Thùng Phá Sảnh

Chương 7: Tay Bắn Tỉa

Trước Sau

break
Tiếng chuông vang lên lạnh lẽo. Người mở cửa là một gã đàn ông. Anh ta có tầm cao trung bình, vai rộng và chắc, khuôn mặt góc cạnh và đôi mắt đen sắc sảo. Cằm anh ta hơi vát lên vì bộ râu rậm rì phía dưới làm người ta có cảm giác nó bị cạo dối. Anh ta mặc một bộ comlê màu xanh xám, chiếc áo sơ mi bên trong thuộc loại đắt tiền, trên vai vắt chiếc áo khoác cùng chất liệu với bộ comlê và tay đeo chiếc đồng hồ hiệu Citizen mỏng manh như tờ giấy viết thư.

- Là ông...?

Huỳnh Đức Bình vừa thấy Phúc đã vô thức lùi ngay lại, nét mặt lộ vẻ khó coi.

- Huỳnh Đức Bình, đã lâu không gặp. Xin lỗi vì đã làm phiền anh, nhưng chúng ta cần phải nói chuyện.

Phúc giơ tấm thẻ điều tra mà Hoài My đã làm cho ông cách đây một tháng ra trước mặt Huỳnh Đức Bình. Khuôn mặt của gã hơi tái đi, song rất nhanh trở lại bình thường:

- Mời ông vào nhà

.

Ngồi xuống ghế, Phúc mỉm cười quan sát người đàn ông đang nheo mắt nhìn mình với vẻ cảnh giác trước mặt nói:

- Xin anh cứ an tâm. Hôm nay tôi đến đây chỉ đơn giản là muốn hỏi anh một vài điều mà thôi, không có ý gì khác cả. Rất mong nhận được sự hợp tác của anh.

Huỳnh Đức Bình trầm ngâm một lát rồi khẽ gật đầu, cười gượng đáp:

- Xin nhanh cho, tôi sắp phải ra ngoài có việc bây giờ.

Phúc khẽ gật đầu. Mặc dù đã cố làm ra vẻ tự nhiên, nhưng Phúc vẫn nhận ra tia âu lo trong mắt anh ta chẳng những không giảm mà còn tăng lên khi ông đi vào chủ đề chính.

- À, hóa ra là chuyện này. Huỳnh Đức Bình nhìn chằm chằm vào Phúc, như muốn tìm ra điều gì đó trong đôi mắt ấy, nhưng chỉ là công cốc:- Ông muốn gì ở tôi ? Chẳng phải vụ án đó đã được chính thức khép lại rồi hay sao? Đó là một vụ tự sát. Người ta đã tìm thấy một ít Strychnin trong túi áo của nạn nhân, ông biết đấy.

- Đầu tiên tôi xin khẳng định với anh rằng, tôi không phản đối hay nghi ngờ gì về kết luận đó của cảnh sát cả. Thứ tôi cần chỉ là một chút thông tin và cái nhìn của người trong cuộc mà thôi. Anh không phiền khi trả lời tôi một vài câu hỏi chứ ? Sẽ chỉ mất một vài phút thôi. Vụ án này đã được khép lại rồi, ai cũng biết điều đó cả. Có những chuyện mặc dù chỉ là thủ tục song người ta vẫn cứ phải làm, anh hiểu chứ ?

- Tôi rất sẵn lòng, ông cứ hỏi.

Phúc lấy quyển sổ tay cùng cây bút trong túi ra rồi bắt đầu hỏi với vẻ lơ đễnh:

- Anh Bình, hôm xảy ra vụ án, anh là người chứng kiến tất cả từ đầu đến cuối, có đúng không?

Người đàn ông khẽ gật đầu:

- Thật kinh khủng. Nhiều người còn ngỡ đó là một vụ án mạng nữa cơ đấy. Một người đang sống sờ sờ bỗng nhiên chết bên cạnh tôi mà thậm chí tôi còn chẳng nhận ra.

Người đàn ông nói với vẻ thương hại. Sự tiếc rẻ của anh ta thật chân thành và giọng nói thật khó hiểu lầm.

- Trần Đức Trọng đã uống những gì trước khi chết? Tất nhiên là trong bữa tiệc đó rồi.

- Thực ra thì tôi cũng không chú ý tới điều này cho lắm. Nhưng có vẻ như hôm đó ông ấy uống cũng khá nhiều. Sau khi bữa tiệc khai màn không lâu, ông ấy có đi lên lầu một lát và hơn một tiếng sau, ông ấy đã chết gục trên bàn bài sau một trận co quắp. Thật khủng khiếp.

- Vậy à ...

Phúc khẽ nhăn mặt:

- Theo như lời khai thì Nguyễn Đức Trọng đã chết một tiếng sau khi khi uống chén thuốc bổ bà Phượng mang tới tận phòng. Trước đó bà ấy đã để chén thuốc đó ở trên chiếc tủ buffet ngoài nhà khách một lát. Anh có thấy ai chạm vào chén thuốc đó hay không?

- Tôi cũng không biết nữa. Chẳng phải cảnh sát đã có kết luận về chuyện này rồi sao?

