Ý tôi quá rõ ràng, tôi kiến nghị thôi thì sát hại luôn Lý San.
Đạm Ngọc rõ ràng đã bị tôi dọa cho chết khiếp, nhưng nàng cố trấn tĩnh, nghiêm túc nói:
- Anh đừng có mà quẫn quá rồi làm cái việc ngu ngốc ấy không khéo lại liên lụy đến em! – Ha ha, anh chả nói rồi đấy thôi, anh đến để bàn bạc với em mà! Ha ha, em tưởng thật hả?
Lúc đó tôi không nhịn được, phá lên cười, thoáng chốc trở về bản tính vô tư vốn có. Tôi nhăn nhở:
- Em bình thường toàn bảo anh nhu nhược yếu đuối, không làm được việc lớn, sao hả, anh đóng vai sát thủ tốt đấy chứ!?
Đạm Ngọc lườm tôi một cái:
- Bây giờ là lúc nào rồi mà anh vẫn còn đùa được!
- Là anh thấy cuộc sống hàng ngày của em quá nhiều áp lực, nên mới đùa một tí, thay đổi không khí. Em xem, em bây giờ đi, hồi trước ở với anh chẳng phải cả ngày vui vẻ sao?
Nói đến đây, tôi chợt nhớ về những ngày sống bên Đạm Ngọc hồi trước, giọng tôi bỗng trở nên ân cần hơn. Đạm Ngọc cũng lặng đi, không chịu nhìn tôi, nàng đưa mắt ra phía khác.
Nàng cứ trốn tránh như vậy làm tôi thấy buồn ghê gớm.
- Nói thật đấy, thôi thì chúng ta về với nhau đi! – Tôi nói.
Câu này hồi trước tôi đã nói rồi. Lúc đó nói ra xong, hai chúng tôi đều cảm thấy vui sướng, ở một nơi xa lạ bỗng tìm được một chỗ dựa là điều vô cùng quý giá. Nhưng lúc này nói ra câu đó, chẳng thể tránh khỏi giống như một lời cầu xin thảm hại.
Thật ra lòng tôi biết rõ Đạm Ngọc sẽ lựa chọn bên nào nhưng tôi vẫn cứ nói ra. Vứt bỏ lòng tự tôn của đàn ông, tôi nguyện cúi đầu trước sự cao quý của tình yêu.
Đạm Ngọc có vẻ không ngờ tôi chuyển chủ đề nhanh đến thế, nàng lặng đi hồi lâu. Rồi tránh ánh mắt của tôi, nàng lập tức có ngay câu trả lời:
- Anh đùa kiểu gì thế? Thật là… chẳng lẽ lúc này rồi mà anh vẫn còn mong đợi em quay về cuộc sống “chồng đi cày vợ dệt vải” với anh sao?
- Chồng đi cày vợ dệt vải thì có gì không tốt đâu?!
Tôi hơi cuống, lao tới túm lấy Đạm Ngọc, gắng sức ôm chặt nàng vào lòng, miệng lắp bắp:
- Làm một nhân viên bình thường, sống cuộc sống đầy tình thương yêu có gì không tốt? Đời này không có được nhà cao cửa rộng, sơn hào hải vị, quần là áo lượt em không chịu nổi sao? Em không tận dụng tối đa cái nhan sắc cha mẹ em ban cho là em cảm thấy lãng phí lắm sao? Anh nói em sẽ thấy buồn cười, em bảo anh ấu trĩ, nhưng anh thật sự nghĩ như thế. Chỉ cần em ở bên anh, ngày ngày ăn canh đầu tôm nấu với ruột bầu anh cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc!
