Thợ Sửa Giày

Chương 110: 110: Xem Triển Lãm Tranh Hoàn Thành Phần Chính

Trước Sau

break
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.


2 năm sau.
Mùa Thu vàng.
“Kính thưa quý vị khán giả và các bạn, chào cả nhà!
“Quý vị và các bạn đang xem chương trình “Tiếp xúc toàn diện với Dung Thành”.
“Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tới thăm khu tập thể cũ của xưởng máy móc ở vành đai Hai.

Tại đây, người dân đang tổ chức một cuộc triển lãm tranh lộ thiên hoàn toàn mới, chúng ta cùng tới gần quan sát nhé!
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, triển lãm tranh lần này là một hoạt động công ích do tổ dân phố và khu tập thể của xưởng máy móc cùng chung tay tổ chức.

Hoạt động này sẽ được sử dụng với mục đích tuyên truyền cho ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới sắp tới.

Đồng thời, một số bức tranh trong triển lãm lần này cũng sẽ được mở bán.

Số tiền thu về sẽ được dùng để quyên góp, trở thành quỹ của khu tập thể, nhằm điều trị và giúp đỡ những bệnh nhân cao tuổi và nhi đồng mắc các bệnh tâm lý tâm thần.
“Đầu tiên, chúng tôi xin được mời bác sĩ Chu, đại diện cho phòng khám từ thiện của khu tập thể, và tổ trưởng Hách từ tổ dân phố, tới giới thiệu sơ qua nguyên nhân tổ chức hoạt động này! Bác sĩ Chu, tổ trưởng Hách, chào hai anh chị.”
“Chào đồng chí phóng viên, chào quý vị và các bạn đang theo dõi trước TV!”
“Bác sĩ Chu, bác có thể giới thiệu sơ qua cho chúng tôi được biết, “ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới” là gì được không ạ?”
“Vâng.

Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới thực chất là một chiến dịch quảng bá toàn cầu, được phát động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng và tính cấp thiết của sức khỏe tâm thần, đồng thời phổ biến kiến thức về sức khỏe tâm thần.
“Mọi người thường nghĩ các vấn đề về sức khỏe tâm thần rất xa vời với bản thân, nhưng trên thực tế, hiện nay trên thế giới có gần 1 tỷ người mắc rối loạn tâm thần, cứ 40 giây lại có một người tự tử.

Các rối loạn tâm thần mà chúng ta đang nói đến ở đây không chỉ là những hội chứng phức tạp như tâm thần phân liệt, mà còn bao gồm những chứng bệnh đang ngày một xuất hiện nhiều hơn ở người hiện đại như: tăng động giảm chú ý, trầm cảm, tự kỷ, lo âu và các bệnh tâm thần khác.

Có thể mọi người chưa biết rằng, chỉ riêng nước ta đã có hơn 95 triệu người mắc bệnh trầm cảm.”
“Trời ơi! Nhiều thế cơ ạ?”
“Đúng vậy, rất nhiều rối loạn tâm thần không được phát hiện hoặc không được coi trọng ở giai đoạn nhẹ.

Bản thân bệnh nhân hoặc người nhà của họ thường nghĩ rằng đây chỉ là tâm trạng không tốt hoặc vấn đề về cảm xúc.

Nhưng nếu không được quan tâm và can thiệp kịp thời, rất có thể các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn, cuối cùng dẫn đến tình trạng không thể cứu vãn được.”
“Vậy phải làm thế nào mới có thể phòng ngừa trước, phát hiện từ sớm ạ?”
“Lần này chúng tôi đã biên soạn một cuốn tài liệu tuyên truyền kiến ​​thức về bệnh tâm lý.

Trong đó, chúng tôi có ghi chép nhiều chứng bệnh tâm thần phổ biến và thường thấy.

Sách được phát ở đầu các phố, hoan nghênh công chúng đến lấy.

Rất nhiều bệnh có biểu hiện từ giai đoạn thơ ấu hoặc dậy thì, mong các bậc phụ huynh lưu ý, đồng thời cũng mong mọi người có hiểu biết khách quan về một số bệnh thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi, đừng giấu bệnh sợ thầy.”
“Vâng, cảm ơn bác sĩ Chu đã phổ cập cho chúng tôi! Tôi cũng muốn hỏi tổ trưởng Hách thay các khán giả, khu tập thể mình đã nghĩ ra việc triển khai hoạt động này như thế nào ạ?”
“Thật ra ấy mà, khu tập thể chúng tôi cũng có khá nhiều thanh thiếu niên và người cao tuổi.

