Mẹ Tây chẳng nói gì, ngồi lặng người một lúc lâu rồi nói: “Nhưng đó đều là nhân vật trong văn học…” Giọng bà nói có phần nhẹ nhàng hơn.
Giai nhanh nhảu tiếp lời: “Văn học cũng là từ cuộc sống mà ra.”
Mẹ Tây nói không lại. Rốt cuộc bà là bác sỹ, tranh luận về văn học đương nhiên là thua rồi. Giai nhìn thẳng vào mắt mẹ Tây trong ánh mắt ấy không chút kiêu căng của kẻ đắc thắng, chỉ có sự chân thành và khảng khái.
Bố Tây ngồi yên nãy giờ bây giờ mới lên tiếng: “Giai nói đúng, văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Những ví dụ cháu vẫn nói ở nước ngoài cũng có; như Romeo và Juliet, Dumasfils và Violetta Valery. Vậy, điều này nói lên cái gì? Điều này khẳng định rằng không thể. Bởi vì cháu có thể lấy bao nhiêu ví dụ về những cuộc chia ly kiểu như Trà Hoa Nữ mà đau khổ đến chết thì bác cũng có thể lấy bấy nhiêu ví dụ về những gia đình tan nát chỉ vì trót yêu gái làng chơi; Cháu có thể tìm muôn ngàn ví dụ về những bi kịch bị phản đối tình yêu, bác cũng có thể tìm ngần ấy ví dụ về những bi kịch trái ngược lại trong cuộc sống này. Cháu cho rằng Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc không lấy được nhau là một khổ đau, còn bác cho rằng đó là sự may mắn của họ - vì chính cách kết thúc như vậy đã biến tình yêu của họ thành vĩnh cửu!... Bác nói tất cả những lời này để khẳng định với cháu thế này: Giai à, đây không phải là cách thảo luận vấn đề này!” Lời ông nói nhẹ nhàng với thái độ hết sức bình thản, mỗi câu đều ẩn chưa hàm ý sâu sắc, logic, chặt chẽ, có tình có lý khiến đối phương ngạc nhiên, cứng lưỡi chẳng nói được gì, như thể dồn đối phương vào con đường không lối thoat. Mẹ Tây lặng nhìn chồng đầy khâm phục. Ánh mắt vẫn điềm tĩnh, giọng nói vẫn nhẹ nhàng, nhưng ở ông toát lên vẻ đắc thắng như chính Giai vừa làm ban nãy. “Thế mới nói, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hôm nay, chúng ta không nói về người khác nữa mà nói về chúng ta nhé. Trước mặt một giáo sư chuyên về ngữ văn Trung Quốc, rõ ràng Giai rơi vào thế yếu, cô chỉ muốn khóc. Nhưng vẫn cố kìm nén, thực sự làm được điều này còn khó hơn là cứ khóc oà lên. Bố mẹ Tây nhìn Giai hồi lâu, nhìn cô gái tội nghiệp này mà trong lòng đầy cảm thông, song lại không thể đồng tình. Nếu như Giai yêu người khác, dù đó là ai họ cũng không để ý, nhưng sự việc này lại liên quan tới con trai họ nên họ không thể không quan tâm. “Giai à, tất nhiên hai bác không yêu cầu cháu phải đưa ra quyết định ngay lập tức …” Bố Tây nói tới đây ngừng lại giây lát. Ý tứ thì cũng đã rõ ràng, lúc ấy không phải là lúc để đánh giá cao khả năng thuyết phục của đối thủ, mà cũng chưa đến mức quan hệ này. Nói thực lòng thì họ cũng rất hiểu Giai và thấy buồn cho Giai.
Giản Giai nước mắt lưng tròng, luôn cố kìm nén để nước mắt không trực trào ra, đành hít một hơi thật dài, cố gắng nín nhịn, cố gắng cười, Giai nói: “Thưa hai bác, bác thấy cháu có điều gì chưa phải, mong hai bác chỉ cho cháu biết, cháu sẽ… thay đổi, được không ạ?” Giai cố sức phản kháng lại, không sợ đối phương lại phản pháo trúng nhược điểm của Giai, hay nói cách khác Giai đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận đòn phản pháo đó rồi.
Mẹ Tây khó khăn lắm mới nói được: “Không phải là cháu không tốt, chỉ có điều bác thấy hai đứa không hợp…”
“Không hợp ở đâu ạ?” Giai nhanh nhảu hỏi lại.