- Cái tôi muốn biết là nhận định của bản thân anh kìa.

- ... Có thể có, cũng có thể là không, tôi không dám chắc về điều này. Thực ra trong bữa tiệc ấy tôi đã rời bàn khá nhiều lần. Tôi thậm chí còn không biết bà Phượng đi qua đó lúc nào nữa ấy chứ.

- Ý anh là lúc Trần Đức Trọng và anh bỏ đi chúc rượu các bàn khác đúng không?

- Phải.

- Tôi hiểu. Phúc khẽ gật gù. Ông ngừng lại một lát rồi nhìn chằm chặp vào Huỳnh Đức Bình, trầm giọng:

- Nếu tôi không nhầm thì mấy tháng trước đó, anh chính là bác sĩ riêng của Trần Đức Trọng , lọ thuốc bổ đó cũng là do anh kê cho ông ấy dùng, đúng chứ ? Nguyễn Như Ngọc đã khai báo với cảnh sát rằng sau khi ra tù, Trần Đức Trọng đã có một thời gian dài biểu hiện rất kỳ quặc. Anh là người tiếp xúc nhiều nhất với Trần Đức Trọng trong suốt thời gian kể từ khi ông ta ra tù, anh thấy điều này có cơ sở không?

- Bác sĩ riêng? Thực ra cũng không đúng cho lắm. Tôi chỉ đơn giản là nhận được sự tin tưởng của ông ấy mà thôi. Thời gian đó ông ấy luôn than phiền rằng bị chứng đau đầu và mất ngủ hành hạ, tôi chỉ kê giúp ông ấy vài liều an thần và thuốc bổ, chỉ có vậy thôi.

Nhận thấy cái nhìn có đôi chút bất hảo của vị khách không mời trước mặt, Huỳnh Đức Bình khẽ giật mình:

- Ông không phải đang hoài nghi tôi đấy chứ? Xin nói rõ cho ông biết. Người ta đã phát hiện một lượng Strychnin lớn trong dạ dày của Trần Đức Trọng, thứ đó đúng là cũng có trong mấy lọ thuốc bổ mà tôi đưa cho ông ấy, thế nhưng liều lượng của nó vô cùng bé, chẳng đủ để làm hại dù chỉ là một con ruồi. Cho dù ông ấy có nốc một lúc ba, bốn chai cũng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Cảnh sát cũng đã tiến hành kiểm tra lọ thuốc bổ mà tôi đã kê cho ông ta, hoàn toàn không có vấn đề gì hết.

Phúc khẽ gật đầu:

- Tôi hiểu. Xin đừng hiểu lầm, tôi không có ý gì khác cả.

Sắc mặt của Huỳnh Đức Bình hơi đỏ lên, song rất nhanh trở lại vẻ bình thường. Anh ta húng hắng ho vài tiếng rồi nói tiếp với vẻ cẩn thận:

- Về câu hỏi thứ hai của ông.. cũng có thể lắm. Mặc dù quãng thời gian đó tôi chủ yếu chỉ trao đổi với Trần Đức Trọng về việc trị bệnh, song qua khuôn mặt và biểu tình của ông ấy thì.. có lẽ ông ấy đang cất giấu một tâm sự ghê lắm. Ông ấy ốm và gầy đi rất nhiều. Có thể đó là nguyên nhân khiến ông ấy đi tới quyết định tự sát cũng không chừng. Thế nhưng..tôi vẫn nghiêng về giả thiết thứ hai hơn.

- Giả thiết thứ hai?

- Đúng, đó là một vụ đầu độc có chủ ý. Huỳnh Đức Bình nheo mắt nhìn Phúc với vẻ ấn ý:-Thế nhưng cảnh sát lại hoàn toàn bất lực trong việc xác định xem ai đã dùng Strychnin để hạ độc ông ấy. Thực ra chuyện này cũng đâu có gì là khó giải quyết, ai nhìn vào cũng thấy người có khả năng làm chuyện này cao nhất chính là.. Nguyễn Như Ngọc. Cô ta lúc đó đang nợ ngập đầu do thói cờ bạc và cần một khoản tiền lớn để trang trải, ông hiểu chứ. Là người thân trong nhà, việc bỏ Strychnin vào bia, rượu hoặc đâu đó rõ ràng là một chuyện quá đơn giản với cô ta. Chỉ là không có chứng cớ xác thực mà thôi.

- Anh có nhận xét gì về hai nghi phạm còn lại không? Tôi đang nói tới Nguyễn Thị Lan và Trần Thị Loan.

- Cái này.. Huỳnh Đức Bình tỏ vẻ lưỡng lự:- Nói thế nào nhỉ, nếu nói không biết thì ông cũng chẳng tin, đúng không nào? Thế nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, dường như hai người đó cũng không có thiện cảm với ông ấy lắm thì phải, nhất là người phụ nữ mặc áo kẻ màu ghi đeo khăn quàng cổ màu đen ngồi đối diện ông ta ấy.

- Trần Thị Loan ?