Sống chung thì khó tránh được va chạm, chúng tôi mong rằng ngoài việc để ý chuyện cơm áo gạo tiền, mọi người cũng có thêm hiểu biết về sức khỏe tâm lý tâm thần.

Như thế, môi trường sống của gia đình mình cũng ngày một tốt hơn!”
“Đúng vậy, chị nói rất có lý ạ.”
“Lại nói tiếp, hoạt động lần này là do một thương gia 5 Tốt của khu tôi đề xuất.

Bình thường cậu ấy đã rất giàu lòng bác ái, tích cực tham gia các hoạt động của khu phố.


Tuy thân thể tàn tật, nhưng cậu ấy vẫn dựa vào đôi tay mình, kinh doanh một cửa hàng sửa giày rất phát đạt.

Những gia đình quanh khu này, chẳng có ai là không bội phục tay nghề của cậu ấy!”
“Đúng đúng đúng, Lão Nhiếp sửa giày đấy!”
Trong lúc ống kính đang quay cảnh phóng viên phỏng vấn tổ trưởng Hách, một người qua đường tình cờ đi ngang qua chỗ họ.

Người qua đường nọ mặc quần cộc, chắp tay sau lưng xách đồ ăn như đang đi dạo.

Anh ta nghe tổ trưởng Hách nói thế, lập tức hớn hở giơ ngón cái với ống kính.
“Đúng đúng, Tiểu Nhiếp tốt lắm!”
Người Dung Thành vốn thích hóng hớt.

Lúc này, giữa đám đông đang vây quanh nghe lén, một cụ ông chống gậy lên tiếng, cụ chỉ đôi giày vải dưới chân, “Năm kia ông nhờ thằng bé sửa cho, nó chỉ lấy của ông 2 tệ.

Nhìn mà xem, giờ ông vẫn đeo được đây này!”
“Xem ra thương gia 5 tốt này của chúng ta rất đáng được nhận lời khen “5 tốt” đây!”
Nữ phóng viên thấy mọi người lạc đề, thì vội vàng lên tiếng, “Nhưng tổ trưởng Hách ơi, theo như lời mọi người, thì anh ấy làm nghề sửa giày, sao lại đề nghị làm… triển lãm tranh ạ?”
“À, chuyện đấy à, đó là vì trong tiệm cậu ấy có một nhân viên thích vẽ tranh, tên là Lâm Tri.

Cậu ấy cũng chính là tác giả của tất cả những bức tranh trong triển lãm lần này của chúng tôi.
“Lâm Tri gặp khó khăn trong việc nhận biết chữ viết từ lúc mới sinh, gọi là chứng khó đọc.” Sau khi biết bệnh tình của Lâm Tri, tổ trưởng Hách cũng đã tìm hiểu rất nhiều, nên lúc này trình bày vô cùng mạch lạc rõ ràng, “Những người mắc chứng bệnh này thường sẽ gặp khó khăn trong việc nhận biết chữ viết, đọc chậm, v.v.

Nhưng đấy không phải là tại họ ngốc, mà chỉ là thế giới trong mắt họ khác với thế giới trong mắt chúng ta.

Những chữ cái mà họ thấy có thể mờ nhòe, chồng lên nhau, thiếu Thiên Bàng, lộn xộn, thậm chí còn bị lật ngược lại.”
“Giống như đang nhìn một đống nòng nọc lộn xộn ạ?”
“Đúng vậy, thật ra trí tuệ của họ không có bất kỳ vấn đề nào cả, thậm chí một số còn có chỉ số thông minh cao hơn người thường.

Như Picasso, Edison, Da Vinci, hay những người đương thời kiểu Spielberg, Steve Jobs vậy, họ đều mắc rối loạn học tập khó đọc.”
“Toàn là những người tiếng tăm lừng lẫy đấy nhỉ!”
“Đúng vậy, nên xin các bậc phụ huynh đừng thấy con mình có biểu hiện lạ thường là áp đặt cách giáo dục bằng roi vọt ngay.

Đôi lúc, có lẽ con trẻ cũng đang chìm trong hoang mang và đau khổ, cần sự quan tâm và giúp đỡ của chúng ta!”
Trước khi tổ chức triển lãm tranh, tổ trưởng Hách còn cố ý đến nói chuyện với Nhiếp Chấn Hoành về bệnh tình của Lâm Tri.
Chị không biết mình nói khơi khơi bệnh tình của Lâm Tri ra như thế thì liệu có ảnh hưởng gì đến cuộc đời hai người không.

