“Thầy không giỡn chứ?”, đang ngồi mà tôi thiếu điều muốn nhảy nhỏm ra khỏi ghế, trong quán cà phê nơi căn tin trung tâm tôi và thầy Lâm người dạy tôi môn Reading trong trung tâm và cũng là giáo viên chủ nhiệm tôi 4 năm cấp II đang ngồi nói chuyện với nhau. Tôi rất thích thầy vì thầy sôi nổi hay đùa và lúc nào cũng chịu đựng những trò nhất quỷ nhì ma của tôi mà không hề nổi nóng, nay tôi lại nghe thông báo thầy sẽ đi công tác trong vòng ba tháng và thay vào đó sẽ là một người khác rất khó khăn, nghiêm khắc. Thầy Lâm cầm ly nước lên hớp từng hớp từ tốn: “Làm gì mà em cứ như phải bỏng vậy, thoát được em, tôi mừng còn chưa kịp nữa là. Mà người mới này tôi bảo đảm là em rất thích, đúng “gu” em đó” .“Đúng “gu” em? Như thế nào là đúng “gu” em” – Tôi đưa ngón tay tự chỉ vào mình, thầy Lâm gật gù: “ Thì “gu” em là mấy ông thầy đẹp trai”. Nghe thầy Lâm nói tôi che miệng cười khúc khích : “Sinh em ra là mẹ, nhưng hiểu em là thầy thôi, nhưng đẹp trai mà không dạy hay thì cũng như không hà, người ta nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà thầy”
Thầy Lâm nghe tôi nói thì trề dài môi : “Thôi cho tôi xin đi “cô”, người ta thì vậy nhưng em thì nói khác đó, tôi bảo đảm trong trường hợp này em sẽ nói: “ Tốt thì tốt cho trót, tốt gỗ thì tốt luôn cả nước sơn. Tính em tôi còn lạ gì…”. Tôi đập tay xuống bàn cười rúc rích: “Hi hi hi,ha ha ha. Đúng là thầy thật…hiểu em..”
Lại nói về người thầy mới sẽ thay thế thầy Lâm, tôi nào có biết “thiên thần đã bị gãy cánh bị đày xuống trần làm quỷ dữ”, người đó không ai khác hơn chính là… “ông già” đó.
“Vậy thầy tả sơ cho em xem ông thầy mới đó ra sao đi, nghe thầy khen như thế thì chắc cũng là một nhân vật nổi trội ha?”.
Thầy Lâm đưa hai tay sửa lại cổ áo, lên giọng vẻ như quan trọng: “ À phải, một “nhân vật” lớn. Mới nhắc đã thấy rồi, hắn vô kìa”. Tôi xoay người nhìn theo hướng tay thầy Lâm chỉ thì bộ mặt tôi “biến dạng” hoàn toàn, mắt mở to trợn trừng, miệng há hốc ra lắp bắp: “ Oh… my… God….”. “Nhân vật” đó là Sinh, người tôi mới “gây hấn” cách đây mấy ngày. Anh nhanh nhẹn bước đến chỗ tôi và thầy Lâm, đưa tay vỗ nhẹ vai thầy: “Chào đồng nghiệp, chia tay học trò hả?”, rồi anh ngồi xuống cạnh tôi, tôi thấy như hồn lìa khỏi xác, lỗ tai lùng bùng, tôi không dám quay qua nhìn anh, trong bụng thầm thắc mắc là sao anh ngồi gần tôi thế, tôi không biết làm gì hơn là cắm cúi bỏ đường vào ly cà phê của mình.
Lúc này tôi như một cái máy chỉ biết bỏ đường và bỏ đường, tôi không sao làm chủ được hành động của mình, tôi còn không nhớ chính xác mình đã bỏ mấy muỗng đường nữa cho đến khi thầy Lâm lên tiếng: “Em định đem cà phê nấu thành chè hay sao mà bỏ đường dữ vậy?”. Nghe thầy Lâm nói tôi chợt bừng tỉnh ngưng lại, lấy bình tĩnh quay qua nhoẻn cười chào Sinh: “ Chào thầy ạ, thầy cũng dạy luôn môn Reading, thế thì hay quá”. Anh mỉm cười một cách dịu dàng: “ Vậy thầy trò mình gặp nhau luôn cả ngày thứ hai và thứ tư rồi ha”, tôi mỉm cười méo xẹo “Dạ!”, rồi nhấc ly cà phê lên uống, cha mẹ ơi nó ngọt hơn chè, tôi suýt sặc…
Thật sự thì nụ cười của Sinh làm tôi rợn tóc gáy vì nó quá dịu dàng, dịu dàng một cách “kỳ dị”. Chợt anh đứng dậy: “Thôi mình đi nha, hai người nói chuyện tiếp đi, còn một số giáo án chưa soạn nữa. Rất vui được dạy em H à, hẹn gặp lại em trên lớp nhé.” Tôi nhìn theo dáng anh mà lẩm bẩm: “ Phen này thì đời mình kể như đi tong. Ba tháng sống chung với…“quỷ” ”. Khi tôi biết anh dạy tôi, tôi vừa mừng vừa lo vì tôi thích anh dạy mình vì anh dạy rất hay, nhưng tôi lo là tôi sẽ gặp rắc rối với anh vì tờ giấy của tôi anh vẫn còn giữ, và mấy ngày trước tôi còn trả treo lại anh nữa.
Thầy Lâm đã nhìn thấy thái độ của tôi, dường như thầy không ngạc nhiên vì chuyện này, thầy bảo: “Em đang gặp rắc rối với “tên” đó . Lần nào hắn nhìn ai mà cười như thế thì chắc chắn 80% người đó bị “đì sói trán”. Em chọc giận hắn cái gì vậy?”, nghe thầy nói mà mặt tôi xám xịt. Tôi đổ gục ũ rũ như tàu lá chuối : “My life is over (đời em tiêu rồi), mới đầu thấy “ổng” hiền em chọc một chút chơi ai dè…”, tôi bèn kể lại cho thầy Lâm nghe đầu đuôi câu chuyện hôm đó, thầy cười phá lên rồi nghiêm mặt: “Đáng đời em, cứ quen thói chọc ghẹo, nay gặp “ma” rồi. Thôi có chơi có chịu”. Tôi la bài hãi nắm lấy tay áo thầy lắc lắc: “Không, thầy phải cứu em, kiến nghị văn phòng đổi thầy cô nào cũng được nhất định không phải “ổng”.
Thầy Lâm ung dung uống cạn ly cà phê của mình mặc cho tôi đang “cật lực cấu véo” thầy: “Bó chiếu, vào tay ai chứ gặp “thằng cha” đó thì trời cũng không “cứu” được em đừng nói tôi.” Chợt lúc đó tiếng chuông reng báo vào lớp học, thầy Lâm nắm tay tôi lôi dậy: “Nào, lên lớp học đi “cô hai”, đừng trẻ con thế.”.
Tôi cố ôm chặt thành ghế miệng cứ bai bải: “Không không, em không muốn …”
Ngày hôm kia tôi mới quyết tâm đối mặt với thử thách thế mà hôm nay cái quyết tâm đó đã “xẹp” như bong bóng. Thầy Lâm gỡ tay tôi ra khỏi thành ghế mặc cho tôi giãy nãy thế nào thầy lôi tôi đi xềnh xệch lên lớp học chung quanh mọi người không khỏi đổ dồn mắt vào hai chúng tôi.