- Đúng vậy. Chắc ông cũng biết cuộc xung đột diễn ra xảy ra ngay sau cái chết của Trần Đức Trọng, cuộc xung đột giữa mấy người đàn em của ông ấy và người phụ nữ này phải không nào? Bọn họ đều nhất quyết cho rằng Trần Thị Loan đứng đằng sau chuyện này. Còn về mâu thuẫn giữa hai người bọn họ thì chắc ông phải biết rõ hơn tôi ấy chứ.

- Thôi được rồi, rất cảm ơn anh vì sự hợp tác ngày hôm nay, chúc anh một ngày làm việc vui vẻ.

Phúc xếp tập hồ sơ trong tay lại rồi đứng dậy. Huỳnh Đức Bình tiễn ông ra tận cửa

.

- Tôi có thể hỏi ông điều này được không?

Phúc quay đầu lại, ánh mắt thoáng lộ vẻ ngạc nhiên. Ông từ tốn gật đầu.

- Hôm nay ông tới đây.. có phải là vì cái chết của hai người Trịnh Ngọc Nguyễn và Nguyễn Như Ngọc không?

Đưa tay lên đẩy gọng kính, vị đại tá về hưu chọn cách im lặng thay cho câu trả lời.

----------------------------------------------

..o0o..

Đây là mục tiêu thứ hai và cũng là cuối cùng trong ngày hôm nay của Phúc. Đó là Lê Thị Phượng, người giúp việc suốt mười lăm năm của Trần Đức Trọng. Sau khi Nguyễn Như Ngọc bán tòa biệt thự của cha nuôi, Bà Phượng tất nhiên không thể ở lại đó được nữa. Chủ nhà mới đã từng ngỏ lời thuê bà ở lại để tiếp tục chăm lo cho căn nhà, nhưng bà đã từ chối. Bà là một người phụ nữ trung niên có gương mặt phúc hậu, dáng người nhỏ nhắn lọt thỏm trong chiếc áo ngoài xám xịt và chiếc quần vải bông rộng thùng thình. Bà có đôi bàn tay khéo léo, cách cư xử dễ gần và giọng nói thì khàn khàn. Trong căn phòng mà các bức rèm đều kéo xuống, bà ta đưa cho Phúc một chén cafe và ngay lập tức tuôn lời ra như suối.

Phúc được bà Phượng tiếp đón rất niềm nở. Ông đại tá thật tốt bụng vì đã đến đây và bà biết ơn ông, vì thật sự bà không ngờ là vẫn có người để ý quan tâm tới cái chết bất minh của ông chủ quá cố. Rất nhanh, cảnh tượng năm đó lại hiện rõ mồn một trong đầu bà... Rất nhiều cảnh sát, họ đến và lục tung tất cả mọi thứ, dĩ nhiên vẫn rất lịch sự nhưng dù sao... Điều đó làm bà sợ hãi, không chỉ bởi sự hiện diện của họ, mà vì tất cả những chuyện đã xảy ra. Hơn ai khác, bà không tin tưởng một chút nào về những kết luận mơ hồ của nhà chức trách. Ông chủ của bà chẳng có lý do gì để tự sát cả.

Phúc đã phải rất kiên nhẫn để lắng nghe hết câu chuyện dài dòng của người phụ nữ sáu mươi lăm tuổi. Phải tới khi bà dừng lại để lấy hơi, ông mới có cơ hội để giải thích rằng việc mình tới đây chỉ đơn giản là để hoàn thành một số thủ tục và sẽ chẳng có một cuộc điều tra công khai để lật lại vụ án nào cả. Tất nhiên, bà Phượng đã rất thất vọng khi nghe ông nói thế.

- Cô con nuôi của ông ấy ư ? Tôi phải thừa nhận rằng tôi chẳng ưa gì cô ta cả. Tôi không biết lúc bé cô ta có phải là một cô bé ngoan hay không, thế nhưng khi lớn lên thì khác hẳn. Ngoài những lúc xuất hiện ở nhà để xin tiền ra thì tôi chẳng mấy khi thấy mặt cô ta. Ôi, thật chẳng bù với cậu Hùng.

- Bà đang nói tới Trần Đức Hùng ? Anh ta cũng là con nuôi của hai vợ chồng họ đúng không? Từ khi anh ta bỏ trốn để tránh lệnh truy nã, bà có nghe được tin tức gì về anh ta không?

Nét mặt của bà Phượng thoáng hiện vẻ bối rối. Bà lắc đầu nguầy nguậy rồi tiếp tục nói sa sả:

- Đó là một gia tài đáng kể, đáng lẽ ra nó phải thuộc về cậu ấy mới đúng. Đứa bé đó mới ngoan ngoãn làm sao! Nó chẳng bao giờ làm gì khiến mọi người phải phàn nàn cả. Thật đúng là một bi kịch. Tôi không rõ vì sao người ta lại truy nã nó, nhưng người ta đâu hiểu được rằng, ở vị trí của nó lúc ấy thì làm gì có lựa chọn nào khác cơ chứ!

- Được rồi, tôi có một vài câu hỏi khác cho bà đây. Đầu tiên là về Huỳnh Đức Bình, người đã kê thuốc cho ông Trọng. Bà có nhận xét gì về ông ta?