Dù gì mấy năm nay chị cũng qua sát Lâm Tri nhiều rồi, thực lòng chị rất quý cậu trai trẻ kiệm lời này, chị không muốn cậu bị người ta gièm pha vì chuyện ấy.
Nhiếp Chấn Hoành còn chưa mở miệng, Lâm Tri đã lên tiếng trước.
Cậu trả lời không thành vấn đề.
Nếu có thể khiến nhiều người biết rằng đây là bệnh, có thể chữa trị được, thì ấy là chuyện tốt.
Còn Nhiếp Chấn Hoành thì từ đầu đến cuối không hề quyết định thay Lâm Tri bất cứ điều gì.

Anh chỉ xác nhận lại tất cả công tác sắp xếp và chuẩn bị cho triển lãm từ trước với tổ trưởng Hách, rồi giao sân khấu huy hoàng cho cậu họa sĩ trẻ.
“Lâm Tri rất có tài vẽ tranh, bình thường cậu ấy hay cầm bảng vẽ bôi trét, bà con xóm giềng chúng tôi đều biết cả.” Tổ trưởng Hách chuyển đề tài về cuộc triển lãm, giới thiệu với phóng viên, “Tranh cậu ấy vẽ không khó hiểu, vừa đẹp lại vừa gần gũi.

Nhiều cửa tiệm trong khu tập thể chúng tôi treo tranh của cậu ấy lắm, ai cũng ưng vô cùng!”
“Ồ? Xem ra chàng họa sĩ của chúng ta không theo trường phái trừu tượng nhỉ.” Nữ phóng viên cố trưng vẻ mặt tò mò ra, “Vậy phong cách tác phẩm của anh ấy là gì? Sao lại được nhiều người yêu thích như thế ạ?”
“Lát nữa các cô cậu có thể tự chiêm ngưỡng nhé.”

Tổ trưởng Hách cười úp mở, “Cũng hoan nghênh quý khán giả và bạn bè trước TV đến thăm khu tập thể chúng tôi nếu rảnh rỗi, tiện thể quan sát, thăm thú chơi! Khu tập thể chỗ tôi xây được 20-30 năm rồi, ăn nhậu chơi bời, chẳng thiếu thứ gì, hàng quán ở đây đều là hiệu lâu đời cả nhé!”
“Ha ha, xem ra khu tập thể nhà mình đúng là nhỏ mà có võ đấy nhỉ!”
Nữ phóng viên bất ngờ bị tổ trưởng Hách quảng cáo chùa, vội cười ra hiệu cho người quay phim chuyển ống kính qua chỗ khác, “Đi thôi, giờ chúng tôi xin đưa các bạn đi chiêm ngưỡng tỉ mỉ triển lãm tranh lộ thiên đặc biệt này xem rốt cuộc nó là thế nào nhé!”
Ống kính lia đi, hình ảnh trên màn hình dần chuyển thành một con phố không quá dài nhưng lại râm ran tiếng người và vô cùng náo nhiệt.
Người đông san sát, có phụ nữ bế con, có bà cụ xách làn, có lũ nhóc tỳ ăn kẹo, có những cặp tình nhân đương giơ máy quay,… Mọi người hoặc nghỉ chân hoặc cất bước, có kẻ đang say mê thưởng thức hội hỏa, có người lại mua thức ăn dạo phố, tán gẫu làm vui.
Còn ở hai bên phố, những cây long não cao ngất, cành chắc tán dày vẫn bừng bừng sức sống, xanh mướt một màu trong tiết trời Thu.

Chúng trải thành một hàng từ đầu đường đến cuối hẻm.

Những mảng xanh um tùm xen kẽ với trời xanh nắng vàng, bao trọn toàn bộ khu tập thể trong một khoảng không dịu dàng.
Dưới bóng râm, những cửa hàng nhỏ tràn ngập hương vị phố phường đang lặng yên đứng đó.
Tiệm cắt tóc, cửa hàng may, hiệu kim khí, quán quà sáng, nhà chăn bông, hàng mỳ sợi, tiệm sửa giày… Mặt tiền của mỗi cửa hàng không rộng lắm, nhưng hàng hóa lại phong phú, giá cả phải chăng.
Chẳng qua lúc này chủ của nhiều hàng quán đã bặt tăm bặt tích, chỉ để quán mở vậy thôi.