Đến lượt bố Tây cũng không nhẫn tâm nói lên cái nguyên nhân “chỗ nào ấy”, chỉ thấy như vậy thật quá tàn nhẫn. Lát sau, mẹ Tây lại nhỏ nhẹ nói: “Giai à, cháu thấy đấy, cháu nhiều tuổi hơn Hàng, tất nhiên bây giờ thì chưa thấy vấn đề gì, nhưng cháu đã bao giờ nghĩ về chuyện này chưa, chẳng nói quá xa, chỉ mười năm nữa thôi, cháu đã gần bốn mươi, còn Hàng nó mới hơn ba mươi…”
Giai lại nhanh nhảu trả lời: “Cháu là đậu phụ thối, còn Hàng là nhành hoa tươi. Cháu đã vào lúc sắp hạ màn, Hàng vẫn còn đang đầy hấp dẫn… vấn đề này chúng cháu đã thảo luận rất nhiều lần. Và đều nhất trí rằng chúng cháu sẽ cùng nhau từng bước hướng tới tương lai, con người không thể vì những điều không thể của tương lai mà từ bỏ mọi nỗ lực.” Bố Tây không nói được gì nữa và cũng chẳng muốn nói gì nữa. Giai đợi một lúc, xem hai người còn định nói gì nữa không, sau đó thay họ tiếp lời: “Thưa hai bác cháu còn biết lý do chính mà hai bác khó có thể chấp nhận cháu là gì.” Bố mẹ Tây ngạc nhiên nhìn Giai, hi vọng Giai sẽ không tiếp tục nói nữa. Vì suy cho cùng cả hai đều là người tốt. Nhưng Giai vẫn nói ra: “Đó là vì Khải Đoạn.” Bố mẹ Tây đều tránh ánh mắt của Giai, cứ như thể họ vừa làm điều gì có lỗi với Giai. Giai vẫn tiếp tục nói: “Chuyện này khiến hai bác cảm thấy mất mặt đúng không ạ?”
“Không, không, không phải.” Bố mẹ Tây đều đồng thanh phủ nhận, giọng nói có chút bấn loạn. Cả hai đều không ngờ cô gái này lại có dũng khí và quyết tâm đến thế.
“Vậy là vì sao ạ?” Giai thì thầm hỏi.
Bố mẹ Tây không trả lời ngay, phòng trở nên im lặng. Bố Tây bắt đầu nói trong sự yên lặng ấy. Ông cảm nhận được sự chân thành không thể bỏ qua ở Giai, nên không trốn tránh ánh mắt của Giai nữa, và cũng đáp lại bằng sự chân thành: “Giai à, cháu hãy suy nghĩ thật kỹ vào, hiểu không?… Hàng nhà bác không giàu có như Khải Đoạn, so với anh ta, thằng Hàng chỉ bằng một công nhân viên chức ăn lương tháng mà thôi. Hiện giờ cháu đang thấy cô đơn trống vắng, Hàng giúp cháu lấp chỗ trống, nhưng sau này thì sao, khi hai đứa lấy nhau, ngày tháng sau này, sẽ có lúc vì Hàng nó không thể cho cháu cuộc sống sung túc như người đàn ông kia cho cháu, và cháu sẽ thấy…” ông lại ngừng lại giây lát rồi nói ra hai từ “…hối hận.”
Giai nhanh nhảu đáp: “Sẽ không đâu ạ?”
Bố Tây cũng nhanh chóng hỏi lại: “Làm sao hai bác tin cháu được?”
Giai không thể trả lời.
Trưởng phòng phát hành đến, nhà văn Trần lại có cuốn sách mới ra, phụ trách biên tập vẫn là Tây và Giai, đó là yêu cầu của nhà văn Trần, chị ta yêu cầu cả hai người phải cùng phụ trách biên tập cuốn này. Trần Lãm cho rằng Giai và Tây là một cặp ăn ý, một người là “TRONG”, người kia là “NGOÀI”, không thể thiếu mặt nào. Để có được cuốn sách này, nhà xuất bản quyết định điều lại Giai về làm ở Ban biên tập số 6, giữ chức phó trưởng ban và kết hợp với Tây cùng làm thật tốt cuốn sách này. Trường phòng phát hành tới để bàn với cả hai về phương án quảng cáo cho cuốn sách. Giai nói cô đã sắp xếp xong buổi toạ đàm, hai ngày nữa có thể thực hiện. Trưởng phòng phát hành nói: toạ đàm là cần thiết nhưng toạ đàm không chưa đủ. Bây giờ người đọc rất kén sách, không giống trước kia, cứ thấy nhà phê bình khen hay là họ đi mua.