Tôi gắng thử thuyết phục nàng lần cuối, Đạm Ngọc thì ra sức giãy giụa trong vòng ôm của tôi, miệng nàng không ngừng phản đối:
- Không thích, không thích, không thích! Anh đừng cố thay đổi em làm gì! Đừng tưởng anh và em đã từng có tình cảm với nhau là anh có thể thay đổi được em đâu! Đấy là giấc mơ của em từ thuở bé, đã trở thành thâm căn cố đế rồi, anh làm sao mà hiểu được? Có người mãi chạy theo tình yêu, mất người yêu liền đi tự tử. Nhưng cũng có người chẳng thích đuổi theo những trò phù phiếm đó! Mẹ em suốt đời ở bên bố, hồi đó hai người cũng yêu nhau bất cần sống chết, thế nhưng mười năm sau thì sao? Khi mẹ em thành già cả rồi bố liền quay ngay về lối sống trăng gió ngày trước thì sao? Mẹ em cũng thay đổi, giống như tất cả những người phụ nữ hận chồng khác, bà quay sang dồn hết những oán giận của hôn nhân vào đứa con kết tinh tình yêu của mình… Anh liệu có tin vào tình yêu của họ hồi đó, tin vào những lời thề non hẹn biển nữa hay không? Cho nên, xin anh, đừng tỏ ra như thể mình là Chúa Cứu Thế nữa, cứ như là anh đang cố cứu lấy một kẻ xa rời cái đẹp, trốn chạy tình yêu vậy. Thật ra anh chỉ là một kẻ ngốc nghếch, chẳng hiểu gì hết! Em bảo là anh ấu trĩ là bởi vì anh chẳng tưởng tượng nổi đến ngày này ba mươi năm sau!
Cuối cùng thì Đạm Ngọc cũng đã nói ra, đối với tôi, đối với cái xã hội này, đối với cha nàng, đối với tình yêu từ tận đáy lòng nàng.
Nàng hét xong những lời đó, tôi lặng người, nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Đạm Ngọc, nhìn cô gái mới hai mươi hai tuổi nhưng dường như đã thành thạo lõi đời. Nàng dùng cái tuổi thanh xuân tươi đẹp của nàng để nổ lực phản đối cả xã hội.
Tôi đờ đẫn buông nàng ra, tôi hỏi chắc hẳn nàng cũng đã có một thời ngây thơ trong sáng như những cô gái khác ư.
Đạm Ngọc nhìn tôi, cúi đầu, mãi lâu sau mới trầm tĩnh đáp:
- Anh làm sao mà biết được, sự ngây thơ của tôi đã bị bố tôi vặt đi hết từ mẫu giáo rồi.
Dáng vẻ của Đạm Ngọc lúc đó thật sầu thảm. Tôi thương xót ôm nàng vào lòng, nhẹ nhàng dỗ dành như dỗ trẻ con:
- Nói ra đi em! Nói cho anh biết, em sẽ nhẹ lòng hơn đấy.
Đạm Ngọc lắc đầu:
- Em không muốn nói, em không muốn nói với bất kỳ ai cả. Bởi vì dù sao bố vẫn là bố, em không muốn con người em gọi bằng cha hơn hai mươi năm lại bị ai đó nhìn như một con thú dữ.
- Cả anh cũng không nói?
- Ừ.
- Được rồi, chỉ cần em vui là được.
Tôi không muốn ép nàng nên chỉ thở dài, quyết định nói ra những điều tôi vẫn hằng ấp ủ trong lòng bằng những lời chân thật nhất mà tôi có thể có.
- Thật ra, anh rất muốn cùng em rời khỏi nơi đây, rời khỏi Thượng hải, về Tế Nam. Sinh một đứa con, sống cùng nhau trong một ngôi nhà bên bờ sông. Hai vợ chồng ngày ngày ăn tối xong thì ra ngoài đi dạo, hóng gió sông, cuối tuần thì về thăm bố mẹ, để cho con chúng ta cảm thấy ngày nào cũng đều là Tết. Hạnh phúc thật ra rất bình thường nhưng lại sâu sắc vô hạn. Cùng anh rời khỏi nơi này được không em?
Câu cuối cùng được tôi nói ra với giọng điệu vô cùng tha thiết, đến nỗi chính tôi cũng phải cảm động.
Đạm Ngọc dần dần cũng trở nên ngoan ngoãn trong vòng tay tôi, không giãy giụa, khóc lóc nữa. Nghe tôi nói xong, nàng ngẩng lên, mở to đôi mắt trong veo long lanh, miệng lắp bắp:
- Điều đó, chỉ là giấc mơ của anh thôi. Không thể được, trong hiện thực… không thể có được! Hồi trước em cũng là một cô gái vô tư, thích thêu dệt mộng tưởng, thích mơ mộng tương lai. Nhưng sau này càng lớn lên, em càng thấy những thứ đó quá mơ hồ, mơ hồ như chiếc giày thủy tinh trong cổ tích!