Dân cư lâu đời quen thuộc với khu này chỉ cần quan sát con phố, là dễ dàng tìm được những tiểu thương ấy đang ở đâu ——
Họ đều đang xem triển lãm tranh đấy!
Dưới hàng cây long não, những bức tranh lồng khu gỗ được treo trên cành cây.

Bức họa vẽ bằng màu nước và màu acrylic trông sặc sỡ hơn hẳn thân cây màu nâu, nhưng chúng lại hòa hợp với nhau một cách diệu kỳ, chẳng hề lạc quẻ tẹo nào.
Như thể những màu sắc ấy được sinh ra từ cây, tựa như một loài hoa khác, đang nở rộ trên con đường ngập sắc Thu.
Lão Chu chủ sạp trái cây đang đứng kế một cây đại thụ trong số đó, nhe hàm răng đen nhẻm vì hút nhiều thuốc, giới thiệu bức tranh hồng phấn cạnh mình với những người qua đường đi ngang bác ta.
“Bác thấy không! Đào mật nhà tôi đấy! Ui chao, bức tranh này sinh động quá, đúng mùa là đào mọng nước cực kỳ, quả nào quả nấy đều dày cùi, vỏ thì trượt ngón tay thôi là trớt ra rồi!
“Ôi, còn bức này nữa,” Bác ta lại trỏ về phía bức màu cam ở cây khác, “Một sọt quýt bệt đít! Ngọt lịm! Sang Xuân các bác cứ qua đây mua, tôi nhập hàng thẳng từ vườn trái cây về cả đấy, đảm bảo ngon luôn!”
Quần chúng xung quanh cũng đâm thèm vì lời bác ta nói, “Bác chủ ơi, bác tả lắm thế, nhưng mùa này bác có bán đâu!”
“Hề hề, cũng phải.” Lão Chu gãi đầu.

Con dâu bác ta vội vàng hô to từ cửa hàng đằng sau, “Không có mấy quả đó, nhưng trái cây tươi ngon khác vẫn còn mà! Táo, bưởi, kiwi, cam hoàng đế mới cả hồng nữa! Nào nào nào, bà con qua nếm thử đi, ăn dở nhà em không lấy tiền ạ!”
Cảnh tượng như thế cũng xuất hiện ở nhiều góc khác của con phố.

Nhưng cũng có vài người không định kiếm tiền, chỉ treo mã QR để thanh toán ngoài tiệm mình, bản thân thì nhân cơ hội này đi chiêm ngưỡng triển lãm tranh, thưởng thức vị ngọt của cuộc sống ——
Nhiệt Hợp Mạn một tay bế con gái, tay kia dắt vợ, đang đứng trước một quầy xiên chiên chờ xiên bánh rán chín tới;

Trương Thúy Phương và Vương Kim Bảo thì nghiêm túc đọc sổ tay tuyên truyền sức khỏe tâm thần.

Thằng cu con đứng đập bóng trước cửa hàng, nhưng Trương Thúy Phương không gào thét dạy bảo nó như mọi hôm;
Bà Cam chống gậy ngồi trước cửa tiệm may vá, cười tủm tỉm nhìn bé Khả Khả cháu gái mình vui vẻ nhảy nhót trước những bức tranh;
Tôn Mạn Cầm mặc bộ váy liền mình tự may, khoan thai bước đi trên đường.

Còn bên cạnh dì, là Trương Hưng Toàn cun cút theo đuôi, đang cười ngờ nghệch tặng cho dì một đóa hoa chẳng rõ vặt ở xó nào.
Còn một số bạn bè cũ của Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri nữa, cũng đang dạo bước trong triển lãm.

Chẳng qua so với những chuyện đời đã được ghi lại thành tranh vẽ, thì cuộc sống thường nhật của họ có thể coi như những bức họa sinh động theo màu sắc khác——
Phan Tri Nhạc lại đeo giày múa vào, chạy ra từ tiệm cắt tóc của mẹ, rồi lén lút lách vào cửa hông của quán đồ ăn sáng đối diện;
Uông Tiểu Quân đã giảm béo thành công nhờ luyện tập, vui tươi hớn hở móc một chiếc bánh bao còn nóng hổi ra từ ngực áo, ôm trong tay, đưa cho cô bé mặt mày tươi tắn;
Hà Khiêm vẫn đeo cặp mắt kính hào hoa phong nhã đưa ekip của mình đến, đang giơ máy ảnh chụp khắp nơi, mắt sáng như sao, có vẻ lại nảy ra linh cảm mới rồi;
Cặp đôi Đỗ Tử Vân và Thượng Hách Giai hay cãi cọ chẳng rõ đã trở thành chị em tốt từ bao giờ.