-Ông Trọng rất tin tưởng cậu ấy. Cậu ta là một người dễ gần và hòa nhã, tôi chỉ biết vậy thôi.

-Bà là người cho ông Trọng uống thuốc mỗi ngày, đúng chứ? Bà có thấy ông Trọng có biểu hiện gì lạ trong quá trình dùng thuốc không? Cậu Bình có dặn dò gì bà không?

-Câu này không phải cảnh sát đã hỏi rồi sao? Không có gì lạ cả. À, cậu ấy có dặn đi dặn lại tôi rằng là tuyệt đối không được lắc bình thuốc khi cho ông ấy uống hàng ngày.

-Vậy à? Phúc hơi nhíu mày:-Được rồi, câu hỏi cuối cùng, lý do nào khiến bà nghĩ đây không phải là một vụ tự sát.

- .. Ông có tin tôi không ? Đó là vì .. một cuộc đối thoại mà tôi đã nghe lỏm được.

- Vậy ư ? Thú vị thật. Tôi đang lắng nghe đây. Phúc chỉnh lại tư thế ngồi cho ngay ngắn rồi chăm chú nhìn thẳng vào mặt người đàn bà đối diện.

- Tôi đã kể với cảnh sát, nhưng bọn họ dường như không chú ý tới nó cho lắm. Có lẽ họ nghĩ nó chẳng có ích lợi gì cho việc điều tra, một vụ án mà bọn họ đã kết luận là tự sát chỉ sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ điều tra.

- Bà có thể kể lại nó với tôi được chứ?

Được khuyến khích bởi giọng nói thân mật, bà Phượng bắt đầu chậm rãi kể :

- Đó là một buổi chiều tháng năm, cánh cửa phòng ông ấy đã không đóng hẳn. Tôi nói thế vì tôi không muốn ông nghĩ rằng tôi cố ý nghe trộm! Lúc đó tôi đang bê đống chăn nệm từ lầu hai lên tầng thượng để phơi nhân một ngày nắng đẹp. Ông ấy đã nói khá to... Mặc dù chỉ nghe lõm bõm được vài câu, nhưng tôi đoán kẻ bên kia đầu dây nhất định là một người đàn bà. Ông ấy đột ngột trở nên rất hung tợn và nói những câu như: " Đừng nghĩ đến chuyện trốn tránh", " Hãy biết điều và đừng làm tôi nổi cáu, nếu như không có mặt cô trong bữa tiệc..." "điều đó chẳng có lợi gì cho cô đâu", " Đừng nói bằng cái giọng đó, thằng Trọng này trước giờ đã biết sợ ai". Ông ấy còn đe dọa rằng sẽ rạch mặt đối phương bằng mũi dao nếu không nghe theo lời ông ấy nói và đừng quên rằng trong tay ông đang có những gì. Vậy đấy thưa ông, tôi không bịa chút nào đâu? Lúc đó tôi đã rất bất ngờ khi chứng kiến cái chết của ông ấy trong chính bữa tiệc. Nói thực, khi ấy tôi thấy lạnh cả sống lưng!

- Rất cảm ơn bà. Một câu hỏi nữa, bữa tiệc ấy, bà có cảm giác nó có một khía cạnh khác thường nào đó không? Ý tôi là, bà có cảm thấy khi tổ chức bữa tiệc này, ông Trọng có đang che dấu một ý tưởng hay kế hoạch gì đó trong đầu không?

- Tất nhiên là có rồi, ông ấy nói rằng muốn nhân cơ hội này để nói chuyện phải trái với một số người. Mấy cậu đàn em của ông ấy đã nói thế. Đó không phải là một bữa tiệc bình thường. Sau khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng, đã có một vài kẻ đòi chém mấy người bọn họ. Đó đều là những anh em thân tín của ông ấy. Một cuộc ẩu đả đã diễn ra, cho tới khi cảnh sát có mặt ở hiện trường.

- Nếu như đây không phải là một vụ tự sát... bà có nghi ngờ cho ai không? Trong số những người khách được mời hôm đó ấy.

- Tôi cũng không biết nữa. Bà Phượng liếc nhìn Phúc, trong đáy mắt có chút gì đó do dự, song cuối cùng vẫn lựa chọn im lặng:- Thế nhưng tôi tin rằng, đó nhất định không phải là một vụ tự sát.

- Cám ơn bà.

----------------------------------------------

..o0o..

Chiếc xe taxi dừng lại trước cửa công ty may mặc Mai Anh khoảng hai chục mét. Bước xuống xe, Hoài My đi thẳng đến nhà thi đấu thể dục thể thao. Nheo mắt nhìn quanh, thấy Huy đang đang ngồi cùng với mấy người nữa trong một quán nước phía xa, cô liền rảo bước đi tới.

Thấy một cô gái mặc áo sơ mi và quần tây đang đi về phía này, một gã thanh niên lạnh lùng nhìn lên, kín đáo lấy tay ra hiệu cho những người còn lại. Huy ngẩng mặt nhìn theo hướng tay chỉ của gã, gương mặt thoáng lộ vẻ ngạc nhiên. Anh vội giơ tay lên vẫy:

- Bên này, bên này.

Hoài My mở miệng chào rồi kéo ghế ngồi xuống trước ánh mắt nghi ngại của những người còn lại. Huy cười hỏi:

- Em xuống đây làm gì, ở đây đã có mấy người bọn anh rồi cơ mà. Giới thiệu với mọi người, đây là đại úy Trần Vũ Hoài My, hoa khôi phòng điều tra tội phạm và trật tự xã hội thành phố Hà Nội ba năm liền đấy.

Hoài My bực mình đá vào chân Huy một cái rồi gật đầu với mấy người ngồi bên thay cho lời chào hỏi. Ngồi ở đây có năm người, bốn nam một nữ, tính cả bà chủ quán nước. Tất cả đều là trinh sát do công an Hải Phòng bố trí nằm vùng phụ trách việc theo dõi Trần Thị Loan, sếp sòng đường dây cá độ cao cấp núp dưới vỏ bọc từ thiện.

- Nếu không phải vì công việc thì em xuống đây làm gì.

Hoài My uống một ngụm nước, lấy tay nới cổ áo ra cho bớt nóng rồi liếc mắt nhìn Huy cùng mấy viên trinh sát mặc thường phục ngồi đây hết một lượt, thấy ai cũng có vẻ mệt mỏi, lại ngước nhìn bầu trời nắng gay nắng gắt, bất chợt thở dài một cái:

- Mọi người mấy ngày nay chắc vất vả nhiều rồi. Vẫn chưa có lệnh tạm giữ sao?

- Vẫn chưa, nhưng chắc cũng không lâu nữa đâu.

Huy ngước mắt nhìn căn biệt thự trước mặt nhẹ giọng nói.

----------

Mặt trời đỏ ối nằm hóng gió trên cao sau một ngày cần mẫn thổi lửa xuống trần gian. Một cơn giông mới lại kéo tới. Trọng điểm theo dõi của các trinh sát thuộc phòng hình sự thành phố Hải Phòng trong suốt hai tuần qua vẫn là căn biệt thự bảy tầng nằm ở phố Trạng Trình và một vài nơi mà Trần Thị Loan thường lui tới, đơn cử là công ty may mặc Mai Anh và bệnh viện X. Địa điểm quan sát không giống nhau nhưng tất cả bọn họ đều có chung một cảm giác: vô cùng mệt mỏi. Cảnh trực chiến không phân biệt ngày đêm này đã kéo dài hơn nửa tháng rồi, dẫu là người sắt cũng khó mà chịu đựng nổi.

Thấy mấy vị đồng nghiệp của mình ai nấy mặt mày xám xịt nhưng vẫn kiên trì làm nhiệm vụ, Huy tuy xót xa song cũng biết chẳng còn cách nào khác. Bây giờ là thời điểm vô cùng nhạy cảm, Trần Thị Loan hình như đã đánh hơi được điều gì, mấy ngày nay luôn trốn trong nhà hoặc công ty may mặc Mai Anh, chẳng mấy khi ló mặt ra. Trước khi có lệnh tạm giữ và thu thập được đầy đủ chứng cứ, họ không thể rời mắt khỏi con cáo già này. Có hỏi thì mới biết, vụ hàng loạt các tên tội phạm đầu sỏ ngày kia như Hùng Sảnh, Nguyễn Ngọc Quỳnh tức Quỳnh " Lạnh" bốc hơi trước mũi cảnh sát và vẫn tự do tự tại ngoài vòng pháp luật đến bây giờ đã khiến những chiến sĩ công an thành phố Hải Phòng rút ra được rất nhiều kinh nghiệm. Đó là chưa nói, “ Mẹ Đồng Trinh” Trần Thị Loan, cánh tay phải của Trọng Sồ cùng Hằng Điệp ngày xưa là một tay anh chị vô cùng gian giảo và quỷ quyệt, kinh nghiệm đối đầu với lực lượng an ninh có thừa.

Khi nhận cơm hộp, những người trinh sát đều vô cùng vui vẻ, ai nấy vội vàng đứng dựa vào tường hoặc ngồi xổm cúi đầu nhai ngấu nghiến. Bọn họ ăn uống nhồm nhoàm, ăn vội vàng đồ ăn đã hơi nguội lạnh. Chỉ có điều, mỗi người đều vừa ăn vừa nhìn chăm chằm vào từng người đi qua, dẫu có trò chuyện song vẫn chú ý dỏng tai lên nghe ngóng từng tiếng động khả nghi, bộ dáng vẫn nghiêm túc vạn phần.

Nhìn thấy những anh lính trinh sát tiều tụy nhếch nhác, nhưng lại cảnh giác từng giờ từng khắc như những người đi săn, trong lòng Hoài My bất giác nảy sinh sự kính trọng. Tới hôm nay cô mới kinh ngạc phát hiện ra, cơm hộp không ngờ lại ngon đến như thế.

Chợt nghĩ tới Phương, hai mắt Hoài My nhất thời tối sầm lại. Mấy ngày qua, cô không những đã lấy lại được tinh thần mà còn càng thêm quyết tâm.

Vì Phương, vì những người đã chết, cô nhất định phải lôi tên sát nhân đó ra ngoài ánh sáng càng sớm càng tốt.

Mấy ngày qua, để phục vụ cho công tác điều tra, Hoài My đã đích thân xuống tận Hải Phòng thu thập thông tin về người bạn thân của mình. Tới lúc này cô mới kinh hoàng nhận ra, mình chẳng biết gì về Phương cả. Phương đã chia tay Thắng được hơn hai năm rồi, và hiện đang làm một nghề mà Hoài My có nằm mơ cũng chẳng thể tưởng tượng được.

Thì ra sau khi cùng Phương xuống Sài Gòn xây dựng gia đình của riêng mình, Thắng đã cùng một người bạn thân hùn vốn mở công ty. Hai người xoay sở kinh doanh được hơn hai năm, cuối cùng do thua lỗ quá nhiều nên phá sản. Nợ nần chồng chất, Thắng suy sụp, tìm quên trong rượu và nuôi niềm khát khao đổi đời trên chiếu bạc. Không chịu nổi người chồng nát rượu tối ngày lăn lê khắp các sới xóc đĩa chẳng bao giờ có mặt ở nhà, hai người chia tay, đường ai nấy đi. Một gia đình hạnh phúc cứ như vậy mà tan vỡ.

Hoài My biết rõ, Thắng yêu Phương nhiều lắm. Và Phương cũng thế. Tình yêu của hai người đẹp như một bài thơ. Nếu không yêu Thắng, Phương đã chẳng mặc kệ lời ngăn cấm của gia đình, bỏ nhà xuống Hải Phòng theo anh ta. Thế nhưng đâu phải cứ yêu nhau là sẽ hạnh phúc. Thời gian mới chính là thước đo kiểm nghiệm tình yêu. Hai người ấy đã từng yêu nhau là thế, vậy mà cuối cùng..

Vậy còn mình thì sao? Hoài My chợt cảm thấy hoang mang.

- Của em này.

Hoài My giật mình quay ra. Huy đã đứng đằng sau lưng từ bao giờ, tay cầm chai nước, toét miệng cười với cô. Hoài My nhận chai nước từ tay anh. Huy ngồi xuống, lấy một điếu thuốc ra châm rồi đưa lên miệng hút, thỉnh thoảng lại ngước mắt nhìn trời, chép miệng:

- Sắp mưa tới nơi rồi.

- Ừ.

Hoài My vô thức gật đầu, hai mắt mông lung nhìn vào khoảng không vô tận. Một lát sau, cô ngước mắt nhìn Huy, chăm chú đến nỗi khiến mặt anh chàng hơi đỏ lên, bối rối đưa tay gãi đầu nói:

- Có chuyện gì vậy? Cơm nguội hết rồi kìa.

- Em có thể hỏi anh một câu không?

- Gì .. vậy ? Bị cặp mắt to tròn ấy nhìn mãi không chớp, Huy bỗng thấy tim mình đập nhanh hơn, giọng nói cũng mất tự nhiên hẳn. Trong mắt anh lúc này chí có mái tóc óng ả phủ xuống vai , chếch dần lên ở hai bên mang tai ôm lấy những đường nét tuyệt mỹ cuả đôi má. Ngắm cái miệng nhỏ nhắn đỏ thắm, khóe môi hơi trễ xuống có vẻ yếu đuối nhưng lại mời mọc quyến rũ , trong khi bên dưới đường nét thanh tú cuả chiếc cằm lại toát ra sự bướng bỉnh khiêu khích, Huy bỗng nảy sinh một ước muốn, đó là xin thời gian ngừng lại, để cho phút giây này được trường tồn mãi mãi.

- Trước khi chuyển về đây anh làm bên phòng chống tệ nạn xã hội phải không? Cờ bạc ... nó có sức hút lớn đến vậy sao?

- Cờ bạc ? Huy khẽ nhíu mày, cẩn thận hỏi lại: - Ý em là gì?

- Em chỉ hỏi vậy thôi. Hoài My khẽ lắc đầu:- Nhìn bọn đàn ông các anh như con thiêu thân lao vào trò đỏ đen.. em thật không hiểu nổi, sao nó lại có ma lực lớn đến như vậy ?

- ... À, ra vậy, anh hiểu rồi.. Nếu em nghĩ chỉ có đàn ông bọn anh đam mê nó thì lầm rồi, phái yếu các em cũng chẳng kém cạnh gì đâu. Để anh kể chuyện này cho em nghe nhé.

Huy bắt đầu kể. Hồi anh còn là sinh viên, có một lần cùng mấy người bạn thân đi xe máy"phượt " từ Hà Nội vào tận trong Vũng Tàu. Nhóm của anh có tất cả là bốn người, ba nam và một nữ. Khi dừng chân ở Hải Dương, quê của một thành viên trong nhóm, tất cả quyết định nghỉ tạm một đêm ở nhà anh ta. Hôm đó nhà hàng xóm của anh ta có đám cưới, cũng có vài chiếu bạc. Cả bốn người đồng ý trích ra một triệu từ quỹ chung của nhóm để chơi, nếu thua hết sẽ về khách sạn sớm để sáng mai lên đường. Nào ngờ cô bạn gái của anh hôm đó may mắn, thắng được hơn năm triệu. Cả bốn khoái trá về phòng lúc một giờ sáng. Riêng cô gái ấy vẫn còn ham hố, xin ở lại vài phút.

- Rồi sao nữa?

Hoài My rất nhanh bị thu hút bởi giọng kể truyền cảm khi cao khi thấp của Huy, cô vừa ăn vừa chăm chú nhìn anh, đôi mắt trong veo ánh lên vẻ chờ mong. Huy cười nói:

- Em không biết bọn anh lúc đó đã bất ngờ thế nào đâu. Cô bạn đó trước giờ vẫn chẳng hứng thú gì với mấy trò tá lả, tiến lên, thế nhưng tối hôm ấy cứ như là một người hoàn toàn khác vậy. Chắc em cũng đoán được đoạn kết rồi phải không, ôi... nó nhất định vượt qua sự tưởng tượng của em cho mà xem. Sáng hôm đó, Khi ba người bọn anh ngủ dậy lúc tám giờ, tất cả mới lần lượt tá hỏa vì số tiền mang theo đều đã... không cánh mà bay. Hóa ra, cô ấysau đó đã thua lại hết tiền và vì muốn gỡ, cô ta đã lẻn về phòng móc sạch tiền của bọn anh và nướng trọn trên chiếu bạc.

Hoài My khẽ ồ một tiếng. Huy vẫn tiếp tục kể với giọng đều đều. Tình cảnh lúc ấy thật nguy kịch vì cả bốn đứa đều là sinh viên, cũng may đang ở nhà cậu bạn, anh ta đã cho cả nhóm vay tiền để tiếp tục chuyến hành trình, song chẳng có ai hứng thú nữa cả. Thế là tất cả lại quay xe về Hà Nội. Từ đó về sau, mặc dù đã từng ghé qua không ít tụ điểm cờ bạc đỏ đen, song Huy không bao giờ mất một đồng nào cho nó cả.

Nhìn vẻ mặt cảm thán của Hoài My, Huy khẽ thở dài rồi điềm nhiên kể tiếp.

Càng tiếp xúc nhiều, anh càng thấy tính chất “ cờ bạc hóa” có trong rất nhiều hoạt động. Một người bạn làm bên bất động sản đã từng nói với Huy rằng, mọi sàn giao dịch hàng hóa đều là một canh bạc. Lấy ví dụ như thị trường chứng khoán, đây là một sòng bạc công khai còn lớn hơn cả Vegas, Macau và mọi sòng bạc trên thế giới cộng lại.

Mặc cho những biện giải về giá trị tạo vốn cho doanh nghiệp, các sàn chứng khoán trên thế giới thực sự là những sòng bạc vĩ đại cho các tay chơi, từ những nhà đầu tư cá nhân cho đến các tổ chức kinh doanh. Ít tay chơi nào quan tâm đến số mệnh của một doanh nghiệp hay việc làm của công nhân mà chỉ lưu ý đến ảnh hưởng của nó trên số tiền kiếm được hay mất. Trung bình có đến hơn bảy mươi ngàn tỷ đôla lưu thông mỗi ngày trên các sàn chứng khoán thế giới.

Nhìn trên dạng rộng hơn, ở những nước mà người dân không được phép đánh bạc thoải mái thì vé số kiến thiết, số đề, cá cược bóng đá, đánh bạc trên mạng…trở nên cực kỳ phổ biến và tất nhiên, không một chế tài nào có thể kiểm soát nó được một cách hoàn toàn.

Nhiều con bạc không có kỷ luật và tham lam, thường cháy túi và lâm vào cảnh bần hàn. Những người không chấp nhận nhiều rủi ro, biết kiểm soát cảm xúc, có thể thắng nhỏ và đều đặn. Những tay “ làm cái” tổ chức sòng bài, biết rõ xác suất và tâm lý con bạc, luôn luôn thắng.

Đôi khi, những nhà quản lý các sòng “tài chánh công khai” như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… đi quá trớn, tạo nên những mất mát khổng lồ, lại được chính phủ cứu giúp bằng tiền của dân, như cuộc khủng hoảng tài chánh Mỹ năm 2007 chẳng hạn. Các trung tâm tài chính thế giới là những điểm hẹn của mọi lối đánh bạc. Hong Kong, Singapore, Dubai… là ba nơi mà “cờ bạc kiểu tài chính” đóng góp hơn 70% của GDP…

Tóm lại, dù ta có ngăn cấm cờ bạc đến đâu, nó vẫn hiện diện trong mọi ngóc ngách của xã hội. Tác động và hệ quả của nó cũng khác biệt tùy theo đối tượng.

Hoài My nghe đến xuất thần,một hồi lâu sau mới khẽ thở dài.

- Thế nào? Câu trả lời của anh có làm em hài lòng không ? Huy hỏi với vẻ đắc ý.