Tây lạnh lùng đồng tình: “Đương nhiên là thế, cứ đưa phong bì rồi nhờ viết lời khen cho sách, sớm muộn cũng bị độc giả đổi món.”
Giai cũng phản pháo lập tức: “Không thể vơ đũa cả nắm thế được, có phải cứ đưa tiền nhờ viết lời bình là sách không hay đâu chứ. Balzac sáng tác cũng là vì tiền, thì sao nào, cuốn nào cũng hay cũng thuộc hàng kinh điển, nhà phê bình thì cũng là người, cũng cần ăn chứ!”
“Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là cứ vì tiền mà đổi trắng thay đen được”. Xem ra hai bên đang sắp cãi nhau, trưởng phòng phát hành đành đập bàn “Rầm” một tiếng làm hai người giật mình, cùng ngừng tranh luận và cùng ngẩng đầu lên. Trưởng phòng nói: ý kiến của Tây vô tình đưa ra một ý tưởng rất hay, cảm giác của Tây cũng chính là cảm giác của độc giả. Hiện nay làm ra một cuốn sách không chỉ khen hay là đủ mà cũng cần bị chê nữa. Sắp xếp bao nhiêu bài khen ngợi thì cũng cần có từng ấy bài phê bình, để hai bên tranh luận cùng nhau, mà tranh luận càng hằng càng tốt! Vì có người khen hay có kẻ chê dở, nên lúc đó độc giả sẽ tò mò xem rốt cuộc cuốn sách đó hay hay dở? Và, mua một cuốn sách để xem! Đây chính là cách để bán chạy sách, “rầm” lại một tiếng đập bàn nữa đầy phấn khích: “À này, hai cô nghĩ xem, sao chúng ta lại quên mất anh ta nhỉ” “Anh ta” mà trưởng phòng nhắc tới chính là Lưu Khải Đoạn. Khải Đoạn thích Trần Lãm, mời anh ta giúp một tay chắc không vấn đề gì. Nghe vậy, Tây ngẩng lên nhìn Giai nhưng Giai không buồn nhìn lại, chỉ quay sang nói với trưởng phòng phát hành rằng cách đó thực sự không hay. “Không hay ở chỗ nào? Một bên đỉnh cao của văn tài, một bên số một về kinh doanh, đẹp đôi quá còn gì.” Nói dứt lời anh ta đứng lên đi thẳng, vừa đi ra vừa dặn hai người phải lo việc này, còn anh ta sẽ liên hệ báo giới.
Khải Đoạn đợi Tây ở văn phòng. Hai người hẹn gặp lúc mười giờ, bây giờ đã là 10h15. Đúng lúc ấy cửa mở, Tây bước vào theo cô thư ký, mồ hôi nhễ nhại, thở hồng hộc. Đường tắc, tới đoạn đường cuối cùng Tây phải xuống xe chạy bộ tới, Tây đến vội như thế là vì chuyện cuốn sách của nhà văn Trần nhờ được giúp đỡ. Vẫn biết là nếu Giai tới đề nghị sẽ có hiệu quả hơn, nhưng Giai kiên quyết không đi nên Tây đành phải đến. Khải Đoạn vốn hẹn cho Tây một tiếng đồng hồ để nói chuyện song hiện giờ anh ta chỉ có 15 phút rỗi, sau đó còn phải gặp một khách hàng từ Đài Loan sang, vì thế Tây ngay lập tức vào thẳng vấn đề.
“Chúng tôi định tổ chức họp báo cuốn sách mới của Trần Lãm, mong anh giúp đỡ.”
“Vì sao tìm tôi. Doanh nhân thành đạt giờ đầy ra.”
Tây ngớ người giây lát rồi đáp lại: “Chẳng phải chúng ta là người quen sao?”
“Không đơn giản chỉ vì quen biết đúng không? Tây à, em tìm anh, chính là muốn biết xem liệu Giai có thể không trả lại tiền nữa đúng không?”
“Sao anh lại nghĩ vậy?”
“Vậy em bảo anh phải nghĩ như thế nào?”
