“Văn phòng của em chỉ cách Thánh đường Đỏ có hơn 100m, dường như mọi con mắt ở Islamabad đều đổ dồn vào đó khi nhóm các tay súng do giáo sĩ Ghazi bắt cóc và sử dụng phụ nữ và trẻ em làm lá chắn sống để tiến hành thánh chiến chống lại chính phủ. Đã nhiều năm nay, Thánh đường Đỏ trở thành trung tâm hoạt động của các nhóm Hồi giáo vũ trang Pakistan. Những đất nước bí ẩn và nội chiến triền miên, nơi những người đàn ông có đến bốn người vợ, hàng chục người con và sẵn sàng chết trong một giây kêu tên đức tin của họ. Nhưng máu và nước mắt đâu phải là thứ dễ làm quen, phải không anh? Em len lỏi trong dòng người hoảng loạn nơi bệnh viện liên bang Islamabad mà thấy cơ mặt tê dại khi đưa máy ảnh lên bấm; sự sống của con người sao mà mong manh quá vậy? Ở nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh này, mới hiểu tại sao con người cần đức tin – hoặc giản đơn hơn – cần một bến bờ để nhớ. Một đồng nghiệp của em đã chụp được những tấm ảnh trong cuộc tấn công của quân đội chính phủ vào nơi nhóm cực đoan đang giam giữ con tin, mặc dù trước đó đã có lệnh ban ra rằng bất kỳ ai trong cánh báo chí lẻn vào khu thánh đường sẽ bị bắn. Vợ anh ấy đang có bầu, đứa bé chỉ mới tượng hình. Hằng đêm, anh ấy viết những bài nóng nhất, rồi huýt sáo, viết thư về cho vợ: “Em giữ gìn sức khoẻ nhé. Công việc của anh cũng vẫn vậy, bình thường, không có gì đặc biệt. Việc nguy hiểm nhất mà anh phải làm là tắm nước lạnh hàng sáng trong khi nhiệt độ bên ngoài trên 35 độ C..
.” Có quá nhiều lúc, ngồi phệt rã rời trên cát ẩm cạnh những ngôi làng tan hoang vì bão, hay nằm lao đao trên những con thuyền lênh đênh giữa biển, xung quanh là những con người khốn khổ cùng tận vì thiên tai, vì nội chiến… em tự hỏi con người đang kiếm tìm điều gì? Chỉ là sự bình yên. Đơn giản là được bình yên sống, bình yên tồn tại, bình yên kiếm kế sinh nhai, và bình yên yêu thương nhau. Còn em? Em đang tìm kiếm gì trong những chuyến phiêu du khắp mọi châu lục?
… Em vẫn tin rằng đâu đó trên thế giới này, em trai em vẫn đang lang thang, tìm những con ốc biển và mang về cho em, và chúng em sẽ lại cùng áp tai và nghe tiếng sóng, ở góc ba – phần – tư…
… Và bố mẹ em – sẽ đón em với nồi súp bắp cải khoai tây cà rốt với sườn hầm nhừ, bánh mì nướng giòn, và pho mát – một bữa ăn “đặc tây” – nóng và ấm. …
“Anh có biết tại sao em không bao giờ nói lời tạm biệt không?”…
… Từ ngày gia đình em biến mất một cách đơn giản khỏi thế giới này – Biến mất! Đúng đấy! Đơn giản như trò đùa, không một dấu tích, không một lời nhắn nhủ – Em hầu như không gần gũi với ai…
Mọi câu nói, mọi cánh cửa, mọi liên hệ yêu thương dường như đều là những pha lê mong manh hư ảo. Trước đây, em chưa bao giờ tới Đà Lạt. Thậm chí ở Việt Nam này, em cũng không còn một người thân thiết nào hết. Nếu nói huyết thống và tình yêu cuộc sống là những dây neo nối con người với những vùng đất, thì khắp cả đất trời này – em là con thuyền không có bến…
Thế mà lần đầu tiên đặt chân lên chốn cao nguyên này, em đã để mình mang nợ anh…
… Em vẫn hay mơ thấy tiếng em trai em cười. Những tảng đá rêu xanh rì trên bờ con suối ở góc ba – phần – tư… … Những lúc lơ mơ ngủ giữa những tiếng súng, tiếng sóng vỗ vào mạn tàu hay nằm dưới bóng râm rời rạc của những tán dừa trên bờ biển – tóc và môi khô nẻ – rất nhiều lúc, em đã tưởng mình đang ôm lấy cổ anh, ở trên lưng anh… …
Đà Lạt nhiều sương và hoa như thế… …
Thật lòng, em không muốn xa anh đâu!!!”… …
Băng qua những rẻo đường nhiều thong, sỏi vướng vào bánh xe ngựa lộc cộc, những biệt thự cổ với nhiều dây leo và hoa cẩm tú cầu xanh mát trước cửa, phòng trưng bày tranh thêu của công ty Thụy Khúc tựa lưng vào góc chợ Đà Lạt vẫn luôn là thế giới biến ảo của những sợi chỉ màu. Trong màn đêm của những toan tính làm ăn, nơi mà mỗi hợp đồng là một cuộc đấu trí giữa những đối tác đều biết vận dụng luận thuyết “win – win” chẳng biết ai là gà, ai là thóc… Những món quà tinh thần mang tính ngoại giao để người được nhận có thể mang ra bày, phô trương một cách kín đáo ở phòng khách để thể hiện độ tinh tế và sang trọng không phải là đơn giản. Nghệ thuật – trong rất nhiều trường hợp – là một thứ hàng vô định giá mà trong đó, người đọc, người xem, người nghe càng hoang mang – thì tác giả càng thành công. Những đêm mưa một mình trong căn phòng vắng với một ly Chivas lạnh mười tám năm tuổi, nghe tiếng nhạc guitar của Kirk bàng hoàng, tôi một mình đối ẩm với những bức tranh sẫm màu hoang hoải. Những mảng xám tối, những đường cong trên thân thể phụ nữ, những gốc cây trụi lá trên đỉnh đồi, những con chim lạc đàn cuồng phong cánh mỏi… Tôi nhốt kín những cuồng nộ lẫn hoan ca vào từng đường cọ, đóng kín cửa phòng và du lãng theo những cơn bung biêng chẳng rõ vì chất men nồng hay vì những nỗi niềm chẳng thể gọi thành tên. Mỗi khi ngày mới đến, tôi mở tung cửa cho nắng tràn vào, chậm rãi cài từng cúc áo sơmi màu tro của hoa hồng và thắt nút chuẩn xác trên chiếc cà vạt tơ tằm thời thượng đắt tiền, rời nhà trên những chiếc xe mà lai lịch của nó đủ để viết cả một cuốn tiểu thuyết, bỏ lại đằng sau căn phòng ngập nắng và những bức tranh tối màu chơ vơ giữa ánh rực rỡ của bình minh sáng tươi như chưa từng nói dối… Với kiến thức về xe cổ, với trí thông minh được thừa hưởng từ người cha và độ tinh tế từ thế giới thơ ca của mẹ, với toàn bộ những gì được thừa kế – tôi dễ dàng trở thành một trong những kẻ sành sỏi nhất trong lĩnh vực kinh doanh ôtô, nhà hàng với phong cách riêng mà chỉ những kẻ chơi xe cổ mới có… Những món quà tôi tặng để cảm ơn đối tác bao giờ cũng làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất… và trong số những món quà tinh thần ít nhiều phô phang ấy – tranh thêu luôn là lựa chọn chưa bao giờ sai lầm… Những người thợ thêu – những nghệ nhân thêu vốn kiệm lời, những ngón tay như múa của họ nhảy nhót trên toan vải, tô màu cho những khát – vọng – vô – sắc – tôi. Những đường cọ sắc cạnh, cô đơn của tôi – dưới những ánh nhìn đàn bà thuỳ mị – dưới những mũi kim se sắt nhẹ nhàng – dần dần dịu lại, hoà tan ra một Đà Lạt mênh mang và nhiều vương vấn…
Cô gái của tôi…
Cơn gió phiêu du cô độc của tôi…
Nối ám ảnh của tôi…
Em đâu biết rằng tôi cũng là kẻ duy nhất sống sót trong một tai nạn ô tô đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới…
… đã quá lâu rồi, tôi là kẻ lữ hành cô độc trên cõi – người này… nhưng con sói hoang cô độc cũng khát thèm một cái ổ ấm để nghỉ chân… …
- Anh thích tranh thêu đến thế sao? …
- Ừ … – Tại sao vậy? …
- Chẳng biết nữa. Chắc tại anh vụng về nên thấy ai làm gì khéo léo cũng thấy dễ thương.
Nói dối rồi. À mà không, không phải nói dối, chỉ là nói bừa thôi, vì không diễn đạt được, đúng không? Nói dối cũng là tội đấy nhé, sẽ bị phạt, mà em thì không muốn anh bị phạt. Sao anh không đi nhà thờ bao giờ nhỉ? …
- Vì anh giống em, anh vô thần. …
- Em không vô thần. Em có đức tin riêng của em. Chẳng phải tin vào tình yêu thương cũng là một đức tin hay sao? Đôi khi em thấy nó còn mãnh liệt hơn cả đức tin của những kẻ cuồng tín nhất, vượt qua mọi không gian, thời gian, vượt qua cả những rào cản ơ hờ nhất. Giống như em – không hiểu sao – dù có đi bất cứ nơi đâu trên Trái Đất này, em vẫn tin anh sẽ … thế nào nhỉ … giống như em đang nhìn anh đây này – đẹp trai, phong độ, khoẻ mạnh, tràn đầy sức sống, … Vì sao anh có biết không? Nhiều người nói rằng với những người làm ăn kinh doanh, nếu luôn luôn có một người nghĩ đến mình, quan tâm đến mình, cầu mong cho mình được vui vẻ, hạnh phúc và thành công một cách chân thành và vô điều kiện… thì đó sẽ là một lá bùa may mắn…. Và nếu quả thực điều này là có thật, thì anh hãy tin rằng: anh luôn luôn có lá bùa đó… …
Đàn ông sinh ra vốn đã nhiều tội lỗi, một lá bùa đâu đủ để xoá bỏ hết nợ trần gian ..
. … Anh tham lam quá đấy. Tham lam cũng là một cái tội, biết chưa? Sao đàn ông lúc nào cũng muốn cộng vào, chứ chẳng ai chịu trừ đi. Giống bố em, lần nào đi làm về, ông cũng vơ cả mẹ và em vào bằng hai tay, xiết thật chặt và cọ râu lên trán, vòng ôm đó đáng lẽ chỉ để cho một người thôi, đằng này lúc nào cũng phải là hai… Những lúc ấy em thấy thật tức thở, nhưng lại sung sướng và hồ hởi… Nhưng dù cho có nói yêu bao nhiêu, và những vòng tay nồng ấm bao nhiêu cũng là không đủ, phải không anh?