Tân cả.”
“Ta cứ nghĩ Thần Nông quốc lực hùng hậu, Hiên Viên và Thần Nông ắt phải giao chiến khá lâu mới phân thắng bại, ta sẽ có nhiều thời gian cải cách chấn chỉnh Cao Tân. Dù Hiên Viên đánh bại Thần Nông, hẳn cũng hao binh tổn tướng, suy kiệt nguyên khí, tới lúc đó ta có thể ung dung đối phó với Hoàng Đế. Ngờ đâu Hoàng Đế trong ứng ngoài hợp, đưa ra diệu kế này, vừa cất tay đã phá tan đại quân Thần Nông. Nếu ông ta tiêu diệt Thần Nông xuôi chèo mát mái thì Cao Tân sẽ trở thành miếng mồi ngon kế tiếp, chẳng mấy chốc mà máu đổ thành sông, tiếng than dậy đất, mấy chuyện tranh chấp giữa ta và Yến Long, Trung Dung cùng Cao Tân tứ bộ không bằng ngón tay so với cuộc chiến này đâu.”
Ánh mắt Nặc Nại lộ vẻ kiên quyết, y nghiêm trang đáp, “Bệ hạ đâu phải như Du Võng, chúng tướng sĩ nhất định không để lại đại quân Hiên Viên tiến vào Cao Tân một bước!”
Nhận thấy nam tử trung dũng một lòng khi xưa đã trở về trong Nặc Nại, Thiếu Hạo tươi cười gật đầu, “Ta cần thời gian để củng cố ngai vàng, cải cách Cao Tân, huấn luyện quân đội!”
“Phải làm sao mới tranh thủ được thời gian?”
“Hoàng đế chinh phục Thần Nông chậm ngày nào, Cao Tân sẽ được an toàn thêm ngày đó.”
Nặc Nại dần hiểu ra, “Cao Tân là đông minh của Hiên Viên, không tiện công khai hỗ trợ Thần Nông, nhưng cứ âm thầm giúp đỡ, đại quân Thần Nông càng mạnh thì Hoàng Đế càng bị uy hiếp, Cao Tân chúng ta cũng càng được lợi.”
“Đúng! Đây chính là việc có lợi cho cả Thần Nông lẫn Cao Tân mà ta nói đó.”