Đạm Ngọc khẳng định:
- Thế nên, chúng ta phải là hai người xa lạ. Tất nhiên cũng có một lựa chọn khác, chúng ta có thể cùng hợp tác làm ăn.
Câu chuyển ngoặc bất ngờ này của Đạm Ngọc như một cú đánh tàn nhẫn vào đầu tôi. Tôi nhìn cô gái bị con quỷ tham tiền mê hoặc, tôi bảo nàng thật nhẫn tâm.
- Thật đấy, Hà Duy, có lẽ anh không thể lý giải được, em lớn lên trong môi trường đó, em không thể thay đổi những thứ đã bám rễ trong em bao nhiêu năm nay, em cũng không thể thuyết phục mình tin tưởng vào tình yêu, em… thật không biết nói thế nào cho anh hiểu.
Đạm Ngọc vẫn còn đang giải thích vẻ khổ sở thì tôi đã chẳng nói chẳng rằng đẩy nàng ra, bước về phía cửa.
Thậm chí chẳng buồn quay đầu lại nói với Đạm Ngọc một câu tạm biệt dịu dàng sâu sắc nữa.
Toàn ngụy biện!
Con người thật giỏi ngụy biện. Họ dùng cái ngôn ngữ và văn tự vừa uyển chuyển vừa sâu sắc kết tinh qua lịch sử 5000 năm đất nước Trung Hoa mà bao biện, mà cãi lý cho những hành vi sai trái của bản thân, cuối cùng làm cho tất cả mọi người tin rằng đứng kia là một con người phải gánh chịu oan ức và bất hạnh. Đối với một luật sư như tôi mà nói, cái kiểu này quả là đã nhàm mắt nhàm tai lắm rồi.
Tội cướp giật thì có thể là vì cần tiền mua sữa cho đứa con sắp chết đói, tội giết người thì có thể là vì thay trời tiêu diệt kẻ đại gian đại ác được pháp luật bảo vệ… kiểu gì thì kiểu, họ cũng có cách nói làm cho mình trở nên trắng trong như tuyết.
Nhưng tội thì vẫn là tội, pháp luật không thể yếu đuối như vậy. Bản thân là một luật sư, phương diện này tôi vẫn rõ ràng hơn hầu hết mọi người khác.
Bản thân là một người đàn ông đã từng có với Đạm Ngọc một khoảng thời gian nồng thắm, tôi cũng biết khi nàng trở thành phu nhân vị đại tỉ phú, sống cuộc sống sung sướng giàu sang, chẳng lẽ nàng lại nghĩ mình đang chịu khổ sở hay sao? Bước trên con đường về nhà, lòng tôi ngùn ngụt lửa giận.
Nhưng sự tức giận của một con người thường nguội dần theo dòng chảy thời gian. Đặc biệt là đối với người yêu.
Đạm Ngọc là người con gái tôi yêu thương, thế nên cơn giận ngùn ngụt đó của tôi chỉ hai ba ngày sau là đã hoàn toàn trôi mất. Lại thêm mấy hôm nay nhìn thấy tôi, Đạm Ngọc toàn nở nụ cười rất đáng yêu, giống như một đóa hoa rực rỡ nở bừng trước mắt.
Nàng thích ngồi khoanh chân trên ghế đi văng nhà tôi như ngày xưa, tay mân mê tập tư liệu cá nhân của ba thí sinh còn sót lại, bao gồm cả nàng. Ngày ngày, nàng say mê viết viết vẽ vẽ gì đó trên mấy tờ giấy không biết chán, tính toán, so sánh, trầm tư xem xét nghĩ ngợi xem ai nhiều khả năng chiến thắng nhất.
Có lúc tôi nhìn mà thấy chướng mắt không chịu nổi, tôi liền cố ý lượn qua lượn lại trước mặt nàng, mong rằng nàng có thể dứt ra khỏi mấy tờ giấy đó mà ý thức được sự tồn tại của tôi.
Nhưng thất bại hoàn toàn.
Tôi liền giật tập tư liệu ra khỏi tay nàng, tức giận hét lên:
- Trong đầu em chỉ toàn mấy thứ thủ đoạn này thôi đấy hả?
- Em làm vậy để tốt cho cả hai ta thôi! – Đạm Ngọc ngẩng lên, khuôn mặt đầy vẻ tội nghiệp. – Anh không cần một triệu cho Lý San sao? Nếu không tiền đồ của anh bị cô ta hủy hoại hết còn gì!
Nàng nói cũng có lý, tôi chẳng còn gì để nói, chỉ còn biết chiều theo ý nàng.
Nghiên cứu chán chê, nàng nghiêm túc bàn bạc với tôi, hỏi tôi liệu ai có khả năng chiến thắng cao nhất. Tôi bảo ba người đều tương đương nhau, tôi không thấy ai trội hơn cả.
Thế là Đạm Ngọc vò đầu bức tóc nghĩ ngợi:
- Hay là anh nghĩ ra cách gì đi, cách gì làm Tào Lợi Hồng chỉ quan tâm đến một mình em thôi ấy!
Đạm Ngọc bảo một người đàn ông như tôi nghĩ cái chuyện đó sao mà tôi nghĩ ra được. Trong đầu tôi chỉ có mỗi mấy cách kiểu tạt axit hay đầu độc bằng thuốc trừ sâu thôi. Đạm Ngọc lườm tôi, nàng chê tôi chẳng có đầu óc gì cả.
Tức giận, tôi cãi lại đầu tôi sinh ra không phải dành giúp mấy người đàn bà tranh nhau làm vợ tỉ phú.
Thế là nàng lại đau khổ vò đầu bức tai nghĩ ngợi, thật không thể nào hiểu nổi nữa.
Rồi Đạm Ngọc nói một câu làm tôi khó hiểu nhất, cũng là câu làm tôi lại một lần nữa nổi giận bừng bừng. Lúc này, suốt bao nhiêu ngày đêm mất ăn mất ngủ mà không có kết quả gì, nàng bỗng ngẩng lên nhìn tôi như một con sói ngắm chú cừu non.
Đôi mắt vừa tham lam vừa sung sướng làm tôi bỗng thấy lạnh sống lưng, sợ hết hồn. Tôi hỏi có chuyện gì.
- Hay là anh quyến rũ họ đi!
Nàng kêu lên kích động như vừa có một sáng kiến hết ý.
Tôi lặng người, cái ý tưởng mà nàng nghĩ liền hai ngày hai đêm là đẩy người đàn ông của nàng vào vòng tay kẻ khác ư?
Đối với Nhậm Đạm Ngọc lúc này, khi nàng chỉ còn một bước nữa là có thể đường hoàng bước vào vòng tay ngài tỉ phú thì tất cả những hành động, ý nghĩ của nàng lại càng trở nên xa lạ hơn bao giờ hết.
Tôi thật chẳng biết nói gì. Hình như càng thân thiết với nàng tôi lại càng thấy xa lạ.
Đôi mắt nàng cả ngày cứ nhấp nháy những kế hoạch và dự đoán, còn tình yêu của tôi với nàng thì ngày càng chất chồng đau khổ.
Tôi chợt muốn bỏ cuộc, lòng tôi không phút nào ngừng day dứt, liệu có nên tiếp tục chờ đợi hay không?
Kế hoạch của Đạm Ngọc xem ra quá hoàn hảo.
- Đợi em được gả cho họ Tào rồi, hễ Tào chết thì tất cả sẽ là của chúng mình – Nàng nói.
Cái từ “chúng mình” – đại diện cho quan hệ thân thiết đầy yêu thương của đôi tình nhân được thốt ra gọn gàng từ cái miệng xinh xẻo của nàng.
Giây phút đó tôi cảm thấy mình là con người đáng thương nhất thế gian, ngày ngày ngồi bên chân Đạm Ngọc mà chẳng dám động đậy gì.
A Lam xem thường nỗi thống khổ của tôi, cậu ta bảo một người đàn ông cần một người phụ nữ ngưỡng mộ mình, giống như Lý San đối với cậu ta vậy. A Lam cảm thấy tôi yêu quá nhu nhược, cậu ta không hiểu sao tôi vẫn chờ đợi, theo đuổi mãi cái thứ tình cảm như thế.
Nhưng cậu ta không hiểu, khi Đạm Ngọc long lanh đôi mắt trong trẻo nhìn tôi, miệng nở một nụ cười nhẹ nhàng thì ngay lập tức tôi không thể tự chủ được, hồn xiêu phách lạc, như được lên tiên.
Tôi giống như một con nghiện, tôi đã nghiện người đẹp Nhậm Đạm Ngọc mất rồi.