“Khải Đoạn, nếu anh thực sự nghĩ như vậy, thì anh hơi tự ảo tưởng đấy. Nói thật, em vất vả tới đây chính là để thực hiện nhiệm vụ trưởng phòng phát hành giao cho.”
Khải Đoạn có phần hơi thất vọng, nhưng rất nhanh sau đó lấy lại phong độ, lát sau anh ta hỏi tiếp: “Cô ấy sao rồi?” Không nói rõ là ai nhưng Tây hiểu ý ngay. “Nó muốn kết hôn. Muốn có một gia đình.”
“Có thể lý giải câu nói này của em là: Giai vẫn còn yêu anh. Chỉ vì anh không thể lấy cô ấy nên mới rời bỏ anh.”
“Về việc này anh tự đi hỏi Giai ý. Em chỉ nói lên suy nghĩ của em. Khải Đoạn, anh không thấy bản thân mình hơi ích kỷ hả?”
“Anh chỉnh lại chút, không phải là “không lấy” mà là “không thể lấy”. Anh có vợ rồi.”
“Anh từng nói với Giai là anh và vợ vốn chẳng còn tình cảm gì với nhau mà…”
Khải Đoạn lại chỉnh lại câu nói của Tây: “Đúng là không còn tình cảm. Nhưng anh không thể bỏ cô ấy được. Suốt thời gian trẻ cô ấy đã theo anh, theo anh từ khi anh hai bàn tay trắng, mấy chục năm rồi, giờ bọn anh là người thân. Anh có thể nói rằng, vì tình yêu mà bỏ tình thân. Là em, em có làm được thế không?”
“Khải Đoạn à, anh việc gì phải so sánh thế. Với anh, tình yêu đâu phải là tất cả, người ta cũng vậy mà. Giai đã ba mươi tuổi rồi, cũng đến lúc phải kết hôn và sinh con rồi.”
“Cũng được. Anh sẽ đưa cô ấy ra nước ngoài, bọn anh có thể sinh con mà.”
Nghe vậy, Tây thật không ngờ và có chút vui mừng. Vui cho Giai và cũng cho cả bố mẹ Tây. Việc của Giai đã được giải quyết, việc của Hàng chẳng phải cũng vì thế mà được giải quyết rồi sao? Đương nhiên nó sẽ đau khổ nhưng thà đau một lúc còn hơn đau cả đời. Lúc ấy, Tây thấy Đoạn nhìn đồng hồ, nên vội vàng tận dụng thời gian đi thẳng vào việc chính. “Thôi, vào vấn đề chính! Họp báo sách của Trần Lãm, tổng giám đốc Lưu à, anh giúp cho nhé.”
“Cuộc họp báo của cô Trần, tôi nhất định không giúp đâu.”
“Vậy thì các sếp giết tôi chết mất.”
Khải Đoạn cười: “Thưa cô biên tập viên, cô đang bàn việc làm ăn hả?”
“Thế anh muốn em bàn thế nào đây?”
“Em muốn kiếm được tiền nhờ anh, thì cũng phải trao đổi cho anh cái gì tương xứng chứ.” Tây cảm thấy điều này thật khó nghe, chuyện này nghe thật vô lý, Tây biết lấy gì cho Đoạn để làm “vật trao đổi ngang giá” đây. Đúng lúc đấy, Đoạn nói tiếp: “Bảo cô ấy tới nói chuyện với anh.”
Tây như hiểu ra mọi chuyện. “Được, em sẽ bảo nó tới, nhưng em không chắc là nó có tới không đâu đấy nhé.”
“Còn một điều kiện nữa. Không thể tán dương Trần Lãm.”
“Vậy anh muốn tán dương ai?”
“Ai cũng được ngoài Trần Lãm”
Tây cười lớn: “Tổng giám đốc Lưu mà cũng phải lăn tăn chuyện đó hả?”
“Chỉ là không muốn người khác hiểu lầm thôi. Mà cốt lõi là không muốn Trần Lãm hiểu lầm. Anh tôn trọng cô ấy.”
Tây thôi cười lớn, nét mặt trở lại nghiêm túc hơn. Tây thầm nghĩ, thảo nào Giai yêu người đàn ông như vậy, anh ta không chỉ là một doanh nhân thành đạt, mà rõ ràng còn rất nhiều phẩm chất đáng để được yêu.
Từ công ty Khải Đoạn về, Tây không trở lại cơ quan nữa mà về thẳng nhà. Quốc vội vàng tới “triển lãm kỹ thuật” ở Hồ Bắc, trước khi đi không quên nhắc Tây mấy ngày này anh trai ở quê sẽ lên, nên dặn Tây tan làm nhanh chóng về nhà. Đây là lần đầu tiên anh trai lên Bắc Kinh, lại lên một mình nên còn lạ lẫm chưa quen. Qua điện thoại, Quốc cũng đã nói rõ địa chỉ nhà và các tuyến xe cho anh trai, anh trai Quốc tuy là chưa đi đâu xa nhà, nhưng với một người đã tốt nghiệp cấp ba lại còn thi đỗ đại học như anh ấy, chút khó khăn này đâu thể làm khó anh. Tây thì hoàn toàn đồng ý và nhận lời rất chân thành với đề nghị của chồng về nhà đón anh trai lên. Tây cũng có ấn tượng tốt về anh trai của Quốc. Anh ấy không hay nói nhưng rất tinh tế, rất biết cách thông cảm cho mọi người. Khi Tây về nhà chồng, anh vẫn bảo vợ làm giúp Tây cái này cái kia. Nếu phải làm toàn bảo vợ làm việc nặng nhọc, để Tây làm việc nhẹ. Vì thế, Tây cảm thấy rất cảm kích với vợ chồng anh chị.
Tây vội về nhà, về rất đúng lúc. Anh trai của Quốc là Hà Kiến Thành đang đứng đợi ở trước cửa. Nhưng điều khiến Tây quá bất ngờ là cùng đợi trước cửa còn có bố Quốc – bố chồng của Tây. Quốc không hề nói là bố sẽ lên. Mời bố và anh vào nhà, Tây viện cớ đi ra ngoài đi chợ tranh thủ gọi cho Quốc hỏi vì sao không nói là bố cũng lên. Quốc bảo thực sự không biết chuyện này, nghe giọng có vẻ thật. Bố Quốc lên làm gì nhỉ. Chắc không chỉ để đưa anh Thành lên rồi. Anh Thành đã hơn ba mươi tuổi, lại không phải người không có học, cho dù là chưa từng lên Bắc Kinh cũng không đến nỗi phải có người đưa đi. Thêm một người lên là tiêu thêm chút tiền, mà gia đình Quốc lúc này thì đúng là đang cần tiền thật. Bố Quốc tới chắc là có việc, thế nên phải cảnh giác cao độ. Ông bố chồng này tuyệt đối không phải là người không có việc vẫn cứ đến đâu. Mà bố có chuyện gì nhỉ? Về mặt nào nhỉ? Liệu Tây có hoàn thành được không đây? Bố không lên vì chuyện Tây không chịu sinh cho bố cháu đích tôn đấy chứ? Sau đó, Tây gọi điện cho Hàng thông báo là anh Thành đã lên, dặn Hàng nhớ làm tốt việc giới thiệu sắp xếp công việc. Trong điện thoại, thái độ của Hàng lạnh tanh nhưng vẫn đồng ý. Đồng ý là tốt rồi, còn thái độ thế nào Tây chẳng buồn quan tâm.
Lần này bố Quốc lên thực sự không có chủ định nào khác, thực sự chỉ là để dẫn con trai lên thành phố mà thôi. Nói chính xác thì không phải là “dẫn”, mà là để xem gia đình Tây sắp xếp mọi thứ như thế nào cho cậu con trai cả của mình. Ông không tin Quốc, Quốc rất e dè trước mặt vợ và mẹ vợ. Con trai cả thì không hay nói, gặp chuyện gì cũng không đấu tranh, dù được sắp xếp không vừa ý cũng chỉ chịu đựng một mình. Con trai cả chính là nối đau lớn nhất của ông. Năm đó, trên cầu Thiên Kiều, con dâu đã nói một câu khiến ông vô cùng đau lòng, nhưng lại rất đúng. “Bố nên tự thấy xấu hổ vì không thể chu cấp cho anh ý ăn học chứ.” Ông không chỉ xấu hổ vì không nuôi con ăn học được, mà còn xấu hổ vì mấy năm để nuôi Quốc ăn học, Thành đã phải vất vả chịu khổ cùng ông, đến tận bây giờ con chưa xây được nhà nữa. Thế nên đến phút cuối cùng ông quyết định đích thân đưa con trai lên Bắc Kinh, nếu xảy ra chuyện gì ông còn có thể ra mặt giải quyết, tranh cãi cho con trai.