Truyền Thuyết Giếng Thanh Ti

Chương 15: Vỹ thanh của truyền thuyết

Trước Sau

break
Lô Bán Nhi ở lại bên giếng suốt bảy năm.

Sau đó, vào một đêm trăng, đêm mười ba tháng sáu, không ai còn trông thấy nàng nữa.

Có người nói, nàng không chịu nổi nỗi khổ đau của ái tình nên đã nhảy xuống giếng rồi.

Một chuyện tình tuyệt thế, đến vết tích cuối cùng cũng đã không còn lưu lại.

Lúc này, bắt đầu có người than thở.

Khi ái tình đã biến thành bi kịch, mối tình từng chịu đựng bao áp bức lăng nhục dưới miệng lưỡi thế nhân bỗng dưng hoàn toàn biến đổi, trở thành kinh điển, trở thành truyền thuyết.

Một truyền thuyết kể rằng: Dưới đáy giếng, Trương Hiểu Kí đã tìm được Tất Ngộ Sơ, và cũng ở dưới ấy đã luyện nên một thân võ công tuyệt thế. Chỉ đáng tiếc, giếng Thanh Ti không thể thoát ra được.

Lô Bán Nhi thì ở bên miệng giếng ngày ngày khổ luyện Khi Nha đại pháp của nàng. Nữ nhân Ma giáo không có thiên tiên điểm hóa nên cầu Ô Thước, chỉ có cách đánh lừa quạ đen (khi nha). Mái tóc nàng càng lúc càng dài, thân thể càng ngày càng nhẹ bẫng. Một đêm nọ sau bảy năm, nàng dùng tóc mình bện thành dây dài bảy trượng, phá tan lời nguyền của giếng Thanh Ti, cứu được phu quân dưới đáy - nhờ chính mái tóc nàng làm vật dẫn.

Truyền thuyết kể rằng, đêm đó trăng sáng vằng vặc, sau khi đưa Trương Hiểu Kí lên được rồi, thân nàng đã nhẹ tựa xác ve; nghe nói, là vì Khi Nha đại pháp rút kiệt máu huyết.

Đương nhiên có khả năng truyền thuyết này chỉ được tạo ra từ lòng hảo tâm của những người lương thiện mà thôi. Còn đúng vào ngày ấy bảy năm sau đó, Lô Bán Nhi thật sự càng lúc càng gầy mòn, tóc nàng cũng càng ngày càng dài, dài tới chấm đất, trở thành bằng chứng cho những ai tin tưởng mạnh mẽ vào truyền thuyết. Thậm chí sau này còn có câu chuyện kể rằng thấy họ ăn mặc như nông phu nông phụ ở núi Vân Phù. Người ta nói rằng để cứu Bán Nhi, Trương Hiểu Kí đã tự tán hết tuyệt thế công lực tu luyện một đời. Bọn họ gọi nhau là "lão công" với "lão bà" - cách xưng hô "tiểu Khấu", "tiểu Bán" đã như ánh trăng ngày xưa tiêu tán giữa gió lay.

Giếng Thanh Ti cũng ngày một già đi, giếng bị phá mất ma pháp nên dần dần cạn khô. Ô trấn cũng đã già cỗi theo, già theo từng gánh bắp cải, theo từng lớp muội khói dầu bám lại. Nơi này chỉ còn tình ái tầm thường sinh con đẻ cái, đánh đánh chửi chửi. Tình cảm ấy có chút dơ bẩn, có chút tư lợi, có chút dung tục, nhưng lại dài lâu. Chỉ có một khúc đồng dao là còn lưu lại nơi những chiếc miệng xinh xắn của trẻ con:

Thanh Ti tỉnh

Thất trượng thâm

Bách niên kết phát vi lương nhân

Lang tâm kiểu như thiên thượng nguyệt

Thiếp ý uyển tự nguyệt biên vân

Dạ sắc bích trầm trầm......

Giếng Thanh Ti

Sâu bảy trượng

Trăm năm kết tóc vì phu quân

Tình chàng ngời như trăng vằng vặc

Ý thiếp tựa mây nép bên trăng

Đêm xanh đã ngập tràn...

Đó là khúc ca Lô Bán Nhi thường hát trong bảy năm dài bên bờ giếng. Người ta đều nói ái tình như gió thoảng. Nhưng là cái gì đang sống trong lời ca, nương theo từng chiếc miệng của con trẻ, để rồi biến thành vĩnh viễn tươi xanh trong cuộc bể dâu của nhân thế vậy?

(Nói thêm lời cuối: Cổ Song Hoàn cả đời không lấy ai. Nàng cũng hát khúc ca ấy, mỗi lần nàng hát lên, trong đôi mắt già nua theo năm tháng lại hồi phục ánh nhìn trong sáng pha lẫn hơi sương. Bán Nhi kết tóc, tiểu Khấu thành không, Song Hoàn tịch mịch - đây là câu chuyện về một cuộc tình, cũng là câu chuyện của một cô gái chứng kiến cuộc tình ấy.)
break
Trò Chơi Ái Tình
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Tán Tỉnh Chàng Cảnh Sát Hình Sự
Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc