Tiếu cô nương Thục Sơn đó chừng mười ba, mười bốn, nhưng không đầu tóc lòa xòa hay búi qua loa thành hai búi như mấy tiểu nha đầu, cũng không búi gọn thành một búi như thiếu nữ cập kê, mà trên đầu cài thoa cùng trang sức đóa hoa các màu. Tóc cô bé búi gọn lại, phảng phất muốn nói rằng đừng coi cô bé là trẻ con. Mái tóc búi đơn giản lại đó cài một cái trâm gỗ đen, lối búi tóc kiểu nam tử đó khiến cô bé toát lên khí khái khó tả.
Khí chất còn nhỏ tuổi nhưng lại thành thục như người lớn đó khiến Sử Tam Nhi không nhận ra cảm xúc trong lòng là gì, hình như là ngưỡng mộ, óc y lóe lên mấy chữ "mẫu đơn trên vách đá."
"Hai tiểu cô nương Thục Sơn đó đều xinh đẹp quá nhỉ." Phương hóa nói.
Sử Tam Nhi chú ý thấy canậ tiểu cô nương đó còn một tiểu cô nương khác, thấp hơn một chút nhưng ánh mắt to sáng lấp lánh, đượm tinh thần. Cô bé đó đang cười nheo nheo mắt nhìn y, rồi thì thầm với tiểu cô nương ngồi cạnh mấy câu, tiểu cô nương liền ngoái lại, nhìn thẳng vào mắt y.
Sử Tam Nhi giật mình, bị ánh mắt đó nhiếp hồn. Đôi mắt phượng hơi nhướng lên đó, ánh mắt trong veo cơ hồ toát ra khí lạnh. Nhưng không hiểu sao, đôi mắt hơi nheo lại đó một lần nữa cười với y.
Chớp mắt, trong lòng Sử Tam Nhi ngập niềm vui, nhưng y chưa kịp tận hưởng niềm vui thì hai tiểu cô nương Thục Sơn đã đứng dậy.
"Cô nương." Y gần như không kịp nghĩ gì, đứng dậy định đuổi theo, nhưng bước quá gấp, dưới chân mềm nhũn, ngã phịch xuống.
Hai tiểu cô nương ngoái lại, mỉm cười rồi đi thẳng.
Sử Tam Nhi nhổm lên từ dưới đất, sau lưng là tiếng bằng hữu cười nhạo, bên dưới là một trăm tám mươi đồng khiến y đau nhói, nhưng y nghĩ: Cô nương đi rồi, e rằng không gặp lại nữa. Nên y nén đau, bò lên đuổi theo.
Lần này y chỉ dám bám theo từ xa, đến khi hai tiểu cô nương vào khách sạn, y cũng không dám ho he gì.
Tối đó, lần đầu tiên Sử Tam Nhi nếm mùi mất ngủ. hơn nữa còn nghĩ đến bài thơ của Khổng phu tử, lẩm nhẩm: "Du tai du tai, triển chuyển phản trắc." (1) Mà đợi lê minh tới.
Khi tia nắng đầu tiên rọi qua song cửa, Sử Tam Nhi lồm cồm bò dậy, nhón chân nhón tay lấy tấn gương đồng của mẹ rồi quay về chăm chú búi tóc. Xong xuôi, y ra giếng rửa mặt, mặc bộ y phục tử tế nhất trước khi rời nhà.
Lúc đến cửa khách sạn, trời còn chưa sáng rõ, hai cánh cửa vẫn khép kín, ngọn đèn lồng treo đằng trước chưa tắt, phát ra ánh sáng vàng vọt. Không muốn làm nhăn nhúm y phục, y không tùy tiện tìm một chỗ ngồi như bình thường mà đứng nghiêm trang cạnh gốc đại thụ gần cửa.
Y đợi gì nhỉ? Chính y cũng không rõ nhưng nhất định phải đợi gì đó, niềm tự tin đó y có được sau một đêm cân nhắc, cho rằng tiểu cô nương không thể vô duyên vô cớ mỉm cười với mình.
Y cứ đợi thế cho đến lúc trên đường đông người, cửa khách sạn đột nhiên bật mở, nữ kiếm đồng Thục Sơn thấp hơn hậm hực đi ra cùng điếm hỏa kế, bực bọc cất tiếng: "Người ở đâu?"
"Dạ, ở chuồng ngựa." Điếm hỏa kế chỉ đường rồi nhanh chóng lẩn vào.
Tiểu cô nương đến chuồng ngựa, chỉ vào một hán tử dáng vẻ như xa phu nói: "Sao nói không đưa nữa là không đưa nữa, dọc dường bọn ta bạc đãi ngươi? Bọn ta định xuất phát ngươi mới nói là không đưa nữa, bảo ta tìm người ở đâu ra."
Xa phu vội vàng xin lỗi: "Thật sự nhà tiểu nhân có việc gấp, mới nhận được tin, cô nương, ở đây thiếu gì xa phu rỗi việc, chọn ai chả được."
Sử Tam Nhi nghe thế, bước nhanh tới: "Tại hạ nhận lời."
Tiểu cô nương thấy thật sự có người nhận lời, liền ngẩn người rồi quan sát Sử Tam Nhi thật kỹ, cười ranh mãnh: "Được, ngươi cũng được, bọn ta muốn đến Dĩnh Thành, kinh đô nước Sở, ngươi biết đường không?"
Sử Tam Nhi thở phào, đi nơi nào thì không biết chứ đi Dĩnh Thành chỉ cần đi theo quan đạo hướng nam của nước Triệu là xong, liền đáp: "Biết chứ, cô nương yên tâm. Nhưng cô nương phải đợi một lúc, tại hạ về nhà sắp xếp."
Y về nhà, cha mẹ đều vắng mặt, liền viết thử cài lên bàn, chia tiền thành ba phần, một để lại nhà, một chôn ở sân, một phần mang theo, rồi nhặt nhạnh qua loa nhét vào một cái bao nhỏ, bước ra khỏi nhà.
Vừa ra khỏi cửa, thấy Vương Nhị ngồi ngây ngô bên đường, liền đi tới bảo: "Vương Nhị, tiền của ngươi hôm qua sinh được chín đứa con, hôm nay thành mười đồng rồi." Đoạn móc ra mười đồng nhét vào tay Vương Nhị.
Vương Nhị hớn hở: "Thật ư, sinh được ư?" Bạn đang đọc truyện được copy tại TruyệnYY.com
"Được chứ, cưới vợ là được."
Lúc đó Vương Nhị mới chú ý hình như Sử Tam Nhi có vẻ sắp đi xa, liền hỏi: "Tam ca, định làm gì thế?"
Sử Tam Nhi cười hì hì: "Đi tìm vợ." Đoạn chạy ngay.
Sau lưng y vang lên tiếng Vương Nhị: "Cũng sinh chín đứa con?"
"Hơn chứ, hơn chứ." Y gào lên, trong lòng vui vẻ khôn cùng.
Nhưng nhiều ngày sau, tình hình của y không thuận lợi lắm, hai tiểu cô nương gần như không nói gì với y, cơ hồ không nhìn thấy xa phu ngọc thụ lâm phong, anh tuấn tiêu sái của y. Mỗi khi y tìm cớ gì đó gợi chuyện, cô bé thấp hơn lại lễ mạo trả lời, còn cô kia hoàn toàn không phản ứng.
Y thích ngắm trăng ban đêm, lẩm bẩm lại ý nghĩ: Lúc đó vì sao cô nương ấy cười với ta? Lần nào câu trả lời cũng là chỉ và Sử tam thiếu ta đấy ngọc thụ lâm phong, anh tuấn tiêu sái. Rồi lòng y dấy lên dũng khi vô vàn, tìm cách ngày mai dùng lý do nào đó khiến tiểu cô nương mở miệng,
"Ánh trăng đẹp không?" Y nghe thấy sau lưng có người hỏi, ngoái lại hóa ra là tiểu cô nương thấp hơn.
"Đẹp lắm." Y đáp.
"Chỉ Vi có đẹp không?"
"Đẹp." Y buột miệng, chợt ra không ổn, tỏ vẻ kinh ngạc: "Tiểu cô nương biết hết hả?"
"Ha ha, có thế không nhận ra thì người coi thường tỷ tỷ ta quá." Cô bé đáp, cười quỷ dị: "Ngươi tên gì?"
"Sử Tam Thuận."
Cô bé cười khanh khách khiến Sử Tam Nhi nổi da gà.
"Thế nào, có gì không ổn hả?"
Cô bé nín cười: "Ngươi có biết cái tên ngươi bất lợi với nhân duyên lắm không?"
Sử Tam Nhi buồn hẳn, tỏ vẻ khẩn trương: "Thế là thế nào?"
Cô bé ra vẻ nghiêm túc, cặp mắt to hấp háy: "Ngươi biết không, thời cổ có người tên Sử Tam Thuận mà , nhân duyên phi thường bất thuận. Qua nhiều lần thấy bại, y phát hiện nguyên nhân là cái tên Tam Thuận đó không có lợicho nhân duyên tí nào, bèn đổi thành Kim Hy Chân, từ đó tung hoành tình trường, đạt được lương duyên."
"Thật thế hả?" Y nghi ngờ: "Sao ta không nghe thấy bao giờ?"
"Bách gia chư tử, ngươi đọc sách của mấy nhà rồi?" Cô bé có vẻ không vui.
"Hai, ba nhà."
"Ta đọc hai, ba chục nhà rồi, chuyện đó ghi trong Hàn tử."
"Sách của Hàn Phi Tử hả?"
"Không, là Hàn Kịch, Hàn Kịch Tử."
"Đổi tên là được hả? Sao ta thấy không đơn giản như thế? Nàng ta có nhìn ta lần nào đâu?"
Lần này tiểu cô nương ngẫm nghĩ một chỗ rồi nói thật thành khẩn: "Thật lòng thì đổi rồi cũng vẫn còn nhiều chướng ngại, ngươi mà thành công cũng coi là kỳ tích. Nhưng trên đời có hai thứ không phải ai cũng gặp nhưng chúng thật sự tồn tại, là nhất kiến chung tình và kỳ tích."
Sử Tam Nhi xáo động trong lòng, như thể có gì đó đang cổ vũ, nói dứt khoát: "Được, ta đổi." Đoạn tỏ vẻ khó xử: "Nhưng đổi thế nào mới được?"
Tiểu cô nương nhíu mày trầm tư một chốc, rồi mắt sáng rực lên hưng phân nói: "Ta nghĩ ra một cái tên. Ta lấy nhân cách của Đường Mật ta ra bảo đảm, cái tên này tương lai nhất định sẽ đại danh đỉnh đỉnh, ai cũng biết tới."
"Tên gì?"
Tiểu cô nương đưa ngón tay chỉ vào ngực y: "Ngươi đổi tên thành Sử Lai Khắc đi?"
"Sử Lai Khắc? Tên kỳ lạ lắm, ý nghĩa là gì?" Y nghi hoặc.
"Ngươi đọc nhanh ba chữ đó đi, là Shrek đó. Ngươi nghe đi, Shrek soái ca, Shrek soái ca, Shrek soái ca. Ngươi gọi kiểu gì cũng tên soái ca hết, làm sao nhân duyên lại không tốt được." Cô bé tiếp tục cười, khiến Sử Tam Nhi đột nhiên thấy bất an.
Đột nhiên sau lưng y vang lên tiếng cười trong vắt, y nghe thấy giọng nói lọt tai vang lên: "Đường Mật, đừng trêu người ta nữa."
Sử Tam Nhi chưa nghe giọng nói đó nhiều nhưng không nhận nhầm. Toàn thân y trong giây lát đó cứng hẳn, tim đập thình thịch như ngựa sút cương.
"Ta không trêu y, thật không nghĩ ra cái tên gì hay."
"Ừ, nếu muốn đổi, theo ta đổi thành Sử Thụy được không? Thụy là ngọc, thụy là điềm lành, chẳng phải cái tên thay đổi vận mệnh ư? Là con thứ ba thì về sau lấy tên chữ là Thúc Tường đi, ngươi thấy thế nào?"
Sử Tam Nhi không phản ứng gì, cô bé nói "người" là chỉ y, nên y không trả lời.
Im lặng một lúc.
"Không thích hả?" Cô bé hỏi.
"Không, không, thích lắm, cái tên rất hay." Y vội vàng đáp, trong lòng hớn hở.
Tối đó, thiếu niên Sử Tam Nhi quả nhiên thấy cả nhất kiến chung tình và kỳ tích đều xảy ra.
------*-------
(1) Nhớ cô dằng dặc cơn sầu, Cho ta dằn dọc dễ hầu ngủ yên –
Nguyên là thiên Thư Cưu trong Kinh Thi.
Lúc đó Đường Mật và Bạch Chỉ Vi không ngờ rằng việc ngẫu nhiên đổi xa phu lại là bước ngoặt quan trọng với thiếu niên Sử Thụy năm nay vừa mười bốn tuổi. Với họ chỉ là tùy tiện đổi một xa phu "giả cầy", kết quả vì đi nhầm đường mà lỡ mất rất nhiều thời gian.
"Thật ra ngươi có thuộc đường không?" Đường Mật thấy phía trước là một thôn nhỏ, thoáng nhìn có phần tiêu điều, bực dọc hỏi Sử Thụy.
Y gãi gãi đầu, tỏ vẻ oan ức: "Thì đi đúng đường mà, trước khi đi còn hỏi hỏa kế ở dịch trạm, đến con đường lớn thứ ba sau cầu Hòe Thụ thì rẽ trái, tại hạ không nhầm đường đâu."
"Sao ngươi lại hỏi hỏa kế dịch trạm đường đi hả, chẳng phải ngươi không biết đường sao?" Bạch Chỉ Vi chụp lấy sơ hở.
Cũng may Sử Thụy lanh lợi, vội giải thích: "Tại hạ biết đường, chỉ là lâu rồi không đi, ở đây lắm lối rẽ, hỏi kỹ vẫn hơn."
"Thôi đi, thôi đi, hiện giờ nói thế còn ý nghĩa gì, sắp tối rồi, tìm chỗ nghỉ chân cái đã." Đường Mật ngước nhìn sắc trời tối dần bảo.
Ngôi làng nhỏ đó yên tĩnh đến hiu hắt, thi thoảng mới vang lên đôi tiếng chó sủa cùng vài ngọn khói khiến người ta cảm nhận được sự sống. Xe ngựa đi vào thôn, tiếng vó vang vang giữa hoàng hôn tĩnh lặng, phảng phất muốn nói rằng khách không mời đang tới.
Một bà già tóc bạc đang ngồi bóc vỏ đỗ trước cửa ngôi nhà gần cổng thôn. Đường Mật lễ mạo nhảy xuống, khẽ thi lễ hỏi: "Bà bà, xin hỏi ở đây có khách sạn chăng?" Nói xong nó liền hối hận, làng nhỏ hẻo lánh thế này lấy đâu ra khách sạn? Nó vừa hỏi một câu ngu xuẩn.
Quả nhiên bà già ngước mắt nhìn nó, hai cánh môi khô cong há ra, thốt lên hai chữ: "Không có."
"Vậy có nhà nào thừa phòng cho bọn vãn bối tạm nghỉ một đêm chăng? Bọn vãn bối sẽ trả tiền." Đường Mật lại hỏi.
"Ở đây không cho người ngoài trú lại, phía đông thôn có một căn nhà hoang, nếu nghỉ qua đêm cứ đến đó, cùng lắm già chỉ cho các vị được ít mì gạo mà thôi." Bà già đáp.
Đường Mật nghĩ thế cũng tốt, chỉ nghỉ lại một đêm, trả tiền mua mì gạo cũng không sao. Bèn bảo Sử Thụy đánh xe về phía đông thôn,
Căn nhà hoang đó là một nơi rất nhỏ, đơn độc đứng ở bãi hoang phía đông, tường bao sập mất quá nửa, ba gian nhà ngói thì gian phía tây đã sập, cũng may ba đứa kiểm tra kĩ mà hai gian còn lại vẫn kiên cố, nên quyết định nghỉ chân.
Trước khi lên Thục Sơn, Bạch Chỉ Vi là đại tiểu thư cành vàng lá ngọc, sau này có học giặt giũ nhưng chưa từng nấu nướng. Đường Mật tuy biết nấu xong không phải dùng loại bếp lò đất này, thành ra trách nhiệm nặng nề được đẩy cho Sử Thụy, hai cô bé đi dọn dẹp nhà.
Bạch Chỉ Vi kéo nước từ giếng lên, tìm miếng vải rách lau sạch cái ghế duy nhất còn lại trong nhà, không ngờ lau hết bụi đi rồi, thấy ngay hai chữ xiêu xiêu vẹo vẹo khắc ở đó. Hai chữ khắc kín đáo ở thành ghế, lại không lớn lắm, độ sâu khắc vào gỗ không đều, nét bút mười phần ngây ngô, nhìn là biết tác phẩm của trẻ con. Bạch Chỉ Vi lau hai lần xem cho rõ, hai chữ "Mục Hoảng" đập ngay vào mắt.
"Đường Mật, Đường Mật, mau đến đây, nhanh lên." Cô gọi giật giọng.
Đường Mật đang quét dọn giường, không biết xảy ra chuyện gì, vội vàng chạy tới hỏi: "Thế nào, thấy chuột à?"
Nó thấy Bạch Chỉ Vi khí định thần nhàn đứng đó, liền khẳng định không sao, bằng không Bạch đại tiểu thư nhất định đang đu trên xà nhà.
"Không có gì, xem đi này, hình như là chữ Mục tông chủ khắc lúc còn bé." Bạch Chỉ Vi chỉ vào cái ghế gỗ.
Đường Mật hơi chần chừ, một lúc sau mới phản ứng kịp, Mục tông chủ chính là tông chủ Kiếm tông Mục Hoảng bị người Thục Sơn rao truyền là chết vì bạo bệnh. Cái chết của lão quan hệ trọng đại, Đường Mật không nói sự thật với cả Bạch Chỉ Vi. Nó đến nhìn rồi tỏ vẻ khó tin: "Chà chà chả lẽ đây là chỗ điện giám và tông chủ ngụ lúc còn nhỏ?"
Dứt lời, nó thấy Sử Thụy cầm cành củi chạy vào hỏi: "Bạch cô nương, Bạch cô nương, sao thế?"
"Không, sao, ngươi nấu cơm đi." Bạch Chỉ Vi không thèm nhận tấm lòng của y, tùy ý sai khiến luôn.
Đường Mật nhận rõ mọi sự, thở dài cho thiếu niên mới chớm vào tình ái này, nói với Bạch Chỉ Vi: "Sử Thụy rất quan tâm đến ngươi, không thấy sao?"
Bạch Chỉ Vi khẽ nhướng mày ngài, buông một câu nhạt thếch: "À, vậy à!"
Đường Mật lắc đầu: "Chà, ngươi không nhận ra hả, y là tiểu tử nhãi ranh nhìn chằm chằm ngươi ở tửu lâu, cũng là kẻ ta bảo giống như con khỉ đó."
"À, hóa ra y là xa phu." Bạch Chỉ Vi đáp, hoàn toàn không bắt lấy trọng điểm lời Đường Mật nói.
Đường Mật có phần đồng tình với Sử Thụy, lần đầu tiên đề cập đến vấn đề tình cảm khi nói chuyện với Bạch Chỉ Vi: "Chỉ Vi, ngươi thích nam tử như thế nào?"
Bạch Chỉ Vi nào ngờ Đường Mật đột nhiên hỏi đến vấn đề đó, má ửng lên hai đóa mây hồng: "Không thích thế nào cả." Rồi đi luôn.
Đường Mật cười cười, không hỏi thêm, vào trong nhà quét dọn. Đoán rằng căn nhà là nơi Mục điện giám sống lúc bé, nên nó tìm kiếm rất cẩn thận, thầm nhủ tất sẽ tìm được chi tiết nào đó mới về lão, ví như bức thư tình đầu tiên chẳng hạn. Tiếc là căn nhà bị bỏ hoang quá lâu, hoàn toàn trống trơn, không phát hiện được gì.