Mùa hè Ðà Lạt, những cơn mưa đầu mùa cũng thường đổ xuống bất chợt, không một dấu hiệu báo trước như ở Saigon. Nhớ lời hẹn với Ðăng, 4 giờ chiều đến hội trường đại học xem các bạn tập kịch, nhưng nhìn cơn mưa ào ạt bên ngoài tôi đâm ngại không muốn rời khỏi phòng.
Phải đi bộ trong mưa một đoạn đường dài rồi phải chen lấn dành một chỗ ngồi ướt át trên xe lam để đến hội trường, đối với tôi lúc này là một cực hình. Tôi bật đèn trong phòng rồi nằm dài trên giường, đọc tiếp một cuốn truyện trinh thám nước ngoài tôi mới thuê hồi trưa. Những lúc rảnh rỗi tôi thích đọc truyện trinh thám hơn truyện tình cảm. Bởi khi không chú tâm suy nghĩ chuyện gì, đầu óc tôi thường nhảy lung tung như con khỉ và chỉ có loại truyện trinh thám mới giam giữ được nó.
Buổi tối trời vẫn còn mưa. Tôi xuống ăn cơm với gia đình bác quản gia ở căn nhà nhỏ phía sau biệt thự. Căn nhà chỉ có hai vợ chồng và một chú chó berger to lớn. Người con trai duy nhất của hai bác đã có gia đình ở Tùng Nghĩa, thỉnh thoảng anh dẫn một đứa con về chơi với ông bà nội vài hôm rồi lại đem đi.
Bữa ăn tôi không báo trước cho hai bác nên rất đạm bạc. Trên mâm cơm chỉ có một tô canh trái su, một đĩa thịt kho và một đĩa rau xà lách. Bác gái đi lấy thêm một củ dền đỏ, thái thành những lát mỏng để lên đĩa rau. Bác biết tôi rất thích ăn loại củ đó. Bác nói:
- Tôi cứ tưởng cậu đi ăn cơm quán nên không nấu nướng gì nhiều.
Tôi cười đáp:
- Trời mưa nên cháu lười xuống phố. Ðược ăn cơm nóng như thế này là tốt rồi.
Bác trai nói với vợ:
- Bà nướng ít miếng khô nai cho tôi nhậu lai rai với cậu đây.
Trong khi chờ đợi món nhậu, tôi và bác trai ăn cơm trước. Ðược ăn những chén cơm nóng hổi trong một buổi tối lạnh lẽo, dù thức ăn không nhiều tôi vẫn cảm thấy ngon miệng. Một lúc sau bác gái bưng từ dưới bếp lên một đĩa thịt nai nướng thơm phức. Bác trai rót đưa tôi một ly rượu trắng lờ lờ như nước dừa. Tôi hỏi:
- Rượu đậu nành hả bác?
Ông lắc đầu cười:
- Rượu đế Nùng đó. Con tôi mua của người Nùng ở Tùng Nghĩa đem lên cho. Cậu uống thử xem, ngon hơn rượu đậu nành nhiều.
Tôi ở đây đã gần một tháng, tối nay là lần đầu tiên tôi nhậu với bác trai. Những ly rượu đã giúp chúng tôi tâm sự với nhau dễ dàng hơn. Bác cho biết đã ở với ông chủ biệt thự này gần 30 năm. Trước kia bác làm tài xế cho ông chủ đến khi ông ta lập gia đình, bác trở thành quản gia.
Về cái chết của ông chủ, chính bác cũng không hiểu lý do. Người ta đồn ông đã thất bại trong một áp phe lớn, bị vỡ nợ nên tự tử. Bác không tin chuyện đó vì gia đình ông chủ vẫn giàu có sau khi ông ta chết.
Tôi hỏi bác có nghi ngờ gì cái chết của ông chủ không. Bác nói mặc dù là người rất thân cận với ông chủ nhưng bác cũng không hiểu tại sao ông ta lại tự tử. Bác vẫn thường đi săn bắn chung với ông chủ. Bác thấy đôi khi ông ta bắn thú dữ rất hung bạo. Con vật đã bị thương nằm giãy chết, ông ta còn bắn liên tục vào thân nó. Nhưng cũng có lúc tay ông run rẩy khi nhắm bắn một con thú và rồi ông đã để nó chạy mất. Ông ta đã sống quá nhiều với đầu óc và một người sống nhiều với đầu óc thì bác chịu thua không hiểu nổi.
Tôi là người không hay uống rượu nên đến ly thứ ba, mặt tôi đã nóng bừng. Tôi hỏi:
- Bác đã thấy hồn ma ông chủ hiện về bao giờ chưa?
- Cậu cũng tin chuyện bá láp đó sao. Chính tôi đã ngủ trong phòng ông chủ tự tử mấy lần nhưng nào có thấy ma quỉ gì đâu.
Tôi cười nói:
- Cháu hỏi cho biết vậy mà. Nếu thật có ma quỉ cháu cũng không sợ. Ðược quen với hồn ma ông chủ biết đâu sẽ có nhiều điều thú vị.
Bác gái ngồi im lặng ăn cơm, bây giờ mới góp tiếng:
- Có rượu vào cậu dễ nói cứng. Tôi sợ khi gặp hồn ma ông chủ, cậu sẽ chạy vắt giò lên cổ.
Tôi cười nói:
- Vậy chắc bác đã thấy hồn ma ông chủ?
- Có. Một lần vào lúc nửa đêm, tôi thức dậy nhìn ra vườn và thấy ông chủ đang đi giữa các luống hoa. Ðầu ông ta đầy máu trông thật tội nghiệp. Tôi đã đánh thức nhà tôi dậy để chỉ cho ông ấy thấy, nhưng khi chúng tôi đến cửa sổ để nhìn ra vườn thì ông chủ đã biến mất.
Bác trai quay sang hỏi vợ:
- Bà có chắc đó là ông chủ không?
- Tôi còn lạ gì hình dáng ông chủ. Ðêm đó ông ta mặc bộ quần áo ngủ sọc xanh lá cây giống như hôm ông tự tử.
Bác trai lắc đầu.
- Vào lúc nửa đêm trông gà hóa cuốc là chuyện thường, nhất là đối với đôi mắt kém cỏi như bà.
- Ðàn bà mà. Họ luôn luôn quả quuyết đã nhìn thấy rõ ràng cái mà đàn ông chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy!
Uống cạn ly rượu, tôi nhìn đồng hồ đã hơn 8 giờ. Nhớ có hẹn với cô bé, tôi xin phép bác trai đứng dậy. Vừa mở cánh cửa lớn, gió thổi thốc những hạt mưa lâm râm vào mặt mát lạnh, tôi quay vào hỏi mượn bác trai chiếc áo mưa và chiếc dù đen. Bác hỏi:
- Giờ này, cậu còn đi đâu?
Tôi nói dối:
- Cháu có hẹn với người bạn lúc 9 giờ ở dưới phố.
Khi tôi mặc xong áo mưa và che dù bước ra khỏi nhà, bác còn nói với theo:
- Cậu nên đi về sớm. Trời mưa đi đường khuya rất nguy hiểm.
Mưa không còn nặng hạt như lúc chiều nhưng gió thổi tạt những hạt mưa nhỏ vào người, nên chỉ một lúc sau hai gấu quần của tôi đã thấm ướt. Ðường phố vắng tanh và tối đen. Những biệt thự hai bên đường đều đóng kín cửa, không có một chút ánh đèn nào hắt ra. Ði bộ suốt một đoạn đường dài, tôi không gặp một người bộ hành nào hay một chiếc xe nào chạy ngang. Ðêm ở Ðà Lạt thật buồn thảm như những cây hoa quì ủ rũ bên đường.
Hồ Xuân Hương ở gần trung tâm thành phố cũng ít có bóng người qua lại trên bờ. Nhà hàng Thủy Tạ đèn còn bật sáng nhưng tôi không thấy có chiếc xe hơi nào đậu bên ngoài, có lẽ bên trong khách khứa chẳng là bao. Những ly rượu tôi uống với bác quản gia đã tan nhanh vào gió lạnh. Tôi muốn bước vào nhà hàng uống một ly cafe Rhum cho ấm người. Nhưng sợ không nhìn thấy cô bé khi em đến, nên tôi đi bộ đến đợi em ở cầu gỗ có buộc những chiếc pédalo.
Ðứng dưới hiên một quán kem đã đóng cửa, tôi quay người áp sát vào vách gỗ để che gió châm thuốc hút. Mưa bụi vẫn rơi đều và bay lả tả trên mặt hồ đen thẫm. Hơi thuốc đã giúp tôi chịu lạnh dễ dàng hơn dù hai bàn tay còn hơi run.
Nửa giờ trôi qua vẫn không thấy cô bé đến. Tôi nghĩ có thể em đã bị người mẹ giữ lại ở nhà. Một đêm mưa như thế này, chẳng có người mẹ nào muốn con cái đi ra ngoài đường. Nhớ lời bác quản gia dặn đừng nên về khuya nguy hiểm, tôi đã muốn quay về nhà trọ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn tin là cô bé sẽ đến, mặc dù một người như em rất dễ quên những lời nói. Chờ đợi cô bé này cũng là một "trò chơi giết thời giờ" giống trò chơi hộp bi. Tôi nghĩ vậy và dựa lưng vào vách quán kem, tiếp tục trò chơi.
Một chiếc xe hơi từ xa chạy vụt đến rồi từ từ đậu sát lề. Tiếng máy xe tắt và cửa xe mở bung ra. Tôi nghe có tiếng nói:
- Thôi vú ngồi trong xe đợi con, ra ngoài lạnh lắm.
- Ừ, nhưng con tìm mau lên. Má con không cho con đi lâu.
Một người bước ra khỏi xe. Ðấy chính là cô bé tôi đang đợi. Em mặc chiếc áo mưa màu đỏ có mũ trùm kín đầu như loại áo của những người trượt tuyết. Em đóng cửa xe lại rồi đưa mắt nhìn quanh. Tôi bước ra khỏi hiên quán kem và gọi:
- Lan Hương.
Cô bé đi đến gần tôi, em hỏi:
- Ông là ai mà biết tên em?
Tôi giơ cao chiếc dù lên để em nhìn rõ khuôn mặt.
- Sáng nay em đã hẹn gặp tôi ở đây và tôi đã phải đợi em gần một tiếng đồng hồ. Vậy mà em còn hỏi tôi là ai nữa sao?
Cô bé gật gật đầu:
- Em nhận ra ông rồi. Trông ông khác lạ hơn buổi sáng.
- Chắc là tại tôi mặc chiếc áo mưa cánh dơi rộng thùng thình này.
Cô bé lắc đầu:
- Không phải đâu. Tại buổi sáng khác, buổi tối khác và người ta cũng vậy. Ông đã tìm giúp em chưa?
- Tôi đang đợi em đến để cùng tìm.
- Ông lười quá. Công việc đó em có thể làm một mình được mà.
Tôi biện hộ:
- Tìm một mình, tôi sợ lòng tham nổi lên và sẽ lấy mất của em.
Cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Em không tin ông lấy mất của em.
- Tôi có thể lấy lắm chứ. Tính tôi rất tham lam.
- Nếu tham lam ông đã chịu khó tìm trước một mình rồi.
Tôi bật cười vì cô bé liến láu:
- Thôi nhỏ, chúng ta cùng đi tìm.
Tôi kiếm một thứ mà mình chẳng biết rõ nó là cái quái gì, tôi nghĩ đó cũng là một "trò chơi giết thời giờ". Tôi sốt sắng đi bới tìm những bụi cỏ với cô bé. Những bụi cỏ đọng đầy nước mưa khiến tay tôi lạnh run. không muốn tiếp tục hành hạ thân xác mình trong đêm mưa, tôi "dụ khị" cô bé đến một nơi ấm áp.
- Này nhỏ, có thể em đánh rơi nó trong nhà hàng Thủy Tạ. Vậy chúng ta đến đó tìm kiếm.
Cô bé lắc đầu:
- Chắc chắn em không đánh rơi nó ở những nơi đông người.
- Vậy chúng ta đên hiên quán kem kia tìm, nơi đó rất vắng vẻ.
- Cái đó màu xanh lá cây nên em nghĩ nó chỉ nằm ở những nơi có màu xanh lá cây.
Nghe cô bé lý luận, tôi muốn điên cái đầu. Tôi chỉ đại lên một ngọn cây thông và nói:
- Trên cao kia cũng có màu xanh lá cây, vậy em leo lên đó mà tìm.
- Nó không rơi ở trên cao kia đâu, nói chỉ rơi trên mặt đất. Ông tìm giúp em đi, cứ đứng nói hoài làm sao tìm thấy được.
Thấy cô bé nhăn mặt, sợ em giận, tôi vội cúi xuống tiếp tục tìm kiếm ở những bụi cỏ. Tôi tự an ủi Chúa đã dạy: "Hãy tìm sẽ thấy". Nếu tôi cứ tiếp tục kiên trì tìm kiếm ở những bụi cỏ rồi tôi sẽ tìm thấy... những đồng bạc người ta đánh rơi.
Sau một hồi tìm kiếm khó nhọc, mặt cô bé đã lộ rõ thất vọng. Muốn cho em quên đi vật đã ám ảnh em, tôi nói:
- Này nhỏ, thôi đừng mất công tìm kiếm nữa. Gió đã thổi nó bay xuống hồ chìm mất tiêu rồi.
Cô bé vụt đứng dậy và chạy ngay đến sát bờ hồ, tôi vội chạy đuổi theo níu giữ em lại:
- Này nhỏ, em làm gì vậy?
Ðôi mắt cô bé mở to nhìn chăm chăm mặt hồ rộng, có những cụm sương trắng đục bay là là bên trên. Rồi em òa khóc. Biết mình đã nói lỡ lời, tôi ôm chặt vai em và bào chữa:
- Ðừng khóc nhỏ. Tôi chỉ đoán mò vậy thôi. Nó không bị gió thổi bay xuống hồ đâu. Có thể em đã đánh rơi nó ở một chỗ khác.
Cô bé vẫn nhìn chăm chăm mặt hồ. Mưa bay lướt thướt như những sợi tơ:
- Em cũng mong như lời ông nói. Nếu không...
- Lan Hương, về đi con.
Chúng tôi cùng quay lại và thấy bà vú đứng che dù ở ngoài xe đang giơ tay vẫy gọi. Cô bé nói:
- Thôi em về. Ngày mai em sẽ đi tìm ở một chỗ khác. Ông hứa tiếp tục tìm giúp em nghe.
Tôi vỗ nhẹ lên vai cô bé:
- Ðược rồi. Tôi hứa sẽ tiếp tục tìm giúp em.
Tôi đứng yên tại chỗ nhìn cô bé đi về phía bà vú. Khi bà nắm tay em dẫn lên xe, em còn quay lại nhìn tôi. Cửa xe đóng lại, động cơ nổ nhẹ, chiếc xe phóng vụt đi và tôi vẫn đứng yên. Tôi nhớ đến đôi mắt cô bé. đôi mắt kia không hiểu có ma lực gì mà nó đã mê hoặc tôi, bắt buộc tôi phải tiếp tục tham dự trò chơi tìm kiếm một cái gì đó đã mất một cách vô vọng và buồn cười.
"Ngày mai em sẽ đi tìm ở một chỗ khác".
Bây giờ tôi mới nhớ mình đã quên hỏi cô bé "chỗ khác" là chỗ nào? Chẳng biết em ở đâu, liệu tôi có còn dịp gặp lại em để cùng nhau đi tìm kiếm ở một chỗ khác?
Trong khi cô bé cắm cúi đi tìm một cái gì đã mất thì tôi lại lặn lội đi tìm người đã đánh mất một cái gì. Thế có khùng không?