Hai cô nhóc mặc bộ quần áo rất có nét truyền thống riêng của dân tộc, vui sướng đi lại giữa con mắt người đời;
Cao Hải dìu Văn Nguyệt thật cẩn thận, người phụ nữ thanh tú thì đỡ cái bụng bầu to tròn, từ tốn tản bộ trên phố với chồng;
Người đàn ông cao lớn vạm vỡ mặc áo khoác bảo vệ, xách một túi hoa quả to.

Đứng kế anh, là một chàng trai mặt tươi roi rói đang ríu rít nói chuyện.

Cậu đương bóc một quả cam, cậu đút một múi cho người đàn ông, rồi lại nhét một múi vào mõm chú chó đen to cộ đang ngoe nguẩy đuôi bên cạnh mình…
Cùng lúc đó, còn có một người phụ nữ mặc váy đỏ bước xuống từ taxi, đi về phía con phố theo chỉ dẫn trên di động.
Chị thoa son đỏ đi giày cao gót, rất có khí chất riêng, hơi lạc lõng giữa không khí phố phường bình dị của khu tập thể cũ.

Nhưng tới lúc đảo mắt qua những bức họa, sắc mặt chị dần chuyển từ thờ ơ qua nghiêm túc rồi rung động.

Sau khi đã dạo hết cả triển lãm tranh với ánh mắt ngập tràn hứng thú, người phụ nữ hào phóng lựa mua mấy bức họa.

Lúc chị mở ví ra, tấm danh thiếp đại lý gallery chợt trượt xuống từ khe hở, trùng hợp thay lại rơi ngay bên khung tranh có chữ ký của Lâm Tri.
Ống kính máy quay lướt qua vài gương mặt, cuối cùng, dừng lại ở một cửa hiệu tên là “Tiệm giày Họ Nhiếp”.
Ở nơi đó, có hai người.

Một người trong số ấy, là nhân vật chính của buổi triển lãm hôm nay.
Ở chỗ sáng sủa nhất bên cánh cửa, là một chiếc ghế có thể ngả ra để nằm.

Lúc này, chẳng có ai ngồi trên ghế cả, nhưng trên giá đóng đinh trước mặt nó, một chiếc giày lộn ngược vẫn treo sẵn ở đấy, có vẻ là đang được sửa chữa đánh bóng lại.
Cách chiếc ghế ngả không xa, là một cái giá gỗ cao bằng nửa người.

Cửa sau đang mở nhìn thẳng vào giá vẽ bằng gỗ.

Ánh nắng ấm áp rọi từ khung cửa lên mặt giấy, đồng thời cũng soi sáng chàng trai tuấn tú ngồi bên cạnh.
Chàng trai lặng thinh, tựa như không hề bị những âm thanh ồn ã bên ngoài quấy nhiễu.

Nhưng cậu cũng không bỏ lơ cảnh sắc ngoài kia, mà chốc chốc lại liếc lên, rồi mới nâng bút, phác họa vào trang giấy.
Gương mặt cậu lạnh nhạt, khóe miệng hơi mím, thoạt trông có vẻ khó gần.

Nhưng mỗi lần cậu ngước mắt nhìn ra ngoài, mắt cậu lại lóe lên tia sáng sinh động.

Như thể ánh nắng đẹp tươi chiếu lên mặt hồ, làm gợn sóng li ti tỏa sáng lấp lánh.
Sạch sẽ, mà lại rạng ngời xinh tươi.
Một lát sau, chủ nhân của chiếc ghế ngả bước ra từ góc khuất của cửa hàng.

Người đàn ông cầm một đĩa hoa quả, đưa tới trước mặt chàng họa sĩ.
Anh thợ sửa giày đeo tạp dề da thân hình cao lớn, có điều anh bước đi hơi chậm hơn người thường.

Quan sát kỹ những bước chân của anh, người ta sẽ phát hiện chân trái hơi cà nhắc hơn so với chân phải, nhưng đã gần như không nhận ra sự khác biệt nữa rồi.
Anh thân mật đưa đĩa tới trước mặt họa sĩ trẻ tuổi.

Còn chàng trai đang nghiêm túc vẽ tranh thấy thế thì lập tức buông cây bút trong tay xuống, nhón một quả xanh bỏ vào miệng.
Quả nho xanh ngọc rất to, chỉ hai ba quả mà má chàng trai đã phình ra, khiến gương mặt thanh tú của cậu lập tức trở nên tròn trĩnh đáng yêu.

Có vẻ cậu cảm thấy nho ngon, nên sau khi nhấm nuốt mấy lần, cậu lại cầm một quả lên, kề nó ngay cạnh miệng người đàn ông.
Bấy giờ, hình như họ rốt cuộc cũng phát hiện ra sự tồn tại của máy quay bên ngoài.
Người đàn ông hơi ngạc nhiên, nhưng cũng không tỏ vẻ khó chịu là bao.

Anh chỉ thản nhiên ăn quả nho chàng trai đang cầm, sau đó thì thầm mấy câu với chàng họa sĩ bên cạnh mình.
Sau đó hai người cùng ngẩng đầu lên.
Vai tựa vai, đầu gối đầu.
Họ cùng nhìn về phía ống kính, nhìn về phía vô số người bên ngoài ống kính đang ngắm hình ảnh và đọc đoạn văn này, nở nụ cười tự nhiên và ngập tràn hạnh phúc.
【END】
Cảm nghĩ kết thúc của tác giả:

“Thợ sửa giày” bắt đầu vào một ngày bình thường ở khu tập thể cũ, cũng hạ màn vào một ngày bình thường khác.
Trước khi gặp được Chít Chít, Lão Nhiếp tàn tật thân thể, sự nghiệp đổ vỡ, đã mất đi ý chí phấn đấu, sống mơ màng hồ đồ.

Trước khi gặp được anh Hoành, Lâm Tri khuyết tật tâm lý, vừa mất đi người thân yêu nhất, cũng không có phương hướng đời mình.
Hai người đều từng bị tổn thương, rồi lại dần chữa lành cho nhau trong quá trình đến gần nhau, vô thức trở thành chỗ dựa của nhau.
Tôi muốn viết một chuyện tình đơn giản về hai người bình thường có khiếm khuyết như thế.
Thật vui làm sao, viết từ mùa Xuân đến đầu Đông, từ tiết Kinh Trập đến tiết Tiểu Tuyết, đặt một dấu chấm viên mãn cho câu chuyện này vào ngày hôm nay.
Quá trình viết áng văn này quả thực khá bình yên thoải mái, không bị mắc hay rối rắm quá nhiều.

Mỗi ngày tan làm về nhà, nấu cơm xong, rót một cốc nước ngồi trước máy tính, câu chuyện của họ cứ trào ra từ đầu ngón tay xuống bàn phím rất đỗi tự nhiên vậy thôi.
Tôi nghĩ đây có lẽ là mãnh lực của Lão Nhiếp và Chít Chít đó (cười).
Những độc giả đã từng đọc những tác phẩm trước đây của tôi hẳn đã biết, truyện của tôi drama ngập trời, mặn mòi khủng khiếp, cua hơi bị gắt, về cơ bản chả thấy phê pha sung sướng ở đâu (?).

Quyển này kiểu slice of life nhẹ nhàng bình thường ý, bản thân tôi cũng thật sự không ngờ mình lại vô thức viết được nhiều vậy luôn.

Thậm chí viết xong tôi còn lật lại rồi nghĩ bụng, vãi bro, sao tự dưng thấy hình như mình cũng chưa viết được gì luôn á? Ha ha! Đây có lẽ cũng là đặc trưng của Nha Nha đấy nhỉ?
Cũng chính bởi thế, nên tôi cực kỳ quý trọng và biết ơn mọi người luôn sát cánh bên tôi.

Nếu không có các bạn theo từng chương truyện, cổ vũ rồi comment, chắc là tôi cũng rất khó kiên trì ra chương liên tục cho đến khi hết truyện.
Có lẽ các bạn cũng khó lòng biết được mấy câu, thậm chí là mấy chữ các bạn nhắn lại sau khi đọc xong truyện, lại là nguồn động lực lớn lao và tích cực đến thế nào với những người ở màn hình bên kia đâu.

Nhưng xin bạn hãy cứ tin, rằng với một tác giả nhỏ bé viết vì đam mê như tôi, đó quả thực là món quà tốt đẹp không gì sánh bằng.
Về kết cục, thật ra ý tưởng ban đầu của tôi khác thế này cơ.

Vốn mấy chương trước kết luôn cũng được rồi, nhưng ngoài Lão Nhiếp và Chít Chít, tôi còn muốn cho mọi người gặp lại những người khác trong khu tập thể cũ, những cư dân và tiểu thương vừa đáng yêu vừa ấm áp khác nữa.
Họ cũng trải qua những ngày tháng bình thường, cãi nhau ầm ĩ, chuyện nhà linh tinh.

Có lẽ họ cũng chẳng có mấy chuyện đáng để ghi chép lại, nhưng đời họ vẫn có chua ngọt đắng cay, có giao thoa với những mảnh đời khác nhau, có những khoảnh khắc vui vẻ thuộc về riêng mình… Tôi nghĩ, cũng giống Lão Nhiếp và Chít Chít vậy, họ cũng đang tồn tại trong một góc nào đó của nhân gian.
Về sức khỏe của Lão Nhiếp và bệnh của Chít Chít, trước khi viết tôi có tham vấn những người chuyên nghiệp trong nghề đó, nhưng dù gì truyện này có phải truyện để giảng dạy đâu, nên có sai phạm thì xin bạn đọc thứ lỗi cho.

Trong truyện tôi cũng không mô tả quá nhiều đâu, vì tôi cảm thấy thật ra họ cũng chẳng khác gì những người bình thường cả.

Làm gì có ai hoàn hảo, tình cảnh của Lão Nhiếp và Chít Chít chỉ đặc thù hơn một tẹo thôi.

Trong quá trình làm quen, tìm hiểu nhau, yêu nhau, họ chấp nhận khuyết điểm của nhau, càng tròn vẹn hơn nhờ có nửa kia.
Có lẽ đây chính là sức hút của từ “yêu” này.
Nếu bạn đọc cuốn tiểu thuyết này, nếu sau khi đọc xong, mà bạn cảm nhận được chút ấm áp, vẫn chờ mong vào sự tồn tại của những điều tốt đẹp và tình yêu, thì tôi nghĩ rằng, đối với tôi, đấy chính là sự thỏa mãn và thành tựu rất lớn.
Được rồi, nói lung tung lắm quá.

Có lẽ bình thường nín không nói, nên mọi người chịu khó chịu đựng cho tôi lảm nhảm một lần này nhé (cười).

Tháng tới có lẽ tôi sẽ viết hết mấy ngoại truyện sau khi hết truyện, nghỉ ngơi một chút, rồi lại bắt tay vào truyện mới.
Truyện mới có khi vẫn ở khu tập thể cũ, hoặc là ở công trường, hay góc nhỏ của một thành phố nào khác (Đúng vậy, tui chưa nghĩ ra đó =v=).

Chắc sẽ là kiểu công ít tuổi hơn á? Hoặc các bạn muốn đọc gì thì cứ nói cho tôi nhe ~
Hiện giờ tôi chưa có ý định ký hợp đồng gì hết, nên tiện viết ở đâu thì cứ viết thôi.

Có thể follow tôi trên Trường Bội, FW hoặc Weibo @Nha Đậu để tìm hiểu thông tin về truyện mới nha.

Mà truyện free hết đó, mọi người chớ tiêu tiền lung tung.
Dù sao chăng nữa, hãy cố gắng kiếm tiền, làm việc nghiêm túc, sống thật vui vẻ, giữ gìn sức khỏe.

Rồi tiêu tiền cho bản thân, dù là để mình tự vui hay là để phát triển bản thân, thì đều ok cả!
Vậy thôi ha.
Nếu bạn cảm thấy truyện ngày cũng được, có thể khiến bạn vui vẻ chốc lát, dù bạn cày từng chương, down file txt, hay là đọc lậu, thì tôi đều mong bạn có thể để lại dấu chân, để tôi cũng thu hoạch được chút niềm vui!
Giang hồ đường xa, ngày sau còn tái ngộ, có duyên xin hẹn gặp lại nhau..


break
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
(Cao H)Câu Dẫn Cầm Thú Giáo Sư Nhà Bên
Ngôn tình Sắc, Sủng, HIện Đại
Cô Nàng Livestream Web Người Lớn
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc