Thế là tôi lóc cóc đi lên bảng mà trong lòng tức anh ách, đúng là “thần khẩu hại xác phàm” mà, được cứ lên bảng xem “ổng” giở trò gì nào. Sinh nhìn tôi với vẻ mặt rất… đáng ghét, trông mà điên lên được, anh đẩy gọng kính hất hàm bảo tôi: “ Write down one sentences have the structure of past perfect tenses (viết câu có cấu trúc của thì quá khứ hoàn thành)”, tưởng gì chứ cái này thì dễ còn hơn ăn bánh, viết thì viết. Viết xong tôi quay lưng bước xuống đưa viên phấn cho Sinh rất hồ hởi: “ Finish. (Xong rồi)”, tôi nghênh mặt lên trông rất kiêu hãnh, Sinh ngó lên bảng rồi lại ngó tôi: “ Are you sure?”(Chắc không đó.)”Tôi gật đầu cái rụp với vẻ cực kì tự tin, và anh cũng gật đầu cái rụp với vẻ quả quyết: “ Good, get back your seat. You have an F – today. ( Tốt, đi về chỗ ngồi. Em có một điểm F- (F- tương đương với điểm 0) hôm nay)”.
“ What? You’re kidding me, why…??(Gì, thầy giỡn hả, tại sao?) ”- tôi gân cổ cãi, anh nhìn tôi khinh khỉnh: “You were right about it but you forgot the dot in the end, that was most important. Have you ever heard one false step leads to another? (Phải, em viết đúng nhưng thiếu mất dấu chấm cuối câu, cái đó rất quan trọng. Em đã bao giờ nghe câu sai một li đi một dặm chưa?) ”. Nhìn theo cái chỉ tay của anh, tôi nhìn lên bảng đúng là không có một dấu chấm cuối câu nào cả, rồi anh quay xuống nhìn cả lớp bảo: “Class, you should learn experience from H today. The dot in the end very inportant (Cả lớp nên rút kinh nghiệm của bạn H hôm nay, dấu chấm rất quan trọng đó.)”
Tôi tiu nghỉu đi về chỗ như con mèo cúp tai. Chưa bao giờ trong cuộc đời một đứa khá Anh văn như tôi lại mắc một sai lầm nghiêm trọng như thế, và cũng chưa bao giờ tôi bị bẽ mặt trước đông người như vậy. Tôi bắt đầu ghét “ông già” này rồi nghen, hãy đợi đấy, tôi sẽ trả đũa….
Con bé My thỏ thẻ an ủi tôi: “Đừng buồn chị ơi, lần sau cẩn thận hơn là được chứ gì.”, tôi nhìn con bé cố gắng mỉm cười mà trong lòng máu sôi lên tận 100 độ C, tức quá, tức quá… tôi rủa thầm: “Ai cần mi an ủi nội nhìn thấy cái màu hồng mà mi đang mặc ta còn điên hơn ấy.”….. Sau màn trả bài chúng tôi bắt đầu học bài mới, bài học của chúng tôi hôm nay là về những câu hỏi cá nhân còn gọi là Personal question, trong lớp ai cũng có đôi có cặp để luyện tập cả chỉ trừ con bé My, nó là một số lẻ duy nhất còn lại. Tôi cũng có thể trò chuyện với nó nhưng đang bực mình nên tôi đành lơ nó, quay xuống bàn dưới bàn luận với một bà cô lớn tuổi. Sinh đã thấy sự “xấu tính” của tôi nên đã lại gần bàn tôi bảo bé My: “No one practice with you, so you can practice with me, dear. (Không ai bàn luận với em hả, vậy em có thể tập với thầy.) ”.
Con bé nhìn anh ngơ ngác, nó không hiểu một từ nào của anh cả, nó bẽn lẽn: “Dạ thưa thầy, em hổng hiểu thầy nói gì hết. Thầy có thể nói tiếng Việt không ạ”, tôi dỏng tai nghe cuộc trò chuyện và khẽ liếc nhìn về phía họ, con bé này “tới số” rồi nên mới bảo “ông già” đó nói tiếng Việt, rồi sẽ bị ổng chửi cho xem, thích thật, đến giờ khi nghĩ lại tôi chợt xấu hổ, sao lúc đó mình ác quá đi. Nhưng bất ngờ thay, tôi như không tin vào lỗ tai và con mắt của mình khi thấy anh nhìn nó và vuốt tóc nó nhẹ nhàng bảo: “ Ừ, được rồi, không hiểu thì thầy nói tiếng Việt vậy, nhưng lần sau phải cố mà nghe cho được đó nghen”.
Đồ… nhỏ nhen… đẹp trai mà đi thù dai… chẳng dễ thương tí nào, tôi cũng là một đứa con nít vậy sao lại “trù dập” tôi mà đi dịu dàng với con nhỏ “cá hồng kim” kia (đó là biệt hiệu tôi đặt cho bé My, đến giờ khi đã ba năm trôi biết bao chuyện lộn xộn xảy ra, con “cá hồng kim” ngày nào đã trở thành đứa em nuôi mà tôi thương nhất), nó hơn gì tôi nào? Chỉ có xinh xẻo hơn, tài năng và đức tính độc đáo thì chưa chắc bằng tôi nhen. Hì hì lạy chúa, tôi cũng có lúc quá sức là… chảnh. Thấy họ trò chuyện tự dưng tôi thấy ghét thế nào ấy, tôi phải “phá đám” cho bõ ghét. Đặc biết là nhìn thấy sự nhí nhảnh của con bé My đã làm cho ngọn lửa bực tức trong lòng tôi cháy lớn hơn.
Tức mình tôi bảo bà cô lớn tuổi rằng cô có thể trò chuyện với người nào khác trong bàn không, tôi sẽ quay lên chỉ bảo bé My một chút, con bé đáng ghét, tôi sẽ cho nó “biết tay”. Vừa quay phắt lên, tôi mỉm cười thật tươi: “ Em có thể chỉ bé My không? Để thầy rảnh rỗi soạn bài chứ, thầy thấy sao?” , Sinh dòm ngạc nhiên, anh nhìn lâu hơn soi mói hơn, nhằm tìm ra “âm mưu gì đó” của tôi, nhưng tôi đã khéo che đậy với bộ mặt “ngây thơ ” chưa từng thấy. Anh gật đầu bảo tôi với bé My cứ bàn luận với nhau có gì không hiểu cứ hỏi anh, còn anh trở lại bàn soạn bài để một chút kiểm tra.
My lật sách ra nó dựa vào những câu hỏi có sẵn trong sách bê nguyên xi ra “hỏi” tôi:
“ What did you do yesterday? (Chị làm gì hôm qua)”, tôi mỉm cười săm soi những móng tay đáp cộc lốc: “ Sleep (ngủ).”, con bé cười lại với tôi: “Thiệt hôn? Em cũng vậy đó”.
Nó lại tiếp tục “hỏi cung” tôi: “ When you free what would you do? (Khi chị rảnh, chị sẽ làm gì?)”, tôi gác chân lên đùi nhịp nhịp vẫn tiếp tục săm soi mấy móng tay: “ Sleep.( Ngủ)”, nó nhìn tôi tròn mắt nhưng vẫn tiếp tục hỏi thêm câu hỏi khác: “ If you had a wish, what would you wish? (Nếu chị có một điều ước bây giờ, chị sẽ ước gì?)”, tôi gác tay lên cằm ngáp dài: “ Go to bed. ( Đi ngủ)”.
Con bé nhìn tôi nhăn mặt, nhưng nó vẫn kiên nhẫn đặt câu hỏi với tôi: “ After class will you got home? (Sau giờ học chị sẽ về nhà chứ)”, tôi gật gù: “Sure. (Chắc rồi)”, mặt My giãn ra vì nó thấy dường như là sẽ có câu trả lời khác thay cho chữ “Ngủ” từ nãy đến giờ. Chưa đâu trò chơi vẫn chưa kết thúc, đây chỉ là hiệp giải lao năm giây thôi đấy. Sau khi liếc mắt vào sách nó vẫn tiếp tục với trò chơi “những câu hỏi bất tận”: “ When you get home, what is your first action? (Khi chị về nhà hành động đầu tiên là gì?)” , tôi nhướn mày: “ Finds mother to say hello… ( tìm mẹ và chào)”, con bé có vẻ rất vui vì nó thấy tôi có “thiện chí”, nó hỏi tiếp: “ So, then? (thế còn sau đó.)” – tôi mỉm cười ranh ma chốt lại câu chuyện không đi đến đâu cả: “Go to sleep. ( Đi ngủ)”… Đến đây, bé Mi dường như đã mất kiên nhẫn thật sự, nó tru tréo lên làm cả Sinh ngồi trên kia cũng phải giật mình: “Không chịu đâu, em không chơi với chị nữa…hu hu hu. Chị là “bà phù thủy” độc ác…”