Tuyết ngoài vườn tan hết, đất đai khoe ra những thớ mềm màu mỡ. Nguyệt Sắc ngồi thêu hoa bên cửa sổ, lòng cảm khái, mới sang xuân chưa được bao lâu mà gió đã bớt hẳn hơi giá rồi.
Mỹ Ly ẵm Doãn Khác đi qua đi lại trong phòng, trêu đùa cho cậu bé vui. Mùa xuân đã đến, nàng có thể bế con ra ngoài chơi. Doãn Khác sinh vào mùa đông, tới giờ vẫn chưa có dịp ngắm không gian bao la cùng trời xanh mây trắng.
Nguyệt Mặc và Nguyệt Mi đon đả đưa Ngọc An cô cô vào phòng. Tuy Mỹ Ly đã dọn ra khỏi cung, chuyển về biệt viện vương phủ, Ngọc An cô cô vẫn thường xuyên ghé qua thăm hỏi, đem theo quà tặng và những lời dặn dò của lão tổ tông.
Ngọc An cô cô rảo bước lại ôm lấy Doãn Khác, đùa giỡn mãi với cậu bé, “Bé Doãn Khác sắp ba tháng tuổi rồi, càng ngày trông càng xinh xẻo, ngoan quá đi! Cách cách, nhìn này, cậu bé còn cười với ta nữa.” Bởi vì tận mắt chứng kiến cậu bé ra đời, rồi liên tục quan tâm săn sóc, Ngọc An rất yêu mến và gần gũi Doãn Khác.
Đám cung nữ theo hầu bưng vào mấy mâm lớn phủ khăn đỏ, bên trong đều là đồ dùng cho trẻ con do lão tổ tông ban thưởng. Mỹ Ly cầm lấy chiếc áo ngoài màu đỏ nhỏ xíu xem xét kỹ càng, cắt may khéo léo, kiểu dáng y hệt như của người lớn nhưng kích cỡ xinh xinh, trông rất đáng yêu.
Ngọc An đưa đứa bé cho ma ma, mở lớp vải đỏ ra, chỉ cho Mỹ Ly từng mâm đồ một, áo bào đỏ là lão tổ tông nhờ cao tăng cầu phúc, nàng vạch vạt áo ra, thấy bên trong giắt một túi nhỏ bằng vải mịn. “Đây là túi đựng do lão tổ tông đích thân may, trong đựng bùa bình an do cao tăng tự tay viết, lúc ba tháng tuổi thì để cho bé Doãn Khác của chúng ta mặc vào, bảo đảm phú quý bình an, sống lâu trăm tuổi!”
Mỹ Ly vuốt ve mặt vải mịn màng, mắt cay cay. Việc lão tổ tông quan tâm đến Doãn Khác khiến nàng cảm kích hơn bất cứ điều gì, còn biết ơn hơn cả khi lão tổ tông lo lắng cho nàng nữa.
Ngọc An cô cô cũng thấy sống mũi cay cay. Mấy hôm nữa Tố Doanh sẽ lâm bồn, Khánh vương phủ bận rộn đến mức nháo nhào cả lên, còn ai có thì giờ quan tâm đến lễ ba tháng tuổi của Doãn Khác? Bà đã nɠɵạı tứ tuần, kinh lịch từng trải, làm sao không biết lời đồn về thân thế của Doãn Khác sớm đã xôn xao khắp giới quý tộc? Tĩnh Hiên vương gia không nói ra miệng, nhưng cư xử hết sức lãnh đạm với đứa bé này. Cũng vì thế mà lão tổ tông rất đau lòng, có ý muốn biện minh giùm cách cách, nhưng mà, những lời đồn không thể biến mất chỉ vì một ý chỉ của lão tổ tông. Trước mặt không nói, sau lưng thì sao? Càng giải thích càng gây thêm ngờ vực. Nếu không thẹn với lòng thì cố gắng phân bua để làm gì? Như thế có khi chứng tỏ lời đồn đoán mới là sự thật. Hai nữa, ai quen với Tĩnh Hiên cũng đều biết rõ tính khí của y, một khi trong lòng y quả quyết điều gì, sẽ không nghe bất kỳ ai khuyên nhủ.
“Lão tổ tông dặn, đứa bé còn nhỏ, quá coi trọng thì e bạc phước, khóa trường mệnh này là do thợ khéo léo bậc nhất trong Nội vụ phủ chế ra, đặc biệt chuyển từ kinh thành đến đây.”
Trời tối hẳn, Tĩnh Hiên mới về phòng, nhìn thấy quà thưởng bày đầy trên bàn, ánh mắt vô cùng phức tạp, gần đây y rất bận, hết chuyện thai sản của Tố Doanh lại đến công vụ do hoàng thượng giao. Mỹ Ly không nhắc nhỏm, y bèn cố ý quên, không đả động tiếng nào.
Nói ra thì hoang đường, nhưng y không ngờ mình lại đem lòng ghen tị với đứa bé sơ sinh chưa đầy ba tháng tuổi! Nó chiếm hết toàn bộ tình cảm của Mỹ Ly. Y biết thừa thiên hạ xì xầm rằng y lạnh lùng với đứa bé chỉ bởi nó không phải là con ruột, nhưng y cũng lẳng lặng chấp nhận giả thuyết đó. Mỗi khi nghe thấy có người bàn tán Doãn Khác là con hoang, y chừng như hả giận. Thật hèn hạ quá! Càng ngày y càng ti tiện, đến y còn xem thường chính mình nữa là.
Mỹ Ly ngồi xuống ghế cạnh ngọn đèn, ánh mắt nhìn y phảng phất vẻ ai oán. “Ngày mốt là lễ ba tháng tuổi của Doãn Khác.” Nàng chậm rãi nói, “Bên này sẽ chuẩn bị một bàn thịt rượu, ngài nhất định phải đến!”
Nàng yêu cầu thay cho Doãn Khác!
Chiến sự vừa chấm dứt, công vụ nặng nề, Tố Doanh lại sắp sinh nở, y không quan tâm đến Doãn Khác, nàng cũng không oán giận. Dù y muốn tổ chức đại tiệc mừng Doãn Khác thì cũng có mấy người thực lòng chúc phúc cho thằng bé đâu, những điều ấy nàng đều hiểu. Nhưng mà, dẫu đơn giản đến mức độ nào, người làm a mã như y cũng phải có mặt chứ!
Ánh nến soi tỏ đôi mắt đẹp quật cường khiến tim Tĩnh Hiên đau nhói, y bước tới ôm lấy nàng, hạ giọng cam đoan những lời trái với lòng: “Ngày mốt ta sẽ về sớm.” Sắc mặt nàng vẫn chưa tươi lại, y đành tiếp tục khuyên nhủ. “Mỹ Ly, đợi về lại kinh thành, Doãn Khác thôi nôi, dứt khoát ta sẽ khánh chúc thật lớn, mở tiệc rượu linh đình, mời hết thảy họ hàng bạn bè đến dự.” Y cười chua xót, gần như là đang dối gạt nàng, nhưng chẳng phải cũng là dối gạt chính mình hay sao!
Chỉ cần nàng cảm thấy vui thì mọi ŧıểυ tiết có đáng gì, dẫu phải đối xử với Doãn Khác như con ruột thì cũng có sao, thứ y cần nhất là nụ cười tươi tắn của nàng.
Nằm trong lòng y, Mỹ Ly không nói gì. Nàng bỗng muốn, rất muốn, rành rọt nói cho y biết, Doãn Khác là con ruột của y!
“Doãn Khác…” Cuối cùng nàng cũng mở miệng được.
“Mệt rồi, ngủ mau đi, ngày mai ta còn phải dậy sớm.” Tĩnh Hiên cắt ngang lời nàng, gọi a hoàn vào hầu rửa mặt. Y không nhìn nàng nữa, chẳng cần nhìn cũng biết hoặc là thất vọng hoặc là oán trách. Nói cho đúng, y đã hạ quyết tâm đối xử tử tế với Doãn Khác để nàng đẹp lòng, nhưng câu nào nói với y nàng cũng nhắc đến đứa bé đó, mọi chuyện nàng làm cũng là vì đứa bé đó, y không tài nào cấm đoán được cảm giác bực bội và oán hận. Thật là lòng nàng nghĩ sao y đều hiểu hết, nàng chưa hề trực tiếp yêu cầu y làm gì, chỉ hy vọng y chủ động đối xử tốt với Doãn Khác, chủ động hoàn thành trách nhiệm của một người cha.
Ánh mắt nàng dành cho Doãn Khác, nụ cười khi nàng ẵm Doãn Khác… đều khiến y ghen tỵ sâu sắc. Thật là đáng cười! Đừng nói đó là con của Vĩnh Hách, dẫu là con ruột y, y cũng không chịu đựng nổi! Giá nàng có thể san sẻ một góc của trái tim mình cho y thì đã tốt lắm rồi. Mỗi lần nhận ra bản thân đang thầm oán trách như vậy, y đều chán chường khôn tả. Trước mặt nàng, lúc nào y cũng thật nực cười.
Có lúc y phẫn hận, ước ao Doãn Khác là con ruột mình, như vậy y có thể đường hoàng quẳng cho nhũ mẫu, đường hoàng kéo Doãn Khác xa khỏi Mỹ Ly đôi chút. Nhưng không thể. Y cứ sống một cách mâu thuẫn như thế, vì muốn nàng vui mà phải đối xử tốt với Doãn Khác, nhưng đối xử tốt với Doãn Khác xong, y lại ghét ghen hậm hực.
Đoán chừng vương gia sắp rời cung về nhà, rượu và thức ăn bắt đầu được dọn ra bàn.
Doãn Khác mặc áo bào đỏ rực, khuôn mặt nhỏ nhắn trắng bóc khiến người ta chỉ muốn cắn một miếng. Mỹ Ly vừa mỉm cười nhìn đám đầy tớ tất bật, vừa ôm đứa bé vào lòng hôn hít.
Con trai nàng đã tròn ba tháng tuổi, ngày đáng ăn mừng, đáng kỷ niệm, ba tháng tuổi, thôi nôi, bắt đầu nói chuyện, bắt đầu bước đi, mốc lớn mốc nhỏ đều rất quan trọng đối với nàng.
Phòng ngoài cũng bày mấy mâm tiệc, khao thưởng nô bộc a hoàn. Ai nấy đều tươi cười hớn hở, lâu lắm không có dịp vui thế này, Mỹ Ly cũng cười, nhâm nhi cảm giác hoan hỉ bao ngày không gặp.
Đơi, đợi mãi, Tĩnh Hiên vẫn chưa đến.
Ngồi bên bàn nhìn cao lương mỹ vị nguội lạnh, đám người hầu thầm lộ vẻ tiếc nuối, tiếng cười đùa cũng từ từ lắng xuống, cuối cùng thành lặng ngắt, thành chờ trông tĩnh mịch.
Nụ cười hóa đá trên môi Mỹ Ly, nhưng cương quyết không tắt lịm.
Nàng biết y đã về phủ, người hầu có sang báo rồi, đám a hoàn bé vừa nghe nói vương gia về phủ, tưởng sẽ mở tiệc ngay nên còn reo hò hoan hô một lúc lâu.
Nàng cương quyết chờ y!
Lễ ba tháng tuổi của Doãn Khác, y là a mã, dù sao chăng nữa thì cũng nên đến!
Một a hoàn bé nhỏ thò đầu vào cửa gọi Nguyệt Sắc, vì mọi người im phăng phắc, tin báo nghe rất rõ, “Phúc tấn sắp lâm bồn, vương gia ở bên trông chừng không đến được, mọi người tự mình ăn mừng đi.”
Tự mình ăn mừng?
Mỹ Ly ôm Doãn Khác đứng dậy, phá lên cười, nước mắt mấp mé bờ mi, nhưng nàng cố nhẫn nhịn, “Vậy chúng ta bắt đầu thôi.” Nàng nhấc một chung rượu lớn rồi dốc một hơi cạn sạch.
Tĩnh Hiên cau mày ngồi ở nhà giữa, nhìn bà đỡ ma ma ra ra vào vào, tai ong ong tiếng gào thét dữ dội vật vã của Tố Doanh.
Lúc sinh Doãn Khác, nàng cũng phải chịu đựng thế này sao? Tim y đột nhiên nhói đau.
Nàng đã hy sinh quá nhiều cho Doãn Khác, nhiều đến mức chính y cũng không chịu nổi. Đứa con của y chọn ngày hôm nay ra đời, quả là đã cho y một cái cớ hợp lý, Tố Doanh vượt cạn, người làm chồng như y dù sao cũng phải túc trực bên ngoài chứ? Tốt xấu gì thì đây cũng là con ruột của y! Hờ hững phái một a hoàn bé đi báo tin cho Mỹ Ly xong, y lập tức hối hận, chẳng phải y luôn muốn làm vui lòng nàng sao? Nhưng y vẫn hậm hực, cố ý không gọi lại, dẫu y có đi thì cũng chỉ là một vật trang trí cho lễ ba tháng tuổi của con trai nàng mà thôi. Dù y rời Tố Doanh đến thăm nàng, chẳng lẽ nàng sẽ thông cảm được sự khó xử của y, thấu hiểu tình cảm của y hay sao? Y siết chặt nắm tay, cố kiềm giữ mình không chạy đi. Chỉ tính nguyên sự tận tâm ân cần của Tố Doanh đối với y, thì y đã không thể bỏ mặc mà đi được rồi.
Từ đầu đến cuối, Mỹ Ly ngồi ôm Doãn Khác, luôn miệng mời mọc mọi người thoải mái ăn uống, ma ma và Nguyệt Mặc ngỏ ý giúp nàng ôm đứa bé một lúc, nhưng nàng đều mỉm cười từ chối.
Tiệc rượu vừa kết thúc, vương phủ chợt rung chuyển bởi tiếng pháo vang trời, tiếng người náo nhiệt, tiếng chúc mừng liên miên không ngớt. Đã khuya lắm rồi, nhưng vẫn còn nhiều nhà đến biếu tặng chúc mừng, cửa lớn vương phủ mở toang, đèn lồng đổi thành đèn cầy lớn, chiếu sáng rực như ban ngày. Chính hoàng thượng cũng sai người đến chúc mừng ngay trong đêm, mừng Khánh thân vương có được con trai quý.
Giật mình vì tiếng pháo nổ liên hồi, Doãn Khác khóc nấc lên, thân hình nhỏ bé đang nằm gọn trong vòng tay mẹ mà vẫn run bần bật.
Mỹ Ly uống rượu, hát ru cũng líu cả lưỡi, nàng ôm chặt lấy đứa bé, áp mặt vào mặt con, “Đừng sợ, Doãn Khác đừng sợ, không sao đâu, không sao đâu!” Không ai chúc mừng cũng không sao, không ai ăn tiệc cũng không sao, không có a mã thương yêu… cũng không sao cả. “Còn ngạch nương đây!” Nàng nhẹ nhàng đung đưa đứa bé, tủm tỉm cười, nàng không thể đem lại cho con thân thế hiển hách, cuộc sống giàu sang, nhưng có thể cho con rất nhiều, rất nhiều tình yêu.