Nửa đêm canh ba, nghĩa trang làng Kim Hoàng vắng lặng như tờ, chỉ có tiếng sâu dế đào đất lích rích và tiếng gió ù ù luồn qua kẽ lá.
Sau một gò đất nhỏ, hai bóng người đang lúi húi đào đất. Ánh lửa trên bó đuốc cắm bên hố mộ lay lắt như sắp tắt, chiếu ra khuôn mặt của một cậu trai tuổi chừng mười lăm, mười sáu và một người đàn ông trung niên râu ria xồm xoàm.
Cậu thiếu niên gầy gò bỏ những khúc xương trắng hếu trên nền đất vào bình gốm, vơ cả tóc, cả răng vào bình. Người đàn ông bên cạnh liên tục thúc giục cậu nhanh tay lên, tìm kĩ trong hố, đừng để sót bất cứ thứ gì của cái xác.
“Thầy, xong hết rồi.” Tro lau mồ hôi trên mặt: “Ngoài xương với răng ra thì chẳng có gì cả, đến cái chiếu rách cũng không.”
“Mẹ kiếp!” Lão Chí nhổ nước bọt: “Đúng là thứ keo kiệt, đi về!”
Hai thầy trò nhanh chóng lấp cái gò đất lại, thắp hương, hóa vàng mã rồi cắp xẻng cầm đuốc rời đi. Lúc bước ra xa khỏi gò đất, Tro chợt nghe như có tiếng cười khe khẽ của con gái đằng sau. Nó cứng người, mồ hôi mẹ mồ hôi con tuôn ra như suối.
Tro tóm chặt ống tay áo lão Chí: “Thầy, thầy có nghe thấy gì không?”
Lão Chí sốt ruột hất tay nó ra: “Có cái quái gì được. Tao làm nghề này bao nhiêu năm nay rồi, chỉ thấy người tự mình dọa mình chứ chưa thấy hồn ma bóng quế bao giờ.”
Tro không dám nói gì nữa. Tính lão Chí hay gắt gỏng, nói thêm khéo lão đánh cho một trận cũng không chừng. Nó cắm cúi đi về phía trước, cố lờ đi hơi lạnh thấm buốt sau cổ.
Không ai thấy thằng Tro đang cõng một cô gái da thịt tái xám, mặt mũi nát tươm sau lưng, hay tay cô ta ôm thít lấy cổ thằng Tro, hai chân duỗi thẳng, phần cổ bị một sợi dây thừng thô ráp buộc chặt. Cái miệng không lưỡi há hốc, để lộ cổ họng đen ngòm, luồng sương đen rập rờn xung quanh cô ta càng lúc càng lan rộng, từ xa nhìn lại như ma trơi phủ kín cả hai thầy trò.
Nhà hai thầy trò là một căn chòi nhỏ ngoài rìa làng, ngay dưới cây đa cổ thụ. Chưa đến gần họ đã nhìn thấy bóng một người đàn bà đang quỳ lạy trước ngôi miếu bên gốc đa.
Nghe tiếng bước chân, cái bóng ấy ngẩng đầu lên. Mụ trông phốp pháp, áo nâu trên người còn khá mới, còn đeo cả vòng bạc. Lúc này người chết đói nhiều như rơm như rác, mụ thế này đã được coi là có mặt mũi lắm rồi.
Nghe tiếng bước chân, mụ Oản không thèm ngẩng đầu lên: “Sao?”
“Sao trăng gì? Chả có cái đếch gì cả. Thế mà thằng Mãn dám nói có vòng vàng nhẫn ngọc, mẹ kiếp, đến bộ áo lụa cũng không có! Cả một đêm!” Lão Chí vừa cằn nhằn vừa nhổ toẹt xuống đất, gió đêm hè nóng bức càng khiến lão bực bội hơn.
Thằng Mãn lão nhắc là tay ‘cò’ chuyên việc tang ma hiếu hỷ quanh đây. Chẳng biết ai mách hắn là ngôi mộ đó có nhiều đồ chôn cùng lắm nên hắn xúi lão Chí đào lên, đồ vàng đồ bạc chia hắn hai phần là được. Nào ngờ…
Mụ Oản dập đầu thêm lần cuối rồi đứng dậy cười hơ hớ: “Hên xui, chứ nếu lần nào cũng vớ bẫm thì tôi với ông cũng đã lên thành phố hưởng phúc lâu rồi.”
Lão Chí vứt đống đồ nghề cho thằng Tro mang ra giếng rửa rồi hầm hè vào nhà. Mụ Oản lắc đầu đi theo, trước khi quay người, mụ liếc ngôi miếu hoang một cái. Bát hương trong miếu vốn đầy tràn hương tro chợt sụt xuống một góc. Dưới ánh trăng mờ ảo, loáng thoáng có bóng một cô gái xõa tóc ngồi quỳ trước bát hương, vừa bốc từng nắm hương tro bỏ vào miệng vừa dập đầu với mụ Oản.
***
Lão Chí đánh thức thằng Tro lúc mới tờ mờ sáng, sai nó lên chợ mua đồ cho mụ Oản làm lễ, giấy tiền vàng bạc, gà lợn trái cây, cứ thỏa sức mà mang về, sẽ có người đến trả sau. Lúc thằng Tro khệ nệ ôm đồ về thì mụ Oản đã vấn tóc, mặc áo lễ, trang điểm xong xuôi, đang ngồi nhai trầu chờ nó.
Mụ Oản là đồng cốt nổi danh cả huyện, nghe nói đã truyền nghề tới tận ba đời. Ngày nào cũng có người tới tìm mụ xem bói, trừ tà, chọn ngày làm tang ma hiếu hỉ, nhưng mụ kiêu lắm, không phải ai cũng nhận, giá lại cao chót vót, nhưng càng thế thì người ta lại càng tin.
Hôm nay mụ tới nhà ông Vĩnh Xương, buôn vải giàu nhất vùng này để làm lễ trừ tà. Trong sân vườn rộng hàng nghìn mét là một ngôi dinh thự bề thế với hàng chục cửa sổ lớn trải khắp ba tầng lầu, hai bên có hai dinh thự nhỏ hơn làm nơi cư trú của khách khứa, đằng sau còn có cả hồ nước và một tòa nhà thờ cúng được xây riêng biệt. Thằng Tro nhìn cơ ngơi này mà choáng ngợp, nhưng nó cũng không dám ngắm lâu, chỉ liếc qua rồi cun cút cúi đầu chờ mụ Oản sai bảo, biết nó mà xuýt xoa làm mụ mất mặt thì lúc về sẽ nhừ đòn.
Người hầu kẻ hạ của ông Vĩnh Xương dễ phải đến mấy chục, nhưng trong nhà lúc nào cũng lặng như tờ, không khí ngột ngạt ủ rũ đến độ thằng Tro thấy ngạt thở.
Vợ chồng ông Vĩnh Xương đứng ngoài cửa chờ mụ Oản, cả hai trông trí thức hiền lành chứ không có vẻ khôn khéo con buôn. Hai ông bà có ba người con, người con trai đầu tên Văn, ốm yếu từ nhỏ nên không có mặt, cậu thứ hai tên Cẩn và cô con gái út là Nhung.