- Miễn cưỡng đạt tiêu chuẩn. Hoài My đặt hộp cơm trên tay xuống, ngước mắt nhìn mặt tiền khách sạn trước mặt rồi chép miệng:- Liệu Trần Thị Loan có đúng là nạn nhân tiếp theo hay không? Nếu không phải thì...

- Đại tá Phúc đã khẳng định với anh rằng, chuyện này có tới 90% khả năng xảy ra. Em nghĩ sao?

- Mong là như vậy.

Hoài My khẽ gật đầu.

- Thực ra anh nghĩ hắn sẽ không có cơ hội để ra tay đâu.. theo như tin mật báo về thì ngày kia Trần Thị Loan sẽ bay sang Pháp. Một tuần qua, dù đi bất kỳ đâu bà ta đều mang theo một số lượng không nhỏ vệ sĩ theo để bảo vệ. Hơn nữa, mụ cũng hạn chế đi lại rất nhiều Hình như con cáo già này cũng đã đánh hơi được rằng nguy hiểm sắp tới với mình rồi thì phải.. Tổ chuyên án bên này đang giăng bẫy để bắt quả tang chuyến giao dịch do người của bên trinh sát cài vào song vẫn chưa thấy người của mụ liên lạc gì. Không quá ba ngày nữa chắc sẽ có lệnh tạm giữ mụ ta thôi, bên đó cũng có không ít chứng cứ rồi. Thế nhưng…

Sắc mặt của Huy nhất thời trầm xuống:-Anh có linh cảm rằng, hắn sẽ tuyệt đối không bỏ qua cho mụ ta..

- ..Trước bao nhiêu con mắt canh chừng như thế này sao? Hoài My nhún vai.

-..Linh cảm của anh trước giờ chính xác lắm.

- Hai bích, ba bích, bốn bích.. Bây giờ là năm bích... vẫn còn một nạn nhân nữa.

Ác mộng sắp kết thúc rồi sao?

Hoài My lẩm bẩm, song cô nhất thời im bặt lặng không nói nữa vì lúc này, cánh cửa công ty may mặc Mai Anh đã mở ra. Một người phụ nữ mặc váy đen bước ra, theo sau là bốn vệ sĩ ăn mặc chỉnh tề, ba nam một nữ, tất cả đi về phía chiếc xe cambry đang chạy ra từ nhà để xe .

- Tới giờ đổi ca rồi. Chúng ta cũng nên về thôi.

Huy lấy tay đẩy khẽ gọng kính mát lên rồi đứng dậy nhìn đồng hồ nói. Phía bên kia, sau tấm biển quán nước, vài người trinh sát đã bắt đầu leo lên xe và nổ máy.

- Em có rảnh không? Anh biết gần đây có một quán cafe cũng...

ĐOÀNG ! ĐOÀNG!

Một âm thanh chát chúa vang lên xé rách bầu không khí thanh bình yên ả. Mặt biến sắc, Huy thò tay rút khẩu súng đeo bên hông rồi lao ra khỏi quán, nhanh như một con báo.

Nhốn nháo. Náo loạn.

Người phụ nữ gục ngã ngay trước mắt bốn vệ sĩ thân tín khi còn cách cửa xe gần hai mét. Từ hai bên vệ đường, sáu, bảy thanh niên chạy tới. Hoài My cảnh giác quan sát bốn phía, đoạn quay sang nhìn Huy đang đưa tay thăm mũi nạn nhân, trầm giọng:

- Sao rồi anh Huy?

- Chết tiệt!...

Huy vừa thò tay vào túi quần lấy điện thoại vừa quay đầu nhìn bốn phía, hai mắt nổ lửa.

----------------------------------------------

..o0o..

Tầng 7 cao ốc Strynk, cách đó gần bốn trăm mét. Một thanh niên theo dòng người bước xuống cầu thang, lưng đeo một chiếc ba lô rất lớn.

- Bác không sao chứ?

Bà cụ ngước mắt nhìn chàng trai đang giúp mình thu thập đống đồ rơi vãi trên nền gạch men trắng bóng, miệng nở nụ cười cảm kích:

- Cảm ơn cậu.

- Không có gì đâu bác.

Chàng trai khẽ lắc đầu, đưa tay kéo chiếc mũ lưỡi trai sụp xuống che nửa mặt, khéo léo che đi cái bớt trên tay trái, xốc lại chiếc ba lô đeo trên vai rồi bỏ đi. Bên ngoài, trời mỗi lúc một rực đỏ. Ráng trời hừng hực làm lòng chàng trai thao thức. Rồi màu nhạt tối dần chuyển sang đen kịt, nhòe nhoẹt như ai cầm cây cọ lướt trên mặt giấy ướt.

Có chút hồng tại một khoảng chân trời, có lẽ chính nơi mặt trời vừa lặn, báo hiệu cho kết thúc.
break
(Cao H) Dạy Dỗ Phu Quân
cao H, kết 1v1, ngôn tình
Anh Rể Cứ Muốn Tôi
Ngôn tình Sắc, Sủng
Ước Hẹn Với Hai Người Đàn Ông (H)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc